Showing posts with label Thích Phước An.. Show all posts
Showing posts with label Thích Phước An.. Show all posts

Sunday, June 28, 2020

Thích Phước An: Lời Giới Thiệu Tuyển Tập Thơ Thiền Lê-Nguyễn

* Hòa thượng Thích Phước An, Ảnh của Thầy An Trú


Lời Giới Thiệu Tuyển Tập Thơ Thiền Lê-Nguyễn

Thích Phước An



Trong tác phẩm Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập VI, cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục dã phê phán vua Lê Thánh Tông , vị vua dược hầu hết các sử gia xưa nay ca tụng là “ bậc anh quân vĩ đại nhất của Triều Lê” như thế này :“Vua Lê Thánh Tông chỉ tin vào Nho giáo, chê nhà Lý mê tín Phật Giáo , nhưng sau một đời hoạt động tích cực cho quốc gia, khi sắp từ giã cuộc đời đã thốt ra những lời đầy hoang mang”:
Ngũ thập niên lai, thất xích khu
Cương trường như thiết khước thành nhu
Nghĩa là:
Năm mươi năm bảy thước thân trai
Dạ sắt lòng gang chợt yếu rồi
Nhưng phải đợi đến hai câu thơ trong bài Đề Tu Mộng Tự trụ khắc , thì ta thấy không còn là hoang mang hay giao động nữa,mà gần như đau khổ đến cùng cực, khi nhà vua thốt lên với vị sư trụ trì chùa Tu Mộng:
Đại giác hãi trung quân dị độ
Vô cùng môn lý ngã nan hành
Nhà thơ Nguyễn Duy dịch:
Thầy qua biển giác bình yên
Còn ta vất vả triền miên giữa đời
Đây có phải là lời ân hận của nhà vua vì đã đối xử bất công với Phật Giáo, một tôn giáo đã có mặt từ những ngày đầu dựng nước? thật khó để chúng ta khẳng định nhất là đối với những tâm hồn được gọi là vĩ đại, vì càng vĩ đại bao nhiêu thì càng phức tạp và khó lường bấy nhiêu. Nhưng có một điều ta có thể khẳng định được là , một ông vua bài xích Phật Giáo thì cuối cùng cũng phải trở về một ngôi chùa Phật Giáo để tâm sự về những đau khổ, những dằn vặt của chính mình.
Trong ba mươi tác giả của ba mươi bài thơ trong tuyển tập này, ta có thể thấy đủ mọi thành phần trong xã hội vào thời Lê Nguyễn.
Ngoài các Thiền sư ra , thì còn có vua chúa, giới quý tộc, những bậc anh hùng đánh đuổi giặc phương bắc xâm lược như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà Nho vui thú điền viên Nguyễn Khuyến đến cả kẻ nổi loan chống lại triều đình như Cao Bá Quát v.v… nghĩa là tát cả đều lấy cảm hứng từ Phật Giáo hay những ngôi chùa của Phật Giáo.
Nhưng tại sao Phật Giáo lại được giới trí thức, Nho sĩ đón nhận một cách nồng nhiệt như vậy? trong khi hai triều đại này đặc biệt là nhà Lê đã đưa ra những khẩu hiệu đầy cực đoan để bài Phật Giáo như “Tịch Thích Lão” “Tịch Phật Lão” nghĩa là phải bài trừ Phật Giáo và Lão Giáo.đến tận gốc.
Sau khi đoạn tuyệt với ý thức hệ Tam Giáo của Thiền Tông Lý Trần mà người đại diện cuối cùng là Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc (19/09/1942) thì nhà Lê đã lấy ý thức hệ Nho giáo để cai trị quốc gia.
Dĩ nhiên, độc quyền thì lúc đầu rất hùng mạnh, vì là con trời “Thiên tử” thì không ai dám động đến, nhưng sau khi vua Lê Thánh Tông qua đời, Lê Uy Mục lên kế vị làm rối loạn triều đình , giết anh em chú bác trong hoàng tộc đến vua Tương Dực thì cũng chẳng có gì khá hơn nghĩa là cũng huynh đệ tương tàn để tranh quyền đoạt vị. Cuối cùng thì nhà Lê cũng mất vào tay Mạc Đăng Dung.
Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi một nhà Nho chân chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ca tụng là "Cây đại thọ của thế kỷ XVI" đã tìm đến thăm chùa Phổ Minh của vương triều Trần ở làng Tức Mặc phủ Thiên Trường nơi phát tích của nhà Trần oanh liệt với hai câu thơ đầy xúc động, vừa ngậm ngùi cho một triều đại thạnh trị đã qua đồng thời cũng xót xa cho thời đại hôn ám mà mình đang sống:

Bi văn tước lạc hòa yên bích
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh
Giáo sư Nguyễn Bá Chung dịch:

Bia văn khói biếc bóng mờ
Sầu vương mắt Phật sáng bờ đêm thâu
Đó có lẽ là lý do các nhà Nho trí thức chân chính chỉ còn tin vào Phật Giáo chăng?
Sở dĩ hai triều đại Lý Trần đưa đất nước thạnh trị đến gần năm thế kỷ là vì hai triều đại này không lấy Phật Giáo làm ý thức hệ độc tôn mà biết tôn trọng các hệ tư tưởng đương thờiđể đoàn kết với Phật Giáo mà xây dựng một nước Đại Việt phú cường.
Bao dung, đó chính là tinh thần cốt lõi của Phật Giáo. Lịch sử truyền bá hơn hai nghìn năm của Phật Giáo đã chứng minh cho điều ấy.
Muốn có được tinh thần bao dung thì chúng ta không nên nô lệ vào bất cứ ý thức hệ nào, hệ tư tưởng nào , lý thuyết nào như Đức Phật đã khuyến cáo các đệ tử của Ngài trong Kinh Samyutta Nikaya:

“Này Kaccayana, thế gian phần nhiều lần mò đi tìm những hệ thống, và bị trói buộc bởi những tín điều. Những người nào không đi tìm những hệ thống, không cần những lập trường lý thuyết , không theo những tín điều, không coi các tín điều như pháo đài. Người ấy sẽ không có sự hoài nghi và do dự, vì người ấy không phụ thuộc kẻ khác để hiểu biết, sự hiểu biết của người ấy, phải từ thực chứng của chính mình. Đó mới là quan điểm chân chính”
Và dường như Đức Phật đã tiên đoán được những lý thuyết cực đoan sẽ gây đau khổ cho nhân loại trong những thiên niên kỷ sau khi ngài nói:

“Mỗi quan điểm là một bui rậm, một sa mạc, một mê cung, một sự nô lệ, một sự trói buộc tri thức, chỉ đem lại đau đớn và thống khổ” (Majjhima Nikaya)
Đọc những lời trên của Đức Phật khiến tôi nhớ đến Hương Hải Thiền sư ở đời Lê cũng khuyến cáo chúng ta không nên “đi tìm trí thức trong mộng” mà nên tìm những giá trị tâm linh siêu việt từ chính mình:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tìm tri thức
Tương lai diện thượng đồ sư nhan
Giáo sư Nguyễn bá Chung dịch:

Từng giây phút tự xét mình
Suy đi nghĩ lại tâm hình rõ ra
Chớ tìm trí thức trong mơ
Mặt thầy sẽ hiện trong ta sáng ngời
Bài thơ trên được trích từ tuyển tập thơ thiền Lê Nguyễn do giáo sư Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Nguyễn Duy tuyển chọn và dịch thuật. Giáo sư Nguyễn Bá Chung đã sống và giảng dạy tại Mỹ gần nữa thế kỷ qua. Dù sống xa tổ quốc nhưng lúc nào cũng nặng lòng với tổ quốc. Trong một điện thư gửi cho tôi mới đây, giáo sư tâm sự: “ thơ Thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam, không có nó Việt Nam đã không thể tồn tại được cả ngàn năm qua. Nhờ nó, Việt Nam đã hóa giải được tất cả những mâu thuẫn, những khổ đau, những ngang trái suốt quá trình tồn tại của mình”
Như vậy, theo quan điểm của Giáo sư thì Thiền không phải chỉ thuần túy là biểu tượng cho cái đẹp trong đời sống tâm linh mà còn dính chặt đến sinh mệnh sống còn của dân tộc Việt Nam chúng ta nữa. Còn nhà thơ Nguyễn Duy thì rất được kính trọng vì những bài thơ của thi sỹ đã chứa chan những yêu thương, âu lo, và cả những xót xa cho quê hương đất nước.
Một nhà nghiên cứu và một nhà thơ cùng hợp tác với nhau để dịch thì nhất định theo thiển ý của tôi, tập thơ đó chẳng những rất nghiêm túc về chữ nghĩa mà còn tràn đầy tinh thần thi ca nữa.
Trong tuyển tập này, ngoài ba mươi bài thơ Thiền, còn có tiểu sử tóm tắt ba mươi tác giả được Sam Hamill người sáng lập nhà xuất bản Copper Canyon danh tiếng dịch sang tiếng Anh, cũng cần nhắc lại là Sam Hamill cũng đã dịch nhiều thơ Trung Quốc và Nhật Bản sang tiếng Anh nữa.
Với thơ Thiền Lý Trần thì chúng ta đã có bộ thơ văn Lý Trần đồ sộ, do viện văn học thuộc Ủy Ban khoa học xã hội Việt Nam xuất bản vào năm 1983 nhưng đây là lần đầu tiên một tuyển tập thơ Thiền Lê Nguyễn với bản dịch tiếng Anh được xuất bản tại Việt Nam. Điều này theo tôi rất quan trọng vì lâu nay chúng ta chỉ biết đến Lý Trần tức là hai triều đại cực thịnh của Phật Giáo, còn Lê Nguyễn là hai triều đại được các sử gia gọi là “độc tôn Nho Giáo”. Nhưng nếu chúng ta đọc ba mươi bài thơ trong tập này thì chúng ta sẽ thấy rằng, nói theo giáo sư Lê Mạnh Thát “Phật Giáo biết bám vào sức sống của Dân Tộc để tồn tại còn triều đại nào không hợp lòng dân thì triều đại đó sẽ bị loại bỏ.”
Bằng tất cả sự xúc động trước tấm lòng của giáo sư Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Nguyễn Duy đối với văn hóa Phật Giáo nói riêng và dân tộc nói chung, tôi xin được trân trọng giới thiệu tuyển tập này đến với Phật tử và bạn đọc trong và ngoài nước.
Nha Trang, cuối năm Mậu Tuất (2018)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Mỹ Sam Hamill dịch sang tiếng Anh

Thích Phước An (Ảnh: Quang Vu)


Introduction 
An Introduction to the Collection of Lê-Nguyễn Zen Poems

In the work Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập VI (History of Vietnamese Ideas, Vol. VI), Nguyễn Đăng Thục has criticized King Lê Thánh Tông, a king whom almost every historian past and present has praised as “the most brilliant king of the Lê dynasty,” in the following manner:
“King Lê Thánh Tông only believed in Confucianism, considered the Lý dynasty as superstitious in Buddhism, but after a life devoted to serve the country, before leaving this world, he uttered the following words full of bewilderment:

Ngũ thập niên lai, thất xích khu
Cương trường như thiết khước thành nhu
which means:

After fifty years unflinching as a seven-meter man
My iron will and stout heart suddenly grow weakened
But we will have to wait until the two lines in the poem Poem carved at the pillar of Tu Mong Temple to see that it’s no longer an issue of bewilderment or agitation, but a matter of utmost agony when he shared the following with the bonze superior of Tu Mong Temple:

Đại giác hải trung quân dị độ
Vô cùng môn lý ngã nan hành
which poet Nguyen Duy translates as:

You pass the sea of enlightenment with ease
While I go about the world with enormous difficulties
Wasn’t it the king’s remorse because he had dealt unjustly with Buddhism, a religion that has been with the country since its very inception? It’s difficult for us to ascertain, esp. with spirits that have been considered great because the greater that spirit is, the more complicated and unmeasurable it becomes. But there is one thing we can be sure of, that a king who once denounced Buddhism, would in the end have to return to a Buddhist temple to unburden his own agonies, his own distresses.
In the thirty authors of the thirty poems in this collection, we will find all the different social members of the Lê-Nguyễn dynasties. Beyond the Zen masters, we find kings and lords, aristocrats, heroes who had driven out the Northern invaders such as Nguyễn Trãi and Ngô Thời Nhiệm, the sage Nguyễn Bỉnh Khiêm, the doctor Hải Thượng Lãn Ông, the great poet Nguyễn Du, the woman poet Hồ Xuân Hương, the scholar who resigned and led a hermit’s life Nguyễn Khuyến, and even a rebel against the Court Cao Bá Quát, etc .. All took their inspirations from Buddhist teaching or Buddhist temples.
Why did the intellectuals and Confucian scholars receive Buddhism with such enthusiasm? Esp. when these two dynasties had put out the most extreme slogans to wipe out Buddhism such as “Tịch Thích Lão,” “Tịch Phật Lão,” that is, to eliminate Buddhism and Taoism at the very root.
After dismantling the Triple Religion weltanschauung of Ly Tran Zen whose final representative Nguyễn Trãi had his three lineages exterminated (Sept 19, 1442), the Le dynasty employed Confucian ideology to rule the country.
Naturally, the monopoly of power was extremely potent in the beginning. As the king was looked upon as being the “Son of Heaven” (Thiên Tử), no one dared to go against him. After the death of King Lê Thánh Tông, Lê Uy Mục succeeded. He roiled the Court, killing his uncles’ sons in the royal family. His successor Lê Tương Dực was no better; he was involved in a fratricidal conflict, contending for authority to win power. In the end, the Lê dynasty was eliminated by Mạc Đăng Dung.
Certainly it wasn’t accidental that a veritable scholar like Nguyễn Bỉnh Khiêm, one who was praised as “The Leading Authority of the XVI century”, had sought out Phổ Minh pagoda of the Tran dynasty at Tức Mặc village, Thiên Trường district, the originating landmark of the glorious Trần dynasty. He composed two especially moving lines, one grieving over the passing of a prosperous dynasty, the other deploring the stupefied period he was living through:

Bi văn tước lạc hòa yên bích
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh
Nguyễn Bá Chung translates:

Dim steles mingle with blue smoke
The Buddha’s sorrowful eyes pierce the sounds of night
Could it be that this was the true reason why the veritable scholars could only believe in Buddhism?
The reason the Lý-Trần dynasties brought the country to prosperity for nearly five centuries is because these two dynasties did not use Buddhism as a monopolistic ideology, but knew how to respect other contemporary ideologies and to bring them into solidarity with Buddhism, to build up a powerful and prosperous Đại Việt.
Generosity, that’s the essence of Buddhism. The history of propagation of over two thousand years of Buddhism has proved it.
To achieve a spirit of generosity, we should not be enslaved to any ideology, any school of thoughts, any theory as the Buddha has urged his disciples in the Samyutta Nikaya:
“Dear Kaccayana, the world mostly goes about searching for systematic ideas, and is constrained by credos. Those who do not search for systematic ideas, do not need theoretical standpoints, do not follow credos, do not see credos as fortresses, they will not have doubts and hesitation, because they do not depend on others in order to understand. His understanding must come from his own positive knowledge. That’s a genuine starting place.”
And it seems that the Buddha has predicted that the extremist theories would create sufferings for humanity in the following millennia when he said:
“Every standpoint is a thicket, a desert, a labyrinth, an enslavement, an intellectual bondage, which only bring about suffering and misery.” (Majjhima Nikaya)
Reading the above words of the Buddha, I’m reminded of Hương Hải Thiền Sư in the Lê dynasty who advises us not to “search for knowledge in dreams” but to find the transcendental spiritual values within ourselves.
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Tương lai diện thượng đồ sư nhan
Nguyễn Bá Chung translates:

Every moment, be ready to watch one’s mind
Observe and ponder real carefully
No need to search for knowledge in dreams
Your Teacher’s face will shine in yours brilliantly
That poem is excerpted from The Collection of Lê-Nguyễn Zen Poems compiled and translated by Nguyễn Bá Chung and Nguyễn Duy. Nguyễn Ba Chung has lived and taught abroad for nearly half a century. Though living far from the homeland, he’s always deeply attached to the homeland. In an email sent to me recently, he wrote: “Zen poem is an essence of Vietnamese culture; without it, Vietnam could not have survived its thousand-years history. Thanks to it, Vietnam has been able to resolve all the contradictions, all the sufferings, all the adverse circumstances throughout its existence.”
Therefore, according Nguyễn Bá Chung’s perspective, Zen isn’t just the symbol of the beauty in our spiritual life, but it’s also deeply attached to the living history of our people. For poet Nguyễn Duy, he’s highly respected for his poems which are overflowing with love, worry, and poignant feelings for the country.
A researcher and a poet collaborate with each other to perform the translation, then, to me, such a collection is not only exacting in term of words used, but also afired with the poetical spirit.
In this collection, thirty Zen poems are turned into English by Sam Hamill, a founder of the famous Copper Canyon publishing house in the U.S.. Sam Hamill is well-known as a great translator of Chinese and Japanese poems.
With the Lý-Trần Zen poems, we have already had the magnificent series Poetry and Prose of the Lý-Trần Dynasties, published in 1978 by Uy Ban khoa hoc xa hoi Viet Nam. Here, for the first time we have a tri-lingual Collection of Lê-Nguyễn Zen Poems published in Việt Nam. This, to me, is very important, because for a long time we only know that Lý-Trần are the two most significant dynasties of Buddhism while Lê-Nguyễn are considered “singularly Confucian.” If we read the thirty poems in this collection, we will find that, as Prof. Lê Mạnh Thát says, “Buddhism knows how to grasp on to the living force of the People in order to endure, while any dynasty that does not fit well with the people’s will would be removed.”
Being greatly moved by the heart of Nguyễn Bá Chung and Nguyễn Duy towards Buddhist culture in particular and the people in general, I respectfully present this collection to my Buddhist friends and readers both here and abroad.
Nha Trang, end of the Year of the Dog (2018)
Thích Phước An

Tuesday, May 26, 2020

Thích Phước An: Một Vài Suy Nghĩ Về Hệ Thống Tổ Chức Của GHPGVN

Một Vài Suy Nghĩ Về Hệ Thống Tổ Chức Của GHPGVN

Thích Phước An

1. Hoàn cảnh đau buồn của Phật Giáo Việt Nam hiện nay:

Khi cuộc vận động đòi kinh bình đẳng tôn giáo được chính thức phát động tại Huế vào Phật Đản 1963, thì lúc đó tôi mới chỉ là chú điệu học lớp đệ lục. Đã hơn ba thập niên qua rồi, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí lo âu của những người cùng lứa tuổi như tôi vào một buổi chiều tại chùa Linh Sơn ở Đà Lạt, sau khi nghe đài BBC loan tin Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn. Thực ra, lo âu thì ít nhưng sung sướng và hãnh diện thì nhiều.

Rồi tiếp theo là Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 1-11-1963, rồi đầu năm 1964 một đại hội Phật giáo được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, hai hệ thống tư tưởng lớn nhất của Phật giáo, hai hệ thống tư tưởng lớn nhất của Phật giáo là Đại thừa và Tiểu thừa được chính thức thống nhất ra đời. Chưa bao giờ tinh thần Phật Giáo của thời đại Lý – Trần lại sống dậy trong tâm hồn của những người tăng sĩ trẻ tuổi một cách mãnh liệt như vậy.

Nhưng niềm vui cũng như hy vọng đó chẳng bao lâu đã nhường chỗ cho nỗi lo âu và mất mác. Năm 1966 cũng tại Huế, Phật giáo đã phát động phong trào đòi tự do dân chủ. Chính cuộc vận động này là nguyên nhân đầu tiên đã dẫn đến chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo.

Giao điểm đã chủ trương rất đúng khi viết: “Đã đến lúc phải nhìn lại chính mình trước tấm gương lạnh lùng và trung thực của sự thật. Đã đến lúc phải biết phân biệt để củng cố lại cái gì là bất biến và phát huy cái gì là tùy duyên. Bằng trí tuệ Bát Nhã và bằng tâm nguyện Bồ Tát”. Nếu chúng ta không can đảm nhìn vào sự thật như vậy thì đúng như lời nhận định của giáo sư Lý Nguyên Quán : “Như một căn bệnh không thể chữa lành khi người ta chỉ tìm cách che đậy, trốn tránh hay loanh quanh với những lý luận mơ hồ, không ăn nhập gì với hiện trạng”.

Vậy bây giờ đã hơn ba thập niên qua rồi, ta thử tìm hiểu lý do nào mà chỉ trong khoảng chưa đầy ba năm, tính từ 1963 mà Phật giáo lại phải phát động thêm lại hai cuộc đấu tranh nữa chống lại hai chính phủ. Năm 1965 với chính phủ Trần Văn Hương và năm 1966 với chính phủ quân sự Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ :

– Lý do mà ta có thể dễ thấy nhất là, sau gần một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách của thực dân Pháp và tiếp đến là chín năm dưới chính phủ Thiên Chúa giáo của Ngô Đình Diệm; nên các nhà lãnh đạo Phật giáo hầu như nghi ngờ hết tất cả các giới cầm quyền.

– Quá thất vọng khi thấy khí thế của cuộc cách mạng 1-11-1963 cứ tàn lại dần bởi những chính phủ kế tiếp.

– Còn một lý do nữa mà tôi cho là cũng rất quan trọng khiến Phật giáo cứ dấn thân mãi vào những cuộc đấu tranh là, sau thành công 1963, một số ít những nhà lãnh đạo Phật giáo hơi tự mãn. Từ sự tự mãn dẫn đến chủ quan. Vì vậy, đã đánh giá sai tình thực tế lúc đó là:

– Phật tử đã quá mệt mỏi sau các cuộc đấu tranh 1963 và 1965.

– Chiến tranh đã tràn vào các thành phố, nên đã rất có lợi cho các tướng lãnh cầm quyền. Họ sẽ viện lý do này để dập tắt cuộc đấu tranh, và trong thực tế họ đã làm như vậy.

– Các thể lực chính trị lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị lợi dụng cuộc đấu tranh của Phật giáo mà khai thác và lợi dụng, mà Phật giáo thì hầu như bất lực trong việc kiểm soát nội bộ của chính mình.

Theo tôi, đó là những lý do khiến cho cuộc vận động đòi tự do dân chủ của Phật giáo đã thất bại.

Nhưng dù sao thì đó cũng là thất bại trong ngắn hạn, nghĩa là Phật giáo không đem lại một chính phủ dân chủ tức thời cho đất nước như mục tiêu mà Phật giáo đã đề ra. Nhưng nếu nhân dân miền Nam, đặc biệt là giới trí thức trẻ ở các thành thị đã trưởng thành nhiều về mặt chính trị thì tất nhiên chính là nhờ những cuộc vận động liên tục của Phật giáo, dù Phật giáo đã phải trả một cái giá rất đắt. Tuy nhiên, tôi cho rằng những thế lực chính trị bên ngoài không phải là nguyên nhân chính đã gây ra phân hóa và chia rẽ Phật giáo Việt Nam từ năm 1963 đến nay, mà nguyên nhân chính là hệ thống tổ chức Giáo Hội.

Như chúng ta đều biết, hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), thiết lập cơ sở từ trung ương đến địa phương rập khuôn cách tổ chức của một nhà nước. Năm 1981, thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập. Mặc dù nội dung bản Hiến Chương khác xa nhau, nhưng cách sắp xếp các chức vụ để điều hành Phật sự thì lại hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác cách gọi mà thôi, ví dụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thì đổi là Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, còn Tổng Vụ Trưởng thư đổi là Trưởng Ban, các chức vụ ở Tỉnh và huyện cũng thế, Chánh Đại diện tỉnh thì nay gọi là Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh v.v…

Thực ra, các nhà sáng lập ra GHPGVNTN đã cưu mang hoài bão rất lớn cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam (được thể hiện qua lời mở đầu hiến chương, rất ngắn gọn nhưng lại súc tích vô cùng). Tuy nhiên hoài bão lớn nhưng lại quên đi vấn đề nhân sự để phục vụ trong cơ chế ấy. Tăng sĩ của Phật giáo Việt Nam tương đối khá đông, nhưng có được bao nhiêu tăng sĩ thõng tay vào chợ đời mà không bị quyến rũ. Thực tế là từ năm 1963 đến nay, một số tăng sĩ đã xem hệ thống tổ chức của Giáo Hội như là nơi tiến thân rất tốt cho bản thân họ (Dù những tăng sĩ này chỉ là thiểu số, nhưng con sâu thì luôn luôn làm rầu nồi canh). Một số ít họ vào đạo để làm việc đó, vì việc tiến thân trong đạo có vẻ dễ hơn, vì họ đã có sẵn cái hình thức của kẻ đã vứt bỏ hết mọi ham muốn thế tục, mặc dù tâm niệm cũng như hành động của một thiểu số đó là thế tục hơn cả thế tục nữa.

Trước 1975, các tăng sĩ chỉ giữ các chức vụ trong giáo hội, thế nhưng không khí trong chốn thiền môn đã bắt đầu ô nhiễm bởi lợi danh giống như người thế gian rồi. Vậy mà từ 1981 đến nay, ngoài các chức vụ trong giáo hội, các tăng sĩ có điều kiện lại còn dòm ngó đến các chức vụ ngoài thế gian nữa, như thành viên mặt trận, hội đồng nhân dân tỉnh, thành, v.v… nên không khí trong chốn thiền môn đã bị ô nhiễm hơn. Đó là chưa nói đến việc các văn phòng của giáo hội hiện nay, không thiếu gì những ông xã trưởng, lý trưởng ở thời phong kiến, hay chủ tịch phường, chủ tịch xã trong những năm dưới thời bao cấp. Những tăng sĩ này ngồi đó, không phải để hướng dẫn Phật tử tu học và từ bỏ bởi những ràng buộc của thế gian, mà họ ngồi đó để tự khẳng định quyền hành của mình qua những nguyên tắc hành chính của thế gian vậy. Đúng như lời nhận định của giáo sư Lý Nguyên Quân: “Thiếu nội lực và yếu kém phẩm chất mà lại mang thân vào đời để đảm nhận các mặt thế trị phức tạp của một tổ chức giáo hội như yêu cầu mong muốn thì thật khó tránh được cái “họa sát thân”. Cái họa đã rõ, ít ra là từ 1963 đến nay. Ngoại trừ một số vị giữ mình nghiêm mật, còn một số lớn đã không tránh được cái bả lợi danh của thế tục”.

Đây quả là thực trạng đáng buồn và nhất là đáng xấu hổ của Phật Giáo Việt Nam hiện nay.

2. Nguyên nhân căn bệnh và phương pháp chữa trị

Bài “Phật Giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ 21″ của Giáo sư Lý Nguyên Quân đăng ở “Phật Giáo trong thế kỷ mới” tập I do Giao Điểm xuất bản tại Hoa Kỳ 1996. Theo tôi, không những Giáo Sư đã nói lên được tấm lòng của chính mình mà dường như còn nói thay cho những người đã từng đem hết tấm lòng mình hiến dâng cho Phật Giáo Việt Nam, hay những kẻ đã từng “khóc cười” với Phật Giáo Việt Nam, nói theo cách nói của giáo sư.

Cũng chính trong bài ấy, tác giả không những đã tìm thấy được nguyên nhân căn bệnh, mà gần như còn đưa ra được phương pháp để chữa trị căn bệnh trầm kha của Phật Giáo Việt Nam. Nghĩa là đã phát họa đại cương cho hướng đi của Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ mới. Theo giáo sư Lý Nguyên Quân thì, Phật Giáo Việt Nam ít nhất là từ 1963 đến nay “cứ bị lôi cuốn hút vào cơn lốc của thời thế để không có được những quan tâm đúng mức nhu cầu sanh tử này của Phật giáo”.

Nhu cầu sanh tử này là gì? Giáo sư viết “Như xương sống của cơ thể, những trung tâm tu học và truyền thống tu tập là yếu tố quyết định tối hậu cho lịch sử hưng vong của Phật giáo xưa nay. Thử tượng tượng, Phật giáo Trung Hoa mà không có các bậc cổ đức đời đời nối tiếp thiết lập các đạo tràng dịch kinh, giảng kinh, nói pháp, thành lập các pháp môn tu tập Thiền, Tịnh và các tòng lâm hướng dẫn đồ chúng tu tập thì di sản Phật Giáo Trung Hoa có còn gì ? Như Phật Giáo Nhật Bản, không phải là Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản, thường được xem là cơ cấu đại diện cho Phật Giáo Nhật Bản. Nắm mạng mạch của Phật giáo ở đây, mà chính là hệ thống của tông phái với những sắc thái sinh hoạt và truyền thống tu tập khác nhau được giữ gìn đã tạo nên cái sức sống cho Phật giáo xứ này. Phật Giáo Tây Tạng đang phải chịu đựng một trong những thảm kịch đau thương nhất của lịch sử dân tộc mà tương lai chưa biết thế nào thì Phật Giáo Tây Tạng theo cùng tình cảnh lưu vong của một phần dân tộc họ, lại đang ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh và trí tuệ của con người Tây phương”.

Như vậy, qua kinh nghiệm của lịch sử Phật Giáo Nhật Bản, Trung Hoa và đặc biệt là vị trí của Phật Giáo Tây Tạng hiện nay thì, sở trường của Phật Giáo chính là những giá trị tâm linh siêu việt. Nhưng thế giới tâm linh siêu việt lại chỉ thành tựu trong các tu viện, thiền viện, hay nơi những cá nhân sống âm thầm xa trần tục, chứ không phải tại các trụ sở Giáo Hội quá nặng nề thế trị như hiện nay. Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta muốn Phật giáo phải trở lại trong bốn bức tường thành của Thiền môn, vì một lối tu tập như vậy chẳng còn thích hợp với thời đại nữa. Nhưng chắc chắn, Phật Giáo Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21 thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ củng cố cái xương sống của chính mình bằng cách trở lại các trung tâm nghiên cứu, thiền viện, tu viện, như đại tòng lâm để các tăng sĩ đủ phương tiện mà tăng trưởng trí tuệ và trau dồi đạo hạnh. Chúng ta tin chắc rằng, khi đời sống tâm linh và trí thức phát triển mạnh mẽ thì cái bả lợi danh của thế tục sẽ không còn dám bén mảng đến cổng tu viện nữa.

3. Vấn đề nguy hiểm mà tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam phải đối mặt trong thế kỷ 21

Không còn hồ nghi gì nữa, chắc chắn trong thế kỷ tới, đời sống đô thị sẽ phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Văn minh đô thị đi đến đâu thì đời sống nặng nề về hưởng thụ sẽ đi đến đó. Đọc lịch sử Phật Giáo Nhật Bản chúng ta còn nhớ, có một thiền sư sống cách xa chúng ta hơn một ngàn năm rồi, vậy mà Ngài đã nhìn thấy được sự nguy hiểm của đời sống đô thị với đạo nghiệp của các tăng sĩ, vì những thế hệ đi trước Ngài đã hưởng thụ quá nhiều, người đó chính là Truyền Giác Đại Sư (DENYO DAISHI, 767-823). Chính Đại Sư đã chọn ngọn núi Tỉ Duệ (Hisi) cao nhất ngất ở Kyoto đề làn trung tâm hoạt động của Thiên Thai Tông, và cũng để cho các tăng sĩ thuộc phái Thiên Thai Tông tránh xa đời sống đô thị ở kinh đô Kyoto.

Điều mà Truyền Giác Đại Sư đã nhìn thấy hơn một ngàn năm trước bây giờ chẳng những đang lập lại, mà còn lập lại một cách nguy hiểm hơn nữa cho các tăng sĩ đang sống ở đô thị.

Báo chí Phật giáo trong nước trong thời gian gần đây, đã can đảm phản ảnh rất nhiều về hiện tượng sa đọa của một số tăng sĩ đang sống tại các thành phố, nhất là những thành phố, nhất là những thành phố lớn như Sài Gòn chẳng hạn.

Và chúng ta, những tăng sĩ của Phật Giáo Việt Nam cũng phải can đảm mà thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta đều không còn thích sống ở những nơi mà gần như thiếu vắng tiện nghi của đời sống đô thị, mặc dù hầu hết tăng sĩ Việt Nam đều được sanh ra và lớn lên ở các miền thôn dã. Nói như vậy, không có nghĩa là tăng sĩ phải trở về sống lại các chùa ở thôn dã, càng không phải sống thơ mộng như một bài thơ xưa, một túp lều tranh khiêm tốn trên núi cao, mà một nửa dành cho những đám mây trắng, còn nửa kia thì dành cho những nhà ẩn sĩ. Điều quan trọng là tăng sĩ chúng ta phải tự đấu tranh với chính mình để vượt qua những thú vui vật dục tầm thường mà đời sống đô thị đã quyến rũ chúng ta, phải vượt qua được thử thách đầy hiểm nguy này, thì chúng ta mới khẳng định được rằng, chính những giá trị tâm linh siêu việt của Phật giáo mới đem lại sự an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, còn các thú vui vật chất thì chỉ đem lại bất an và tạm bợ mà thôi.

4. Nhưng không phải chỉ có Phật Giáo Việt Nam mới sai lầm

“Phật giáo dù đã vấp phải những lỗi lầm và ngu ngốc trong lịch sử của nó ở Nhật Bản, không có gì nghi ngờ rằng nó là một thế lực tâm linh rất mạnh đã từng bảo dưỡng dân Nhật, với tư cách một quốc gia cũng như trên phương tiện cá nhân, trong những công trình chung của văn minh. Không có Phật giáo, Nhật Bản tất nhiên không thể đạt tới trình độ văn hóa và khai phát hiện tại”. (D. T. Suzuki, Thiền Luận, quyển hạ, Tuệ Sỹ dịch, NXB An Tiêm 1973).

Đoạn trên D. T. Suzuki muốn nói đến Phật Giáo Nhật Bản sau thời đại Kiến Thương (Kamakura, 1168-1334). Nghĩa là sau thời đại Kiến Thương chùa chiền dưới sự bảo trợ của các ông Hoàng và các lãnh chúa vẫn tiếp tục được xây cất nhiều hơn lên, giai cấp tăng lữ cũng thịnh hành hơn nhưng cũng phức tạp hơn, họ được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc biệt. Nhưng Phật giáo thì lại đã mất hết sinh động, chỉ còn tồn tại như một tín ngưỡng, nặng nề về hình thức sùng bái, còn về mặt học thuật thì từ chương, suy lý và quá rườm rà.

Tuy nhiên, Phật giáo Nhật Bản, vẫn theo D. T. Suzuki cuối cùng đã tỉnh giấc ngủ say. khi chế độ phong kiến bị sụp đổ, Thiên Chúa giáo được truyền vào với những phương pháp tân kỳ và nắm vững các quan niệm tiên tiến, mặc dù Thiên Chúa giáo đã từng sống chung với Phật giáo một thời gian dài trước đó. Phật Giáo Nhật Bản không còn cách lựa chọn nào hơn, hoặc là bị diệt vong, hoặc là phải vùng dậy, bằng cách đào bới lại nguồn sinh động vẫn còn tiềm ẩn để phát triển và đã trở thành một Phật Giáo Nhật Bản huy hoàng như hiện nay.

Có lẽ, trường hợp Phật Giáo Nhật Bản có cái gì tương tự như trường hợp của Phật Giáo Việt Nam. Dường như lẽ thịnh suy thì ở nơi nào cũng thế, nếu có khác nhau thì chỉ khác ở chỗ là có sớm nhận ra sự sai lầm của mình để mà điều chỉnh hướng đi cho đúng cách không thôi.

Phật Giáo Việt Nam sau gần năm thế kỷ cực thịnh, thì bắt đầu suy yếu dần ở cuối đời nhà Trần. Đến đời Lê thì chùa chiền, tăng lữ vẫn còn đó, nhưng cũng đã mất hết sinh khí, và cũng chỉ tồn tại như một hình thức tín ngưỡng nặng nề cúng bái mà thôi. Phải đợi cho đến đầu thế kỷ 20, khi khoa học Tây phương vào và Thiên Chúa giáo, tôn giáo của kẻ xâm lược bắt đầu xâm lấn, thì Phật Giáo Việt Nam mới chịu thức tỉnh, mới khởi sự chấn hưng. Năm 1963 dường như Phật Giáo Việt Nam đã lấy lại được vị trí lịch sử của mình, nhưng chẳng bao lâu thì những oan nghiệp và ngang trái một lần nữa lại đến với Phật Giáo Việt Nam.

Nhưng chúng ta có đủ chứng cơ để tin rằng, đây là pháp nạn cuối cùng của Phật Giáo Việt Nam. Vì thế giới đã đổi thay, đất nước cũng đang thay đổi, lẽ nào Phật Giáo Việt Nam lại không như thế. Niềm hy vọng mà chúng ta có thể thấy được là, hiện nay Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều ý thức rằng, hơn ba thập niên qua Phật giáo đã lãng phí quá nhiều thời gian trong những cuộc tranh chấp với thế gian mà lại quên đi cái sở trường của chính mình. Một lần nữa, xin được nhắc lại lời của giáo sư Lý Nguyên Quân : “Như cái xương sống của cơ thể, những trung tâm tu học và truyền thống tu tập, đã là yếu tố quyết định tối hậu cho lịch sử hưng vong của Phật giáo xưa nay”. (1)

Phật Giáo Nhật Bản cũng là từng phạm phải những sai lầm, nhưng cuối cùng đã vượt qua được để có một Phật Giáo Nhật Bản như ngày nay.

Cầu mong Phật Giáo Việt Nam cũng sẽ như vậy, để tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước có điều kiện dựng xây lại Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ sắp đến, vẫn tiếp tục con đường mà Khuông Việt Thiền Sư, Vạn Hạnh Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông Thiền Sư, Trần Nhân Tông Thiền Sư và tất cả những Thiền Sư khác của Lý Trần đã làm và nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho toàn thể dân tộc vậy.


Tuesday, May 5, 2020

Thích Phước An: Về Những Bậc Thầy Của Phật Giáo Việt Nam Hiện Đại

Ảnh: Hòa thượng Thích Phước An - St từ nhà Sư An Trú



Có những cái chết mà dù đã cách xa thời đại chúng ta đến những 6 thế kỷ rồi, vậy mà cứ mỗi lần nhắc đến là trong mỗi người chúng ta dường như vẫn còn đau đớn xót xa, và ta có cảm giác rằng, nỗi đau đớn đó vẫn còn đọng lại cả trên những dòng sông, rặng núi, và cả trên những nẻo đường heo hút của quê hương đất nước nữa. Tôi muốn nói đến cái chết của bậc đại anh hùng Nguyễn Trãi chẳng hạn, cái chết mà Đào Duy Anh đã viết là:
“Và cái ngày đau xót không những cho Nguyễn Trãi mà còn cho cả dân tộc nữa, là ngày 16 tháng 08 năm 1442. Nguyễn Trãi đã rụng đầu dưới lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội mà chính ông đã chiến đấu gian khổ để dựng lên”. (Nguyễn Trãi toàn tập, trang 22, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976)
Cũng vậy, có những cuộc ra đi mà kẻ ra đi phải gánh lên đôi vai gầy yếu của mình tất cả sự thống khổ và phân ly của đạo pháp và dân tộc. Đó là chuyến ra đi của Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ vào năm 1982. Tôi có phóng đại qúa không? Mười năm sau chuyến ra đi lịch sử đó (1982-1992), đọc những dòng sau đây của Hòa Thượng Quảng Độ, tôi mới thấy rằng những tưởng tượng của tôi không hề sai sự thật:
“… Nhìn xuống bãi biển, thấy những đợt sóng trắng xóa cuồn cuộn vỗ vào bờ ầm ầm, tôi có cảm tưởng như những tiếng gào thét của những oan hồn người vượt biển chết đuối từ lòng đại dương vọng về; Phía trên đèo thì những đám mây dày đặc bao phủ mịt mù, thật là tiêu điều ảm đạm. Tôi bèn ghi lại cảnh-tượng ấy bằng mấy câu thơ:” 
Đạo pháp tiêu điều lòng thổn thức
Giang sơn ảm đạm dạ bồn chồn
Vân Hải chiều nay sầu Tô Tử
Đường dài mang nặng nỗi hàn ôn”.
Và đây là cảnh phải chia biệt với người thân ngay trên quê hương đất nước của chính mình:
“Đêm 26.2.1982, chúng tôi ngủ ngay tại ty Công An Quy-Nhơn. Sáng dậy, như ngày hôm trước ở Nha Trang, có khác là khi tôi lên xe đi thì thấy TT. Huyền Quang còn ngồi lại ở văn phòng ty Công An, chỉ có một mình tôi đi thôi. Tôi nghĩ bụng, chắc họ sẽ để Thượng Tọa lại, vì đây là tỉnh quê nhà của Thượng Tọa. Còn tôi chắc là họ sẽ đưa ra Thái Bình là tỉnh quê nhà của tôi. Một cảm giác cô đơn và xót xa len lén trong lòng tôi, vì từ nay, chúng tôi phải cách xa nhau, kẻ Bắc người Nam, cũng như hàng triệu gia đình Việt Nam đã phải lìa tan sau năm 1954 và 1975. Không biết bao giờ mới lại được gặp nhau. Thật vậy, cho đến nay đã đúng 10 năm (1982 -1992) chúng tôi vẫn chưa được gặp nhau. Ôi! Tử biệt sanh ly!”
Năm 1991, gần đúng 10 năm sau chuyến ra đi của hai bậc Thầy đó, tôi cũng có viết một bài về Thiền Sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, người đã phải miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử đã bắt đầu đến hồi suy yếu, sau gần thế kỷ cực thịnh (Bài này đã được đăng trong Tạp Chí Văn Học của Viện Văn Học (Hà Nội), số 4 năm 1992, với nhan đề là “Thiền Sư Huyền quang và con đường trầm lặng của mùa thu”, sau đó được tờ “Etudes Vienamiennes” dịch ra tiếng Anh và Pháp số 2 năm 1993) Dù là viết về một Thiền Sư cách đây đã hơn 7 thế kỷ, nhưng tôi cũng nhân cơ hội này để nói lên một chút tâm sự đau đớn của-tôi đối với Phật Giáo Việt Nam hiện đại. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là, bài viết cũng hàm ý nói lên niềm hảnh diện của tôi đối với hai bậc Thầy đang dánh chịu khổ nạn cho Phật Giáo Việt Nam và tôi muốn nhấn mạnh rằng, thông điệp thực sự mà Phật giáo cần mang đến không phải là tại những nơi giàu sang hay quyền thế, mà phải là những nơi khác – Ví dụ đoạn sau đây:
“Huyền Quang dù bấy giờ đã là người đứng đầu Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử vẫn không đến ở và làm việc tại chùa Quỳnh Lâm và Báo Ân, như Pháp Loa trước đó đã làm. Trái lại, Huyền Quang về ẩn cư luôn ở núi Thanh Mai và Côn Sơn cho đến khi mất, bởi lẽ đọc lại các sử liệu ta thấy rằng, Quỳnh Lâm và Báo Ân là những chùa qúa giàu có, vì được sự hổ trợ tích cực của Vương triều Trần”. Và tôi đã đặt câu hỏi: “Có phải Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua? Và đồng thời – muốn vạch một hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng? Vì với những người đang theo đuổi giấc mộng giải thoát, thì núi rừng và những con đường mịt mù đầy các bụi xa xôi kia mới là chỗ tới lui đích thực của đời mình”.
Tôi không ngờ những câu như: “Phải chăng Huyền Quang muốn điều chỉnh lại một giai đoạn lịch sử đã qua, và đồng thời muốn vạch hướng đi khác cho Phật giáo Đại Việt chăng?” thì năm 1992, năm mà nói theo Phạm Công Thiện thì: “Hậu thân của ngài Huyền Quang đã oanh liệt chong đèn Bát Nhã để mở ra hướng đi định phận của Quê Hương”. Cũng trong bài ấy, bài “Hòa Thượng Huyền Quang và ý thức dẫn đạo dân tộc”, Phạm Công Thiện viết một cách cảm động như thế này:
“Đứng trơ trụi, cô độc, già nua tuổi tác, hơn 73 tuổi, Ngài đã đương đầu trước cái chết, không một mảy may sợ hãi, như như bất động, nói lên lời cáo trạng oanh liệt nhất; hành động phi thường chưa từng thấy ấy, phải chăng là tiên triệu bất ngờ cho cuộc hồi sinh dân tộc…”
Như vậy, rõ ràng là sức mạnh tâm linh mà tự bao đời Phật giáo có được đều không xuất phát từ những nơi có chùa to phật – lớn, nơi kẻ quyền thế và giàu sang ra vào tấp nập, nói đang say sưa sa vào con đường lợi dưỡng – mà sức mạnh tâm linh đó phải phát xuất từ những nơi đầy các bụi của trần gian, nghĩa là những nơi mà Phật giáo có thể dễ dàng lắng nghe được tiếng thở dài của vạn sinh linh thống khổ.
Tôi vốn sanh trưởng ở Bình Định, nơi mà vào năm 1665, Thiền sư Nguyên Thiều của Trung Quốc đã đến và lập ra chùa Thập Tháp Di Đà. Và từ đấy, Bình Định đã trở thành trung tâm Phật giáo quang trọng nhất của Phật giáo đàng trong thời bấy giờ. Quan trọng hơn nữa là vào năm 1753, Nguyễn Huệ đã chào đời tại một ngôi nhà tranh nghèo khổ bên dòng sông Côn (quận Tây Sơn). Nhưng chính ngôi nhà tranh nghèo khổ này đã cống hiến được cho đất nước một thiên tài xuất chúng. Năm 1786, sau khi đánh đuổi chúa Nguyễn ở đàng trong, Nguyễn Huệ ra chiếm Thuận Hóa rồi vượt qua sông Gianh tiến thẳng ra Thăng Long lật đổ chúa Trịnh chấm dứt 200 năm đất nước bị qua phân. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Nguyễn Huệ lại còn đánh tan 29 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về cùng với sự hỗ trợ của Nguyễn Ánh trong Nam, chỉ trong năm ngày. Dù trăm trận trăm thắng trên chiến trường như vậy,nhưng đối với các nhà trí thức của dân tộc Nguyễn Huệ hết sức khiêm cung và nhất là thành thực. Trong một lá thư gửi cho La Sơn Phu Tử, một nhà trí thức nổi tiếng nhất của Bắc Hà thời bấy giờ – Nguyễn Huệ viết: “Anh em qủa Đức, nguyên chỉ tró trụi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở Tây Sơn. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây được nghiệp bá”. Và trong một đoạn khác, cũng gửi cho La Sơn Phu Tử: “Vả chăng, qủa Đức sanh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế này, bất đắc dĩ phải khởi binh”.
Chính vì vậy mà, ngoài việc được ca tụng là bậc anh hùng võ công đệ nhất, Nguyễn Huệ lại còn được các nhà sử học coi như là người biết tôn trọng những bậc tài hoa của đất nước, có thể nói là số một trong lịch sử của dân tộc ta.
Vậy là, Bình Định cũng đã trở thành trung tâm chính trị của đất nước vào hậu bán thế kỷ 18 nữa.
Hòa Thượng Huyền Quang cũng sanh ở Bình Định. Ngài rất ý thức về mảnh đất mà Ngài đã chào đời, như bốn câu mà Ngài đã tự phát họa chân dung của chính Ngài:
“Nguyên Thiều Pháp Duệ
Nguyễn Huệ nhân dân
Tình đồng chơn cát ái từ thân
Sức chánh tín bạt trần đầu giáo”.
Tôi nghĩ, dường như hầu hết những người sinh ra từ những nơi làm ruộng, quanh năm suốt tháng họ chỉ lo cày sâu cuốc bẩm, nên gần như không hề biết khoa trương hay dùng những lời hoa mỹ để nói về chính mình. Nếu có nói về bản thân, thì cũng chỉ nói lên những hèn yếu và nhược điểm về chính mình mà thôi – Hòa Thượng Huyền Quang có hai câu thơ về mình như thế này:
“Lên rừng hổ thẹn thua chim núi
Xuống nước than thân hổ cá sông”.
Có lẽ, không phải tài hoa hay uyên bác, mà chính nhờ đức tình biết hổ thẹn và thành thực với chính mình này, mà Hòa Thượng Huyền Quang đã đưa Phật giáo Việt Nam vượt qua được khúc quanh hiểm nghèo nhất, để Phật giáo Việt Nam có đủ niềm tự hào mà cùng với dân tộc và nhân loại bước vào thế kỷ 21 chăng?
Vào một ngày cuối năm, tôi đến hầu thăm Ngài trong một ngôi chùa nhỏ tại một thị trấn hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tôi có cảm tưởng bao nhiêu biến cố thăng trầm của Phật giáo Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, dường như vẫn còn in hằn trên nét mặt già nua vì tuổi tác cùng mái tóc bạc trắng của Ngài. Dù có già nua tuổi tác, nhưng tấm lòng đối với Phật giáo Việt Nam, đối với quê hương đất nước vẫn nồng nàn như ngày nào:
“Chim đứng nhìn xem trời đất chuyển
Chờ ngày vỗ cánh khắp trường không”.
Trên đường trở về, tôi cứ đọc mãi hai câu thơ ấy của Ngài với tất cả nỗi xúc động và hãnh diện vì có những bậc Thầy đang lặng lẽ hy sinh quên mình vì tương lai của đạo pháp và dân tộc.
Nha Trang, tháng 12 năm 1997.
Đọc thêm: THÔNG ĐIỆP HƯỚNG VỀ THẾ KỶ XXI của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất: https://uyennguyen.net/…/thich-huyen-quang-thong-diep-huon…/


Tuesday, April 28, 2020

Thích Phước An: Thơ Bùi Giáng và Tuổi Trẻ Lang Thang Trên Hè Phố Sài Gòn


Thi Nhân Bùi Giáng (Internet)


Vào khoảng cuối năm 1971 hay đầu năm 1972 gì đó, Bùi Giáng dọn về ở luôn trên lầu ba, thuộc khu nội xá của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Dù đã đến Sài Gòn trước đó nhiều năm, nhưng chỉ sau khi ở gần với Bùi Giáng thì tôi mới có dịp biết nhiều hơn về những con đường phố ở Sài Gòn.
Có lẽ, cũng như hầu hết người trẻ tuổi thời bấy giờ, Sài Gòn với tôi vẫn có sức quyến rũ lạ lùng. Dường như, chính từ thành phố ấy, mà tuổi trẻ của tôi mới cảm nhận được một cách mông lung rằng, có mùa xuân đầy hương sắc trên cuộc đời này mà tuổi trẻ của tôi vẫn muốn đưa tay với bắt nhưng chưa được? Hay có lẽ sẽ không bao giờ được? Ví có bao giờ ta bắt được một tia nắng đẹp mong manh của buổi chiều xuân bao giờ đâu?
Chạy đi em! Và bắt vội giùm cho
Ta em nhé ta chờ tay em bắt.

Giùm chút nắng chiều ngọn cây lay lắt
Nắm và cầm đưa lại giúp cho ta.
Trẻ (Mưa Nguồn)
Bài những nhành mai của Bùi Giáng có lẽ mới là bài mà dạo đó tôi say sưa đọc, vì bài thơ đã khơi dậy được tất cả những hoài vọng nhiệt nồng của tuổi trẻ:
Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu.
Nhành Mai (Mưa Nguồn)
Nhưng Sài Gòn mà tôi thường đi lang thang với Bùi Giáng lại không phải là Sài Gòn dưới cái nhìn của đám đông thiên hạ. Những thị dân áo quần chải chuốt tập trung ăn nhậu ở các nhà hàng, hoặc nối đuôi nhau đứng đợi mua cho được một vé xi nê, mà Sài Gòn ở đây lại là, tại các hẻm hay những góc phố vắng vẻ. Ở đó, có các quán cóc bán cà phê và các thức ăn rẻ tiền mà giới đạp xích lô hay những người lao động chân tay mới thường lui tới. Bùi Giáng rất thích đến ngồi ở những quán này, vì những người lao động này họ chẳng hề biết ông là ai, và nhất là họ cũng chẳng bận tâm về chính họ làm gì. Chẳng hạn, họ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình là trí thức hay nghệ sĩ gì cả. Bùi Giáng rất khó chịu khi phải ngồi nói chuyện với những người mà từ lời nói đến cử chỉ lúc nào cũng đầy vẻ trịnh trọng.
Chúng ta dường như lúc nào cũng thích khoác cho mình một chiếc áo thật đẹp, hay tự sửa soạn chỗ ngồi của mình thật lộng lẫy, để rồi tự cảm thấy thỏa mãn khi ngồi vào chỗ ngồi ấy?
Còn thi nhân? Chẳng phải thi nhân là kẻ đã đánh phá tan tành những công ước giả tạo ấy, để chỉ cho con người thấy được vẻ đẹp mênh mông của cuộc đời đó sao?
Nhưng chúng ta có nên đem chuyện riêng tư của một người cô độc để nói ở đây không?
Theo tôi, thì chẳng có gì là riêng tư đối với Bùi Giáng. Tất cả những gì gọi là riêng tư, thật ra chỉ là cái đãy vải trên vai, trong đó chỉ đựng xấp giấy trắng, cây bút để làm thơ trên bước đường lang bạt mà thôi.
Có lẽ ít có nhà thơ nào đã dám sống hết mình, sống tận cùng với cát bụi như Bùi Giáng đã dám sống một cách trọn vẹn như vậy.
Và chúng ta có thể nói rằng, chính từ đời sống như vậy, mà tiếng thơ Bùi Giáng đã ra đời. Qua tiếng thơ đó, Bùi Giáng đã khẳng định với chúng ta rằng, không phải cuộc đời chỉ có đau khổ, lầm than và đầy bóng tối, mà vẫn còn có bầu trời cao rộng nữa, nếu chúng ta biết ngẩng mặt lên để mà nhìn:
Trần gian hỡi! Tôi đã về đây để sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa của lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Và cuộc đời, với hầu hết chúng ta chắc chắn không có chủ đích nào khác hơn là săn đuổi cho được cái mà ta thường gọi là hạnh phúc? Nhưng chúng ta đi tìm hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc trong sự tích lũy tài sản? Hạnh phúc có nghĩa là nhiều tiện nghi vật chất cho đời sống? Hay cao hơn một mức nữa, là phải đấu tranh hay có khi phải sát phạt lẫn nhau để có một địa vị nào đó trong xã hội? Nhưng tất cả những thứ này đều không đem lại hạnh phúc lâu dài, vì chắc chắn một ngày không xa nó sẽ tuột khỏi tầm tay, và sự đau khổ lập tức sẽ đến với chúng ta ngay. Nhưng điều tác hại nguy hiểm nhất vẫn là, ví suốt đời ta cứ chạy theo những hình ma bóng quế này, thì trái tim của ta dễ bị bại liệt. Khi trái tim đã bị bại liệt rồi thì chúng ta sẽ không còn biết rung động trước mọi vẻ đẹp của đất trời nữa. Phải chăng khi con người không còn biết rung động trước cái đẹp, thì con người sẽ chỉ sống trong ích kỷ và tàn bạo?
Còn thi nhân thì ngược lại, mỗi giây phút sống trên đời này, đều là mỗi giây phút thiêng liêng. Vạn vật đối với họ như có linh hồn, vì đang cùng với trái tim của họ rung lên bao nỗi chờ mong:
Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Và theo tôi, sở dĩ người nghệ sĩ ấy tự chọn cho mình một đời sống lao đao lận đận như vậy, chẳng có mục đích nào khác hơn là muốn chia sẻ với con người một chút đau khổ giữa cái khổ lớn lao mà con người đang phải gánh chịu, với hi vọng đốt lên được ngọn lửa của tình thương mà vốn dĩ đã quá nguội lạnh trên cuộc đời này, như thi nhân đã một lần phát đại nguyện:Xin mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Tình yêu ấy sẽ vượt thắng tất cả. Kẻ nào đã cưu mang tình yêu đó trong trái tim, thì dù mai này có chết đi, nhưng tình yêu ấy vẫn còn nguyên vẹn:
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Và khi một kẻ đã sống vì sự đau khổ của con người thì đời sống của họ cũng rất giản dị. Họ sống khiêm tốn với những sự vật gần như vô danh và im lặng giữa đất trời. Những sự vật mà chúng ta đã vô tình đã đánh mất giữa đời sống hàng ngày. Chúng ta đánh mất tại vì chúng ta cứ nghĩ rằng nó chẳng giúp ích gì cho đời sống quá thực tế của chúng ta cả. Nhưng với thi nhân, thì tất cả đều là thơ, tất cả đều là mộng:
Đường cong có cỏ mọc ven bờ
Cây đứng trong vườn là chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ.
Bờ Trần Gian (Mưa Nguồn)
Đời sống thì giản dị như vậy, nhưng hoài vọng của họ đối với cuộc đời thì lại mãnh liệt vô cùng:
Sầu một thuở đất mòn không tiếng nói
Một ngàn năm trăng giải tuyết băng buông
Anh gởi đi ngàn sóng cuộn thác nguồn
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi.
Đủ Gọi (Mưa Nguồn)
Thích Phước An (Ảnh: An Trú)

Một buổi trưa hè nóng bức cũng tại một quán cóc trên vỉa hè Trương Minh Giảng (bây giờ Lê Văn Sĩ) của Sài Gòn thời đó. Bùi Giáng đang ăn tô mì Quảng (thứ mì phát xuất từ Quảng Nam – quê hương của ông), còn tôi thì ngồi nhâm nhi cà phê nhìn thiên hạ đi lui đi tới ngoài đường phố. Đang ăn bỗng Bùi Giáng ngừng lại và nói với tôi: “Ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết”.
Câu nói chỉ là nói đùa, nhưng đối với tôi thì không phải đùa chút nào, vì tôi biết rằng, câu nói ấy đã vô tình thể hiện tất cả nỗi ưu tư quằn quại của Bùi Giáng về cái chết của chính ông và tất cả chúng ta, những người đang sống trên mặt đất này.
Đã hơn bốn thập niên qua rồi, vậy mà từ giọng nói đến cái nhìn thật xa xôi của Bùi Giáng vào buổi trưa hè năm ấy, đến nay vẫn còn đọng lại trong hồn tôi. Những khi ngồi nhớ lại những năm tháng đã sống bên Bùi Giáng cùng với hàng ngàn bài thơ mà ông đã làm trên bước đường lang thang phiêu bạt, thì bài thơ đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với tôi chắc vẫn là bài ông viết về cái chết.
Có lẽ, chúng ta phải tập lân la trú ngụ gần bên cái chết, thì mới thấy được sự sống là thiêng liêng chăng?
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Đỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Đi lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng chưa biết
Tôi chẳng rõ cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên sa và ngấn tích tiên nga
Bờ giạt bèo hay trôi bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Đông Á mất đâu rồi.
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi.
Mai Đi (Sa Mạc Phát Tiết)
Và đâu phải vì cái chết mà chúng ta không còn hi vọng vào cuộc đời. Vì sao? Đây có lẽ thông điệp mà Bùi Giáng muốn gửi tới cho tất cả những người trẻ tuổi hôm nay chăng?
Em bảo rằng,
Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
“Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, như văn hào Nga Dostoievski đã một lần phát biểu như vậy.
II
Đêm đêm đội nón lên chùa
Hỏi thăm Phương Trượng một mùa mưa xuân.
Bùi Giáng
Khi nhà xuất bản An Tiêm cho phát hành Lời Cố Quận, tác phẩm của triết gia Đức Martin Heidegger giảng giải thơ Hoelderlin do Bùi Giáng dịch. Một bữa nọ, có lẽ từ nhà xuất bản về, Bùi Giáng cho tôi một bản đặc biệt, rồi ông nói với tôi: “Tao có trích một bài thơ của mày trong đó”. Bùi Giáng vẫn thường gọi tôi “mày” và xưng “tao” với tôi như vậy. Tất nhiên tôi rất hãnh diện vì được Bùi Giáng đã xem tôi như người rất thân của ông. Cầm quyển sách trong tay, tôi cứ nghĩ là Bùi Giáng chỉ nói vậy cho vui thôi, vì tôi thì chỉ biết đọc thơ chứ đã làm được bài thơ nào đâu mà trích với dịch. Biết vậy, nhưng tôi vẫn lật từng trang để tìm thử, thì quả là có bài thơ đề tên tôi thật. Bài thơ ấy cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ, bài thơ như thế này:
Giọt mù sương cố quận
Bước chân về dặm xa
Xa vời bóng Thích Ca
Con đi từ ngõ hẹp
Con đi từ nhớ mong
Một con đường đi vòng
Đến bên chân rừng núi
Con ngồi bên bờ suối
Kính tặng một bài thơ.
Sau 1975 vì phải dời đổi chỗ ở nhiều lần, nên sách Bùi Giáng của tôi gần như thất lạc hết, trong đó có quyển Lời Cố Quận. Bởi vậy nên hiện giờ tôi cũng chẳng còn nhớ bài thơ đó nằm ở trang mấy nữa, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, dù có sách của Bùi Giáng ở bên mình hay không thì cũng chẳng quan trọng gì mấy. Vì Bùi Giáng vẫn hiện diện sẵn đó, trong tâm hồn sâu thẳm của tôi, không phải chỉ tác phẩm thôi, mà còn cả chính cuộc đời của ông nữa, một cuộc đời có thể nói là đã hiến dâng trọn vẹn cho thi ca, cho cái đẹp của cuộc đời vậy.
Dưới bài thơ, tôi còn nhớ Bùi Giáng viết: “Đó là bài thơ tuổi nhỏ phát Bồ Đề tâm thăm thẳm và hy hữu của Đại đức Thích Phước An”. Tôi đọc chậm rãi từng câu và xúc động vô cùng. Xúc động không phải vì mình được đứng tên một bài thơ không phải do chính mình làm ra, cũng không phải vì được Bùi Giáng lưu tâm, mà xúc động vì qua bài thơ đó, Bùi Giáng đã mở mắt cho tôi thấy tuổi thơ cũng như con đường tôi đang bước đi thơ mộng và cao đẹp biết chừng nào. Vậy mà dường như tôi đã vô tình quên mất, để chạy theo cái đẹp phù phiếm bên ngoài.
Tôi nhớ có một lần Bùi Giáng đã hỏi tôi sanh ở thôn quê hay thành thị? Đi tu hồi mấy tuổi? Tôi hơi ngạc nhiên, vì nghĩ rằng ở vào địa vị của ông thì ông bận tâm chi đến chuyện riêng tư của người khác, nhất là người đó còn nhở và chưa làm được chuyện gì ra hồn cả. Nhưng vì thấy ông hỏi rất nghiêm chỉnh chứ không hỏi cho có hỏi, nên tôi khai thật với ông rằng, vì mồ côi cha từ hồi mới sanh, nên được ông chú đang Trụ trì một ngôi chùa tại vùng quê hẻo lánh ở Bình Định đem đi tu tận hồi 7, 8 tuổi gì đó. Khi nghe tôi nói sanh ở thôn quê thì Bùi Giáng gật đầu: “Vậy là được rồi”. Tôi không nghĩ là Bùi Giáng nói để an ủi tôi, mà ông nói rất thật theo quan niệm của ông, vì có một lần ngồi uống cà phê sáng với ông ở một cái quán gần chợ Trương Minh Giảng, quán có rất đông người. Bùi Giáng nhìn đám đông có vẻ hơi bực bội rồi ông nói với tôi:
“Bọn làm văn nghệ văn gừng suốt cả đời chỉ chạy lui chạy tới mấy cái quán cà phê mắc dịch ở Sài Gòn này, chẳng bao giờ bọn chúng nhìn thấy núi cao biển rộng hay sông dài, thì chúng làm được cái trò trống gì chứ?”
Và Bùi Giáng cũng đã nhiều lần kể cho tôi nghe, hồi thời kháng chiến chống Pháp, ông đã từng một mình mang ba lô trên vai đi bộ từ Huế ra đến Hà Tĩnh. Bùi Giáng đến Hà Tĩnh vào một buổi chiều có nắng rất đẹp. Nhưng ông nói, người dân ở xứ ấy nghèo khổ quá, phải thay trâu bò mà kéo cày, nhưng ông cho rằng, chính từ cái nghèo khổ ấy nên mới tạo ra những thiên tài vô song của Hồng Lĩnh (Bùi Giáng muốn nói đến Nguyễn Du ở thế kỷ 18 và Huy Cận bây giờ). Về sau ý này được ông viết lại trong bài viết về Huy Cận trong tập Đi Vào Cõi Thơ, một tác phẩm bình thơ nổi tiếng của ông.
Cũng thế, phải được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo khổ ở miệt nhà quê Quảng Nam thì Bùi Giáng mới làm được những câu thơ chết người như thế này:
Ruộng đồng không mọc lúa mùa
Từ hôm cánh mỏng cò lơ tiếng buồn
Đêm nào nhỏ giọt khe mương
Đêm nay rớt hột mù sương bây giờ.
Chắc chắn có một số người nghĩ rằng thơ là một thứ gì rất vô ích, chỉ để dành cho những người vô công rỗi nghề ngồi mơ mộng vớ vẩn. Nhưng chắc chắn có một số người sẽ nghĩ ngược lại rằng thơ có một sức mạnh lạ lùng, sức mạnh ấy có thể làm thay đổi triệt để tâm hồn cũng như cách nhìn của con người đối với cuộc đời.
Với tôi, hễ mỗi lần đọc bốn câu thơ trên của Bùi Giáng là mỗi lần tôi cảm thấy như thương yêu cuộc đời này hơn, ngay cả những ngày ấu thơ bơ vơ lạc lõng ở một vùng quê nghèo khổ dạo nào cũng trở thành đáng yêu một cách lạ lùng.
Vào khoảng cuối năm 1973 tôi có viết được một tùy bút ngắn nhan đề là Tuổi thơ nghe cọp rống, được đăng trên báo Thời Tập, một bán nguyệt san văn nghệ rất nổi tiếng thời bấy giờ. Đại khái tôi muốn nói lên lòng say mê của tôi đối với ngôi chùa mà tuổi thơ tôi đã từng in dấu. Trên đầu bài viết tôi có trích hai câu thơ của Bùi Giáng:
Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.
(Mưa Nguồn)
Khi báo phát hành thì không có Bùi Giáng ở Sài Gòn, ông đang đi ngao du ở tận miền Lục tỉnh. Một buổi chiều tôi đang ăn cơm với quý thầy ở đại học Vạn Hạnh thì Bùi Giáng về, ông hối tôi ăn cơm nhanh lên để ông có chuyện cần nói gấp. Ăn xong tôi ra hành lang gặp ông, ông nói: “Tao đang đi dạo phố ở Cần Thơ thì có một cô gái bán sách rất đẹp, kêu tao vào đưa cho xem tờ Thời Tập, cô ấy bảo hai câu thơ tao làm rất hay, mà bài viết của mày lại còn hay hơn”. Tôi biết là chẳng có cô gái nào khen cả mà Bùi Giáng bày chuyện như vậy để khuyến khích tôi vậy thôi. Nhưng dù sao một người mới tập tành viết lách như tôi mà được Bùi Giáng khen thì nhất định phải sung sướng hơn được các cô gái khen rồi.
Nhiều khi đọc những câu thơ của Bùi Giáng nhắc đến ngôi chùa, tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ông lại có thể cảm nhận được hết tất cả cái đẹp tịch liêu của những ngôi chùa, nhất là những ngôi chùa ở tận xóm quê xa xôi mà những người ở đó suốt đời chưa chắc họ đã cảm nhận được? Tại ông là kẻ lữ hành cô độc chăng? Vì cô độc nên mới có cái nhạy cảm xuất thần đến như vậy chắc?
Vào thôn xóm nọ một chiều
Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa.
Bùi Giáng bắt đầu biết đến Phật giáo khi ông còn đi học ở Quảng Nam. Hồi ấy thỉnh thoảng ông có đến dự các lớp học Phật do bác sĩ Lê Đình Thám phụ trách (tưởng cũng cần nhắc lại là bác sĩ Lê Đình Thám pháp danh Tâm Minh là một trong những người có công nhất trong cuộc chấn hưng Phật Giáo vào những năm đầu thế kỷ 20. Bác sĩ cũng là thầy của nhiều bậc cao tăng của Phật Giáo Việt Nam hiện nay và đồng thời là người đồng hương của Bùi Giáng).
Bùi Giáng kể rằng, có một bữa ông đã đứng nghe say sưa bác sĩ Thám giảng kinh Hoa Nghiêm, vì vậy mới có hai câu thơ này trong Mưa nguồn:
Cõi bờ con mắt hoa nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.
Và có lẽ cũng từ ngày ấy, tại Việt Nam xuất hiện một cõi thơ mà ngôn ngữ của cõi thơ ấy cũng hoành tráng, cũng tuôn chảy ào ạt. Phải chăng cõi thơ ấy đã gợi hứng cũng từ suối nguồn Hoa Nghiêm kinh của Phật giáo?
Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi.
(Mưa Nguồn)
Lần đầu tiên tôi được nghe nhắc đến tên Bùi Giáng là vào năm 1961, khi tôi đang còn là một chú tiểu ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Hồi ấy có lẽ do tánh hay tò mò của trẻ con, nên tôi thường leo lên Thiền thất của Phật học viện đứng ngoài cửa sổ để nhìn vào phòng của một thanh niên trẻ khoảng chừng 20 tuổi, mà tôi thường được các thầy lớn tuổi nói là thông hiểu đến năm sáu ngôn ngữ. Cả ngày gần như thanh niên này không ra khỏi phòng, lúc nào cũng bận rộn với đủ thứ sách chất đầy trên bàn viết cũng như cả trên giường ngủ. Người thanh niên ấy không ai khác hơn chính là anh Phạm Công Thiện. Có lẽ vì thấy tôi còn nhỏ mà lại thích đọc sách, nên tôi được anh rất thương, anh cho tôi xem các bài viết của anh, trong đó có bản thảo về Bồ Đề Đạt Ma cùng một số chương của tác phẩm Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, anh cũng còn cho tôi xem các bài thơ của Hoàng Trúc Ly, của Hoài Khanh. Nhưng chỉ có Bùi Giáng là được anh nhắc đến hàng ngày, anh cho tôi xem các bài thơ của Bùi Giáng do chính Bùi Giáng viết gởi ra tặng anh. Một số bài sau này tôi thấy có in trong Mưa Nguồn, Ngàn Thu Rớt Hột và Lá Hoa Cồn. Anh Phạm Công Thiện cũng hứa với tôi là khi nào có dịp vào Sài Gòn sẽ dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng.
Năm 1964, anh Phạm Công Thiện được mời vào Sài Gòn để dạy triết Tây tại Viện cao đẳng Phật học vừa được mở tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh sau này), tôi được anh cho đi theo. Tôi nhớ anh đã dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng vào một buổi chiều, trong một căn nhà ở hẻm Trương Minh Giảng, căn nhà rất ẩm thấp, chật hẹp, gần như không có chỗ cho khách ngồi. Tôi thấy có mấy bức tranh vẽ còn dở dang, sách vở báo chí bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hán, Đức, vất lung tung dưới sàn nhà, trên giường nằm. Bùi Giáng mời Phạm Công Thiện một điếu Bastos đỏ (thuốc rẻ tiền nhất thời đó). Đã hơn 35 năm qua rồi nên tôi chẳng còn nhớ được hai người đã nói với nhau những gì, tôi chỉ còn nhớ là khi tiễn Phạm Công Thiện ra cửa, Bùi Giáng nói: “Chắc rồi sau này tôi cũng sẽ như anh” (lúc đó Phạm Công Thiện đã mặc áo tu với pháp danh là Nguyên Tánh).
Buổi gặp gỡ Bùi Giáng lần đầu tiên ấy đã để lại ấn tượng sâu xa trong ký ức của tôi. Càng lớn lên, tôi mới càng nhận ra một điều rất giản dị rằng, chỉ có những người dám từ bỏ những thú vui tầm thường của cuộc đời, thì những người đó mới là kẻ đem niềm vui đến cho cuộc đời một cách dài lâu nhất.
Năm 1964, có thể được xem như là năm khởi đầu cho vận hội mới của Phật Giáo Việt Nam sau hơn một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách bởi thực dân Pháp và tiếp đến là chính phủ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Mọi sinh hoạt như đang được hồi sinh, trong đó sinh hoạt về tư tưởng và văn hóa được xem như rầm rộ nhất. Một tạp chí văn nghệ có tên là Giữ thơm quê mẹ do Thiền sư Nhất Hạnh chủ biên, thi sĩ Hoài Khanh thư ký tòa soạn được ra đời, quy tụ hầu hết các nhà văn nhà thơ lớn của miền Nam, trong đó Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được xem là hai cây bút chủ lực. Năm 1965 nhà xuất bản Lá Bối lại cho phát hành tập DIALOGUE, do các nhà văn nhà thơ của Phật Giáo Việt Nam gởi cho các nhà văn nhà thơ cùng các nhà nhân bản trên thế giới, kêu gọi họ hãy lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh đang gây ra thống khổ và chết chóc cho dân tộc Việt Nam. Tập sách đã gây được tiếng vang trong cũng như ngoài nước. Tuy vậy theo sự đánh giá của giới trí thức thì bài của Bùi Giáng gởi cho René Char thi sĩ Pháp và Phạm Công Thiện gởi cho Henry Miller nhà văn Mỹ là hai bài có tầm cỡ nhất để mở ra một cuộc “ĐỐI THOẠI” đúng nghĩa giữa các nhà trí thức Đông và Tây. Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, những thế lực văn hóa phi dân tộc vốn được sự hỗ trợ tích cực của chế độ Thiên Chúa giáo đã mau chóng bị giới trẻ trí thức ở thành phố lãng quên, chưa nói là còn bị lên án nặng nề nữa, và truyền thống văn hóa của Phật giáo và dân tộc đã được hồi sinh. Tất nhiên, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là hai cây bút hàng đầu trong công cuộc làm hồi sinh này. Một bài báo tổng kết 10 năm sinh hoạt văn hoá Phật giáo (1964 -1974) được đăng trên báo Hải Triều Âm của Tổng vụ Văn hóa Phật giáo, tôi nhớ tác giả bài viết đã kết luận đại khái như thế này: “Sau những bài viết triết lý dậy lửa của Phạm Công Thiện và sau cõi thơ phiêu bồng của Bùi Giáng, những người trẻ tuổi luôn luôn thấy hình bóng lồng lộng của các Thiền sử…”
Có một chuyện rất “vui tươi” hay “tếu” (những tiếng mà lúc sinh thời Bùi Giáng vẫn thường dùng). Tôi được xin kể lại sau đây, hy vọng sẽ giải đáp được phần nào những điều mà một số người vẫn ngộ nhận về Bùi Giáng. Một bữa đi chơi về, Bùi Giáng kêu tôi lại, rút trong đẫy vải ra một tờ báo, đó là tờ báo của sinh viên Quảng Đà đang theo học tại các đại học Sài Gòn (1974), ông chỉ vào chữ Quảng Đà và nói với tôi: “Mấy thằng Quảng Đà cứ tụ năm tụ ba ở mấy cái quán mì Quảng nhậu nhẹt suốt ngày rồi còn khoe mình là con cháu của Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh,.v…v.”. Ngừng một lát Bùi Giáng nhìn tôi với cặp mắt long lanh rồi nói tiếp: “Tao mà chế được bom nguyên tử tao sẽ dội trên đầu bọn chúng mỗi ngày ba trái, sáng một trái, trưa một trái, chiều một trái”.
Chúng ta có thể tự hỏi không lẽ nào cái nơi chôn nhau cắt rốn ấy, nơi mà những địa danh như Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Quế Sơn v…v. đã tràn ngập trong những bài thơ của Bùi Giáng với tất cả sự nhớ thương da diết, mà ông lại nỡ thù ghét đến vậy sao? Mà Bùi Giáng thù ghét để làm gì chứ? Hay là Bùi Giáng muốn che giấu điều gì sau những lời lẽ có vẻ như “thô lỗ” này? Ít ra cũng đã một lần Bùi Giáng hé mở cho ta thấy được những tình cảm mà Bùi Giáng muốn giấu kín tận đáy lòng sâu thẳm. Tôi xin được trích ra đây để thay cho lời kết:
“Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạt. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa một đám tang, họ phiêu phiêu đi qua, trong có vẻ mỉm cười niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo. Niềm vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng có chi giống nỗi buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả, Par manque de justice interne”. (Đi Vào Cõi Thơ trang 6-7, NXB Ca Dao, Sài Gòn 1969).
Thích Phước An,
Nha Trang, những ngày cuối Thu hoài niệm