Showing posts with label Nguyên giác. Show all posts
Showing posts with label Nguyên giác. Show all posts

Tuesday, October 1, 2019

Viết Sách, Đọc Sách và Hội Sách

 Viết Sách, Đọc Sách và Hội Sách

Nguyên Giác

Viết là một hành vi đòi hỏi nhiều nỗ lực. Đặc biệt là khi viết về các chủ đề Phật giáo, người viết bên cạnh kiến thức uyên bác và tham khảo công phu, cũng cần có tu chứng ở một mức độ nào đó. Do vậy, tôi đặc biệt quý trọng sách, cả kinh và luận.
Từ những ngày thơ ấu, tôi đã say mê đọc sách, nghiền ngẫm sách, dò tìm ý nghĩa và ghi nhớ một số chi tiết ưa thích trong sách. Với tôi, chữ có sức mạnh riêng, có sức sống riêng, có thể tự nhảy rời trên giấy để nói về một ý trong kinh, trong luận. Tôi đã say mê đọc cả Nam Tông và Bắc Tông, say mê đọc bất kỳ trang giấy nào có dòng chữ “Một thời tôi nghe” và say mê bất kỳ những giải thích về những lời dạy đó, dù là có nhiều khi mình chẳng hiểu bao nhiêu. Rồi vậy đó, tôi lớn dần theo những trang sách, trân trọng hít thở những dòng chữ trên giấy, và nhìn thấy chữ tan trong thân tâm mình, sảng khoái như khi uống ngụm trà buổi tối, an lạc như khi cảm thọ từng hơi thở hòa vào toàn thân mình.
Viết là một hành vi mệt nhọc, đầy hy sinh, và rất trí tuệ. Khi đọc bộ sách “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” của GS Lê Mạnh Thát, tôi kinh ngạc trước những nghiên cứu phi thường khi Giáo Sư dò ra rằng dân tộc mình đã từng có chữ viết tiếng Việt từ thời Hùng Vương, và cú pháp chữ Việt cổ thời đã được người xưa sử dụng khi soạn Lục Độ Tập Kinh, và nhiều khám phá chưa từng có tương tự. Tôi hình dung rằng GS Lê Mạnh Thát đã tìm tới các ngôi chùa rất xưa cổ, chụp hình các văn bản cổ trên giấy, trên gỗ và trên đá để về nghiên cứu và viết thành những cuốn sách kinh thiên động địa như thế. Tôi đã từng ước muốn sẽ viết một bài giới thiệu bô sách đó nhưng rồi thôi, tự biết mình không đủ kiến thức để nói về một ngọn núi như thế.
Tôi tự biết mình có rất nhiều giới hạn, kém chữ Hán và không biết gì về chữ Nôm, dốt cả chữ Bắc Phạn (Sanskrit) và Nam Phạn (Pali)… Đã có lúc tôi tự nghĩ là phải học một cổ ngữ  để đọc Kinh Phật, nhưng rồi lại thôi. Bởi vì, tự nghĩ cũng như một người Mỹ học tiếng Việt mười năm, mà bảo đọc Truyện Kiều… thì sẽ chẳng tới đâu, huống là mình chẳng còn bao nhiêu năm trên cõi đời này. Trừ phi, bản thân mình là một thiên tài về ngữ học; nhưng chuyện này thì nằm mơ cũng không thấy.
Do vậy, tôi biết ơn những người đã viết sách, dịch sách. Trong đó, hình ảnh tôi có về cụ Mai Thọ Truyền là một ông cụ tóc trắng với đôi mắt tinh anh, tôi từng gặp khi còn ngồi học ở Chùa Xá Lợi. Nhiều thập niên sau, đọc Tâm Kinh Việt Giải của cụ, mới thấy cụ hiện ra không còn ở sân chùa như ký ức, mà là trên những dòng chữ đã hiển lộ sáng ngời đôi mắt của cụ soi thấu ba cõi sáu đường.
Cũng như những thắc mắc không bao giờ có cơ hội để hỏi trực tiếp người viết. Trong bản dịch Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận của Ngài Huệ Hải,  Thầy Thích Thanh Từ nhiều thập niên trước đã in là “Huệ Hải” và rồi ấn bản mấy năm gần đây in là “Tuệ Hải”… Hiển nhiên là cùng nghĩa, nhưng rất mực có tính “vùng, miền”… Có phải học trò của Thầy khi in lại đã hiệu đính cho phù hợp âm đọc người Bắc? Tôi mang ơn Thầy Thích Thanh Từ và cuốn sách này biết là bao nhiêu, cũng như nhiều sách khác của Thầy.
Và rồi một cuốn tuyệt vời mấy năm gần đây là Duy Ma Cật Sở Thuyết, do Thầy Tuệ Sỹ dịch và chú. Sách này là kinh, là văn, là thơ, là nhạc, và là tâm yếu Thiền Tông. Sách này là gậy đi đường của Bồ Tát Đạo, là bước đi của người cư sĩ trong đời ngũ trược, tuy nhìn thấy khắp thế gian chìm đắm trong bất tịnh nhưng chính trong cái được thấy, trong cái được nghe, trong cái được cảm thọ, trong cái được thấy nghe hay biết vẫn là ánh sáng cõi Phật rực rỡ. Tôi đọc và nhìn thấy hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ cao vời vợi giữa chất văn đầy thi tính, giữa các chú giải uyên bác dựa vào nhiều ngôn ngữ, và giữa tâm từ bi hiển lộ trên từng dòng chữ của Duy Ma Cật Sở Thuyết.
Bìa sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (trái) và Duy Ma Cật Sở Thuyết (phải).
Và rồi hình ảnh Thầy Thích Minh Châu… Tôi biết ơn Thầy biết là bao nhiêu. Thầy đã dịch Tạng Kinh Pali, công trình lớn vô cùng tận. Hạnh phúc vô cùng là khi tôi đọc các bản dịch của Thầy Minh Châu, đối chiếu với các bản Anh dịch của nhiều Thầy khác, và khám phá ra cội gốc Thiền Tông trong Tạng Pali. Tôi tự nhủ, bản thân mình không biết tiếng Pali, nên cách hay nhất là đối chiếu bản Việt và nhiều bản Anh dịch.
Đôi khi tôi thắc mắc, nhưng không thể biết được hết chuyện của các ngài Thánh Tăng xa xưa. Khi đọc về Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, một số tài liệu của quý Ngài Nam Tông cũng ghi nhận rằng các vị A La Hán đã có bất đồng về một số lời tụng lại trong Đại hội này.
Khi Ngài Purana và 500 vị sư tới trễ (thời xa xưa phải đi bộ), thì Đại hội hoàn tất việc tụng kết tập Kinh và Luật. Ngài Maha Cadiếp yêu cầu Ngài Purana tụng theo kinh đã kết tập, nhưng Ngài Purana nói rằng bản thân Ngài Purana từng trực tiếp nghe Đức Phật dạy một số điều khác hơn, và Ngài Purana sẽ giữ những lời dạy đã nghe trực tiếp.
Đại sư Kurunegala Angirasa Thera viết trong một tài liệu về Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất: “Even among the prominent Arahants, there were conflicting views regarding certain matters. The view expressed by Elder Purana regarding the first Council bears testimony to this.” (Dịch: Ngay cả trong các vị A La Hán uy tín, cũng có quan điểm mâu thuẫn về một số vấn đề. Trưởng Lão Purana bày tỏ quan điểm về Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất là một minh chứng.) (1)
Như vậy, thời này, có bất đồng cũng là bình thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ là các tư tưởng Đại Thừa đã có sẵn trong Tạng Pali. Đó là Trung Quán Luận, là Duy Thức, là Kinh Lăng Nghiêm, là Kinh Kim Cang, là Kinh Pháp Bảo Đàn, và nhiều kinh khác… Tôi rất mực hạnh phúc khi đọc các bản dịch của Thầy Minh Châu, khi đối chiếu các bản Anh dịch, và rồi nhận ra lời dạy của Thiền Tông, của Đại Thừa.
Đã từng có lúc, bổn sư của tôi là Hòa Thượng Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng Bình Dương) bảo tôi rằng con đừng đọc nữa.
Chỗ này nên cảnh giác: hoàn toàn không có nghĩa là rời bỏ chữ. Bởi vì chữ trong Kinh là lời Đức Phật dạy, sao lại bảo chớ đọc? Không đọc các bộ Nikaya, A Hàm, không đọc kinh và luận… thì đời chẳng còn gì là đáng nói. Thực ra, nói không đọc chỉ có nghĩa là, đừng vin vào các ký hiệu mà tìm ý nghĩa, đừng dính vào ngón tay mà không thấy được mặt trăng. Một lần, nhiều thập niên trước, Thầy Tịch Chiếu và tôi bước xuống bếp chùa. Gần bếp có pho tượng cao cỡ một mét, đúc hình một vị tiều phu, với chiếc rựa. Thầy Tịch Chiếu chỉ vào pho tượng và nói với tôi: “Đây là ông Phật đó.”
Phải nhiều năm sau, tôi mới nhận ra ý Thầy rằng không phải Phật là tượng gỗ, tượng đất sét, tượng tiều phu, hay tượng 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nhưng chính rằng Phật đó chính là cái được thấy. Thầy từng dạy rằng tánh là vàng, nhưng hiển tướng vàng chính là khoen, xuyến, nhẫn, dây chuyền… Và như thế, Phật chính là tượng, là nhà, là bàn, là ghế, là vườn, là núi, là rừng… tất cả hiển lộ bình đẳng trong cái thấy. Và Phật cũng chính là tiếng chuông, tiếng chim hát buổi sáng, tiếng gió thổi qua cây… tất cả hiển lộ bình đẳng trong cái nghe. Và thế giới hiển lộ với chúng ta là “toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng” (Kinh Lăng Nghiêm: tất cả tướng là tánh, tất cả tánh là tướng) và là “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như lai” (Kinh Kim Cang: hễ thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy tánh)… Thấy được như thế, các bờ phân biệt biến mất, tất cả trước mắt, bên tai… trở thành cái Như Thị, cái không thể nói bằng lời, cõi tâm nó bật sáng như thế là nó như thế, biện biệt biến mất, thân tâm và thế giới không phải hai, không phải một, không phải nhiều, ngôn ngữ trong và ngoài vắng bặt…
Tôi đã cực kỳ hạnh phúc khi đọc trong Tạng Pali, tới Kinh SN 35.23 (Sabba Sutta: The All), bản dịch Thầy Minh Châu là:
Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.” (2)
Như thế, Tất Cả, nghĩa là Bất Nhị. Không phải hai. Nhưng không nên nghĩ là một, cũng không nên nghĩ là nhiều.
Tôi nhận ra rằng việc phân chia tông phái có thể là từ các vị sư tới gặp Đức Phật và xin một lời dạy để về ngồi luôn nơi góc núi, ven rừng…  Những kinh đó thường có những lời dạy mang phong vị rất Thiền Tông. Nhiều năm qua, tôi đã tìm đọc các kinh như thế từ bản dịch Tạng Pali của Thầy Minh Châu và các bản Anh dịch đối chiếu.
Tôi đã cực kỳ hạnh phúc khi dò ra một lời dạy trong Kinh Lăng Nghiêm, “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn; Tri kiến vô kiến, tức tư Niết Bàn…” (Thấy biết mà dựng lập thấy biết, chính là  cội gốc vô minh; Thấy biết, không dựng lập thấy biết, tức khắc là Niết Bàn) cũng là lời dạy trong Kinh AN 4.24 và Kinh MN 140 ở Tạng Pali. Tôi đã dò tất cả các bản Anh dịch có thể tìm được, và cảm nhận sương khói Xứ Ma Kiệt Đà, nơi Đức Phật từng bước chân hoằng pháp, đang phả lên từng dòng kinh tiếng Việt và tiếng Anh.
Chính khi đó, trước mắt tôi hiện ra một hình ảnh trong Bá Trượng Ngữ Lục, trích:
Sư làm thị giả cho Mã Tổ, mỗi khi thí chủ cúng dường trai phạn Mã Tổ, Sư vừa mở nắp đậy đồ ăn thì Mã Tổ liền lấy một miếng bánh thị chúng rằng: “Là cái gì?”. Mỗi mỗi như thế trải qua ba năm.” (3)
Ngài Bá Trượng theo học Ngài Mã Tổ, và cứ ba năm liên tục, mỗi ngày, khi thí chủ cúng dường trai phạn, Ngài Mã Tổ cầm miếng bánh lên hỏi: Là cái gì?
Tuyệt vời là như thế. Mà hễ ai nói rằng là bánh, rằng không phải bánh, rằng đã là bánh, rằng đã không là bánh… thì đều là hỏng. Y hệt như khi Thầy tôi chỉ vào pho tượng và nói “Ông Phật đó kìa” — và chính đó, cả thế giới thấy nghe hay biết trong dòng chảy xiết của vô thường trong cõi này  không lìa tâm mà hiển lộ, nhưng cũng không thể gọi là tâm vì các pháp đều bất khả đắc…
Và gần đây, tôi rất mực hạnh phúc khi đọc trong một cuốn sách mới phổ biến, nhan đề “Niệm Định Tuệ Hữu Lậu Và  Niệm Định Tuệ  Vô Lậu” của Tỳ Kheo Thích Thắng Giải, nơi Chương 7, trích:
Ngài Triệu Châu đã dạy cho người thị giả rằng: Này con, đây là lửa nhưng con đừng gọi là lửa, Thầy đã chỉ dạy cho con xong. Con có lãnh hội lời Thầy dạy không?” (4)
Tuyệt vời. Tôi, trong cương vị độc giả, đã rất mực vui mừng khi thấy tác giả ghi lại tích này. Lửa là cái được thấy, nhưng gọi là cái gì hay không là cái gì đều hỏng. Tuyển tập của Thầy Thích Thắng Giải rất công phu, dò và đối chiếu nhiều kinh Nam Tông và Bắc Tông, cũng như đã đối chiếu với trong Luận Thành Duy Thức (bản do Thầy Tuệ Sỹ dịch và chú)…
Chúng ta sẽ rơi vào vọng tưởng nếu gọi ngọn lửa của Ngài Triệu Châu là bất kỳ cái gì. Khi đã thấy thì không cần mượn tới chữ. Dù đó là lửa, hay nước, hay tôi, hay bạn, hay thế giới này… Hãy để các pháp hiển lộ như thế là như thế. Hễ mở miệng luôn luôn là trễ rồi… Đó là khi ngôn ngữ dứt bặt. Cũng y hệt tiếng đàn, có chẻ cây đàn ra trăm ngàn mảnh cũng không dò ra tiếng đàn nơi đâu. Tâm hiển lộ qua tiếng đàn, nhưng tìm bất cứ cái gì, dù là có tâm hay không tâm, dù là tiếng đàn hay không tiếng đàn… cũng đều là vọng tưởng. Hãy để nó như thế là như thế. Bởi vì tất cả những phản ứng nào của chúng ta khi thấy nghe hay biết đều là sản phẩm của ngũ uẩn quá khứ. Trong khi đó, Pháp Tánh đang trôi chảy qua thân tâm chúng ta luôn luôn mới lạ, luôn luôn là cái chưa từng được biết, luôn luôn là cái không lời, luôn luôn là cái vô ngằn mé.
Kinh MN 140, bản dịch Thầy Minh Châu, ghi lời Đức Phật:
Này Tỷ-kheo, “Tôi là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi là cái này”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng…” (5)
Do vậy Thiền Tông không phải là ngồi, mà là đi đứng nằm ngồi đều nhận ra Pháp Tánh hiển lộ trong cái dòng chảy vô thường của tất cả, không trong và không ngoài tâm. Và Pháp là cái tức khắc, cái thấy được ở đây và bây giờ, cái chứng thực được, cái vượt thời gian.
Trong khi đó về ni giới, những vị nổi bật hiện nay tại California về viết sách và dịch sách là Ni Sư Thuần Bạch (học trò Thiền Sư Thích Thanh Từ) và Ni Sư Giới Hương (học trò Ni Trưởng Hải Triều Âm). Tất cả sách (sáng tác và dịch) của Ni Sư Thuần Bạch đều hỗ trợ tốt cho người tu Thiền, trong khi tất cả sách của Ni Sư Giới Hương cho độc giả một cái nhìn bao quát nhiều tông phái, qua nhiều thời kỳ, từ các bộ Kinh A Hàm cho tới Kinh Lăng Nghiêm, cũng như dịch sách của Ngài Đạt Lai Lạt Ma đời 14. Ni Sư Giới Hương cũng đang viết sách tiếng Anh.
Trong những ngày gần đây, bên cạnh tình hình sách về Phật giáo được viết và phát hành nhiều hơn, nổi lên một hiện tượng hiếm thấy: nữ cư sĩ Tâm Bảo Đàn (bút hiệu khác là Milam Sudhana) trước giờ chuyên dịch kinh sách, chủ yếu Phật Giáo Tây Tạng, vừa mới viết và ấn hành sách bằng Anh ngữ.
— “The Eighteenth Aspirational  Vow of Buddha Amitabha” bản Anh ngữ, và ấn bản Việt ngữ là Lời Nguyện Thứ Mười Tám của Đức Phật A Di Đà” – Nữ cư sĩ Tâm Bảo Đàn đã nghe lời giảng của Thầy Thích Tuệ Hải (trụ trì Chùa Long Hương, Đồng Nai) và đã chép xuống, cô đọng, dịch sang tiếng Anh. Nội dung Thầy Tuệ Hải nói rằng học inh Đại Thừa theo nghĩa đen sẽ không nắm được kiến giải đúng đắn và thâm diệu của Kinh. Trong sách này Thầy Tuệ Hải chỉ cách hiểu và thực hành, sống ngay trong đời này sự hiện diện sinh động của A Di Đà – là tự tánh quang minh, là tuệ giác ngay ơi chúng ta – và qua đó đạt đến cảnh giới tâm Cực Lạc. Thầy Thích Tuệ Hải là học trò của Thầy Thích Thanh Từ.
— “The Lama of Many Lifetimes: Touching the Living Heart of Garchen Rinpoche” Book Two – Đây là Tập 2 trong chuỗi 3 tập, tác giả Tâm Bảo Đản viết về bổn sư là Ngài Garchen Rinpoche. Chỉ có bản tiếng Anh, chưa có bản Việt. Sách này đang được dịch sang nhiều ngôn ngữ — tiếng Việt, Tây Tạng, Trung Hoa, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha. Sách in rất đẹp, giấy dày, văn phong tiếng Anh rất thơ mộng khi kể về thời trẻ của đại sư Garchen, đặc biệt kể về tâm từ bi của Ngài ngay cả đối với các chiến binh Trung Quốc thù địch. Sách này gồm 3 tập. Tập 3 chưa viết xong. Sách có thể tìm trên Amazon.
Hình trái là bìa sách “The Lama of Many Lifetimes” và bên phải là 2 bản Anh-Việt sách “The Eighteenth Aspirational  Vow of Buddha Amitabha”
Điều muốn nói ở đây là, một hiện tượng rất hiếm: Phật tử gốc Việt viết sách Phật giáo bằng tiếng Anh. Đây là nhu cầu lớn: Phật tử trẻ gốc Việt tại hải ngoại không biết tiếng Việt, và chỉ đọc về Phật pháp qua tiếng Anh. Nhiều em trong thế hệ trẻ mất hẳn sợi dây nối kết với Phật giáo trong VN. Khi nghe thế hệ lớn tuổi nói rằng Phật Giáo VN trong một thế kỷ qua nương tựa vào các cổ thụ như quý Thầy Tâm Minh Lê Đình Thám, Minh Châu, Thanh Từ, Trí Thủ, Thiện Siêu, Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Đức Thắng, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, GS Lê Mạnh Thát… thế hệ trẻ không hình dung nổi cả một chân trời hoằng pháp rực rỡ như thế. Nếu có cơ duyên, các em sẽ gặp các sách tiếng Anh của Thầy Nhất Hạnh, nhưng đây không là toàn cảnh, và cũng không là chủ điểm. Sách tiếng Anh của Tâm Bảo Đàn (và của các tác giả tương tự trong tương lai) sẽ cho những người đọc ngoại ngữ cái nhìn bao quát hơn về PGVN.
Trong tình hình sách in nhiều như thế, các nhà báo có nhiệm vụ giới thiệu sách hẳn nhiên sẽ bận rộn. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn như thế này: nếu nhà báo này làm việc cho các báo ngoài đời, họ sẽ ưu tiên viết về các sách ngoài đời, vì phải chiều theo sở thích của đa số độc giả. Người điểm sách (reviewer) tuy công việc nhẹ hơn các chuyên gia, nhưng cũng cần nhiều kiến thức. Thí dụ, muốn viết về bộ sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của  GS Lê Mạnh Thát cũng cần có kiến thức về cổ sử VN và Trung Hoa, bên cạnh trình độ Phật học uyên bác.
Có một điểm cũng nên thấy: sáng tác văn học về Phật giáo phần lớn không hay bằng sáng tác văn học của các nhà văn, nhà thơ đời thường. May mắn, chúng ta còn có các nhà thơ xuất sắc như quý ngài Tuệ Sỹ và Minh Đức Triều Tâm Ảnh, cũng như còn có người viết nhận định và tùy bút tuyệt vời như hai cư sĩ  Cao Huy Thuần và Đỗ Hồng Ngọc. Chỉ tiếc, tiểu thuyết và truyện ngắn hay cho Phật Giáo thì không nhiều.
Chính vì nhu cầu viết sách, đọc sách, giới thiệu sách Phật Giáo cần như thế, người viết xin đề nghị quý Tăng Ni Cư Sĩ hải ngoại nên tổ chức nhiều buổi Hội Sách (Book Fair) để khuyến tấn Phật tử (nhiều thế hệ) đọc sách và viết sách về Phật Giáo. Không hỗ trợ, mọi chuyện cuối cùng rồi sẽ chìm luôn. Thí dụ, một năm nên tổ chức ba buổi Hội Sách ở California, luân phiên ở San Jose, Quận Cam, San Diego.
Hiện thời, Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Tâm Thường Định đang chuẩn bị thực hiện một Hội Sách vào tháng 10/2019 tại San Jose; dự kiến buổi này sẽ giới thiệu hơn 300 tác phẩm về Phật Giáo.
Trong một lá thư gửi một số tác giả và nhà xuât bản PG, cư sĩ Tâm Thường Định viết, trích:
Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, truyền lửa cho nhau, và thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật, Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU 2 sẽ được tổ chức tại Tully Community Branch Library, 880 Tully Rd. San Jose, CA 95111, vào lúc 2:30–5:45 Chiều, Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10, 2019.
Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:
Book Fair và Ra Mắt Sách của NXB Lotus Media, Inc., Hương Tích Phật Việt, Viet Ananda Foundation, Hoa Đàm, Lotus Media, Tủ Sách Phổ Hoà, etc… trong đó có tác phẩm của Thầy Như Điển, Thầy Từ Lực, Thầy Nguyên Tạng, cư sĩ Thiện Quả, Nguyên Giác, Nguyên Minh, Như Hùng, Vĩnh Hảo, Trần Kiêm Đoàn, Trần Trung Đạo, Trưởng Nguyễn Hoàng Lãng Du, Htr. Tâm Thường Định, v.v…” (ngưng trích)
Thư Mời còn cho biết sẽ có phần hội luận, chia sẻ thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp, cũng như giới thiệu các nhà xuất bản Phật học, trong khi phần thực tập Chánh niệm sẽ được xen kẽ trong chương trình.
Thư Mời cũng ghi thêm: “Sự hiện diện của quý Thầy Cô và quý vị là động lực lớn, là đạo tình đầm ấm, và là tấm lòng quý giá trên đời dành cho nhau. Mọi sự liên lạc, ủng hộ hay đóng góp xây dựng, xin email về Htr. tamthuongdinh@gmail.com; Cell: (916)-607-4066 hoặc cư sĩ Thiện Trí (408) 218-0747.”
Sau Hội Sách sẽ là chương trình tại Chùa Thiên Trúc, với cơm thân mật, trà đàm, trao đổi về việc Hoằng Pháp sắp tới…
Nơi đây xin có lời ngợi ca tất cả những người đã viết sách, dịch sách, in sách, giới thiệu sách về các chủ đề Phật Giáo. Tất cả quý vị đều là những đi theo sự nghiệp của Ngài A Nan. Và Đức Phật đã dạy, rằng công đức bất khả tư nghì chính là bố thí pháp.
GHI CHÚ:
(1) Ven. Kurunegala Angirasa Thera, The Early Buddhist Councils And The Principal Schools And Sects Of Buddhism – https://pgvn.org/pg_8564zb T
rên trang Suttas.com cũng viết: “The chanting of Dhamma and Vinaya by the Five Hundred was not completely accepted by all monks. Venerable Purana and his 500 disciples arrived at Rajagaha and were met by elderly monks who asked him to submit and learn the texts. However, Venerable Purana would only bear in mind what he had heard in the Lord’s presence, directly from Him.” http://www.suttas.com/1st-buddhist-council.html 
(2) Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau 
(3) Bá Trượng Ngữ Lục: https://thuvienhoasen.org/a7557/ba-truong-ngu-luc 
(4) Tỳ Kheo Thích Thắng Giải, Niệm Định Tuệ Hữu Lậu Và  Niệm Định Tuệ  Vô Lậu: https://thuvienhoasen.org/p19393a32277/chuong-7-doi-chieu-noi-dung-ban-kinh-bahiya-trong-tieu-bo-kinh 
(5) Kinh MN 140: https://suttacentral.net/mn140/vi/minh_chau

Tuesday, May 21, 2019

Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông



Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông
Nguyên Giác
Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông.
Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau.
Riêng về truyện thơ, cũng có ba dị bản khác nhau, tất cả đều bằng thể lục bát. Như thế, ông bà mình đã ưa thích truyện này một cách đặc biệt.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm qua bài viết có nhan đề “Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, tác phẩm của lưu dân chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới” đã ghi nhận:
“Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu trước ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:
 (1) chưa từng được giới thiệu,
 (2) mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc- nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và
 (3) mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vở các vùng ngoài.
Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b.  Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả vv… còn lại 1166 câu...”
Trong khi đó, Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi qua bài viết nhan đề “Một cái nhìn khác về truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông do Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu” ghi nhận rằng truyện có chủ đề là:
…cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam. 
… o …
Nơi đây có thể tóm tắt rất sơ lược cốt truyện Thạch Sanh từ tác phẩm “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ấn bản 1957, như sau:
“Thời rất xưa, ở quận Cao Bình. Hai vợ chồng già, nghèo, lòng tốt, nhưng không con. Ngọc Hoàng (một vị vua cõi trời, không phải Thượng Đế, vì cổ tích Việt Nam không công nhận Đấng Sáng Tạo) sai thái tử đầu thai làm con nhà họ Thạch. Bà cụ có thai, lâu cả mấy năm mà không sinh. Ông cụ Thạch bệnh, chết. Vài năm sau, Thạch Bà sinh con trai. Cụ bà chết. Cậu bé dựng lều sống dưới gốc đa, được dân goi là Thạch Sanh. Cậu chỉ có một lưỡi búa. Ngọc Hoàng sai tướng trời xuống dạy cậu võ, và phép thần.
Có người bán rượu, tên Lý Thông, thấy Thạch Sanh có sức khỏe, nên kết thân, mời về nhà để dỡ công việc. Trong vùng có Chằn Tinh, thường an thịt người. Quan quân trừ không nổi, nên dựng miếu, mỗi năm cúng một mạng người cho Chằn. Năm ấy, tới phiên Lý Thông nạp mạng. Lý lừa gạt Thạch, nhờ thay Lý đi canh miếu thay một đêm rồi sáng hôm sau về. Nửa đêm, Chằn hiện ra, Thạch Sanh rút búa xả đôi Chằn, mới thấy là con trăn. Thạch Sanh cắt đầu trăn và cầm cung tên vàng của Chằn về.
Khi Thạch Sanh về, kể lại, Lý Thông nói, rằng trăn đó là của vua nuôi, rằng Thạch Sanh hãy trốn đi. Thạch lại về gốc đa ven rừng ở. Lý Thông đem đầu Chằn nạp cho vua. Vua khen, phong chức tước cho Lý Thông. Trong triều có công chúa, chưa ưng ai. Vua tổ chức hội tuyển phu, cho hoàng tử các nước và trai tráng trong dân tới chờ quả cầu do công chúa ném từ lầu cao xuống. Khi cô sắp ném cầu, Đại bàng bay ngang, sà xuống cắp công chúa bay về núi. Thạch Sanh đang ở gốc đa, ngó lên mây, thấy, mới rút cung tên, bắn trúng cánh Đại bàng. Thạch Sanh dò theo vết máu, biết cửa hang Đại bàng.
Vua sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa gả công chúa và truyền ngôi. Lý Thông nghĩ chỉ có Thạch Sanh mới cứu được công chúa. Khi gặp Thạch Sanh, Lý Thông nhờ dẫn đường tới cửa hang Đại bàng. Hang sâu. Không ai dám xuống. Thạch Sanh tự nguyện buộc dây ở lưng rồi xuống hang. Đại bàng đang dưỡng thương. Thạch Sanh đưa thuốc mê để công chúa   cho Đại bàng uống. Khi Đại bàng ngủ say, Thạch lấy dây buộc công chúa, hiệu cho quân Lý Thông kéo lên. Cứu công chúa xong, Lý Thông lấy đá lấp hang. Dưới hang, Thạch Sanh giết chết Đại bàng, cứu một thanh niên ra khõi cũi sắt, mới biết đó là thái tử con vua Thủy, bị Đại bàng bắt về hơn cả năm. Thái tử mời Thạch Sanh xuống Thủy phủ chơi. Vua Thủy phủ gặp con, vui mừng, xin đền ơn. Thạch Sanh từ chối, chỉ xin một cây đàn, rồi về lại gốc đa.
Hồn của Chằn tinh và Đại bàng sau khi chết, đói vì không được ai cúng tế, tình cờ gặp nhau, bèn lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ. Lính theo dấu tìm, đến gốc đa thì gặp tang vật, bắt Thạch Sanh về giam.
Công chúa về triều, tự nhiên bị câm, buồn hoài, nên vua hoãn hôn lễ với Lý Thông. Thấy quân bắt Thạch Sanh về, Lý Thông mới tính xử tử Thạch Sanh. Trong tù, Thạch Sanh buồn, lấy đàn của vua Thủy ra chơi, không ngờ đàn thần vẳng tiếng như than, như oán, vạch tội Lý Thông. Công chúa nghe tiếng đàn, vui mừng, cười nói, xin vua mời người đàn vào cung.
Thạch Sanh kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua sai bắt 2 mẹ con Lý Thông, giao Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh tha, cho hai mẹ con Lý Thông về quê. Nửa đường, hai mẹ con bị sét đánh chết. Vua làm lễ cưới công chúa cho Thạch Sanh. Hoàng tử các nước bị từ hôn nổi giận, tụ họp lính 18 quốc gia tới hỏi tội vua. Thạch Sanh lấy đàn thần ra khảy, lính 18 nước buông vũ khí. Thạch Sanh sai dọn cơm cho lính các nước ăn no để về. Niêu cơm nhỏ, nhưng ăn hoài lại có cơm  ra hoài. Vua không con trai, nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.” (Hết tóm lược)
GS Nguyễn Đổng Chi trong phần Khảo  dị ghi rằng có các phiên bản truyện từ các nhóm đồng bào thiểu số, như người Tày, Khmer, Mèo…
Theo nghiên cứu của trang báo Trí Thức Trẻ/SOHA ngày 9/6/2015, dựa vào Khảo dị sách trên ghi về công trình tác giả Phan Nhật, và dựa vào  địa danh "Cao Bình" trên Wikipedia, ghi rằng quê quán Thạch Sanh như thế là ở Cao Bình, Hòa An, Cao Bằng.
Wikipedia viết: "Trấn Cao Bình, nơi nhà Mạc đóng đô sau khi rút lên Cao Bằng. Nay là xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng…”
Và cũng theo Wikipedia: “Xã Hưng Đạo xưa chính là trấn lỵ Cao Bình. Thời nhà Mạc, khi rút về Cao Bằng, Cao Bình cùng với Nà Lự (Hoàng Tung) chính là nơi nhà Mạc đóng đô."
SOHA viết: “Thông tin này hoàn toàn khớp với thực tế hiện tại, ở xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng nay có ngôi trường cấp 3 mang tên Trường THPT Cao Bình và có 1 con phố mang tên Cao Bình. Chắc chắn đó là tên gọi lưu lại dấu tích của địa danh Cao Bình xưa.”
… o …
Theo truyện truyền khẩu như thế, chúng ta thấy một số chi tiết liên hệ tư tưởng Phật giáo.
Thạch Sanh là thái tử cõi trời đầu thai về cõi người. Đó là tư tưởng Bồ Tát. Những người như thế không dễ nhiễm ô như người đời thường. Thạch Sanh còn có nghĩa là sanh ra từ đá. Như thế, nghĩa là tâm hồn trong sạch bản nhiên. Bà cụ Thạch mang thai nhiều năm, tới khi ông cụ Thạch chết đi nhiều năm, mới sinh ra cậu Thạch. Nghĩa là, sanh ra đã kỳ bí.
Lịch sử Việt Nam cũng có truyện Phật Mẫu Man Nương sinh con theo cách kỳ bí, Wikipedia kể theo sách Lĩnh Nam Trích Quái:
“Truyền thuyết kể rằng thuở xưa bà [Man Nương] là một người con gái rất sùng đạo Phật, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.
Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.
Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư.”
Mang bầu tới hai mươi tháng… trong khi cụ Thạch Bà mang bầu Thạch Sanh nhiều năm.
Hình ảnh Thạch Sanh còn tượng trưng cho các thiện pháp. Lý Thông tượng trưng cho bất thiện pháp; riêng nghề bán rượu đã là một việc bị cấm trong nhà Phật, chưa kể tới họ Lý cứ ưa chuyện lừa gạt, nói dối, cướp công, gài mưu sát nhân… Gộp chung, Chằn tinh, Đại bàng và Lý Thông là một khối Tham, Sân, Si – nhà Phật gọi là Tam Độc, tức là ba thứ độc hại.
Sự kiện Thạch Sanh giết xong Chằn tinh, chặt đầu Chằn để không còn quậy phá nữa (đầu, tượng trưng ý thức tự chấp ngã là chủ thể -- thì không ngờ hồn ma Chằn vào cõi âm quậy tiếp, nghĩa là, vọng tâm có khi tưởng là bị cắt đầu rồi, không ngờ vẫn tàng ẩn sâu thẳm…), tịch thu chiến lợi phẩm là cung tên vàng. Đây là ý nghĩa: cung tên vàng trong tay Chằn là để hại người, nhưng vào tay Thạch Sanh là để cứu người; từ bất thiện pháp, hóa sang thiện pháp.
Chuyển công dụng cung tên vàng như thế, là nỗ lực chuyển ba độc Tham Sân Si thành Giới Định Huệ. Tuy nhiên, Thạch Sanh dùng cung tên vàng bắn trúng cánh Đại bàng, lại không giết nổi, chỉ vì lấy ý thức xóa sổ Tam Độc là không bứng gốc nổi, chỉ buộc Đại bàng lui về ẩn dưới hang sâu. Hình ảnh hang sâu là ẩn dụ thường dùng trong nhà Phật, tượng trưng gốc rễ khó thấy của Tham Sân Si Mạn Nghi. Bản Kinh Tập trong Tiểu Bộ, ký số Sn 4.2 - Guhatthaka Sutta, còn được dịch là “Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động”… Do vậy, Thạch Sanh phải thân chinh, xuống tận hang sâu, bày mưu tính kế, mới giết xong Đại bàng. Đi xuống tận hang sâu là dò tận gốc rễ tâm mình. Lúc đó, cứu được thái tử con vua Thủy phủ. Thạch Sanh được mời thăm Thủy phủ, được vua Thủy phủ tặng đàn thần. Không ngờ hồn ma Chằn tinh và Đại bàng quậy hoài thôi, gài bẫy để quân lính bắt Thạch Sanh về nghi ngờ trộm kho báu nhà vua. Chuyện hai hồn ma cấu kết nơi đây cũng là niềm tin dân gian rằng có cõi bên kia, không ai cúng tế nên cứ kẹt làm ma đói hoài. Thạch Sanh bị lính bắt vào tù, mới khảy đàn thần cho đỡ buồn… Thế là công chúa trong cung vua nghe được.
Chúng ta thấy rằng, khi hoàng tử các nước kéo binh tướng 18 quốc gia tới bao vây, hỏi tội vua cha vì sao từ chối họ để gả công chúa cho Thạch Sanh. Con số 18 quốc gia là tượng trưng cho toàn bộ thế giới cõi này (thân, tâm, cảnh). Phân tích chi tiết, lính 18 quốc gia tới xâm phạm, là hình ảnh chúng ta bị thế giới cõi này trói buộc: Nhóm 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nhóm 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhóm 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Căn, trần, thức nào cũng đều là binh tướng hung hiểm, khi còn bị vây trong Tham Sân Si.
Thế rồi Thạch Sanh xua tan được binh tướng 18 quốc gia là nhờ dùng cây đàn thần và cái nồi cơm ăn hoài không hết. Tại sao đàn thần, tại sao nồi cơm? Hai hình ảnh này gợi nhớ tới một kinh trong Phật giáo Bắc tông.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, nơi Phẩm Diệu Âm Bồ Tát, có lời Đức Phật giải thích về công đức của ngài Diệu Âm:
 Đức Phật bảo ngài Hoa-Đức Bồ-Tát: "Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, cõi nước tên là Hiện-Nhứt-Thiết-Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Diệu-Âm Bồ-Tát ở trong một vạn hai nghìn năm, dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân-Lôi Âm-Vương Phật cùng dâng lên tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật, có sức thần như thế. Hoa-Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó,nơi chỗ đức Vân-Lôi-Âm-Vương Phật, Diệu-Âm Bồ-Tát cúng dường kỹ nhạc cùng dâng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ, chính nay là Diệu-Âm đại Bồ-Tát đây…”
Nhạc công đức đó, vào truyện Thạch Sanh là cây đàn thần. Bát báu công đức đó, trở thành nồi cơm cho quân lính 18 nước ăn hoài không hết. Phải dùng tới Phật pháp của ngài Diệu Âm, mới dẹp được quân binh 18 nước vây thành, mới đem hòa bình thực sự… Không có thiện nghiệp từ “một vạn hai nghìn năm” hẳn là không dễ có sức thần đầy oai lực. Số lượng mười muôn, và số lượng tám muôn bốn ngàn có nghĩa là nhiều không kể đếm nổi, có nghĩa là toàn bộ “thân, khẩu và ý” của từng người chúng ta cúng dường lên Đức Phật, nghĩa là vâng phục hoàn toàn cho thiện pháp. Cũng nên nhắc rằng, Kinh Pháp Hoa trước giờ rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Như thế, có vẻ như ông bà mình khi kể truyện Thạch Sanh đã cho âm hưởng Phật giáo vào.  Hoặc, cũng có thể, chính một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện Thạch Sanh Lý Thông để đem thiện pháp ra dạy cho đồng bào mình. Nơi đây, chúng ta chỉ suy đoán theo các nhân vật, hình ảnh và sự kiện. Truyện này gắn bó với dân mình sâu đậm tới mức được ghi vào ca dao, tục ngữ: “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”
Do vậy, tác phẩm dịch và chú giải Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm không chỉ có giá trị về văn học nghệ thuật, mà còn là một lời nhắc nhở và khuyến tấn: thiện pháp lúc nào cũng vắng, nhưng tận cùng rồi sẽ chiến thắng.
Nguyên GIác
GHI CHÚ:  
Buổi nói chuyện với Giáo-sư Nguyễn Văn Sâm về “Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác” sẽ thực hiện vào Chủ-nhật 26/5/2019 từ 2:00 giờ chiều -5:00 giờ chiều Tại Viện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683. Phone: (714) 775-2050 / E-mail: info@viethoc.com