Nguyên Tánh Phạm Công Thiện: Thế Nào Là Phê Bình?
trích Tư Tưởng Số 4, Tiếng Nói của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Bộ Mới – Năm Thứ Ba. Ngày 1 tháng 9 năm 1970.
Chủ đề thảo luận: PHẬT GIÁO và NIETZCHE
Bộ Mới – Năm Thứ Ba. Ngày 1 tháng 9 năm 1970.
Chủ đề thảo luận: PHẬT GIÁO và NIETZCHE
PHÊ BÌNH VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Trong một nước chiến tranh liên tục, những việc làm quan trọng nhất và đáng lưu ý nhất vẫn là những hành động có tính cách thực tiễn hợp thời, những việc gì có tính cách hữu hiệu mang đến những kết quả rõ ràng hữu ích. Tạp chí Tư tưởng thường mang tiếng là “quá trí thức”, “xa lìa quần chúng”, “xa vời”, “không thực tiễn”, “không đi sát thực tế”. Giọng điệu “phê bình” trên rất hợp lý.
Chúng tôi lại không muốn theo “sự hợp lý” kia, vì chính “sự hợp lý” ấy là hậu quả của “tinh thần duy thực duy nghiệm”, cái tinh thần tai hại đã mang chiến tranh đến Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là sự bùng vỡ của hai khuynh hướng duy nghiệm phát xuất từ Tây phương. Chúng tôi không “thực tiễn”theo Tây phương mà cũng không “duy tâm duy nghiệm”. Kinh nghiệm của Đông phương về “hữu” và kinh nghiệm của Phật giáo về “thực tế” (Bhutakoti) còn có tính cách toàn triệt “thực tiễn” hơn cả mọi thực tế thực tiễn của Tây phương. Paul Mus, giáo sư ở đại học đường Yale, người đã từng sống ở Đông dương trên 60 năm, đã hiểu nhiều và viết nhiều về Việt Nam, đã phải nhận rằng dân tộc Việt Nam còn có tinh thần “thực dụng” triệt để trọn vẹn hơn cả những vị tổ khai sinh ra thuyết thực dụng ở Mỹ như Charles Peirce và William James (Paul Mus, Cultural Backgrounds of Present Problems, Asia, No 4, 1966, pp. 10. 21).
Người dân quê Việt Nam là kẻ chịu nhiều thảm kịch tàn nhẫn nhất, nhưng họ không bao giờ phê bình, hoặc họ kiên nhẫn im lặng hoặc họ hành động ngay lập tức. Nhưng hạng trí thức sống ở thành phố thì luôn luôn sẵn sàng “tỏ thái độ lập trường” bằng cách “phê bình” và chống đối lại tất cả những gì đi ngược lại nếp tư tưởng nô lệ của họ. Họ không dám làm cách mạng bằng hành động mà ngay đến cách mạng tư tưởng thì họ lại cố tìm đủ mọi cách né tránh. Chúng tôi không dám tự nhận là “những nhà cách mạng tư tưởng”, nhưng ít nhất chúng tôi muốn đánh thức và tố cáo rằng phần lớn hạng trí thức thành phố hiện nay đều là hạng người chạy theo Tây phương và ngay đến những kẻ tự nhận là “chống Tây phương” thì cũng lý luận bằng tinh thần và ngôn ngữ Tây phương: Làm gì có thể chống lại cho tuyệt hết cái mà chính cái đó tạo ra sự chống đối? Máu kêu gọi máu, lý luận kêu gọi lý luận.
Chúng tôi không chống Tây phương, vì Tây phương không cần phải chống đối. Chính Tây phương đang tự chống đối, đang tự hủy diệt, đang tự tan rã và sụp đổ. Trái chín vàng bị sâu đục khoét; Chúng tôi chỉ muốn là một cơn gió nhẹ thoáng qua. Tư Tưởng là một ngọn gió nhẹ.
2. CHỐNG ĐỐI CHIẾN TRANH VÀ CHIẾN TRANH CHỐNG ĐỐI
Trong quyển Trước Sự Nô Lệ Của Con Người của Thượng Tọa Viện trưởng Thích Minh Châu, một quyển sách được coi như chỉ nam ý thức cho tòa soạn Tư Tưởng, T.T. Thích Minh Châu có trích dẫn một câu nói của Herbert Marcuse, lý thuyết gia bậc thầy của phong trào nổi loạn sinh viên thế giới:
“Phải chăng sự đe dọa của hiểm họa nguyên tử, hiểm họa khả dĩ quét sạch loài người, phải chăng chính sự đe dọa ấy cũng khiến cho thiên hạ dùng để duy trì chính những thế lực lưu tồn mối hiểm họa này?”(Does not the thread of an atomic catastrophe, which could wipe out the human race also serve to protect the very forces which perpetuate this danger?) (Herbert Marcuse, One-Dimensional Man, tr. IX)
“Phải chăng sự đe dọa của hiểm họa nguyên tử, hiểm họa khả dĩ quét sạch loài người, phải chăng chính sự đe dọa ấy cũng khiến cho thiên hạ dùng để duy trì chính những thế lực lưu tồn mối hiểm họa này?”(Does not the thread of an atomic catastrophe, which could wipe out the human race also serve to protect the very forces which perpetuate this danger?) (Herbert Marcuse, One-Dimensional Man, tr. IX)
T.T. Thích Minh Châu giải thích câu trên; “Câu hỏi này của Herbert Marcuse thật là bất ngờ và đã đặt ngón tay trỏ đúng vào trái tim của sự mâu thuẫn cùng tột ở thế kỷ XX. Thiên hạ muốn tẩy trừ hiểm họa diệt vong bằng cách duy trì chính hiểm họa diệt vong ấy, nói như thế cũng không hết nghĩa câu nói của Herbert Marcuse, nói gọn lại cho dễ hiểu hơn: Vì sợ chiến tranh cho nên thiên hạ cũng duy trì chiến tranh khốc liệt hơn nữa, hay nói một cách trắng trợn hơn chính ý nghĩ hòa bình là nguyên nhân của chiến tranh thảm khốc nhất, hay nói cách tiêu cực toàn triệt hơn: muốn trừ bỏ tất cả mọi ham muốn là một ham muốn khó từ bỏ nhất. Chính phật giáo đã ý thức lý luận trên một cách triệt để nhất trong việc lập thuyết ly tứ tuyệt bách phi để thoát ra ngoài vòng suy luận luẩn quẩn của con người. Chính sự suy luận luẩn quẩn ấy hiện nay đang thống trị toàn thế giới, thế giới càng lúc càng đen tối hơn khi thiên hạ hăm hở ráo riết tìm kiếm những giải pháp tay đôi, tay ba, tay tư, vân vân. Những giải pháp về hòa bình càng nhiều thì đó lại là nguyên nhân cho chiến tranh càng lúc càng trở lên khốc liệt . Chiến tranh và hòa bình không phải là vấn đề, vấn đề căn bản là tinh thần của con người khi sử dụng hai danh từ đấy. Tinh thần ấy có phải là tinh thần của con người tự do hay tinh thần của kẻ nô lệ; tinh thần của con người sống bằng sự thật hay tinh thần của kẻ bị nô lệ vào chính ngôn ngữ thời thượng, sáo ngữ của thời đại? Tinh thần thời đại là tinh thần gì? bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu tinh thần thông thường của con người thời đại hiện nay. Tinh thần ấy chúng tôi gọi là tinh thần ngoại tính, tinh thần ly tính, vọng ngoại” (T.T.Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người, tr.239-240-241)
Cũng theo tinh thần của T.T.Viện trưởng và cùng lập luận ra điệu Herbert Marcuse, chúng tôi muốn nêu lên câu hỏi:
Làm gì có thể chống lại cho dứt hẳn cái mà chính cái đó tạo ra sự chống đối?
Làm gì có thể chống lại cho dứt hẳn cái mà chính cái đó tạo ra sự chống đối?
Câu trên có ý nghĩa dứt khoát sau đây:
1. Muốn chống chiến tranh thì chúng ta phải chống đối bằng tinh thần vượt ra ngoài chiến tranh, đó là tinh thần căn bản của Đông phương:
2. Chiến tranh là sản phẩm của tinh thần Tây phương, nhất là thứ chiến tranh quốc tế hiện đại lại là hậu quả rõ ràng của sự thống trị Văn hóa Tây phương, trên toàn mặt đất.
3. Chống chiến tranh mà chống bằng tinh thần Tây phương, thì chỉ gián tiếp tiếp lực cho tinh thần Tây phương ngự trị ở Việt Nam một cách nguy hiểm tàn bạo hơn nữa, vì không có sự nô lệ dễ sợ nào cho bằng sự nô lệ tinh thần và nô lệ tư tưởng: toàn thể đất nước Việt Nam có thể bị tiêu diệt nhưng khi nào tinh thần Việt Nam và tư tưởng Việt Nam còn tồn tại thì sự hồi sinh của đất nước nhất định sẽ được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa;
4. Người ta có thể bài bác: “xác Việt Nam bị tiêu diệt thì tinh thần Việt Nam và tư tưởng Việt Nam cũng bị tiêu diệt theo”. Lý luận bài bác này là lý luận bị nô lệ vào tư tưởng Tây phương: vì chỉ có Tây phương mới phân chia: hồn /xác/ tinh thần/vật chất; còn đối với Đông phương thì hồn xác và tinh thần vật chất chỉ là một: khi cái nguyên khí của Việt Nam còn tồn tại thì thể chất Việt Nam vẫn tốt đẹp hình hài;
5. Người ta có thể bài bác lại: “chiến tranh đang tàn phá dân tộc và điều quan trọng là phải hành động, đừng có lý thuyết và lý luận suông, dù lý luận của các ngài có thần tình đến đâu đi nữa thì các ngài vẫn không thể lý luận vững vàng trước một đứa trẻ thơ vô tội bị đạn bắn chết trong một thôn làng quê hương”. Chúng tôi không muốn lý luận, nhưng chúng tôi ý thức dứt khoát rằng chính những kẻ gây ra chiến tranh và duy trì chiến tranh ở Việt Nam là những kẻ đã đặt kế hoạch và chính sách của họ bằng một hệ thống lý luận, bằng một thứ luận lý học tối tân của Tây phương, gọi là “luận lý học biểu tượng” “tân luận lý học”, “luận lý học toán học”; cả hai ý thức hệ Anh-Mỹ-Nga-Tàu đều sử dụng tinh thần duy nghiệm thực dụng hiệu năngmột cách quá đáng và tinh thần này là đứa con trung thành của bước tiến tối thượng của văn hóa Tây phương;
6. Lý luận Tây phương là động cơ phát động chiến tranh; chống lại chiến tranh thì chỉ có hai cách:
a) Lý luận theo kiểu Tây phương hơn cảchính lý luận Tây phương và đẩy lý luận Tây phương đến chỗ bế tắc giới hạn của nó: đi sâu vào lòng Tây phương và đánh từ trong ra ngoài;
b) Nhảy ra ngoài lý luận Tây phương (nhân minh của Ấn Độ và danh lý của Trung hoa là phương tiện mà cứu cánh vẫn là Vô Nhị), đứng vững trên căn cứ địa của mình và đánh từ ngoài vào trong.
a) Lý luận theo kiểu Tây phương hơn cảchính lý luận Tây phương và đẩy lý luận Tây phương đến chỗ bế tắc giới hạn của nó: đi sâu vào lòng Tây phương và đánh từ trong ra ngoài;
b) Nhảy ra ngoài lý luận Tây phương (nhân minh của Ấn Độ và danh lý của Trung hoa là phương tiện mà cứu cánh vẫn là Vô Nhị), đứng vững trên căn cứ địa của mình và đánh từ ngoài vào trong.
Muốn có được điều kiện thứ nhất (a) thì phải ý thức được đâu là những thế lực ý niệm đã chỉ huy bản tính của văn hóa Tây phương khả dĩ giúp cho Tây phương điều động những sức mạnh như chính trị, giáo dục, kinh tế, xã hội, kỹ nghệ, cơ khí, khoa học, luật pháp, tổ chức, vân vân? Đồng thời cũng ý thức rằng những cái gọi là sức mạnh của họ (nhà chính trị, giáo dục, kinh tế, xã hội, kĩ thuật, cơ khí, vân vân)
hiện đang rơi vào mâu thuẫn xung đột khủng hoảng bế tắc (bất cứ một người trí thức nào có trình độ theo dõi sinh hoạt văn hóa Tây phương hiện nay đều thấy ngay rằng một cuộc khủng hoảng đồ sộ hiện đang lay chuyển toàn thể cơ sở ý thức Tây phương. Xin giới thiệu một số sách cho những người muốn đọc. Xem chú thích dưới đây)[1].
Còn có được điều kiện thứ hai (b) thì như chúng tôi trình bày tạm đầy đủ trong Lời Tòa Soạn của tạp chí Tư Tưởng bộ mới số 2 (trang 3-22) và chúng tôi khỏi cần lặp lại nơi đây.
3. TỪ PHÊ BÌNH CHIẾN TRANH CỦA NOAM CHOMSKYĐẾN TINH THẦN THỰC DỤNG CỦA TÂY PHƯƠNG
Chúng tôi vừa đọc quyển American Power and the New Mandarinscủa Noam Chomsky, quyển sách dày đến 404 trang và chúng tôi xin giới thiệu cho những độc giả muốn phê bình chiến tranh Việt Nam, đây là một quyển sách thuộc loại “phản chiến” tích cực triệt để chưa từng thấy trong tất cả sách chống chiến tranh ở thế giới hiện nay. Không có người trí thức nào ở Tây phương mà không biết tên của tác giả, vì Noam Chomsky là một nhà bác học nổi danh đã làm cuộc cách mạng về cơ cấu bác ngữ học, giáo sư tại Viện Cơ khí Massachusetts (M.I.T.), cái lò tạo ra thông thái hạng nặng của nền văn minh hiện đại.
Trong quyển American Power and the New Mandarins (trang 271), chúng tôi có đọc một câu rất cảm động như sau: “Điều quan trọng không phải là những lời những chữ mà là thực chất: trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam” (What is important is not the words but the substance: the return of Vietnam to the Vietnamese)
Noam Chomsky đã phân tích và lý luận chặt chẽ đủ mọi sắc thái bình diện về trận chiến tranh Việt Nam, nhất là đặt nặng trách nhiệm vào giới lãnh đạo trí thức của nền văn minh tân tiến. Thể cách và nội dung phê bình của Noam Chomsky làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, nhưng có một điều mà chúng tôi cứ mãi mãi thắc mắc: không biết những tâm hồn chân thành như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre và Noam Chomsky có bao giờ tự hỏi: trận chiến tranh hiện nay ở Việt Nam mà họ là những kẻ chống đối chỉ trích quyết liệt nhất lại chính là trận chiến tranh đã đặt nền tảng trong một lề lối tư tưởng Tây phương do chính Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre và Noam Chomsky khai sinh tạo dựng ra?
Bertrand Russell là ông tổ khai sinh ra luận lý học mới và tinh thần phân tích luận lý và duy nghiêm luận lý; còn Jean-Paul Sartre thì là một lãnh tụ hùng hồn phát động lối phân tích biện chứng pháp hiện sinh khác liệt nhất và Noam Chomsky là người đã khai tạo ra một cơ cấu mới cho lối phân tích ký hiệu ảnh hưởng lớn lao đối với giới phê bình gia học giả Tây phương. Đằng sau lưng Bertrand Russell, Sartre và Chomsky, người ta thấy bóng dáng của Hume, Leibuiz, Hegel và Descartes (một quyển sách của Chomsky có nhan đề là “Cartesian Linguistics”, 1966)
Lý luận gây ra chiến tranh Việt Nam cũng lại là càng một thực chất với lý luận chống lại chiến tranh Việt Nam: hai bàn tay lót đường ý thức hệ để gây ra chiến tranh Việt Nam cũng chính là hai bàn tay đã viết lên những lời những chữ chống lại chiến tranh Việt Nam.
Nếu Bertrand Russell, Sartre và Chomsky biết lý luận đến nơi đến chốn, cho đến chỗ hợp lý cuối cùng thì điều có ý nghĩa quan trọng nhất là họ phải đốt bỏ hết những tác phẩm toán học, triết học, ngôn ngữ học mà họ đã viết ra, vì tất cả những công trình khảo cứu ý thức của họ đều là củng cố sự thống trị của Văn hóa Tây phương trên mặt đất này.
Họ chỉ chống đối chiến tranh Việt Nam nơi ngọn, nơi mặt ngoài, nơi hậu đề, còn riêng đối với tiền đề căn bản thì họ vẫn giữ lại: chỉ có một sự chống đối có ý nghĩa, đó là chống đối ngay gốc rễ, ngay suối nguồn, ngay căn bản, ngay tiền đề: lấy ngón tay trỏ vào con sâu thực dụng, duy nghiệm, biện chứng đang đục khoét ý thức Tây phương và đang tàn phá toàn thể thế giới với những trận chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử con người.
Biện chứng pháp duy vật và biện chứng pháp hiện sinh cũng chỉ là sản phẩm của Tây phương, dù biện chứng pháp có chống lại duy nghiệm đi nữa thì chính biện chứng pháp và chủ nghĩa thực dụng chỉ là hai anh em cùng một dòng máu, dòng máu độc tôn của da trắng mà Jacques Derrida đã tố cáo qua hai ý niệm “logocentrisme” và “ethnocentrisme”trong hai tác phẩm gây chấn động ở Âu Châu: De la Grammatologie và L’ Écriture et la Différence. Jacques Derrida đã cho chúng ta thấy rằng ngay cả những nhà trí thức Tây phương chống đối lại Tây phương đi nữa thì họ lại bị kẹt vào cái “écríture” của chính Tây phương, nghĩa là họ chống lại chính sự chống lại của họ bằng sự “đóng khép” (“clóture”) của hình thái văn tự của họ, còn những nhà nhân chủng tiến bộ của Tây phương chống lại sự độc tôn của da trắng thì lại tiếp nhận trở vào cửa hậu những tiền đề của chủ nghĩa độc tôn chủng tộc da trắng (l’ethnologue accueille dans son discoursles prémisses de l’ ethnocentrisme au moment même òu il le dênoncé. L’Écriture et la Différence, tr. 414).
Nói dễ hiểu hơn: Berlrand Russell, Sartre và Chomsky chống đối chiến tranh Việt Nam, thế mà ngay lúc chống đối ấy thì họ lại tiếp nhận lại những tiền đề của việc gây ra chiến tranh Việt Nam.
Nơi trang 6, phần mở đầu quyển American Power and the New Mandarins, Noam Chomsky có trích dẫn lời của Randolph Bourne:
“Những môn đệ của Dewey đã học quá rõ ràng cái thái độ dụng lợi đối với đời sống và vì họ vô cùng thông minh và hăng hái nồng nhiệt, cho nên họ đang tự chuyển dụng thành những dụng cụ hữu hiệu lợi ích cho kỹ thuật chiến tranh…” (Dewey’s disciples have learned all too literally the instrumental attitude toward life, and, being immensely intelligent and energetic, they are making themselves efficient instruments of the War technique…)
“Những môn đệ của Dewey đã học quá rõ ràng cái thái độ dụng lợi đối với đời sống và vì họ vô cùng thông minh và hăng hái nồng nhiệt, cho nên họ đang tự chuyển dụng thành những dụng cụ hữu hiệu lợi ích cho kỹ thuật chiến tranh…” (Dewey’s disciples have learned all too literally the instrumental attitude toward life, and, being immensely intelligent and energetic, they are making themselves efficient instruments of the War technique…)
Câu trên đã thành sự thật, những người gọi là có “trách nhiệm” đối cuộc chiến tranh Việt Nam hiện nay đều là những môn đệ của John Dewey, ông tổ của chủ nghĩa thực dụng thế giới (đứng cùng với Charles Peirce và William James).
Câu trích dẫn trên nói về Dewey cũng có thể dùng để nói về những môn đệ của Chomsky: chỉ cần đổi từ ngữ “the instrumental attitude” (thái độ dụng lợi, dụng năng) thành ra từ ngữ “the transformational attitude” (thái độ chuyển năng, chuyển hành). Noam Chomsky đã lập ra lý thuyết gọi là “transformationalism” để chống lại những khuynh hướng duy nghiệm của thế kỷ XX (ef.
Qu’est ce que le Structuralisme, Du Seuil, trang 90-94), nhưng Noam Chomsky lại sử dụng lại tiền đề của mọi thứ duy nghiệm khi ông dùng lại hệ thống chuyển hành (système de transformations), tức là “cơ cấu toán học” (structure mathématique), gồm những quy luật và có những đặc điểm cố định (như “totalites”, “transformation” và “auto-réglage”). (cf. Diogène N° 51, 1965, trang 14).
Trở lại câu hỏi của Chomsky trích dẫn ở trên:
“Điều quan trọng không phải là những lời những chữ mà là thực chất: trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam” (What is important is not the words but the substance: the return of Việt Nam to the Vietnamese)
“Điều quan trọng không phải là những lời những chữ mà là thực chất: trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam” (What is important is not the words but the substance: the return of Việt Nam to the Vietnamese)
Câu nói trên, rất cảm động, nhưng nếu chúng ta mở tai nghe, lắng nghe tiếng vọng lại từ suốt dòng truyền thống văn minh Tây phương thì câu trên đã tự phản nghĩa: bênh vực cho cái điều mà chính lời lẽ bênh vực kia phá hủy.
“Không phải lời lẽ, chữ nghĩa mà thực chất” (not the words but the substance), nhưng đau đớn thay, chính chữ “thực chất”(SUBSTANCE )lại là một chữ, một lời, một tiếng (word). Chính vì cái chữ “thực chất” này đã gây chiến tranh tại Việt Nam, đã đưa nước Việt Nam ra ngoài người Việt Nam, đã đuổi người Việt Nam xa lìa quê hương Việt Nam. Chữ “thực chất” (thực thể bản chất, bản thể, chất, chất thể) là chữ dịch từ chữ “substance” mà Chomsky dùng ở đoạn trên. Chữ “substance” là một ý niệm thống trị toàn thể văn hóa Tây phương, chính chữ này đã đưa đến sự thành tựu thể hiện của khoa học cơ khí và tinh thần duy thực, duy nghiệm thực dụng của Tây phương: gốc Hy lạp của “substance” là “ousia”, rồi “ousia” được chuyển hình thành chữ La tinh là “substantia”, chữ “substantia” thống trị thời Trung cổ Tây phương và thời cận đại cho mãi đến thời hiện nay và chữ “fonction”, “function” (tác dụng, cơ năng, hàm số) chỉ là một hóa thể toán học (mathemalical variant) của “substantia” (xin đọc lại Heidegger, Einfuehrung in die Metaphysik, trang 148: “Der Haupttitee, d. h. die massgebende Auslegung des Seins des Seienden ist die ousia.Das Wort bedeutet als philosophisher Begriff die staendige Anwesenheit… Alsbald begann die Umdeutung der ousia zur substantia.In dieses Bedeutung bleibt siedem Mitlelalter und des Neuzeit bis heute gelauefig…) Heidegger đã giúp cho chúng ta thấy rằng sự hiểu sai xuyên tạc ý nghĩa — “xuyên tạc đảo lộn từ căn bản nền tảng” (vod Grund ans verfaelscht) — những ý niệm Hy Lạp (như hiểu sai ý niệm “ousia” của Hy Lạp thành ra “substantia” của La tinh và Tây phương hiện nay) đã đưa đến sự thịnh trị của cơ khí kỹ thuật và sự sụp đổ của thế giới hiện nay.
Nếu chúng ta chịu có cái nhìn tận nền tảng, tận gốc, tận căn bản (von Grund) thì chúng ta thấy rằng Noam Chomsky đã bênh vực cho Việt Nam (trả nước Việt Nam cho ngưừi Việt Nam) nhưng tận nền tảng chính lời lẽ bênh vực kia đã rước vào cửa hậu tất cả những tiền đề xô đẩy người Việt Nam ra ngoài Việt Nam: “Không phải những lời những chữ mà là thực chất” (not the words but the Substance) nhưng “Thực chất” (Substance) chính là một chữ, một lời và chính chữ ấy lời ấy, đã diều động toàn thể văn hoá Tây phương và đưa đến sự thành tựu của một trận chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam.
Ở trang 286 trong quyển American Power and the New MandarinsNoam Chomsky có trích dẫn một đoạn văn dài của Heidegger và Chomsky có ý chỉ trích Heidegger đã từng thiên Đức quốc xã (luận điệu chụp mũ Heidegger là Đức quốc xã đã được Jean-Miehel Palmier phanh phui trong quyển Les Écrits politiques de Heidegger, L’Herne, 1968; chính Jean-Michel Palmier đã cho ta thấy rằng Heidegger tự rút ra khỏi Đức quốc xã và chính Heidegger đã công kích Đức quốc xã và bị những nhà lý thuyết gia Đức quốc xã tấn công bài bác kịch liệt, và kể từ năm. 1934, lớp dạy của Heidegger đã bị mật thám Đức quốc xã theo dõi, of. op. cit, trang 99)
Bây giờ đã trên 80 tuổi, sống cô độc âm thầm ở ngọn đồi Rừng Đen Đức quốc, Heidegger không bao giờ lên tiếng cho Việt Nam, nhưng chính toàn thể sự nghiệp tư tưởng của Heidegger là sự phá vỡ toàn thể văn hóa Tây phương và chỉ nội việc ấy thôi cũng là một sự quyết định trầm trọng tận nền tảng cho hướng đi của lịch sử Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Trái lại, những người chân thành như Bertrand Russell, Sartre và Chomsky đã cực lực lên tiếng cho Việt Nam nhưng đằng sau những lời lẽ cảm động trầm thống kia thì lại là cả những tiền đề cố định của ý thức Tây phương, những tiền đề (prémisses) của một thứ chủ nghĩa hư vô (nihilisme) khả dĩ xô đẩy toàn thể vận mệnh của Việt Nam đi vào sự diệt vong.
“Không phải những lời lẽ, chữ, tiếng mà phải là thực chất”, và thực chất hiểu theo Chomsky, Sartre, Russell chỉ là Thực chất trong ý nghĩa Tây phương!
4. TRẢ LẠI NƯỚC VIỆT NAM CHO NGƯỜI VIỆT NAM
Chính chúng ta, người Việt Nam, phải tự nói câu trên, không phải nói bằng ý nghĩa Tây phương mà bằng ý nghĩa Việt Nam, bằng tinh thần Việt Nam, bằng ý thức Văn hóa Việt Nam.
Trí thức Việt Nam hiện nay đang vong bản, và vong bản nhất là lúc họ kêu gọi “dân tộc tính” bằng ý niệm Tây phương, kêu gọi “quốc hồn”“quốc túy”“dân tộc”“truyền thống” bằng tất cả ý niệm tiền đề của Tây phương. Hạng trí thức ái quốc Việt Nam thì lại ái quốc bằng tinh thần được nuôi dưỡng bằng ý thức hệ Tây phương (cái ý thức thực dụng biện chứng, duy nghiệm thực tiễn) đã tàn phá tổ quốc.
Tinh thần Phật giáo Thiền tông đã kiến tạo nên ý thức quốc gia căn bản đầu tiên của dân tộc, căn bản tinh thần của đời Lý Trần là Thiền tông và chính một sử gia duy vật như giáo sư Lê Thành Khôi cũng phải nhận sự thành lập nền móng quốc gia Việt Nam(fondation de L’Etat) là ở đời Lý (cf. Lê Thành Khôi, Le Viêt Nam, Histoire et Civilisation,Les Éditions de Minuit, 1655, trang 135-169: “La dynastie des Ly avait duré 216 ans. Elle avait défin-itivement constitué L’ Etat Vietnamien, assuré son indépendance et inagvuré sa marche grandiose vers le Sud”). Nền móng tinh thần của đời Lý là đạo Phật Thiền tông (Zencủa Nhật), chính đời Lý đã tạo ra tất cả cơ sở văn hóa Việt Nam (cuốn sách in đầu tiên, khoa thi đầu tiên, cái đê đầu tiên, chữ Nôm đầu tiên, chính sách Nam tiến đầu tiên, cơ sở quốc gia đầu tiên vân vân). Chính đạo Phật Thiền tông đã cung ứng nuôi dưỡng sức sống tinh thần cho toàn thể dân tộc, để rồi từ Lý cho đến Trần và cho mãi đến những triều đại kế tiếp thì đạo Phật Thiền tông thắm nhuộm vào đất đai hào khí của quê hương: bản tính của Thiền là không để lại dấu vết (càng tiến về phương Nam thì Thiền lại càng mang tính cách “đốn” ), càng tiến mạnh thì Thiền càng ẩn giấu và không lộ liễu và làm thành cái hồn của cả một dân tộc (trong Tam giáo thì chỉ có Thiền tông là hợp chất nhất với tâm hồn người dân Việt Nam, vì Thiền chối bỏ trí thức uyên bác và thuận theo tính chất tự nhiên, mộc mạc, hồn nhiên, chất phác của dân quê (giữa một thiền sư Việt Nam và một người dân quê Việt Nam thì khó lòng ai phân biệt nổi, vì suốt trong truyền thống Thiền tông thì thiền sư vẫn là người dân quê tỉnh thức). Thiền của Việt Nam mạnh hơn Thiền của Trung hoa và Nhật bản là nhờ nằm ở địa lý phương Nam (Việt Nam vốn là “Nam quốc” ở hướng cực Nam của Tàu Thiền ở Bắc nước Trung Hoa thì tích cực và không hoàn đúng nghĩa Thiền ở phương Nam của Huệ Năng, càng đi về phương Nam thì Thiền càng lộ chất Thiền đúng nghĩa, tức là “vô tướng”“vô tâm” “vô niệm” “không để lại đặc tính, không để lại hình thù, dấu vết gì cả”). Sức mạnh của đạo Phật Việt Nam là tiềm ẩn, Thiền của Việt Nam chỉ hiển lộ cho ta thấy sức mạnh tâm linh phi thường trong những trường hợp mà chúng ta tưởng như là đạo Phật Việt Nam yếu thế nghèo nàn nhất. Đạo Phật Việt Nam càng nghèo, càng yếu, càng bị chà đạp thì khả tính của đạo Phật càng được tích tụ và nuôi dưỡng và sẽ bùng nổ lúc nào không ai đoán được. Trái lại đạo Phật Việt Nam càng được giàu sang phú quí, càng được “thiên hạ chạy theo” thì đạo Phật Việt Nam càng trở nên mất mát về mặt tâm linh.
Đạo Phật Việt Nam bị chà đạp vào suốt thời gian thực dân Pháp và thời độc tài “nhân vị” nhưng không ai ngờ năm 1963, sức mạnh của Thiền đã tích tụ lại và bùng vỡ lên một ngọn lửa cháy rực cả thế giới (với đại nguyện thành tựu của Hòa thượng Thích Quảng Đức). Đạo Phật Việt Nam năm 1970 bị phân hóa, phân của, bị lợi dụng thao túng, bị ngạo báng khinh cười, nhưng hãy coi chừng! Lúc đạo Phật Việt Nam có vẻ như là sắp dẫy chết thì lúc ấy là lúc sức mạnh của Thiền đang tích tụ lại và sẽ bùng vỡ lên những lúc bất ngờ nhất. Khi thế giới bên ngoài càng lúc càng tán thì sức mạnh của Thiền càng lúc càng tụ.
Khi một người dân quê Việt Nam bỗng nhiên lầm lì câm lặng, thì phải hiểu rằng “sự im lặng như sấm nổ” (mặc như lôi) của truyền thống Thiền tông Việt Nam đang nhập vào hồn họ. Và có ai ngờ được lúc nào sấm sẽ nổ? Và khi sấm nổ thì đó là một thứ sấm chẻ! “sấm chẻ”, “sấm cắt”, “sấm chặt đứt”, đó cũng là ý nghĩa chỉ Phạn của kinh Kim Cang: Vajracchedika Sutra,kinh Kim Cang cũng là kinh căn bản của truyền thống Thiền tông Việt Nam)
Trời đất của quê hương Việt Nam đang vần vũ mây đen. Chúng ta hãy tiêu diệt mọi sợ hãi và im lặng chờ đợi.
Những làn chớp đang rạch nát cả bầu trời quê hương, và SẤM CHẺ sẽ nổ vào lúc bất ngờ nhất, lúc ấy con Rồng Việt Nam sẽ lượn vòng ngang dọc từ đầu ải Nam Quan cho đến cuối Cà Mau. Có ai trong chúng ta còn đủ tai lắng nghe tiếng nồ âm thầm của sự cựa mình từ lòng đất Việt Nạm và sự chuẩn bị rạn vỡ của không khí từ trời cao bão tố?
Nguyên Tánh Phạm Công Thiện
_______________________________________
[1] Về Kinh tế học, quyển mới nhất là The New Industrial State của John Kenneth Galbraith (trang 304-329, trang 332-349 trang 350-360), về Chủ nghĩa dân chủ, xin đọc Democracy in Jonesville của W. LLoyd Warner (xin đọc chương 16, trang 287-298), vềChính trị học xin đọc A Nation of Sheepcủa William J. Lederer (trang 73-100 và trang 137-142-144), vềXã hội học xin đọc White Collarcủa C. Wright Mills (chương 2 và chương 3), The New Sociology do I.L. Horowitz biên tập (trang 3-47, trang 66-75, trang 162-177); về Luật học, xin đọc quyển The Meeting of East and Westcủa F.S.C. Northrop (trang 256-261); về Giáo dục, xin đọc Pourquoi des professeurscủa Georges Gusdorf (trang 118-141, trang 231-238), về đại học, xin đọc L’université en questioncủa Georges Gusdorf (trang 141-157-179), về Trí thức, xin đọc The House of Intellectcủa Jacques Barzun (trang 145-199, trang 216-246), về Tâm lý học và phân tâm học, xin đọc The Doctor and the Soal của Viktor E. Frank (trang IX-XXI, trang 3-22), xin đọc quyển Man’s Search for Himself của Rollo May (trang 13-65) về Đường huớng giáo dục, xin đọc Two modes of Thoughtcủa James Bryant Conant (trang 89-90, trang 91-95), về Sự tiến bộ của văn minh tân tiến, xin đọc the Lonely Crowdcủa David Ricsman (trang 113-120, trang 130-174), vềCơ khí khoa học kỹ nghệ, xin đọc The Revolution of Hopecủa Erich Fromm (trang 26-57), ngoài ra còn vô số sách khác nói lên sự sụp đổ của ý thức Tây phương mà chúng tôi không muốn làm mệt mắt người đọc.