Monday, March 23, 2015

NEW BOOK ABOUT EDUCATING THE YOUTH - GIÁO DỤC TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO


LỜI NGỎ: Có thể hình tượng hóa việc giáo dục như gieo hạt, ươm mầm, tưới tẩm cho cây lá hạnh phúc của đời người riêng/chung được tươi nhuận, vươn lên lớn mạnh, trổ hoa ra trái. Đời người riêng/chung đó chỉ thực sự hạnh phúc khi không còn vướng mắc với khổ đau, thân tâm thực sự thanh thoát, an lành.

Nếu giáo dục là trao truyền và thu nhận sự hiểu biết cần thiết về kiến văn và đạo lý với mục tiêu giúp cá nhân và cộng đồng con người sống yên hòa, hạnh lạc thì Phật giáo hẳn đáp ứng dễ dàng tiêu chí này. Giáo dục đời thường không chỉ đòi hỏi học và biết ròng lý thuyết, mà phải thực hành hay từ hiểu biết thụ nhận mà phát kiến, sáng tạo. Phật giáo cũng thế, thu liễm giáo pháp phải đi đôi với tinh tấn tu dưỡng hành động (thân, khẩu) và tư tưởng (ý), chế ngự tham, sân, si (tam độc), lưu tâm đến trí-hữu-sư lẫn trí-vô-sư.  

Nhưng nếu thu gọn trong một số giáo thuyết vạn năng của Phật pháp, xem đó là những giải đáp ưu việt cho giáo dục, e là phiến diện. Những bài tham luận trong tập sách này đã mở rộng vấn đề giáo dục Phật giáo đậm tính nhân văn và đức lý, theo tầm nhìn Khế lý-Khế cơ-Khế thời. Hướng vọng của giáo dục Phật giáo không chỉ là yêu cầu bức thiết cho sự tự hoàn thiện bản thân (tự giác) đến việc truyền dạy (giác tha) trong gia đình, đoàn thể, quốc gia mà còn vươn rộng tới toàn cộng đồng nhân loại (chúng sinh hữu tình) khi tham vọng, khổ đau, điêu linh vẫn còn đầy rẫy. Giáo dục Phật giáo cũng không chỉ nhắm vào hiệu quả hiện tiền, đương thời, hay cục hạn trong một hay vài thế hệ tương lai, mà còn nhắm tới hiệu quả nối dài trong vô hạn kiếp người. Cốt tủy giáo pháp của Như Lai khi nhằm giải trừ mọi lệch lạc, hư hỏng của thân tâm con người, trải qua hơn 2500 năm, đã mang tính phổ biến, đa năng, đa hiệu, thích nghi mọi thời đại, mọi quốc độ, mọi lúc và nơi Phật giáo du nhập. Và, giáo dục Phật giáo đương nhiên cũng đi theo lộ trình linh hoạt, nhu nhuyến, dung hợp, tiếp biến như thế. Độc giả sẽ được chia sẻ nhiều ý kiến về giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ Việt Nam trong hai môi trường quốc nội và hải ngoại, sống trong hoàn cảnh nghịch chiều về kinh tế, chính trị: một bên thì chậm tiến, bị áp đặt mọi mặt, một bên thì tiến bộ, được tự do, khai phóng. Qua những nhận định chia chẻ này, độc giả sẽ thấy nỗi mong ước, nỗ lực tìm ra khả tính tổng hòa, đồng bộ trong công cuộc giáo dưỡng người trẻ Việt Nam trong ngoài nước dưới ánh sáng Từ Bi và Trí Tuệ.

LỜI CUỐI TẬP: (Riêng với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại)

Trong tập sách này, chúng tôi tuyển chọn những bài tham luận nặng tính nhân văn và đức lý của giáo dục Phật giáo, bởi đặc tính này đáp ứng mọi vấn đề căn bản và thiết yếu cho đời sống, không những cho lớp trẻ mà còn cho bất cứ ai tin tưởng vào hiệu dụng của giáo lý Như Lai. Với tổ chức Gia Đình Phật Tử, việc giáo dục nhằm trang bị hành trang vào đời cho thanh thiếu niên với tâm Từ Bi thâm thiết, Trí Tuệ sáng suốt và Dũng Lực thăng tiến, nên ngoài phần truyền dạy giáo lý, phần chuyên năng phong phú cũng được huấn luyện. Có thể, đọc xong tuyển tập này, anh chị Đoàn Sinh hải ngoại sẽ không tìm thấy ở đây các vấn đề mà anh chị đã và đang thao thức như:
  • Thiền định Phật Giáo đã trở nên phổ biến trong xã hội Tây phương, được học hỏi, thực hành, nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng trong nhiều bộ môn y khoa (tâm lý, não học, tâm thể bệnh học,...), nay người trẻ Phật tử phải nhận thức về Thiền và hành Thiền ra sao?
  •  Để có nhận định đúng đắn và giải thích hợp lý các sự tích, truyền thuyết, truyện kể trong kinh điển Phật giáo mang tính thần thoại, siêu thực, có nên học thêm căn bản môn Huyền Thoại Học (Mythology), Biểu Tượng Học (Symbolism)?
  • Các bài học truyền thống về tâm lý đoàn sinh, lãnh đạo chỉ huy, kỹ năng tổ chức,... có cần cải cách cho thích hợp với tâm sinh lý, nhận thức, tập quán của đoàn sinh trẻ tại hải ngoại?
  • Đời sống và xã hội tại hải ngoại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như ly hôn, luyến ái và hôn nhân đồng tính, hôn nhân dị chủng/dị giáo, phá thai, trợ tử, ma túy, bảo vệ môi sinh,... người trẻ Phật tử cần nhận định, ý thức, ứng xử với các vấn đề đó ra sao?
  • Trước sự phát triển và sản xuất các phương tiện kỹ thuật tiên tiến như điện toán, iPad, iPhone, SmartPhone,... các môn morse, sémaphore, tìm phương hướng, dấu đi đường, mật thư có cần xét lại, sửa đổi không?
  • Môi trường sống tại hải ngoại với sự đa dạng về thiên nhiên, khí tượng, khoa học, y tế, thể dục thể thao,... các bài học truyền thống về mưu sinh thoát hiểm, cấp cứu, bảo vệ sức khỏe, kỹ thuật cắm trại, dựng lều,... có còn thích hợp không?
  • Sống trong xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo, để tăng cường, sự kính trọng, lòng hòa ái, sự hiểu biết lẫn nhau, GĐPTVN/HN có nên tổ chức sinh hoạt giao lưu tôn giáo (học hỏi tín lý, tìm hiểu nghi lễ, thăm viếng chùa đền, thánh đường) không những với cộng đồng những tông phái Phật giáo (Nguyên Thỉ, Tịnh Độ, Mật Tông, Liên Hoa Tông... của các nước Á-châu) mà cả với cộng đồng tôn giáo khác?
  • Để tăng hiệu quả giảng huấn, có cần áp dụng các phương pháp: thính thị (audio-visual), dã ngoại (afield learning), học viên tự nghiên cứu, soạn bài trước và thuyết trình, tranh biện, thảo luận (debate, discussion), thi đua, đố vui để học,...?
  • Trước tình trạng thường xuyên phân rã, chia rời cơ cấu tổ chức do những dao động ngoại tại (địa lý, ý hệ chính trị, tông hệ phái giáo hội,...), Gia Đình Phật Tử có tìm ra một quy định trung đạo nào để tổ chức vẫn giữ được đoàn kết và sinh hoạt đồng nhất?
  • Trong tổ chức GĐPT, nhiều khi có sự chỉ đạo chuyên đoán, hoặc thiếu sót, tắc trách, phải chăng do tính dân chủ, lối phân quyền, sự thống thuộc chưa rõ ràng, thích hợp, cần được rà soát, truy xét lại?


Trên đây chỉ nêu ra một số trong nhiều ưu tư của anh chị em đang đảm trách đoàn, đội trong GĐPT. Để chuẩn bị chủ đề cho các số Hoa Đàm sắp tới, chúng tôi mong mỏi đón nhận được nhiều bài tham luận của các bậc Tăng nhân, Cư sĩ trưởng thượng, của các anh chị Trưởng dày dạn kinh nghiệm, của anh chị Đoàn sinh trẻ, tất cả là những người luôn thao thức cho sự tồn tại vững chãi và sự tiến triển tốt đẹp của tổ chức GĐPT/VN trong ngoài nước.

Mọi góp ý, xin gởi về địa chỉ email:
hoadamnews@gmail.com

HOA ĐÀM

No comments:

Post a Comment