Wednesday, September 4, 2013

THỬ BÀN VỀ Ý NGHĨA CÁI LU



Oanh Vu Day for GDPT Kim Quang, Photos: BXK
THỬ BÀN VỀ Ý NGHĨA CÁI LU
Viết tặng Lu và các em ngành thanh thiếu GĐPT

            Khi còn ở Việt Nam, ai trong chúng ta cũng biết về cái Lu đựng nước. Cái Lu có những tác dụng rất hay của nó.  Trong bài viết ngắn này, chúng ta hãy thử bàn về ý nghĩa cái Lu. Đối với tôi, cái Lu rất thân thiện và đầy kỷ niệm một thời thơ ấu.  Khi qua Mỹ, hình ảnh này không còn thấy nữa. Tuy nhiên tôi có quen biết và kết thân với  gia đình anh chị Thu Tỵ, và họ đặt tên cho con trai út của mình là Nguyễn Sanh Duy, đặc biệt tên ở nhà của em là Lu. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy Lu là tôi như có được cơ hội để suy ngẫm về hình ảnh cái Lu thân thuộc ở quê nhà.

Chúng tôi biết Lu và yêu quý em từ thuở nhỏ. Ở Lu, tôi cũng học hỏi được nhiều điều.  Khi em còn là một Oanh Vũ nam cỏn con, có lần tôi hỏi em, tại sao em đi Chùa và tham dự Gia Đình Phật Tử.  Em trả lời rằng: "Em đi Chùa là để học làm người lãnh đạo".  Câu trả lời thoạt đầu ngỡ là ngây thơ, dễ thương nhưng nó có một chiều sâu vô hạn mà chúng tôi vẫn thầm học hỏi ở em từ đó đến giờ.  Khi em lên trung học, em chuyển lên học ở trường Mira Loma High, nơi tôi đang dạy hoá học, và tôi tình nguyện đưa đón em đi học trong suốt 2 năm đầu. Có thể nói rằng thời gian đó em đang lớn dần trong xe của tôi, chân cẳng của em ngày mỗi dài thêm, và em cao hẳn ra. Nay, nhân dịp em ra trường Trung Học và sắp lên Đại học, tôi mong được lần nữa gọi tên Lu và viết về cái Lu để tặng em cũng như các em ngành Thanh, Thiếu trong GĐPT như là món quà khuyến tấn các em trên con đường học vấn và sự nghiệp tương lai.

            Lu là một cái hủ lớn đựng nước - Ví như cái bụng của đức Phật Di Lặc. Nó bự và 'trống rỗng'. Hồi xưa, lúc điều kiện sinh hoạt còn thô sơ, nhà nào cũng phải gánh nước từ giếng làng về nhà. Ở quê tôi, có khi phải đi rất xa nếu giếng nước gần nhà bị cạn. Nhiều khi phải đi vào sâu trong những khe đá hoặc xuống biển, khoét sâu xuống lòng đất, để lấy nước ngọt về dùng. Tất cả những nguồn nước quý có được đều đỗ vào một cái Lu thật to trước nhà để chứa trữ. Chuyện xưa, có một người Thầy dẫn đệ tử của mình vào trong một Đền thờ và chỉ cho thấy một cái Lu đang có nước trong đó. Người dạy học trò, khi cái Lu quá đầy nước bị tròng trành, nghiêng ngã về một bên thì nước dể bị đổ. Khi ít nước quá, thì nó cũng Lu dể bị ngã nghiêng. Rồi người dạy các học trò rằng, hễ mà mạnh quá thì cũng không ổn mà yếu quá thì cũng không xong.  Cho nên phải biết cái 'vừa phải' mà làm chuẩn; tựa như Con đường Trung Đạo của nhà Phật.

            Để có một cái Lu tốt, nó phải trải qua nhiều giai đoạn. Thứ nhất là những người thợ nắn ra nó. Họ phải biết cách làm khuôn, xây thành, vun đúc, hoàn chỉnh để có một cái Lu đẹp và tròn trịa. Lu của em thật quý vì có đến hai người thợ nặng ra Lu, chăm sóc, kiên nhẫn, trí tuệ, nghệ thuật, và đặc biệt là đầy tình thương yêu đối với chiếc Lu. Kế đến, phải trải qua một giai đoạn nung nấu. Nhiệt độ càng cao, càng nóng thì sự bền chắc của cái lu càng tăng. Thật vậy, những trải nghiệm trong cuộc sống của một con người với đời càng nhiều thì sự chín chắn và đức tính đáng quý trong con người đó càng cao. Sau khi thành hình rồi, thì việc sử dụng nó lại càng không kém phần quan trọng.

Lu là để chứa nước. Chứa quá nhiều nước hay quá ít nước đều không tốt, như câu chuyện kể trên. Điển hình là khi đựng nước ít quá, thì sẽ rất vất vả cho người dùng vì phải vói xuống sâu trong Lu để múc nước được; cũng như khi nước đầy quá thì áp lực nước trong Lu lớn, lâu ngày dễ gây bể Lu. Nên muốn để Lu được sử dụng và bảo tồn lâu đời, thì chỉ nên đựng nước vừa phải. Trong cuộc sống, con người ta thường sống theo bản năng của mình, luôn có những nhu cầu và đam mê về tài sắc, danh vọng, cũng như ăn ngon, mặc đẹp.  Nói chung họ luôn mưu cầu để có được hạnh phúc thế gian, mong cái Lu của mình luôn được đầy vơi. Kinh tế khá giả, mọi thứ dư giả và thoải mái, thì có lẽ sẽ làm cho họ toại nguyện.  Tuy nhiên, như cái Lu chúng ta đang đề cập, đầy quá cũng dễ tràn và có nguy cơ bị vở. Chính vì thế trong lý tưởng sống, mình cần có chánh kiến, chánh tư duy. Phải xây dựng nó bằng nền tảng của sự hiểu biết và thương yêu. Được sống một kiếp người đã khó, nhưng một kiếp người sống bao dung và vị tha lại càng khó hơn. Để giữ được cái Lu bền vững và có ý nghĩa, nước trong Lu phải luôn được luân chuyển, và nó phải không được đầy quá mà cũng không lưng quá. Cái không lưng quá đó là cả một nghệ thuật. Mà nói về nghệ thuật, thì như Thầy Viên Minh và Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh có lần chia sẻ với chúng tôi tại Tu Viện Diệu Nhân rằng: "Nghệ thuật là biết bỏ bớt những gì không cần thiết."

            Cuộc sống vốn dĩ phù du và dâu bể, nên ta phải biết định hướng cái gì là không cần thiết hay là cần thiết. Muốn tránh cái phiền toái của sự vở Lu (cũng như của kiếp nhân sinh) thì cần buông bỏ, hỷ xả và mong tìm cho mình con đường giải thoát.  Hãy bỏ bớt bám víu, thanh tịnh tâm, vững chải thân, mà có mong cầu thì chỉ tìm sự "vừa đủ" và an lạc trong chính tâm hồn.

            Con đường giải thoát đó, trong Đạo Phật gọi là Trung Đạo.  Đạo nghĩa là đường; Trung có nghĩa là chính giữa. Là con đường phá bỏ đi thế giới nhị nguyên, hai đối lực là chánh tà, trắng đen, thiện ác và tốt xấu, hay dở, đúng sai v.v... trên con đường đi tìm về với Bản lai diện mục hay Phật tánh vi diệu của mỗi chúng ta. (Giác ngộ là sự vắng bóng của khổ đau.)

            Vì thế cái Lu cũng có thể là phương tiện để chúng ta nhìn thấy và gợi lại những gì mình đã học và hiểu. Cái thực dụng ở đây là đem ra mà hành thôi. Nói tóm lại, tất cả chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Nhưng nhờ phương tiện đó để đạt đến cứu cánh.

            Lời cuối, chúc Lu và các em ngành Thanh, Thiếu thành công, an nhàn và hạnh phúc trên con đường học hành, sự nghiệp, và tu tập của mình. Hãy đi bằng chính đôi chân vững chắc của các em. Hãy vào đời bằng "đôi mắt thương nhìn cuộc đời", hay "sáng cho người thêm niềm vui" và "chiều giúp người bớt khổ". Hãy mạnh dạn lên nhé các em. Hãy dùng con tim, khối óc và đôi bàn tay lành mạnh của mình mà cống hiến cho Đạo và Đời, em nhé!

Sacramento, Cuối mùa Hè, 2013.



Friday, August 30, 2013

NẮNG LOANG

Dancing with the sunlight - Photo BXK

NẮNG LOANG
      Tặng chị Dạ Lan

Dạ Lan hương sắc thoi đưa
Mong manh hư ảo lưa thưa giọt sầu
Vô thường bao cuộc bể dâu
Sương tan đêm mộng ngọc châu nắng vàng

Tuesday, August 27, 2013

TIỂN DƯỢNG SÁU

An empty chair in front yard of Mr. Luu's home. Photo BXK
The front yard view with an empty chair of Mr. Luu's home. Photo BXK
TIỂN DƯỢNG SÁU
   Thay lời anh Lưu và các em

Thương Cha cần kiệm suốt đời
Thương Cha khổ nhọc bao thời gian lao
Ơn Cha tựa Thái Sơn cao
Ơn Cha nhiều lắm như sao trên trời
Cha đi nhật nguyệt đang rơi
Chúng con coi cút rả rời bơ vơ
Tình Cha biển rộng vô bờ
Tình Cha cao quý như thờ thánh nhân
Cha ơi! vời vợi nghĩa ân...
Thư pháp Võ Việt Tuấn


Sunday, August 25, 2013

BẤT CHỢT MƯA DÔNG/Sudden Thunderstorms

On the way to New York...
George Washington bridge
Philly skyline--- All photos are taking in motion by BXK

BẤT CHỢT MƯA DÔNG
  Thân tặng anh Lưu và anh chị Lương Vân Các

Em đến thăm anh
Nhanh như chớp
sấm sét
rồi mưa dông
nặng hạt
tan nát
nắng chiều
mỹ miều
hàng cây xanh
long lanh
ẩm ướt

7/19/13 Horsham, PA

Sudden Thunderstorms
  For Luu and Luong Van Cac

Visiting each other
the time is passing by as fast as lightning
the thunder greets us 
then the rain and thunderstorms
heavy raindrops
broken
the afternoon sun ray
what a beauty
green trees
glitter
wet

Monday, August 19, 2013

Thơ Haiku về Trăng

Blue Moon - A painting by Tran Thi LaiHong.
Thơ Haiku về Trăng

1.Lòng đêm ôm trăng gầy
Ôm luôn mặt trời vàng chói chang
Cõi tịch mịch ngất ngây



2.Trăng khuya vằng vặc sáng
Sương thấm lạnh bờ vai nghiêng ngã
Cõi huyễn mộng chưa tan



3.Ôi Trăng sáng
Khi tắm dưới trăng
Mẹ mênh mang



4.Say trăng đêm hạnh phúc
Quảy gánh lo nặng trĩu đong đầy
Đời như sông có khúc


5.Trăng thuỷ tinh lấp lánh
Lung linh mặt nước động chân nguyên
Tỉnh - quay về Phật tánh.

Wednesday, August 14, 2013

MẶN NỒNG TÌNH TA

Tình ta: nồi niêu xoong chảo - Photo BXK
MẶN NỒNG TÌNH TA
   Thân tặng anh chị Ngô Tín - Liên Hoa và anh NVQuang

Em đến thăm trăng rằm lơ lững
Giữa thinh không vang vọng tiếng cười
Em và ta bao lần tâm sự
Càng gần nhau mỗi phút thêm tươi

Hát nhau nghe cho đời bớt khổ
Uống với nhau cho bớt nỗi sầu
Trong đêm khuya cung đàn thổ lộ
Ta yêu thôi cho trọn kiếp sau

Tình em đó như nồi niêu xoong chảo
Nghĩa anh đây tựa chén bát đủa thìa
Ta có nhau thì đời thêm hoàn hảo
Ta yêu nhau cho trọn kiếp em yêu!


Sacramento, Sunday June 23rd, 2013.

Saturday, August 10, 2013

KÍNH TIỄN ÔN MINH TÂM

Ôn Minh Tâm - Photo from www.quangduc.com
Thư pháp Võ Việt Tuấn
KÍNH TIỄN ÔN MINH TÂM

Hoà thượng là đại tùng lâm của Phật giáo Việt nam Hải ngoại
Suốt cuộc đời hy hiến để truyền bá Phật pháp nhiệm mầu
Từ những thập niên 70 hoằng pháp lợi sanh ở Âu Châu
Ngài luôn vun trồng hạt giống Từ bi và Hiểu biết
Từ giáo dục, văn hoá, tôn giáo hay tinh hoa nước Việt
Ngài chọn con đường tiên phong, bồi đắp và phục hưng
Để đưa Phật giáo Việt Nam lan rộng trong năm châu bốn bể
Hương của Ngài, bậc thạch trụ Thiền môn
Lan toả cõi hư không
An nhiên người thị tịch
Hoà thượng là Bảo Tích*
Bát Nhã bậc Đại nhân.


* Kinh Bảo Tích (Ratnakuta-sutra)

Monday, August 5, 2013

HOA NGỌC ANH / NGỌC ANH FLOWER

Hoa Ngọc Anh - Photo BXK
Hoa Ngọc Anh - Photo from newvietart.com

HOA NGỌC ANH

Ngọc Anh thanh trắng quá
Hương sắc nào phôi pha
Bao quyến rũ kiêu sa
Hững hờ chi xa lạ?

Ngoc Anh flower is pure and elegant 
Its beauty and fragrance will soon fade
Yet tonight it is lovely and charming
What indifference when we are interdependent.

Wednesday, July 31, 2013

TIỄN THẦY

The Most Venerable Thich Thien Tri, the first Abbot of Kim Quang Buddhist Temple.
A painting of the late venerable Thich Thien Tri and the holy Sangha in attendance of his 10th passing anniversary 
The Four Gratitude Tower - Photos by BXK's iphone.
Dẫn nhập: Nhân ngày Tưởng niệm 10 năm Thầy tịch, xin đăng lại bài thơ viết 10 năm về trước. Những chữ đầu là bài thơ Tĩnh Toạ của Thầy.  Những hình ảnh phía dưới là tượng của Ôn, Lễ tưởng niệm 10 năm và Tháp Tứ Ân. 

                     TIỄN THẦY
(Kính dâng Cố H.T. Thích Thiện Trì)

TĨNH lặng tối đầu tiên Thầy tịch
TỌA trai đường nghe tiếng mưa rơi

Biển vẫn vỗ như vọng về tang tóc
Cả thể gian chìm trong nỗi xót xa 
Rền khóc vang khắp cõi Ta Bà
Sóng thút thít nghẹn ngào nuối tiếc
Vỗ vào gành gào không kể xiết

Non sông, trò dại sắp long đong
Cao Trường Sơn, đất Mẹ chạnh lòng
Vách núi trơ vơ Thầy vắng bóng
Đá cảm lạnh khi Người ly biệt
Xây tiếng lòng nghe quá xót thương…

Thiền quán lại lời dạy vô thường
 Ông bảo đến đi đừng bận
Ngồi quán biết có sinh có diệt
Tĩnh mới hay huyễn tướng diệt sinh
Tọa mới thấu lẽ còn lẽ mất

Lưng chừng thay không thấy diệt sinh
Trời đất cũng tuân lý vô thường
Mây có biến cũng thành nước mát
Trắng và đen, có không, không khác
Bay đậu, mất còn lẽ tự nhiên.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo, giác linh Hòa Thượng Tôn Sư thùy từ chứng giám.

Thủ phủ Sacramento, CA. July 2003.

Friday, July 26, 2013

ĐÔI BỜ TƯƠNG DUYÊN


ĐÔI BỜ TƯƠNG DUYÊN

Tinh mơ tuyệt muôn chim vang tiếng
Ánh bình minh lấp lánh vườn hoa
Trời thanh gió mát dịu xoa
Bên hồ Vân Các thiên nga chập chùng

Cá koi lủng lẳng trong hồ vắng
Liễu rũ lim dim tựa mơ màng
Sen thơm chim hót dịu dàng
Bình tâm thở nhẹ muôn vàn thắng duyên.

Vườn sau của tư gia LVC in Horsham, PA.
July 20th, 2013.




















      All of these photos are in the garden of our friend, Lương Vân Các.  Photos by BXK

Thursday, July 18, 2013

DÌ ĐI CÁNH NHẠN QUA ĐỒI TỬ SINH

Di ảnh Dì Ba
Thư pháp Võ Việt Tuấn
DÌ ĐI CÁNH NHẠN QUA ĐỒI TỬ SINH
   Tưởng niệm Dì Ba (1928-2013)

Sáng tinh mơ tĩnh lặng
Dì an nhàn ra đi
Cõi vô thường lâm li
Thong dong người khuất núi

Trong tiếng kinh tiếc nuối
Tưởng nhớ bóng Dì yêu
Người dạy con đủ điều
Hy sinh và kiên nhẫn

Thứ tha và tẩn mẩn
Nhai thật kỷ khi ăn
Cuộc đời vốn loăn xoăn
Ta hãy nên chậm lại

Dì biểu hiện vô ngại
Tảo tần và thuỷ chung
Nuôi con cháu ung dung
Trong tiếng cười hỷ xả

Cát bụi thời gian đã
Phai nhạt sắc đẹp Người
Nhưng ánh mắt rạng ngời
Lời từ bi nhân hậu

Dì thanh tao, từ Mẫu
Che chở đàn em thơ
Thương yêu ai từng giờ
Chăm lo và hy hiến

Cuộc đời Dì thể hiện
Thư thái và từ bi
Dì vừa mới ra đi
Trong tiếng kinh câu kệ

Dì đã thoát cõi mê
Gió đùa qua cây Sậy
Tây Phương Di qua đấy
Phẩm hạnh lưu trong con

Thương Dì thương Mẹ mãi còn
Bình tâm 
              Nguyên Nhạn 
                                    qua non 
                                                bóng dài. 



Toàn thể gia đình và tang gia hiếu quyến kính bái.
Ngưỡng nguyện mười phương Chư Phật, chư đại Bồ Tát phóng quang tiếp độ Hương Linh của Dì, Trần Thị Cưỡng, Pháp danh Nguyên Nhạn (Diệu Hồng) Vãng Sanh Cực Lạc Quốc. 
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.