Thursday, April 2, 2015

Giới thiệu - Én Liệng Truông Mây của Vũ Thanh by Nguyên Lương


Kính gởi đến qúi thân hữu,
      Chương trình ra mắt tập trường thiên tiểu thuyết lịch sử của tác giả Vũ Thanh sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 4 tại tư gia Nguyên Lương-Vân Các. Thư này Hoài Việt xin thông báo đến qúi vị ở xa không đến dự được. Một số ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thanh sẽ được trình bày bởi anh em văn nghệ sĩ Hoài Việt trong buổi tiệc. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du sẽ thay mặt Hoài Việt giới thiệu về tác giả, và một phần bài viết dưới đây sẽ được chính tác giả trình bày khi giới thiệu tác phẩm. 
Kính nhờ qúi nhà báo, những vị có phương tiện phát thanh, truyền hình cho đăng và phổ biến bài viết này rộng rãi để đưa tập sách gía trị đến người đọc và những thức giả quan tâm đến lịch sử nước nhà.
Nay kính, 
Thay mặt nhóm Hoài Việt
Nguyên Lương
Hân hạnh giới thiệu đến độc giả khắp nơi bộ trường thiên tiểu thuyết dã sử:

Én Liệng Truông Mây
tác giả Vũ Thanh

            Tham khảo hơn 20 tài liệu, viết ròng rã trong 20 tháng, mùa Xuân năm 2014 nhà văn, nhạc sĩ Vũ Thanh đã cho ra mắt một tuyệt tác phẩm đồ sộ Én Liệng Truông Mây gồm 4 tập, dài gần 2000 trang sách. Bốn tập Én Liệng Truông Mây đã được xuất bản mới chỉ là phần một trong bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử nhan đề Tây Sơn Tam Kiệt gồm ba phần: Én Liệng Truông Mây, Nhất Thống Sơn Hà, Gia Định Tam Hùng. Viết về một thời đại nhiễu nhương của một cung Vua Lê, hai phủ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thời nước Ðại Việt bị chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài mà trong chính sử đã có rất nhiều thiếu sót hay cố tình che dấu, thật không dễ chút nào. Vũ Thanh đã phải vất vả, lặn lội đi tìm những chi tiết lâu nay chỉ được dân gian truyền miệng hay từ những tài liệu chưa từng được đưa ra ánh sáng để hoàn thành cốt chuyện cho thật khả tín và hấp dẫn người đọc. Những huyền thoại lịch sử của hơn 30 năm từ lúc khởi nghĩa đến thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn oanh liệt, đã bị vua quan nhà Nguyễn Gia Long che dấu, bôi nhọ hay cố tình bóp méo, bỏ quên, nay được nhà văn Vũ Thanh viết lại và làm sáng tỏ hơn dưới hình thức của một trường thiên tiểu thuyết. Cùng một phong cách viết của những bộ truyện tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa như Hán Sở Tranh Hùng (Mộng Bình Sơn dịch) hay Thủy Hử (tác gỉa Thị Nại Am, Kim Thánh Thán dịch), tác giả đã dựa vào một số nhân vật lịch sử có thật và những biến động của thời cuộc, hư cấu thêm vào những câu chuyện theo truyền thuyết của dân gian, để đưa người đọc trở về với lịch sử hình thành xứ Ðàng Trong của Chúa Nguyễn. Tuy nhiên, Vũ Thanh đã không chỉ tiểu thuyết hoá câu chuyện lịch sử thời đó, mà bàng bạc trong 2000 trang sách, tác giả đã vẽ lại một xã hội rất linh động của thời dân tộc ta mở nước tiến vào phía Nam. Triết lý sống, phong cách, và tinh thần khai phóng của con người Ðại Việt thời chúa Nguyễn đã được phát họa rất đầy đủ cho ta thấy nhờ đâu mà dân ta đã tóm thâu hết phần phía Nam của nước Việt ngày nay từ tay người Chiêm Thành, người Miên mà không tốn một giọt máu. Và nhờ đâu mà những người Hoa gốc Minh Hương, đã đến và khai khẩn vùng Lục tỉnh trước chúng ta, đành phải chịu thuần phục làm bầy tôi và dâng đất cho chúa Nguyễn.

            Theo chính sử thì năm 1600, tướng Nguyễn Hoàng vì lo sợ ông anh rể là Trịnh Kiểm sát hại nên đã xin Vua Lê đem quân vào đóng ở Thuận Hoá, nói là tình nguyện đi làm tướng trấn biên cương giữ an ninh mặt phía Nam chống lại quân Chiêm Thành quấy nhiễu. Rời xa Thăng Long, Nguyễn Hoàng đã âm thầm xây dựng Ðàng Trong thành một thế lực độc lập, vững mạnh, từ từ mở rộng đất nước từ sông Gianh trở vào tận miền Nam với mục đích là phò nhà Lê nhưng thực chất là đối đầu với thế lực chúa Trịnh Ðàng Ngoài. Sau 50 năm đầu chia đôi đất nước, chiến tranh huynh đệ tương tàn, khốc liệt hai bên bờ sông Gianh, cuối cùng cả hai chúa Trịnh, Nguyễn đã chấp nhận đất ai người đó ở. Hơn 120 năm sống trong hòa bình, 9 đời chúa Nguyễn đã có công mở mang bờ cõi, giao tiếp buôn bán với phương Tây, tạo dựng một Ðàng Trong thịnh vượng vững vàng. Ðến đời chúa Võ Vương do nhu nhược, ham chơi, đã bị quyền thần Trương Phúc Loan lấn áp, thao túng, lũng đoạn triều đình, vơ vét của dân làm của riêng bằng sưu cao thuế nặng làm cho dân tình lầm than, ai  oán. Thuận theo lòng người, năm 1771 anh em nhà Tây Sơn nổi lên khởi nghĩa từ Qui Nhơn và 2 năm sau chiếm được thành. Năm 1774 chúa Trịnh nhân cơ hội thấy Ðàng Trong suy yếu đem quân vượt sông Gianh đánh vào Nam và chiếm được thành Phú Xuân. Quân Tây Sơn giả vờ thuần phục chúa Trịnh, dồn hết sức lực tấn công Chúa Nguyễn. Năm 1777 hai chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương lần lượt bị Tây Sơn bắt giết. Nguyễn Ánh kế vì lên ngôi vương nhưng bị Tây Sơn đánh đuổi chạy qua trốn ở Xiêm La. Cuối cùng, năm 1786 chúa Trịnh Ðàng Ngoài cũng bị Tây Sơn tiêu diệt, chấm dức tình trạng chia đôi đất nước và thống nhất sơn hà. Tính từ khi chúa Trịnh Tráng đem quân đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm 1625, đến khi nhà Tây Sơn dẹp được cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh vừa đúng 160 năm chia cắt trong ngoài.

Tại sao Vũ Thanh phải viết Én Liệng Truông Mây

            Lịch sử loài người luôn lập lại: "nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh". Trong suốt bề dày của lịch sử Ðại Việt, bất cứ triều đại nào làm mất lòng dân là thời đó có loạn biến, khởi nghĩa. Sống trong cảnh lầm than, cơ cực lại bị hiếp đáp, bóc lột, nhũng nhiễu, nhiều sĩ phu áo vải đã tập hợp nông dân chỉ với gậy gộc, tầm vông đã dám nổi lên chống lại triều đình trung ương. Nhiều cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, thủ lãnh bị phanh thây, nhưng ý muốn đổi đời, cứu người, thay đổi xã hội đã hun đúc bao anh hùng lớp lớp đứng lên làm lịch sử. Thời hậu bán thế kỷ 18, ở Ðàng Trong, Quốc Phó Trương Phúc Loan và bè lũ cậy quyền áp bức phủ Chúa, hà hiếp và bóc lột dân lành là cơ hội tốt cho nông dân nổi dậy. Nhiều phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống triều đình Chúa Nguyễn nổ ra liên tục, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ở Truông Mây do Chàng Lía lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa chợt phát, vội tàn, nên trong chính sử, thời sử cũng như hậu sử không có ghi chép nhiều về cuộc binh biến này. Nhưng riêng với người dân Ðàng Trong, nhất là người dân xứ Qui Nhơn, Bình Ðịnh, nơi thủ lĩnh có tên là Chàng Lía đã hợp cùng anh em nổi dậy ở Truông Mây, Hoài Nhơn, thì câu chuyện về cuộc khởi nghĩa này vẫn được truyền tụng trong mãi mãi dân gian.

            Là người con được sinh ra từ vùng đất võ Bình Ðịnh, Vũ Thanh đã đem hết tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu viết lại những dữ kiện, làm rõ những bí ẩn, giải thích những khúc mắc của giai đoạn lịch sử hào hùng nơi quê hương mình. Sách sử của các triều đại thường được các sử gia viết với mục đích kể công, đánh bóng thành qủa của vua quan thời đại mình. Những gì thiếu tính tích cực thường bị các sử gia thời đó dấu nhẹm hay bóp méo. Hãy nhìn một triều đại Tây Sơn oai hùng, rạng rỡ, vững mạnh đã làm cho nước Xiêm La ở phía Nam bạt vía, tiêu  hồn, và nhà Thanh ở phía Bắc nể nang, kiêng dè mà vua tôi nhà Nguyễn Gia Long đã chỉ ghi lại trong sách sử như một bọn thảo khấu loạn thần, một đám "ngụy" không hơn không kém, thì với cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía bị coi là bọn giặc cỏ, không cần nhắc tới, không có gì lạ. Nhà biên khảo Quách Tấn, người gốc Qui Nhơn, trong Non Nước Bình Ðịnh cũng chỉ nhắc đến câu chuyện Chàng Lía đã khởi nghĩa và thất bại trong vài trang sách, dựa vào hai câu ca dao truyền miệng trong dân gian:
"Chiều chiều én liệng truông mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành"

            Với Vũ Thanh, câu chuyện Chàng Lía không phải đơn giản chỉ có thế. Muốn hiểu biết sâu xa về nguyên nhân cuộc khởi nghĩa đưa đến thành công vang dội của anh em nhà Tây Sơn bắt đầu từ năm 1771 chống lại Phú Xuân, trước hết phải biết rõ về cuộc khởi nghĩa và nguyên nhân thất bại của anh em Truông Mây trước đó vài năm. Theo tác giả, Chàng Lía và Nguyễn Nhạc ở đất Tây Sơn sinh ra cùng thời, chơi với nhau cùng những người bạn thơ ấu trong làng. Dù là bạn nhưng hai con người có hai nguồn gốc, tư tưởng, sở học, gia thế, hoài bão rất khác nhau nên kết cuộc thành, bại cũng khác nhau. Trong bộ  trường thiên tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn Tam Kiệt, tác gỉa đã dành đến 4 tập sách dày viết về tình trạng xã hội, dân tình, thế thái và những điều kiện lịch sử chín mùi để sau này Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa được thành công. Nói cách khác, muốn biết nhờ đâu mà nhà Tây Sơn đã khởi nghĩa thành công thì phải biết đến nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa Truông Mây.
            Vì mồ côi cha, phải cùng mẹ lưu lạc, sống trong nghèo đói, bị xã hội khinh rẻ, chà đạp nên Lía nuôi lòng thù ghét bọn nhà giàu, trọc phú và quan quyền. Lía nổi loạn cùng với anh em với một mục đích là cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo, như một Robinhood của đất Ðại Việt. Tác giả đã phân tích cặn kẽ về tâm lý nhân vật, cá tính của những thủ lãnh, cũng như tất cả những chiến thuật, chiến lược mà Truông Mây đã sử dụng để chống lại triều đình, vốn đã suy yếu và mục rữa từ bên trong bởi bọn tham quan ô lại. Với thời cơ thuận lợi đó, Truông Mây đã nâng cao chí hướng, từ cướp của nhà giàu phát cho nhà nghèo, họ đã muốn đánh đổ cả triều đình mục nát để lập lại một xã hội mới, giúp người dân nghèo có được một cuộc sống ấm no. Nhưng những anh hùng, hiệp sĩ của Truông Mây đã thất bại. Vì theo tác giả thì: "anh hùng thì nhiều nhưng chơn chúa chỉ có một". Cho nên điều kiện xã hội tuy đã chín muồi để thay đổi nhưng nó vẫn phải cần một vì chơn chúa xuất hiện. Và theo cái động lực vô thức của lịch sử cùng sự phát triển xã hội, Nguyễn Nhạc, người anh cả của ba anh em Tây Sơn đã xuất hiện như một vì chơn chúa để tiếp nối tinh thần Truông Mây, dẫn đến Nhất Thống Sơn Hà.

Thông điệp của Vũ Thanh trong Én Liệng Truông Mây

            Mục đích của tác giả khi viết Én Liệng Truông Mây không đơn thuần chỉ để "mua vui cũng được một vài trống canh". Bàng bạc trong gần 2 ngàn trang sách Vũ Thanh nói đến thảm cảnh bôi mặt đá nhau của con dân nước Việt có thể sẽ đưa đất nước đến hoạ diệt vong. Trong 4 tập sách tác giả luôn nhắc nhớ đến tính đoàn kết, một yếu tố tối cần thiết để đất nước trường tồn và duy trì tinh thần bất khuất của dân tộc Ðại Việt.

            Ðể biện minh cho dũng khí của đám nghĩa binh Truông Mây nổi loạn, Vũ Thanh đã viết theo lời trần tình, biện minh của Chàng Lía cho công cuộc nổi dậy: "...Mọi người sinh ra đều có quyền được bình đẳng. Từ vật chất đến tinh thần. Sự nghèo khó của một vài cá nhân đơn lẻ còn có thể qui cho số mệnh, nhưng cả một tập thể to lớn nghèo khổ, chỉ có một số ít người quyền hành giàu có, thì đó là sự bất công chứ không còn là số mạng nữa. Sự bất công ấy được tạo ra bỡi một số ít kẻ đang nắm quyền hành trong tay..." (tr. 54, tập 4). Cái triết lý sống và dấn thân đó của sĩ phu, với thời đại nào cũng đúng, không chỉ riêng thời Trương Phúc Loan tiếm quyền chúa Nguyễn. Thượng bất chánh, hạ tất loạn, người dân chống lại hôn quân và sẵn sàng nổi loạn vì muốn đòi lại cái quyền được sống an lạc, thảnh thơi, không bị nhũng nhiễu, hà hiếp. Viết về những hiệp sĩ trong tập thể Truông Mây, tác giả nhấn mạnh: "...Cái đạo lý của giới anh em Truông Mây là trừ ác hành thiện, cứu khốn phò nguy, bênh vực người nghèo khó. Họ bất cần Vua hay Chúa, nếu Vua Chúa chỉ là bọn tàn bạo làm hại muôn dân như triều đình Phú Xuân và Thăng Long..." (tr. 35, tập 4). Một triều đại muốn cho dân thuận theo thì người đứng đầu phải là một minh quân, nói dân nghe, làm dân theo, và ngược lại.

            Trong câu chuyện Chàng Lía, tác giả không nhằm khai thác và lý giải tại sao người Việt chia rẽ chém giết nhau, mà đã dùng đó làm cái cớ kêu gọi người dân Nam phải đoàn kết, để cùng nhau chiến đấu chống ách thống trị phân quyền của hai phủ Chúa, có thể đưa đến họa diệt vong đến từ phương Bắc. Diệt vong không phải chỉ xảy ra khi mất chủ quyền, lãnh thổ mà đã xảy ra khi người dân quên mất văn hóa và cội nguồn của mình. Vì không biết mình là ai, cần phải làm gì để được trường tồn. Viết lại lịch sử trong thời buổi trong ngoài phân tranh, nêu những quan hệ mật thiết giữa vua quan Ðàng Trong với Thanh triều hơn là triều đình Vua Lê, Chúa Trịnh Ðàng Ngoài, tác giả đã nhắc nhở cho con dân nước Việt nhớ rằng: dầu ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài vẫn là con dân một nước Ðại Việt, và chuyện chia cắt, phân tranh chỉ là giai đoạn.
            Trước hiểm họa lấn chiếm từ một nước lớn luôn rình rập, buộc nước nhỏ phải mở mang bờ cõi cho đủ lớn mạnh để gồng mình chống lại ngoại xâm. Người dân Việt thời ấy từ miền Bắc di cư vào miền Trung, rồi từ miền Trung vô miền Nam, khai phá mở đường, biến  những vùng đất bị hoang hóa do người Miên bỏ đi thành những cánh đồng lúa màu mỡ nuôi sống một Ðàng Trong từ sông Gianh trở vào. Một giai đoạn di dân vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc mà từng đoàn người, đa số là những tội nhân bị đày ải, những người hành khất không nhà, dân nghèo khổ không ruộng cày...theo thuyền buôn thuận gió bấc vào tận Giản Phố, Gia Ðịnh, Trấn Biên...rồi mở đường, mở cõi, đến tận mũi Cà Mau . Họ đã sống hòa thuận như anh em một nhà, chung lưng với người dân Miên, dân Chiêm và cả người Hoa đã đến miền Nam trước và cùng nhau biến những vùng đất mặn phù sa thành những cánh đồng bát ngát. Nơi vùng đất mới lập, thiếu phép tắc, kỷ cương, luật lệ, đã không thiếu những cuộc tranh giành quyền lợi đẫm máu của những nhóm người. Nhưng với tinh thần khai phóng, rộng mở và dĩ hoà vi qúy, dân di cư Ðại Việt đã hóa giải được hết những khác biệt về văn hóa, phong tục với các nhóm dân khác và tất cả đều quay về tuân phục triều đình trung ương Ðàng Trong.

            Nhìn lại lịch sử ta thấy trong cái rủi có cái may, sau suy vong tất đến thời hưng thịnh. Giả sử nếu đầu thế kỷ thứ 17 không có chuyện tướng Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) xin vào miền Trung lánh nạn, để rồi nhân cơ hội nước Chiêm Thành tự diệt và nước Cao Miên có nội loạn thì biên giới nước Ðại Việt cùng lắm cũng chỉ tới Qui Nhơn nơi vua Lê Thánh Tông đã đánh chiếm được thành Chà Bàn năm 1471 và đưa di dân từ miền Bắc vào đây khai khẩn. Nhu cầu mở cõi vào tận miền Nam để đủ mạnh chống lại vương triều Ðàng Ngoài là công trình mở rộng đất nước vĩ đại nhất của lịch sử dân Việt. Công lao mở nước của 9 đời Chúa ở Ðàng Trong, đến đời Nguyễn Phúc Thuần (Chúa Ðịnh), đã bị ô uế. Một tên Quốc Phó Trương Phúc Loan tham quyền đã làm mất lòng dân, tạo cơ hội nổi loạn của nhóm nghĩa sĩ Truông Mây Chàng Lía để mở màn cho anh em Tây Sơn khởi nghĩa liền sau đó và thống nhất sơn hà.
 
            Chàng Lía là hình ảnh của một sĩ phu phải hành động khi quốc gia suy vong. Lía là hiện thân của người nông dân thất học, nghèo hèn, nhưng làm đúng việc mà nhân dân mong đợi nên khi đứng lên đã nói dân nghe, làm dân theo. Lía không có tham vọng làm vua, Lía chỉ muốn giúp đám dân nghèo bằng một tấm lòng hiệp nghĩa, một tình thương to lớn của một người hiệp sĩ, của một kẻ đồng bệnh tương lân. Cho nên, dù sau này Truông Mây đã có một người quân sư tài ba như Trần Lâm, cuộc khởi nghĩa cuối cùng cũng đành thất bại chỉ vì lòng thương người của vị chủ tướng Lía, khi họ vừa chiến đấu chống triều đình, vừa phải chia xẻ lương thực nuôi đám dân nghèo tụ tập đến nương nhờ, những người dân mà lẽ ra triều đình phải có bổn phận nuôi nấng họ. Truông Mây không thành công, nhưng đã cho những anh hùng thời đại ấy biết nỗi khát khao muốn vùng lên của người dân, và công việc lật đổ một bạo quyền đã mục rữa, mất lòng dân, rất cần thiết và có thể thực hiện được. Thời đại nào cũng có người tài. Ðất nước càng loạn lạc, người tài xuất hiện càng nhiều. Ðất nước thái bình, người dân sống an lành, sĩ phu ra làm quan để vỗ về và chăm lo cho bá tánh. Hình ảnh những người hiệp sĩ trong Én Liệng Truông Mây là hình ảnh của những sĩ phu thời đại, ý thức được vai trò cần phải nhập thế, đi làm cách mạng. Những sĩ phu văn võ song toàn, bên những mỹ nhân sắc đẹp nghiêng thành, thế mà họ vẫn không bị sắc dục cám dỗ, coi nhẹ tình cảm gái trai, hy sinh cuộc sống riêng tư mà mưu cầu đại cuộc.
            Với một đất nước nước nhỏ bé trong tình trạng phân tranh, những anh hùng liệt nữ thời đó đã sớm ý thức: muốn cho tổ quốc trường tồn, trước hết là phải làm sạch xã hội. Bọn tham quan là cặn bã, ung nhọt cần phải bị tiêu diệt, để chấn hưng kinh tế, giúp quốc thái dân an, mới mong có được một nội lực hùng mạnh hầu giữ vững cõi bờ. Khi lòng dân đã qui về một mối, Vua của nước Ðại Việt không còn phải qùy lụy xin làm và được ban cho chức An Nam Quốc Vương từ nước lớn ban quyền, như bố thí, mà phải là một vị Hoàng Ðế toàn quyền, oai dũng, không còn phải lệ thuộc vào ai. Từ thời lập quốc, cho đến cận sử, duy nhất chỉ có thời nhà Tây Sơn, sau khi thống nhất sơn hà đã xưng Ðế (Trung Ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc) mà không cần sự ưng thuận hay chấp chiếu của triều đình phương Bắc. Ðó là một thời oanh liệt vẻ vang nhất của dân tộc, người dân Ðại Việt đã ngẩng cao đầu không biết sợ ngoại bang. Muốn được như thế, không phải chỉ có người cầm quyền tài giỏi mà toàn dân phải cùng chung sức, quyết tâm và đoàn kết một lòng. Rủi thay, những thời hoàng kim như thế rất hiếm, và nếu có cũng không dài, trong lịch sử hình thành nước Ðại Việt.

Một tiểu thuyết lịch sử cần phải đọc

   Người ham mê đọc sách kiếm hiệp sẽ tìm thấy trùng trùng trong Én Liệng Truông Mây những cảnh so tài, tranh phân tuyệt kỹ, giữa những cao thủ võ lâm. Những đường roi, bài quyền, khinh công, phi tiêu ... của những hiệp sĩ nước Việt khi đụng độ với những tay anh chị cát cứ trong vùng đất mới. Trên đường thiên lý từ miền Trung vào Nam, những sĩ phu thời đó phải đấu tranh liên tục và chống chọi thường xuyên với tàn dư quân Chiêm Thành còn sót, những lãnh chúa người Hoa trong nhóm phản Thanh phục Minh lánh nạn, và tham vọng lấy lại vùng đất đã mất của người Cao Miên. Những trận đấu quyền so tài cao thấp trên khán đài, những lần tập kích bọn buôn lậu, thảo khấu, quan quyền... được tác giả, với một bút pháp tài tình, diễn tả từng chi tiết như đưa ta về thời mở cõi và như người khán giả được chứng kiến tận mắt.
            Ðơn cử một cảnh "biểu diễn" võ thuật sau đây được tác gỉa mô tả giữa một bên là tráng sĩ người Việt, một bên là cao thủ người Hoa: " ...Trần Nguyên Hảo rút thanh Ô Long Ðao ra khỏi vỏ. Một tiếng ngân trầm vang lên mang theo một luồng hơi lạnh xoáy buốt màng nhĩ. Thanh đao đen tuyền một màu từ cán đến lưỡi, trông rất nặng nhưng có vẻ không sắc bén lắm, dù thế thanh đao vẫn toát lên một sự cương mãnh uy nghi. Ông rung mạnh tay đao ra chiêu tấn công tên đại ca Lãnh Diện Truy Hồn. Tên cầm đầu thấy đường đao dũng mãnh của Nguyên Hảo vội vàng thoái lui một bước né tránh rồi vung kiếm phản công..". (tr. 18, tập 1).

            Không chỉ nói chuyện đánh kiếm so tài cao thấp đời nay, tác giả đã đưa người đọc về với qúa khứ huy hoàng xa xưa với những tài sản trí tuệ bị bỏ quên, nay nhân dịp nhắc nhớ đến lịch sử của một dân tộc Bách Việt oai hùng:
"...Kỹ thuật luyện kiếm đúc gươm của dòng Bách Việt đã đạt đến trình độ rất cao như Âu Dã Tử nước Việt, Cao Lỗ nước Âu Lạc chẳng hạn. Về sau người Hán thống trị Trung Nguyên và các nước nhỏ lân bang nên đã sở hữu luôn kho tàng trí tuệ đó. Họ đã cố xóa đi hoặc bưng bít, cấm đoán các dân tộc nhỏ nhắc nhở về cội nguồn tinh hoa trí tuệ của tổ tiên mình. Cho nên lâu dần chúng ta cứ ngỡ rằng những tài năng và tài sản qúi báu kia là của người Hán..." (tr. 60, tập 2).

            Những cảnh trai tài gái sắc cùng ngắm trăng trên sông nước hữu tình cũng được thi vị hoá làm cho câu chuyện chiến tranh thù hận và chết chóc giảm bớt đi cường độ. Khi tả cảnh chia ly giữa đôi trai tài gái sắc, Vũ Thanh đã khéo léo lồng vào đó một hình ảnh dứt khoác của anh hùng Trần Lâm quyết quên mình vì thù nhà, nợ nước và một bên là tấm lòng trung trinh dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu một cách âm thầm của cô tiểu thư tuyệt sắc Tiểu Hồng:
"...Trăng đã nhú lên, họ ngồi im lặng ngắm trăng, không nói thêm một lời nào nữa. Cho đến lúc mặt trăng tròn vành vạnh treo cao trên đỉnh núi, họ thả ngựa chầm chậm trở về. Hôm sau, Trần Lâm gĩa từ mọi người ra đi, Tiểu Hồng bày một cuộc rượu nhỏ tiễn đưa. Ðêm đó qua màn nước mắt, dưới ánh bạch lạp nơi cô phòng, Tiểu Hồng đã gói gọn cảnh chia li ấy bằng mấy dòng thơ:
Run tay chuốc chén đăng trình
Cõi lòng nhi nữ mông mênh giọt sầu
Người đi cố bước đi mau
Người về trắng những canh thâu nhớ người
Ðường tình nay đã chia đôi
Gặp nhau chi để ngậm ngùi mất nhau..
(tr. 328, tập 3).

            Dầu đã quyết chí lên đường dấn thân trong thời đại nhiễu nhương, những hiệp sĩ thời Truông Mây khởi nghĩa không chỉ đi tìm cái sống trong cái chết, họ vẫn ung dung với bầu rượu túi thơ, đúng nghĩa với cái thú tiêu dao thi tửu, mỗi khi có dịp. Ðọc một đoạn sau đây để xem tài Vũ Thanh tả cảnh uống rượu của một dũng sĩ qua sông và ông lão lái đò trên bến My Lăng, trên dòng sông Côn thơ mộng: "Trần Lâm nâng chung rượu lên môi, một cảm giác mát lạnh truyền qua những ngón tay, một mùi hương vừa thoảng vừa nồng bốc lên mũi thật khoan khoái. Chàng nhấm môi một chút, vị nồng nàn, lăn tăn tê nơi đầu lưỡi. Uống trọn chung hơi ấm đã theo chất rượu chạy dần xuống bao tử sau đó lan tỏa khắp châu thân. Chàng "khà" lên một tiếng và đặt chung xuống bàn..." (tr. 354, tập 3).
  
            Ðể lý giải một phần sự thất bại của nghĩa sĩ Truông Mây, tác giả mượn lời của thầy giáo Hiến, thầy dạy học cho Nguyễn Huệ, một bộ não của phong trào Tây Sơn sau này, nói với Nguyễn Nhạc như để nhắc nhở: "...Làm hiệp sĩ khác với làm chiến sĩ cách mạng. Làm chiến sĩ cách mạng thì thắng lợi là trên hết, đôi khi phải đạp lên trên mọi thứ để đi tới đích. Còn hiệp sĩ thì thấy việc nghĩa dẫu chết cũng không từ. Chính cái tinh thần ấy đã đẩy Truông Mây vào thế kẹt hiện nay là phải vừa chuẩn bị đánh giặc vừa nuôi một đàn con đông, trong khi nhà lại chật và nghèo. Họ vì lòng nghĩa hiệp mà đứng ra gánh vác miếng ăn cho hàng vạn người nghèo sắp chết đói, đây là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng chính nghĩa cử ấy sẽ đẩy họ vào chỗ chết..." (tr.. 239, tập 4).

            Về phần của thủ lãnh Truông Mây, sau khi bị quân binh triều đình đánh bại, đồng bọn bị thảm sát, chỉ còn: "Lía cõng Trần Lâm băng mình trong đêm khuya, lòng hoảng loạn tơi bời. Mới ngày nào, thành Truông Mây còn sừng sững, rực rỡ tinh kỳ, anh em đông đủ, hào khí ngất trời mà nay chỉ sau một đêm đã tan nát, vùi chôn dưới đống tro tàn. Hơn bốn ngàn nghĩa sĩ giờ chỉ còn lại một mình chàng và Trần Lâm đang im lìm trên lưng chưa biết sống chết ra sao. Bao nhiêu hình ảnh tang thương, chết chóc, cứ quay cuồng trong đầu, những cái chết thê thảm của anh em nghĩa binh, xác của người vợ mà chàng thương yêu hết mực bị giẫm nát..." (tr. 442, tập 4).

            Chàng Lía chết, Truông Mây tan rã, nhưng đó chỉ mới là sự chấm dứt của một biến cố trong trang sử Việt để chuẩn bị mở một trang sử khác mãnh liệt hơn, oai hùng hơn. Chàng Lía mất đi đã hơn 240 năm qua, nhưng âm vang và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa của những anh hùng Truông Mây, trong tâm trí người dân đất Bình Ðịnh đến nay vẫn chưa phai nhạt. Vũ Thanh đã dựng lại cho ta thấy những thảm cảnh lịch sử, những sai lầm của các triều đại, những  nỗi đớn đau và chịu đựng của người dân cùng khổ thời đó để chỉ mong một điều là thời nay con dân Việt sẽ học được bài học, để vết nhơ của lịch sử không còn tái diễn.

            Với những ai có lòng thương dân, yêu nước, hãy đọc những lời chàng hiệp sĩ Trần Lâm đã khóc và thề với vong linh người thân: "... Cha mẹ và em hãy yên lòng nhắm mắt, con sẽ dùng thanh kiếm này để tiêu diệt lũ sâu dân mọt nước, đem lại thanh bình, cơm no áo ấm cho muôn dân. Con đã vĩnh viễn mất đi gia đình nhỏ thì nhất định sẽ xây dựng cho bằng được một gia đình lớn. Ðó là quốc gia, là dân tộc này..." (tr. 12, tập 4).

            Vũ Thanh đã đem tâm huyết, trí tuệ và trải lòng mình trên những con chữ, chuyên chở tâm tình, mơ ước cũng như hoài vọng, rằng: muốn luận về tương lai ta phải biết và thuộc lịch sử của qúa khứ. Những bài học lịch sử luôn đáng gía, chỉ vì không học hết để biết, hay học rồi quên, nên nhiều lãnh tụ đã thất bại chua cay. Là người đọc, bổn phận chúng ta là tiếp tay với tác giả để phổ biến tác phẩm này càng rộng, càng nhiều, càng xa, càng tốt. Ðó là một nghĩa cử không khó lắm để làm.

            Tác giả Vũ Thanh tâm sự: "Dã sử mang tính trí tuệ giống như một lối mòn, đi nhiều, đi hoài, lối mòn đó sẽ thành quan lộ dẫn tới lịch sử". Người Tàu gần đây rất thành công khi đã hoàn thành những bộ phim hấp dẫn lôi cuốn, thu hút người xem. Họ cho dựng lại những câu chuyện lịch sử, đa số là hư cấu, tuyên truyền về một nước Trung Hoa thật vĩ đại, hào hùng để quảng bá hình ảnh một nước Trung Hoa đã lớn mạnh như thế từ mấy ngàn năm trước. Phương tiện giải trí tưởng vô thưởng vô phạt này đã giúp cho người Tàu đánh bóng hình ảnh, cùng lúc biện minh cho công việc bành trướng lãnh thổ, lấn chiếm lân bang của Bắc Kinh gần đây như là việc phải làm của một nước lớn mạnh trong vùng đối với những nước nhỏ yếu kém như thời xa xưa đã làm. Qua phương tiện truyền thông, và bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, đa số người Việt vô tình đã hiểu lịch sử Tàu còn rõ hơn lịch sử nước nhà. Đó là nỗi đau nhược tiểu! Cho nên  những đóng góp của tác giả Vũ Thanh trong tác phẩm Én Liệng Truông Mây đã thổi một luồng gió mới vào nền văn học dã sử nước nhà, giúp đẩy lùi ảnh hưởng văn hóa mang tính truyền bá ngoại lai.

 Dân Việt phải thuộc sử Việt nếu không muốn bị vong bản, mất gốc, đưa đến mất nước.

Ðó là cũng là những hành động vì đại cuộc, quốc gia, và dân tộc này vậy.

Nguyên Lương
Horsham, tháng 4, 2015

Tuesday, March 31, 2015

Sau Tết, Thở Cười Cùng Mẹ - After Lunar New Year (Tết), Breathe and Smile with Mother



Sau Tết, Thở Cười Cùng Mẹ

Nắng vàng bao khắc khoải

Hồng đỏ nhuỵ phấn rơi

Tóc xanh giờ bạc trắng 

Cam chuối vàng lẻ loi.

After Luna New Year (Tết), Breathe and Smile with Mother

Sunshine fills with anxious
Red roses' petals, stigma, pollens—falling.
Mother's once beautiful black hair
now turns completely white,

Orange and banana are ripening (goldening) its isolation.

Friday, March 27, 2015

Mindful Leadership and Vietnamese Buddhist monks' leadership practices and contributions to the Larger Society

Mindful Leadership and Vietnamese Buddhist monks' leadership practices and contributions to the Larger Society

https://www.youtube.com/watch?v=_4vREhoewU8

Monday, March 23, 2015

NEW BOOK ABOUT EDUCATING THE YOUTH - GIÁO DỤC TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO


LỜI NGỎ: Có thể hình tượng hóa việc giáo dục như gieo hạt, ươm mầm, tưới tẩm cho cây lá hạnh phúc của đời người riêng/chung được tươi nhuận, vươn lên lớn mạnh, trổ hoa ra trái. Đời người riêng/chung đó chỉ thực sự hạnh phúc khi không còn vướng mắc với khổ đau, thân tâm thực sự thanh thoát, an lành.

Nếu giáo dục là trao truyền và thu nhận sự hiểu biết cần thiết về kiến văn và đạo lý với mục tiêu giúp cá nhân và cộng đồng con người sống yên hòa, hạnh lạc thì Phật giáo hẳn đáp ứng dễ dàng tiêu chí này. Giáo dục đời thường không chỉ đòi hỏi học và biết ròng lý thuyết, mà phải thực hành hay từ hiểu biết thụ nhận mà phát kiến, sáng tạo. Phật giáo cũng thế, thu liễm giáo pháp phải đi đôi với tinh tấn tu dưỡng hành động (thân, khẩu) và tư tưởng (ý), chế ngự tham, sân, si (tam độc), lưu tâm đến trí-hữu-sư lẫn trí-vô-sư.  

Nhưng nếu thu gọn trong một số giáo thuyết vạn năng của Phật pháp, xem đó là những giải đáp ưu việt cho giáo dục, e là phiến diện. Những bài tham luận trong tập sách này đã mở rộng vấn đề giáo dục Phật giáo đậm tính nhân văn và đức lý, theo tầm nhìn Khế lý-Khế cơ-Khế thời. Hướng vọng của giáo dục Phật giáo không chỉ là yêu cầu bức thiết cho sự tự hoàn thiện bản thân (tự giác) đến việc truyền dạy (giác tha) trong gia đình, đoàn thể, quốc gia mà còn vươn rộng tới toàn cộng đồng nhân loại (chúng sinh hữu tình) khi tham vọng, khổ đau, điêu linh vẫn còn đầy rẫy. Giáo dục Phật giáo cũng không chỉ nhắm vào hiệu quả hiện tiền, đương thời, hay cục hạn trong một hay vài thế hệ tương lai, mà còn nhắm tới hiệu quả nối dài trong vô hạn kiếp người. Cốt tủy giáo pháp của Như Lai khi nhằm giải trừ mọi lệch lạc, hư hỏng của thân tâm con người, trải qua hơn 2500 năm, đã mang tính phổ biến, đa năng, đa hiệu, thích nghi mọi thời đại, mọi quốc độ, mọi lúc và nơi Phật giáo du nhập. Và, giáo dục Phật giáo đương nhiên cũng đi theo lộ trình linh hoạt, nhu nhuyến, dung hợp, tiếp biến như thế. Độc giả sẽ được chia sẻ nhiều ý kiến về giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ Việt Nam trong hai môi trường quốc nội và hải ngoại, sống trong hoàn cảnh nghịch chiều về kinh tế, chính trị: một bên thì chậm tiến, bị áp đặt mọi mặt, một bên thì tiến bộ, được tự do, khai phóng. Qua những nhận định chia chẻ này, độc giả sẽ thấy nỗi mong ước, nỗ lực tìm ra khả tính tổng hòa, đồng bộ trong công cuộc giáo dưỡng người trẻ Việt Nam trong ngoài nước dưới ánh sáng Từ Bi và Trí Tuệ.

LỜI CUỐI TẬP: (Riêng với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại)

Trong tập sách này, chúng tôi tuyển chọn những bài tham luận nặng tính nhân văn và đức lý của giáo dục Phật giáo, bởi đặc tính này đáp ứng mọi vấn đề căn bản và thiết yếu cho đời sống, không những cho lớp trẻ mà còn cho bất cứ ai tin tưởng vào hiệu dụng của giáo lý Như Lai. Với tổ chức Gia Đình Phật Tử, việc giáo dục nhằm trang bị hành trang vào đời cho thanh thiếu niên với tâm Từ Bi thâm thiết, Trí Tuệ sáng suốt và Dũng Lực thăng tiến, nên ngoài phần truyền dạy giáo lý, phần chuyên năng phong phú cũng được huấn luyện. Có thể, đọc xong tuyển tập này, anh chị Đoàn Sinh hải ngoại sẽ không tìm thấy ở đây các vấn đề mà anh chị đã và đang thao thức như:
  • Thiền định Phật Giáo đã trở nên phổ biến trong xã hội Tây phương, được học hỏi, thực hành, nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng trong nhiều bộ môn y khoa (tâm lý, não học, tâm thể bệnh học,...), nay người trẻ Phật tử phải nhận thức về Thiền và hành Thiền ra sao?
  •  Để có nhận định đúng đắn và giải thích hợp lý các sự tích, truyền thuyết, truyện kể trong kinh điển Phật giáo mang tính thần thoại, siêu thực, có nên học thêm căn bản môn Huyền Thoại Học (Mythology), Biểu Tượng Học (Symbolism)?
  • Các bài học truyền thống về tâm lý đoàn sinh, lãnh đạo chỉ huy, kỹ năng tổ chức,... có cần cải cách cho thích hợp với tâm sinh lý, nhận thức, tập quán của đoàn sinh trẻ tại hải ngoại?
  • Đời sống và xã hội tại hải ngoại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như ly hôn, luyến ái và hôn nhân đồng tính, hôn nhân dị chủng/dị giáo, phá thai, trợ tử, ma túy, bảo vệ môi sinh,... người trẻ Phật tử cần nhận định, ý thức, ứng xử với các vấn đề đó ra sao?
  • Trước sự phát triển và sản xuất các phương tiện kỹ thuật tiên tiến như điện toán, iPad, iPhone, SmartPhone,... các môn morse, sémaphore, tìm phương hướng, dấu đi đường, mật thư có cần xét lại, sửa đổi không?
  • Môi trường sống tại hải ngoại với sự đa dạng về thiên nhiên, khí tượng, khoa học, y tế, thể dục thể thao,... các bài học truyền thống về mưu sinh thoát hiểm, cấp cứu, bảo vệ sức khỏe, kỹ thuật cắm trại, dựng lều,... có còn thích hợp không?
  • Sống trong xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo, để tăng cường, sự kính trọng, lòng hòa ái, sự hiểu biết lẫn nhau, GĐPTVN/HN có nên tổ chức sinh hoạt giao lưu tôn giáo (học hỏi tín lý, tìm hiểu nghi lễ, thăm viếng chùa đền, thánh đường) không những với cộng đồng những tông phái Phật giáo (Nguyên Thỉ, Tịnh Độ, Mật Tông, Liên Hoa Tông... của các nước Á-châu) mà cả với cộng đồng tôn giáo khác?
  • Để tăng hiệu quả giảng huấn, có cần áp dụng các phương pháp: thính thị (audio-visual), dã ngoại (afield learning), học viên tự nghiên cứu, soạn bài trước và thuyết trình, tranh biện, thảo luận (debate, discussion), thi đua, đố vui để học,...?
  • Trước tình trạng thường xuyên phân rã, chia rời cơ cấu tổ chức do những dao động ngoại tại (địa lý, ý hệ chính trị, tông hệ phái giáo hội,...), Gia Đình Phật Tử có tìm ra một quy định trung đạo nào để tổ chức vẫn giữ được đoàn kết và sinh hoạt đồng nhất?
  • Trong tổ chức GĐPT, nhiều khi có sự chỉ đạo chuyên đoán, hoặc thiếu sót, tắc trách, phải chăng do tính dân chủ, lối phân quyền, sự thống thuộc chưa rõ ràng, thích hợp, cần được rà soát, truy xét lại?


Trên đây chỉ nêu ra một số trong nhiều ưu tư của anh chị em đang đảm trách đoàn, đội trong GĐPT. Để chuẩn bị chủ đề cho các số Hoa Đàm sắp tới, chúng tôi mong mỏi đón nhận được nhiều bài tham luận của các bậc Tăng nhân, Cư sĩ trưởng thượng, của các anh chị Trưởng dày dạn kinh nghiệm, của anh chị Đoàn sinh trẻ, tất cả là những người luôn thao thức cho sự tồn tại vững chãi và sự tiến triển tốt đẹp của tổ chức GĐPT/VN trong ngoài nước.

Mọi góp ý, xin gởi về địa chỉ email:
hoadamnews@gmail.com

HOA ĐÀM

Monday, March 16, 2015

Giới thiệu bài nhạc TUỔI TÌNH YÊU CỦA TÔI của Nguyễn Đình Hoà

Về đâu những cánh chim.... ảnh BXK

Giới thiệu bài nhạc TUỔI TÌNH YÊU CỦA TÔI 
của Nguyễn Đình Hoà

Hôm nay tình cờ nghe nhà thơ Ngô Tịnh Yên nói về nạn buồn bán tình dục trẻ Việt Nam ở Campuchia trên facebook và nghe bài nhạc bất hủ của chú Nguyễn Đình Hoà, Tuổi Tình Yêu Của Tôi, mà tự nhiên lòng man mác buồn.
https://www.youtube.com/watch?v=xrtCl9ITjtc

Có lẽ đây là một trong những bài hát hay nhất mà tôi được nghe trong nhiều năm qua (tính luôn trong nước, Asia và Paris by Night), hay là vì chú Hoà viết hết cả tấm lòng. Từ một người ngư dân ở Nhơn Lý, vượt biển tìm tự do, ở cái tuổi 'ngũ thập nhi tri thiên mệnh', thế mà chú chịu khó phấn đấu tìm thầy học nhạc để rồi cuối cùng chú đã có những bài nhạc hay, mà tôi ưng ý nhất là bài này. Cảm ơn chú đã chia sẻ riêng với tôi nguyên nhân bài hát này. Thực sự mà nói, mỗi lần nghe là mỗi lần xúc động và buồn buồn tủi tủi cho quê hương và đất nước của mình trong hiện tại.

Từ một bài thơ hay của Kim Tuấn, từ những câu chuyện của các bé gái Việt Nam từ đồng bằng Sông Cửu Long, phải ngậm ngùi bán mình trên đất khách. Mất đi tuổi thơ, mất đi tình yêu thương, mất luôn cả cơ hội cắp sách đến trường, mất tất cả, các em còn gì chứ? Còn chăng là niềm tin và hy vọng. Tuổi mới lớn ở các nước khác, các em có đầy đủ tình thương, tình yêu...
Ở nơi các em, chúng ta thấy gì....

Tuổi tình yêu của tôi
Sương mờ giăng khắp lối
Nỗi cô đơn vời vợi
Có buồn đau trong lòng..


Rồi còn gì nữa...

Tuổi tình yêu của tôi
Mùa đông dài trước mặt
Những đêm nhiều nước mắt
Từng đêm nghe thấm lạnh
Không biết về nơi đâu.
Bao cô đơn thầm lặng
Mang khối sầu miên man


Thế mà vẫn chưa hết nỗi khổ, niềm đau. Sự ảm đạm, tuyệt vọng đó cũng không thể mô tả được sự cô đơn, dày vò, và hy sinh của các em...


Tuổi tình yêu của tôi
Nhiều cơn mưa ướt đẫm
Dấu chân tình bơ vơ
Trên đồng khô cỏ rạ


Bài thơ đã buồn, nhưng nhạc của chú làm cho nó thăng hoa và bay bỏng. Nhưng hay nhất là ở sự nhân bản của chú, một người có tâm hồn nghệ sỹ đã biết buồn, biết khóc với tha nhân. Cùng với chú, nỗi sâu đã chín đỏ, và nỗi sầu ấy vẫn chưa vơi mỗi khi nghe bài hát tuyệt vời này.

Còn tuổi nào để khóc
Nỗi lòng che môi cười
Tôi nghe sầu chín đỏ
Tôi nghe sầu chưa vơi.


Cảm ơn chú Nguyễn Đình Hoà thật nhiều. Thiết nghĩ là nếu ai sẽ nghe bài này ít nhất 3 lần thì sẽ có cùng sự đồng cảm như những người con Việt tha hương hay những ai còn có tấm lòng đến với tuổi trẻ Việt Nam, nhất là những em bé gái. Xin cảm ơn những hành động thiết thực như MC Thuỳ Dương, nhà thơ Ngô Tịnh Yên, v.v... đang làm những việc nhỏ để xoa dịu vết đau nát lòng của các em.


Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả và bạn bè facebook.  Kính chúc một cuối tuần bình an.


Link ở đây là trang nhạc của chú Nguyễn Đình Hoà

Tuesday, March 10, 2015

NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG TUỔI TRẺ - ĐI NGHE DIỄN GIẢI CỦA TIẾN SỸ NGUYỄN TƯỜNG BÁCH




Hình ảnh trong buổi chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Tường Bách - Photo: BXK

NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG TUỔI TRẺ - ĐI NGHE DIỄN GIẢI CỦA TIẾN SỸ NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

           Trời Sacramento nhiều nắng thiếu mưa, lại là một ngày đẹp và thanh thản. Chúng tôi lái xe về trường Đại học cộng đồng Cosumnes River College (CRC) để lắng nghe Tiến sỹ Nguyễn Tường Bách chia sẻ “Những nẻo đường nhận thức” trong Chương trình Việt Ngữ tại trường đại học CRC. Ở Sacramento, có thể nói Chương Trình Việt Ngữ tại đại học CRC là lâu đời nhất mà những người giáo sư như Cô Đỗ Thị Minh Hồng, Cô Nguyễn Thị Yến, v.v... đang tận tuỵ giữ gìn và phát huy ngôn ngữ Việt nói riêng và văn hoá thuần phong mỹ tục của Việt Nam nói chung. Vì thế, khi được mời để tham dự những việc liên quan đến giáo dưỡng tuổi trẻ, chúng tôi không thể từ chối, nhất là về nghe Tiến sỹ Nguyễn Tường Bách, người mà chúng tôi rất hâm mộ qua cuốn sách Mùi Hương Trầm.

          Ban tổ chức (Gs. Đỗ Thị Minh Hồng, Gs. Nguyễn Thị Yến, cô counselor Anna Đoàn), Cộng đồng người Việt và sinh viên CRC đã đón tiếp Tiến sỹ Bách đến từ Đức một cách nồng hậu và hoan hỷ. Trong số đó, đông nhất là các em sinh viên trong trường CRC, rồi đến Hội Thiền Học Tánh Không, và đồng hương Phật tử. Chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của Ni Sư Thuần Tuệ, Sư Cô Thuần Tỉnh và Sa Di Ni Phương Thiền từ Thiền Viện Diệu Nhân, Rescue, CA. Các vị khách quý mà được ban tổ chức giới thiệu hoặc nhắc đến như: Ông bà Nha sĩ Đỗ Kỳ Long, Ông Trần Duy Phô và Hội Từ Bi Quán Thế Âm, Ông bà Mục sư Phan Như Ngọc, Ts Trần Kiêm Đoàn, Ts Trương Xuân Bình, Ts Nguyễn Đăng Hoàng, Ts. Phan Văn Chương, Ts. Phan Mẫn, giáo sư business ở trường CRC, giáo sư Lý Lập dạy toán ở CRC, Ông Bà Vũ Hữu Kỳ, Ông bà Hoàng Xuân Thiệu, Ông Đàm Phương, Ông bà Nguyễn Phúc Hồng Thanh, quý Huynh trưởng GĐPT như anh chị Nguyễn Sanh Tỵ, Ngô Thị Thu, Đặng Văn Cường, Nguyễn Huy Hoàng v.v…
            Giáo sư Đỗ Thị Minh Hồng, khoa trưởng ban Việt ngữ tại CRC, giới thiệu:
Ts Nguyễn Tường Bách sinh tại Thừa Thiên Việt Nam, Du học tại Đức năm 1967. Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng năm 1975 và tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật năm 1980.  Từ 1980-1992: ông làm việc cho công ty ABB tại Đức.  Sau đó Ông làm Giám đốc cho một công ty xuất nhập khẩu tại Cộng Hòa Liên Bang Đức và nghỉ hưu năm 2010.Ông là tác giả và dịch giả của những cuốn sách nổi tiếng đã xuất bản và tái bản nhiều lần.
(Dr. Nguyen Tuong Bach was born in Thua Thien Province, Vietnam, and began studying abroad in Germany in 1967.  He earned his Ph.D. degree in Engineering in 1980.  He worked for ABB in Germany until 1992 and was the founder/CEO of an import-export company in Germany until his retirement in 2010. 

Dr. Bach has authored a number of books and papers on the topic of Eastern Philosophy, especially on Buddhism.  A few of his most noted works are Mùi Hương Trầm (Scent of Incense), Lưới Trời Ai Dệt (The Cosmological Drag Net), Mộng Đời Bất Tuyệt (The Endless Dream of Life), Đường Xa Nắng Mới (Long Road New Day), Đêm Qua Sân Trước Một Cành Mai (Last night a spring flower bloomed).

His translated works include Dao cua Vat Ly (The Tao of Physics – Fritj of Capra), Con duong may trang (Long road white cloud - Lama Anagarika Govinda), Thien trong nghe thuat ban cung (Zen in the Art of Archery - Eugene Herrigel), Doi dien cuoc doi (Facing life - Krishnamurti).
            Mà trong phần giới thiệu, chúng tôi đắc ý nhất là lời nhắc nhủ của Tiến sĩ Bách cho các bạn sinh viên trẻ; ông đã nói như sau: 
Tôi có may mắn sống trong những nền văn hóa khác nhau. Tôi mong những người trẻ có cơ hội sống trong những nền văn hóa khác trong một khoảng thời gian hoặc dài hoặc ngắn, nói tiếng nói của người ta, tìm hiểu văn hóa của người ta, qua đó cảm nhận được tính cách của người Việt Nam rõ ràng hơn, khách quan hơn.Ra ngoài không phải là xa Việt Nam. Đi để nhìn lại, để tạo cơ hội nhìn rõ con người mình nhiều hơn. Có xa gia đình mới thấy yêu gia đình của mình thế nào, có xa đất nước mình mới thấy yêu đất nước mình như thế nào. (I have been lucky to have lived in many different cultures. I wish that young people will have the same opportunity to live in different cultures however short or long, speak other languages, try to understand other cultures, and through that they will be able to understand the characters of the Vietnamese people more clearly and objectively. To leave Vietnam is not to distance oneself from Vietnam. To go away is so that one can look back, to give oneself a chance to better reflect. To be away from one's family helps one to love it more, to be far away from one's country will help one to cherish it more.)
Trong phần diễn giải “Những nẻo đường nhận thức”, Tiễn sỹ Bách nhấn mạnh là ông “chỉ nói về những kinh nghiệm và nhận thức của riêng mình. Nó sẽ có tính chất chủ quan và có thể khác lạ, thậm chí kỳ cục so với thông thường.Tôi không có một chút ý định nào thuyết phục người nghe vì phần lớn là các trải nghiệm trong tâm. Tôi cũng thấy thật là khó khăn khi diễn bày những cảm nhận trong tâm bằng ngôn ngữ.”
Tiến sĩ Bách trình bày năm nẻo đường nhận thức như sau:
Nhận thức bằng cách nghe
Nhận thức bằng cách thấy
Nhận thức bằng cách quan sát
Nhận thức bằng suy luận tư duy
Nhận thức bằng cách buông bỏ

  1. Nhận thức bằng cách nghe
Theo Tiến sỹ Bách, nghe không chỉ qua lỗ tai bằng âm thanh mà còn nghe bằng tâm. Mà quan trọng hơn mà nhận thức quaTâm nghe tâm”, một phương pháp mà tự tâm mình lắng nghe chính mình để biết những diễn biến bên trong của mình. Chúng ta có thể thêm vào đây là sau phần lắng nghe tâm, chúng ta nên quán chiếu để biết, nhận chân và phòng hộ những suy nghĩ và lối hành xử của chính mình. Ông nhắc thêm:
 Nhưng cũng có khi ta nghe bên trong, nghe vận động bên trong tâm.
Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người
Người đi ở cuối chân trời
nghe tình mộng nửa đời dằng dai... (thơ Bùi Giáng)

Nghe của Bùi Giáng là tâm nghe tâm. Thế nên “nghe” không chỉ là lỗ tai nghe âm thanh. Tâm nghe tâm là tâm tự lắng nghe chính mình, hay chính xác hơn là nghe những diễn biến trong mình. Nói vậy chứ không phải đơn giản vì “diễn biến trong tâm” thường kéo dẫn chúng ta đi theo mà ta không hề biết. “Diễn biến trong tâm” chính là tâm chúng ta. Hình ảnh trong gương chính là tấm gương.Tâm nghe tâm là tự tách mình đừng bên dòng chảy của tâm và lắng nghe nó. Thế nên Bùi Giáng không hề điên mà rất tỉnh vì tỉnh táo mới nghe được diễn biến trong tâm.”

Có lẽ chúng tôi đồng tình cùng tiến sỹ rằng “chỉ có một cái nghe đang vận hành. Khi đó thì tính nghe đồng nghĩa với tính biết. Khi đó thì những cái được nghe, hay chính xác hơn là những cái được biết, dường như “bóc tách” khỏi tâm ta và lơ lửng trong không gian rỗng rang của tâm.”

  1. Nhận thức bằng cái thấy
            Cái thấy qua con mắt là sự nhận xét mà mọi vật chất, hay mọi Pháp (ngôn ngữ của nhà Phật) chỉ hiện qua hình tướng. Và theo tiến sỹ Bách, hiện tướng là tương đối và tùy theo trình độvà khả năng của người nhìn nó. Điều này nhắc tôi nhớ nhà bác học Enstein cũng từng nhắc nhở chúng ta một khái niệm mình bị giới hạn vì những gì mình đang là (we are limited of who we are-our thoughts, feelings and experiences). Cái thấy biết của mình tuỳ thuộc vào những tu duy, kiến thức, kinh nghiệm sống v.v… Ông lại phân tích thêm,
Đối với người điếc thì thế giới toàn màu sắc và sự lặng yên, đối với người mù thì thế giới đầy âm thanh và một màu đen, đối với người mù màu thì thế giới chỉ hai màu đen trắng, đối với loài chó, loài có khứu giác nhạy bén thì thế giới nhấp nhô toàn cả mùi…”

Ông nói tiếp, “Heisenberg, nhà vật lý lượng tử cũng nói đại ý “thiên nhiên là câu trả lời trước sự vấn hỏi của con người”. Ta thắc mắc thế nào thì thiên nhiên đáp lại theo cách hỏi của ta. Thế nên cái thấy của chúng ta có hai điều đáng nhớ, một là điều ta thấy chỉ là tướng trạng của sự vật, không phải thể tính thực của nó; hai là nó mang tính chất, mang chữ ký của người ngắm nhìn nó.”

Tuy nhiên, cái thấy viên thông trong nhà Phật là thông suốt cả lý và sự, tình và nghĩa và thấy được cả tướng lẫn tánh.

3. Nhận thức bằng cách quan sát (thân và tâm)
Ông bảo rằng “nhận thức bằng cách nghe, nhận thức bằng cách thấy chính là “mở” hai giác quan tai và mắt, cho hai cái nghe và cái thấy vận hành. Qua Nghe và Thấy hầu như toàn thể thế giới hiện ra quanh ta.” Vì thời gian giới hạn, có lẽ Tiến sỹ Bách chỉ nói về 2 giác quan, Nghe và Thấy, nhưng trên thực tế thế giới quanh ta hiện ra bởi sáu giác quan (mắt tai mũi lưởi thân ý / sắc thanh hương vị xúc pháp) qua sự biết của ý thức mà quý thầy tổ đã nhắc nhở “Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ”
            Có thể nói, nhận thức này chính là ở nơi thực hành của chúng ta. Tuỳ trình độ, kinh nghiệm hay pháp môn của mình, mỗi khi chúng ta tự lắng lòng quan sát chính mình (qua suy nghĩ, lời nói, hành động) và quan sát chính thân tâm mình thìcó lẽ chúng ta sẽ thấy được phép lạ của sự tỉnh thức.
            Tiến sỹ Bách chia sẻ, “nếu kiên trì, nếu tỉnh táo và chú ý, thường thì phải sau vài tháng hay vài năm, ta sẽ nhận ra một điều đơn giản trong tâm. Đó là có một dòng hoạt động tâm lý cứ trôi chảy liên tục trong ta. Ban đầu có lẫn vui buồn thương nhớ, về sau cảm xúc ít đi nhưng tâm luôn luôn có hình ảnh, có âm thanh. Đặc biệt trong âm ta luôn luôn có lời, khi thì độc thoại, khi thì đối qua đáp lại. Luôn luôn có lời nói thầm trong tâm, tôi tạm gọi là “tâm ngôn”.”
            Nói chung, tất cả nhận thức đều là “phương tiện thiện xảo”, không phải là một cứu cánh, để đưa chúng ta trại thái của tâm hồn rỗng lặng, mà diễn giả gọi là “Tâm hoàn toàn tỉnh giác sáng tỏ.”

4. Nhận thức bằng suy luận tư duy

            Tiến sỹ Bách cho rằng tư duy suy luận là một trong những hoạt động của tâm.Một phạm trù rất trừu tượng, mà chúng tôi nghĩ những sinh viên khó hiểu đó là khái niệm về “pháp hữu vi”. Ông giải thích rằng, “hiện tượng tâm vật, xác định tính chất chung nhất của chúng là những “hiện tượng được tạo thành” (hữu vi – composed things). Tất cả những gì được tạo thành, dù là do nhiều phần tử khác hợp lại, hay do các điều kiện khác sinh ra, được gọi là pháp hữu vi. Như thế thì từ mỗi hạt nhân nguyên tử đến cả các thiên hà vĩ đại, từ cực tiểu đến cực đại, đều là pháp hữu vi cả. Thân chúng ta và các cơ quan trong thân từ hơi thở cho đến các bộ phận cũng đều là pháp hữu vi. Chưa hết, cả mọi hiện tượng tâm lý cũng pháp hữu vi vì tất cả đều sinh ra từ các điều kiện khác. Về triết học đây là sự khái quát hóa cao nhất. Thế là mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều là pháp hữu vi.”
            Chúng ta có thể nhắc nói với tuổi trẻ rằng, những cái lớn là sự tập hợp của những cái nhỏ hơn. Như những thành công lớn, bắt nguồn tự những thành công cỏn con. Và những niềm vui lớn cũng bắt nguồn từ những niềm an lạc của tự tâm.Tới đây, diễn giả nhắc đến bài kệ Lục Như trong kinh Kim Cang:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Diễn giả chia sẻ:
“Tất cả các pháp hữu vi
Như cơn mộng, như ảo ảnh, như bọt nước, như bóng
Như sương mai, như ánh chớp
Nên quán chúng như thế.
(Kinh Kim Cương, dịch bản chữ Hán của Cưu Ma La Thập)
Nhưng trong bản Phạn ngữ có đến 9 ẩn dụ như sau:
Như sao đêm, như mắt loạn, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như sương mai, như bọt nước, như cơn mộng, như ánh chớp, như đám mây — những gì hữu vi nên được quán chiếu như vậy[1].
            Diễn giả cho rằng, suy luận từ các ẩn dụ mô hình là vô cùng quan trọng vì là bảng chỉ đường trực tiếp nhất. Nhưng vì là bảng chỉ đường nên ta nhìn xong là đi tiếp, không dừng lại. Nếu dừng lại lập tức nó trở thành chướng ngại. Như diễn giả, chúng tôi thiết nghĩ, tất cả đều là phương tiện để chúng ta nhận chân rằng mọi pháp hữu vi cũng nằm trong quy luật vô thường, vô ngã, khổ và không. Từ đó, chúng ta tích cực hơn với cuộc sống. Chúng ta hãy tư duy suy luận để rồi học từ bi và hành hỷ xả. Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ.

5. Nhận thức bằng cách buông bỏ
            Có lẽ đây là nẻo nhận thức khó hiểu và thực hành nhất vì sự nghịch lý của nó. Buông bỏ là một trong đặc tính của tứ vô lượng tâm—Từ Bi Hỷ Xả. Ts Bách cho rằng,
Tới nay ta thường nghĩ, nhận thức là một quá trình làm giàu thêm cho tâm. Nhận thức là thêm, thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm, thêm phán đoán.Nhận thức chỉ có một chiều “thêm”.Thế nhưng nếu khéo quan sát, ta sẽ thấy kiến thức và kinh nghiệm là một con dao hai lưỡi. Kiến thức giúp ta hiểu thấu sự vật nhưng đến mức nào đó nó thành chướng ngại. Cái thấy sinh cái biết, đến phiên nó cái biết lại ngăn cản cái thấy.
Đóa hoa vừa xuất hiện trước mắt. Ta chưa kịp thưởng thức nó thì khái niệm về hoa và kinh nghiệm trong ta liền lên tiếng: “Đây là loại hoa hồng gai mềm hay trồng tại Đà lạt. Có nhiều màu đẹp hơn nhiều”. Ta không thấy thực tại mà chỉ nghe lời nói của chính ta. Cái biết cũ xưa về hoa đã ngăn ta thấy đóa hoa tinh khôi.”
Ông ân cần lại nhắc,
Nếu sánh kiến thức như những viên gạch nằm trong kho chứa khổng lồ của tâm thì kiến thức và kinh nghiệm rất có khuynh hướng tự mình xây nên một lâu đài và giam giữ ta trong đó. Có ai nói “Có thể xây địa ngục bằng những viên đá của thiện chí” thì ở đây ta có thể nói nhại rằng “Có thể xây lâu đài trú ẩn bằng những viên đá của kiến thức và kinh nghiệm”. Có lẽ chúng ta từng thấy rất nhiều người, phần lớn là lớn tuổi và nhiều kiến thức, tự xây cho mình một lâu đài của thành kiến, kinh nghiệm, khái niệm, thang giá trị thiện ác đúng sai... và ẩn trútrong đó. Họ bít cả cửa sổ cửa lớn, bản thân họ không ra ngoài và cũng không cho những gì mới mẻ lọt vào. Ánh sáng mặt trời cũng không vào, họ tự đốt đèn bằng chất dầu mang tên “từng biết - well known” và vui sống trong đó.”

Ông tha thiết tâm sự là chúng ta hãy,
 Mạnh dạn mở toang những cánh cửa đó, tức là hai cửa của Nghe và Nhìn. “Mở toang” là buông bỏ những gì đã biết, giữ tâm chú ý, rỗng rang, không chủ động, không dụng công, không mong chờ, chỉ chú ý trống rỗng. Ta sẽ thấy ánh sáng mặt trời luôn luôn có đó.  Nói “ra ngoài” là nói ẩn dụ.Tâm không có trong ngoài.  Tòa lâu đài nọ xây dựng bằng những viên gạch của tâm.  Buông bỏ nó, phá hủy nó cũng là hoạt động của tâm. Chỉ cần thấy xuyên suốt tự tính của nó là đã phá hủy nó rồi, rất dễ.Nhưng cũng vô cùng khó, vì như Arbert Einstein nói, phá bỏ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử. Rất dễ nên nhà Thiền mới nói buông dao quay đầu là thành Phật. Rất khó nên không mấy ai thành tựu,  trước khi thành tựu, Phật cũng phải tu vô lượng kiếp. Về phần tôi, tôi cũng thấy rất khó vì phải bơi ngược dòng tất cả mọi thói quen.
“Bên ngoài” ra sao? Bên ngoài những lâu đài kín cửa là một không gian vô cùng thanh tịnh.Huệ Năng đã từng thốt lên “Ai dè tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Lục Tổ mà thốt lên “ai dè” thì chúng ta khó mà ngờ đến. Phía trên ta nói “giữ tâm rỗng rang” là nói cho người trong nhà đi lần ra cửa lâu đài, chứ ở bên ngoài rồi chỉ cần để tự nhiên, tâm vốn rỗng rang, tâm vốn luôn luôn chú ý, tâm vốn luôn luôn tỉnh thức. Cho nên ra ngoài thì cũng bỏ luôn sự chú ý vì lúc đó chính ta là sự chú ý.

Có thể các bạn hỏi tôi chứng nghiệm được cái gì.Lòng tôi vẫn còn đầy ngập những đám mây. Nhưng mây thỉnh thoảng vén ra cho thấy chút trời xanh. Tôi chỉ ghi nhận được rất ngắn là: Thực tại chính là toàn thể pháp hữu vi đang vận hành chớp nhoáng, vô chủ, cái này sinh ra cái kia, làm điều kiện lẫn nhau để sinh ra và diệt đi. Sinh diệt vô tận.

            Sau khi nghe xong bài thuyến giảng và những câu hỏi, chúng tôi cảm nhận những lời chia sẻ của Tiến sỹ Bách. Bài chia sẻ bàng bạc Tánh Không và kinh nghiệm thực tập của diễn giả. Chúng tôi tin chắc là quý đồng hương Phật tử đã thấy và hiểu điều đó, còn chăng là không biết trong số những sinh viên học tiếng Việt đó, bao nhiêu hiểu lời chia sẻ của Tiến sỹ Bách. Rồi tự nhìn lại mình, nhìn về đạo pháp và dân tộc, song dư âm của bốn câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ lại về.

Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

Khi bước nhẹ rời khỏi hội trường và trở về cùng với hơi thở và con người của chính mình, tôi lại thầm cảm ơn những ai đã được gặp—một nhân duyên và phước báu của nhau. Vui vì được gặp vợ chồng diễn giả, quý Ni Sư, thầy cô bạn hữu, các sinh viên CRC và thính giả.  Âu đó cũng là phước duyên được gặp nhau, trong đầu ẩn hiện dăm câu thơ vừa chớm để cảm ơn người anh trong đạo từ phương xa bỏ bớt thời giờ du dịch để chia sẻ trong tình đạo vị.

Nghe Thấy, Quan Sát, Tu Duy, Buông Bỏ

     Kính tặng anh Nguyễn Tường Bách

Một trưa trăng sáng trong ngần
Thiền môn vô trụ đi về tánh không
Phù sinh bao cõi long đong
Thuyền từ bến giác thong dong cõi về.

Breathe and Smile. Thở và cười bạn nhé!

Sacramento, ngày sinh nhật của Ba—March 10th, 2015.
Tâm Thường Định


[1]Bản Anh ngữ:   All composed things are like a dream, a phantom, a drop of dew, a flash of lightning.  That is how to meditate on them, that is how to observe them.