Wednesday, January 10, 2018

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT - Công Trình Dịch Thuật Kinh, Luật, Luận, Triết Học, Thi Ca của Thượng Toạ Tuệ Sỹ

Ngài Khương Tăng Hội - Sư Tổ Thiền Việt Nam. 

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Công Trình Dịch Thuật Kinh, Luật, Luận, Triết Học, Thi Ca của Thượng Toạ Tuệ Sỹ

NGUYÊN SIÊU

Xuyên suốt tầm nhìn để làm việc xâu kết một công trình học thuật có tầm vóc là một điều vô cùng khó khăn. Hơn nữa, một công trình học thuật lại là của một bậc Thầy, của một nhà nghiên cứu Phật học uyên bác, của một nhà tư tưởng, thi ca đương thời thì quả thật lại càng không nên.

Nếu nói về số lượng của công trình học thuật ấy cũng đủ để cho chúng ta kính trọng, ngưỡng mộ cái khả năng bền bỉ, liên tục, làm việc không biết mỏi mệt, để ngày hôm nay đã tác thành những bộ kinh được luận giải, chuyển ngữ từ Phạn bản, Hán tạng ra Việt ngữ. Bao nhiêu tư tưởng triết học từ Ðông sang Tây được viết thành những chủ đề lớn để thấy được hai nền văn hóa Ðông Tây gặp nhau dưới ngòi bút của Thầy. Và còn biết bao những áng văn thơ khác nữa.

Nếu nói về phẩm, qua công trình học thuật ấy, thì Thầy có một trí tuệ hoằng viễn, một công trình giảng luận to lớn qua các tác dịch phẩm đã được ấn hành. Do vậy, nhân buổi lễ giới thiệu tác phẩm "Huyền Thoại Duy Ma Cật" hôm nay, người viết xin phép được giới thiệu một cách tiêu biểu các tác dịch phẩm, các chủ đề biện bàn Triết Học Tư Tưởng Ðông Tây, Tư Tưởng Phật Học và một số bài thơ mang tình đạo vị, quê hương, dân tộc, để thấy một người con dân nước Việt đã sống trong lòng quê hương, lớn lên trong tình tự dân tộc đã cùng chia sẻ, cưu mang những bước thăng trầm của vận nước và từ đó đã đi theo định nghiệp của mình, như lời tựa, Thắng Man Giảng Luận: do Ban Tu Thư Viện Cao Ðẳng Phật Học Hải Ðức Nha Trang ấn hành năm 2001: 

"Bản Kinh Thắng Man này được dịch và giải vào một thời điểm mà dấu ấn của nó sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử. Mỗi cá nhân nhìn theo góc độ nhãn quan của mình. Bằng hữu trí thức có thể tìm thấy đâu đó, giữa hai hàng chữ dịch và giải, dấu ấn mơ hồ của thời gian. Một cọng cỏ non yếu, cố vươn mình đón bắt ánh sáng cho lẽ sống, dưới sức nặng tàn bạo của khối đá vô tri lầm lì. Bản dịch và giải chỉ mới hoàn tất phần đại cương. Nhưng cũng phải tạm thời xếp vào góc tối của giá sách. Người viết đi theo định nghiệp của mình. Hay của cả dân tộc?"

Dịch Thuật Kinh Tạng
Trong thời gian nhập thất Thầy đã dịch xong bộ A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhứt A Hàm và Tạp A Hàm) làm Kinh học cho các lớp chuyên khoa Phật Học, đồng thời cũng để cho các thế hệ kế thừa có cái nhìn thấu triệt về đời sống, và công cuộc thuyết pháp hóa độ thường nhật của Ðức Thế Tôn và hàng Thánh chúng.

Nội dung bốn bộ Kinh A Hàm, Ðức Phật thuyết pháp cho đủ mọi giới, từ thế giới chư thiên đến hội chúng Thánh đệ tử, từ xã hộiloài người đến các loài chúng sinh khác. Ðức Phật không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa, cùng đinh, trí thức hay yếu kém, thành thị hay thôn quê, bất cứ ai có đủ nhân duyên thì Ðức Phật đều hóa độ. Như kinh Angulimala, chàng Vô Não, Ðức Phật hóa độ kẻ sát nhân thành Thánh quả. Kinh Amparali Ðức Phật hóa độ người kỹ nữ thành thánh thiện, người gánh phân thành A La Hán, bậc vua chúa thành người hộ pháp và hàng trưởng giả thành đại thí chủ. Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Ðức Phật hóa độ chàng Thiện Sanh lạy lục phương trong Thánh pháp luật. Kinh Phạm Thiên thỉnh Phật, hóa độ qua các cung trời. Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí, hóa độ hàng Bà La Môn ngoại đạo, mà cách thức tu hành của họ là lõa thể, hay khổ hạnhtheo cách sống của loài súc vật - Ngưu hành giả, Cẩu hành giả, bắt chước cách ăn như trâu và ngồi chồm hổm như chó.

Cũng trong nội dung bốn bộ A Hàm đã nói lên đời sống thật đơn giản, ít nhu cầu và an nhiên tự tại của Ðức Phật: Ngày chỉ ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây, với ba tấm y, một bình bát, một đãy lọc nước, một túi kim chỉ, tọa cụ và cây gậy. Gia tài Ðức Phật chỉ có chừng đó. Bất cứ nơi nào cũng là chốn an nghỉ của Ngài, khi thì trong ngôi nhà trống, khi thì nơi đống rơm, trong căn phòng của người thợ đồ gốm, khi thì dưới gốc cây hay bên triền núi...

Nền văn học Kinh văn A Hàm đã làm sống lại thời Ðức Thế Tôn tại thế, cũng như hàng Thánh chúng trong sự tu tập, thiền định hằng ngày. Trong sự tu tập thiền định ấy, quán chiếu tự thân, thọ, tâm, pháp để ý thức từng cảm giác, động tác nơi chính mình, loại trừ vô minh, cấu uế, chấm dứt phiền não ô trược của tham sân si, để chuyển thành vô tham, vô sân, vô si...

Thầy phiên dịch bốn bộ kinh A Hàm chứa đựng bao nhiêu tinh túy, thâm uyên của nền kinh viện Nguyên Thủy Phật giáo, đã làm tỏ rạng, đậm nét từng bước chân đi của Ðức Phật in dấu trên khắp mọi nẻo đường hóa độ, thì đồng thời, Thầy cũng dịch thuật những bộ kinh thuộc nền kinh viện Ðại Thừa, phát huy Bồ Tát Đạo. Những vị Bồ Tát sống đời tại gia, hình dung, dáng dấp không khác một ai, nhưng tâm tư, ý niệm lại là hóa thân của Ðại Bồ Tát, mang hành trang Bi Nguyện làm đẹp cuộc đời, cứu vớt trầm luân. Những bản kinh hàm súc nội dung ấy là: Thắng Man Giảng Luận, Duy Ma Cật Sở Thuyết, Huyền Thoại Duy Ma Cật, Pháp Thoại Duy Ma Cật...

Yếu chỉ của những bộ kinh ấy đã dạy cho chúng ta thấy con đường của Bồ Tát đi, chí nguyện của Bồ Tát phát và hành vi của Bồ Tát làm để phụng sự lý tưởng giác ngộ. Dù trên con đường phụng sự ấy, gặp phải muôn ngàn chướng duyên, nghịch cảnh, Bồ Tát cũng không nao núng ý chí độ sinh. Bởi vì Bồ Tát có đủ Ðạo, Nguyện, Hành, có đủ Bồ Ðề Tâm, lòng giác ngộ cho mình và cho người.
Trong Thắng Man Giảng Luận, Tiết 2: Phát Bồ Ðề Tâm, Thầy viết: "Hạt giống Bồ Đề không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng nào xa xôi, cũng không chờ đợi gieo vào một vùng đất hứa thần thoại nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa mạc sinh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của chúng sinh này. Rồi hạt giống ấy cần phải được tưới bằng nước ngọt của Từ Bi để lớn mạnh, để đến thời trổ hoa giác ngộ. Do đó, quá trình Quy, Giới, Nguyện và Hành của Bồ Tát Đạo là những giai đoạn gieo xuống và vun tưới hạt giống Bồ Đề. Nói cách khác phát Bồ Ðề Tâm và thành tựu Bồ Đề quả là trọn vẹn tất cả sự nghiệp của Bồ Tát."

Thầy tiếp tục lý giải bước đầu của Bồ Tát phát tâm phải như thế nào? Bằng cái nhìn thẩm thấu xuyên suốt ba đường ác đạo, bằng cái khổ miên man trên ngọn lửa thiêu đốt, chúng sinh mãi lang thang trong rừng vô minh, đại dương sinh tử mà chưa từng có ý niệm vượt thoát sông mê. Từng những ý niệm ban sơ cứu độ, từng những cảm xúc đến những nỗi khổ của chúng sinh, Bồ Tát phát khởi chí nguyện gieo hạt mầm giác ngộ trên mảnh đất phiền não thế gian - phiền não tức Bồ Đề, để từ đó hương vị giải thoát được vươn cao, thành tàng rộng che mát thế gian nhiều nắng quái và tiếp tục nuôi dưỡng bằng dòng sữa từ ái lớn khôn trên con đường chuyển mê khai ngộ, từ phàm thành thánh.

Ðể thấy rõ ý nghĩa đích thực của Bồ Ðề Tâm mà một vị Bồ Tát hay hành giả đi trên con đường cứu độ phải thân chứng, thật chứng tánh đức vị tha ấy. Thầy viết: 
"Bồ Ðề Tâm là gì? Bồ Ðề Tâm đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ Ðề Tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng, điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. "Vui cười gì, thích thú gì, giữa ngọn lửa không ngừng thiêu đốt? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm ngọn đuốc?"
Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ Tát Đạo chỉ là một con đường xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đường. Và Phật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày."

Từ sự suy tư hiện thành lý giải, giảng luận, chúng ta thấy Bồ Ðề tâm mang nhiều ý nghĩa qua sự sưu khảo nghiên cứu từ Ðại Tạng Kinh, từ những bộ luận lớn cho người học Phật một kiến thức Phật pháp, một cái học đầy hứng thú, một kiến giải Phật pháp thâm uyên. Và cũng từ sự học Phật đó để trang bị cho mình, hay nói cho đúng hơn, chớ có đánh mất Bồ Ðề Tâm, mà phải luôn nhớ, và luôn luôn hiện hữu, dù bất cứ sống chết trong loài chúng sinh nào. Bởi vì Bồ Ðề Tâm là tâm giác ngộ. Trên con đường tu tập mà quên đi cái tâm giác ngộ thì tu tập để thành cái gì? Bồ Ðề Tâm là nhân tố, là những điều kiện tất yếu cần có trên con đường thăng tiến cầu đạo Vô thượng, là những phẩm tính siêu việt nâng đỡ để Bồ Tát thành tựu ước nguyện.
Trong phần chú thích, Thầy đã dẫn giải:
"Bồ Ðề Tâm (SKT Bodhicitta), nói đủ là vô thượng Bồ Ðề Tâm, hay A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Ðề Tâm (SKT Anuttara-Samyak-Sambodhi-citta) tức tâm nguyện thành tựu sự giác ngộ tối thượng. Ðại trí độ: "Bồ Tát sơ phát tâm, lấy vô thượng Bồ Đề làm đối tượng, nói rằng: Mong tôi sẽ thành Phật. Ðó gọi là Bồ Ðề Tâm." Bồ Tát Di Lặc nói với Thiện Tài: "Bồ Ðề Tâm là hạt giống của hết thảy Phật pháp. Bồ Ðề Tâm là ruộng phước vì nuôi lớn pháp bạch tịch. Bồ Ðề Tâm là cõi đất lớn, vì nâng đỡ hết thảy thế gian. Bồ Ðề Tâm là tịnh thủy, vì rửa sạch tất cả cáu bợn phiền não..."
Thắng Man Giảng Luận là bộ kinh lấy tên người con gái của Vua Ba Tư Nặc và Mạt Lỵ phu nhân để đặt tên. Nguyên do, sau khi tiếp nhận thư của vua cha và mẫu hậu tán thán những phẩm tính siêu việt của Như Lai mà Thắng Man đã phát khởi niềm tin thâm thiết, và phát nguyện rộng lớn, ấy là chí nguyện đại thừa Bồ Tát, thượng cầu hạ hóa. Một chí nguyện hy hiến thân mạng để tôn sùng Ðạo pháp, để lợi lạc chúng sinh. "Thắng Man phu nhân phát khởi chí nguyện. Chí nguyện ấy là mong học hỏi và thấu triệt vô lượng vô biên Phật pháp; và không chỉ có thế, chí nguyện phu nhân còn hướng đến những thực hành cao cả, tự mình gánh vác trách nhiệm lớn lao, sẵn sàng xả bỏ thân mạng vì sự tồn tại của chánh pháp và vì lợi ích của tất cả chúng sinh."

Tên người Thắng Man, biểu tượng công hạnh Bồ Tát của nữ giới. Từ biểu tượng Bồ Tát này, chúng ta thấy hình ảnh Bồ TátDuy Ma Cật trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, hay Huyền Thoại Duy Ma Cật, mà Thầy đã giới thiệu và luận giải. Ðể rõ duyên do và ý niệm của Kinh, trong chương II Phương Tiện Quyền Xảo, Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh đã nói:
"Bấy giờ, trong thành Tỳ Da Li có vị trưởng giả tên Duy Ma Cật, hằng cúng dường vô lượng Phật, trồng gốc rễ thiện, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, có tài biện thuyết vô ngại, hiện du hí thần thông, nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở úy, khuất phục mọi thù nghịch quấy nhiễu của Ma, thấu hiểu mọi pháp môn sâu thẳm, dẫn đến giác ngộ... An trú trong oai lực nhiệm mầu của Phật, tâm ông luôn trải rộng như đại dương. Ðược chư Phật ca ngợi, hàng Ðế Thích và Phạm Thiên kính phục."

Một vị Bồ Tát hiện thân Trưởng giả, có đủ đời sống ngũ dục mà không bị chi phối bởi ngũ dục. Ở trong hương sắc của thế gianmà không bị thế gian đắm nhiễm. Vui chơi trong cuộc sống mà lúc nào cũng trụ trong đạo tràng thanh tịnh - Tùy sở trú xứ thường an lạc.
Ðây là tư tưởng Ðại thừa Phật giáo, bàng bạc trong Kinh văn Duy Ma Cật. Có lần Duy Ma Cật Trưởng giả gặp Ngài Xá Lợi Phất đang tĩnh tọa trong khu rừng vắng, Duy Ma Cật hỏi Ngài Xá Lợi Phất: 
"Thưa Ngài Xá Lợi Phất, bất tất ngồi như thế mới là tĩnh tọa... không khởi diệt tận định (Samjnàvedita -Nirodha-Samàpatti) mà hiện các oai nghi, đó mới là tĩnh tọa... không đoạn phiền não mà nhập Niết Bàn, ấy mới là tĩnh tọa..."
 Ðó là cung cách của Ngài Xá Lợi Phất - bậc A La Hán. Còn đối với chư vị Bồ Tát, có lần Duy Ma Cật lên cung trời Ðâu Xuất (Tusita) viếng Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) và hỏi:
"Thưa Ngài Di Lặc, Thế Tôn thọ ký cho Ngài, một đời nữa sẽ thành Phật. Nhưng Ngài được thọ ký theo đời nào? Quá khứchăng? Quá khứ đã qua rồi. Vị lai chăng? Vị lai chưa đến. Hiện tại chăng? Hiện tại không dừng?"

Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác phẩm được giới thiệu hôm nay, hàm tàng một nội dung ẩn mật phô diễn hành trạng của vị Bồ Táthóa thân vào đời để thi thiết Bồ Tát đạo, lập thệ sâu xa Bồ Tát nguyện và tác thành chân thân Bồ Tát hạnh giữa biển đời sinh tử trầm luân. Huyền Thoại Duy Ma Cật là tác phẩm mới nhất được Thầy dịch giảng, luận giải bằng sở tri uyên thâm Phật pháp, bằng nghệ thuật văn phong lịch nghiệm để từ đó hiến dâng, trao tặng cho tất cả bằng hữu tri thức, cùng pháp giới chúng sanhthấm nhuần ân pháp nhũ.

Như vậy, riêng về phần phiên dịch Kinh tạng, Thầy đã phiên dịch hai hệ kinh điển Nguyên Thủy Phật giáo - Kinh A Hàm và Ðại Thừa Bồ Tát - Duy Ma Cật, Thắng Man để giúp người học Phật có cái nhìn tổng quát qua hai hệ kinh điển của Thượng Tọa bộ và Ðại Chúng bộ theo từ ngữ thời bấy giờ. Nhưng, cho đến hôm nay, có lẽ cái nhìn được cởi mở và thấu triệt hơn nên Thầy đã phiên dịch Kinh điển để cống hiến sự lợi ích cho mọi người và cũng để góp phần xây dựng nền học thuật kinh điển nước nhà ngày thêm phong phú.

Dịch Thuật Luật Tạng
Về Tạng Luật, Thầy đã để phần lớn thời gian hiệu đính, chú thích kỹ lưỡng vì tầm quan trọng của giới luật. Tỳ Ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ - Luật tạng được vững bền thì Phật pháp cũng được bền vững. Là cột trụ của ngôi nhà Phật pháp, nên giới luật không thể khinh suất, từ đó Thầy đã hoàn thành bộ Tứ Phần Luật gồm có sáu quyển cũng như bộ Yết Ma Yếu Chỉ, nhờ vậy mà các thế hệ chúng Tăng hôm nay có đủ bộ luật để học trong các tự viện và các trường Phật học, mà không còn tùy thuộc vốn liếng chữ Hán. Bộ Luật Tứ Phần cũng như Yết Ma Yếu Chỉ đã được ấn hành tương đối đầy đủ cho các Tăng sinh trong những mùa an cư kiết hạ hay những khóa học Phật pháp. Thiết nghĩ bộ Luật Tứ Phần và Yết Ma Yếu Chỉ cần được giảng dạy cho Tăng chúng, nhất là môi trường ở hải ngoại này.

Nếu ai đó ưu tư về mạng mạch của Tăng già, tuổi thọ Phật pháp và làm thế nào để phát huy và giữ vững nếp sống của cộng đồng Tăng lữ ngày một hưng thịnh, thì Thầy là một trong những bậc Tôn túc thiết tha, tâm lượng đến tuổi thọ và sức sống ấy. Nỗi ưu tư suy tưởng đã hiện thành việc làm cụ thể, thích hợp qua công trình phiên dịch luật tạng hôm nay. Trong khi phiên dịch hay hiệu đính, chú thích là việc làm hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng, kiến thức về luật tạng, nếu không đủ năng khiếu về ngôn ngữ, mà nhất là thứ ngôn ngữ cổ: Phạn, Pàli, Hán thì khó mà dịch hay hiệu đính cho đúng. Do vậy, làm một công trìnhthuộc văn học luật, văn hóa Phật, đòi hỏi sự thận trọng, tôn trọng lời Phật dạy, nếu không sẽ gây tai hại cho nhiều thế hệ mai sau. Trong khi phiên dịch, những điều sai sót về chữ nghĩa, ngôn từ là điều không phải không có, như trong phần Tự Ngôn, Thầy viết:
"Có nhiều trường hợp căn cứ trên các Phạn bản, chủ yếu là bản Pàli để chỉnh lý những điểm sai sót trong bản Hán do sao chép. Thí dụ, trang 85-1a, bản Hán chép là Bà La Bạt Ðề, đây là tên của một cô gái đọc theo Pàli là Sàlavatì, do đó biết rằng Hán đã chép nhầm từ Sa thành Bà vậy từ đúng là Sa La Bạt Ðề, thay vì là Bà La Bạt Ðề trong các ấn bản Hán."

Sự sai sót này đòi hỏi người dịch, hiệu chính, chú thích phải thông hiểu thấu đáo ngôn ngữ và kiến thức Phật học, đọc qua nhiều Ðại Tạng ngôn ngữ khác nhau để đối chiếu, tìm ra chỗ đúng và chỗ không đúng. Trong khi làm việc này, Thầy xem như không khó lắm, có nghĩa là rất dễ dàng đối với Thầy trên phạm vi ngữ pháp. Thầy viết:
"Mặt khác, những sai sót do sao chép thường nhầm lẫn tự dạng mà Khuy Cơ (Thành duy thức luận thuật ký tự) nói là suyễn phượng ngoa phong, quai ngư mậu lỗ." Chữ phượng nhầm lẫn với chữ phong, chữ ngư lẫn lộn với chữ lỗ; những trường hợpnhư vậy rất thường xuyên, và chỉnh lý không khó khăn lắm, tùy thuộc trình độ ngôn ngữ, và trình độ nhận thức giáo nghĩa."

Việc làm của người nắm vững mực thước, quy củ, Thầy đã nhiều lần thấy tầm quan trọng của giới luật, mà khi xưa một thời chư bậc Tổ đức Thiền gia đã giữ gìn như giữ tròng con mắt, không thể khinh suất. Chính vì vậy mà quý Ngài là chỗ nương tựa của chúng Tăng, là bậc Long Tượng trong rừng thiền, là gốc cây đại thọ ngàn năm rợp bóng cho nhiều thế hệ nương theo. Những bậc tuyên dương giới luật làm rạng ngời nếp sống phạm hạnh huân tu, mãi mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nhìn lên bàn thờ Tổ, vẫn thấy nét thâm nghiêm thanh tịnh còn hiển hiện. Ðạo phong trác việt, tánh đức uy nghi như là bài học sống động suốt thời gian chẳng phai mờ. Hình ảnh của chư vị Kỳ Túc Tổ Sư thờ nơi hậu Tổ như luôn nhắc nhở hàng hậu học, mỗi khi lễ Tổ thỉnh sư hành lễ. Những hình ảnh ấy, khi còn sanh tiền hay giờ này đã chích lý Tây quy, nhẹ bước về miền tịnh địa thì cũng vẫn là hương xưa còn phảng phất, âm hưởng chẳng bặt tăm. Nghi dung một thời đĩnh đạc trong chốn tòng lâm, làm tấm gương soi cho hậu thế. Nghĩ đến những tấm gương làu làu sáng rỡ, chẳng chút bụi trần mà Thầy viết lời Tự Ngôn đượm nhuần tình tựcủa kẻ kế thừa, nối gót theo sau: 
"Hòa thượng là một số rất ít trong các Tỳ Kheo trì luật của Tăng già Việt Nam, kể từ khi Phật giáo được trùng hưng, Tăng thể được chấn chỉnh và khôi phục. Thế hệ thứ nhất trong phả hệ truyền thừa luật tạng của Tăng già Việt Nam thời trùng hưng hiện đại bao gồm bóng mờ của nhiều bậc Thượng tôn, Trưởng lão, uy nghi đĩnh đạc nhưng khó hình dung rõ nét đối với các thế hệ tiếp bước theo sau. Các Ngài xứng đáng là bậc Long Tượng trong chốn tòng lâm, mà đời sống phạm hạnh nghiêm túc, phản chiếu giới đức sáng ngời, tịnh như băng tuyết, mãi mãi ghi dấu trên các nẻo đường hành cước, tham phương, hoằng truyền chánh pháp."

Bằng tầm nhìn suốt một chặng đường lịch sử hoằng truyền chánh pháp chấn chỉnh tông môn, thì luật tạng là điều trọng yếutrong công cuộc hoằng truyền và chấn chỉnh, mà dư hưởng một thời của chư bậc Tổ Ðức còn âm vang làm chất liệu cơ năng cho sự bảo lưu nền văn học luật tạng, Thầy đã đi trên dòng lịch sử bảo lưu ấy.

Có thể nói, thế hệ của Thầy là điểm gạch nối giữa thế hệ cha ông và thế hệ tử đệ của Thầy. Do vậy, Thầy đã uống được ngụm nước đầu nguồn tươi mát đó mà tưới tẩm vun bồi cho thế hệ kế thừa và nhiều thế hệ sau nữa. Cho nên Thầy phải làm và làm thật nhiều những gì cần làm để xây dựng, tạo lập một kho tàng pháp bảo bằng khả năng hiện có của Thầy, ngõ hầu góp phần xây dựng chung cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày thêm vững chắc, trong khả năng hiểu biết của một vị tăng với sứ mệnh phụng sự Ðạo pháp và cộng đồng Tăng.

Nhân danh một cá nhân tăng để san bằng tất cả những khúc mắc, gập ghềnh chung và bổ túc những khiếm khuyết nếu có qua công trình biên khảo, dịch thuật của chư vị dịch giả khác. Tâm nguyện phụng sự của Thầy được dàn trải qua các "Lời Tựa, Tự Ngôn, Tiểu Dẫn...". Trong tập Yết Ma Yếu Chỉ, phần Tiểu Dẫn, Thầy đã trình bày thực trạng của cộng đồng Tăng lữ Việt Nam bị trì kéo bởi nhiều thế lực thế tục, mà Tăng già không ý thức trách nhiệm tự tồn sẽ bị vong thân theo những thế lực ấy. Ðó là nỗi đau thường hằng và trực diện. Nỗi đau hằn lên tâm khảm thành những vết tích loang lở của thời đại đã xé nát thân thể Tăng già Việt Nam. Thầy viết:
"Trong mấy thập niên trở lại, với mặc cảm tự ti của một quốc gia nô lệ, xã hội Việt Nam có xu hướng bứt rễ truyền thống để đua kịp người khác. Các học thuyết triết học phương Tây được mô phỏng một cách vội vã, từ chủ nghĩa Duy Tâm Nhân Vị, cho đến Duy Vật Vô Thần, thật sự đang để lại trên cơ thể Việt Nam những rạn nứt vô cùng đau nhức. Trong bối cảnh xã hội đó chưa thấy cộng đồng Tăng lữ ở quốc gia nào mà chịu nhiều rạn nứt như ở Việt Nam."
Những thẩm định ấy được xác lập bằng định nghiệp của chính Thầy hay cộng nghiệp chung của cộng đồng dân tộc trong đó có Phật giáo Việt Nam, phải băng vượt qua bao nhiêu thác ghềnh thời đại, bao nhiêu thế lực và tham vọng độc tôn. Ðây là bài học xương máu mà cộng đồng Tăng lữ Việt Nam phải chiêm nghiệm.

Dịch Thuật Luận Tạng

Như bao nhiêu Luận sư khác, Thầy đã dịch thành Duy Thức Luận, A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá Luận... tất cả những bộ luận này đều được giảng dạy trong các Phật Học Viện, cũng như thời gian Thầy đảm trách vai trò Học Vụ tại viện Cao Ðẳng Phật Học Hải Ðức. Thầy dạy Duy Thức Học, Câu Xá Luận, Nhơn Minh Luận Ðại Trí Ðộ Luận... Tất cả những bộ luận này đều đã ấn hành và là giáo trình cho Tăng Ni sinh. Có thể nói, công trình phiên dịch của Thầy đã đem lại nhiều sự lợi ích và phương tiện cho những ai nghiên tầm kinh Phật, thực tập kinh Phật và tu chứng kinh Phật. Những bản dịch thuật, luận giảng, được Thầy ghi chép đầy đủ xuất xứ, rõ ràng, mạch lạc, cũng như dẫn chứng và chú thích những từ ngữ khó hiểu, kiến văn giảng giải của Thầy khiến cho người đọc say mê thích thú.

Từ phạm trù Kinh, Luật, Luận bước sang lãnh vực Thiền học và Triết học, tiêu biểu những tác dịch phẩm: Bộ Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki. Thiền và Bát Nhã. Tinh Hoa Triết Học Phật giáo. Triết Học về Tánh Không. Ðại Cương Thiền Quán... Những tác phẩm này, tư tưởng chính là Thiền, Bát Nhã và Tánh Không.

Thiền học, Thầy tiếp tục dịch bộ Thiền Luận của cụ Trúc Thiên mới dịch được quyển thượng, nhưng trước khi quyết định dịch giáo nghĩa Thiền, Thầy nói môn đó không phải là sở trường của Thầy và trong các tác phẩm, Thầy như không muốn chạm vào phong thái Thiền. Nhưng qua bộ Thiền Luận tập II và III mọi người đã thấy được khả năng dịch thuật sâu sắc, phong phú của Thầy, và chẳng phải là việc làm của tay trái, dù lúc đó Thầy mới khoảng 27 tuổi. Thiền Luận tập II, phần I, Một Kinh Nghiệm Siêu Việt Tri Kiến, trang 56, Thầy dịch:
"Này, tâm của ngươi đã được an rồi đó". Bồ Ðề Ðạt Ma xác nhận: "Sự xác nhận về phía Tổ Sư đã làm sáng mắt Huệ Khả. Ðại Huệ lại nhận xét: "Như rồng lặn xuống nước, như cọp tựa vào đá. Ngay giây phút này, Huệ Khả không thấy có Tổ Sư ở trước mặt, không có tuyết, không có cái tâm rong ruổi theo vật, không có cả sự chứng ngộ mà tâm Ngài sở đắc. Tất cả đều tan biến khỏi tâm thức của Ngài, tất cả đều không." 

Ấy là sự lịch nghiệm Thiền bặt dứt ngôn ngữ, văn tự đi thẳng vào lòng người để kiến tánh thành Phật. Bởi vì tất cả là không, thì có gì để hỏi và đáp. Còn có gì để mê và ngộ. Còn có gì giữa ngã và ngã sở, trong giây phút đó, Huệ Khả đã đổi đời từ hố thẳm của sự chết chuyển thành sự sống bất diệt.

Cũng trong phần Tu Tập Công Án, Phương Tiện Chứng Ngộ, Thiền Luận II, trang 59, chúng ta thấy sự biểu tỏ của trực tính Thiền, như gõ vào vách đá tạo thành tiếng vang, gặp bậc Thánh giả mê vọng sớm trừ, chỉ còn thuần lại chất liệu giác ngộ. Như Ngài Huệ Năng gánh củi bán dạo, nhân nghe được câu kinh Kim Cương: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" mà quyết định đi tìm Ngũ Tổ để học Thiền. Sau khi đến núi Hoằng Mai để gặp Tổ Hoằng Nhẫn, Tổ hỏi: 
"Nhà ngươi ở đâu đến? Ðến đây để làm gì?"
"Tôi là tên quê mùa ở Tân Châu đến, muốn làm Phật."
Tổ nói:
"Vậy ra ngươi từ Lĩnh Nam tới, nhưng người phương Nam không có Phật tính, sao nhà ngươi lại mong thành Phật được?"
Tổ Huệ Năng đối lời:
"Người có Nam Bắc, nhưng Phật tính đâu có phân biệt Bắc Nam?"
Bát Nhã, một bộ kinh dày 600 quyển, nhưng rút gọn lại chỉ còn 270 chữ, tính luôn đề kinh, nhiệm mầu, siêu việt trên mọi tự tính. Thầy đã chứng minh sự nhiệm mầu ấy trong cuốn Thiền và Bát Nhã, phần dẫn vào kinh văn Bát Nhã do Viện Cao Ðẳng Phật Học Hải Ðức, Ban Tu Thư Phật Học ấn hành năm 2004, trang 11, như sau:
"Mạc Hạ Diên, mà phương Tây gọi là sa mạc Gobi, sách xưa gọi là Sa Hà, một bãi cát mênh mông dài trên 800 dặm, nối liền hai nền văn minh tối cổ của nhân loại, trên không chim bay, dưới không thú chạy, cỏ không, nước cũng không, Huyền Trangmột mình một bóng đã vượt qua khỏi đoạn đường đầy kinh sợ và thường xuyên làm nản lòng những người kiên cường nhất, duy chỉ bằng vào lời kinh "Ma ha Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh"

Ấy là năng lực hiệu nghiệm của kinh, là sự gia trì của Bồ Tát khi lòng mình thanh tịnh, hay quán thấy thật tướng của các pháp là không, không có thật thể, mà vượt qua tất cả khổ nạn, như lời kinh thường tụng đọc: "... Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách... Bồ Tát y Bát Nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảomộng tưởng..."

Tư tưởng Bát Nhã, trí tuệ vô lậu là nhân tố đủ để làm thành con đường chuyển tải sự giác ngộ, là chiếc bè đưa người qua dòng bộc lưu, dòng nước xoáy của sông sinh tử. Bát Nhã là điều kiện duy nhất để con người thành Phật, dù con người trải quabao nhiêu chặng đường sinh tử. Nhưng một khi trí Bát Nhã bừng dậy đốt cháy vô minh, dập tắt phiền não thì con đường giác ngộ là đấy. Do vậy, Bát Nhã là Mẹ của chư Phật và Bồ Tát. 

"Nói rằng Bát Nhã là nguyên lý chỉ đạo của các Ba La Mật ấy là vì các nhà Ðại Thừa quan niệm nó cấu thành nhất thiết trí (Sarvajnãtà). Tức là, trí tuệ viên mãn mà bậc toàn trí đã thành tựu. Do đó, Bát Nhã là ánh sáng rọi khắp mà chúng ta phải chiêm ngưỡng. Nó đứng trên tất cả ảnh hưởng ô nhiễm của các vật thể trần gian. Nó soi sáng tất cả bóng tối trong thế giới đối đãi nhị nguyên, và do đó mang lại thanh bình và an ổn cho mọi loài. Nó cung cấp ánh sáng cho người mù, nhờ đó y có thể yên lành đi xuyên qua đêm tối của vô minh. Nó dẫn những người lạc lối trở về con đường chính. Nó vén mở cho chúng ta thấy chân lý của vạn hữu, và chân lý đó là Nhất Thiết Trí (Sarvajnãtà). Nó là nơi nương tựa của mọi loài, khiến chúng hoàn toàn không sợ hãi, là người có năm con mắt soi rõ trọn cả thế gian. Là chân lý vượt lên sống và chết, vượt lên tất cả mọi tạo tác và khát ái mà chính là tính Không. Là kho lẫm của hết thảy mọi chân lý (dharmakosa). Là Mẹ của hết thảy chư Phật và Bồ Tát."

Tánh Không từ Thiền Bát Nhã, chúng ta bước sang Triết Học và Tánh Không, hai phương trời lồng lộng tư tưởng giải thoát. Từ tư tưởng giải thoát, giác ngộ này đã phá đổ tất cả những điều sai biệt nhị biên của thế tục, để dựng thành một thế giới trang nghiêm đạo quả Bồ Tát. Từ nền Triết học Tánh Không và Bát Nhã này, người học Phật không thể không có cái nhìn, cái suy tư nghiêm túc là giữa cuộc đời trần gian nhiều mộng ảo, huyễn tướng là nơi sinh trụ của Bồ Tát, của những tâm hồn Ðại sỹ. Triết học và Tánh Không là cái học cao siêu, cái học thực thể về tính chất không thật của sự vật. Tính chất không thật này được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ Triết lý Phật giáo. Vậy thì, Bát Nhã và Tánh Không cùng gặp nhau ở một điểm là san bằng mọi nếp suy tư, tưởng và không tưởng; thật và không thật, hay bất cứ cái có thể diễn đạt hay không nói thành lời. Chân trời của Bát Nhã và Tánh Không không vướng vấp, và đọc qua những ngôn từ của thế tục đế, qua lằn vết, biên giới của tâm tư, Bát Nhã và Tánh Không vượt thoát con đường tục đế nhưng hàm tàng và hiện hữu khắp mọi thời, mọi chốn.

Chúng ta đọc Thiền, Bát Nhã và Tánh Không là làm một hành trình quay về nguồn để đối diện với cái chân như uyên nguyên vô sinh, bất diệt, mà từ vô thủy cho đến nay, người và chúng ta mãi lặn lội, mò mẫm trong đêm trường sinh tử theo dòng thác lũ, cuồng thức. Thầy viết trong Thiền và Bát Nhã, trang 198, như sau:
"... Cái cày nằm trong đôi tay, nhưng cày đất lại bằng tay không. Ngồi trên lưng ngựa, nhưng trên yên lại không kỵ sĩ, dưới yên không kỵ mã. Bước qua cầu nước không chảy mà cầu trôi. Thanh văn vẫn còn "bên này", dù đã chứng đạo, cho nên sự chứng đạo đó lại khác hẳn với kinh nghiệm của mình. Ý niệm đích thực về Tánh Không đang cản trở sự sống thực của mình. Với Bồ Tát thì Tánh Không không còn là Tánh Không, Bồ Tát sống thực đời sống mình không bị phân vân giữa cái không hay Bất không, giữa Niết Bàn và sinh tử, giữa giác ngộ và vô minh. Cái đó Bát Nhã nói là "ở trong Không tam ma địa mà không thủ chứng thực tế". Và đấy là một trong những thái độ đặc sắc nhất của Bồ Tát đối với cõi đời."
Từ đây, chúng ta thấy đạo Phật hiện hữu trong thế gian, xây dựng cho thế gian một nếp sống tịnh lạc, an lành, không lìa khỏi thế gian để tìm cầu giác ngộ. Bồ Tát không chối bỏ chúng sinh, để tìm hạnh phúc cho riêng mình. Bồ Tát sống ngay giữa lòng đời tử sinh để độ thoát tử sinh, chúng ta hãy tu học theo bài kệ:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ Đề
Do như cầu thố giác
Dịch:
Phật pháp ở nơi thế gian này
Chẳng lìa khỏi thế gian để cầu giác ngộ
Lìa khỏi thế gian để tu chứng giác ngộ
Giống như đi tìm lông rùa sừng thỏ

Các Chủ Ðề Ðạo Học và Triết Học Ðông Tây.

Ngoài công trình dịch thuật, trước tác, Thầy còn viết những loạt bài chuyên đề về tư tưởng Phật Học, Triết học Ðông Tây. Những nhận định, quan điểm... lúc còn là Giáo sư Ðại học Vạn Hạnh và Tổng Biên Tập tạp chí Tư Tưởng. Những bài viết về các chủ đề này một phần đã đăng trong tạp chí Tư Tưởng Vạn Hạnh, một phần đăng rải rác trên các báo chí, tập san, hay trên các trang báo điện tử: trang nhà Phật Việt, Quảng Ðức, Pháp Vân... Qua những bài viết này, một số lấy tên là Như Thị, như bài: Cogito Bát Nhã Dưới Ánh Sáng Hiện Tượng Luận. Tạp chí Vạn Hạnh số 8 và 9, kỷ niệm Phật đản, Phật lịch 2510, trang 114. So Sánh Các Vấn Ðề Triết Học Ðông Tây Cogito Trong Triết Học Phật Giáo, tạp chí Vạn Hạnh số 1, kỷ niệm Phật đản, Phật lịch 2500, trang 49, v.v... 
Những chủ đề như trên, Thầy viết khá nhiều, người viết xin giới thiệu một số tiêu biểu:
Lệ Ngôn.
"Cogito là một danh từ La Tinh có nghĩa là "tôi suy tưởng" rút trong nguyên lý triết học của Descarts "Cogito ergo sum: tôi suy tưởng vậy có tôi" (ji peuse je suis). Theo Decarts thì đó là một chân lý hiển nhiên sau khi ông đã hoài nghi phủ nhận sự hiện hữu của mọi sự vật trong vũ trụ. Vậy Cogito chỉ là một thể nghiệm về sự hiện hữu của chủ thể, với trí thức trực giác về hữu thể của chủ thể ấy.

Sau này Husserl, Sartre, Heidegger lần lượt theo Descarts suy nghiệm về bản thể của tri thức và đem lại cho danh từ Cogito những nội dung khác nhau. Do đó, chúng tôi cũng có ý mượn danh từ Cogito đặt làm một đề mục cho sự nghiên cứu bản thể tri thức siêu nghiệm của Ðức Phật, trong loạt bài So Sánh Triết Học Ðông Tây của chúng tôi." (Tư Tưởng Vạn Hạnh, quyển 1, Kỷ Niệm Phật Ðản Phật lịch 2509, trang 49)

Thi Ca, Nền Văn Học Hiện Ðại.

Nói đến thơ của Thầy, hầu như ai cũng biết tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mị Ngữ. Ngoài hai tập thơ này còn có các thơ khác qua nhiều dạng thức, được đăng trên các tạp chí, đặc san từ trong nước đến hải ngoại. Nhiều bài trong Tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn đã được phổ nhạc và đã được các ca nghệ sĩ ngâm, hát, thơ Thầy.

Những ý thơ của Thầy đã tạo nhiều ấn tượng cho giới thưởng ngoạn, những hình ảnh thâm trầm của quê hương dân tộc, những tình tự và ước nguyện muôn trùng của "cuộc lữ", phương trời mộng. Ðọc thơ Thầy, để thấy tâm hồn của người nghệ sỹ, thi sỹ hay đọc thơ Thầy để cảm nhận, chia sẻ tâm thức của kẻ sĩ luôn hướng về đất nước bị đọa đày? Một đất nước đói nghèo đầy tủi nhục, một dân tộc lầm than khốn cùng, và ý chí ấy đứng thẳng để thấy quê hương và dân tộc Việt hào hùng trong ý thức tự tồn, độc lập. Thơ của Thầy mang nhiều cảm tính dạt dào tình người, tình đạo, tình non sông gấm vóc. Một tình cảm chân thật mà suốt dòng lịch sử quê hương còn mênh mang trong ý thơ mượt mà, hùng tráng:
Người đi đâu bóng hình mòn mỏi
Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ
Ðường lịch sử
Bốn ngàn năm dợn sóng
Ðể người đi không hẹn bến bờ
(Tĩnh Thất 24, 2000-2001)

Hay:
Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu
Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh
Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ
Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh

Buổi vô thủy hồn tôi từ đáy mộ
Uống sương khuya tìm sinh lộ viễn trình
Khi nắng sớm hôn nồng lên nụ nhỏ
Tôi yêu ai, trời rực sáng bình mình.
(Bình Minh - Tĩnh Tọa, tháng 9-1983)

Tiếp theo Giấc Mơ Trường Sơn là Ngục Trung Mị Ngữ, tập thơ làm trong thời gian ở tù bằng chữ Hán. Ðọc Ngục Trung Mị Ngữ để thấy được tinh thần an nhiên tự tại của Thầy dẫu là những bài thơ trong lúc ở tù. Một tâm hồn thư thái nhẹ như mây và thong dong như gió, nhưng đầy ắp lòng thương yêu trần gian khổ lụy, đầy huyết lệ tuôn trào, mỗi khi bưng bát cơm tù. Từ những bi hoan của cuộc sống tù đày ấy, Thầy đã viết thành những lời thơ nói lên tâm cảm của mình, qua bài Cúng Dường:
"Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn."
Dịch:
"Ðây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Ðức Phật Ðấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương"

Ngoài ra còn có những bài thơ mà không ở trong hai tập nói trên, như bài Tiểu Khúc Phật Ðản, Những Ðiệp Khúc Cho Dương Cầm... Thầy đã viết:
"Sườn non một bóng đạo già
Trầm tư năm tháng bên bờ tử sinh
Nhìn sao mà ngỏ sự tình: 
Ai người Ðại Giác cho mìmh quy y?"

Ðể rồi từ đó, Thầy gởi gấm lòng mình qua ý thơ: Cuộc sống quá nhiều khổ đau, con người cứ mãi lang thang trên những bước đường sinh tử trầm luân, mà chẳng biết khi nào được thoát khỏi vòng quanh quẩn ấy:
"Thời gian vỗ cánh ngang đầu;
Sinh, già, bệnh, chết tránh đâu vận cùng
Khổ đau là khối tình chung
Ai nâng cõi thế qua bùn tử sinh?"

Ðọc xong hai tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mị Ngữ cũng như một số các bài thơ khác, chúng ta không thể không nghĩ đến tác phẩm "Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng" mà Thầy đã dịch giảng lời thơ văn bay bổng, chơi vơi. Người viết xin được trích một đoạn trong "Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng", trang 240, để giới thiệu tác phẩm tầm cỡ của nền văn học, thi ca hiện đại của Thầy:
"... Giang Sơn như họa
Một thời hào kiệt anh hùng"

"Ngọc đường Kim mã bỗng vang lên những tiếng gào thét đoạn trường. Chim hồng giật mình tung cánh bay cao. Biết nơi nào là cố quận, nơi nào là tha hương để chim hồng đậu lại.
Trạch tận hàn chi bất khẳng thê
Tịch mịch sa châu lãnh
Ðường ra đi, qua trăng ngàn, qua gió bãi, mây vần vũ, núi non sụp xuống, nắng chiều đỏ như máu. Ðau khổ, kinh hoàng nên kêu réo, nên ngậm ngùi và uất hận.
Sơn ức Hỷ hoan lao viễn mộng
Ðịa danh Hoàng Khủng khấp cô thần.

Ðất khách là mười tám cái ghềnh thác kinh hoàng đổ xuống, nước mắt của một lão thần cô quạnh cũng đổ xuống. Nhưng đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng. Quê hương với ân tình thắm thiết kia mới thực là đọa đày viễn mộng.
Núi nhớ Hỷ hoan đọa đày viễn mộng
Ðất tên Hoàng Khủng lệ khóc cô thần"

Tất cả những gì được giới thiệu hết sức tiêu biểu công trình học thuật, thi ca của Thầy, chỉ là tiếng nói của cảm nghĩ sâu xa, tồn đọng nơi người học trò qua bao thập niên, lãnh thọ từ sự giáo huấn, tài bồi ân đức của bậc Thầy trong sự truyền đạt, nuôi dưỡng thế hệ con em. Do vậy, không sao tránh khỏi những điều khiếm khuyết. Kính mong Thầy từ bi lượng thứ, cũng như chư vị Thức giả cao minh vui lòng chỉ giáo.

Nguyên Siêu
 (Bài giới thiệu tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thượng tọa Tuệ Sỹ tại Santa Ana 11 tháng 8-2007)


Sunday, January 7, 2018

MÂY TRẮNG QUA ĐỒI

Thư pháp của Uyên Nguyên viết thơ Tâm Thường Định tiễn GS. Phạm Công Thiện. 

MÂY TRẮNG QUA ĐỒI
 Kính tiễn GS Tâm Đức Trần Quang Thuận

Qua đồi cõi mộng thong dong
Trầm luân một kiếp Tánh không liễu rồi
Phẩy tay sông rộng thảnh thơi
Thuyền từ Bát nhã đạo đời thịnh hưng!

Nhóm Hoa Đàm kính bái.