Showing posts with label Vĩnh Hảo. Show all posts
Showing posts with label Vĩnh Hảo. Show all posts

Friday, May 25, 2018

Vĩnh Hảo: Ký Ức Một Ngày Nhàn

KÝ ỨC MỘT NGÀY NHÀN

Vĩnh Hảo



Trời mù mù. Gió lành lạnh. Mây đen vần vũ nửa bầu trời phương đông. Đàn chim sẻ đã về lại trên cây sồi của nhà hàng xóm, ríu rít. Hương bạch đàn thỉnh thoảng quyện theo gió, mang về đây ký ức một thời tuổi trẻ trên vùng đất cằn cỗi quê hương…
Hương đồng nội ngan ngát mùi rơm rạ và mùi nắng khét lẹt giữa trưa hè đứng bóng. Ruộng nhà ai bông lúa trĩu hạt, đong đưa những cành vàng trước gió. Vài con cò trắng lêu nghêu bước qua thửa ruộng đã gặt mấy ngày trước, sục tìm cá tôm sót lại trong vũng sình lớp nhớp. Cây tràm khô, trơ trụi, vươn lên từ bờ ruộng, như một vị thần cô độc gàn bướng, thách thức phong vũ bốn mùa. Tiếng chim quốc kêu đâu đó trong những lùm bụi, nghe khắc khoải một nỗi gì thê lương, tê tái. Túp lều tranh, hai cửa sổ đan bằng nan tre mở ra hai hướng đông tây lộng gió. Người tuổi trẻ, sáng vác cuốc ra đồng; chiều khép cửa đọc sách; tối mài chí xung thiên dưới ánh đèn dầu lay lắt… Có khi trăng rạng một trời, cùng bằng hữu ôm đàn ca vang lời sông núi. Có khi giông bão ì ầm, một mình khóc tràn nỗi thương dân. Lên đường, hiên ngang bầu nhiệt huyết. Đôi bàn tay không, một ngòi bút thép. Ngang dọc đất trời chí nam nhi.
Rồi một sáng, xe cộ vào ra như mắc cửi. Loa phóng thanh rộn ràng, inh ỏi, gọi kêu. Những người cầm súng lăm le đi bắt những người tay không. Bá tánh xôn xao đi lễ đầu năm; hỏi thăm ai còn ai vắng. Chùa quê vẫn an hòa điểm tiếng chuông ngân. Rừng tràm xào xạc khua hương theo gió xuân. Và ruộng đồng chung quanh, vẫn ngát xanh màu mạ mới. Nơi thảo lư châm trà độc ẩm. Chờ đợi người trói người.
Rồi một năm, hai năm, ba năm, khi người tù trở về thôn xóm cũ, cây tràm đã bị đốn hạ, thảo am đã sụp đổ và đất ruộng bị chiếm dụng ngang nhiên bởi chủ mới. Dưới trăng, người trẻ tuổi một mình, trầm ngâm chuyện nước non. Trời kia rách nát, vẫn chưa người vá. Người xưa cảnh cũ hư hao. Đi qua một vùng biển dâu, mất trắng. Ngậm ngùi giấc tang bồng tan theo sương mai.
Rồi mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, những người năm cũ chia tay nhau, không lời. Có những mùa trăng đi qua vùng đất mới, ánh vàng không soi thấu hồn xưa. Có những đêm khuya tĩnh mịch, nhìn ra cửa sổ, thấy ánh đèn đường nhẫn nại dọi lối đi; và cây bạch đàn siêng năng khua cành theo gió. Đêm thinh lặng tưởng chừng làm bùng cả thính giác. Bỗng nhớ tiếng chim quốc thê thiết gọi hè về. Nao lòng ai một thuở. Tấc dạ quê hương ngỡ chỉ còn là hoài niệm, mơ hồ ẩn hiện trong những giấc mơ yên bình…
Sáng sớm một ngày vào hè, hương bạch đàn quyện theo gió. Người tuổi trẻ năm nao, nay là ông lão bạc phơ râu tóc, lúi húi đem thức ăn, nước uống cho bầy chim sẻ đang líu lo trên cây sồi của nhà người hàng xóm. Bình trà ban mai đã cạn. Tách cà phê nóng uống từ từ khi nắng lên cao. Một mình ngồi nhìn mây trắng bay. Ngày rằm sắp đến. Trời rạng một màu trăng, mà mắt mờ có thấy trăng đâu. Lui hui lau mắt kiếng trong đêm. Nhớ nước non xa vời.
California, ngày 24.5.2018
Vĩnh Hảo

Tuesday, June 7, 2011

LỜI GIỚI THIỆU Thi phẩm Hương Lòng của Bạch Xuân Phẻ - Vĩnh Hảo

LỜI GIỚI THIỆU
Thi phẩm Hương Lòng của Bạch Xuân Phẻ

            Nhận được tập thơ Hương Lòng của tác giả từ mấy tháng trước, đến nay, mùa Vu Lan cận kề, tôi mới có dịp đọc hết tập thơ của nhà thơ Bạch Xuân Phẻ; qua đó, tôi cũng được đọc bài “Điểm Thơ’ của nhà văn Trần Kiêm Đoàn. Theo tôi, những gì nhà văn Trần Kiêm Đoàn nhận xét về Bạch Xuân Phẻ và Hương Lòng đã khá đầy đủ để giới thiệu đến độc giả; mà Trần Kiêm Đoàn là một nhà văn, cũng là một nhà thơ có đủ tầm vóc để xác định giá trị của tác phẩm ấy. Do vậy, tôi nghĩ là tôi không cần phải nói thêm cho những gì đã được nói; chỉ có thể chia sẻ đôi cảm nghĩ đối với tác giả mà thôi.
            Cũng như nhà văn Trần Kiêm Đoàn, tôi cho rằng thi tứ và thi phong của Bạch Xuân Phẻ so với tác phẩm đầu tay (Cảm Xúc, Mẹ và Em) đã nhanh chóng vượt lên một bậc. Ý tưởng sâu sắc và trầm lắng hơn, ngôn ngữ sắc gọn và hàm súc hơn. Sự vượt lên, tiến bộ của một người trong bất cứ ngành học thuật nào là điều tất nhiên, nhưng ở đây, là dấu hiệu đáng mừng cho một nhà thơ trẻ trưởng thành ở ngoài nước trong khi phải sử dụng cả hai ngôn ngữ để cất mình bay bổng trên những bềnh bồng của thi hứng và cảm xúc. Tôi mừng cho Bạch Xuân Phẻ đã có được đôi cánh ngôn ngữ khỏe mạnh và vững vàng như thế.
             Một cách riêng tư, tôi muốn nói thêm nơi đây điều mà tôi đã trao đổi với vài thân hữu khi họ bắt gặp tác phẩm của Bạch Xuân Phẻ trên kệ sách của tôi, cũng như đọc qua những bài thơ của anh đăng trên tạp chí Phương Trời Cao Rộng. Ai cũng khen thơ Phẻ hay nhưng đồng thời cũng thắc mắc sao một nhà thơ lại không dùng một bút hiệu có vẻ thơ mộng, thích hợp với thơ, mà lại dùng tên thật một cách thật thà, chất phác như thế. Tôi trả lời, “tại vì tác giả vốn chân phương, trung hậu, không màu mè kiểu cách, muốn giữ cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình để nhớ, để thương, để kính dâng cha mẹ tất cả những thành tựu của mình trên cuộc đời; có gì mà phải thắc mắc.” Tôi ghi điều ấy ra đây là để chia sẻ với nhà thơ Bạch Xuân Phẻ, cũng như để một lần nữa, nhấn mạnh rằng, một tác giả như thế, một con người như thế, phải là một con người trung thực, chí hiếu, gắn bó với những tình cảm thiêng liêng của gia đình, bằng hữu, và quê hương, dù là quê hương chôn nhau cắt rốn hay quê hương thứ hai. Chân phương, trung thực là cá tính, là bản tính của Bạch Xuân Phẻ. Bản tính ấy, đặt trong nghệ thuật là Chân-Thiện-Mỹ, đặt ở gia đình là Hiếu, đặt ở xã hội là Tín, đặt trong nẻo đạo là Trực Tâm. Ngần ấy nơi một tác giả và tác phẩm, rất xứng đáng để làm một món quà thật đẹp cho Mùa Vu Lan, không chỉ riêng năm nay, mà của mọi thời gian.

Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc khắp nơi.

Nam California, July 22, 2007.
Vĩnh Hảo