Monday, December 25, 2017

BƯỚC MÂY NGÀN - Tánh Thiện

Bìa sách Uyên Nguyên

BƯỚC MÂY NGÀN
Thân tặng Thiện hữu Tâm Thường Định.
Kính cảm ơn tập sách: Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường.


Thong dong cùng khắp chốn
Mỗi bước đường ta đi
Nhìn mây trời cao rộng
Lòng trải nghiệm từng ly.

Ta đi chẳng mong đến
Giữa núi đồi lặng yên
Đi theo dấu chân Phật 
Mỗi bước là hoa sen.

Cuộc đời luôn rộng mở
Đường ta vẫn thênh thang
Dù bốn mùa thay đổi
Chẳng mỏi bước mây ngàn 

Ta đi khắp mọi nẻo đường
Cuộc đời là cả đạo trường trong ta. 
             
Dallas , 22-12- 2017               
Tánh Thiện

Sách có thể mua ở đây trên Amazon. 

Sunday, December 24, 2017

Khi Thiền Sư Vào Bạch Ốc - Nguyên Giác


Khi Thiền Sư Vào Bạch Ốc
Nguyên Giác

Một Thiền sư giữ chức Tổng Thống Hoa Kỳ? Làm thế nào một người tử tế, chân thành, chỉ biết nói thực và không dính chuyện đưa tay quơ lung tung lại có thể thắng phiếu TT Trump vào năm 2020?
Hoa Kỳ sẽ có một Tổng Thống Phật Tử? Tổng Thống này trong bài diễn văn nhậm chức sẽ mời gọi toàn dân Hoa Kỳ thực tập Thiền Tỉnh Thức? Và những ngày Chủ Nhật tại Bạch Ốc sẽ là những buổi thiền tập do đích thân Tổng Thống trong bộ áo tràng lam hướng dẫn?
Chưa, chưa tới ngày như thế. Nhưng đã có một nhà thơ từng nêu lên nhu cầu như thế, qua một bài thơ dài được in thành sách có minh họa và đã lưu hành trên Amazon, nơi bạn có thể tìm khi gõ nhóm chữ “America Needs a Buddhist President”…
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có thể xảy ra trên đời này… Đó là những dòng thơ có thể nhiều người đang chờ đợi:
America needs a Buddhist President
whose mind is free from desire...
Và nơi đây, chúng ta thử dịch vài câu từ bài thơ trường thiên này sang tiếng Việt:
Hoa Kỳ cần một Tổng Thống Phật tử
người có tâm xa lìa tham dục...

Hoa Kỳ cần một Tổng Thống Phật tử
tranh luận với đối thủ
bằng các công án Thiền...

Hoa Kỳ cần một Tổng Thống có đầu cạo trọc
không bận tâm gì về bề ngoài
biết tất cả chỉ là huyễn ảo...
một kẻ ăn mày
ôm bình bát đi xuyên Quốc hội
để làm no bụng toàn dân Hoa Kỳ...

Thi phẩm trường thiên “America Needs a Buddhist President” đã lưu hành từ năm 2004. Tác giả là nhà thơ Brett Bevel, mỗi đoạn thơ là một tranh do họa sĩ Eben Dodd minh họa.
Thực tế chính trường Mỹ sẽ rất khó để một Phật tử đắc cử Tổng Thống. May ra cao nhất sẽ là một chức Thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ tới một vị Tổng Thống tuy là đi nhà thờ Cơ Đốc nhưng vẫn là một người hoằng pháp Thiền…
Điều đó có thể xảy ra, nếu Tim Ryan đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ trong kỳ tuyển cử năm 2020.
Các bản tin trên báo Washington Examiner và The Columbus Dispatch trong tuần qua ghi nhận rằng nhiều Dân biểu Dân Chủ đang nói về khả năng Dân biểu Tim Ryan (Dân Chủ, tiểu bang Ohio) ra tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2020.
Câu chuyện là thế này. Lúc đó, DB Tim Ryan đang đứng nơi bậc thềm tòa nhà Quốc hội, nói chuyện với một phóng viên, thì chợt nghe tiếng gọi.
Đó là lời DB Gregory Meeks bất chợt nói, “Thưa ngài Tổng Thống!” khi phóng lên các bậc thềm cao nhất, nơi mặt phía đông tòa nhà Quốc hội, chỉ vài bước cách đó. DB Meeks nắm vai DB Ryan và cười rạng rỡ.
Như dường vừa sơ ý làm lộ ra một hồ sơ mật, DB Meeks nói với phóng viên, “Ồ, giữ bí mật nhé. Đừng nói ai hết, chớ nói ra với bất kỳ ai.”
Nhưng chuyện này đã trở thành một bí mật được nhiều người nói với nhau. Đó cũng là lần thứ nhì DB Ryan được gọi là “Thưa ngài Tổng Thống” nơi tòa nhà Hạ Viện bởi một Dân biểu Dân Chủ.
Không phải ai cũng được gọi như thế đâu. Hãy hình dung rằng, trước khi Donald Trump đắc cử Tổng Thống trong tháng 11/2016, chớ hề có Dân biểu Mỹ nào gọi Trump là “Thưa ngài Tổng Thống” nơi bậc thềm tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Tim Ryan là một Thiền sư, từng viết sách về Thiền – tác phẩm có nhan đề “A Mindful Nation” (Một Đất Nước Chánh Niệm Tỉnh Thức)… Sách này lưu  hành từ tháng 3/2013.
Bạn muốn biết DB Tim Ryan dạy Thiền thế nào? Đó là pháp Thiền Tỉnh Thức thường gọi là MBSR, một phương pháp đã gỡ bỏ yếu tố Phật giáo để chỉ thuần giúp tăng sức khỏe thân tâm cho người tập, và pháp này đang ứng dụng tại nhiều bệnh viện và trường học Hoa Kỳ.
Phương pháp MBSR sáng lập bởi Giáo sư Jon Kabat-Zinn, người từng là học trò của nhiều vị Thầy, từng tham học nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Seung Sahn (Nam Hàn), và rồi sáng lập trung tâm Thiên tập Cambridge Zen Center.
Bạn có thể tìm thấy trên YouTube nhiều băng hình Dân biểu Tim Ryan dạy Thiền cho chiến binh, cho sinh viên Luật khoa, và những cuộc phỏng vấn truyền hình: Vào YouTube.com và gõ “Tim Ryan mindfulness”…
DB Tim Ryan, 44 tuổi, hiện nay đang tránh né các câu hỏi về cái mà chúng ta có thể gọi là “ý đồ mở Thiền thất trong Bạch Ốc,” nhưng để hé cánh cửa ứng cử chức vụ dân cử cao nhất Hoa Kỳ.
Trước tiên là cảm xúc bất đồng với TT Trump. Sau khi thấy Trump thắng cử Tổng Thống, Ryan nghĩ ngay tới việc giữ chức lãnh đạo Dân chủ trong Hạ Viện: Ryan ra thách thức ghế lãnh đạo Dân chủ của Dân biểu Nancy Pelosi, người nắm chức lãnh đạo Dân chủ nơi đây từ 2007.
Khi bỏ phiếu trong hàng ngũ Dân chủ, Pelosi thắng Ryan với tỷ lệ 134-63 phiếu. Tuy nhiên, con số 63 phiếu cũng đủ để các ống kính truyền hình Hoa Kỳ  đưa hình ảnh Ryan vào vị trí có thể trở thành người lãnh đạo tương lai cho Đảng Dân Chủ.
Và bây giờ, các Dân biểu Dân Chủ nói về Ryan như một khuôn mặt có thể được Dân Chủ đưa ra tranh cử và thắng cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2020.
Dân biểu Matt Doyle, Dân Chủ-Pa. nói với báo Washington Examiner rằng Tim Ryan nói chuyện được với nhiều đảng viên Dân Chủ về tương lai với một thông điệp cao đẹp.
Dĩ nhiên, trong nội bộ Đảng Dân Chủ, Tim Ryan còn phải tranh sơ bộ với nhiều đối thủ. Trong đó có những chính khách thế lực lớn như các Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từ Vermont, Elizabeth Warren từ Massachusetts, Kirsten Gillibrand từ New York, Kamala Harris từ California, và Cory Booker từ New Jersey.
Thế lực của Tim Ryan ở đâu? Từ các Thiền sinh rải rác nhiều năm qua ở nhiều tiểu bang? Xin nhớ rằng, những người cứ ngồi lim dim sẽ không đưa ai vào Bạch Ốc được. Bởi vậy, phải nói đúng lòng của toàn dân...
DB Doyle đưa ra nhận định thuần túy về chính trị, về số lượng phiếu bầu truyền thống ở các nơi mà kiểu của Tim Ryan có thể kiếm phiếu được: đó là các tiểu bang mà  Dân Chủ (bà Clinton) đã thua Cộng Hòa (ông Trump) như Pennsylvania, Ohio, Michigan, Wisconsin — những nơi Doyle nghĩ là Ryan lôi cuốn cử tri được.
Từ thị trấn Youngstown của Ohio, DB Ryan được nhiều người xem là có thể giành phiếu trong năm 2020 từ những cử tri đã bầu cho Trump năm 2016: thành phần lao động da trắng.
Có một cuộc tranh luận giữa người Dân Chủ về những cách thắng phiếu cho năm 2020. Thành phần cấp tiến muốn rằng Đảng Dân Chủ phải giữ các thông điệp truyền thống, ưu tiên tranh đấu cho người lao động nghèo, phụ nữ… và phải dẹp bỏ kiểu trung dung, kiểu đứng lưng chừng nhằm hốt phiếu cả Cộng Hòa và Dân Chủ.
Doyle nhận định rằng Đảng Dân Chủ cần cả hai tiếng nói để vừa trung dung và để vừa cấp tiến. Trung dung là để kiếm phiếu từ những người từng bầu cho Trump và bây giờ thất vọng, và từ những người Dân Chủ truyền thống. Nghĩa là, theo Doyle, nếu Ryan không ra với vị trí tranh cử Tổng Thống, hẳn là vị trí Phó Tổng Thống trong liên danh sẽ dễ dàng đánh bại Cộng Hòa.
Về phần Ryan, đã nói với đài MSNBC hồi tháng 9/2017 rằng ông chưa biết chắc sẽ tranh cử Tổng Thống  2020 hay không, nhưng tiếng đồng trong nội bộ Dân Chủ đang râm ran.
Một Dân biểu Dân chủ phân tích với các phóng viên rằng trong hai phía của Dân Chủ, phía chủ trương trung dung (New Democrat Coalition) và phía bảo thủ Dân Chủ (Blue Dogs) đều nhìn thấy và gọi Ryan là, “chúng tôi gọi Ryan là anh chàng da trắng thì thầm.” Chữ “white male whisperer” có ý chỉ  một người có khả năng lôi cuốn. Thí dụ, biết cách dạy ngựa hoang thành ngựa nhà.
Khi phóng viên hỏi Ryan về cách các bạn đồng viện gọi ông là “kẻ có khả năng thì thầm,” Ryan nói đó là cách đưa ra nghị trình làm việc để “lôi cuốn người lao động và có nhiều người lao động trong các cộng đồng Mỹ da đen chưa nghe về sự liên kết cảm xúc của Dân Chủ với họ.”
Trong những cuộc nói chuyện khác, Ryan nói về nghị trình tăng lương, bảo đảm hưu bổng, mời gọi đầu tư quốc tế vào Mỹ…
Có một yếu tố nhiều người Dân Chủ tin rằng Tim Ryan có sức hấp dẫn. Trong cuộc bầu cử 2016, Ryan giữ ghế Dân biểu với 68% phiếu, nơi đất nhà của Ryan (quận Mahoning County ở tiểu bang Ohio), nơi này TT Barack Obama thắng với 62% phiếu trong năm 2008 và với 63% phiếu trong năm 2012 – nghĩa là, đất nhà của Ryan vẫn là Dân Chủ.
Tuy nhiên, tại nơi đó, ứng cử viên Tổng Thống Hillary Clinton chỉ có 49.8% phiếu (trong quận Mahoning). Nghĩa là, bà Clinton không lôi cuốn như Obama.
Và Trump thắng trọn tiểu bang Ohio. Chỉ là nhờ Trump xài các thông điệp  từ xưa của Dân Chủ: NAFTA làm dân Mỹ mất việc, Trung Quốc lợi dụng Hoa Kỳ, và chính sách thương mại Hoa Kỳ làm hại thành phần lao động. Thế là, qua hứa hẹn của Trump, Đảng Cộng Hòa bỗng dưng trở thành đảng của người lao động, của dân nghèo…
Ryan nói rằng Trump chỉ nói những gì cử tri muốn nghe, và “Trump nói dối để kiếm phiếu.”
Dĩ nhiên, Ryan nổi tiếng là lương thiện… theo mắt nhìn báo chí. Vấn đề là, không nói dối, có thể kiếm phiếu được không?
Tạp chí Time trong ấn bản ngày 30/11/2016 đã gọi Tim Ryan là chính khách tuyệt hảo trong thời đại của ưu sầu lo lắng – đó là bài viết “Tim Ryan Is the Perfect Politician for the Age of Anxiety” của học giả Justin Talbot-Zorn tại viện nghiên cứu Truman National Security Fellow.
Talbot-Zorn cũng nhắc độc giả rằng, là một người quảng bá pháp Thiền Tỉnh Thức, Ryan trong nhiều năm đã nỗ lực làm cho [các chính khách] Washington lắng tâm xuống, từng mời các Thiền sư vào thăm Quốc hội, từng dạy Thiền trong vùng thủ đô, và đã thành lập một nhóm  gọi là “Tụ họp tĩnh tâm” để mời các dân cử và viên chức Quốc hội tập thiền thư giãn.
Vấn đề là, cơ may trở thành Tổng Thống còn rất xa… Nhưng ai biết đâu được.
Dân biểu Tim Ryan nhiều năm qua đã mời mọi người ngồi Thiền với ông nơi sân cỏ trước tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Và biết đâu được, sau lễ đăng quang Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 1/2021, Tổng Thống tân cử Tim Ryan sẽ mời mọi người vào sân cỏ Bạch Ốc ngồi Thiền với ông.
Khi đó, ông sẽ đọc lại mấy câu thơ của Bevel thay cho bài kinh nhật tụng:
…một kẻ ăn mày
ôm bình bát đi xuyên Quốc hội
để làm no bụng toàn dân Hoa Kỳ…



Friday, December 22, 2017

MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI - Hoàng Ngọc-Tuấn

Trung Tâm Tạm Giam Di Dân - Photo: Tác giả cung cấp.

MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI
Hoàng Ngọc-Tuấn

Hôm nay, với tư cách của một nghệ sĩ tình nguyện, tôi vác đàn guitar vào Trung Tâm Tạm Giam Di Dân ở Villawood để giúp vui cho những người tị nạn (bị tạm thời xem như là “di dân bất hợp pháp”) đang ở trong đó. Có những người đã bị tạm giam nhiều năm rồi mà vẫn chưa được xét duyệt xong để được công nhận là người tị nạn. Cuộc sống của họ trong đó tất nhiên rất buồn, và đã có vài người tự tử...

Để được cho phép vào làm công việc từ thiện này, tôi phải mất nhiều tuần lễ để trải qua khá nhiều thủ tục giấy tờ và an ninh, và khi vào trong đó tôi phải bị khám xét rất cẩn thận (kể cả cây đàn guitar cũng bị scan để bảo đảm không có chứa vũ khí hay chất nổ, và họ tạm giữ cái iPhone của tôi, vì không ai được chụp hình trong phạm vi của trại giam). Tôi cũng được các nhân viên an ninh dặn dò rất chi tiết về những gì không nên làm hay không nên nói (để tránh gây kích động hay nổi loạn). Trung tâm đó có khoảng hơn 1,000 người tị nạn (và chỉ có 1 đứa trẻ con), phần đông đến từ Syria, Iraq và một số nước ở Trung Đông và châu Phi, và vài người từ các nước châu Á.

Tôi đã được dặn dò rằng chỉ nên đàn, hát và nói những chuyện lạc quan để mang niềm vui đến cho họ. Vì thế, tôi đã chuẩn bị sẵn một số bài hát và bản đàn vui, và tôi bắt đầu bằng vài lời tự giới thiệu vắn tắt rằng “tôi là một nhạc sĩ, cũng là một người tị nạn từ Việt Nam, đã sống 34 năm ở Úc, hôm nay tôi tình nguyện đến đây để chia sẻ những bản nhạc vui”, rồi tôi đàn bản “Foug Ennakhel” (nhạc Iraq), rồi tiếp theo là bản “Hal Asmar Elloun” (nhạc Syria). Khán giả thích lắm, họ vỗ tay theo nhịp và có vài người đứng lên nhảy múa. Khi mỗi bản đàn kết thúc, họ vỗ tay ầm ĩ rất vui. Thế rồi có một người tị nạn từ Syria đứng dậy hỏi tôi làm sao mà biết những bài dân ca của Syria và Iraq. Tôi giải thích rằng tôi đã từng có nhiều năm tiếp xúc với người Trung Đông ở Úc và tôi đã học thuộc một số bản nhạc Trung Đông. Họ khen rằng “ông chơi đàn guitar mà nghe như đàn al-Oud, nghe rất thích!”

Rồi có một người đứng lên yêu cầu tôi đàn hoặc hát một bản dân ca Việt Nam. Tôi bèn chơi bản “Trống Cơm”, và khán giả rất khoái chí. Bản đàn chấm dứt, họ vỗ tay tưng bừng và yêu cầu tôi hãy hát một bài. Tôi bèn dịch nghĩa lời ca “Qua Cầu Gió Bay” cho họ hiểu, rồi tôi hát. Cứ thế, họ lại tiếp tục yêu cầu, và tôi hát tiếp những bài “Lý Ngựa Ô”, “Người Ơi Người Ở Đừng Về”...

Đang vui như vậy thì bỗng có một người đứng lên yêu cầu tôi kể về hành trình tị nạn của tôi. Một nhân viên an ninh nghe như thế bèn ra hiệu để nhắc nhở tôi đừng kể chuyện buồn thảm. Tôi bèn nói vắn tắt đại khái rằng “Vì không thể sống dưới chế độ Cộng Sản đầy áp bức, bạo ngược, bất công, nên tôi đã phải tìm cách vượt biển rất nhiều lần, và tôi đã từng bị ở tù nhiều lần, trước khi tôi vượt biển thành công từ Việt Nam đến Phi Luật Tân. Cuộc vượt biển cuối cùng ấy rất gian nan, nhưng các bạn của tôi và tôi đã được tàu đánh cá Phi Luật Tân cứu vớt. Sau khi trải qua 7 tháng rưỡi ở trại tị nạn, tôi được nhận vào Úc như một người tị nạn. Tôi đến Úc ngày 23/12/1983, và từ đó tôi bắt đầu làm lại cuộc đời. Tôi đã sống ở Úc với một tinh thần lạc quan và hy vọng. Tôi đã trở lại trường đại học, rồi sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc như một nhà giáo và một nhạc sĩ trong xã hội Úc. Đồng thời, tôi cũng tiếp tục dùng tiếng Việt để viết văn, làm thơ, vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ...”

Khán giả im lặng lắng nghe tôi nói. Tôi cố gắng nói tiếng Anh thật chậm rãi, vì tôi biết rằng có nhiều người rất kém tiếng Anh, dù họ được học tiếng Anh trong trại.

Khi tôi nói xong, có một người đứng lên xưng tên là Erkin, chuyên viên điện toán, tị nạn từ Iraq; và với vốn tiếng Anh khá giỏi, anh ta hỏi: “Sau nhiều năm sống ở Úc, ông có còn suy nghĩ nhiều về quá khứ của ông, về quê hương cũ của ông không?”
Tôi đáp: “Có, vì tôi sinh ra ở Việt Nam. Suốt đời tôi vẫn là một người Việt Nam, dù tôi là công dân Úc.”

Erkin hỏi: “Ông vẫn suy nghĩ về quê hương cũ của ông, vậy thì ông đã làm gì cho những ý tưởng đau buồn đó?”
Tôi đáp: “Tôi ra đi nhưng không bao giờ quên thân phận của những người ở lại, và vì thế, tôi luôn luôn tìm cách tranh đấu cho tự do và nhân quyền của họ.”

Erkin nói: “Các nhân viên xã hội làm việc ở đây luôn luôn khuyên bảo chúng tôi rằng hãy quên đi tất cả những nỗi buồn trong quá khứ, hãy lạc quan và sống với niềm hy vọng. Thế nhưng, ông đã là công dân Úc, ông đã là người tự do, mà ông vẫn không quên quá khứ đau buồn, thì làm sao chúng tôi có thể quên đi quá khứ đau buồn để sống lạc quan và hy vọng giữa những bức tường của trại giam này?”

Một nhân viên an ninh liền ra hiệu cho tôi, sợ rằng không khéo tôi sẽ bị lôi kéo vào những chuyện buồn.

Tôi bèn nói: “Erkin và các bạn thân mến, tôi không quên quê hương cũ của tôi, tôi không quên thân phận của những người ở lại, tôi không quên những hình ảnh đau buồn trong quá khứ, và tôi luôn luôn biết rằng Việt Nam vẫn đang là một thảm trạng, nhưng tôi luôn luôn sống và tranh đấu trong một tinh thần lạc quan to lớn, với một niềm hy vọng to lớn, rằng mọi sự sẽ thay đổi, và tương lai của quê hương tôi sẽ tốt đẹp. Không ai có thể sống với những nỗi buồn. Chúng ta chỉ có thể sống trong niềm vui và niềm hy vọng vào tương lai. Nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng niềm vui và niềm hy vọng thì to lớn hơn. Nỗi buồn là bóng tối. Niềm vui và niềm hy vọng là ánh sáng. Ánh sáng mang đến sức sống cho muôn loài trên trái đất. Khi tôi nằm trong các trại tù ở Việt Nam, khi tôi đang lênh đênh trên đại dương, và khi tôi còn chờ đợi trong trại tị nạn, tôi vẫn không ngừng nuôi giữ ánh sáng trong lòng. Chính vì tôi đã sống và vươn lên trong ánh sáng, cho nên hôm nay tôi tình nguyện đến đây để mang một thông điệp ánh sáng đến chia sẻ với các bạn. Chúng ta hãy cùng hát. Chúng ta hãy cùng vui. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay. Tôi chúc cho các bạn sớm được tự do để sống trong xã hội Úc và xây dựng một tương lai tươi sáng. Tôi xin Thượng Đế ban phước lành cho tất cả chúng ta.”

Các nhân viên an ninh liền vỗ tay ầm ĩ và reo lên: “Bravo! Bravo!”, và tôi liền đàn và hát lại bài ca vui “Foug Ennakhel”: “... Foug ennakhel foug foug / Yaba foug ennakhel foug / Madri lamah / Khedda yaba madri elgoumar foug...”

(... Trên những ngọn cây cau
Cha ơi, trên những ngọn cây cau

Con không biết cái gì đang toả sáng

Khuôn mặt của nàng hay vầng trăng rạng rỡ...)


Tất cả khán giả cùng vỗ tay hát theo, và buổi sinh hoạt kết thúc. Khi tôi chào tạm biệt và bắt tay mọi người, Erkin đến nắm lấy tay tôi và nói: “Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi hiểu những điều ông nói. Đó là món quà rất tốt cho chúng tôi.” Erkin nói với một nụ cười rất tươi.

Tôi ôm đàn ra về, mang theo nụ cười của Erkin và nhiều nụ cười của những người tị nạn. Đó là món quà tuyệt vời cho tôi trong mùa Giáng Sinh này.

Sydney, 22/12/2017
Hoàng Ngọc-Tuấn