|
Trần Trung Đạo tại hội trường ra mắt sách Chánh Luận tại Sacramento - Photo: BXK |
|
With author Tran Trung Dao |
TRẦN TRUNG
ĐẠO – BIỂU TƯỢNG HÀNH TRÌNH TỰ DO
Nhân
Duyên Gặp Nhau
Anh Trần
Trung Đạo, tên thật là Trần Văn Nhơn sinh năm 1955, là một nhà văn, nhà thơ ưu
ái, mà ai trong chúng ta cũng yêu thương và kính trọng. Anh Đạo quê ở Duy
Xuyên, Quảng Nam. Anh từng là cựu học sinh trường Trung Học Trần Quí Cáp ở Hội
An; anh cũng là cựu sinh viên đại học Luật Khoa và Vạn Hạnh tại Sài Gòn. Sau biến
cố 30 tháng 4, anh đã trải nghiệm hơn 6 năm sống với chế độ “Xã hội Chủ nghĩa”. Cùng với biết bao nhiêu người con Việt khác,
anh phải rời bỏ quê hương thân yêu để tìm kiếm tự do và nhân bản, anh vượt biển
vào tháng Sáu năm 1981 và đến đảo Palawan, Phi Luật Tân. Sau năm tháng tỵ nạn ở
Palawan, Philippines và định cư tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ vào tháng 11
năm 1981. Ở đó, anh theo học ngành khoa học điện toán tại Wentworth Institute
of Technology và Boston University và đã tốt nghiệp kỹ sư điện toán và đang làm
việc cho một hãng đầu tư tài chánh tại Boston.
Nhà thơ/nhà văn Trần Trung Đạo còn là một người rất có nhiều tâm huyết
cho giới trẻ và anh đặt trọn niềm tin yêu của mình vào thế hệ trẻ, nhất là tuổi
trẻ Việt Nam.
Chúng tôi biết anh khi còn đang học ở trường
đại học University of Nebraska – Lincoln từ năm 1994, khi đó hai tác phẩm đầu
tay của anh: Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức, xuất bản lần đầu tiên
vào năm 1992, đã đi vào lòng người. Rồi
nhân duyên đưa đẩy, chúng tôi biết anh trong tổ chức Gia Đình Phật Tử nơi mà cá
nhân chúng tôi vẫn còn sinh hoạt. Anh cũng tâm sự trong cuốn Dưới Bóng Đa Chùa
Viên Giác rằng: “Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hoà mình vào tập thể, cho
tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã
hội, biết sống cho mình và sống cho người khác” (trang 281). Có lẽ vì thế mà
chúng tôi càng gần gũi nhau hơn.Rồi chúng tôi quen biết qua thơ văn, cũng viết
về gia đình, phận người, đất nước, dân tộc và đạo pháp.Cuối cùng chúng tôi tìm
đến nhau, thương yêu và kính trọng nhau trong tình pháp lữ và trong niềm vui
văn học nghệ thuật. Chúng tôi là những người đi sau anh, cũng học đòi làm thơ
văn để giữ gìn tiếng Mẹ đẻ, để giữ gìn truyền thống tốt đẹp, phát huy văn hoá,
thuần phong mỹ tục Việt Nam, và hoằng dương chánh pháp.
Cái
Tâm Và Tấm Lòng Của Người Con Yêu Nước
Người
xưa có câu “Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, quen biết
anh thì chúng ta càng phục cái tâm của anh hơn. Tôi đã đến thăm gia đình anh Trần
Trung Đạo vào một ngày thu đẹp trời ở Boston, được anh chị dẫn đi thăm viếng
Thiền Viện Bồ Đề, đi chơi, chụp hình và đi thăm những trường đại học nổi tiếng
trong vùng như MIT - Massachusetts Institute of Technology, Harvard, v.v… nhìn
thấy những thanh niên, sinh viên nam nữ đang tản bộ, tập thể dục, hoặc đang cặm
cụi học bài dọc bên bờ sông Charles thơ mộng, anh nói với tôi rằng: “Đất nước
Hoà Kỳ này, thành phần trẻ đang lo lắng học hành để xây dựng tương lai cho
chính mình và cho tổ quốc, còn đất nước Việt Nam của chúng ta, ở cái tuổi này
thì các em đang làm gì…? Nhìn cảnh tuổi trẻ Việt Nam muốn tìm mọi cách ra nước
ngoài học tập hoặc lao động. Số còn lại thì café, thuốc lá, nhậu nhẹt, hút
sách, cờ bạc…” Giọng anh nghe có chút buồn man mác và khi nói đến đây thì cả
hai chúng tôi có chút gì đó nghèn nghẹn ở trong lòng. Anh có nói: Chiến
tranh phá huỷ xóm làng, nhà cửa, thì chúng ta có thể xây dựng lại nhà cửa, xóm
làng, nhưng một khi TÌNH NGƯỜI bị phá huỷ thì hậu quá rất tai hại, về lâu về dài.
Nên chúng ta cần phải có sự Thương Yêu và Tha Thứ để xây dựng Tình người Việt
Nam. Anh
Đạo là một con người lạc quan, anh có một niềm tin vững chắc vào tuổi trẻ Việt
Nam và tương lai của Dân tộc. Anh có nhắc
với tôi rằng: "Chúng ta viết văn hay làm thơ cũng phải giữ lòng mình trong
sáng, nhân bản, hướng thiện." Thơ và cái tâm của anh là như vậy đó: Đầy
cương lĩnh, nhân hậu, đầy tình người, tình đồng bào và tình nhân loại. Anh dấn
thân, sống hài hoà, dễ chịu, khiêm cung, bao dung và hỷ xả.
Trở lại
thi nghiệp của anh. Văn, Thơ và Tiểu luận của anh sâu sắc và trung trực, nói
lên nỗi xót xa thân phận làm người, tấm lòng yêu quê hương và dân tộc. Những
tác phẩm của anh luôn viết về tình cảm, thân phận của người vượt biển, vượt
biên, nỗi khao khát tự do của người con Việt tha hương được nhiều độc giả tiếp
cận và biết đến. Anh Đạo nổi tiếng từ
thuở đó. Về sau anh lại viết rất mạnh và
khoẻ, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng, không những trong văn thơ mà còn tâm bút
và chính luận.
Có thể
nói, những chính luận của anh là tiếng nói yêu nước chính thức của người dân
bình thường, không có đảng phái chính trị nào.
Đó là những khắc khoải, những ưu tư, những giải pháp và hy vọng. Tầm nhìn đó rất trung thực, không thêm bớt,
hiện hữu như là, có khác chăng với những người khác, thì ở anh, lối viết rất
nghiêm túc, có nghiên cứu, có tinh thần xây dựng, đầy nhiệt huyết, đầy từ tâm
và trong sáng.
Con
Người Và Gia Đình Anh Trần Trung Đạo
Con người
anh và văn thơ anh đi trên cả những đảng phái, đi trên cả những lằn danh tôn
giáo, và đi trên cả những phím diện tương đối phù du. Hiện thân anh là nỗi khổ
và niềm vui của người Việt Nam hải ngoại nói riêng và người Việt Nam quốc nội
nói chung. Anh sinh ra trong một già đình nghèo nàn ở vùng quê khô cằn Xứ Quảng,
lớn lên theo vận mệnh nổi trôi của Đất nước.
Anh đã trải nghiệm và biết được bản chất thực sự của Xã hội Chủ nghĩa,
anh đã không muốn sống với chế độ vô thần, thối nát, tham nhũng, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, cũng
như gần cả triệu người Việt khác, anh vượt biển tìm tự do, thuyền anh bập bềnh
trên biển cả, đói và khát giữa đại dương mênh mông, tiếp xúc với hải tặc, tử thần,
niềm tin và hy vọng, cũng như lòng khao khát được sống còn.
Thế rồi anh được sống, và vươn lên trong xã hội
Tây phương này. Anh thành tài, thành danh và thành nhân. Có thể nói, gia đình
anh cũng như nhiều gia đình Việt Nam tại hải ngoại khác đã hoà nhập và vươn lên
trên xứ sở mới. Anh và chị Phụng có 3 đứa con, cháu nào cũng dễ thương và thành
đạt. Em lớn nhất, Nguyên Thảo, đã ra trường Bác sỹ tại New York Medical College
và được chọn thực tập ở Đại học Yale-New
Haven Hospital. Em Trung Hiếu, con trai
anh, sắp hoàn tất chương trình Tiến Sĩ Kỹ Thuật Không Gian tại Rensselaer
Polytechnic Institute và em út Thục Vy đang học lớp 11. Nói chung gia đình anh đã công thành danh toại,
và là một gia đình Việt Nam gương mẫu tại hải ngoại. Thế nhưng anh không bao giờ
quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Anh
lúc nào cũng tìm cách để xây dựng lại một quê hương Việt Nam nhân bản, công bằng,
tự do, giầu tình người và dân chủ.
Tiếng
Nói Lương Tri
Khi nói
đến nhà thơ/nhà văn Trần Trung Đạo là nói đến những hạnh nguyện, thao thức, và
ước mơ của nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ của Cha Ông chúng ta, và cả thế hệ
chúng ta, hay nói cho cùng là cả một Dân tộc Việt Nam. Nói đến anh là nói đến tấm lòng đối với Quê
hương, Tổ quốc và Dân tộc. Nói đến anh
là nói đến sắc thái, bản lĩnh, tấm lòng của người con Việt yêu quê hương. Có lần
anh đã nói “Quê hương Việt Nam sau 1975 là quê hương để nhớ để thương, chứ
không phải để sống.” Chắc có lẽ anh nói rất rỏ và rất chính xác. Vì sao tôi nói
như vậy, phải chăng đất nước Việt Nam của chúng ta đang thiếu sự tự do, bình đẳng
và nhân quyền. Thiếu đi một biểu hiện chân chính, một tư tưởng Việt Nam, trái tim và thuần tuý phong tục Việt. Mà nói đến đất nước Việt Nam là nói đến những
quá khứ huy hoàng và tang thương, và cả một chiều dài lịch sử. Nhưng nói đến Việt
Nam là nói đến một tương lai mà chúng ta có quyền hy vọng là văn minh, thanh
bình, tự do và tất cả những gì chúng ta đang chờ đợi và mong muốn bao nhiêu thế
kỷ qua.
Anh Đạo
hiểu rằng, triều đại nào, chế độ nào cũng mai một, chính sách nào cũng phải đổi
thay để cùng hoà nhịp tiến của nhân loại. Thêm vào đó, anh nhận chân được sự xuống
dốc trầm trọng về nhiều mặt từ giáo dục đến kinh tế, từ chính trị đến nhân quyền,
từ đạo đức lãnh đạo đến tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong chế độ hiện
nay. Có không ít thành phần trong xã hội đang chạy theo vật chất xa hoa bên
ngoài, mà quên đi truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nhưng đó là những
gì anh hay bất cứ ai trong chúng ta không có thể kiểm soát được, vì thế anh lúc
nào cũng tích cực, hoà nhã, và đối xử với nhau bằng tất cả tấm lòng, nhất là
quê hương Việt Nam. Vì đó là những gì anh có thể kiểm soát được chính mình. Những
suy nghĩ, lời nói và hành động của anh luôn trong sáng, hướng thiện, và từ tâm
khi nói về quê hương yêu dấu. Mà nói đến quê hương Việt Nam (xin được nhấn mạnh
một lần nữa) là nói đến sự cầu tiến, khát vọng vươn lên, đổi thay để chúng ta
có những gì chúng ta chưa có. Và có lẽ những gì chúng ta chưa có nên chúng ta cứ
hằng ấp ủ, vẫn đang còn lo sợ, mong chờ, còn chạy theo những cái huyễn bên
ngoài. Chạy theo thời đại, chạy theo
tranh chấp, chạy theo bản ngã và những cám dỗ của thế gian mà chúng ta quên đi
bản thể Chân Như của chính mình. Bản thể chúng ta vốn là thanh tịnh và uyên
nguyên. Cũng như đất nước Việt Nam của
chúng ta ngàn đời vẫn vậy, mãi mãi là xứ Việt, bất khuất, hiên ngang, rộng lượng,
trong sạch, bao dung, yêu thương và tha thứ.
Quay
Về Nguồn Cội
Anh Đạo
nhận chân được đều đó, và anh về lại với chính mình. Anh biết là anh cần gì,
nói gì, và làm gì cho anh, cho gia đình anh và cho dân tộc anh. Anh cũng hiểu rằng nơi nào có tình thương là
nơi đó có ánh sáng, có trí tuệ, có tình người. Và khi nói đến người Việt Nam là
nói đến sự hy sinh, cần cù, cầu tiến và cải thiện cho hoàn cảnh và cho con người
của thế hệ chính mình, mà cho thế hệ tương lai. Vì đó là biểu tượng chung của
người Việt chúng ta.
Những điều gì chúng ta chưa nói được, nhà
văn/nhà thơ Trần Trung Đạo đã nói hộ cho chúng ta. Tiếng nói của anh có thể nói
là tiếng gọi lương tâm, đại diện cho biết bao nhiều người Việt Nam ở quốc nội
và hải ngoại hay những người con tỵ nạn tha hương trên thế giới, không phân biệt
màu da và tôn giáo, còn có tấm lòng biết hướng về, yêu thương tổ quốc và dân tộc
mình. Nói tóm lại, nhà văn nhà thơ Trần Trung Đạo là biểu tượng của người đi
tìm hành trình tự do. Mà theo anh, “Ý nghĩ thứ nhất (trong) hành trình tự do là
giữ lại những gì chúng ta đã có và phát huy để ngày càng tốt đẹp hơn.” Vậy thì
chúng ta hãy cố gắng giữ gìn và phát huy những gì chúng ta đang có, đó là bản
thể Chân Như, là Bát Nhã, là đức tính Chúa trời, là Bản lai diện mục, là Phật
tánh thường hằng sẵn có của chính mình.