Showing posts with label Nguyễn Đức Quang. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Đức Quang. Show all posts

Thursday, March 26, 2020

Tiễn anh Nguyễn Đức Quang là, ‘một nụ cười không tươi!”

 Tiễn anh Nguyễn Đức Quang là, "một nụ cười không tươi!"

Uyên Nguyên

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (1944 – 2011, cùng với Đinh Gia Lập là người sáng lập Phong trào Du ca) ca diễn tại trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức. nguồn nhipcauthegioi.hu
Hôm nay cười vang tiễn Anh là,
“nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi”
 
Từ ngày anh Ngô Mạnh Thu mất đi, thì tôi không còn dịp đến nhà anh Nguyễn Đức Quang nữa. Ngôi nhà ngày ấy cũ, nằm im lìm trên mấy trăm thước sân vuông đối diện một ngôi trường trung tiểu học, mỗi ngày nghe rộn tiếng reo hò của đám học sinh lũ lượt tựu tan. Bấy giờ, ngôi nhà ấy chưa xây cất khang trang như những năm sau này.
Nghĩa là từ lâu lắm, tôi không còn dịp ngồi bên Anh để được nghe kể lại, được chia sẻ những mẩu chuyện xưa, nay của tuổi trẻ đất nước, trước sau như niềm thổn thức đeo đẳng một dân tộc trót mang thân phận của NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂUnghe xung quanh nghiêng ngã cợt cười, vậy mà vẫn ngạo nghễ, vẫn kiêu hùng, vùng lên “DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI”. Mặt trời rực rỡ màu máu xương đã chảy thành dòng, hằn đục lòng sông của nòi giống Tiên Rồng trải dài trên dòng sử lịch bi tráng:
Máu ta từ Thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức khôn nguôi…
(VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ, 1966)
Rồi sau những năm dài, vẫn nghe đâu đó tin Anh, phân thân đeo đuổi nhiều hoạt động thanh niên xã hội trong nước, rồi trở lại Hoa Kỳ, tiếng hát Anh những ngày gần đây lại dậy vang những buổi trình diễn cộng đồng, ở phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Viện Việt Học v.v…
Rồi vài bận gặp lại Anh ở tòa soạn, Anh đa đoan với những sáng tác mới và lịch sinh hoạt trình diễn văn nghệ, những chương trình phỏng vấn, giới thiệu, nên Anh em chỉ nhìn nhau cười, chào và im lặng, sự im lặng thầm hiểu là: hãy cứ dâng cao, tràn lên như một dòng sông, miên man chảy như tiếng nhạc trầm bổng. Trong thế giới hoạt động thanh niên, nhạc là sức sống chuyên chở tuổi trẻ trổ ra biển lớn. Điều đó khẳng định trong dòng nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang!
Sóng Việt về, sóng Việt về
Trôi từ lẻ loi non cao xa xôi, trôi mãi
Trôi từ lạch kinh trôi ra sông con
Rồi từ sông con trôi đi xa hơn
về tới bể khơi.
Sóng trôi trên Bạch Đằng
Sóng reo trên Nhị Hà
Trôi bao giấc mộng cuồng xâm của ngoại bang
Triều dâng sóng Việt trôi đi điêu tàn…
(SÓNG VIỆT, 1965)
Lời nhạc Nguyễn Đức Quang không chỉ để “xoay một vòng hát chơi”, mà thúc dục tuổi trẻ mạnh mẽ lên đường, như Cha Ông một ngày xa xăm bàn chân đau nhức gông xiềng, mà vẫn hiên ngang, ngạo nghễ, như sóng tràn tới:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.

Ta khua xích kêu vang dạy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.
(VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ , 1966)
Lời du ca của nhạc Nguyễn Đức Quang, vừa cất lên thành tiếng đã “VỖ CÁNH CHIM BAY” trên bầu trời lộng, từng nhịp điệu như nước sông tràn tới chực vỡ bờ, mà âm ba thì mở rộng thênh thang một nẻo về nguồn cội:
Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sau gặp nhau do non nước xây cầu.
Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng tiếng reo vui rộn trong lòng.
Cùng đi lay Trường Sơn cùng đi xoay Hoành sơn cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa lướt ngàn nước sông nhà ta đắp bồi cho mẹ cha.
(VỀ VỚI MẸ CHA, 1965)
Trong tình tự của cội nguồn không phai dấu theo thời gian và không gian, nhạc Nguyễn Đức Quang vẫn cứ vang bay trùm lấp lên tuổi trẻ Việt Nam khắp mọi nẻo đường quê hương, khởi đi từ những thập niên 60 và đoan chắc, vẫn ‘NHƯ MÂY TRÊN CAO”, lừng lững bay suốt trên bầu trời Âm nhạc Việt Nam qua mọi thời đại, khi con tim Việt Nam vẫn còn thao thức lay nhịp, để nhắc tuổi trẻ rằng:
“Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.”(VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ, 1966)
Tuổi trẻ trong và ngoài nước, mấy ai không có lần được nghe hay chính mình, một lúc rất tự nhiên đã nghêu ngao hát lời của ca khúc này. Và chỉ cần tiếp tục hát, truyền cho nhau tiếng hát hôm nay, hòa chung đôi tay vỗ đều nhịp anh em như cách giữ sáng cho NIỀM HY VỌNG VƯƠN LÊN, thì tôi chắc một ngày Việt Nam như nỗi lòng thao thức và trông đợi của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, sẽ vươn vai thẳng dậy trước mặt nhân gian, kiêu hùng “DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI.”
Lịch sử đất nước đã minh chứng vai trò của những Phong trào Thanh niên trong mọi thời quật cường của dân tộc, mà vì vậy Phong Trào Du Ca Việt Nam từ khoảng giữa thập niên 60 trở đi, có những trang thanh niên xốc xáo lên đường VỀ MIỀN GIAN NAN với tâm nguyện TỪ NAY GÁNH VÁC; và bằng thành tựu cho ra đời hàng ngàn ca khúc chuyên chỡ tính nhân bản xoa dịu vết thương chiến tranh ở thời cuộc phân chia đôi bờ Nam – Bắc, đã khẳng định vai trò tất yếu của mình trong dòng lịch sử tranh đấu hào hùng và xây dựng quê hương. Dòng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vì vậy, đã thành Sử Việt.
Thương quý, kính tiễn Anh,
Nhạc sĩ Đầu Đàn Du Ca Việt Nam Nguyễn Đức Quang
Hạ tuần tháng 3, 2011
Uyên Nguyên
* Những chữ viết hoa và nghiêng là bài tựa, hay ca từ của nhạc Nguyễn Đức Quang
Chú thích ảnh: Sóng tràn, Uyên Nguyên chụp ở bãi biển Santa Monica, California