Wednesday, March 11, 2020

Thoát Vòng Tục Lụy

Thoát Vòng Tục Lụy

Đại Sư Tinh Vân/Thích Quảng Độ Việt dịch

THOÁT VÒNG TỤC LỤY
Tác giả: Đại Sư Tinh Vân
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Quảng Độ
Xuất bản tại Sài Gòn năm 1962
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987
Lotus Media tái bản, 2020 tại Hoa Kỳ
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1-67800-845-1
Trích trọng chương hai

Ngọc Lâm ở Thiên Hoa Am chưa được mấy hôm thì bao nhiêu chuyện khó chịu kế tiếp xẩy ra. Số là trong Thiên Hoa Am có viên quản lý sự vụ, người thân tín của Vương tể tướng. Ngô Sư Gia đã bốn mươi lăm tuổi, người cao dong dỏng, nước da thiết bì; lúc Vương tể tướng còn là Lại Bộ Thượng Thư thì ông ta được tuyển vào làm thư ký riêng. Ông ta là người nhiều thủ đoạn, mưu kế, bản tính hay tranh đua, hiếu thắng, lời nói thì cay chua, khinh bạc, song vì mấy lần ông ta giúp mưu mà Vương tể tướng được nhà vua đặc biệt tin cậy, do đó, Vương tể tướng mới coi ông ta như một người tâm phúc. Vì việc nước bề bộn nên sau khi lễ thế phát của con chấm dứt, Vương tể tướng lại vội vàng về Kinh. Trước khi đi, Vương tể tướng giao hết công việc trong Thiên Hoa Am và tiểu thư cho Ngô Sư Gia trông nom. Ông cũng dặn mọi người trong chùa phải đặc biệt cung kính và săn sóc Ngọc Lâm. Việc đó khiến cho Ngô Sư Gia sinh lòng ghen ghét, ông ta cho rằng đối với một vị sư trẻ tuổi bất tất người trong tướng phủ phải tỏ ra ân cần. Hơn nữa ông lại người tâm phúc của Vương tể tướng trong phủ ai cũng phải kính sợ ông ta. Song Ngọc Lâm vốn dĩ là người không sợ quyền thế, không chịu quî lụy, thái độ nghiêm trang, lời nói chính chắn của thầy khiến Ngô Sư Gia tưởng là thầy kiêu mạn, do đó trong lòng vô cùng oán ghét.
Trong Thiên Hoa Am, từ Giác Chúng (pháp hiệu của Vương tiểu thư) đến các sư nữ mà Giác Chúng mời ở lại và tất cả tỳ nữ, không ai là không cung kính Ngọc Lâm, thấy thế Ngô Sư Gia lại càng ghen tức. Ông ta tự nghĩ: “Từ khi mình vào tướng phủ đến nay, nhờ được tể tướng tín nhiệm, ngoài tể tướng, phu nhân và tiểu thư ra, trong tướng phủ không ai dám coi thường mình, ai cũng phải theo răm rắp, thế mà bây giờ một ông sư trẻ tuổi dám ngang nhiên định xâm chiếm địa vị của mình”. Tay cầm cái tẩu hút thuốc, đầu đội chiếc mũ bằng da cáo, mình mặc áo trường bào, Ngô Sư Gia đi đi lại lại trong buồng ngủ; lúc thì bỏ chiếc mũ ra và đưa tay lên gãi đầu, lúc lại vứt cái tẩu xuống và xoa xoa hai bàn tay, ông ta đang tìm cách để làm mất thể diện của Ngọc Lâm giữa công chúng hòng giảm bớt thanh danh của thầy, khiến mọi người đừng tin cậy và tôn trọng thầy nữa. Nhưng Ngọc Lâm rất sáng suốt và lỗi lạc, thái độ của thầy nghiêm nghị như một bậc lão thành, mỗi ngày ngoài hai tiếng đồng hồ dạy Phật pháp và qui luật thiền gia cho mọi người ra, thầy không đoái hoài đến một việc gì khác, Ngô Sư Gia tuy bực tức song cuối cùng không nghĩ được cách gì làm nhục Ngọc Lâm. Một hôm, sau khi suy nghĩ khá lâu, ông ta đã tìm được một biện pháp, nghĩa là trong lúc Ngọc Lâm giảng Phật pháp cho mọi người, ông ta sẽ đưa ra một vài vấn đề để nạn vấn, làm cho Ngọc Lâm không thể trả lời, như thế thầy sẽ mất uy tín, và dù có vì tình mà Vương tiểu thư cố giữ thầy ở lại chăng nữa, chắc chắn thầy cũng không còn mặt mũi nào ở lại.
Buổi chiều hôm ấy, sau buổi giảng, Ngọc Lâm sắp đứng dậy, thì lúc đó Ngô Sư Gia bắt đầu hé một nụ cười hiểm độc rồi tiếp đó nói với Ngọc Lâm:
– Tôi có một vài điều thắc mắc, không biết có nên đưa ra xin thầy chỉ giáo?
– Chỉ giáo thì tôi không dám, song có điều gì xin cứ nói để chúng ta cùng thảo luận! Ngọc Lâm vừa nói vừa trở lại ngồi xuống ghế.
– Nếu thầy không trả lời được thì sao? Ngô Sư Gia cố ý nói tức.
– Nếu ông biết tôi không đáp được thì xin ông đừng hỏi tôi.
– Đâu có được thế, thầy là một người xuất gia Hoằng Dương Phật Pháp kia mà!
– Ông nói đúng, vậy có điều gì cần chỉ giáo xin ông cứ hỏi!
Lúc đó Ngọc Lâm đã hiểu Ngô Sư Gia cố ý kiếm chuyện.
– Giả sử thầy không trả lời được? Ngô Sư Gia lại khiêu khích.
– Thì lần sau ông đừng lên nghe tôi giảng!
– Không được, lần sau thầy không thể giảng ở đây được nữa!
– Ông nói đúng, nếu tôi không thể trả lời câu hỏi của ông, thì lần sau tôi không nên giảng ở đây nữa.
Ngọc Lâm lại ngồi xếp bằng như trước, nhắm mắt, nét mặt bình tĩnh không có vẻ gì là người bị nạn vấn cả.
– Phàm người đã đọc sách thánh hiền đều biết rằng quốc gia ta được xây dựng trên nền tảng trung, hiếu, thầy đi xuất gia thế này, tôi thiết tưởng không hợp với căn bản quốc gia của chúng ta! Vừa nói Ngô Sư Gia vừa tỏ ra dương dương tự đắc cho là câu nói của mình sẽ làm Ngọc Lâm phải thất điên, bát đảo.
– Thế có nghĩa là thế nào?
Tuy Ngọc Lâm đã đi guốc trong bụng Ngô Sư Gia, song thầy hỏi vậy cốt để cho ông ta nói lại cho sáng tỏ vấn đề.
– Tôi tin rằng thầy cũng thừa hiểu làm người cần phải có trung hiếu – ông ta nói – vì nếu một người bất trung, bất hiếu, thì người đó không còn tư cách làm người. Tôi xem thầy còn trẻ tuổi mà đã thế phát xuất gia, hằng ngày ăn không ngồi rồi, không chịu sinh sản, không đem sức mình để phụng sự quốc gia. Như thế đâu có thể gọi được là trung? Lại nữa, cha mẹ sinh con vốn mong nhờ cậy trong lúc tuổi già, bởi thế mới chăm lo nuôi nấng cho thành người, thế mà giờ thầy nỡ bỏ cả cha mẹ để đi tu, như vậy đâu có thể gọi được là hiếu! Xin thầy trả lời tôi! Câu hỏi của Ngô Sư Gia làm cho những người đến nghe Ngọc Lâm giảng ngồi ngay cán tàn. Họ đều nhìn Ngọc Lâm và trông chờ Ngọc Lâm trả lời, nhất là Giác Chúng và Thúy Hồng lại càng tỏ vẻ sốt sắng mong Ngọc Lâm đừng e dè, vì nể, cứ thẳng thắn đáp câu hỏi của Ngô Sư Gia. Ngọc Lâm không hề “bối rối”, thầy rất bình tĩnh, thầy biết Ngô Sư Gia có ác ý và xưa nay thầy vốn không muốn biện luận với những hạng người như vậy. Vì, với những kẻ thô bạo, khinh mạn, ngoan cố thì không có đạo lý nào có thể giảng giải cho họ được, dạo lý chỉ ở trong lòng những người có tâm hồn cao thượng mà thôi. Song Ngô Sư Gia đã cố ý hỏi vặn, tuy những vấn đề đó không đúng sự thật, song nếu giải thích và xuyên tạc thêm cũng có thể khiến cho nhiều người hiểu lầm. Bởi thế Ngọc Lâm từ từ mở mắt và, với giọng hết sức ôn hòa, nói:
– Ông nói rất đúng, một người có tư cách là đối với quốc gia phải hết lòng trung, đối với cha mẹ phải hiếu kính. Song xuất gia đầu Phật là đã hiến thân cho công cuộc cứu người, giúp đời, điều đó không thể cho là bất trung, bất hiếu. Ông nói người xuất gia hàng ngày chỉ ăn không ngồi rồi, không chịu sinh sản, đó là ông không hiểu nhiệm vụ của người xuất gia là Hoàng Pháp, Lợi Sinh. Công việc của người xuất gia là đem Phật pháp dạy cho người đời. Còn nói đến phụng sự quốc gia, không nhất định cứ phải làm ruộng và sinh sản mới là phụng sự. Chúng tôi dùng giáo pháp của đức Phật để cải thiện lòng người, an ninh xã hội, khiến cho nhân dân bớt phạm pháp, và cuộc sống có thêm giá trị, như thế cũng có thể nói là phụng sự quốc gia, phục vụ xã hội một cách trực tiếp vậy. Nếu phủ nhận điều đó thì tôi e rằng Ngô Sư Gia và cho đến cả Vương tể tướng cũng không khác gì những người xuất gia, cũng bị người ta cho là ăn không, ngồi rồi, không làm việc để phụng sự quốc gia. Còn bảo xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, thì điều đó tôi chưa từng nghe thấy trong Phật Giáo; xuất gia có nghĩa là ra khỏi cái nhà phiền não trong ba cõi. Nếu nói đến sự hiếu thuận cha mẹ, thì người xuất gia chân chính mới thật hiểu rõ ý nghĩa của chữ hiếu. Thông thường người đời tưởng hiếu thuận cha mẹ là chỉ cung phụng cha mẹ về phương diện vật chất, như dâng các thức ăn ngon ngọt, hay may sắm quần áo tốt đẹp, thế đã cho là hiếu kính rồi. Song xét kỹ thì hiếu kính đối với cha mẹ về phương diện vật chất chưa thể gọi được là hiếu thuận triệt để. Là vì cha mẹ tuy được tạm thời thỏa mãn (thực ra không bao giờ thỏa mãn) về phương diện vật chất, song những nỗi đau khổ của cha mẹ không thể do đó mà tiêu tan được. Không ai tránh khỏi cái khổ già, ốm và chết. Người xuất gia hiếu kính cha mẹ, một mặt mong cha mẹ không thiếu thốn về vật chất, mặt khác lại khuyên cha mẹ tin lý nhân quả, tội, phúc báo ứng, xa lánh các việc ác chăm làm các điều thiện, mong cha mẹ thoát khỏi cái khổ sinh, tử mà hưởng sự yên vui vĩnh viễn, đó mới là hiếu thuận triệt để. Những điều đó thật ra rất dễ hiểu, tôi tưởng Ngô Sư Gia là bậc quán thế, đầy mưu lược, lẽ ra phải hiểu hơn ai hết vấn đề rất phổ thông ấy mới phải chứ?Ngọc Lâm nói một cách thản nhiên và bình tĩnh, thầy vốn có tài biện thuyết, lại xuất gia đã lâu năm và rất thông hiểu Phật pháp. Lúc đó tất cả mọi người ngồi nghe đều tỏ vẻ thích thú và họ chăm chú nhìn Ngô Sư Gia bằng ánh mắt chán ghét. Ngô Sư Gia thấy ai cũng tỏ vẻ tín phục Ngọc Lâm, ngọn lửa ghen ghét trong lòng ông ta lại bốc lên ngùn ngụt. Nếu không có Giác Chúng (Vương tiểu thư) ngồi đấy thì ông để ngọn lửa đó phóng ra rồi, và trong trường hợp ấy khỏi nói đến đạo đức, nghĩa lý!
Ngô Sư Gia lại hỏi Ngọc Lâm bằng một giọng hậm hực:
– Những vấn đề đó hãy tạm gác lại, tôi không muốn biện bác với thầy trong lúc nầy, tôi chỉ xin hỏi thầy là hiện giờ cõi lòng thầy còn yêu tiểu thư nữa không? Nghe câu hỏi của Ngô Sư Gia, mọi người đều tỏ vẻ bất mãn, họ tự hỏi tại sao ông ta lại nêu lên vấn đề ấy trước mặt Ngọc Lâm.
– Ông muốn tôi trả lời ông câu hỏi ấy, nhưng nó có ích lợi gì cho ông không?
Ngọc Lâm ngồi ngay thẳng, hỏi lại Ngô Sư Gia:
– Tôi muốn thầy cho biết, ngay giờ phút này, lòng thầy còn yêu tiểu thư không?
Ngô Sư Gia lúc ấy tỏ thái độ rất quan liêu hách dịch, vì ông ta tự nghĩ nếu không lật đổ được ông sư thanh niên này, thì còn hống hách với người trong tướng phủ sao được.
– Giác Chúng hiện giờ thế phát xuất gia, còn quá khứ của chúng tôi ông hiểu quá rồi.
– Đúng thế, tôi hiểu lắm, trước kia tiểu thư rất yêu thầy, và tôi tin rằng hiện giờ lòng tiểu thư vẫn còn yêu thầy, song còn thầy? Thầy hãy nói! Câu hỏi của Ngô Sư Gia không làm cho Ngọc Lâm thay đổi nét mặt, nhưng Giác Chúng thì thấy bẽn lẽn và vội cúi đầu, đôi má nàng ửng hồng và nàng cảm thấy luống cuống. Ngọc Lâm chậm rãi, nói dằn từng tiếng:
– Ông nói thế nào cũng được, nói tôi yêu cũng được, mà bảo tôi không yêu cũng được.
– Tôi biết lòng thầy nhất định còn yêu tiểu thư, hôm nay tôi muốn đem phơi bày bộ mặt đạo đức giả của thầy ra. Tiểu thư yêu thầy, thầy cũng yêu tiểu thư, nhưng thầy lại không chịu kết nghĩa với tiểu thư, khiến tiểu thư phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, bỏ hết hạnh phúc ở đời, đem mình chôn vùi vào cuộc sống buồn tẻ thế này. Trên hình thức, thầy và tiểu thư tuy không yêu nhau, song trong tinh thần ái tình giữa hai người vẫn kết hợp; nếu cùng yêu thương nhau trong tinh thần, thì sao ngay từ lúc đầu thầy không bỏ luôn lớp áo nhà tu để chung sống với tiểu thư một cách đường hoàng cho rồi, lại còn giả bộ đạo đức đến nỗi làm hại cả cuộc đời tươi đẹp của tiểu thư! Ngô Sư Gia muốn thăm dò tư tưởng của Giác Chúng, cho nên lời nói của ông ta như thổ lộ nỗi bất bình trong can trường thay cho nàng, vì lợi ích của nàng mà nói, ông ta tưởng nói thế chắc mọi người cũng phát ghét Ngọc Lâm, và Giác Chúng cũng không thể oán trách ông ta. Ngọc Lâm bị Ngô Sư Gia dồn vào ngõ bí, thầy nghĩ không thể không bày tỏ rõ ý tưởng, bởi thế thầy ôn hòa nói:
– Ông nói đúng! Trong lòng tôi rất yêu tiểu thư, tôi không những chỉ yêu tiểu thư mà còn yêu cả ông nữa, và yêu tất cả nhân loại. Ý nghĩa của chữ yêu rất rộng, cha mẹ yêu con cái, chồng yêu vợ, vua yêu nhân dân, Phật và các Bồ Tát yêu chúng sinh, song nghĩa chữ yêu ấy có nhiều điểm khác nhau. Thông thường trai, gái yêu nhau là do lòng tư dục kích thích. Cũng như ông nói tôi yêu tiểu thư, nhưng tôi không chịu lòng tư dục thúc đẩy, tôi yêu tiểu thư là mong cho tiểu thư xa lìa được sự khổ, đến cảnh giới yên vui, cũng đúng như tôi yêu và mong cho những người khác tránh khổ, đến vui vậy! Ngọc Lâm dựa lưng vào tòa ngồi, trông thầy như chân thân của một vị Bồ Tát. Những lời nói phóng ra từ cửa miện Ngọc Lâm, ai nghe cũng cảm động, mọi người đều tỏ vẻ kính ngưỡng. Thấy thế, Ngô Sư Gia càng tức, ông ta bèn quát lên:
– Thầy có biết tôi là người thế nào không?
– Ai cũng biết ông, ông là bậc đại danh Ngô Sư Gia!
– Thầy đã biết là Ngô Sư Gia, vậy thầy có biết tất cả chủ trương trị nước của Vương tể tướng đều là kế hoạch của tôi?
– Dạ biết! Song điều đó không quan hệ gì đến tôi! Tuy giọng Ngọc Lâm ôn hòa song vẫn biểu lộ cá tính cứng cỏi của thầy.
– Không quan hệ gì đến thầy! Thầy định khinh thường tôi hả? Nước da thiết bì trên mặt Ngô Sư Gia tái đi, và một tia nhìn dữ tợn, hung hiểm phóng ra từ đôi mắt của ông ta.
Lúc này Giác Chúng thấy không còn nhịn được nữa, cặp má vẫn ửng hồng như một áng mây chiều, nàng khẻ cất tiếng:
– Ngô Sư Gia, cha tôi mới về Kinh chưa bao lâu, ông đừng sinh sự một cách vô lý. Thầy Ngọc Lâm bây giờ là thầy tôi, tôi mời thầy ở lại để dạy chúng tôi tu học Phật pháp, ông không được vô lễ đối với thầy; ông sinh sự hỏi thầy trước, thầy đã lấy thiện ý trả lời ông, sao ông không thỏa mãn mà lại còn cáu kỉnh như vậy?
Ngô Sư Gia tưởng nói thế sẽ được Giác Chúng biểu đồng tình, nào ngờ lại bị nàng quở trách, lửa giận trong lòng ông ta tuy bừng bừng, song trước mặt Thiên Kim Tiểu Thư của một vị tể tướng, ông ta đành nén giận, và khẻ buông một câu:
– Tiểu thư đã…
– Xin ông đừng nhắc đi nhắc lại tiểu thư hoài, ông không biết hiện giờ tên tôi là Giác Chúng!
– Giác… Giác Chúng đã nói thế thì tôi cũng chịu kém vậy!
Ngô Sư Gia biết tiểu thư không bằng lòng, nên đành đầu hàng và chẳng nói chẳng rằng, cầm chiếc tẩu rút lui trước. Ngọc Lâm cũng đứng dậy, ra khỏi Phật điện giữa những tiếng khen ngợi của mọi người.

Tuyên Ngôn Thành Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam

Tư Tưởng #2, (22-01-1975): Tuyên Ngôn Thành Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam


Viện Đại học Đà Lạt (Công giáo) | Flickr
Trong những năm gần đây, nền Giáo dục Đại học tại miền Nam đã phát triển vượt bực. Sĩ số gia tăng quá nhanh khiến cho các cơ sở Đại học không đủ đáp ứng nhu cầu giáo dục của tầng lớp thanh niên học sinh.
Trước nhu cầu giáo dục ngày một gia tăng ấy, các Viện Đại học Tư lập có bổn phận tiếp tay với Chính phủ trong cố gắng không ngừng nhằm cải tiến nền giáo dục của nước nhà, hầu góp phần tích cực vào việc phát triển Quốc gia.
Trong chiều hướng đó, chúng tôi, Viện Trưởng năm Viện Đại học Tư lập hiện hữu là Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, Cao Đài, nhận thấy đã đến lúc phải thắt chặt mối liên lạc hợp tác, để có thể hoàn thành trách nhiệm chung đối với nền Giáo dục Đại học quốc gia. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi đã đồng ý thành lập một Hội Đồng lấy tên là Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được đại diện bởi Hội đồng Viện Trưởng. Các Viện Đại Học hội viên đều bình đẳng trong mọi hoạt động của Hội Đồng và có trách nhiệm như nhau trong việc vận động thực hiện những quyết định chung của Hội Đồng. Một bản Nội qui của Hội Đồng cũng đã được chúng tôi soạn thảo và thông qua để ấn định mục đích và việc điều hành của Hội Đồng.
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được thành lập nhằm ba mục tiêu:
1. Hợp tác để nâng cao phẩm chất Giáo dục Đại học.
2. Bảo vệ quyền lợi của Giáo sư, Nhân viên và Sinh viên các Viện Đại học Tư lập hội viên.
3. Nói lên tiếng nói chung của giới Đại học Tư lập.
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam không hoạt động chính trị, không xâm phạm tính cách tự trị của mỗi Viện Đại học hội viên.
Chúng tôi tin rằng việc thành lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển giáo dục nước nhà, một giai đoạn trong đó các Viện Đại học, không kể công tư, đều hợp tác chặt chẽ với nhau, để thể hiện chủ trương giáo dục con người toàn diện, trong tinh thần phục hưng tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời thâu hóa tiến bộ của văn minh thế giới, có như thế Đại học mới phục vụ được đời sống tinh thần và vật chất của dân chúng một cách thiết thực.
Trong đường hướng và mục tiêu ấy, chúng tôi mong mỏi được đón nhận sự hợp tác thân hữu của Chính phủ, các Viện Đại học bạn, các Cơ quan đoàn thể và Đồng bào mọi giới.
Saigon, ngày 27 tháng 9 năm 1973
— Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt
— Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
— Viện Trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo
— Viện Trưởng Viện Đại Học Minh Đức
— Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài

Diễn văn của Thượng tọa Thích Minh Châu, Chủ tịch Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam nhiệm kỳ 1974-1975, đọc trong buổi tiếp tân của Hội Đồng ngày 05-12-1974.

Kính thưa Quý vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo,
Kính thưa Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Xã hội,
Kính thưa ông Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên,
Kính thưa Quý vị Nghị sĩ và Dân biểu,
Kính thưa Quý vị Quan khách.
Nhân danh Chủ tịch Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam nhiệm kỳ 1974-1975, chúng tôi hân hoan chào mừng Quý vị, và xin chân thành cám ơn Quý vị đã nhận lời đến dự buổi Tiếp tân của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam hôm nay. Sự hiện diện đông đủ của Quý vị đã nói lên sự lưu tâm đặc biệt của Quý vị đối với các hoạt động của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Kính thưa Quý Liệt vị,
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được thành lập từ đầu niên khóa 1973-1974 với 5 Viện Đại học Tư lập Hội viên là Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, Cao Đài nhằm mục đích hợp tác để nâng cao phẩm chất giáo đục Đại học, gia tăng hiệu năng đóng góp của các Đại học Tư lập trong việc xây dựng nền giáo dục Đại học Việt nam, đồng thời tiếp tay với Chính phủ trong việc cải tiến nền giáo dục nước nhà, ngõ hầu góp phần tích cực trong việc phát triển quốc gia. Trong tinh thần và mục đích đó, Hội Đồng Đại học Tư lập Việt nam đã được Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên hợp thức hóa bởi Nghị định số 1551/VHGDTN/PCKH/HV/NĐ ngày 13-07-1974 và được sự cộng tác thân hữu của các cơ quan, đoàn thể.
Để thực hiện các mục tiêu mà Hội Đồng đã đề ra, trong niên khóa đầu tiên 1973-1974, Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam đã chú trọng đến sự gặp gỡ thường xuyên giữa các Viện Đại học Tư lập Hội viên cũng như đối với Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên để thắt chặt mối liên lạc hợp tác và thảo luận các vấn đề căn bản trong việc xây dựng và phát triển nền giáo dục Đại học Tư lập trong cộng đồng giáo dục quốc gia.
Trong niên khóa 1974-1975 này, Hội Đồng sẽ chú trọng đến các chương trình học vụ của các Viện Đại học Hội viên nhằm trao đổi, dung hợp và tăng tiến phẩm chất giáo dục Đại học, cùng gia tăng các hoạt động sinh viên vụ để tạo môi trường hoạt động thích hợp cho sinh viên các Viện Đại học Tư lập, tạo sự thông cảm và đoàn kết trong hàng ngũ sinh viên, đồng thời để bổ túc cho các kiến thức lý thuyết ở nhà trường. Hội Đồng cũng sẽ cố gắng liên lạc mật thiết và hợp tác chặt chẽ với các Đại học Công để cùng nhau hoàn thành trách nhiệm đối với nền giáo dục Đại học Việt nam và thể hiện chủ trương giáo dục con người toàn diện, đánh tan quan niệm phân biệt Công, Tư trong lãnh vực giáo dục Đại học. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào việc dự thảo quy chế Đại học Tư lập để các Đại học Tư có một căn bản pháp lý ngõ hầu giúp cho việc phát triển được dễ dàng để có thể đóng góp một cách hữu hiệu trong việc xây dựng xứ sở.
Hiện nay, trước sự gia tăng sĩ số sinh viên một cách nhanh chóng, nhất là trong niên khóa này sĩ số sinh viên của 5 Viện Đại học Tư đã lên đến gần 30.000 sinh viên. Hơn nữa các Đại học Tư cũng đã đi tiên phong trong việc mở các ngành học mới như: Quản trị, Thương mại, Báo chí v.v… đã đáp ứng nhu cầu cần thiết của việc phát triển xứ sở. Do đó, sự hiện điện của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam là một nhu cầu vô cùng cần thiết, đánh dấu một nỗ lực mới của tư nhân trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, trước tình trạng kinh tế mỗi ngày một gia tăng, ngân sách quốc gia lại vô cùng eo hẹp không thể nào tài trợ đầy đủ cho các Đại học Tư để đáp ứng nhu cầu phát triển. Do đó, các Đại học Tư lập đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng đầy đủ phương tiện học tập cho sinh viên cũng như giúp đỡ cho đời sống sinh viên được hữu hiệu hơn. Vì vậy chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các đoàn thể tôn giáo và sự giúp đỡ của Chính phủ, của các cơ quan, đoàn thể và nhất là của các hiệp hội tư nhân, các giới công thương kỹ nghệ gia để giúp cho chúng tôi đáp ứng được nhu cấu học hỏi của đa số sinh viên và nhu cầu cần thiết trong việc mở mang và xây dựng xứ sở. Ở đây chúng tôi xin chân thành cám ơn cơ quan Lập pháp đã thông cảm sự khó khăn của các Viện Đại học Tư lập nên đã tích cực giúp đỡ trong niên khóa vừa qua. Chúng tôi mong mỏi sẽ được Quý vị Nghị sĩ, Dân biểu tiếp tục hỗ trợ để giúp cho các Đại học Tư lập được chính thức công nhận là các cơ sở hoạt động có tích cách lợi ích công cộng và Khoa học, Văn hóa và Giáo dục để khuyến khích sự đóng góp tích cực của tư nhân vào việc phát triển giáo dục Đại học Tư lập, giúp cho chúng tôi hoàn thành trách nhiệm giáo dục một thế hệ thanh niên trí thức có khả năng và đạo đức xứng đáng góp phần vào việc xây dựng và kiến thiết quốc gia. Chúng tôi cũng xin cám ơn Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên đã cố gắng giúp đỡ và cộng tác với Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam. Nhờ sự cộng tác và giúp đỡđó, chúng tôi đã vượt qua được nhiều sự khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình.
Riêng phần các Viện Đại học Tư lập Hội viên chúng tôi luôn luôn tự cố gắng tích cực trong phạm vi phương tiện có được để cải thiện không ngừng hầu đáp ứng nhu cầu phát triển chung của quốc gia và hoàn tất nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên. Qua hoạt động của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ tạo được môi trường thuận lợi cho việc cải tiến và gia tăng phẩm chất giáo dục của các Viện Đại học Hội viên. Chúng tôi cũng quan niệm rằng Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam là một cơ chế chung của các Viện Đại học Tư Lập. Năm Viện Đại học hiện nay chỉ là các sáng lập viên, Hội Đồng sẵn sàng tiếp đón các Viện Đại học tân lập gia nhập để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tăng tiến phẩm chất.
Trước khi dứt lời, một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả Quý vị và ước mong nhận được sự hỗ trợ quý báu của tất cả Quý vị dành cho Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Trân trọng kính chào Quý vị.
T.T. THÍCH MINH CHÂU
Chủ tịch
Hội Đồng Đại Học Tư Lập
Việt Nam nhiệm kỳ 1974-75
Trích Tạp chí Tư Tưởng số 2, (22-01-1975). Chuyên đề về: ĐẠI HỌC TƯ TẠI VIỆT NAM. (Chủ nhiệm: Thích Minh Châu, Tổng thư ký: Đoàn Viết Hoạt)

Monday, March 9, 2020

BÙI GIÁNG VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ


BÙI GIÁNG VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ

Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u....
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty

Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.

Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm?
Một bài thơ "Không đề" của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Tôi hoảng vía đề nghị :
Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi.
Và làm thơ tiếp nhiều cho, Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.

Ông đáp :
-Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.

Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời
Hội cũ

Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm.
Hoài niệm gì? - Cung trời hội cũ.

Một hội đạp thanh ?
Một hội nao nức ?
"Giờ nao nức của một thời trẻ dại ?".

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ...

Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm.
Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la,
một hội cũ xao xuyến,
một tuổi vàng long lanh....
Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.

Nhưng mạch thơ đi ngầm.
Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn.
Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi người đều "phải nói" với mọi người "muốn nghe" với riêng mình "không thiết chi chuyện nói".

Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói tất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết.
Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người.
Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe.
Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng phi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).

Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc.
Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.

Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du :
"Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (...). Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?".

Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!

Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn chưa cứ thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.

Đáp:
Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.

Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ

Đôi mắt ướt?
Đôi mắt của ai?
Vì sao ướt?
Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh?

Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ.

Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?

"Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang"

Áo nào màu xanh?
Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?

Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào.
Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.

Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?

Mình là thân Bồ tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ?
Dám gác bỏ kệ kinh?
Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?

Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Ta tưởng như nghe ra "cao cách điệu" bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzche.

Thy nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn?
Ngồi trên một đỉnh đá?
Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?

Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú.
Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương.
Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du:

Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Một tiếng "buồn chăng" lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi :

Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa
Đủ
Bụi đường dài
Gót
Mỏi
Đi
Quanh

Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh.
Một tuổi đời chưa đủ?
Một tuổi xuân chưa vừa?
Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi "đá" sớm từ giã mọi yêu thương?

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn

Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.

Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.

Bùi Giáng 
Nguồn: An Trú's fb