Showing posts with label Thích Phước Tịnh. Show all posts
Showing posts with label Thích Phước Tịnh. Show all posts

Tuesday, February 11, 2020

Công Trình Giáo Dục Của Phật Giáo Tại Mỹ

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh

Công Trình Giáo Dục Của Phật Giáo Tại Mỹ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch hiện tiền chư Tôn Đức Tăng Ni.
Kính thưa quý Đồng hương, Phật tử.
Chúng con rất cảm ơn chư Tôn Đức Tăng Ni đã cho phép chúng con đóng góp một vài suy nghĩ rất hạn hẹp của mình đến công trình giáo dục của đạo Phật tại Mỹ.
I. Bản chất công trình giáo dục của đạo Phật.
Chúng ta đều biết, giáo dục là công trình quan trọng hàng đầu cho mọi nền phát triển của xã hội văn minh. Giáo dục xây dựng tính nhân văn cho một quốc gia và làm thành nhân cách sống con người cao quý, thiện lành, đẹp đẽ và hạnh phúc cho từng cá nhân trên hành tinh này. Đạo phật đã có một bề dầy 26 thế kỷ của công trình giáo dục, tạo thành mảng văn hóa lớn cống hiến cho xã hội loài người từ quá khứ đến hiện tại. Nền tảng giáo dục của đạo Phật xưa cũng rất xưa, nhưng mới cũng rất mới do đặc tính khai phóng, nhân văn, nâng cao trí tuệ, lòng thương yêu và tự do con người lên đến tuyệt đỉnh; trên nền tảng nhân bản – lấy con người làm bản vị – mà không hề đặt thân phận con người vào bàn tay của đấng Thần linh nào từ bên trên áp đặt. Thế nên, xã hội càng văn minh, nhu cầu hiểu biết và hạnh phúc con người càng cao, thì càng nhận ra đạo Phật mở cho họ nhiều cánh cửa hiểu biết, nhiều phương pháp thực tập đầy trí tuệ để thành tựu phẩm chất đời sống tự thân và cộng đồng. Đây là sắc thái đặc thù chưa tìm thấy nơi dòng chảy tâm linh nào ngoài đạo Phật.
Trong quá khứ, từ nguồn chảy ban đầu trên đất Ấn, đức Thế Tôn đã không chấp nhận một tôn giáo cuồng tín nơi vị giáo chủ, một nền giáo dục đạo Phật nhồi sọ niềm tin và phương pháp tu tập ỷ lại thần linh, phó thác đời mình vào tay người khác. Những phương pháp van xin, cầu khấn, trốn chạy bốn chân lý hiện thực giữa đời sống chưa từng có trong lời dạy của Ngài. Tuy nhiên, khi dòng chảy xa nguồn, đi qua các vùng văn hóa khác biệt, các bậc Thánh Tăng truyền bá chánh pháp đã ít nhiều mở ra những cánh cửa phương tiện để pháp hành của Phật đến được với người bản địa. Thế nên, có những hình thái sinh hoạt của đạo Phật hiện tại không hề là đạo Phật nguyên chất ban đầu. Sự thuận lợi của công trình phổ biến Pháp tuy có giúp người tiếp nhận Giáo Pháp rất dễ, nhưng đồng cũng thời tạo thành những nhánh chùm gởi, bám chặt vào thân cây hút cạn nhựa sống của đạo Phật nguyên sơ, đã làm cho bao người bỡ ngỡ khi nhìn vào hình thức sinh hoạt của Phật giáo hiện tại. Thiệt thòi hơn nữa, người tu chúng ta lại nhận lầm những nhánh chùm gởi chính là đạo Phật. Đây là một sai lầm to lớn không riêng gì đạo Phật Việt Nam mà chung cho người Phật tử Nam Bắc truyền Phật giáo.
Đất nước chúng ta đã tiếp nhận đạo Phật từ Ấn Độ đi ngang qua các vùng văn minh Trung Á, Hoa Hạ, Tây Tạng nhuộm đầy bản sắc và tập tục của các địa phương đạo Phật từng phát triển. Cộng thêm gần 2,000 năm gắn liền với niềm tin đa thần của dân tộc Việt, nên trở thành một gia tài cồng kềnh trên vai Tăng, Ni và Phật tử khó bề gỡ xuống. Càng khó hơn nữa là thay đổi não trạng ta đang tu học theo Phật giáo Đại thừa. Do vậy, để có thể thay đổi chính mình, đổi thay sinh hoạt đạo Phật, để sống còn và hành Đạo được trên đất Mỹ, không thể có con đường nào khác ngoài con đường giáo dục.
II. Hiện tình đạo Phật tại Hoa Kỳ.
Chúng ta – Tăng, Ni và Phật tử Việt – đã có mặt nơi đây khi lịch sử đất nước sang trang sau 1975 và nhiều đợt người đến, sinh ra và trưởng thành cho đến hiện tại. Nhìn chung, chúng ta đã làm được bao điều kỳ vĩ. Thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt rất thành công trên miền đất Hứa. Các bậc Thầy có mặt từ trước đã xây dựng được cơ sở tự viện, duy trì được sinh hoạt tôn giáo, làm chỗ tựa tinh thần cho cộng đồng Phật tử Việt Nam. Đây là niềm tự hào rất lớn. Nhưng nhìn thật kỹ, có nhiều điều quan trọng vẫn còn mở ngõ đợi chờ. Chúng ta còn chưa làm cho đạo Phật có sức sống, đáp ứng nhu cầu tu tập cho người trẻ, nuôi dưỡng được các thế hệ tương lai trên đất Mỹ. Càng chưa mở được cánh cửa tu tập, để người bản địa đến với chúng ta. Dường như từ hình thức mái chùa đến nghi lễ tụng niệm, mũ miện nghi trang, cách thức truyền đạt Giáo pháp và văn hoá ứng xử của chúng ta đậm nét một đạo Phật hình thức rườm rà, già cỗi, cách biệt đời sống thực tiễn, chỉ có thể đáp ứng cho những người gìa Việt Nam sẵn tín tâm đã quy y tự ngày xưa. Có lẽ, tệ nạn này sẽ chảy dài mãi cho đến bao giờ chúng ta dám nhận diện những hạn chế của mình và quyết tâm thay đổi.
III. Nhu cầu giáo dục của Phật giáo Việt Nam tại Mỹ.
Một nhà xã hội học Hoa Kỳ đã bảo: “Cho dù bạn đánh sập nền kinh tế Mỹ đến tận đáy cũng không thể kéo sự phát triển khoa học và nền dân chủ nơi đây xuống thấp hơn, khi những trường đại học Mỹ vẫn sừng sững hiên ngang và luôn tỏa sáng”. Chắc hẳn rằng: đây không phải là lời tuyên bố vô căn cứ. Nước Mỹ đã dẫn dắt thế giới về mọi mặt của đời sống văn minh, do vì hệ thống giáo dục của họ từ thấp lên cao luôn sống động, mới mẻ và đi tới. Chúng ta chưa từng nghe từ ngữ “đổi mới chương trình giáo dục” của chính phủ Hoa Kỳ chỉ thị từ thời lập quốc đến hiện tại. Bởi lẽ bản chất nền giáo dục Mỹ luôn mới. Tự thân nó luôn đổi thay, thích ứng và dẫn dắt xã hội đi lên. Từ đấy, nhìn lại một dòng chảy tuệ giác được sinh ra từ đấng Giác Ngộ sống còn đến hôm nay, không chỉ đơn thuần vì đấy là chân lý mà còn do đặc tính hội nhập vào các nền văn minh, nhưng không mất phẩm chất của nội dung trí tuệ từ bi rất tinh túy. Biểu hiện và duy trì được sắc thái này, hẳn nhiên từ công trình khéo thích ứng và nền giáo dục khai phóng của đạo Phật đã luôn sóng vai cùng xã hội phát triển.
Trên nền tảng này, nhìn lại đường đi của đạo Phật Việt Nam nơi đất nước văn minh mà chúng ta hiện sống, sẽ thấy sự khập khiễng đáng thương của một hình thái Phật giáo mà chúng ta đang cố tình xây dựng nơi đất nước Hoa Kỳ. Có thể chúng ta vin vào muôn ngàn lý cớ để tự mãn, để ru ngủ và bằng lòng với sự sống còn của đạo Phật nơi đây – nhất là công trình giáo dục chung chung cho những người con Phật. Nhưng nếu quan sát đủ rộng và suy nghĩ đủ xa, chúng ta sẽ cùng chấp nhận rằng: Nếu cứ hình thức rườm rà và công trình giáo dục nặng nề của một đạo Phật mang đầy nhánh chùm gởi như sinh hoạt Phật giáo Việt Nam hiện tại, chúng ta chẳng những đánh mất mình mà mất luôn các thế hệ tương lai nhất là bội bạc với dòng tuệ giác sinh động của đức Thế Tôn đã hiến tặng cho nhân thế.
IV. Những đề xuất cho công trình giáo dục.
Cuối cùng, chúng con xin mạo muội đề xuất vài ý kiến cho công trình giáo dục Phật giáo nơi đây:
1. Nên có sự tham khảo và tiếp nhận ý kiến đủ rộng từ các bậc Thầy về nhiều lĩnh vực giáo dục trong xã hội và Phật giáo để xây dựng chân đế cho công trình giáo dục ngắn hạn và dài hạn của đạo Phật tại Mỹ.
2. Đặt trọng tâm vào đối tượng thanh thiếu niên, người trung niên trong xã hội. Khai triển những phương pháp thực tập, đáp ứng được nhu cầu đời sống rất thực của con người nơi đây.
3. Bỏ bớt những hình thức rườm rà lễ mạo, những tập tục không cần thiết, những tín ngưỡng nặng giáo điều và sùng thượng cuồng dại thành phần Tăng lữ. Hãy phục hồi một đạo Phật trong sáng, giản dị, sống động, hiện thực và hữu ích hơn từ nền tảng của giáo lý Nguyên thủy. Xây dựng lại nếp sống thanh đạm, trí tuệ và đạo hạnh của người xuất gia; sống hòa ái yêu thương, phụng sự tha nhân nhưng đầy hạnh phúc hiền minh qua pháp hành cho người cư sĩ giữa cuộc sống trần tục.
4. Tùy vào khả năng và vai trò của mỗi người con Phật có thể làm được – và ai cũng có thể làm được, là hãy thay đổi tự thân bằng công trình tự nuôi dưỡng mình từ pháp học và pháp hành thực sự nghiêm túc. Để có thể đến được với nhau bằng trái tim hòa ái tương kính và cùng hướng về tương lai, cống hiến một chút gì cho thế hệ kế tiếp. Chỉ ngần này thôi chúng ta mới mong đẩy được nền giáo dục Phật giáo tại Mỹ có được một hình hài khang kiện, tươi mới và sống động; thâm nhập vào văn hóa Mỹ để tồn tại và phát triển.
V. Kết luận.
Một đời giáo hóa của đức Thế Tôn, điều Ngài làm không mỏi mệt và di chúc cho các thế hệ người con Phật kế thừa là “giáo hóa thông”. Thần thông của đạo Phật không hề đi trên mây hay ẩn thân nơi này, hiện thân nơi nọ, mà thần thông là giáo hóa con người, tự mình chuyển hóa nghĩ suy, nói năng và hành động, để thành tựu an lạc hạnh phúc hiện tiền và chứng nghiệm giải thoát giữa cuộc sống trần thế. Thế nên, công tác giáo dục được nhiều thế hệ Phật tử đặt lên hàng đầu trong công trình hành Đạo. Có thể công trình này phải mất thời gian rất dài và cho phép bao cơ hội tái lập sau những lần lệch hướng. Thế nhưng, chúng ta hãy bắt đầu bằng con đường học thẳng vào Kinh tạng thuần chất nguyên sơ, đủ thông minh nhận ra những phần thêm thắt của các thế hệ Tăng sĩ kế thừa kiết tập. Đưa đạo Phật và người tu Phật trở về nguồn cội của pháp hành thực sự. Hẳn nhiên, khi học và thực tập sâu xa chúng ta sẽ khám phá rằng bản chất của chân lý được đức Thế Tôn khơi mở và hướng chúng ta đến giải thoát, vốn “phi thần linh và phi tôn giáo”. Bao giờ thành tựu được phẩm chất vô ngã này, chúng ta mới rời bỏ được tinh thần cục bộ, tự mãn và chấp chặc vào tông môn pháp phái, cùng nhau đẩy những việc làm chung đi xa hơn, đủ nhẫn lực hơn và chắc chắn sẽ thành công trong công trình giáo dục của đạo Phật trên đất nước Hoa Kỳ.
Cuối cùng, một lần nữa chúng con xin vô cùng biết ơn chư Tôn Đức Tăng Ni và quý đồng hương Phật tử đã lắng nghe con trình bày những suy nghĩ nông cạn của mình.
Xin chân thành tri ân các vị.
Orange County, ngày 09 tháng 04 năm 2016.
Thích Phước Tịnh

Friday, July 13, 2018

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Thích Phước Tịnh

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Thích Phước Tịnh


Lời dẫn: Ở Hoa Kỳ, thầy Phước Tịnh dạy khóa Lịch sử PGVN rất hay, chúng tôi đã nghe 35 buổi giảng thì hầu như buổi nào Thầy cũng nhắc đến tinh thần dân tộc và hiểm họa Trung Hoa. Chúng tôi
 có phiên tả một đoạn thầy giảng như sau, và kính mời quý vị cùng nghe 35 buổi giảng tại Mắt Thương Nhìn Đời. - Pháp Uyển 

1. Con Đường Tơ Lụa

Đây là từ ngữ chúng ta mượn để nói đến sự du nhập của Phật giáo vào Việt, kỳ thực đạo Phật truyền vào Việt Nam không phải từ con đường tơ lụa. Con đường tơ lụa chỉ dành cho Trung Hoa. Trước kia họ không nói đến tên con đường tơ lụa, mà chỉ nói con đường của hành lang Lăng Châu. Tức là từ kinh đô Trường An đi về phía Tây qua các tỉnh như Lăng Châu, đến những vùng sa mạc rồi băng qua vùng Trung Á và Tây Á. 

Chúng ta biết rằng con đường tơ lụa của Trung Hoa đã có mặt trước trung nguyên cả hai thế kỷ. Từ thời nhà Hán, Trương Kiên là người đầu tiên, mở đầu cho con đường giao thương từ Trung Hoa sang các quốc gia thuộc vùng Trung Á và Tây Á, rồi tới biển Địa Trung Hải; thậm chí con đường này mở ra cho tới các quốc gia phía Đông của La Mã; phía Nam của Liên Xô và qua các nước như Iraq, Iran. Nếu có cơ hội đọc lịch sử Nga sẽ thấy điều này. Con đường này mở ra rất sớm, từ trước kỷ nguyên tới hai thế kỷ, sau đó có một giai đoạn bị cắt quãng. Cho tới thời nhà Đường lập quốc thì mới bắt đầu cho những đoàn quân mở rộng. Tuy nhiên trước thời nhà Đường, đó là thời Giao Tần thế kỷ thứ 5, những đại dịch giả từ vùng Trung Ấn, Bắc Ấn đi theo con đường này vào Trung Hoa như ngài Cưu Ma La Thập,…  Điều này cho chúng ta nhận định đây là con đường yếu lộ nhằm giao thương kinh tế. 

Con đường tơ lụa có hai đặc tính, một là kinh tế, hai là văn hóa; bên cạnh con đường văn hóa thì tôn giáo đi vào. Ngấm ngầm có mặt trong hai con đường này, ngoài giao lưu văn hóa, kinh tế còn có sự thầm lặng thôn tính, bành trướng địa vực, mở rộng cương vực, mở rộng ảnh hưởng, thôn tính các quốc gia ngoại biên. 

Bây giờ người ta hay dùng từ quyền lực cứng và quyền lực mềm, cứng có nghĩa là quân sự, chiến tranh và thôn tính; mềm nghĩa là gặm nhắm dần. Hai phần này luôn có mặt trong tất cả các quốc gia lớn, như Pháp, Mỹ, Trung Hoa,… Thế nhưng tùy vào mức độ văn minh và tính nhân văn của quốc gia đó mà hai con đường này được đánh giá là độc ác hay nhân bản. Đôi khi chúng ta có cái nhìn những công việc phát triển văn hóa, kinh tế giao thương nó chỉ đơn thuần là sự phát triển kinh tế của một quốc gia, hoặc là phát triển sự giao lưu hiểu biết của những quốc gia với nhau. Thế nhưng bên trong có hạt mầm của sự mưu đồ thôn tính, mà chúng ta không lường được. Đừng tưởng Đường Tam Tạng tức Đường Huyền Trang khi thỉnh kinh về, viết cuốn Đại Đường Tây Vực Ký, đơn thuần chỉ là việc làm của nhà viết sử, hoặc của nhà văn hóa hay cho dù viết bằng trái tim nhân hậu của người tu. Không phải vậy, mưu đồ của Đường Thái Tông không đơn giản là chấp nhận việc trên là giao thương văn hóa mà công trình của Đường Huyền Trang chi tiết như một nhà thám hiểm. Công việc của Đường Huyền Trang ghi chú rất rõ ràng về những vùng đất ông đã đi qua, dân tộc, thành trì, kinh tế, phong tục tập quán ra sao; ghi chú rất là rõ ràng để cho vua Đường nghiên cứu. Sau đó chúng ta biết rằng những cuộc xâm lăng, mở rộng biên vực qua các quốc gia, vùng phía Tây Trung Quốc. Cho nên mình đừng có đơn giản hóa vấn đề, đó là con đướng văn hóa, kinh tế, mà phải hiểu hàm tàng bên trong là con đường bành trướng thế lực, địa vực, v.v…

Gần đây, vào năm 2004, người Trung Quốc mở ra đến 443 viện Khổng Tử trên 71 quốc gia. Riêng tại Hoa Kỳ có 174 viện. Bộ chính trị trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc (Trung Nam Hải) đầu tư một năm với khối lượng tài chánh vô cùng to lớn cho 174 viện Khổng học tại đất nước Hoa Kỳ. Hầu như những viện Khổng học này đều có mặt bên cạnh các trường đại học lớn, nổi tiếng của Mỹ như đại học Harvard. Bên cạnh đó, viện Khổng học chu cấp học bổng cho những sinh viên Mỹ du học, nghiên cứu, tổ chức những lớp lớp ngắn hạn qua Trung Quốc học. 

Ngoài những trường chính thức từ bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra thì còn có những ngôi trường của Đài Loan tổ chức, với cái tên là Taiwan Academy. Đây cũng là một loại viện Khổng học. Hiện tại họ đã có 213 viện trên 64 quốc gia, riêng Mỹ có 79 văn phòng và 3 viện đại học. Điều quan trọng là trong tất cả các viện Khổng học có những bàn tay tuyên truyền chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc nối dài trên đất nước này, chứ không đơn thuần theo qui chế đại học của những quốc gia như Mỹ. Thế nào là bàn tay nối dài của đảng cộng sản Trung Quốc, thứ nhất để tuyên truyền về chính sách của Trung Quốc, thứ hai là không cho phép bàn thảo đối với những vấn đề nhạy cảm, sinh viên không có quyền lạm bàn về Tây Tạng, biển Đông, Thiên An Môn, tức là các vấn đề dân chủ tuyệt đối không được bàn đến..."

PHÁP UYỂN - phiên tả. 

Sau đây là Dẫn Ngôn để mời gọi quý vị xem 35 buổi giảng. 

DẪN NGÔN
Đạo Phật đã theo bước chân của các vị Thánh Tăng Ấn Độ đến Việt Nam bằng đường thủy và đường bộ vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Thế nhưng phải đợi đến Ngài Khương Tăng Hội từ thủ phủ đất Giao Châu ngược đường lên mạn Bắc vào triều đình nhà Ngô năm 247 Tây lịch dựng lập đạo tràng, dịch Kinh, thuyết Pháp mới được ghi vào văn hiến, để làm chứng cứ thực cho sự có mặt của Đạo Phật trên đất nước này.
Hẳn nhiên, trên quê hương Đại Việt vào những ngày đất nước còn chìm trong bóng tối của Bắc thuộc, cho đến lúc bình minh của nền độc lập, Đạo Phật đã song hành cùng vận nước nổi chìm. Các thiền sư thời Ngô, Đinh, Lê đã cố vấn cho Hoàng đế trong công trình an định triều chính, khai hóa nhân tâm và rèn đúc tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Các thiền sư thời Lý, Trần đã vận dụng tinh thần Bồ Tát Đạo chung lòng, chung sức với vua quan và con dân Đại Việt định đô Thăng Long, bảo vệ biên cương quốc thổ, xây dựng nền độc lập phú cường và phát triển tính nhân văn vững chắc rực rỡ cho thế hệ cháu con nghìn sau ngẩng cao đầu, tự hào chủng dân Lạc Hồng trong cụm dân cư bách Việt
Học Lịch sử Phật giáo Việt Nam không chỉ để biết sự có mặt và công lao đóng góp của các vị­­­­­­ Thiền Tăng trong quá khứ, mà còn là sự tri ân của chúng ta đối với các bậc tiền nhân đã đem máu xương mình trải xuống trên từng tấc đất, để gìn giữ giang sơn Đại Việt đẹp đẽ, nguyên vẹn biển trời và nền văn hiến đặc thù, nhân văn của tộc Việt, để thế hệ cháu con chúng ta hôm nay không cảm thấy bị tủi nhục khi đứng trước bè bạn năm châu.
Chúng tôi mong rằng những bài học Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam này sẽ nuôi dưỡng được niềm tự tin vào hồn thiêng sông núi Đại Việt của chúng ta đối với tổ tiên nghìn đời truyền lại; để người Việt Nam mãi chói sáng, hòa ái nhưng vẫn rất kiêu hùng như ông cha chúng ta đã từng xây dựng." Mắt Thương Nhìn Đời

Nguồn: http://www.matthuongnhindoi.org/index.php/phap-am/vii-lich-su-phat-giao/lich-su-duc-phat-2