29. CỨU ĐỘ CHÚNG SINH
Bồ-tát đạo là con đường tu tập của một bồ-tát. Bồ-tát là một chúng sinh phát tâm tu tập để thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. “Phát tâm thành tựu giác ngộ” và “vì lợi lạc của tất cả chúng sinh” thường được diễn tả qua hai thành ngữ “phát tâm bồ-đề” và “cứu độ chúng sinh”. Theo tiến trình tu tập thì một bồ-tát phải đạt được giác ngộ viên mãn của một vị Phật trước rồi mới có thể cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, vì giác ngộ có 3 cấp bậc khác nhau: A-la-hán, Bích-chi, và Phật; cho nên trong quá trình tu tập, khi đạt được giác ngộ của một A-la-hán thì bồ-tát đã có đủ năng lực để thuyết pháp độ sinh. Vì thế, có thể tạm chia bồ-tát thành hai hàng: bồ-tát có khả năng độ sinh & bồ-tát chưa có khả năng này.
Bồ-tát Có Khả Năng Độ Sinh: Con đường Bồ-tát có tất cả 10 giai vị; thuật ngữ Phật học gọi là “bhūmi” (地; địa; ground; stage of training). Mỗi địa tương đương với thời gian tu tập 1 ba-la-mật. “Lục độ”—tức 6 ba-la-mật bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ—tương đương với 6 địa đầu tiên. Ở địa thứ 7, bồ-tát thành tựu Phương tiện ba-la-mật. Với ba-la-mật này, bồ-tát đã có thể bắt đầu sự nghiệp độ sinh chứ không phải chờ cho đến khi hoàn tất cả mười địa.
Như vậy, nếu phát nguyện bước đi trên con đường này, chúng ta sẽ nhận được sự dẫn dắt của các bồ-tát từ địa thứ 7 trở lên, cũng như các bồ-tát đã thành Phật nhưng không nhập Vô dư y niết-bàn.
Bồ-tát chưa có khả năng độ sinh là các bồ-tát sơ phát tâm—hay còn gọi là bồ-tát tân học—hoặc đang trải qua một trong sáu địa đầu tiên của Thập địa. Vì chưa thành tựu giác ngộ nên hạng bồ-tát này chưa đủ năng lực để cứu độ bất cứ chúng sinh nào cả, mà chỉ đang “mượn” chúng sinh làm môi trường tu tập.
30. GIÁ TRỊ CỦA TỒN TẠI
Trong PG, giá trị của một tồn tại được xét đến qua 3 khía cạnh, hoặc qua 3 phạm trù: thể – tướng – dụng.
THỂ là nội hàm, hoặc tất cả những gì cấu thành nội dung của tồn tại đó. Thí dụ như thể của nước lã (pure water) là các phân tử hydro và oxy.
TƯỚNG là các dấu hiệu, ký hiệu giúp con người nhận biết thể của tồn tại đó. Trong trường hợp tồn tại được mắt nhận biết thì tướng của nó là hình-màu. Thí dụ như cùng một thể là hỗn hợp các phân tử hydro và oxy, nhưng nước xuất hiện dưới nhiều tướng khác nhau: chai, lọ, bình, suối, ao, hồ, sông, biển, hơi nước, mây, v.v. Khi con người biết sử dụng các ký hiệu để nhận biết một tồn tại thì tướng bao hàm thêm văn tự và hình ảnh.
DỤNG là tác dụng của thể. Thí dụ như nước dùng để uống, tắm, tưới, chùi rửa, v.v.
HỮU VI & VÔ VI: Xét về thể, PG chia tất cả các tồn tại thành 2 loại: hữu vi và vô vi.
(i) Hữu vi là pháp mà thể của nó được tạo thành từ 2 yếu tố trở lên (conditioned/compounded things). Vì thế, một cái biết-đúng-như-thực về thể của một tồn tại là cái biết về tất cả các yếu tố tạo thành thể của tồn tại đó. Khi các yếu tố này kết hợp với nhau thì con người nhận biết một tồn tại “mới” xuất hiện và gọi đó là “hiện hữu”, “sinh”, “khởi”. Khi các yếu tố không kết hợp với nhau nữa thì con người không còn nhận biết được tồn tại đó và gọi là “không hiện hữu”, “chết”, “diệt”.
Đây cũng là một trong những lý do PG không thừa nhận sự tồn tại của Thượng đế là nguyên nhân đầu tiên: Nếu Thượng đế là một tồn tại hữu vì thì phải được tạo thành ít nhất bởi hai yếu tố là A & B. Và vì yếu tố A cũng là một tồn tại độc lập cho nên thể của nó phải được tạo thành ít nhất bởi A1 & A2. Và vì A1 cũng là một tồn tại độc lập cho nên nó phải được tạo thành ít nhất bởi 2 yếu tố là A1a & A1b. Đây cũng là lý do tại sao đức Phật dạy rằng chúng sinh không bao giờ biết được nguồn gốc tồn tại của chính mình cũng như tất cả các pháp trên thế gian.
(ii) Vô vi là pháp mà thể của nó không được tạo thành bởi bất cứ yếu tố nào cả (unconditioned/uncompounded things). Vì không có các yếu tố tạo thành nên không có “hiện hữu”, “sinh”, “khởi”; không có các yếu tố tạo thành đồng nghĩa với “không có sự tan rã của các yếu tố” cho nên không có “không hiện hữu”, “chết”, “diệt”. Nói tóm lại, vô vi là pháp vô sinh, vô diệt, vô thể, vô tướng, vô dụng; và vì thế không phải là đối tượng được con người nhận biết. Thí dụ như niết-bàn trong PG.
Ở đây, có thể nêu lên câu hỏi, “Nếu không thể nhận biết, tại sao đức Phật tuyên thuyết niết-bàn là một sự thật (Diệt đế)?” Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu 3 cách nhận biết trong PG:
– Hiện lượng: nhận biết trực tiếp. Thí dụ như mắt nhìn thấy khói bốc lên từ đống lửa trước mặt.
– Tỷ lượng: nhận biết gián tiếp, dựa vào kinh nghiệm quá khứ. Thí dụ như mắt không nhìn thấy đống lửa mà chỉ nhìn thấy khói bốc lên từ phía sau núi. Nhưng nhờ kinh nghiệm trước đó về lửa và khói mà biết rằng sau núi có đống lửa.
– Thánh giáo lượng: không thể nhận biết trực tiếp hay gián tiếp, mà “nhận biết” bằng cách TIN vào lời dạy của Phật, hay cụ thể hơn là tin vào Thánh điển và các huấn thị của Thầy mình. Đức Phật đã từng dạy các học trò của ngài là hãy tin vào “sự giác ngộ của ngài” (saddahati tathāgatassa bodhiṃ). Trong PG, giác ngộ cũng là một pháp vô vi. Có nghĩa rằng khi chưa giác ngộ, tức chưa thực chứng (realizing) được giác ngộ, thì chúng ta không thể biết giác ngộ là gì cả.
GHI CHÚ: Thuật ngữ Phật học “asaṃskṛta” được Thánh điển Trung Hoa dịch nghĩa là 無 為 (vô vi). Những vị nào đã từng tiếp nhận học thuyết Vô Vi của Lão-Trang cần lưu ý về điểm này. Trong khi vô vi PG chỉ cho Sự (unconditioned thing) thì vô vi Lão-Trang lại chỉ cho Lý (non-doing). “Vô vi” trong PG dùng để chỉ cho sự tồn tại của một pháp nằm ngoài nguyên lý duyên khởi; “Vô vi” trong “vô vi nhi vô bất vi” (non-doing but nothing is not done) lại là một loại triết lý hành động. Nội hàm của hai khái niệm hoàn toàn khác biệt nhau.
___________________
Câu chuyện Thầy Trò | Phần 1
Câu chuyện Thầy Trò | Phần 2
Nguồn: Thư Việt Phật Việt