Showing posts with label Phạm Công Thiện. Show all posts
Showing posts with label Phạm Công Thiện. Show all posts

Thursday, December 19, 2019

Thế Nào Là Phê Bình?

Nguyên Tánh Phạm Công Thiện: Thế Nào Là Phê Bình?

trích Tư Tưởng Số 4, Tiếng Nói của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Bộ Mới – Năm Thứ Ba. Ngày 1 tháng 9 năm 1970.
Chủ đề thảo luận: PHẬT GIÁO và NIETZCHE
PHÊ BÌNH VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Trong một nước chiến tranh liên tục, những việc làm quan trọng nhất và đáng lưu ý nhất vẫn là những hành động có tính cách thực tiễn hợp thời, những việc gì có tính cách hữu hiệu mang đến những kết quả rõ ràng hữu ích. Tạp chí Tư tưởng thường mang tiếng là “quá trí thức”, “xa lìa quần chúng”, “xa vời”, “không thực tiễn”, “không đi sát thực tế”. Giọng điệu “phê bình” trên rất hợp lý.
Chúng tôi lại không muốn theo “sự hợp lý” kia, vì chính “sự hợp lý” ấy là hậu quả của “tinh thần duy thực duy nghiệm”, cái tinh thần tai hại đã mang chiến tranh đến Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là sự bùng vỡ của hai khuynh hướng duy nghiệm phát xuất từ Tây phương. Chúng tôi không “thực tiễn”theo Tây phương mà cũng không “duy tâm duy nghiệm”. Kinh nghiệm của Đông phương về “hữu” và kinh nghiệm của Phật giáo về “thực tế” (Bhutakoti) còn có tính cách toàn triệt “thực tiễn” hơn cả mọi thực tế thực tiễn của Tây phương. Paul Mus, giáo sư ở đại học đường Yale, người đã từng sống ở Đông dương trên 60 năm, đã hiểu nhiều và viết nhiều về Việt Nam, đã phải nhận rằng dân tộc Việt Nam còn có tinh thần “thực dụng” triệt để trọn vẹn hơn cả những vị tổ khai sinh ra thuyết thực dụng ở Mỹ như Charles Peirce và William James (Paul Mus, Cultural Backgrounds of Present Problems, Asia, No 4, 1966, pp. 10. 21).
Người dân quê Việt Nam là kẻ chịu nhiều thảm kịch tàn nhẫn nhất, nhưng họ không bao giờ phê bình, hoặc họ kiên nhẫn im lặng hoặc họ hành động ngay lập tức. Nhưng hạng trí thức sống ở thành phố thì luôn luôn sẵn sàng “tỏ thái độ lập trường” bằng cách “phê bình” và chống đối lại tất cả những gì đi ngược lại nếp tư tưởng nô lệ của họ. Họ không dám làm cách mạng bằng hành động mà ngay đến cách mạng tư tưởng thì họ lại cố tìm đủ mọi cách né tránh. Chúng tôi không dám tự nhận là “những nhà cách mạng tư tưởng”, nhưng ít nhất chúng tôi muốn đánh thức và tố cáo rằng phần lớn hạng trí thức thành phố hiện nay đều là hạng người chạy theo Tây phương và ngay đến những kẻ tự nhận là “chống Tây phương” thì cũng lý luận bằng tinh thần và ngôn ngữ Tây phương: Làm gì có thể chống lại cho tuyệt hết cái mà chính cái đó tạo ra sự chống đối? Máu kêu gọi máu, lý luận kêu gọi lý luận.
Chúng tôi không chống Tây phương, vì Tây phương không cần phải chống đối. Chính Tây phương đang tự chống đối, đang tự hủy diệt, đang tự tan rã và sụp đổ. Trái chín vàng bị sâu đục khoét; Chúng tôi chỉ muốn là một cơn gió nhẹ thoáng qua. Tư Tưởng là một ngọn gió nhẹ.
2. CHỐNG ĐỐI CHIẾN TRANH VÀ CHIẾN  TRANH CHỐNG ĐỐI
Trong quyển Trước Sự Nô Lệ Của Con Người của Thượng Tọa Viện trưởng Thích Minh Châu, một quyển sách được coi như chỉ nam ý thức cho tòa soạn Tư Tưởng, T.T. Thích Minh Châu có trích dẫn một câu nói của Herbert Marcuse, lý thuyết gia bậc thầy của phong trào nổi loạn sinh viên thế giới:
“Phải chăng sự đe dọa của hiểm họa nguyên tử, hiểm họa khả dĩ quét sạch loài người, phải chăng chính sự đe dọa ấy cũng khiến cho thiên hạ dùng để duy  trì chính những thế lực lưu tồn mối hiểm họa này?”(Does not the thread of an atomic catastrophe, which could wipe out the human race also serve to protect the very forces which perpetuate this danger?) (Herbert Marcuse, One-Dimensional Man, tr. IX)
T.T. Thích Minh Châu giải thích câu trên; “Câu hỏi này của Herbert Marcuse thật là bất ngờ và đã đặt ngón tay trỏ đúng vào trái tim của sự mâu thuẫn cùng tột ở thế kỷ XX. Thiên hạ muốn tẩy trừ hiểm họa diệt vong bằng cách duy trì chính hiểm họa diệt vong ấy, nói như thế cũng không hết nghĩa câu nói của Herbert Marcuse, nói gọn lại cho dễ hiểu hơn: Vì sợ chiến tranh cho nên thiên hạ cũng duy trì chiến tranh khốc liệt hơn nữa, hay nói một cách trắng trợn hơn chính ý nghĩ hòa bình là nguyên nhân của chiến tranh thảm khốc nhất, hay nói cách tiêu cực toàn triệt hơn: muốn trừ bỏ tất cả mọi ham muốn là một ham muốn khó từ bỏ nhất. Chính phật giáo đã ý thức lý luận trên một cách triệt để nhất trong việc lập thuyết ly tứ tuyệt bách phi để thoát ra ngoài vòng suy luận luẩn quẩn của con người. Chính sự suy luận luẩn quẩn ấy hiện nay đang thống trị toàn thế giới, thế giới càng lúc càng đen tối hơn khi thiên hạ hăm hở ráo riết tìm kiếm những giải pháp tay đôi, tay ba, tay tư, vân vân. Những giải pháp về hòa bình càng nhiều thì đó lại là nguyên nhân cho chiến tranh càng lúc càng trở lên khốc liệt . Chiến tranh và hòa bình không phải là vấn đề, vấn đề căn bản là tinh thần của con người khi sử dụng hai danh từ đấy. Tinh thần ấy có phải là tinh thần của con người tự do hay tinh thần của kẻ nô lệ; tinh thần của con người sống bằng sự thật hay tinh thần của kẻ bị nô lệ vào chính ngôn ngữ thời thượng, sáo ngữ của thời đại? Tinh thần thời đại là tinh thần gì? bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu tinh thần thông thường của con người thời đại hiện nay. Tinh thần ấy chúng tôi gọi là tinh thần ngoại tính, tinh thần ly tính, vọng ngoại” (T.T.Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người, tr.239-240-241)
Cũng theo tinh thần của T.T.Viện trưởng và cùng lập luận ra điệu Herbert Marcuse, chúng tôi muốn nêu lên câu hỏi:
Làm gì có thể chống lại cho dứt hẳn cái mà chính cái đó tạo ra sự chống đối?
Câu trên có ý nghĩa dứt khoát sau đây:
1. Muốn chống chiến tranh thì chúng ta phải chống đối bằng tinh thần vượt ra ngoài chiến tranh, đó là tinh thần căn bản của Đông phương:
2. Chiến tranh là sản phẩm của tinh thần Tây phương, nhất là thứ chiến tranh quốc tế hiện đại lại là hậu quả rõ ràng của sự thống trị Văn hóa Tây phương, trên toàn mặt đất.
3. Chống chiến tranh mà chống bằng tinh thần Tây phương, thì chỉ gián tiếp tiếp lực cho tinh thần Tây phương ngự trị ở Việt Nam một cách nguy hiểm tàn bạo hơn nữa, vì không có sự nô lệ dễ sợ nào cho bằng sự nô lệ tinh thần và nô lệ tư tưởng: toàn thể đất nước Việt Nam có thể bị tiêu diệt nhưng khi nào tinh thần Việt Nam và tư tưởng Việt Nam còn tồn tại thì sự hồi sinh của đất nước nhất định sẽ được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa;
4. Người ta có thể bài bác: “xác Việt Nam bị tiêu diệt thì tinh thần Việt Nam và tư tưởng Việt Nam cũng bị tiêu diệt theo”. Lý luận bài bác này là lý luận bị nô lệ vào tư tưởng Tây phương: vì chỉ có Tây phương mới phân chia: hồn /xác/ tinh thần/vật chất; còn đối với Đông phương thì hồn xác và tinh thần vật chất chỉ là một: khi cái nguyên khí của Việt Nam còn tồn tại thì thể chất Việt Nam vẫn tốt đẹp hình hài;
5. Người ta có thể bài bác lại: “chiến tranh đang tàn phá dân tộc và điều quan trọng là phải hành động, đừng có lý thuyết và lý luận suông, dù lý luận của các ngài có thần tình đến đâu đi nữa thì các ngài vẫn không thể lý luận vững vàng trước một đứa trẻ thơ vô tội bị đạn bắn chết trong một thôn làng quê hương”. Chúng tôi không muốn lý luận, nhưng chúng tôi ý thức dứt khoát rằng chính những kẻ gây ra chiến tranh và duy trì chiến tranh ở Việt Nam là những kẻ đã đặt kế hoạch và chính sách của họ bằng một hệ thống lý luận, bằng một thứ luận lý học tối tân của Tây phương, gọi là “luận lý học biểu tượng” “tân luận lý học”, “luận lý học toán học”; cả hai ý thức hệ Anh-Mỹ-Nga-Tàu đều sử dụng tinh thần duy nghiệm thực dụng hiệu năngmột cách quá đáng và tinh thần này là đứa con trung thành của bước tiến tối thượng của văn hóa Tây phương;
6. Lý luận Tây phương là động cơ phát động chiến tranh; chống lại chiến tranh thì chỉ có hai cách:
a) Lý luận theo kiểu Tây phương hơn cảchính lý luận Tây phương và đẩy lý luận Tây phương đến chỗ bế tắc giới hạn của nó: đi sâu vào lòng Tây phương và đánh từ trong ra ngoài;
b) Nhảy ra ngoài lý luận Tây phương (nhân minh của Ấn Độ và danh lý của Trung hoa là phương tiện mà cứu cánh vẫn là Vô Nhị), đứng vững trên căn cứ địa của mình và đánh từ ngoài vào trong.
Muốn có được điều kiện thứ nhất (a) thì phải ý thức được đâu là những thế lực ý niệm đã chỉ huy bản tính của văn hóa Tây phương khả dĩ giúp cho Tây phương điều động những sức mạnh như chính trị, giáo dục, kinh tế, xã hội, kỹ nghệ, cơ khí, khoa học, luật pháp, tổ chức, vân vân? Đồng thời cũng ý thức rằng những cái gọi là sức mạnh của họ (nhà chính trị, giáo dục, kinh tế, xã hội, kĩ thuật, cơ khí, vân vân)
hiện đang rơi vào mâu thuẫn xung đột khủng hoảng bế tắc (bất cứ một người trí thức nào có trình độ theo dõi sinh hoạt văn hóa Tây phương hiện nay đều thấy ngay rằng một cuộc khủng hoảng đồ sộ hiện đang lay chuyển toàn thể cơ sở ý thức Tây phương. Xin giới thiệu một số sách cho những người muốn đọc. Xem chú thích dưới đây)[1].
Còn có được điều kiện thứ hai (b) thì như chúng tôi trình bày tạm đầy đủ trong Lời Tòa Soạn của tạp chí Tư Tưởng bộ mới số 2 (trang 3-22) và chúng tôi khỏi cần lặp lại nơi đây.
3. TỪ PHÊ BÌNH CHIẾN TRANH CỦA NOAM CHOMSKYĐẾN TINH THẦN THỰC DỤNG CỦA TÂY PHƯƠNG
Chúng tôi vừa đọc quyển American Power and the New Mandarinscủa Noam Chomsky, quyển sách dày đến 404 trang và chúng tôi xin giới thiệu cho những độc giả muốn phê bình chiến tranh Việt Nam, đây là một quyển sách thuộc loại “phản chiến” tích cực triệt để chưa từng thấy trong tất cả sách chống chiến tranh ở thế giới hiện nay. Không có người trí thức nào ở Tây phương mà không biết tên của tác giả, vì Noam Chomsky là một nhà bác học nổi danh đã làm cuộc cách mạng về cơ cấu bác ngữ học, giáo sư tại Viện Cơ khí Massachusetts (M.I.T.), cái lò tạo ra thông thái hạng nặng của nền văn minh hiện đại.
Trong quyển American Power and the New Mandarins (trang 271), chúng tôi có đọc một câu rất cảm động như sau: “Điều quan trọng không phải là những lời những chữ mà là thực chất: trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam” (What is important is not the words but the substance: the return of Vietnam to the Vietnamese)
Noam Chomsky đã phân tích và lý luận chặt chẽ đủ mọi sắc thái bình diện về trận chiến tranh Việt Nam, nhất là đặt nặng trách nhiệm vào giới lãnh đạo trí thức của nền văn minh tân tiến. Thể cách và nội dung phê bình của Noam Chomsky làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, nhưng có một điều mà chúng tôi cứ mãi mãi thắc mắc: không biết những tâm hồn chân thành như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre và Noam Chomsky có bao giờ tự hỏi: trận chiến tranh hiện nay ở Việt Nam mà họ là những kẻ chống đối chỉ trích quyết liệt nhất lại chính là trận chiến tranh đã đặt nền tảng trong một lề lối tư tưởng Tây phương do chính Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre và Noam Chomsky khai sinh tạo dựng ra?
Bertrand Russell là ông tổ khai sinh ra luận lý học mới và tinh thần phân tích luận lý và duy nghiêm luận lý; còn Jean-Paul Sartre thì là một lãnh tụ hùng hồn phát động lối phân tích biện chứng pháp hiện sinh khác liệt nhất và Noam Chomsky là người đã khai tạo ra một cơ cấu mới cho lối phân tích ký hiệu ảnh hưởng lớn lao đối với giới phê bình gia học giả Tây phương. Đằng sau lưng Bertrand Russell, Sartre và Chomsky, người ta thấy bóng dáng của Hume, Leibuiz, Hegel và Descartes (một quyển sách của Chomsky có nhan đề là “Cartesian Linguistics”, 1966)
Lý luận gây ra chiến tranh Việt Nam cũng lại là càng một thực chất với lý luận chống lại chiến tranh Việt Nam: hai bàn tay lót đường ý thức hệ để gây ra chiến tranh Việt Nam cũng chính là hai bàn tay đã viết lên những lời những chữ chống lại chiến tranh Việt Nam.
Nếu Bertrand Russell, Sartre và Chomsky biết lý luận đến nơi đến chốn, cho đến chỗ hợp lý cuối cùng thì điều có ý nghĩa quan trọng nhất là họ phải đốt bỏ hết những tác phẩm toán học, triết học, ngôn ngữ học mà họ đã viết ra, vì tất cả những công trình khảo cứu ý thức của họ đều là củng cố sự thống trị của Văn hóa Tây phương trên mặt đất này.
Họ chỉ chống đối chiến tranh Việt Nam nơi ngọn, nơi mặt ngoài, nơi hậu đề, còn riêng đối với tiền đề căn bản thì họ vẫn giữ lại: chỉ có một sự chống đối có ý nghĩa, đó là chống đối ngay gốc rễ, ngay suối nguồn, ngay  căn bản, ngay tiền đề: lấy ngón tay trỏ vào con sâu thực dụng, duy nghiệm, biện chứng đang đục khoét ý thức Tây phương và đang tàn phá toàn thể thế giới với những trận chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử con người.
Biện chứng pháp duy vật và biện chứng pháp hiện sinh cũng chỉ là sản phẩm của Tây phương, dù biện chứng pháp có chống lại duy nghiệm đi nữa thì chính biện chứng pháp và chủ nghĩa thực dụng chỉ là hai anh em cùng một dòng máu, dòng máu độc tôn của da trắng mà Jacques Derrida đã tố cáo qua hai ý niệm “logocentrisme” và “ethnocentrisme”trong hai tác phẩm gây chấn động ở Âu Châu: De la Grammatologie và L’ Écriture et la Différence. Jacques Derrida đã cho chúng ta thấy rằng ngay cả những nhà trí thức Tây phương chống đối lại Tây phương đi nữa thì họ lại bị kẹt vào cái “écríture” của chính Tây phương, nghĩa là họ chống lại chính sự chống lại của họ bằng sự “đóng khép” (“clóture”) của hình thái văn tự của họ, còn những nhà nhân chủng tiến bộ của Tây phương chống lại sự độc tôn của da trắng thì lại tiếp nhận trở vào cửa hậu những tiền đề của chủ nghĩa độc tôn chủng tộc da trắng (l’ethnologue accueille dans son discoursles prémisses de l’ ethnocentrisme au moment même òu il le dênoncé. L’Écriture et la Différence, tr. 414).
Nói dễ hiểu hơn: Berlrand Russell, Sartre và Chomsky chống đối chiến tranh Việt Nam, thế mà ngay lúc chống đối ấy thì họ lại tiếp nhận lại những tiền đề của việc gây ra chiến tranh Việt Nam.
Nơi trang 6, phần mở đầu quyển American Power and the New Mandarins, Noam Chomsky có trích dẫn lời của Randolph Bourne:
“Những môn đệ của Dewey đã học quá rõ ràng cái thái độ dụng lợi đối với đời sống và vì họ vô cùng thông minh và hăng hái nồng nhiệt, cho nên họ đang tự chuyển dụng thành những dụng cụ hữu hiệu lợi ích cho kỹ thuật chiến tranh…” (Dewey’s disciples have learned all too literally the instrumental attitude toward life, and, being immensely intelligent and energetic, they are making themselves efficient instruments of the War technique…)
Câu trên đã thành sự thật, những người gọi là có “trách nhiệm” đối cuộc chiến tranh Việt Nam hiện nay đều là những môn đệ của John Dewey, ông tổ của chủ nghĩa thực dụng thế giới (đứng cùng với Charles Peirce và William James).
Câu trích dẫn trên nói về Dewey cũng có thể dùng để nói về những môn đệ của Chomsky: chỉ cần đổi từ ngữ “the instrumental attitude” (thái độ dụng lợi, dụng năng) thành ra từ ngữ “the transformational attitude” (thái độ chuyển năng, chuyển hành). Noam Chomsky đã lập ra lý thuyết gọi là “transformationalism” để chống lại những khuynh hướng duy nghiệm của thế kỷ XX (ef.
Qu’est ce que le Structuralisme, Du Seuil, trang 90-94), nhưng Noam Chomsky lại sử dụng lại tiền đề của mọi thứ duy nghiệm khi ông dùng lại hệ thống chuyển hành (système de transformations), tức là “cơ cấu toán học” (structure mathématique), gồm những quy luật và có những đặc điểm cố định (như “totalites”, “transformation” và “auto-réglage”). (cf. Diogène N° 51, 1965, trang 14).
Trở lại câu hỏi của Chomsky trích dẫn ở trên:
“Điều quan trọng không phải là những lời những chữ mà là thực chất: trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam” (What is important is not the words but the substance: the return of Việt Nam to the Vietnamese)
Câu nói trên, rất cảm động, nhưng nếu chúng ta mở tai nghe, lắng nghe tiếng vọng lại từ suốt dòng truyền thống văn minh Tây phương thì câu trên đã tự phản nghĩa: bênh vực cho cái điều mà chính lời lẽ bênh vực kia phá hủy.
“Không phải lời lẽ, chữ nghĩa mà thực chất” (not the words but the substance), nhưng đau đớn thay, chính chữ “thực chất”(SUBSTANCE )lại là một chữ, một lời, một tiếng (word). Chính vì cái chữ “thực chất” này đã gây chiến tranh tại Việt Nam, đã đưa nước Việt Nam ra ngoài người Việt Nam, đã đuổi người Việt Nam xa lìa quê hương Việt Nam. Chữ “thực chất” (thực thể bản chất, bản thể, chất, chất thể) là chữ dịch từ chữ “substance” mà Chomsky dùng ở đoạn trên. Chữ “substance” là một ý niệm thống trị toàn thể văn hóa Tây phương, chính chữ này đã đưa đến sự thành tựu thể hiện của khoa học cơ khí và tinh thần duy thực, duy nghiệm thực dụng của Tây phương: gốc Hy lạp của “substance” là “ousia”, rồi “ousia” được chuyển hình thành chữ La tinh là “substantia”, chữ “substantia” thống trị thời Trung cổ Tây phương và thời cận đại cho mãi đến thời hiện nay và chữ “fonction”, “function” (tác dụng, cơ năng, hàm số) chỉ là một hóa thể toán học (mathemalical variant) của “substantia” (xin đọc lại Heidegger, Einfuehrung in die Metaphysik, trang 148: “Der Haupttitee, d. h. die massgebende Auslegung des Seins des Seienden ist die ousia.Das Wort bedeutet als philosophisher Begriff die staendige Anwesenheit… Alsbald begann die Umdeutung der ousia zur substantia.In dieses Bedeutung bleibt siedem Mitlelalter und des Neuzeit bis heute gelauefig…) Heidegger đã giúp cho chúng ta thấy rằng sự hiểu sai xuyên tạc ý nghĩa — “xuyên tạc đảo lộn từ căn bản nền tảng” (vod Grund ans verfaelscht) — những ý niệm Hy Lạp (như hiểu sai ý niệm “ousia” của Hy Lạp thành ra “substantia” của La tinh và Tây phương hiện nay) đã đưa đến sự thịnh trị của cơ khí kỹ thuật và sự sụp đổ của thế giới hiện nay.
Nếu chúng ta chịu có cái nhìn tận nền tảng, tận gốc, tận căn bản (von Grund) thì chúng ta thấy rằng Noam Chomsky đã bênh vực cho Việt Nam (trả nước Việt Nam cho ngưừi Việt Nam) nhưng tận nền tảng chính lời lẽ bênh vực kia đã rước vào cửa hậu tất cả những tiền đề xô đẩy người Việt Nam ra ngoài Việt Nam: “Không phải những lời những chữ mà là thực chất” (not the words but the Substance) nhưng “Thực chất” (Substance) chính là một chữ, một lời và chính chữ ấy lời ấy, đã diều động toàn thể văn hoá Tây phương và đưa đến sự thành tựu của một trận chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam.
Ở trang 286 trong quyển American Power and the New MandarinsNoam Chomsky có trích dẫn một đoạn văn dài của Heidegger và Chomsky có ý chỉ trích Heidegger đã từng thiên Đức quốc xã (luận điệu chụp mũ Heidegger là Đức quốc xã đã được Jean-Miehel Palmier phanh phui trong quyển Les Écrits politiques de Heidegger, L’Herne, 1968; chính Jean-Michel Palmier đã cho ta thấy rằng Heidegger tự rút ra khỏi Đức quốc xã và chính Heidegger đã công kích Đức quốc xã và bị những nhà lý thuyết gia Đức quốc xã tấn công bài bác kịch liệt, và kể từ năm. 1934, lớp dạy của Heidegger đã bị mật thám Đức quốc xã theo dõi, of. op. cit, trang 99)
Bây giờ đã trên 80 tuổi, sống cô độc âm thầm ở ngọn đồi Rừng Đen Đức quốc, Heidegger không bao giờ lên tiếng cho Việt Nam, nhưng chính toàn thể sự nghiệp tư tưởng của Heidegger là sự phá vỡ toàn thể văn hóa Tây phương và chỉ nội việc ấy thôi cũng là một sự quyết định trầm trọng tận nền tảng cho hướng đi của lịch sử Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Trái lại, những người chân thành như Bertrand Russell, Sartre và Chomsky đã cực lực lên tiếng cho Việt Nam nhưng đằng sau những lời lẽ cảm động trầm thống kia thì lại là cả những tiền đề cố định của ý thức Tây phương, những tiền đề (prémisses) của một thứ chủ nghĩa hư vô (nihilisme) khả dĩ xô đẩy toàn thể vận mệnh của Việt Nam đi vào sự diệt vong.
“Không phải những lời lẽ, chữ, tiếng mà phải là thực chất”, và thực chất hiểu theo Chomsky, Sartre, Russell chỉ là Thực chất trong ý nghĩa Tây phương!
4. TRẢ LẠI NƯỚC VIỆT NAM CHO NGƯỜI VIỆT NAM
Chính chúng ta, người Việt Nam, phải tự nói câu trên, không phải nói bằng ý nghĩa Tây phương mà bằng ý nghĩa Việt Nam, bằng tinh thần Việt Nam, bằng ý thức Văn hóa Việt Nam.
Trí thức Việt Nam hiện nay đang vong bản, và vong bản nhất là lúc họ kêu gọi “dân tộc tính” bằng ý niệm Tây phương, kêu gọi “quốc hồn”“quốc túy”“dân tộc”“truyền thống” bằng tất cả ý niệm tiền đề của Tây phương. Hạng trí thức ái quốc Việt Nam thì lại ái quốc bằng tinh thần được nuôi dưỡng bằng ý thức hệ Tây phương (cái ý thức thực dụng biện chứng, duy nghiệm thực tiễn) đã tàn phá tổ quốc.
Tinh thần Phật giáo Thiền tông đã kiến tạo nên ý thức quốc gia căn bản đầu tiên của dân tộc, căn bản tinh thần của đời Lý Trần là Thiền tông và chính một sử gia duy vật như giáo sư Lê Thành Khôi cũng phải nhận sự thành lập nền móng quốc gia Việt Nam(fondation de L’Etat) là ở đời Lý (cf. Lê Thành Khôi, Le Viêt Nam, Histoire et Civilisation,Les Éditions de Minuit, 1655, trang 135-169: “La dynastie des Ly avait duré 216 ans. Elle avait défin-itivement constitué L’ Etat Vietnamien, assuré son indépendance et inagvuré sa marche grandiose vers le Sud”). Nền móng tinh thần của đời Lý là đạo Phật Thiền tông (Zencủa Nhật), chính đời Lý đã tạo ra tất cả cơ sở văn hóa Việt Nam (cuốn sách in đầu tiên, khoa thi đầu tiên, cái đê đầu tiên, chữ Nôm đầu tiên, chính sách Nam tiến đầu tiên, cơ sở quốc gia đầu tiên vân vân). Chính đạo Phật Thiền tông đã cung ứng nuôi dưỡng sức sống tinh thần cho toàn thể dân tộc, để rồi từ Lý cho đến Trần và cho mãi đến những triều đại kế tiếp thì đạo Phật Thiền tông thắm nhuộm vào đất đai hào khí của quê hương: bản tính của Thiền là không để lại dấu vết (càng tiến về phương Nam  thì Thiền lại càng mang tính cách “đốn” ), càng tiến mạnh thì Thiền càng ẩn giấu và không lộ liễu và làm thành cái hồn của cả một dân tộc (trong Tam giáo thì chỉ có Thiền tông là hợp chất nhất với tâm hồn người dân Việt Nam, vì Thiền chối bỏ trí thức uyên bác và thuận theo tính chất tự nhiên, mộc mạc, hồn nhiên, chất phác của dân quê (giữa một thiền sư Việt Nam và một người dân quê Việt Nam thì khó lòng ai phân biệt nổi, vì suốt trong truyền thống Thiền tông thì thiền sư vẫn là người dân quê tỉnh thức). Thiền của Việt Nam mạnh hơn Thiền của Trung hoa và Nhật bản là nhờ nằm ở địa lý phương Nam (Việt Nam vốn là “Nam quốc” ở hướng cực Nam của Tàu Thiền ở Bắc nước Trung Hoa thì tích cực và không hoàn đúng nghĩa Thiền ở phương Nam của Huệ Năng, càng đi về phương Nam thì Thiền càng lộ chất Thiền đúng nghĩa, tức là “vô tướng”“vô tâm” “vô niệm” “không để lại đặc tính, không để lại hình thù, dấu vết gì cả”). Sức mạnh của đạo Phật Việt Nam là tiềm ẩn, Thiền của Việt Nam chỉ hiển lộ cho ta thấy sức mạnh tâm linh phi thường trong những trường hợp mà chúng ta tưởng như là đạo Phật Việt Nam yếu thế nghèo nàn nhất. Đạo Phật Việt Nam càng nghèo, càng yếu, càng bị chà đạp thì khả tính của đạo Phật càng được tích tụ và nuôi dưỡng và sẽ bùng nổ lúc nào không ai đoán được. Trái lại đạo Phật Việt Nam càng được giàu sang phú quí, càng được “thiên hạ chạy theo” thì đạo Phật Việt Nam càng trở nên mất mát về mặt tâm linh.
Đạo Phật Việt Nam bị chà đạp vào suốt thời gian thực dân Pháp và thời độc tài “nhân vị” nhưng không ai ngờ năm 1963, sức mạnh của Thiền đã tích tụ lại và bùng vỡ lên một ngọn lửa cháy rực cả thế giới (với đại nguyện thành tựu của Hòa thượng Thích Quảng Đức). Đạo Phật Việt Nam năm 1970 bị phân hóa, phân của, bị lợi dụng thao túng, bị ngạo báng khinh cười, nhưng hãy coi chừng! Lúc đạo Phật Việt Nam có vẻ như là sắp dẫy chết thì lúc ấy là lúc sức mạnh của Thiền đang tích tụ lại và sẽ bùng vỡ lên những lúc bất ngờ nhất. Khi thế giới bên ngoài càng lúc càng tán thì sức mạnh của Thiền càng lúc càng tụ.
Khi một người dân quê Việt Nam bỗng nhiên lầm lì câm lặng, thì phải hiểu rằng “sự im lặng như sấm nổ” (mặc như lôi) của truyền thống Thiền tông Việt Nam đang nhập vào hồn họ. Và có ai ngờ được lúc nào sấm sẽ nổ? Và khi sấm nổ thì đó là một thứ sấm chẻ! “sấm chẻ”, “sấm cắt”, “sấm chặt đứt”, đó cũng là ý nghĩa chỉ Phạn của kinh Kim Cang: Vajracchedika Sutra,kinh Kim Cang cũng là kinh căn bản của truyền thống Thiền tông Việt Nam)
Trời đất của quê hương Việt Nam đang vần vũ mây đen. Chúng ta hãy tiêu diệt mọi sợ hãi và im lặng chờ đợi.
Những làn chớp đang rạch nát cả bầu trời quê hương, và SẤM CHẺ sẽ nổ vào lúc bất ngờ nhất, lúc ấy con Rồng Việt Nam sẽ lượn vòng ngang dọc từ đầu ải Nam Quan cho đến cuối Cà Mau. Có ai trong chúng ta còn đủ tai lắng nghe tiếng nồ âm thầm của sự cựa mình từ lòng đất Việt Nạm và sự chuẩn bị rạn vỡ của không khí từ trời cao bão tố?
Nguyên Tánh Phạm Công Thiện
_______________________________________
[1] Về Kinh tế học, quyển mới nhất là The New Industrial State của John Kenneth Galbraith (trang 304-329, trang 332-349 trang 350-360), về Chủ nghĩa dân chủ, xin đọc Democracy in Jonesville của W. LLoyd Warner (xin đọc chương 16, trang 287-298), vềChính trị học xin đọc A Nation of Sheepcủa William J. Lederer (trang 73-100 và trang 137-142-144), vềXã hội học xin đọc White Collarcủa C. Wright Mills (chương 2 và chương 3), The New Sociology do I.L. Horowitz biên tập (trang 3-47, trang 66-75, trang 162-177); về Luật học, xin đọc quyển The Meeting of East and Westcủa F.S.C. Northrop (trang 256-261); về Giáo dục, xin đọc Pourquoi des professeurscủa Georges Gusdorf (trang 118-141, trang 231-238), về đại học, xin đọc L’université en questioncủa Georges Gusdorf (trang 141-157-179), về Trí thức, xin đọc The House of Intellectcủa Jacques Barzun (trang 145-199, trang 216-246), về Tâm lý học và phân tâm học, xin đọc The Doctor and the Soal của Viktor E. Frank (trang IX-XXI, trang 3-22), xin đọc quyển Man’s Search for Himself của Rollo May (trang 13-65) về Đường huớng giáo dục, xin đọc Two modes of Thoughtcủa James Bryant Conant (trang 89-90, trang 91-95), về Sự tiến bộ của văn minh tân tiến, xin đọc the Lonely Crowdcủa David Ricsman (trang 113-120, trang 130-174), vềCơ khí khoa học kỹ nghệ, xin đọc The Revolution of Hopecủa Erich Fromm (trang 26-57), ngoài ra còn vô số sách khác nói lên sự sụp đổ của ý thức Tây phương mà chúng tôi không muốn làm mệt mắt người đọc.

Friday, March 8, 2019

PHẠM CÔNG THIỆN KỲ TUYỆT MỘT THIÊN TÀI


PHẠM CÔNG THIỆN KỲ TUYỆT MỘT THIÊN TÀI

Có những con người đến rồi đi qua mặt đất, trần gian này như một cơn giông tố bão bùng, sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ vĩ, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.

Đấy là một giáo sư, tư tưởng gia, nhà văn, nghệ sỹ hay một thi sỹ kỳ tuyệt thiên tài, như đại văn hào Henry Miller từ Hoa Kỳ đã phát biểu trong một thư gởi Phạm Công Thiện, đề ngày 8.8.1966 : “Mới ở tuổi 25 mà là khoa trưởng văn chương ở một đại học nổi tiếng trong xứ sở của ông, quả nhiên là thiên tài. Điều đó thật phi thường quá, quả thật khó tin, thật như chuyện huyền thoại.”

Đúng vậy, một con người đã đến và đi như huyền thoại giữa cuộc sống thiên diễn, đầy biến động trên quê hương đất nước Việt Nam. Làm sao nói về con người kỳ diệu này ? Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.

Thi sỹ lớn lên từ đó, từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh thông minh xuất chúng, học một biết mười, đến độ thông thạo nhiều ngôn ngữ, đọc hàng đống sách đủ loại Đông Tây kim cổ… Suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng, rong chơi và tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng, xa xôi…

Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một tài năng kiệt xuất, lỗi lạc, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha… Từ thuở mới 13, 14 tuổi, chàng đã có những bài tiểu luận tham gia, cộng tác với các tạp chí Phổ Thông, Dân Ta, Bông Lúa, Giữ Thơm Quê Mẹ, Văn, Văn Nghệ, Bách Khoa…Những bài viết triết lý, thi ca, viết về các nhà thơ, nhà văn trên thế giới, khiến Nguyễn Vỹ (chủ bút tạp chí Phổ Thông, Dân Ta) và học giả uy tín Nguyễn Hiến Lê đều nể phục, xem là thần đồng, một hiện tượng vô cùng hy hữu giữa thế kỷ XX.

Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự Điển Anh Ngữ Tinh Âm, 20 tuổi viết Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, 23 tuổi, viết Tiểu Luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26 tuổi, viết Hố Thẳm Tư Tưởng, Im Lặng Hố Thẳm, Ý Thức Bùng Vỡ, Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn, Trời Tháng Tư, Ngày Sinh Của Rắn, Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Đức những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger, Rainer Maria Rilke, Henry Miller, Hoelderlin… làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sỹ, trí thức Sài Gòn, miền Nam thời bấy giờ.

Thời kỳ ấy, từ 1966 đến 1970, mới 25 tuổi, Phạm Công Thiện đã làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, đồng thời là giám đốc soạn thảo Chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa Xã hội Nhân văn và chủ biên tạp chí Tư Tưởng đã khơi nguồn mạch sáng tạo, trào dâng chất ngất cho giới văn nghệ. Mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, tư tưởng, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát diệu thường.

Trước đó, nhà thơ cũng đã từng làm những chuyến giang hồ tứ chiếng, xách túi thơ bầu rượu ngao du sơn thủy qua New York, California, Paris, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ba Tư, Ý Đại Lợi rồi, từng diện kiến, tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng, lừng lẫy trên thế giới như Krishnamurti ở Paris, Henry Miller ở Los Angeles.

Văn chương, nghệ thuật, triết lý, thi ca, những tác giả kỳ cựu, những bậc cao thủ thời đó đều tập trung về Đại học Vạn Hạnh, tạo nên một bầu không khí sinh động vô vàn. Đang là thần tượng của đám sinh viên các Đại học Vạn Hạnh, Văn Khoa, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt thì đùng một cái, Phạm Công Thiện bỏ ngang chức Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường viễn phương hành. Làm cuộc ra đi vô mục đích, nhảy tung vào Hố Thẳm Tư Tưởng không đáy bồng bềnh, lênh đênh qua tận bên kia bờ đại dương vào năm 29 tuổi, tức năm 1970.
Đó là lúc Ý Thức Bùng Vỡ làm thay đổi cả một nếp sống bình sinh, hay cũng là một thái độ phản kháng cuộc chiến tranh tương tàn tương sát, đang diễn ra ở xứ sở Việt Nam đến độ khốc liệt, kinh hoàng, khủng khiếp nhất trên khắp hai miền Nam Bắc phân tranh. Cuộc nội chiến làm sụp đổ tan tành, tan hoang hết mọi sự trong tiêu điều, điêu linh, trầm thống...

Sống trong thời buổi loạn ly, bị khổn vây bầu không khí ngột ngạt như vậy, một hồn thơ sâu thẳm, nhạy cảm như chàng làm sao không rơi vào trạng thái cô đơn ? Cô đơn rờn lạnh hiu hắt, lặng buốt cả tim hồn thổn thức, cũng như bao thanh niên khác, chàng tìm đến tình yêu cho khuây khỏa bớt u sầu.

Yêu nhau cảm động dường nào để cho lòng xao xuyến, xốn xang, chan chứa một điều chi da diết, trong tiếng hát liêu trai của nàng ca sỹ yếu gầy. Hình ảnh người ca sỹ yếu gầy ấy đã đi vào thi ca chàng một cách trữ tình, lãng mạn giữa trầm trầm, mê mê bóng sương nhòa tha thiết trong hồn lệ rưng rưng:
Cô đơn về trắng sương rừng
Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa run lặng lẽ bên thềm bơ vơ

Tiếng ru vàng xuống đôi bờ
Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu
Tay gầy ôm chặt tình yêu
Anh về phố gục những chiều hư vô

Đời đi trên những nấm mồ
Đau thương em hát cơ hồ khăn tang
Phố chiều thả bước lang thang
Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh

Nửa đêm khói đốt đời anh
Yêu em câm lặng khô cành thu đông
Lời em như một dòng sông
Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên

Mưa chiều nước chảy triền miên
Một con chim dại lạc miền hoang lương
Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa


Hè xưa phố cũ tuy buồn bã mà vẫn có một vẻ đẹp não nùng của thứ tình yêu diêu mang, lãng đãng. Chàng thi sỹ đa tình đa cảm, trót vương mang dáng dấp nàng thơ gầy guộc, có đôi mắt sầu mộng, u huyền nào đó trên cao nguyên, nghi ngút sương mù bay trắng cả rừng thông. Cũng có thể, từ bên trời Tây phương nhớ về Đông phương với bao niềm xót xa không bờ bến. Bềnh bồng, phiêu phưỡng trong tâm trạng tương tư theo từng cơn gió thổi từ đồi tây sang đồi đông, từ đồi thông qua đồi thu, suốt mười năm trời mơ mộng, nhớ thương, tưởng vọng trong rưng rức ngậm ngùi:
Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về theo giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông


Dòng thơ phơ phất trôi đi, dĩ nhiên là ẩn ngữ chập chùng, bóng bẩy… Thi sỹ thả hồn mơ mộng, sầu nhớ trong niềm đau nhói buốt chia ly, xa cách người yêu dấu cũ mơ màng ? Bản sầu ca lãng mạn đẹp mơ hồ trong giọng hát vô thanh, mặc sức cho chúng ta tưởng tượng, hiểu ý thơ theo mỗi cách riêng biệt của mình.

Phải chăng, đó là cõi thơ huyền mộng, hư ảo, tự thuở nào xa ngút ở trên rừng Phi Nôm, Đà Lạt hay dưới vùng biển Vạn Giã, Nha Trang ? Bỗng nhớ một chiều mưa thấp thoáng tần ngần, thi nhân rời bãi biển cát trắng, gõ nhịp bước đơn hành, đi về con đường quanh sườn đồi cao Hải Đức, bỗng sực thấy cây khế bừng rộ hoa tim tím bên triền dốc đá hoang thưa:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông


Hoa nở rồi tàn cũng như những nàng con gái mộng mơ đến rồi đi. Tuy vậy, vẫn còn quyến rũ mị kỳ, cứ ám ảnh chập chờn, thoang thoảng, phảng phất những làn hương. Trước ngày lên đường viễn phương hành, thi nhân leo lên đồi Hải Đức, Nha Trang (nơi ngày xưa vào năm 1963, chàng chán ngán cõi đời đi xuất gia, làm đệ tử thầy Trí Thủ ở đó, với pháp danh Nguyên Tánh) ngồi một mình trên đồi cao, nhìn xuống biển cả muôn trùng vắng lặng, lắng hồn cô đơn, tịch mịch để nghe vọng về bao nỗi đời ly tán, đớn đau, bàng hoàng trong rưng rưng, nhức nhối:
Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bạt gió hai đường âm u…


Âm u hai đường, đông tây đôi ngã thê lương, còn chi đâu mà nói nữa. Thôi thì cánh chim ngàn cứ tung bay cho hết bầu trời tính mệnh bao la của mình. “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.” Văn hào Nikos Kazantzaki đã nói như vậy, cũng như triết gia Heidegger làm những câu thơ như âm thầm khích lệ thi sỹ lên đường: “Bước tới và chịu đựng. Sự thất bại và câu hỏi. Trung thành với lối đi duy nhất của mi.”

Thi sỹ Phạm Công Thiện đã cảm nhận chân thiết lời thơ đó, nên hùng tâm tráng khí, im lặng thực hiện một cách mãnh liệt cuộc lữ phi thường, khởi sự tấu khúc độc hành ca trên lộ trình hướng về hố thẳm uyên mặc hay uyên nguyên khơi mở.

Buông tay vào hố thẳm, mở ra những phương trời hoằng viễn, uyên tư như Rimbaud, Henry Miller, Nietzsche, như Hoelderlin, Whitman, Blaise Cendras, như Nerval, Van Gogh, William Blake, như Emerson, Faulkner, Dostoievsky… những đồng thanh tương ứng với thi sỹ nên luôn luôn xuất thần, ngất trời túy lúy, phóng cuồng ca phiêu đãng, hoan say. Cháy và chảy, cháy và chảy mãi trong hồn, như một lần lúc 24 tuổi, chàng đã từng nhắn gởi cho giới trẻ thanh niên Việt Nam : “Gởi một người đọc không quen, cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi, cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó, chảy trôi như tôi, cùng sống như tôi đang sống : Cháy và chảy, cháy và chảy không ngừng…”*

Không ngừng trôi chảy, thi nhân làm cuộc lữ lên đường qua Paris, tiếp tục chuyến đi tuyệt mù viễn xứ vào những phương trời xa lạ. Bước đi một mình một bóng, đơn thân độc mã quá đỗi phong trần, lang thang suốt muôn chiều phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương. Hừng hực ngọn lửa thiêng suốt ngày đêm bừng cháy trong trái tim, đồng thời một dòng sông xanh ngát luôn tuôn chảy bất tuyệt ở trong hồn, nên chàng thi sỹ đã hào hứng ra đi, tấu khúc viễn hành ca khắp ngàn phương muôn lối:
Tôi đi đông chìm
Trời âm u thung lũng khô
Nhiều mây chim bay không nổi
Tôi đi
Dưới kia sụp đổ
Núi Cấm nổ tôi ra
Cửu Long ca từ Tây Tạng


Dòng sông Cửu Long bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy gập ghềnh qua các xứ miền Miến Điện, Lào, Campuchia và xuôi dòng cuồn cuộn, cuốn lũ phù sa qua Mỹ Tho, Việt Nam, thành phố quê nhả, một thời tuổi nhỏ của thi sỹ rồi cuối cùng tuôn tràn ra đại hải, trùng dương. Chính dòng sông Cửu Long ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân nên chàng luôn mang theo rạt rào trôi chảy suốt trong lòng trên khắp mọi miền viễn xứ.

Như ngôi sao băng vụt ngang trời, một mình làm cuộc phiêu lưu, vút bay qua Paris, kinh đô Pháp quốc, có lúc rong rêu sống lưu lạc ở Đức, Do Thái rồi lại về Paris… Không phải để hưởng thụ vinh hoa phú quý gì mà trái lại, tự nguyện sống không nhà, không cửa, tựa như nhánh lục bình trôi phập phềnh trên dòng sông Seine xanh biếc mộng:
Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày


Ngày tháng lang bạt kỳ hồ đó, Phạm Công Thiện đi từ bế tắc này đến tuyệt lộ khác như chính chàng tâm sự : “Giai đoạn sống ở Paris dạo ấy là giai đoạn bế tắc nhất trong đời tôi. Một ngàn chữ không cuốn theo bước đi tôi, không tiền, không nhà, không nghề nghiệp, không tình yêu, không tương lai, không gì cả... Tôi là một số không to tướng, di động giữa những đường phố Paris. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được thế nào là đói, là nghèo, là khổ, là tuyệt vọng…

Đi từ bế tắc này đến bế tắc khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng tôi đã sống đến độ vỡ đê, yêu đời đến độ gần đứt mạch máu. Vâng, trong cuộc đời hai mươi chín năm trên trái đất này, chưa bao giờ tâm hồn tôi thanh bình, trong sạch xanh lơ tựa bầu trời mùa hạ, như những ngày sống ở Paris dạo đó.”**

Thời gian vừa bi đát, long đong, vừa thơ mộng, bồng bềnh ấy, kéo dài suốt mấy tháng trời. Cũng may sau đó, chàng được sự giúp đỡ tận tình của nhà thơ Thi Vũ, Nh. Tay Ngàn, họa sỹ Vĩnh Ấn, Trần Quang Hiếu rất nhiều và đặc biệt nhất là nhà văn Henry Miller đã chiếu cố chàng hết lòng, bằng những tấm ngân phiếu gởi từ Hoa Kỳ cũng như Lê Khắc Thanh Hoài, một nàng thơ định mệnh đã đến với chàng, tự nguyện sống chung một cách gần gũi, cận kề, gắn bó, vô ngần mật thiết. Đó là một thiên tình sử đẹp đầm đìa, chia sẻ bao mây hồng gió xám đẫm sương mưa:
Một chút mây và một chút mưa
Hồn em thở nhẹ cõi xa xưa
Buồn bay lên mấy hàng dây thép 
Mây trắng em còn phơi ban trưa…

Từ sông Seine bèo bọt chợ trời
Băng qua cầu bỗng nhớ Montreuil
Đồi Montmartre hẹn em tiền kiếp
Một chút buồn như có gì rơi


Dường như đã có hẹn hò nhau đâu từ tiền kiếp xa xôi nào đó rồi, đến bây giờ mới trùng ngộ, tao phùng lại bên bờ sông Seine, nên chi mới gặp nhau là cả hai đều tự động cuốn hút, nhập vào nhau ca hát chan hòa. Lê Khắc Thanh Hoài, gái Huế, một nhạc sỹ dương cầm, viết văn làm thơ đã sống chung chạ với chàng như vợ chồng suốt hơn mười năm trời đằng đẵng ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp.
Đó là cuộc tình lâm ly, đầy tình tiết ly kỳ, gay cấn, hấp dẫn mà nàng đã viết lại thành cuốn tiểu thuyết Chuyện Một Người Đàn Bà… Năm Con. Chúng ta hãy nghe nàng thơ nói về Phạm Công Thiện : “Chàng tìm đến tình yêu cũng như chàng tìm đến tôn giáo. Tình yêu cũng phải thần thánh và linh thiêng. Như giọt nước cam lồ tưới tẩm làm tan biến khổ não ưu phiền. Như sức mạnh của thần chú xô người qua bên kia bờ giải thoát. Tình yêu cũng phải có mãnh lực đó. Mãnh lực chuyển hóa và thăng hoa.”***

Thăng hoa và chuyển hóa là những nốt nhạc trên cung bậc tình yêu vô điều kiện. Với người thi sỹ thượng thừa, tuy họ sống trọn vẹn, quăng ném cả thân tâm, đắm đuối hết mình, hết sức vào đối tượng yêu thương, nhưng mà họ không hề muốn chiếm hữu, chiếm đoạt gì cả, thành thử không bị đắm chìm hay dính mắc, chẳng nặng nề ôm giữ làm của riêng mình.

Tình yêu vô điều kiện ấy, hầu như rất ít người trong chúng ta lãnh hội và thực hiện được phải không ? Gần kết thúc cuốn truyện dài, chàng nói với nàng : “Ở nơi chốn hỗn loạn, ở nơi tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng mà tiếng nhạc của em vẫn có thể vang lên những âm thanh dịu dàng đằm thắm, bay bổng cao vút tận chân trời, từ cái điều Không Thể mà vẫn Có Thể, hãy gọi đó là Giai Điệu Của Cái Điều Không Thể. Từ đó, cố vượt ra ngoài tầm nhìn và sự hiểu biết cạn cợt của chính mình. Điều mình thấy như vậy, biết như vậy nhưng không chắc đã là như vậy. Hãy có cái nhìn và sự hiểu biết từ cái điều Không Thể mà Có Thể đó.”***

Cho nên dù rất mặn nồng gắn bó, hòa âm tâm huyết, trải qua biết bao niềm thích thú, ru hồn lên tuyệt đỉnh hân hoan, nhưng rồi cũng ngậm ngùi chia tay trong lặng lẽ âm thầm. Chấp nhận cuộc sống ly thân, nàng tự sắp xếp, xoay xuở công việc mưu sinh để cưu mang, nuôi dưỡng năm đứa con còn nhỏ dại, ăn học thành tài.

Tuy nhiên, cũng nhờ cuộc tình thâm thiết, sinh động đó mà chàng chuyên tâm vào nghiên cứu, hoàn thành tốt nghiệp Tiến sĩ triết học tại đại học Sorbonne, rồi sau đó giảng dạy triết học Tây phương tại đại học Toulouse ở Pháp quốc. Thời kỳ này kéo dài suốt mấy năm tràn đầy hào hứng, tưng bừng, đám sinh viên Tây tôn sùng, kính phục chàng còn hơn thần tượng.

Thế nhưng, lại một lần nữa, từ trên tuyệt đỉnh vinh quang, đang sống trong hạnh phúc, đang được ngưỡng mộ, đang là thần tượng của đám sinh viên Anh, Pháp, Mỹ, Đức… chàng lại vất bỏ giảng đường đại học để ra đi như ngày xưa đã vất bỏ lại sau lưng đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Thật là quá đỗi lạ lùng, giống như triết gia Nietzsche rời bỏ đại học Bases để lên vùng thượng sơn sống ẩn dật, suốt mười năm trời vô ngôn, chìm trong im lặng và im lặng.

Những nhận xét của Lê Khắc Thanh Hoài về Phạm Công Thiện thật chí lý : “Tất cả những gì mà một con người bình thường trên thế gian này khát khao đeo đuổi, như tiền tài và danh vọng, thì lại chinh là những điều mà chàng luôn luôn muốn chối bỏ, khước từ, chạy trốn. Chàng chỉ muốn ngoảnh mặt quay lưng, ném quăng những danh từ ấy thật xa thẳm, ra ngoài tâm tư, trí tuệ mình.”***

Đúng là như thế, quả nhiên là chàng thực hiện y như vậy. Đã qua rồi thời gian gọi là công thành danh toại ấy, kể từ năm 1983, chàng thi sỹ tự ý khước từ danh vọng cao sang, chối bỏ giảng đường đại học nổi tiếng để bay vèo qua Los Angeles, Hoa Kỳ, tự nguyện dấn thân vào phương trời vô sở trú, vô sở cầu, vô sở đắc, chẳng thể nghĩ bàn.

Chàng lại tiếp tục Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất, như một tác phẩm thâm thúy, chàng viết năm 1988 ở Garden Grove. Đường của thơ là những nẻo đường ngược gió, là quán trọ, hiên chùa tá túc qua đêm. Đêm và ngày trôi qua như giấc mộng, như sương rơi, như chớp lóe… Nghe hơi thở nhẹ vỡ bùng. Từ vô thủy đến vô chung cõi về. Nàng thơ huyền mộng đê mê. Thế thôi chuyển cuộc muôn bề chia phôi:
Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương

Có còn chi nữa mà thương
Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn

Đại Huyền biến ngưỡng triều tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim


Trái tim bốc lửa tam muội làm cháy tan hết những luật lệ phép tắc, những lề thói khuôn khổ, lối mòn cũ rích của xã hội máy móc khô khan, cạn kiệt hết bầu sinh khí, chàng thi sỹ muốn ra đi, khai phá một con đường huy hoàng sáng tạo tân kỳ, mới lạ hơn.

Đứng trên tuyệt đỉnh cô liêu, một chiều hoang vu nọ, chàng bỗng nghe văng vẳng những lời ẩn ngữ, mật ngôn huyền bí và chợt thấy thấp thoáng tiền kiếp mình ở tận xứ miền tuyết trắng Tây Tạng hoang sơ. Biết mình là hành giả Mật tông trong các dãy hang động trên tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn nên trái tim Bát Nhã ứng hiện những nàng tiên huyền diệu, dạo khúc cung đàn mười tám tiếng lòng Không Định rung ngân, khiến cho thi sỹ chỉ còn biết đọc thần chú lim dim dung nhiếp:
Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm
Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không
Án đa la tịch mịch hồng
Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên
Bát Nhã là gái thiên tiên
Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao
Gió lùa thơm tóc tơ đào
Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn
Trời mưa chim ngủ trên ngàn
Sắt son tình cũ nước tràn sang sông


Tiếng đàn tiêu dao, vô thanh mà vang ngân bất tận, lan dài theo cuộc lữ kỳ cùng, rung hồn rúng chuyển gió sương ngàn, khắp vùng thung lũng, sơn khê. Ơi chao ! Một đóa hồng hoa vụt trổ im lìm như những nàng thiên nữ giáng trần, sà nhẹ vào hồn tim, để cho thi nhân xuất thần bay phiêu linh, phiêu hốt trong bồi hồi rộn rã, phập phồng:
Đã đi rồi có đi không
Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương
Đi đâu mà lại lên đường
Hạ phương còn gặp cô nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về
Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê
Một bông hồng nở bốn bề lặng im
Năm nàng tiên đậu vào tim
Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần


Xuất thần, xuất cốt, xuất tinh huyết, tinh hoa trên cuộc lữ dặm dài. Phải chăng, năm nàng tiên nữ là ẩn ngữ ám chỉ cho năm nàng thơ đã từng xuất hiện, đi qua một cách cụ thể trong đời chàng, nhưng có lẽ không phải vậy mà là ám chỉ một cái gì thâm thúy hơn. Đi vào cõi thơ nhiều tượng trưng, ẩn dụ, hoán dụ này, tha hồ chúng ta hiểu ra nhiều cách bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, dẫu sao thì dẫu, cuộc đời của thi nhân vẫn dạt dào cảm hứng từ những nàng thơ trên mặt đất trần gian này. Tình yêu vẫn là tiếng lòng muôn thuở, là chất liệu cho nhà thơ mở rộng phương trời bay bổng sáng tạo, như triết gia Nietzsche tuyên bố: “Những trực kiến, nhập kiến sâu thẳm nhất đều xuất phát từ tình yêu.”
Hay như đạo sỹ Osho : “Tình yêu có thể tạo ra thiên đường ngay bây giờ và ở đây. Đây là cốt tủy thông điệp của tôi : Hãy thương yêu nhiều hơn nữa, nhiều đến mức mà bản thân bạn đơn giản trở thành một dòng suối tình yêu mà không là gì khác.”

Còn Phạm Công Thiện thì : “Nói đến tình yêu, tình dục thì mọi người đều run sợ. Đạo sư Krishnamurti đã hỏi một câu rất sâu sắc : “Tại sao chúng ta biến tình dục thành ra một vấn đề ?” Tất cả đều trở thành vấn đề, ngay cả tình dục cũng trở thành vấn đề. Tại sao không để tình dục phát triển tự nhiên với tình yêu, tình thương như đóa hồng hé mở với giọt sương mai ? Tình dục không phải chỉ là cảm giác, tình dục là sự tuôn chảy tự nhiên từ Nguồn Suối Tình Thương Bao La của Sự Sống.”****

Vâng, đúng là như vậy, tình yêu, tình dục cùng chung một suối nguồn tuôn chảy mênh mông, không giới hạn giữa đúng hay sai, tốt hay xấu, sạch hay dơ…gì hết cả. Một khi tình yêu dịu dàng phát sinh từ cái đẹp trinh tuyền của tình thương nguyên sơ, nguyên thủy, thì những hình ảnh tiêu biểu cho tình yêu, thể hiện qua những thục nữ, thuyền quyên, những nàng thơ, tiên nữ, duyên dáng mỹ miều, yểu điệu hồng nhan là rất đáng trân trọng mà thi nhân gặp gỡ, tao ngộ, trùng phùng, gọi là Con Gái:
Càng xa càng mông lung
Tới gần vẫn lạ lùng 
Nhắm mắt sao lạ quá
Mở ra ồ không cùng


Linh hồn con gái, phải chăng là nhiệm huyền thi vị như vậy, khiến cho chàng thi sỹ mơ màng, mộng mị trong từng trận trận chiêm bao, ảo dị phiêu phiêu:
Một người nằm thở quạnh hiu
Mơ mòng thiếu nữ cô liêu giáng trần
Gió khuya đập cửa bất thần
Giựt mình thức dậy mấy lần chiêm bao

Có nàng tiên dáng cao cao
Nước da mòng mọng hao hao bông hường
Cái đêm lành lạnh chiếu giường
Gió lùa hương lạ bên đường tạt qua

Đêm qua thương nhớ người ta
Tối nay tơ tưởng thiên hà bơ vơ
Tháng ngày tôi nhớ bâng quơ
Những nàng con gái bao giờ gặp đâu


Gặp nhau bao giờ chưa, hỡi những sắc nước hương trời, những kỳ hoa dị thảo, những hương đồng cỏ nội khắp lâm tuyền, biên ải, ngoài bến gió bờ sương ở mọi chốn muôn nơi, hỡi những thuyền quyên Hương, Uyên, Hoài, Loan, Sương… diễm tuyệt, một thuở nào quyến rũ, du dương tận xứ miền Liên Chiểu hay ngút ngàn sương khói Đà Lạt quá mang mang:
Bầy chim bạc má gọi đàn
Thương nhau gặp lại trên ngàn đỉnh cao
Trở về Đà Lạt ngó đào
Ghé thăm Liên Chiểu thuở nào yêu nhau


Hãy yêu thương nhau đi hỡi nhân loại đang sống trên quả địa cầu mầu nhiệm này. Hãy hát bản tình ca muôn thuở đại bi tâm. Thầm cảm nhận, thấm thía hương vị mị kỳ của tình yêu tương đối và tuyệt đối, rồi từ đó, thi nhân tự nhiên như nhiên chuyển dần sang ngạt ngào, tuyệt bích tình thương.
Thấu thị nhân sinh, tình yêu đã thăng hoa thành tình thương vô hạn. Tình thương yêu tối thượng như mây lan tỏa khắp mười phương, chan chứa trộn lẫn trong giọng chim Ca lăng tần già hòa quyện tiếng kêu thanh tao, thánh thót nhập hồn sương khói vô vi, trở thành bồ đề tâm diễm tuyệt miên trường:
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy cúng dường
Lôi bồ đề tâm dậy
Chấn động khắp mười phương

Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vô lượng
Lôi bồ đề tâm dậy
Địa động cả mười phương

Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy đại dương
Lôi bồ đề tâm dậy
Sấm sét nổ mười phương

Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vô thường
Lôi bồ đề tâm dậy
Sấm chẻ đứt Kim Cương


Khi thi nhân quỳ xuống, sụp lạy tất cả muôn loài vạn vật, đất trời thiên vạn cổ là lúc Bồ đề tâm bừng dậy tỏa chiếu hào quang rạng rỡ khắp muôn phương. Bồ đề tâm chính là đại bi tâm, có thể làm sụp đổ tất cả mọi ác pháp. Hành động quỳ lạy hết thảy mọi sự như thế, thể hiện một tâm hồn đã nhập diệu vào vô ngã, vắng lặng cái tôi, vắng lặng mọi so đo chân giả, xa lìa mọi giả danh, tham chấp, chỉ còn cái đang là tỏa sáng ánh thái dương.

Đó là sự chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, như thi sỹ từng phát biểu : “Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Đức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc. Đến năm 1983 qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần hai mươi năm.

Từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên mười một năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles, sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc Châu, tôi vẫn trở lại với thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên, tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình.

Cái “tôi” ở trên đã trở thành một cái gì khác. Không biết là cái gì ? Cũng chẳng bận tâm biết đến làm gì, chỉ biết ở đây và ở đó vẫn còn động đậy nhẹ nhàng những bước chân thầm kín, những bước chân lặng lẽ, thong dong bình thản trở về sự im lặng.”*****

Trên ngõ về im lặng, im lặng vô ngần giữa bốn bề, mười phương yên tĩnh tịch nhiên, như nhan đề một tập thơ của chàng Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im, viết trên khắp nẻo phiêu bạt giang hồ thế giới và được Hương Tích thư quán của Tuệ Sỹ xuất bản, năm 2009 tại Sài Gòn.

Sự im lặng nhập thần xuất cốt, vô cùng cảm hứng là những trạng thái kỳ diệu mà Phạm Công Thiện thỉnh thoảng rơi vào một cách phiêu diêu, ngay từ lúc còn tuổi thiếu niên, như một thời sống bồng tênh trên núi rừng phố hoa Đà Lạt, khoảng năm 1960. Một chiều hiu hắt nọ, đang nằm đọc sách thiền, hoát nhiên chàng đứng bật dậy, quỳ lạy đất trời, khi bắt gặp Thiền tông : “Tôi quỳ xuống lạy lung tung, tôi lạy gió, lạy mưa, lạy nắng, lạy không khí, lạy cái ghế, lạy cái bàn, lạy vách tường, lạy đóa hoa trong ly, lạy cái giường. Ồ tôi hạnh phúc, sung sướng, yêu đời, yêu cả vũ trụ. Cảm tạ hết mọi đau khổ, mọi bất công, mọi bi kịch, cảm tạ hết, cảm tạ bất tận. Tôi đã tìm được tất cả những gì đã đánh mất từ mấy ngàn năm nay.”**

Hay một lần nơi thành phố Garden Grove ở California, năm 1988, trong căn phòng trống trải, cô tịch vô vi, thi nhân cũng nhập diệu, thấy mình hóa thân trùng trùng giữa mười phương pháp giới vô ngần : “Trong tận cùng sâu thẳm của kiếp người, nó không khác người khác, nó là tất cả mọi người đang di động trên trái đất, nó là tất cả những định tinh và hành tinh, nó là con sâu, cái kiến, con bướm, con quạ, trái cam, chiếc lá. Nó là cơn gió thổi vèo qua kẹt cửa, nó là luồng ánh sáng và đêm tối. Nó là cơn ác mộng trong đêm khuya và cơn bừng tỉnh lúc rạng đông…Nó là một cảm giác, một tư tưởng, một ý tưởng và một cử chỉ. Nó là mỗi chữ, mỗi tiếng, mỗi lời trong tất cả ngôn ngữ loài người…

Nó là sức mạnh vũ bão của tất cả năng lực vũ trụ, sự tập trung tư tưởng mãnh liệt nhất của tất cả tư tưởng nhân loại, tập thành khủng khiếp của tất cả đạo lý và triết lý…Nó là nguyên lý đồng nhất tối thượng, đồng thời là sự chuyển hóa tối hậu của chính nguyên lý đồng nhất và bước nhảy tịch liêu vào cõi tịch mịch của một đóa hoa hồng tơi tả…”******

Rồi một lần kia, nhà thơ cô đơn rờn lạnh, bước lê la, tha thẩn dạo chơi những ngày cận kề cuối năm ở tận góc bể chân trời, ven bãi biển Laguna Beach bên Mỹ Châu xa xăm bỗng nhập thần mộng, thấy thi hào Nguyễn Du và Thúy Kiều hiện về thấp thoáng, chập chờn trong cơn gió thoảng vi vu:
Năm tàn nằm mớ Nguyễn Du
Kiều trôi đâu mất la phù dặm khơi
Cuốc kêu bảng lảng tháp hời
Nhắc tên người cũ rã rời cuối năm


Trầm tư bên một góc quán cà phê ở Glebe, trên vùng đồi cao Earlwood, nhìn xuống dòng sông xanh, gần thành phố Sydney ở tận bên kia bờ Úc Châu, thi nhân chợt nghe ra tiếng ngựa hý, tiếng đàn vô thanh của Mã Minh và thấy Long Thọ lang thang dưới ánh trăng thái cổ ảo huyền :
Con ngựa ô lồng lộn Mã Minh gãy đàn
Long Thọ thở dài nhật nguyệt lang thang
Ta là con chích chòe ngủ say cành ổi trắng
Nắng rừng mai ai lượn hạt cho chim


Rồi lại một chiều rong rêu, phiêu diêu cùng họa sỹ tài tình Vĩnh Ấn bên dòng sông Seine, bồng bềnh trên những lượn sóng rực ngời hoa nắng ven thành phố Paris, thi sỹ bỗng thấy Van Gogh nhập cốt, ứng hiện huyền hòa:
Úm tô rô Van Gogh hiện ra
Úm ba la u linh ma ha
Đất nứt nở ra bầy quạ trắng
Hồn thiêng Van Gogh nhập vào ta…


Van Gogh là một họa sỹ dị thường, có một đời sống mãnh liệt, đầy sáng tạo. Vâng, sáng tạo là một nghệ thuật tối thượng, là bước đi tuyệt cùng tự giải phóng, tự giải thoát bản thân khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, như văn hào Henry Miller cũng đã từng tuyên bố : “Kẻ sáng tạo kêu gọi con người trực nhận rằng, tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân rồi. Rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới ( vì đó không phải là vấn đề của hắn ) mà chỉ nên lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính riêng mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả.”

Henry Miller lấy giải thoát làm đề tài tối thượng và Phạm Công Thiện cũng tương ứng trên tinh thần giải thoát, giải phóng ấy, cho nên thênh thang, xuôi ngược bước đi, nhảy múa trên thông lộ phong quang sáng tạo vô lường. Tường tận thấy rõ cái thực tại ở đây ngay bây giờ, thở cùng linh khí của nhật nguyệt thiên thu, tái tạo từng điệu thở, từng ý niệm, nổ tung mọi cố chấp, xô cửa huyền vi mà bước qua phương trời tự do tự tại. Giải thoát mọi dính mắc, buộc ràng, chỉ còn sáng tạo, sáng tạo bao la và đã tựu thành những tác phẩm độc đáo vô ngần : Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất, Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sỹ Seamus Heaney, Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du Đại Thi Hào Dân tộc, Đối Mặt Với Một Ngàn Năm Cô Đơn Của Nietzsche, Chỉ Còn Tiếng Thơ Trên Mặt Đất, Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên, Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu : Triết Học Là Gì ? Nét Đẹp Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo, Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương, Từ Bát Nhã Đến Pháp Hoa, Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im…

Những tác phẩm tâm huyết ấy là những bước nhảy phi thường, thượng đẳng, vượt qua sự chuyển hóa toàn diện của tâm thức đến độ vô sư tự ngộ, bùng vỡ ra một điều chi trên cung bậc Bất nhị giữa như thị, như nhiên, đang là ngay ở đây thôi:
Những gì không vói tới
Thì có sẵn đó rồi
Bao nhiêu danh vọng hời
Vài ba cụm bèo trôi

Ba mươi năm nằm dài
Một hôm đứng phắt dậy
Bất nhị xòe tầm tay
Bất ngờ tôi sụp lạy

Hôm qua vẫn trở lại
Dĩ vãng là hôm nay
Ngày mai là hiện tại
Hiện tại chết mỗi giây


Đấy là những bài thơ ngắn gọn, tuy đơn sơ, giản dị nhưng đi thẳng vào lòng người một cách tự nhiên, thể hiện cốt cách đặc thù, riêng biệt, hàm dung ý thiền “một là tất cả, tất cả là một” của tinh thần Hoa Nghiêm. Tất cả ý thức và vô thức của con người bị phá vỡ tung ra, xoay tròn trôn ốc mất hút trong trùng trùng duyên khởi của toàn thể sự sự vô ngại pháp giới. Một giây phút kéo dài cả triệu kiếp, một bước đi là nghìn tỷ dặm, một cái nhìn là thiên thu bừng dậy, thấy phép lạ hiện hữu ngay trên một đóa hoa dại hay trên một cục đá vô tri…

Khi tiềm ẩn nguyên khí, nội lực thâm hậu thì bậc cao thủ, cự phách thường kiệm lời, ít nói mà linh hoạt, tùy hứng như trẻ thơ, hồn nhiên đùa rỡn, xem cuộc đời như một trò chơi. Còn kẻ thi sỹ xuất chúng, thì ít nhất cũng sờ đụng tới hố thẳm và đỉnh cao tâm linh của chính mình. Đỉnh cao và hố thẳm tâm linh ấy, Phạm Công Thiện đã từng va chạm, giáp mặt trong một bình sinh hy hữu nào đó, cho nên cả trời thơ đất mộng, dạt dào bao nhựa sống thâm trầm, nhập vào trong từng điệu thở tinh khôi:
Lùa nhẹ vào một mối
Đập mạnh một nhát thôi
Tất cả đều bày phơi
Trí tuệ sáng rực ngời


Muốn có được ánh sáng quang minh, trí tuệ rực ngời đó thì chẳng phải chạy tìm đâu xa mà chính ngay nơi tận đáy lòng mình. Chính nơi mình đang cư ngụ, lưu trú, ngay nơi những nghịch cảnh, thử thách mà mình phải giáp mặt ngày đêm một cách anh dũng, không nao núng. Nghịch cảnh là môi trường sống, hoàn cảnh sống của mình thường bị nhiều chướng duyên đối nghịch, nhưng cũng chính từ những nghịch cảnh đó mà mình chịu đựng, kiên nhẫn vượt qua, biết chuyển hóa nó thì liền hoát nhiên liễu ngộ, bừng sáng tuệ giác siêu việt. Khi thấy rõ tận tường được điều đó rồi thì xem mọi sự ở đời như sống chết, đến đi, hơn thua, đúng sai, phải trái, giàu nghèo, thành bại… đều là nhân duyên giả hợp, chẳng hề sợ hãi, lo âu chuyện còn hay mất:
Thất bại giữa đời này
Chết sáng ngời trên cao
Bông tàn phai cõi đất
Mọc lại giữa trăng sao

Nhảy thẳng vào sự việc
Chẳng có gì đáng tiếc
Sự việc lớn lao nhất
Là hiện tiền tịch diệt


Thực tại hiện tiền là ngay đây bây giờ, ngay trong mỗi phút giây là chứa đầy vĩnh cửu, ngay trong từng hơi thở ra vào là đủ cả nghìn năm. Chỉ cần một chút tơ tưởng móng lên thôi là cả ba nghìn thế giới, sơn hà đại địa hay thiên tiên, thánh nữ liền hiển lộ ngay trước mắt tức thì :
Chỉ cần một ý tưởng
Khắp vũ trụ mười phương
Sáng bừng lên vô lượng
Thiên tiên hiện đầu giường

Phải chăng đó là cái thấy siêu phàm, thông tuệ của một tâm hồn bao la, thông suốt lẽ sâu xa, thấy bằng con mắt Hoa Nghiêm, trùng trùng duyên khởi giữa mười phương pháp giới diệu kỳ ?:
Mỗi bước chân ra đi
Triệu vũ trụ thiên di
Mỗi chỗ tôi ngồi lại
Sáng bừng lên diệu lý


Chân lý vi diệu đó, thi nhân bỗng phát hiện chẳng ở đâu xa mà ngay tại đây bây giờ, nơi chốn phù du, bụi cát hỗn mang này, ngay giữa những niềm vui, nỗi buồn, sung sướng hoặc đau khổ trong cõi bao dung, huyền diệu của thức tâm:
Trăm năm đời hờ hững
Đêm ngày buồn lơ lửng
Linh địa là tại đây
Nơi chỗ tôi đang đứng


Linh địa là mặt đất thiêng liêng này, nơi thi sỹ đang sống từng phút, từng giây đầy trọn vẹn. Sống từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên sương mù Đà Lạt, từ Mỹ Tho, Sài Gòn, Nha Trang đến Paris, Los Angeles, Chicago, từ Monterey Park, Garden Grove, Long Beach đến New York, Bellflower, Washington, từ San Gabriel, Alhambra, Houston đến Sydney, Earlwood, Glebe… ngút ngàn viễn xứ xa xôi:
Thoắt đi một đời người
Buồn hoài cũng thế thôi
Trăm năm là giây phút
Chưa đi đã tới rồi


Phiền muộn, buồn rầu chi nữa, khi hàng triệu tỷ năm trôi qua và giờ đây ngưng đọng trong cái đang là, nơi người em thi ca từ vô lượng kiếp trở về, đang mỉm cười nguyên sơ, rạng ngời mới lạ :
Mười lăm tỷ năm qua 
Từ vạn triệu thiên hà
Bây giờ ta mới tới
Gặp lại em hôm qua


Cuộc trùng phùng, kỳ ngộ thật vô cùng thú vị, tuyệt hảo tân kỳ như một kẻ đốn ngộ vô ngôn vì thấy toàn thể vũ trụ là chốn đạo tràng, đầy đủ chư Phật, Bồ tát, Thần linh đều viên dung cùng một ngọn ngành thanh tịnh:
Tất cả là đạo tràng thần linh
Ta ngồi tham ngưỡng cội vô hình
Thênh thang phù thế làm chim ó
Bay lượn tháng ngày cõi lặng thinh


Bay lượn giữa phong quang trời đất, nhật nguyệt hay thả trôi trên dòng sông Mật tông thấm đẫm tình Mẹ đại bi, đại trí Tãra xanh biếc huyền mộng chan hòa. Cả vũ trụ mênh mông là một tu viện rồi thì về chùa hay xa chùa cũng trong vòng tay bao dung mở rộng:
Tãra mười tiếng đại không
Ảo thân nằm giữa dòng sông Mật thừa
Về chùa một dúm muối dưa
Xa chùa cũng thế : Hứng mưa mỉm cười


Hầu như suốt cuộc đời Phạm Công Thiện thường gắn bó, thân mật, cận kề với những ngôi chùa ở quê hương cũng như các ngôi chùa nằm dọc ven đường lang bạt trên toàn thế giới. Chàng ở chùa nhiều hơn là ở nhà, từ chùa Hải Đức ở Nha Trang đến chùa Vạn Hạnh ở Sài Gòn, từ chùa Việt Nam ở Los Angeles đến chùa Viên Thông ở Bellflower, từ chùa Diệu Pháp ở Monterey Park đến chùa Liên Hoa ở Garden Grove...

Cửa chùa là cửa Không, Không là Không Tánh nên tha hồ vào ra thoải mái, chẳng hề vấn vương, chướng ngại gì cả. Cho nên từ Bát Nhã đến Pháp Hoa, từ Kim Cang đến Hoa Nghiêm, từ Thiền tông đến Mật tông, Phạm Công Thiện lại tùy duyên cất cao giọng sư tử hống trong các pháp đường, thiền viện ở Mỹ Châu và Úc Châu.

Mặc dù, mới buổi sáng giảng kinh Kim Cang thao thao bất tuyệt trên thiền đường, rồi buổi chiều thõng tay vào chợ, uống rượu ngâm thơ túy lúy cùng bọn văn nghệ sỹ, giang hồ tứ chiếng đó đây mà phong thái vẫn nhàn nhã, tự tại, tiêu dao. Mỉm cười buông bỏ, buông xả, trút xuống hết trên những bước chân nhẹ nhàng, trở về sự im lặng để bước đi trầm hùng sư tử, tự do vô sự. Vô sự như “chim hải hồ bay trắng tháng ngày” bay khắp thiên thanh vĩnh thúy rồi đậu xuống mái hiên chùa rêu phong, tịch mịch, ngồi làm thơ kính tặng cõi thinh không lồng lộng:
Mồng tơi mây ngủ hiên chùa
Dâm bụt rực đỏ hai mùa gặp nhau
Hơi rừng thơm nức chiêm bao
Đêm thâu nín thở ngó vào bài thơ


Toàn thể cuộc đời là bài thơ, có không, sống chết là bài thơ, gặp gỡ, ly biệt là bài thơ, phiền não, an lạc là bài thơ, khổ đau, hạnh phúc là bài thơ, chiêm bao, thực tại là bài thơ hay vô thượng chánh đẳng, chánh giác cũng đều là thơ thơ hết thảy, thơ ở trong thơ:
Tượng Phật ở bàn thờ
Dọn dẹp để trống trơ
Tôi vẫn lạy chỗ trống
Chỗ trống thành bài thơ


Chính cuộc đời của Phạm Công Thiện là một bài thơ quá tuyệt vời bát ngát, quá tuyệt mỹ lý thú, quá tràn trề mê say, ngợp đầy hào sảng, rạt rào vô hạn, đã khơi dậy nguồn cảm hứng dồi dào, thắp lên ngọn lửa thiêng huy hoàng rực rỡ, bừng cháy bất tận giữa lòng nhân thế tuyệt trần:
Hứng lúc nào cũng đến
Giờ nào cũng giờ hên
Ngồi thẳng lưng mà viết
Vạn tơ tưởng bồng bềnh


Viết là sống. Sống một lần Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng như Krishnamurti hay sống Alexis Zorba Con Người Chịu Chơi như Nikos Kazantzakis hoặc sống Chơi Giữa Mùa Trăng như Hàn Mặc Tử : “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.”

Thể điệu sống ấy, thật giống hệt với thi sỹ Phạm Công Thiện xiết bao ! Thật vậy, chẳng những giống như Hàn Mặc Tử về phong cách nhập cuộc tha thiết, kiệt tận bình sinh, dốc hết toàn thể xương xảu máu me vào ly rượu tình yêu, nồng say óng ả mà Phạm Công Thiện còn tương ứng, tương cảm với Rimbaud, từng trải qua Một Mùa Địa Ngục bi tráng, bi hùng, với Whitman chỉ một Lá Cỏ cũng đủ chứa đựng cả vô tận đất trời, với Heidegger Về Thể Tính Của Chân Lý vi diệu, với Hoelderlin Quy Hồi Cố Quận tâm linh, với Nietzsche Zarathustra Đã Nói Như Thế trên ngõ về vĩnh cửu và nhất là với Henry Miller, một tâm hồn thượng đẳng mà Phạm Công Thiện luôn luôn kính phục và ca tụng hết lời:
“Đối với tôi, Henry Miller còn vĩ đại hơn cả Walt Whitman, hơn cả Dante, Shakespeare và Goethe. Vĩ đại một cách bí mật, một cách thần diệu và vượt ra ngoài cả văn minh, văn hóa và văn chương của toàn thể nhân loại, vượt ra ngoài Thiện và Ác, Đạo và Phi Đạo.
Đứng trên đảnh núi cao nhất của nhân loại, Henry Miller cùng cười to tiếng với Duy Ma Cật, với Milarepa, với tất cả những gì chưa bao giờ xuất hiện trên toàn thể không gian, thời gian của cái gọi là Thực Tại và của cái gọi là Hư Vô.

Tương lai của toàn thể nhân loại phải bắt đầu lại với Henty Miller thì mới may ra chuyển hóa toàn diện trái đất này thành viên ngọc mani ( như ý ) trong trẻo của Quán Thế Âm Bồ Tát. Henry Miller là một trong vài ba thiên tài nhân loại đã đánh thức dậy thế lực mãnh liệt nhất của Lòng Đại Bi trong ý thức và vô thức của con người trên mặt đất…

Đọc Henry Miller là nghe lại tiếng nói của Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Vệ Đà, Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang, Kinh Hoa Nghiêm, tắm mình trong không khí u trầm của Đạo Đức Kinh, đùa hát trong tiết điệu của Nam Hoa Kinh, ca ngợi mặt trời trong Kinh Ai Cập, thờ lạy buổi chiều trong Kinh Á Rập và Do Thái, nhảy múa với cái chết trong Kinh Tây Tạng, làm ái tình trong Kinh Mật Tông, say rượu ngọt trong Kinh Hy Lạp…

Tất cả đều là Kinh, tất cả đều là Đạo, tất cả đều là Thơ, tất cả đều là hơi thở của vũ trụ, tất cả đều là linh thiêng và đều huyền dị. Tất cả đều im lặng, sự im lặng trong khiết, thoát ra từ hố thẳm vạn đại.”

Lần đầu tiên qua Hoa Kỳ lúc mới 23 tuổi, một người duy nhất mà Phạm Công Thiện muốn gặp là Henry Miller và chàng đã toại nguyện. Henry Miller nói chàng là hậu thân của thi sỹ Rimbaud, khiến chàng hốt nhiên bùng vỡ ra một điều gì kỳ tuyệt và từ đó, chàng sống trên cung bậc xuất thần liên tục, hân hoan với cái đang là.

Đang là thì “không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu” dù cuộc lữ bắt đầu khởi sự từ vô lượng kiếp rồi, dù có đi vòng quanh hết quả địa cầu này thì cũng đẻ thấy lại cái tâm hồn mình, như Henry Miller nói : “Chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà thôi, đó là đi vào bên trong tâm hồn sâu kín, thăm thẳm trong lòng mình và đi vào giữa lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.” Thì ra là vậy, thật đơn giản mà độc đáo vô cùng.

Cuộc đời Phạm Công Thiện nhiều huyền thoại ly kỳ, ngoạn mục, chúng ta hãy nghe chính Phạm Công Thiện tự giới thiệu về mình lúc 25 tuổi, trong tập thơ Ngày Sinh Của Rắn, An Tiêm xuất bản 1966:
“Sinh vào năm rắn bên dòng sông Cửu Long. Vì tranh luận học vấn với giáo sư nên bỏ học trường lúc 13 tuổi. Viết sách lúc 14 tuổi, làm giáo sư sinh ngữ từ lúc 16 tuổi đến 20 tuổi tại những trường ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Nha Trang.

Quyển sách khảo luận đầu tiên được xuất bản vào lúc 16 tuổi, viết quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học lúc 20 tuổi. Học triết lý tại trường đại học Yale để trình tiểu luận Ý Niệm Về Chân Lý Trong Tư Tưởng Platon Và Heidegger tại hội thảo triết lý ở Yale. Tiếp tục học triết lý tại trường đại học Columbia.

Khinh bỉ giáo sư và bỏ học bổng của Viện Giáo Dục Quốc Tế, bị viện mời đi gặp bác sỹ phân tâm học, được mời khéo vào nhà thương điên, lại tranh luận với bác sỹ phân tâm học về giá trị và giới hạn của phân tâm học hiện đại, chỉ trích đời sống nông cạn của Mỹ quốc.

Sống lang thang lay lất ở xóm nghệ sỹ Greenwich Village tại New York, đã gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California, được Henry Miller nhận là Rimbaud tái sinh lại ở thế kỷ XX. Sau đó được một văn sỹ Do Thái cho tiền để trốn qua Paris, không giấy tờ, không hành lý, sống bơ phờ ở Bretagne.

Học văn chương tại trường đại học Rennes, khinh bỉ giáo sư rồi lại bỏ đi và sống lang thang, lay lất khắp hang cùng ngõ hẻm ở Paris, làm chochard đi ăn mày, ngủ dưới gầm cầu, ngủ trên vĩa hè, đói lạnh long đong và bỏ làm luận án tiến sỹ tại Pháp. Được Henry Miller gởi tiền nuôi sống và được Henry Miller cho tiền rời bỏ Paris để sống lang thang giang hồ tại Thụy Sĩ, Ý Đại Lợi, Ba Tư, Hy Lạp, Thái Lan, vân vân…

Lúc ở Paris thì nhập bọn với nhóm nghệ sỹ trẻ ở Popoff, la cà vất vưởng ở xóm Saint Séverin và Saint Germaindes Prels, đã gặp Krishnamurti hai lần tại Square Rapp. Hiện đang sống chờ đợi điên và chờ đợi chết.
Triệt để đứng ngoài tất cả ý thức hệ chính trị, đứng ngoài mọi sự tranh chấp tôn giáo, khinh bỉ tất cả văn hóa nhân loại, thù ghét tất cả mọi tổ chức xã hội. Vô cùng kiêu hãnh, chỉ đi một mình và tự nhận là thiên tài độc nhất của Việt Nam.”

Cùng nòi giống, cùng dòng máu Henry Miller, lấy giải thoát làm đề tài tối thượng, nên Phạm Công Thiện cũng nhiệt liệt, hiên ngang theo dõi cuộc phiêu lưu, thám hiểm vào nội tâm thầm kín, để khai phá ra những bí mật bên trong thế giới tâm linh sâu thẳm của chính mình.

Từ đó, cuộc lữ thênh thang sáng tạo và sáng tạo miên man trên con đường mây trắng tự do, gió trăng đồng vọng, rung ngân lên văng vẳng những cung đàn lã lướt dưới gót chân của chàng thi sỹ dị thường. Bước đăng trình vạn lý du, có đôi lúc cũng dừng lại nghỉ ngơi một vài quán trọ ven đường như giảng dạy triết lý, văn chương ở đại học Toulouse, Pháp quốc hay thuyết trình Thiền tông, Mật tông ở các thiền viện trên khắp miền viễn xứ California, Mỹ Châu, Úc Châu.

Có một thời gian ngắn, chàng lui về Gorden Grove, một thành phố nhỏ vùng biển, sống với một nàng thơ kiều diễm và viết tác phẩm Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất. Rồi năm tháng gần cuối đời, chàng quay về quy ẩn, nhập thất lâu dài ở vùng ngoại ô phố thị Houston, Hoa Kỳ.

Tiến sỹ Nhật, Nohira Munehiro, khi làm luận án tiến sỹ, lấy đề tài Ý Thức Mới – Phạm Công Thiện, Tư Tưởng Gia Việt Nam, cho biết các nhà học giả uyên thâm xứ hoa Anh Đào đều ca tụng Phạm Công Thiện là Long Thọ của Việt Nam. Nhà văn Henry Miller thì cho rằng, Phạm Công Thiện là hậu thân của Rimbaud, một thi sỹ tiên tri thấu thị của nước Pháp. Nhà thơ Lê Giang Trần, Phan Tấn Hải bên Mỹ thì tôn vinh, tấn phong Phạm Công Thiện là bậc Bồ tát nghệ sỹ…

Còn riêng Phạm Công Thiện thì tự nhận mình chỉ là nhà thơ, một thi sỹ thuần túy mà thôi : “Ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sỹ, ai muốn hiểu sao đó thì hiểu… Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc, hình ảnh của thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh : Hiện hình và hiện ảnh của thơ chính là hiện cảnh linh động, hiện thực hơn tất cả những cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền…

Thơ không nói về bất cứ cái gì cả, như vậy mới là tất cả. Thơ chỉ là thơ và thơ tự nói về thơ, từ trong thơ đến trong thơ, cả cao và thấp, cả trong và ngoài, ở trên và dưới mặt đất, tất cả chỉ là thơ.”
Vâng, tất cả chỉ là thơ, khi thấy muôn sự, muôn vật trên cõi đời này chỉ là thơ và thơ thôi, thì lúc ấy mới bừng lên chân thực nghĩa vô lượng, vô biên của Diệu Tâm thâm hậu, của Nhất Chân pháp giới, trùng trùng duyên khởi Hoa Nghiêm. Thấy tất cả mọi sự đều tốt đẹp và tốt đẹp như tánh thể bản nguyên Chân Thiện Mỹ. Vì thế, cho nên thi nhân vẫn tiếp tục sáng tác, sáng tạo không ngừng trên tinh thần phá chấp triệt để, nhập hoan hỷ địa thênh thang:
Tháng ngày làm thơ chơi
Hồn bay thẳng ra khơi
Bạch phát ngút ngàn tới
Thu phong tắt nghẹn lời

Cứ gọi đại là thơ
Làm lúc nào chẳng nhớ
Cho một cô gái nhỏ
Chưa gặp nhau bao giờ

Muốn gì mà có ngay
Thì tai nạn vạ bay
Không thèm muốn gì nữa
Đời tràn ngập thơ hay


Khi thơ hay bay ngập tràn mặt đất trần gian, thì ngôn ngữ Việt Nam cũng bay về ngợp trời xanh bát ngát, làm trang nghiêm cho nụ cười thanh tịnh, ngời sáng ánh quang minh. Thế là trên cung bậc hân hoan sáng tạo, người thi sỹ kỳ tuyệt của chúng ta đã xuống tận hố thẳm sâu hun hút cũng như đã lên tột đỉnh cao chất ngất của tâm linh và chợt bừng ngộ, thấy ra toàn thể cõi đời chỉ là một cuộc đại hòa điệu chơi tối thượng, một trận khiêu vũ nhịp nhàng hoan hỷ địa theo thể điệu du hý tam muội lồng lộng, phiêu bồng.

Sống là chơi, chết là chơi, mê gái là chơi, đến đi là chơi, lý sự là chơi, yêu ghét là chơi, khen chê, tốt xấu là chơi, vui buồn, sướng khổ là chơi, được mất, thật giả là chơi, hơn thua, phải trái là chơi, đúng sai, thành bại là chơi, thịnh suy, dị đồng là chơi, tịnh động, khó dễ là chơi, mê ngộ, cao thấp là chơi, có không, mộng thực là chơi, tỉnh thức, say sưa, uống rượu lu bù, túy lúy ca là chơi, điên cuồng rực rỡ, hú vang, gầm thét dữ dội là chơi, phiêu bạt giang hồ khắp thế giới là chơi, biết nhiều thứ tiếng, ngôn ngữ ngoại quốc là chơi, giảng dạy triết lý, thi ca, thiền học là chơi, làm giáo sư các đại học ở Việt Nam, Pháp, Mỹ là chơi, làm đại đức, thiền sư Nguyên Tánh là chơi, làm hành giả Thiền tông, Mật tông là chơi, làm văn nghệ sỹ là chơi, mần thơ, viết văn, tùy bút, tiểu luận chi chi cũng là chơi chơi hết thảy mà thôi. Ơi chao ! Một cuộc đại hòa điệu chơi trùng trùng vô thủy vô chung giữa mênh mông vô tận, bất khả tư nghì…

Cuộc đại hòa điệu chơi tới ngày 8. 3. 2011 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, thi sỹ biết trước giờ ra đi vào buổi chiều, nên nhẹ nhàng, thung dung qua chơi bên miền cõi vô cùng.

Trước giờ phút Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im này, tôi sực nhớ lại một chiều mùa hạ năm 1969, tôi đã tìm đến gõ cửa viếng thăm và được Phạm Công Thiện nhiệt tình, hoan hỷ tiếp chuyện trong phòng riêng ở Đại học Vạn Hạnh, một lần duy nhất trong đời. Vậy thì bây giờ, không gì hơn, tôi xin đọc bài thơ Thênh Thang Phạm Công Thiện, thay lời tiễn biệt thi sỹ về chốn miền vĩnh viễn, thiên thu:
Lãng tử phiêu bồng không chỗ trú
Không chốn dung thân giữa phong trần
Nên đi thỏa thích trời vô định
Đỉnh cao hố thẳm ngút phù vân

Dốc hủ Đông Tây tràn tư tưởng
Nghiêng bầu kim cổ ngập quang minh
Uống cạn ngàn năm bao tinh túy
Đại hòa điệu chơi với muôn tình

Tình thiên thu ấy đầy ứng hiện
Xuất thần nhập cốt rộn bừng say
Đốt lửa hồn thiêng ngời tỏa sáng
Bát ngát điều chi chợt hiển bày

Cười thênh thang quá đường không lộ
Tung hoành ngang dọc khắp năm châu
Bước chân nhẹ nhàng về im lặng
Mà nghe rúng động cả địa cầu


Tâm Nhiên
* Phạm Công Thiện. Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học. Tái bản lần thứ ba. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1966
** Phạm Công Thiện. Henry Miller. Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn 1969 
*** Lê Khắc Thanh Hoài. Chuyện Một Người Đàn Bà… Năm Con. Thời Đại xuất bản 2012
**** Phạm Công Thiện. Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên. Trần Thi xuất bản, Hoa Kỳ 1995
***** Phạm Công Thiện. Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng. Phương Đông xuất bản 2008
****** Phạm Công Thiện. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất. Trần Thi xuất bản, Hoa Kỳ 1988
Thơ Phạm Công Thiện ( chữ nghiêng ) trích trong các tác phẩm :
Ngày Sinh Của Rắn. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1966
Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im. Văn Hóa Sài Gòn xuất bản 2009