Thăm Động Postojna, Slovenia và Học bài Quản lý Du lịch Hang Động ở Nước Ta
Cách đây không lâu, tôi được dịp tham quan hang động Postojna cùng với hai người bạn đến từ Macedonia và Jordan. Thời tiết trong tuần không được thuận lợi, và ngày chúng tôi đi rơi vào ngày mưa, nhưng chẳng sao, trong lòng vẫn hừng hực đến chiêm ngưỡng hang động nổi tiếng bậc nhất này của châu Âu. Từ thủ đô Ljubljana đi tàu chừng một giờ là đến thị trấn Postojna, tiếp đó đi bộ 2 km tới điểm tham quan, lúc đến nơi trời đổ mưa tầm tã, chúng tôi loay hoay để gọi taxi thì được một người địa phương nhiệt tình chỉ thông tin, nhưng rồi ông ta đề nghị chở đến nơi và lấy 5 euro, nghĩ đó cũng là một cái giá hợp lý, chúng tôi gật đầu đồng ý, ông lái vòng vèo chừng vài phút là đến nơi, cũng may đường ngắn, không thì cái mùi trên xe có thể làm cả đám nôn ra. Dù sao cũng cảm ơn ông ấy đỡ mất thời gian chờ đợi.
Cả ba đi bộ chừng vài chục mét thì đến quầy bán vé, thật ra là một văn phòng được xây dựng khang trang và sạch sẽ. Trước khi mua vé có cô nhân viên mặc áo gió đồng phục màu cam chờ sẵn, cung cấp cho chúng tôi thông tin cụ thẻ từng điểm và giá cả. Khu vực tham quan gồm 4 nơi, mỗi nơi một giá khác nhau và có giá combo (giá kết hợp nhiều điểm với nhau). Chúng tôi chọn 3 điểm gồm hang động, bảo tàng và triển lãm Expo, điểm thứ 4 là tòa lâu đài trong vách núi nhưng cách xa địa điểm đến 9 km nên khá bất tiện, và cũng vì họ không có phương tiện vận chuyển khách đến nơi mà phải tự thuê taxi. Giá vé combo cho sinh viên là 26 Eur, còn khách thường là 32 Eur. Tuy là ngày mưa, nhưng vì rơi vào thời điểm du lịch nên rất đông khách và chủ yếu là khách đoàn đến từ nhiều nơi, bao gồm nhóm học sinh, và tất nhiên không thiếu nhóm khách Trung Quốc. Khách được chia ra làm hai nhóm, nhóm nói tiếng Slovenia và nhóm nói Tiếng Anh, hình như có thêm nhóm tiếng Tây Ban Nha. Khách tham quan bằng tàu điện, chừng 2 km đường tàu và đi bộ 1 km. Trong khi chờ đợi tàu đến, hệ thống Tivi chiếu hình ảnh bên trong động và những điều khách không nên làm khi vào bên trong, qua một clip hài hước và rất thông minh do ”người tiền sử” dẫn dắt ( xem clip đính kèm).
Chừng 10 phút chờ đợi thì tàu lửa đến, đầu tàu nhỏ nhắn đủ 1 người lái ngồi, kéo theo sau là một dãy ghế dài thường thược, cho chừng 200 người, mỗi 2 người một ghế, do kết cấu này đường ray cũng khá nhỏ, và có 2 đường ray, một lần có thể vận chuyển chừng 400 khách cùng một lúc. Sau khi khách ổn định chổ ngồi, tàu lăn bánh, không hề nghe tiếng động cơ, và âm thanh đường ray vừa đủ, tàu chạy chầm chậm qua từng không gian của hang động, chỉ có thể nói đẹp và kỳ vỹ. Hang động được hình thành chừng 4 triệu năm về trước, dài 20km, hơn 80 loài sinh sống, mà nổi tiếng là cá hình người (human fish). Hang có 2 tầng, khách đang tham quan ở tầng thứ 2, tầng đáy là một con sông ngầm, trên cùng là mặt đất cách 70m. Tàu chạy qua nhiều không gian khác nhau, có chỗ hẹp và thấp, có “phòng” cao và rộng với nhiều thạch nhũ đa màu sắc mà chủ yếu và trắng, đen và nâu, hệ thống đèn chiếu màu vàng làm các cột thạch nhũ đẹp lung linh hơn. Chừng 15 phút tàu dừng lại, và khách rời tàu đi bộ, lối đi được tráng si măng để chống trơn trượt, bên trong hang động luôn ẩm ướt và nhiệt độ giao động trong 10oC. Hệ thống đèn đủ sáng cho khách thấy lối đi, và cả hệ thống âm thanh đủ lớn để HDV (Hướng dẫn viên) viên thuyết minh. Nhóm khách nói Tiếng Anh mà chúng tôi đi cùng gần cả trăm người, thỉnh thoảng đi mà không thấy HDV đâu, nhưng theo cách họ tổ chức để cung cấp thông tin cho khách rất thông minh, và tạo sự chủ động cho khách tham quan, ví dụ ở mỗi điểm dừng đều có bản màu cam, có ký hiệu headphone trên đó và có gắn loa, khách thấy cái bản là tự động dừng lại chờ HDV thuyến minh. Có những nơi họ phải xây một chiếc cầu nhỏ, hay đào hầm để tàu hay khách đi qua, đường đi lót xi măng chống trượt (do ẩm ướt), rất dễ dàng và an toàn cho mọi đối tượng, gồm người già và trẻ em. Khi chúng tôi đi bộ qua gian phòng nọ, đèn bỗng tắt mấy giây, cả không gian tối đen như mực, chúng tôi đều nghĩ chắc là hệ thống đèn có lỗi, nhưng đến trạm dừng chân, cô HDV cười tươi nói “đó nhà một điều ngạc nhiên nhỏ mà chúng tôi giành cho các bạn, đèn khu vực đó sẽ tự tắt mỗi 30 phút để bạn cảm nhận môi trường thực sự của hang động khi không có đèn.” Lúc đó cả nhóm khách mới ồ lên thích thú. Chúng tôi tiếp tục đi thì đến một không gian rộng khác, rộng đến mức 2000 người có thể ngồi vừa, trần động cao hơn 30m, âm thanh vang to và rõ, chính vì vậy ở nơi đây một năm họ tổ chức đêm nhạc thính phòng vài lần, nhưng vì “hội trường tự nhiên” này quá gần mặt đất (chừng 60 m), khi mưa đến nước thấm và nhiễu xuống, là điều bất tiện duy nhất khiến họ không thể tổ chức thường xuyên. Ngạc nhiên là bên cạnh hội trường có một quầy bán đồ lưu đồ niệm bằng kính khá xinh xắn. Đi xuyên qua hội trường là kết thúc tham quan trong động, chúng tôi ngồi lại tàu điện và trở về cổng vào, tàu đi chừng 10 phút thì dừng lại tại con sông, cũng là điểm kết thúc chương trình. Khách có dịp nhìn con sông chảy qua trước khi tạm biệt hang động.
Phát triển xung quanh hang động còn có bảo tàng trưng bày các loại sinh vật sống trong hang, và cơ cấu hình thành hệ thống hang động ở Slovenia. Phương pháp trình bày sinh động, không chỉ cho thông tin rõ ràng, và các màng hình chiếu được tạo để khách tương tác. Không gian trong bảo tàng sống động bởi âm thanh nước chảy, chim hót, hay chuyển động của con sông dưới nền. Cách trình bày không hề nhàm chán mà thực sự gợi trí tò mò của du khách. Bên cạnh bảo tàng thì các khu lưu niệm bán các loại đá nhiều mầu sắc, trang sức, postcard, margnet, v.v được trang trí đẹp mắt, mời gọi khách.
Qua chuyến tham quan Postojna - một trong những hang động nổi tiếng nhất của Châu Âu, khiến tôi liên tưởng đến động Sơn Đoong, và tự hỏi về việc quản lý hang Động ở nước ta như thế nào. Năm 2015 tôi có dịp đi tuyến động Tú Làn do Oxalis tổ chức tại VQG Phong Nha Kẽ Bàng, tuyến bao gồm đi bộ và bơi trong và ngoài động chừng gần 30km, thông qua con 3 động khác nhau, điểm cắm trại tại gần miệng động, nơi con suối chảy qua, thiên nhiên đẹp hoang sơ, và hệ thống động bên trong thật tuyệt vời với thạch nhũ, sông chảy, bờ cát đặc trưng không thua kém gì Postojna. Ngoài Tú Làn, VQG Phong Nha Kẽ Bàng có hơn 300 hang động khác để phát triển du lịch. Hiện tại, dưới sự quản lý của VQG, công ty Oxalis đang khai thác khá bền vững loại hình Cave (tham quan động) này. Điều tôi cảm kích ở công ty là tinh thần du lịch trách nhiệm cao. Trước khi khách phải ký vào bản cam kết, trong đó yêu cầu không tổn hại đến tài nguyên trong động như bẻ thạch nhủ, lấy đá vv… HDV thu nhặt rác trong lúc đi, và không để lại dấu vết gì (ngoài dấu chân) trên tuyến đi, đấy là điểm mà bất kỳ điểm tham quan thiên nhiên nào cũng nên thực hiện.
Có thể nói nước ta rất may mắn được trời phú cho nguồn tài nguyên vô giá và rất độc đáo này, không phải nước nào trên thế giới cũng có kỳ quan hình thành bởi hàng triệu năm về trước. Chưa có thống kê rõ là nước ta có bao nhiêu hang động tất thảy, nhưng theo thống kê từng vùng, riêng Vinh Hạ Long có hơn 60 hang, VQG Phong Nha Kẽ Bàng hơn 300 hang, và còn những khu vực khác chưa nằm trong danh sách. Trong khi, mỗi quốc gia đang cố gắng tìm kiếm cho mình sản phẩm du lịch độc nhất để cạnh tranh trên thương trường quốc tế, thì hệ thống hang động của nước ta chính là điểm mạnh, nhưng lại là “hòn ngọc bị bỏ quên” trong sách lược quản bá du lịch của nước ta. Hiện tại, thế giới đang dần biết Việt Nam thông qua động Sơn Đoòng, được cho là Hang động lớn nhất Thế Giới nhờ vẻ đẹp kỳ vỹ và hệ thống khí hậu riêng bên trong động, điều này mang đến cho nước ta cả thách thức và cơ hội chuyển mình trong vị thế cạnh tranh với các nước lân cận. Tuy nhiên Sơn Đoòng vẫn đang là đề tài đang giằn co giữa các nhà môi trường và nhà kinh tế học, khai thác như thế nào để hiệu quả? Thực tế đã có rất nhiều ví dụ trên thế giới về việc cân bằng hai yếu tố này, Nhà nước vẫn tạo nguồn lợi từ Sơn Đoòng và các hang động khác trong khi kiểm soát hiệu quả sự tác động đến môi trường, để làm được điều này, trước tiên Nhà nước phải xem hệ thống hang động là tài sản quý của quốc gia và ưu tiên bảo tồn tài nguyên này, trong khi đó ban hành chính sách liên quan để “lèo lái” song song con đường bảo tồn và phát triển sản phẩm độc đáo này.
Qua việc tìm hiểu thông tin trên mạng về tình hình phát triển du lịch hang động của nước ta, tôi nhận thấy rằng Nhà nước ta chưa quan tâm đúng mức đến loại hình này, một phần vì ngành du lịch nước ta còn non trẻ, mặt khác vì chúng ta chưa nhận ra lợi thế mình đang có. Do vậy, tôi xin đưa ra một số gợi ý bổ xung sau nhằm góp một phần nào đó vào sự phát triển chung của ngành du lịch nước nhà.
Điều tiên quyết, và hiển nhiên là Nhà nước phải có kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn, có chính sách phát triển và bảo tồn các hang động một cách chi tiết, và quan trọng nhất là phải có quy trình chọn đúng nhà đầu tư để giao quả trứng vàng này. Để đạt được mục tiêu, theo tôi, Nhà nước cần có những bước đi sau:
- Xác định mục đích đầu tiên là bảo tồn, mục tiêu thứ 2 là phát triển du lịch. Việc xác định này sẽ là kim chỉ nam cho các quyết định về sau. Biết cái nào là ưu tiên trong mọi tình huống khi cần phải ra quyết định.
- Với số lượng hang động phong phú ở nước ta, và tình hình tăng trưởng của ngành du lịch hiện nay, rất cần thiết để hình thành tổ chức hay hiệp hội quản lý-bảo vệ- phát triển hang động Việt Nam nhằm tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực này. Hiệp hội nên được hình thành từ các nhóm chuyên gia có hiểu biết về thổ nhưỡng, kinh tế, quản lý, chiến lược, vv (tương tự như Hiệp hội Khách Sạn, Hiệp hội HDV, vv). Tất nhiên, so với quốc tế chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, và kiến thức thể phát triển loại hình du lịch mới này, do đó, khi ( tạm gọi) Hiệp hội/ tổ chức được hình thành, điều phải làm đầu tiên là mời chuyên gia quốc tế tư vấn, và làm việc cùng trong vài năm đầu, nhờ vậy chúng ta sẽ học được phong cách làm việc, công nghệ, và kiến thức của họ, sau đó chúng ta có thể tự vận hành. Hiện nay, EU đang giúp VN thực hiện chiến lượt Du Lịch Trách nhiệm ở VN, tương tự chúng ta nên đề xuất thêm hạn mục này.
- Việc lên chính sách nên có sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu, nhờ đó chiến lược lập ra mang tính chính xác và thực tiễn cao, các chiến lược (strategy), phải đi kèm với hành động ( action plan), tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhóm đầu tư ( evaluation system), v.v. Để làm được điều này, cần tìm kiếm các hình mẫu (benchmark) đã thành công trên thế giới để học hỏi theo, Postojna cave là một ví dụ. Thông qua các hình mẫu, ta có thể đánh giá được vị thế hiện tại thông qua điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh của hang động nước ta so với các nước lân cận và trên thế giới. Từ đó xây dựng cho chúng ta một thương hiệu (Branding) riêng cho loại hình du lịch này, hài hòa với Brand chung của quốc gia.
- Khuyến khích các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước (thông qua giải thưởng) liên quan đến động thực vật trong các hang động để tạo nguồn tư liệu, và phát triển một bảo tàng của các loại hình hang động ở Việt Nam. Ý tưởng thế giới đã làm từ lâu, chỉ là nước ta vẫn còn chậm, thông quá đó, các nghiên cứu tự do sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí nghiên cứu, mà còn khuyến khích các chuyên gia, sinh viên nghiên tự cứu khoa học, và bắt đầu kiến tạo nên tảng kiến thức về thiên nhiên cho cộng đồng nói chung cho các thế hệ sau. Nói cách khác, hang động nên mở cửa, tạo thuận lợi cho các nhóm học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh được tiếp cận thực địa ( nên được đưa vào chương trình giáo dục). Mặc khác, khi chứng kiến vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên qua các chuyến thực địa sẽ gợi nguồn cảm hứng, nâng tầm hiểu biết về tự nhiên. Và rằng, ai đã từng đi nhiều nơi và thấy sự tươi đẹp của thiên nhiên thường có xu hướng trở nên yêu thiên nhiên hơn, từ đó hình thành một ý thức bảo vệ.
- Nhà nước không thể hoàn toàn quản lý mọi mặt kinh tế học vi mô, do vậy, việc lựa chọn các tập đoàn tư nhân khai thác là chuyện đáng và phải làm. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, việc lựa chọn các tập đoàn thiếu tính minh mạch, người dân không được thông tin từ ban đầu, và tiêu chí cũng chưa rõ ràng, do vậy lòng tin vào quản lý nhà nước các tài nguyên này cũng sụt giảm, người dân thể hiện sự bất mãn, hay cảm thấy tài sản nghìn xưa của làng xã “tự nhiên bị chiếm” bới một kẻ lạ mặt nào đó. Để cải thiện, Nhà nước cần thiết nên thông tin về chính sách đến người dân trước khi thực hiện, thông báo rõ ràng mục đích và phương pháp như thế nào, đây chính là cách Nhà nước tôn trọng công dân của mình. Ngoài ra, Nhà nước cần thể hiện tính công bằng và minh mạch cho các nhà đầu tư, bằng việc mở đấu thầu các doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Không chỉ đơn thuần một tập đoàn lớn, với vốn đầu tư khổng lồ, trình kế hoạch lên chính phủ là nhận cái gật đầu dễ dàng, mà Nhà nước phải ở trong thế chủ động, quy tắc và có tính chọn lọc hơn, đề ra tiêu chí tuyển chọn cụ thể. Lập chiến lược phát triển du lịch dài hạn, xác định Bản đồ quy hoạch du lịch, xác định khu vực bảo tồn và khu vực cho phép phát triển du lịch. Trong các khu vực phát triển du lịch đó, Nhà nước kêu gọi nhà đầu tư không chỉ thông qua nguồn vốn, mà còn đánh giá nhà đầu tư tìm năng qua bản kế hoạch chi tiết về quy trình quản lý, kế hoạch bảo vệ tài nguyên, quản lý rác thải như thế nào, đào tạo nguồn nhân lực, cam kết của doanh nghiệp mang đến cộng đồng địa phương? Thuê nhân công bản địa hay đưa nhân công từ nơi khác tới? Mua vật tư trong nước ngày ngoài nước? Và hàng tá vấn đề khác cần phải cân nhắc trước khi lựa chọn một doanh nghiệp đầu tư cho phát triển điểm đến.
- Mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là nâng cao chất lượng sống của người dân, do đó, trong mọi chiến lược phát triển, việc đánh giá sức ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến người dân địa phương là hết sức cần thiết, như đánh giá mức độ thay đổi nguồn thu nhập, phát triển giáo dục đào tạo để đáp ứng nhu cầu du lịch, tăng trưởng cơ sở hạ tầng, sự quá tải của du khách trong các mùa du lịch, v.v và qua đó thiết lập phương án đối phó tương ứng.
Nhìn chung, có nhiều yếu tố và khía cạnh khác, phức tạp hơn trong việc phát triển loại hình du lịch độc đáo ở tầm quốc gia, đòi hỏi cách nhìn và nghiên cứu đa chiều từ các chuyên gia. Trong bài này chỉ đưa ra một vài ý kiến sơ bộ, dựa vào kinh nghiệm thực tế thông qua các chuyến đi, kinh nghiệm làm việc và kiến thức có được thông qua chương trình thạc sỹ quản trị du lịch. Mỗi đề xuất có thể tạo tiền đề và cần được phát triển hơn qua các thực nghiệm và nghiên cứu về sau.
Nguyễn Thị Hồng Hà
Tốt nghiệp ngành Quản Trị Du Lịch, Nhà hàng và Khách sạn trường ĐH Hoa Sen. Từng hoạt động trong lĩnh vực tổ chức đua thể thao mạo hiểm, quản lý dự án phát triển cộng đồng tại vườn quốc gia, thiết kế và điều phối chương trình( từ dưới 500 khách), phát triển sản phẩm du lịch. Là người yêu thích du lịch, thể thao, thiên nhiên và hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay đang học chương trình Thạc sỹ Quản trị du lịch Châu Âu (EMTM) ở Đan Mạch, Slovenia và Tây Ban Nha.
Link for Cave etiquette with the Caveman
https://www.youtube.com/watch?v=1bVPnUpHp_Q
Photos - Hồng Hà |