Wednesday, January 22, 2020

GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG

GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG

Thơ Phan Thanh Cương


“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi - đầu suối - những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.” (thơ PTC- Đèo Le 2)
Đọc 4 câu thơ trên của họ Phan viết khi trở về thăm quê cũ Quế Sơn Quảng Nam, nơi có ngọn đèo cao đi được đến đỉnh đèo là le lưỡi thở dốc, các bạn thấy bình thường không? Thật bình thường như lời đầu bài thơ này đã viết. Viết về ngọn đèo thì có núi, lá, suối, gió là bình thường, có người đứng nghỉ mệt bên đèo châm thuốc hút là bình thường, nhưng cái ý chính trong câu “Che tay bên này, gió thổi kia” là không bình thường. Và khi đọc hết những 33 bài thơ của Phan Thanh Cương trên Hương Xưa rồi ngẫm nghĩ, qủa thật thơ của chàng Cương không bình thường chút nào. Bài viết này là cảm nhận của riêng tôi về thơ của Phan Thanh Cương, viết về những điều bất thường đấy.
Lần đầu làm quen với thơ của Cương là một ngày giữa tháng 10 năm 2012, khi tôi mới biết đến trang mạng Hương Xưa, hôm đó có đăng bài thơ “Cõng Em”:
“Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bòng chút thôi
   Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em-em cõng-lưng trời-cõng mây”
Nhớ lại hôm ấy khi đọc bài thơ này tôi khoái chí tử. Biết là từ nay đã gặp một “chàng thơ” bất thường với lối ra thơ rất lạ, cũ mà rất mới, vừa tả chân hóm hỉnh cũng vừa lãng mạng ngút trời. Thơ mới đọc tưởng như đùa vui, nhưng đọc qua đọc lại, không còn cười vui được nữa mà thấy xót xa. Những động từ: cõng, dính, đèo bòng, cõng em, cõng mây, em cõng…rất thường ở ngoài nhưng trong thơ nó đã làm nên chuyện. Bài thơ đã kích động đến cá tính “ngang ngạnh, tưng tửng” của tôi. Thích cái nét ngộ nghĩnh, phá phách. Thích cái ngông nghênh, mộc mạc. Thích cái thong thả, ung dung. Thích cái liều lĩnh, bướng bỉnh. Và thích nhất là cái lối Cương mượn hình ảnh bên ngoài để nói lên sâu thẳm của lòng mình. Và rồi trong thơ, Cương đã vẽ những bức tranh đời mình không nhiều màu sắc, chỉ toàn màu đen, xám xịt, qua câu chữ:
“Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi (thơ PTC – Cõng Em)
Tết tháng Giêng 2014, hẹn trước với Cương bọn mình sẽ về thăm nhà, muốn gặp Cương. Tối 24 Tết đang ở chơi Dalat lạnh tê người, Cương gọi nói là đã uống hết 1 chai Henessy với Ngô Tín và chờ mình đến để mở chai thứ hai. Giọng nói người con trai xứ Quảng bao năm sống ở Saigon, thêm chút hơi men, lần đầu nghe làm cho trời Dalat lạnh trở nên ấm lại. Và rồi chúng tôi đã gặp Cương, cùng với ngựa hoang Nguyễn Đăng Trình, Kim Loan, Kim Đức và một số bạn hữu khác tại nhà hàng của gia đình Ngô Tín tối hôm sau. Người cũng như thơ, thoáng một chút ngang tàng, tưng tửng, phá cách nhưng rất ân cần, dễ gần, dễ mến. Mới bắt tay, bắt thật chặt, lần đầu mà như đã quen nhau từ rất lâu. Cương trong mắt vợ chồng tôi hôm ấy là một chàng đẹp trai, hóm hỉnh, thông minh, lanh lẹ, xin xỉn một cách tự nhiên, thật đáng yêu:
“Đêm cứ cạn ngày cứ sâu
Tắc kè phơi nắng gật đầu vì say”(thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và đêm hôm đó chúng tôi đã say, không phải vì nắng, mà vì tình thi hữu.
Các bạn vẫn chưa thấy cái gì là bất thường ở đây phải không? đọc tiếp nhé.
Có lần nghe chàng Cương tâm sự với tôi trên Hương XưaNăm em 25 tuổi, mất đi người vợ 21 tuổi, chỉ khác Đồi Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan là "người" để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi. Từ đó căn nhà còn lại đúng 3 thế hệ: mẹ, PTC và con trai. Cách đây 9 năm đứa con trai cũng đã theo mẹ, và cũng cách đây 7 năm mẹ PTC cũng đã theo cháu nội”
Tiễn 3 người thân nhất qua đời, thơ của Cương trở thành chỗ để người xưa quay về. Thấp thoáng trong mờ mịt của nhang đèn, hương khói đó là bóng hình của Mẹ, Vợ, và Con Trai. Và nhớ đến ngày tiễn người yêu cũ đi lấy chồng, người yêu mà chàng đã chỉ cõng được qua suối, nhưng không cõng theo được suốt cuộc đời chỉ vì:

“Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ”(thơ PTC-Cõng Em)
Gói những hình ảnh đau thương, buồn tủi đó trong hành trang cùng với quê nhà, chàng Cương xuôi Nam, sống trên đất Saigon xô bồ, làm lại cuộc đời, lâu lâu có dịp ra bờ sông Saigon, nhớ về giòng Thu Bồn, bên người vợ mới, Cương viết:
Ván thuyền ghép gỗ tình tôi
Mái chèo khua tự lòng người khua ra
   Để anh quét dọn phong ba
Giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền
   Ngồi ngay ngắn lại tình duyên
Giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao
….
   Chiếu chăn dành đắp qua hồn
Giũ cho sạch hết những phồn hoa xa
   Mai kia ta trở lại nhà…
Dắt theo ngọn sóng làm qùa quê xưa” (thơ PTC-Khoan Nhặt Trên Sông”
Tôi đặc biệt rất thích bài thơ này của Cương. Lời thơ nói lên độ trưởng thành chín mùi trong tình cảm Cương dành vun đắp tình vợ chồng nơi đất khách. Mất mác ta có thể tìm lại được, đau xót thời gian có thể làm nguôi đi, buồn thảm sẽ có ngày vui bù lại, biết thế nên trong trang sách mới đời mình, Cương trân trọng viết về những gì rất gần với mình. Tầm thường thôi nhưng rất đẹp. Thơ viết cho vợ đang sống khó hơn nhiều những bài thơ viết cho người yêu cũ. Nhưng Cương viết được, rất thật, rất gần, vì Cương trân qúi những gì mình đang có. Có người để cùng “giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền”. Và Cương đang cố “giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao”.
Từ giữa tháng Tư năm 2012 đến nay, Phan Thanh Cương đã cho chúng ta đọc tâm sự của chàng trên 30 bài thơ, không bài nào giống bài nào. Lúc đầu Cương viết nhiều bài thơ với chỉ 5 chữ, 4 câu. Sau đó có bài 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ rồi cuối cùng là lục bát. Những bài thơ 5,6,7, hay 8 chữ này Cương dành viết cho quê cũ, trường xưa. Cho người Mẹ, người Vợ qua đời, cho người tình cũ. Cương viết cho Tháng Tư chìa lìa, cho hoài niệm tuổi thơ, cho những mất mác của một thế hệ chưa lớn đã gìa.
Khi tả cái cảnh phân chia, chia đôi đất nước hay chia ly tình yêu, Cương tả bằng cảnh “rừng cây khô’, “hồ cạn đáy”. Rồi còn muốn cho rõ hơn, Cương viết:
“Tình đã chuyển dần sang lý
Giữa căn nhà- một vỹ tuyến chia đôi
   Trái đất quay nghiêng trốn ánh mặt trời
Đêm càng tối lằn ranh kia càng rõ”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Đố ai biết ngụ ý của Cương trong bài thơ này nói gì? Mới đọc thấy như nhà thơ nói đến cái cảnh hai người sống trong một căn nhà nhưng không hòa hợp. Nhưng đọc kỹ thì bắt gặp cái ý này:
   “Tôi không thể biến không thành có
Tay nhân gian không vẽ nổi thiên đường”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Cương muốn nói đến hình ảnh của Thiên Đường Mù (DTH) đấy, nhưng khéo léo trong ẩn dụ, Cương ép cong người mình xuống đất, trùm chăn lên tận đầu, như không thấy, không nghe , chờ thời gian qua nhanh:
   Thời gian qua,
Tiếng gọi thời gian như khách gọi phà,
Tôi vẫn giằng tâm bên tờ lịch rớt” (thơ PTC-Suối Reo – Tình Ngược)
Con buồn xa lạ giữa quê hương” (thơ NL), lòng của tôi năm 90 khi về thăm trường cũ, cũng như tấm lòng của Cương nhớ lại tháng Tư xưa:
Trường vẫn xưa và người rất mới
Có ai nhìn tôi như khách xa
Tôi lạc vào chính nơi thân thiết nhất
Mình ngồi, mình đứng những phôi pha” (thơ PTC-Về Trường Xưa)
Không như tôi, Cương xa trường, nhưng không xa đất nước, dù Saigon không phải là Quảng Nam, nhưng vẫn còn là đất Việt. Tháng Tư nhà thơ bỏ học, bỏ hết cái cũ, cố học cái mới, nhưng học làm sao được khi chỉ học trong mơ:
“Học cũng trong mơ mẹ ơi có biết
Ngước nhìn trời trách nhẹ một vì sao” (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Trách nhẹ “Một Vì Sao”, chỉ dám trách nhẹ thế thôi mà từ phương xa đọc đến đây tôi thấy đau điếng đến tê người. Không được tự do để nuốn nói gì thì nói, thơ của Cương không dám “cương” lên được. Không thiếu chữ để dùng, không thiếu từ để tả mà sao nghe như nghèn nghẹn trong lòng. Chịu đựng nhọc nhằn với nắng gío quê nhà, với hạn hán, với mất mùa, người thanh niên nhịn chịu suốt quãng đời thanh niên còi cọc rồi cũng phải lớn lên, không được bằng thân xác thì cũng bằng ý chí:
“Tuổi trẻ băng qua vụ mùa hạn hán,
Cây lúa ngập ngừng rồi cũng lớn theo tôi
….
Xác thân này mẹ nhịn áo cơm cho
Dọ dẫm thời gian trên bãi bờ khô cạn? (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Đủ lớn để có tình yêu và kỷ niệm, thế hệ của Cương chưa hưởng được bao nhiêu ngày nắng đẹp thì mưa bão tràn về. Cương phải xa trường gần biển, xa người yêu có mái tóc dài như hàng dương, đến vùng rừng núi cao dỡ đất trồng cây:
Ở rừng xa anh tin mình có được:
Cát trường xưa vàng nỗi nhớ trong nhau,
Con sông Hàn còn biết những xưa sau,
Chắc gì lặng im khi gã nông lâm tìm về nơi mới lớn” (thơ PTC-Tháng Tư)
Chắc từ vùng núi một thời làm gã nông lâm, nhà thơ leo lên, tuột xuống không biết bao nhiêu lần ngọn đèo cao dựng ngược, nên đã dành đến 6 bài thơ 8 chữ viết về Đèo Le, nơi cách biệt biển rừng, nơi xa tầm mắt anh em, nơi đã chia lìa tình yêu tuổi nhỏ. Anh ở trên núi, em ở gần biển, xa mặt nhưng quyết không xa lòng, nhà thơ vẫn ấp ủ hình bóng người yêu sống nơi phố thị, vẫn mong tựa vào nhau:
“Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau” (thơ PTC-Đèo Le 1)
Nhưng đời thay đổi không như Cương đã nghĩ:
“Em bên đông, anh ở bên tây
Bão bên em tạt qua bên này
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc,
Có chút gì vừa rơi qua tay…”(thơ PTC-Đèo Le 2)
Và họ đã mất nhau:
Đèo quanh co, lòng người cũng vậy
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo?
Bên kia, bên này- hai người đi vắng,
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo” (thơ PTC-Đèo Le 3)
Đọc hết 6 bài thơ Đèo Le của Cương, tôi nghĩ thời gian này là thời gian mà tình yêu Cương lên đến đỉnh điểm. Với cuồng nhiệt của tuổi thanh niên, thêm hừng hực lửa tình yêu trai gái, dẫu sống xa người yêu nhưng nhà thơ thấy rất gần với hạnh phúc. Nhưng rồi ước vọng một thời đã bỏ lại trên đèo, sau khi “Em có chồng trước, anh có vợ sau”. Ước vọng thời trai trẻ đó là mây, là mây bay giữa trời. Nhưng thực tế cuộc đời là bến đỗ bình yên:
“Hai bên đèo còn mưa, còn nắng,
Mây còn bay, núi vội an bài” (thơ PTC-Đèo Le 4)
Cương đem lời thơ tả tình, tả cảnh, tả nỗi lòng mình khi yêu cũng như khi xót. Thơ gạn lọc từng lời, trau chuốt từng câu, và chở nặng tương tư sầu mộng. Tình yêu nặng như thế mà Cương viết nhẹ hẫng như lông. Cương dấu lòng mình nơi cỏ hoa khi vui, và nơi giông bão khi buồn. Cương đau nhưng không nói, chỉ mượn gió thu, tiếng võng. Mượn hình ảnh hoàng hôn, hoa cúc. Khóc cùng với gió mưa và giòng sông cũ. Không dám trách người, cũng không dám trách cho số phận. Cứ cho đó là chuyện bình thường:
Đời vẫn là sông, sông cứ chảy
Nước hoàng hôn không trở lại đầu ngày” (thơ PTC-Sóng Thu)
Ừ! Thì cứ cho là bình thường đi vì tình yêu có đến rồi đi, có ngày nắng thì có đêm mưa, nhưng thế gian này có biết bao tình yêu cũ, có mấy ai làm mới lại được bao giờ, mà họ Phan làm được trong thơ. Với Cương thơ là những giòng tâm sự, tâm sự về đời mình, tâm sự về những điều thầm kín. Nhưng qúa khéo léo và tài ba qua cách dùng chữ, chuyện có bất thường mấy cũng thành bình thường với nhà thơ, và từ đó thơ của Cương dễ đi vào lòng người, và vào rồi thì ở luôn trong đó. Không cần dùng những từ hoa mỹ, khó tiêu, hay thừa thãi chỉ có âm mà không có nghĩa. Thơ của Cương không thiếu, cũng không thừa. Đọc đến hết là hết. Nhưng cái bất thường ở chỗ là từ cuối bài thơ ta bắt đầu nhẩm lại những chữ đầu đến cuối mới thấy hết cái hay. Có nhiều bài thơ của các tác gỉa khác chỉ hay một câu, và trong câu đó chỉ một chữ lạ là làm nên bài thơ nhớ đời. Thơ của Cương giàu hơn, không hiểu là vì tác gỉa chắc lọc hay là vì kho tàng ngôn ngữ thơ của Cương qúa phong phú nên tha hồ mà chọn. Chọn được chữ vừa hay ở cái ý nghĩa và hay cả vần điệu. Không o ép, rất vừa vặn, cả từ lẫn tình.
Từ đầu tháng 10 năm 2012, Cương bắt đầu gởi lên HX những bài thơ lục bác. Khác với những bài thơ 5,6,7, 8 chữ Cương đã dùng để tả những bực dọc, xót xa, và suy tư thì khi vào với lục bác, thơ của Cương bắt đầu đung đưa nhẹ nhàng. Trong khuôn khổ bằng trắc thật chỉnh chu, thơ của Cương dịu êm theo vần điệu như bài ca dao, như lời ru của mẹ. Lục bác của Cương rất mượt mà, bóng bẩy, nhưng không làm dáng. Bài thơ Ru Em đăng ngày 28 tháng 9 năm này có những câu thơ thật tình:
“Mượn hương hoa cỏ đâu đây
Mượn trăng làm gối mượn mây chỗ nằm
   Ru người cùng với xa xăm
Bãi dâu xanh lá con tằm nhả tơ” (thơ PTC-Ru Em)
Nói là ru em nhưng cả bài không nhắc đến em, chỉ nhắc đến người, và người em trong bài thơ là em của mọi người. Còn hình ảnh thì lấy trăng lưỡi liềm làm gối, mây bàng bạt làm giường . Gối đó, giường đây nhưng sự đợi chờ vẫn còn xa lắc. Thi sĩ họ Phan dùng khổ thơ lục bác để viết về những tình cảm nhẹ nhàng, xa xăm, mơ hồ. Lời thơ quần quyện, quấn quít vào nhau như đan xen giữa mộng và thực, giữa hư ảo và hiển hiện. Trong tâm linh sâu thẳm và vô thức, thơ của Cương nổi lên, gõ nhẹ lên bờ mặt của tri thức, rồi từ từ chìm vào tiềm thức. Không ngủ yên trong đó lâu, đọc đến một bài thơ khác thì sóng lòng xưa trổi dậy. Ba bài thơ: Mắt Em, Môi Em và Tóc Em, mỗi bài viết cách nhau mỗi tháng, nhưng không rời xa nhau như mắt trên môi, bên tóc:
-       “Cảm ơn đôi mắt nhìn anh
Nhìn anh giữa những màu xanh đất trời” (thơ PTC-Mắt Em)
-       “Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian” (thơ PTC-Tóc Em)
-       “Răng em trắng buổi tương phùng,
Ai đem hạt ngọc lát cùng giữa hoa” (thơ PTC- Môi Em)
Ba bài thơ, ba màu: màu mắt xanh, màu tóc nâu và màu răng trắng. Rất rõ qua cách tả chân nhưng tả qúa chi tiết, tinh tế đến mức thật đáng yêu. Bài đầu thì tả lúc mới quen nhau qua ánh mắt, ánh mắt có “hai nét cọ vẽ đôi lá lành”. Đến lúc gần nhau vuốt tóc để thấy “không âm mà vẫn tình tang với mình”. Gần hơn chút nữa thì việc gì đã xảy ra trong câu “nụ hôn anh chở phù sa đắp bối”? Diễn biến tình yêu qua ba giai đoạn thời gian, qua ba hình ảnh trên người con gái: cái mắc cở ở xa để nhìn, cái gần tình tứ để vuốt ve, và cái cận kề để cho để nhận. Thơ viết được như thế có còn gọi là bình thường không?
Còn nữa, khi tả cảnh vợ chồng, Cương không nhắc tới những lúc vui hạnh phúc, chỉ tả lúc giận buồn, lúc cơm lạnh canh nguội, lúc mà chàng thấy cần nàng nhiều nhất, vì lúc ấy mới thấy hạnh phúc những khi nàng bên chàng như thế nào:
-       “Gạo tôi lén trộn thơ tình
Em đi, thơ chín một mình tôi nhai” (thơ PTC-Cơm-Thơ)
-       “Tôi vừa viết một cơn mưa
Bốn phương ướt sũng lại chừa nồi canh” (thơ PTC-Quên)
Đọc mấy câu thơ này của mấy ông, tôi nghĩ chắc mấy bà khi giận bỏ nhà đi nhưng “mắt vẫn để lại nhà” vì sợ ở nhà “có thơ mùi khét an lành” hay có đi xa cũng vội quay về. Vừa đi vừa tủm tỉm cười thầm.
Thơ của Cương, khi viết về người nữ, lời thơ trở nên hoa bướm, lả lơi:
Dáng cong qua đoạn hiểm nghèo,
Anh con ong mật lần theo chốn này
   Dáng ngồi ngưng đọng khóm mây
Hình như bàn ghế còn bay hương người” (thơ PTC-Dáng Xuân)
Đọc mấy câu thơ trên của Cương tôi cũng tủm tỉm cười hoài, vì nét độc đáo, lẳng lơ nhưng thanh tao đến vô cùng. Không dám bạo dạn, sỗ sàng vì đây là thơ, nhưng tay chân cũng táy máy, tò mò khi nhìn cái gì cong cong, Cương đành mượn con ong mật đi hành quân thế cho bàn tay mình. Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng. Thơ là sản phẩm của xúc cảm, là tiếng vang vọng của tâm tư, là tâm sự, đúng là tâm sự không nói thành lời, mà chở nhờ trong con chữ. Ngôn ngữ thơ của Phan Thanh Cương đến từ một nơi có nhiều hình ảnh, âm thanh, tư tưởng. Thấy rất thực, nghe rất rõ, nhưng phải cẩn thận đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết những cái hay của nó. Tác gỉa không đánh đố người đọc, nhưng cũng không để lời thơ trần trụi phơi bày. Đọc thơ Cương chịu khó bóc bỏ cái vỏ bọc bên ngoài, để thấy phần hồn, cái tác gỉa dấu nhưng không diếm bên trong. Bài thơ “Tiễn Người Trong Mưa” đã nói lên những gì như tôi nghĩ:
“Mưa quên tiếng chạm rạc rào
Hạt mưa rơi đúng chỗ nào cần rơi
…..
   Dính da là áo em thưa
Dính anh, còn những thiếu thừa tương lai
…..
   Nón cùng anh đội tiễn đưa
Tình cùng anh đội khoảng trời mưa giông” (thơ PTC-Tiễn Người Trong Mưa)
Tới đây bạn đọc vẫn chưa thấy điều gì bất thường chứ gì. Thì ta đọc tiếp. Có hai bài thơ viết về Mẹ của Cương đăng trên HX : “Hoàng Hôn Mẹ” và “Trong Gió Xuân” mà tôi cho là hai bài thơ viết cho Mẹ hay nhất từ người con trai mà tôi đã đọc từ trước đến giờ. Như lời tác gỉa đã tâm sự trên đây, vợ Cương mất sớm để lại đứa con trai nhỏ. Bà Nội thay Mẹ nuôi cháu. Rồi cháu cũng đi và không lâu Bà cũng đi theo. Trong một thời gian ngắn, Cương mất hết người thân.Thơ khóc thay cho nước mắt, Cương dùng những tình cảm đẹp nhất để dành viết trong thơ cho những người đã bỏ anh đi. Cho Mẹ, Cương đã viết:
-       “Quanh năm áo mẹ vai sờn
Vết chai thành đá năm hơn tháng dài
…..
   Xưa tre lớn bỡi đọt măng
Nay con già bỡi nhọc nhằn mẹ ơi” (thơ PTC-Trong Gío Xuân)
-       “Cuộc đời có mấy vòng xoay
Xoay qua vòng cuối mới hay được mình
   Con đi ôm hết bình minh
Để lại mẹ với vô tình – hoàng hôn (thơ PTC-Hoàng Hôn Mẹ”
Cho người vợ trẻ qua đời, người chồng tên Cương viết:
Ngủ đi đừng đếm sao khuya
Bao nhiêu ngọn lớn đã chia em rồi
   Chuông chùa đổ một tràng thôi
Không trong lồng kín tôi nào muốn bay” (thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và cho đứa con trai mệnh yểu người cha trẻ đã khóc:
   “Càn khôn quay trật tòng tong
Măng đi để lại tre ong óng vàng
…..
   Kêu không bằng miệng: con ơi
Ba không muốn ép núi đồi phải nghe (thơ PTC-Viết Ngày Sinh Nhật Con)
Viết cho người thân yêu đã khuất, Cương không dùng những từ ngữ than khóc, sầu bi. Thay vào đó tác gỉa đã dùng: “Thơ là nhang khói bay quanh chốn này”, để chỉ ngậm ngùi: “Lỡ quên bấm một nốt tay. Là tôi thả cánh chim bay về trời”, và để cho cạn lời: “Rượu vơi còn đọng đáy chai nỗi lòng” . Không một câu than thở nhưng nghe như xé ruột bầm gan. Sợ người đọc buồn lây, tác gỉa dùng những câu chữ hơi tưng tửng: lai rai, tòng tong, ong óng, mở ngực ra khoe, khơi khơi, lững lờ…như để tự an ủi là mình không còn buồn nữa, nhưng ta đọc lên là liền lấy tay quệt nước mắt, rồi sau đó cười khan.
Ngoài những bài thơ rất thơ, Cương còn nhuộm màu hóm hỉnh rất có duyên lên vài bài thơ khác. Thơ tưởng chỉ dùng để trêu ngươi, đùa cợt, nhưng đó chỉ là trên thi ngữ thôi, đọc xong rồi biết:
“ Tôi say gió đẩy về nhà
Thấy mẹ thằng bé tưởng là cố nhân
   Sáng ra có một vết bầm
Người xưa đùa giỡn trên phần da tôi” (thơ PTC-Gọi Nhầm)
Đùa giỡn được không? Tôi thấy đau như dao chém chứ không nhẹ như một vết bầm. Viết về nỗi đau, cái mất mà không cho người đọc thấy đau, thấy mất, chỉ thấy tức cười, cười lăn cười bò, cười đến lộn ruột, khi đọc bài thơ Dấu Mông Chiều. Qua bài thơ này, ai cũng thấy cái tài cù lét, chọc cười của Cương thượng thừa đến mức nào. Táo tếu không chịu được:
“Hai vòng cuồn cuộn ngóng trông
Đôi nắp vung ngửa tôi đong trời chiều” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Nói thật nếu tác gỉa không dùng tựa đề như trên, đọc bài thơ này ai mà hiểu được ý nhà thơ muốn tả cái gì. Cuối cùng cũng chỉ muốn nói:
Người về đứng giữa đổi thay
Nghiêng vung tuông tuột chiều ngày xưa tôi” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Không nghiêm túc vì dùng chữ “tuông tuột” ở đây phải không? bình thường thôi. Vậy thì trước khi đọc thơ của họ Phan, ta phải chuẩn bị một cái đầu biết quan sát, một trái tim mở rộng, và phải bỏ hết những kinh nghiệm đọc thơ xưa cũ, để bắt đầu nghe những cái rất mới. Lúc đầu có thể chưa thích, nhưng sau đó đâm ghiền. Không biết tự bao giờ, và do đâu, những nhà thơ đến từ xứ Quảng có lối làm thơ têu tếu mà thâm. Chữ nghĩa đối với họ chỉ để làm vui tai qua cái âm khi đọc lên. Nhưng cái ý nghĩa thì sâu thăm thẳm. Họ không ngần ngại dùng những chữ thật tầm thường, nhưng khi cho vào câu thơ, nó mang một bộ áo mới. Từ Bùi Giáng đến Luân Hoán, từ Phan Khôi nay đến Phan Thanh Cương, cái tưng tửng chết người ấy, dai dẳng đeo theo ta, làm cho ta nhớ mãi. Hình ảnh con người ấy với giọng thơ bất cần ấy không lẫn vào đám đông thi nhân. Nếu muốn đọc thơ một cách nghiêm trang với khuôn mặt một ông thần trong miếu thì đừng đọc thơ những người này.
Khi xưa Trần Tế Xương vì bất mãn với đời mà làm thơ trào phúng, cay cú. Nay Cương cũng có bất mãn, nhưng sống được, chịu được, nhưng không thể nhịn được. Trên đây đã nói, thơ đến từ cảm xúc, nhà thơ là người giàu xúc cảm. Làm sao không viết ra khi thấy nhiều thứ chung quanh làm ta buồn, đau, và có khi hận. Ba bài thơ: Tiền Ca 1, Tiền Ca 2 và Chiếc Cân Ngày Đó tác gỉa đã dùng để nói lên cái xã hội sống vị vật chất hôm nay. Hãy nghe Cương tả:
-       Theo sông hát cạn ngày hè
Tiền không dùi trống mà nghe xập xình” (thơ PTC-Tiền Ca 1)
-       “Trăng trời ẩn nấp ba mươi
Tiền tôi khuất bóng về nơi phía rằm (thơ PTC-Tiền Ca 2)
-       “Đêm xa mơ thấy trầu cau
Cố quên người móc lên đầu chiếc cân (thơ PTC-Chiếc Cân Ngày Đó)
Cũng bình thường thôi vì những gì nhà thơ viết ra là điều nhiều người biết. Nhưng chắc chắn cái bất thường ở đây là không ai viết được một cách dí dỏm như vậy. Đem tình cảm nghiêm túc mình ra đùa cợt cũng là cách giúp cho tác gỉa tự an ủi với đời, với tình yêu như thế này:
   “Nhìn tôi em thấy những đâu
Tôi như mấy trắng chuyển màu sang đen
   …..
   Còn quen cho trái tình cờ
Hết quen đổi qủa bất ngờ nhân duyên  
…..
   Thả em về những câu thơ
“Tình cờ” xưa vơi “bất ngờ” làm vui
   Để mai em ngó lên trời
Mây tôi trắng lại thuở người nhuộm đen (thơ PTC-Gió Xa)
Viết một hơi hơn 10 trang giấy mà vẫn chưa nói hết những gì cần nói về cái bất thường trong thơ của Phan Thanh Cương. Viết thêm nữa sợ bạn đọc chán qúa vì dài. Bạn đọc cần biết thêm thơ của Cương có những đặc điểm nào nữa không bình thường thì vào đọc những bài thơ cũ Cương đã cho lên Hương Xưa từ trước đến giờ, nhất là đọc những lời phản hồi của bạn đọc, để xem tôi có nói ngoa không. Còn tôi, nhớ lại hôm tháng tư, ngồi ở trời Tây nhớ về trời Đông, đọc bài thơ
Thoáng Quê
nghé con gập ghềnh tìm mẹ    

chắc chi mình nó chạy tìm    

người về chạy qua vườn cũ

cỏ cây xa lạ đứng im

cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn          

chắc chi mình nó gọi bầy      

người về vào trong ẩn giọng

tiếng lòng đo được  bằng giây

rộn ràng con chim chột dột        

cỏ tranh móc ngọn tre quê          

cuối chiều vàng theo cái tổ

nhà xưa trắng buổi quay về?

Và tôi đã khóc khi viết phản hồi cho Cương trên Hương Xưa:
Gởi Cương,
Thơ của Cương anh phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì không bao giờ đọc hết một lần, vì sợ đọc xong chữ thì hết nhưng lòng cảm chỉ mới bắt đầu. Nếu có ai hỏi anh ngay bây giờ anh đang nghĩ gì, anh sẽ bảo anh đang bị bài thơ của Cương làm nóng rát ruột gan và ràn rụa nước mắt. Đúng đấy, một bài thơ viết không biết tự lúc nào nhưng cho đăng vào thời điểm này thật không còn ý nghĩ nào lớn hơn. Hình ảnh con chim cuốc của em trong thơ anh ngỡ như em đang viết về những người xa quê như anh, kêu hoài cái tiếng kêu não lòng ấy mà có tìm lại qua khứ được đâu! Lời con chim quốc (cuốc) đau lòng : "Anh một mình như chim cuốc lạc đôi" của anh, em đã mượn và đưa vào thơ: 


"cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn 
chắc chi mình nó gọi bầy 
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây"...

Năm xưa, anh có đứa em gái bị cho lên rừng:


"Em mót củi nhặt cây khô đun bếp
Nước suối gánh về nấu cháo thay cơm
Nhà phố thị bỏ lên rừng làm rẫy
Thân sậy giữa rừng, đau đớn, rét run"

Ở phương xa, người anh nghe tin chỉ biết nhìn trời mà khóc:

"Cảm ơn ai cho em bài học lớn
Con thú là người chỉ thiếu hai tay"

Người em gái năm ấy, bây giờ là cô giáo dạy Văn, mà đọc những giòng chữ này chắc nó cũng sẽ khóc như anh đang khóc đây. Nhưng bây giờ nước mắt của Anh không còn dành cho riêng nó, cho riêng ai, mà cho những gì rất khác.


Cũng bình thường thôi! phải không Cương.
Nguyên Lương
Horsham tháng 11, 2014

p.s. Bonus: 


CÕNG EM
Phan Thanh Cương

Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bồng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em – em cõng – lưng trời – cõng mây
Nụ cười em, gió ngang vai
Tiếng chân rẽ nước thành hai giọng cười
Cõng em chồng nắng lên đôi
Nhẹ như lau lách vẫy lời yêu thương

Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ
Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi
Ngực em còn ấm lưng tôi
Mưa khuya có lạnh nửa người không em?…

Monday, January 20, 2020

Giới Thiệu Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam

Trí Siêu và Tuệ Sỹ: Giới Thiệu Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam

 Yo vo, ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca
desito paññatto, so vo mamaccayena satthā.
SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHIÊN DỊCH
Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật có di giáo tối hậu cho các chúng đệ tử: “Pháp và Luật mà Ta đã thuyết và qui định, là Đạo Sư của các ngươi sau khi Ta diệt độ.” Phụng hành di giáo của đức Thế Tôn, các vị Trưởng lão A-la-hán đã thực hiện cuộc kiết tập lần thứ nhất tại thành Vương Xá, cùng hòa hiệp phúng tụng tất cả những điều đã được Phật giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm năm giáo hóa; nền tảng của văn hiến Phật giáo mà về sau được gọi là Tam tạng được thành lập từ đó.
Kể từ đó, giáo pháp của đức Thích Tôn theo bước chân du hóa của các Thánh đệ tử lan tỏa khắp bốn phương. Nơi nào Giáo pháp được truyền đến, nơi đó bốn chúng đệ tử học tập và hành trì theo phương ngôn của bản địa, như điều đã được đức Phật chỉ giáo: anujānāmi, bhikkhave, sakāya niruttiyā buddhavacanaṃ pariyāpuṇitun’ti. “Này các Tỳ kheo, Ta cho phép các ngươi học Phật ngôn bằng chính phương ngữ của mình.” Y cứ theo lời dạy này, ngay từ khởi thủy Phật ngôn đã được chuyển thể qua nhiều phương ngữ khác nhau.
Khi các bộ phái Phật giáo phát triển, mỗi bộ phái cố gắng thành lập Tam tạng Thánh điển theo phương ngữ của địa phương được xem là căn cứ địa. Khi mà hệ thống văn tự tại Cổ Ấn Độ chưa phổ biến, sự lưu truyền Thánh điển bằng khẩu truyền là phương tiện chính. Do khẩu truyền, những biến âm do khẩu âm của từng địa phương khác nhau thỉnh thoảng cũng ảnh hưởng đến một vài thay đổi nhỏ trong các văn bản. Những biến thiên âm vận ấy trong nhiều trường hợp dẫn đến những giải thích khác nhau về một điểm giáo nghĩa giữa các bộ phái. Tuy nhiên, nhìn từ đại thể, các giáo nghĩa trọng yếu vẫn được hiểu và hành trì như nhau giữa tất cả các truyền thống, Nam phương cũng như Bắc phương. Điều có thể được khẳng định qua các công trình nghiên cứu tỉ giảo về văn bản trong hai nguồn văn hệ Phật giáo hiện tại: Pali và Hán tạng. Các bản Hán dịch xuất xứ từ A-hàm, và các bản văn Pali hiện đọc được, đại bộ phận đều nhất trí. Do đó, những điều được cho là dị biệt giữa hai truyền thống Nam và Bắc phương, mà thường hiểu lệch lạc là Tiểu thừa và Đại thừa, chỉ là sự khác biệt bởi môi trường lịch sử văn minh theo các địa phương và dân tộc. Đó là sự khác biệt giữa nguyên thủy và phát triển. Phật pháp truyền sang phương Nam, đến các nước Nam Á, nơi đó sự phát triển văn minh và các định chế xã hội chưa đến mức phức tạp, nên giáo pháp của Phật được hiểu và hành gần với nguyên thủy. Về phương Bắc, tại các vùng Đông Bắc Ấn, và Tây Bắc Trung Quốc, nhiều chủng tộc dị biệt, nhiều nền văn hóa khác nhau, và cũng do đó cũng xuất hiện nhiều định chế xã hội khác nhau. Phật pháp được truyền vào đó, một thời đã trở thành quốc giáo của nhiều nước.Thích ứng theo sự phát triển của đất nước ấy, từ ngôn ngữ, phong tục, định chế xã hội, giáo pháp của đức Phật cũng dần dần được bản địa hóa.
Thánh điển Tam tạng là nguồn suối cho tất cả nhận thức về Phật pháp, để học tập và hành trì, cũng như để nghiên cứu. Kinh tạng và Luật tạng là tập đại thành Pháp và Luật do chính đức Phật giảng dạy và quy định, là sở y cho tri thức và hành trì của Thánh đệ tử để tiến tới thành tựu cứu cánh Minh và Hành. Kinh và Luật cũng bao gồm những diễn giải của các Thánh đệ tử được thân truyền từ kim khẩu của đức Phật. Luận tạng, theo truyền thống Thượng tọa bộ Nam phương, và cũng theo truyền thống Hữu bộ, do chính đức Phật thuyết. Nhưng các đại luận sư như Thế Thân (Vasubandhu), cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới hiện đại, đều không công nhận truyền thuyết này, mà cho rằng đó là tập đại thành các công trình phân tích, quảng diễn, và hệ thống hóa những điều đã được Phật thuyết trong Pháp và Luật. Kinh và Luật tạng được thành lập trong một khoảng thời gian nhất định, trực tiếp hoặc gián tiếp từ kim khẩu của Phật, và là sở y chung cho tất cả các bộ phái Phật giáo, bao gồm cả Phật giáo Đại thừa, mặc dù có những sai biệt do vấn đề truyền khẩu với các khẩu âm và phương ngữ khác nhau, theo thời gian và địa vức. Luận tạng là bộ phận Thánh điển phản ánh lịch sử phát triển của Phật giáo, bao gồm các phương diện tín ngưỡng tôn giáo, tư duy triết học, nghiên cứu khoa học, định chế và tổ chức xã hội chính trị. Tổng quát mà nói, đó không chỉ là phản ánh lịch sử phát triển của nội bộ Phật giáo, mà trong đó cũng phản ánh toàn bộ văn minh tại những nơi đạo Phật được truyền đến. Điều này cũng được chứng minh cụ thể bởi lịch sử Việt nam.
Mỗi bộ phái Phật giáo tự xây dựng cho mình một nền văn hiến Luận tạng riêng biệt, tập hợp các luận giải giáo nghĩa, bảo vệ kiến giải Phật pháp của mình, bài trừ các quan điểm dị học. Đây là nền văn hiến đồ sộ, liên tục phát triển trên nhiều khu vực địa lý khác nhau. Cho đến khi Hồi giáo bành trướng tại Ấn độ, Phật giáo bị đào thải. Một bộ phận văn hiến Phật giáo được chuyển sang Tây Tạng, qua các bản dịch Phạn Tạng, và một số lớn nguyên bản Phạn văn được bảo trì. Một bộ phận khác, lớn nhất, gần như hoàn chỉnh nhất, văn hiến Phật giáo được chuyển dịch sang Hán tạng, bao gồm hầu hết mọi xu hướng tư tưởng dị biệt của Phật giáo phát triển trong lịch sử Ấn Độ, từ Nguyên thủy, Bộ phái, Đại thừa, cho đến Mật giáo. Truyền thuyết ghi rằng Phật giáo được truyền vào Trung Hoa dưới đời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 (tl. 65), và bản kinh Phật đầu tiên được dịch sang Hán văn là kinh Tứ thập nhị chương, do Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan. Nhưng truyền thuyết này không được nhất trí hoàn toàn giữa các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Điều chắc chắn là Khang Tăng Hội, quê quánViệt nam, xuất phát từ Giao Chỉ (Việt Nam), đã đưa Phật giáo vào Giang Tây, miền Nam Trung Hoa. Các công trình phiên dịch và chú giải của Khang Tăng Hội đã chứng tỏ rằng trước đó, tức từ năm thứ 247 kỷ nguyên tây lịch, thời gian được nói là Tăng Hội vào đất Kiến Nghiệp, quy y cho Tôn Quyền, Phật giáo đã phát triển đến một hình thái nhất định tại Việt Nam, cùng một số kinh Phật được phiên dịch. Điều này cũng được củng cố thêm bởi những điều được ghi chép trong Mâu Tử Lý hoặc luận. Có lẽ do hậu quả của thời kỳ Bắc thuộc, hầu hết những điều được tìm thấy trong hành trạng của Khang Tăng Hội và trong ghi chép của Mâu Tử đều bị xóa sạch. Chỉ tồn tại những gì được ghi nhận là truyền từ Trung Quốc.
Dịch giả Phạn Hán đầu tiên tại Trung Quốc được khẳng định là An Thế Cao (đến Trung quốc trong khoảng tl. 147 – 167). Tất nhiên trước đó hẳn cũng có các dịch giả khác mà tên tuổi không được ghi nhận. Lương Tăng Hựu căn cứ trên bản Kinh lục xưa nhất của Đạo An (tl. 312 – 385) ghi nhận có chừng 134 kinh không rõ dịch giả; và do đó cũng không xác định trước hay sau An Thế Cao. Sự nghiệp phiên dịch Phật kinh Phạn Hán liên tục từ An Thế Cao, cho đến các đời Minh, Thanh được tập thành trong 32 tập của Đại chính, bao gồm Thánh điển nguyên thủy, Bộ phái, Đại thừa, Mật giáo, 1692 bộ. Những trước tác của Trung Hoa, từ sớ giải, luận giải, cho đến sử truyện, du ký, v.v., tập thành từ tập 33 đến 55 trong Đại chính, gồm 1492 tác phẩm. Số tác phẩm được ấn hành trong Tục tạng chữ Vạn còn nhiều hơn thế nữa. Đây là hai bản Hán tạng tương đối đầy đủ nhất, trong đó tạng Đại chính được sử dụng rộng rãi trên quy mô thế giới.
Sự nghiệp phiên dịch Kinh điển ở nước ta được bắt đầu rất sớm, có thể trước cả thời Khang Tăng Hội, mà dấu vết có thể tìm thấy trong Lục độ tập kinh. Ngôn ngữ phiên dịch của Khang Tăng Hội là Hán văn. Hiện chưa có phát hiện nào về các bản dịch Kinh Phật bằng tiếng quốc âm. Suốt trong thời kỳ Bắc thuộc, do nhu cầu tinh thông Hán văn như là sách lược cấp thời để đối phó sự đồng hóa của phương Bắc, Hán văn trở thành ngôn ngữ thống trị. Vì vậy công trình phiên dịch Kinh điển thành quốc âm không thể thực hiện. Bởi vì, công trình phiên dịch Tam tạng tại Trung Hoa thành tựu đồ sộ được thấy ngày nay chủ yếu do sự bảo trợ của triều đình. Quốc âm chỉ được dùng như là phương tiện hoằng pháp trong nhân gian. Cho đến thời Pháp thuộc, trước tình trạng vong quốc và sự đe dọa bởi văn hóa xâm lược, văn hóa dân tộc có nguy cơ mất gốc, cho nên sơn môn phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, phổ biến kinh điển bằng tiếng quốc âm qua ký tự La-tinh. Từ đó, lần lượt các Kinh điển quan trọng từ Hán tạng được phiên dịch theo nhu cầu học và tu của Tăng già và Phật tử tại gia. Phần lớn các Kinh điển này đều thuộc Đại thừa, chỉ một số rất ít được trích dịch từ các A-hàm. Dù Đại thừa hay A-hàm, các Kinh Luận được phiên dịch đều không theo một hệ thống nào cả. Do đó sự nghiên cứu Phật học Việt Nam vẫn chưa có cơ sở chắc chắn. Mặt khác, do ảnh hưởng ngữ pháp Phạn, các bản dịch Hán hàm chứa một số vấn đề ngữ pháp Phạn Hán khiến cho ngay cả các nhà chú giải Kinh điển lớn như Cát Tạng, Trí Khải cũng phạm phải rất nhiều sai lầm. Chính Ngạn Tông, người tổ chức dịch trường theo lệnh của Tùy Dạng đế đã nêu lên một số sai lầm này. Cho đến Huyền Trang, vì phát hiện nhiều sai lầm trong các bản Hán dịch nên quyết tâm nhập Trúc cầu pháp, bất chấp lệnh cấm của triều đình và các nguy hiểm trên lộ trình.
Ngày nay, do sự phát hiện nhiều bản Kinh Luận quan trọng bằng tiếng Sanskrit, cũng như sự phổ biến ngôn ngữ Tây Tạng, mà phần lớn Kinh điển Sanskrit được phiên dịch, nên nhiều công trình chỉnh lý được thực hiện cho các bản dịch Phạn Hán. Thêm vào đó, do sự phổ biến ngôn ngữ Pali, vốn được xem là ngôn ngữ Thánh điển gần với nguyên thuyết nhất, một số sai lầm trong các bản dịch A-hàm cũng được chỉnh lý, và tỉ giảo, khiến cho lời dạy của Đức Thích Tôn được thọ trì một cách trong sáng hơn.
Trên đây là những nhận thức cơ bản để Ban phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam y theo đó mà thực hiện các bản dịch. Trước hết, là bản dịch các kinh A-hàm đang được giới thiệu ở đây. Các kinh thuộc bộ A-hàm được dịch sang Hán rất sớm, kể từ thời Hậu Hán với An Thế Cao. Nhưng phần lớn các truyền bản này đều phát xuất từ Tây vực, từ các nước Phật giáo thịnh hành thời đó như Quy-tư, Vu-điền. Do khẩu âm và phương ngữ nên trong các truyền bản được nói là Phạn văn đã hàm chứa khá nhiều sai lạc. Điều này có thể thấy rõ qua sự so sánh các đoạn tương đương Pali, hay các dẫn chứng trong Đại Tì-bà-sa, Du-già sư địa. Thêm vào đó, các dịch giả hầu hết đều học Phật và học tiếng Sanskrit tại các nước Tây vực chứ không trực tiếp tại Ấn Độ như La-thập và Huyền Trang, nên trình độ ngôn ngữ Phạn có hạn chế. Các vị ấy khi vừa đặt chân lên Trung Hoa, do khát vọng thâm thiết của các Phật tử Trung Hoa, muốn có thêm kinh Phật để học và tu, cho nên trong khi chưa tinh thông tiếng Hán, mà công trình phiên dịch lại được thôi thúc cần thực hiện. Vì không tinh thông Hán ngữ nên công tác phiên dịch luôn luôn qua trung gian một người chuyển ngữ. Quá trình phiên dịch đi qua nhiều giai đoạn mà chính người chủ dịch không thể quán triệt, cho nên trong các bản dịch hàm chứa những đoạn văn rất tối nghĩa, và nhiều khi nhầm lẫn. Trong tình hình như vậy, một bản dịch Việt từ Hán đòi hỏi rất nhiều tham khảo để hy vọng tiếp cận với nguyên bản Sanskrit đã thất lạc, và cũng từ đó mà hy vọng có thể tiếp cận với lời Phật dạy hơn, điều mà các bản Hán dịch do trở ngại ngôn ngữ đã không thể thực hiện được.
Đại Tạng kinh Việt Nam chủ yếu căn cứ trên Đại chánh Đại tạng kinh, Nhật Bản, gồm 100 tập, được biên tập khởi đầu từ niên hiệu Đại chánh (Taisho) thứ 11 (tl. 1922), cho đến niên hiệu Chiêu hòa (Showa) thứ 9 (tl. 1934), tập hợp trên 100 nhà nghiên cứu Phật học hàng đầu của Nhật Bản, dưới sự chủ trì của Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjiro) và Độ Biên Hải Húc (Watanabe Kaigyoku). Để bản sử dụng là bản in của Chùa Hải Ấn, Triều Tiên, được gọi là bản Cao-lệ. Công trình chỉnh lý văn bản căn cứ các khắc bản Tống, Nguyên, Minh, cùng một số khắc bản và thủ bản tại Hoa và Nhật khác như tả bản Thiên Bình, bản Liêu của Cung nội sảnh, bản chùa Đại Đức, bản chùa Vạn Đức,  v.v…Một số bản văn được phát hiện tại các vùng trong Tây vực như Vu-điền, Đôn Hoàng, Quy-tư, Cao Xương, cũng được dùng làm tham khảo. Nhiều đoạn văn từ Pali và Sanskrit cũng được dẫn dưới cước chú để đối chiếu đoạn Hán dịch mà người biên tập nghi ngờ là không chính xác hoặc thuộc về dị bản nào đó.
Nội dung Đại tạng Đại chánh được phân làm ba phần chính: phần thứ nhất, gồm 32 tập, là các bản dịch Phạn Hán bao gồm Kinh, Luật, Luận, được thuyết bởi chính kim khẩu của Phật, hay được kiết tập bởi các Thánh đệ tử, hoặc được trước tác bởi các Luận sư. Phần thứ hai, từ Đại chánh tập 33 đến tập 55, trước tác của Trung Hoa, bao gồm các sớ giải Kinh, Luật, Luận, và luận thuyết riêng biệt cúa các tông phái Phật giáo Trung Hoa, các sử truyện, truyện ký, du ký, truyền kỳ; các bản Hán dịch thuộc ngoại giáo như Thắng luận, Số luận, Ba tư giáo, Thiên chúa giáo, các tập ngữ vựng Phạn Hán, giáo khoa Phạn Hán, các Kinh lục. Phần thứ ba, từ tập 56 đến 85, tập họp các trước tác của Nhật Bản, gồm các sớ giải Kinh, Luật, Luận, phần lớn căn cứ trên các bản sớ giải Trung Hoa mà giải nghĩa rộng thêm, và các luận thuyết của các tông phái tại Nhật Bản. Còn lại 12 tập sưu tập các đồ tượng, tranh ảnh, phần lớn là các đồ hình mạn-đà-la của Mật tông. Ba tập cuối, tổng mục lục, liệt kê nội dung các bản Đại tạng lưu hành.
ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM
ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM là một tập hợp các bản dịch Việt Đại tạng kinh Phật giáo từ truyền bản tiếng Trung Quốc, có tham cứu các truyền bản tiếng Phạn, Pali và Tây Tạng. Do đó, nó bao gồm toàn bộ các kinh điển Phật giáo đã được dịch ra tiếng Việt đã và đang lưu hành từ trước tới nay. Chúng ta đều biết, ngay từ thời kỳ Phật giáo truyền vào Việt Nam dưới triều đại Hùng Vương, đã có một số kinh điển được dịch ra tiếng Việt từ các truyền bản tiếng Phạn hay Pali. Những bản kinh tiếng Việt đầu tiên này tuy ngày nay đã tán thất qua thời gian, nhưng một số cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt vẫn còn tồn tại trong các bản kinh tiếng Trung Quốc được dịch từ các văn bản tiếng Việt này, như Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, v.v… Những thế kỷ tiếp theo, truyền thống dịch kinh ra tiếng Việt này vẫn được tiếp tục mà dấu vết có thể tìm thấy qua một bài thơ ngũ ngôn của nhà thơ nổi tiếng thời Đường là Trương Tịch (750-820). Nhưng do thiên tai lẫn địch họa, bản kinh tiếng Việt đầu tiên hiện còn lại là một bản dịch vào thế kỷ 15, được biết dưới tên Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, của thiền sư Viên Thái (1380-1440).
Qua thế kỷ 16 ta có bản dịch Quan Âm chân kinh, thường được biết dưới tên Truyện Phật Bà Quan Âm (khoảng 1585- ?). Đến thế kỷ 17 ta có một loạt các bản dịch giải của Minh Châu Hương Hải mà chúng ta hiện đã tìm thấy, như Diệu pháp liên hoa kinh, A-di-đà kinh, Ma-ha-bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh v.v…
Thế kỷ 18 chứng kiến sự xuất hiện các bản dịch Luật tạng như Sa-di quốc âm thập giới của Như Trừng (1690-1780), Oai nghi diễn âm của Như Thị (1680-1740?), v.v…
Qua thế kỷ 19 ta có bản dịch Pháp hoa quốc ngữ kinh do Pháp Liên thực hiện năm 1852 (hay 1856?). Từ đây trở đi kinh điển Phật giáo bằng tiếng Việt càng ngày xuất hiện càng nhiều. Cho nên, Đại tạng kinh Việt Nam là một tập hợp những bản kinh đã được dịch ra tiếng nước ta từ các truyền bản tiếng Trung Quốc và một số tiếng khác như Phạn, Tây Tạng. Riêng bản dịch tiếng Việt của kinh điển Phật giáo từ các truyền bản tiếng Pali thì chúng tôi cho in riêng, theo tiêu chuẩn quốc tế, và được đặt tên là Đại tạng kinh Nam truyền. Do đó ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM không bao gồm các bản kinh tiếng
Việt được dịch từ các truyền bản Pali.
Trên đây là giới thiệu sơ bộ vài nét chính của Đại tạng kinh Việt Nam, được biên dịch và ấn hành với mục đích cung cấp cho các Phật tử và người nghiên cứu Việt Nam những bản kinh tiếng Việt hình thành qua lịch sử. Các bản kinh nào chưa được dịch hoặc dịch
chưa hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ tuần tự cho dịch lại để in vào bộ Đại tạng kinh này.
Bản dịch Đại tạng kinh Việt Nam chọn Đại chánh tạng làm để bản, phiên dịch tất cả tác phẩm được ấn hành trong đó. Phàm lệ để thực hiện bản dịch tạm thời được quy định như sau:
  1. Đại tạng kinh Việt Nam bao gồm tất cả các bản dịch tiếng Việt của Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo đã xuất hiện ở nước ta từ trước đến nay, qua các thời kỳ với nhiều dịch giả khác nhau, để cho thấy quá trình hình thành Đại tạng kinh Việt Nam qua lịch sử.
  1. Về bản đáy, bản dịch Việt căn cứ trên ấn bản Đại chánh tân tu Đại tạng kinh 100 tập, mỗi tập trên dưới 1000 trang chữ Hán cỡ 10pt và sẽ được đánh số theo thứ tự của số ghi trong bản in Đại chính. Mỗi trang của bản in Đại chánh được chia làm ba cột: a, b, c. Số trang và cột này đều được ghi trong bản dịch để tiện tham khảo.
  1. Vì thế, một bản kinh chữ Hán có thể có nhiều bản dịch tiếng Việt, nên sau số thứ tự của Đại chính, sẽ đánh thêm các mẫu tự A, B, C… để phân biệt các bản dịch tiếng Việt khác nhau của cùng một bản kinh chữ Hán đó.
  1. Về xử lý văn bản trong khi phiên dịch, phần lớn căn cứ công trình hiệu đính và đối chiếu của bản Đại chánh. Ngoài ra, tham khảo thêm các công trình hiệu đính và đối chiếu khác.
  1. Giữa các ấn bản có những điểm khác nhau, bản Việt sẽ lựa chọn hoặc hiệu đính theo nhận thức của người dịch.
  1. Trong bản Hán, nếu chỗ nào xét thấy văn dịch hay từ ngữ không phù hợp với giáo nghĩa truyền thống phổ biến, người dịch sẽ tham khảo các Kinh, Luật, Luận cần thiết để hiệu chính. Những hiệu chính này được giải thích ở phần cước chú.
  1. Bản Hán dịch thực hiện căn cứ phần lớn trên sự truyền khẩu. Do đó những từ phát âm tương tự dễ đưa đến ngộ nhận, như sam Pāli hay samavà samyakcala và jalamuti muṭṭhi, v.v… Trong những trường hợp này, người dịch sẽ tham chiếu các kinh tương đương, các bản Hán biệt dịch, suy đoán tự dạng nguyên thủy có thể có trong Phạn bản để hiệu chính. Những hiệu chính này đều được ghi ở phần cước chú.
  1. Do các truyền bản khác nhau giữa các bộ phái, để có nhận thức về giáo nghĩa nguyên thủy, chung cho tất cả, cần có những nghiên cứu đối chiếu sâu rộng. Công việc này ngoài khả năng hiện tại của các dịch giả. Tuy nhiên, trong trường hợp có thể, những điểm dị biệt giữa các truyền bản sẽ được ghi nhận và đối chiếu. Những ghi nhận này được nêu ở phần cước chú.
  1. Bản Hán dịch được phân thành số quyển. Bản dịch Việt không chia số quyển như vậy, nhưng sẽ ghi ở phần cước chú mỗi khi bắt đầu một quyển khác.
  1. Các từ Phật học trong một số bản Hán dịch nếu không phổ biến, do đó có thể gây khó khăn cho việc đọc và nghiên cứu, trong các trường hợp như vậy, tuy vẫn giữ nguyên dịch ngữ của bản Hán, nhưng dịch ngữ tương đương thông dụng hơn sẽ được ghi trong phần cước chú. Trong trường hợp có thể, sẽ ghi luôn dịch giả của những dịch ngữ này và xuất xứ của chúng từ bản dịch nào để tiện việc tham khảo.
  1. Các kinh sách tham khảo trong cước chú đều được viết tắt theo qui định phổ thông của giới nghiên cứu quốc tế; xem qui định về viết tắt ở cuối mỗi tập của Đại tạng kinh ViệtNam.
III. PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN
Dự án thực hiện bao gồm các công trình phiên dịch, biên tập, và ấn hành, một Hội Đồng phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam được thành lập, được điều phối bởi Tổng biên tập, với các nhiệm vụ được phân phối như sau:
Ủy ban Phiên dịch. Để hoàn tất một bản dịch, các công tác sau đây cần được thực hiện:
Phiên dịch trực tiếp. Các văn bản lần lượt được phân phối đến các vị có trình độ Hán văn tương đối, kiến thức Phật học cơ bản, và khả năng ngôn ngữ cần thiết, phiên dịch trực tiếp từ Hán sang Việt.
Hiệu đính và chú thích. Nhiệm vụ chủ yếu của phần hiệu chính là đọc lại bản dịch thô và bổ túc những sai lầm có thể có trong bản dịch. Trong thực tế, người hiệu đính còn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Trước hết là phần chỉnh lý văn bản. Phần này đáng lý phải thực hiện trước khi phiên dịch. Việc chỉnh lý văn bản thoạt tiên có vẻ đơn giản, vì người dịch chỉ lưu ý một số nhầm lẫn trong việc khắc bản của để bản. Những điểm khác nhau giữa các bản khắc hầu hết được ghi ở cước chú trong ấn bản Đại chánh, người dịch chỉ cần hiểu rõ nội dung đoạn dịch thì có thể lựa chọn những từ thích hợp trong cước chú. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ Phật pháp và khả năng tham khảo nên đa số người dịch không chọn được từ chính xác. Mặt khác, ngay cả các từ trong cước chú không phải hoàn toàn chính xác. Ngay cả Đại sư Ấn Thuận cũng phạm phải một số sai lầm khi chọn từ, vì không tìm ra các đoạn Pali hoặc Sanskrit tương đương nên phải dựa trên ức đoán. Những ức đoán này phần nhiều là sai.
Mặt khác, nhiều sai lầm không phải do tả bản hay khắc bản, mà do chính từ truyền bản. Bởi vì, kinh điển từ Ấn Độ truyền sang hầu hết đều do khẩu truyền. Những biến đổi trong khẩu âm, phát âm, khiến nhầm lẫn từ này với từ khác, làm cho ý nghĩa nguyên thủy của giáo lý sai lạc. Người dịch từ Hán văn mà không có trình độ Phạn văn nhất định thì không thể phát hiện những sai lầm này. Điều đáng lưu ý là những sai lầm này xuất hiện rất nhiều và rất thường xuyên trong nhiều bản dịch Phạn Hán.
Phần hiệu đính tập trung trên cú pháp Phạn mà ảnh hưởng của nó trong các bản dịch khiến cho nhiều khi ngay cả những vị tinh thông Hán ngữ, các nhà chú giải kinh điển nổi tiếng, cũng phải nhầm lẫn.
Để hiểu rõ nội dung bản dịch Hán, cần thiết phải tìm lại nguyên bản Phạn để đối chiếu. Đại sư Cát Tạng đã vấp phải sai lầm khi không có cơ sở để phân tích mệnh đề Hán dịch là năng động hay thụ động, do đó đã nhầm lẫn người giết với kẻ bị giết. Đó là một đoạn văn trong Thắng man mà nguyên bản Phạn của kinh này đã thất lạc, nhưng đoạn văn tương đương lại được tìm thấy trong trích dẫn tập Sikṣasamuccaya của Sāntideva. Nếu không tìm thấy đoạn Sanskrit được trích dẫn này thì không ai có thể biết rằng Cát Tạng đã nhầm lẫn.
Rất nhiều kinh điển trong nguyên bản Phạn đã bị thất lạc. Ngay cả những tác phẩm quan trọng như Đại Tì-bà-sa chỉ tồn tại trong bản dịch của Huyền Trang. Nhiều đoạn được trích dẫn trong bản dịch Câu-xá, mà Phạn văn đã được phát hiện, cũng giúp người đọc Đại Tì-bà-sa có manh mối để đi sâu vào nội dung. Đọc một bản văn mà không nắm vững nội dung của nó, nghĩa là chính dịch giả cũng không hiểu, hoặc hiểu sai, sao có thể hy vọng người đọc hiểu được đoạn văn phiên dịch? Do đó, công tác hiệu đính không đơn giản chỉ bổ túc những khuyết điểm trong bản dịch về lối hành văn, mà đòi hỏi công phu tham khảo rất nhiều để nắm vững nội dung nguyên tác trong một giới hạn khả dĩ.
Đại tạng kinh Việt Nam là bản dịch Việt từ Hán tạng, do đó không thể tự tiện thay đổi nội dung dù phát hiện những sai lầm trong bản Hán. Những sai lầm này mang tính lịch sử, do đó không được phép loại bỏ tùy tiện. Tuy vậy, bản dịch Việt cũng không thể bỏ qua những nhầm lẫn được phát hiện. Những phát hiện sai lầm cần được nêu lên, và những hiệu đính cũng cần được đề nghị. Những điểm này được ghi ở phần cước chú để cho bản Việt vẫn còn gần với bản Hán dịch.
Trên đây là một số điều kiện tất yếu để thực hiện một bản dịch tương đối khả dĩ chấp nhận. Trong tình hình hiện tại, chúng ta chỉ có rất ít vị có thể hội đủ điều kiện yêu cầu như trên. Do đó, dự án thực hiện hướng đến chương trình đào tạo, không đơn giản chỉ là đào tạo chuyên gia dịch thuật, mà là bồi dưỡng những vị có trình độ Phật học cao với khả năng đọc và hiểu các ngôn ngữ chuyển tải Thánh điển, chủ yếu các thứ tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng và Hán.
Trong tình hình nghiên cứu Phật học hiện tại trên thế giới, người muốn nghiên cứu Phật học mà không biết đến các ngôn ngữ này thì khó có thể nắm vững giáo nghĩa căn bản. Và đây cũng là điều mà Ngạn Tông đã nêu rõ trong các điều kiện tham gia dịch thuật trong việc phiên dịch được bảo trợ bởi Tùy Dạng đế, mặc dù Ngạn Tông chỉ yêu cầu hiểu biết Phạn văn nhưng đồng thời cũng yêu cầu kiến thức uyên bác không chỉ tinh thông Phật điển mà còn cả thư tịch ngoại giáo.
Chi tiết chương trình đào tạo cần được trình bày trong một dịp khác.
Ủy ban Ấn hành. Công tác ấn hành gồm các phần:
Sửa lỗi chính tả của các bản dịch. Hiện tại lỗi chính tả trong các bản dịch do các Thầy, Cô, và Phật tử tự nguyện chỉnh sửa. Nhưng chỉ là công tác nghiệp dư, do không chuyên trách, và do đó cũng thiếu kinh nghiệm trong việc phát hiện lỗi, nên các bản in phổ biến tồn tại khá nhiều lỗi chính tả.
Trình bày bản in. Công tác này tùy thuộc điều kiện kỹ thuật vi tính. Sơ khởi, ban ấn hành chưa đủ điều kiện để có những vị thành thạo sử dụng kỹ thuật vi tính trong việc trình bày văn bản.
Công việc này hiện tại do các Thầy Cô phụ trách, với trình độ kỹ thuật do tự học, và tự phát. Vì vậy, trong nhiều trường hợp không khắc phục được lỗi kỹ thuật nên hình thức trình bày của bản văn chưa được hoàn hảo như mong đợi.
Sự nghiệp phiên dịch được định khoảng 15 năm, hoặc có thể lâu hơn nữa. Hình thức Đại tạng kinh do đó không thể được thiết kế một lần hoàn hảo. Trong diễn tiến như vậy, tất nhiên trình độ kỹ thuật được cải tiến theo thời gian, khiến cho hình thức trình bày cũng cần thay đổi cho phù hợp với thời đại. Hậu quả sẽ khó tránh khỏi là sự không đồng bộ giữa các tập Đại tạng kinh ấn hành trước và sau.
Ấn loát. Sau khi hình thức trình bày được chấp nhận, bản dịch được đưa đi nhà in. Trách nhiệm ấn loát được giao cho nhà in với các điều khoản được ghi thành hợp đồng. Vấn đề ấn loát như vậy tương đối ổn định. Tuy nhiên, cũng cần có người chuyên trách để theo dõi quá trình ấn loát, hầu tránh những sai sót kỹ thuật có thể có do nhà in.
Phát hành, phổ biến và vận động. Một nhiệm vụ không kém quan trọng là phát hành và phổ biến Đại tạng kinh. Công việc này đáng lý do một ban phát hành chuyên trách. Nhưng trong điều kiện nhân sự hiện tại, một Ban như vậy chưa thể thành lập, do đó ban ấn hành kiêm nhiệm. Thêm nữa, công trình phiên dịch là sự nghiệp chung của toàn thể Phật tử Việt nam, không phân biệt Giáo hội, hệ phái, do đó cần có sự tham gia và cống hiến của chư Tăng Ni, Phật tử, bằng hằng sản và hằng tâm, bằng tâm nguyện cá nhân hay tập thể dưới các hình thức hỗ trợ và bảo trợ bằng vật chất hoặc tinh thần, cống hiến bằng tất cả khả năng vật chất và trí tuệ. Công việc vận động này để cho được hữu hiệu với sự tham gia tích cực của nhiều chúng đệ tử cũng cần được chuyên trách bởi một ban vận động. Trong điều kiện nhân sự hiện tại, ban ấn hành kiêm nhiệm.
HẬU TỪ
Trải qua trên dưới hai nghìn năm du nhập, những giáo nghĩa căn bản mà đức Phật đã giảng được học và hành tại Việt Nam, đã đem lại nhiều an lạc cho nhiều cá nhân và xã hội, đã góp phần xây dựng tình cảm và tư duy của các cộng đồng cư dân trên đất nước Việt. Thế nhưng, sự nghiệp phiên dịch cũng như ấn hành để phổ biến Thánh điển, làm nền tảng sở y cho sự học và hành, chưa được thực hiện trên quy mô rộng lớn toàn quốc.
Sự nghiệp phiên dịch tại Trung Quốc trải qua gần hai nghìn năm, với thành tựu vĩ đại, tập đại thành và bảo tồn kho tàng Thánh điển thoát qua nhiều trận hủy diệt do những đức tin mù quáng, cuồng tín. Sự nghiệp ấy đại bộ phận do các quốc vương Phật tử tích cực bảo trợ, đã là sự nghiệp chung của toàn thể nhân dân theo từng giai đoạn đặc biệt của lịch sử. Việt Nam tuy cũng có các minh quân Phật tử, nhưng do tác dộng bởi các yếu tố chính trị xã hội nên chưa từng được tổ chức quy mô dưới sự bảo trợ của triều đình. Chỉ do yêu cầu thực tế học và hành mà một số kinh điển được phiên dịch, nhưng chưa đủ để lập thành nền tảng tương đối hoàn bị cho sự nghiên cứu sâu giáo nghĩa.
Gần đây, vào năm 1973, một Hội đồng Phiên dịch Tam tạng lần đầu tiên trong lịch sử được thành lập, gồm Chủ tịch: Thượng tọa Thích Trí Tịnh, Tổng thư ký: Thượng tọa Thích Quảng Độ, với các thành viên quy tụ tất cả các Thượng Tọa và Đại Đức đã có công trình phiên dịch và có uy tín trên phương diện nghiên cứu Phật học, dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chương trình phiên dịch được soạn thảo trên quy mô rộng lớn, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ. Một phần của thành quả này về sau được ấn hành năm 1993 bởi Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dưới danh hiệu “Đại tạng Kinh Việt Nam”. Thành quả này là các kinh thuộc bộ A-hàm được phân công bởi Hội đồng Phiên dịch Tam tạng, trong đó, Trường A-hàm và Tạp A-hàm do TT Thiện Siêu, TT Trí Thành và ĐĐ Tuệ Sỹ thuộc Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha trang; Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm do TT Thanh Từ, TT Bửu Huệ, TT Thiền Tâm thuộc Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Saigon. Ngoài ra, một phần phân công khác cũng đã được hoàn thành như: TT Trí Nghiêm: Đại Bát Nhã (Huyền Trang dịch, 600 cuốn) thuộc bộ Bát-nhã. TT Trí Tịnh: kinh Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật (Đại phẩm) thuộc bộ Bát-nhã; kinh Diệu pháp Liên hoa (La-thập dịch), thuộc bộ Pháp hoa; kinh Đại phương Quảng Phật Hoa nghiêm (bản Bát thập) thuộc bộ Hoa nghiêm, và toàn bộ Đại Bảo tích. Các bản dịch này cũng đã được ấn hành nhưng do đệ tử của các Ngài chứ chưa đưa vào Đại tạng kinh Việt Nam.
Những vị được phân công khác chưa thấy có thành quả được công bố. Mặc dù với nỗ lực to lớn, nhưng do hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước nên thành tựu rất khiêm nhượng. Thêm nữa, các thành tựu này cũng chưa hội đủ điều kiện và thời gian thuận tiện để được hiệu đính và biên tập theo tiêu chuẩn nghiên cứu và phiên dịch Phật điển trong trình độ nghiên cứu Phật giáo hiện đại của thế giới, do đó cũng chưa thể được dự phần trong sự nghiệp phiên dịch và nghiên cứu Phật học trên quy mô quốc tế, như là cống hiến của Phật giáo Việt Nam cho cộng đồng nhân loại trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp của toàn thể Phật tử thế giới vì lợi ích và an lạc của hết thảy mọi loài chúng sanh. Sự nghiệp như vậy không thể là cống hiến cá biệt của một cá nhân hay tập thể, của một Giáo hội hay hệ phái, mà là sự nghiệp chung của toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam, không chỉ một thế hệ, mà liên tục trong nhiều thế hệ, cùng tồn tại và tiến bộ theo đà thăng tiến của xã hội và nhân loại. Trên hết là báo đáp ân đức của Phật Tổ, đã vì an lạc của chúng sanh mà trải qua vô vàn khổ hành, qua vô số a-tăng-kỳ kiếp. Thứ đến, kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Thầy Tổ để cho ngọn đèn Chánh pháp luôn luôn được thắp sáng trong thế gian.
Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết, trên nương nhờ uy thần nhiếp thọ của Chư Phật và Thánh Tăng, cùng với sự tán trợ của chư vị Trưởng lão hiện tiền trong hàng Tăng bảo, kêu gọi sự hỗ trợ cống hiến bằng tất cả tâm nguyện và trí lực, bằng tất cả hằng sản và hằng tâm, của bốn chúng đệ tử Phật, để sự nghiệp hoằng pháp đệ nhất tối thắng này được tiến hành vững chắc và liên tục từ thế hệ này cho đến nhiều thế hệ tiếp theo, duy trì ngọn đèn Chánh pháp tồn tại lâu dài trong thế gian vì lợi ích và an lạc của hết thảy chúng sanh.
Mùa Phật đản 2552 – Mậu tý 2008Trí Siêu, Tuệ Sỹcẩn bạch