Tuesday, June 20, 2017

XUỐNG NÚI II

Eo Gió, Nhơn Lý Quê Hương tôi. Photo: Internet.
XUỐNG NÚI II

1.
Xuống núi, cõi trần mộng mị
Tiếng ồn, bụi bặm nhân gian
Bạc tiền bán mua mạch sống
Phồn vinh lạc bước lang thang

2.
Ta thấy Mẹ tám mươi bán vé số
Và thấy em đứng những ngã đường
Kẻ giàu vơ tiền, khai gian nói dối
Còn trẻ thơ dạo bán suốt đêm sương

3.
Ta thấy Cha vẫn còng lưng kéo lưới 
Mà cá tôm cạn nước mắt người 
Thấy đàn bò vẫn miệt mài cày xới 
Lũ em thơ ngơ ngác bên nương

4.
Ta thấy Anh đã thành vô cảm
Cạn ly say, mặc câu năn nỉ “mua dùm”
"Đi chỗ khác!" lời đuổi xua nghe thật thảm
Âm vọng lênh đênh tựa giấc mộng hãi hùng!

5.
Ta thấy Chị vui theo đời nhảy hát
Ai thích 'face' như cuồn nộ phong ba?
Ai thích thêm mỹ phẩm xài chưa hết!
Chẳng can chi vận nước với nỗi nhà

6.
Ta thấy đất-nước-khí trời ô nhiễm
Mà bàng quan thiên hạ vẫn thờ ơ
Thấy hiện tại nỗi khổ đau trần thế
Khổ chất chồng vì chính sách tả tơi

7.
Ta thấy ta nhớ trăng xưa cổ tích
Ôi bàn tay nhỏ hẹp quá đi thôi
Sao hứng được máu, mồ hôi rả rích
Nỗi đắng cay vận nước rã rời!

8.
Ta thấy ta nhớ Mẹ già năm cũ
'Hãy giữ gìn tâm trong sáng nghen con'
Chợt nhận ra bạc mái đầu chưa đủ

Thân phận này lạc quốc, kẻ ly hương!


Đọc tiếng Anh ở đây. Please read English version here.

Monday, June 19, 2017

Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” - Nguyên Giác

Bìa sách.

Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”

Nguyên Giác

Có cách nào nói ngắn gọn về tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của tác giả Đào Văn Bình? Hình như không thể nói kiểu đơn giản cho dễ nhớ, vì sức quyến rũ rất lạ kỳ; nơi đây độc giả khi mới đọc qua vài trang là sẽ được thu hút vào một thế giới rất riêng –văn phong rất cư sĩ như một Bồ tát vào đời, rất yêu nước đằm thắm để quên những nỗi đau tư riêng, rất thâm sâu như nhìn suốt hết những uẩn khuất trong lòng người, và rất ẩn mật trong một cõi tâm linh ẩn sĩ.
Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ. Khi viết về đất nước, ông đứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam quan tới mũi Cà Mau. Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tinh yêu hóa giải các đau đớn trong đời. Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường.
Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.

oOo

Tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản, dày 560 trang, đang phát hành trên mạng Amazon, gồm 52 bài viết.
Tiểu sử sơ lược của tác giả như sau.
- Đào Văn Bình sinh năm 1942 tại Hải Phòng, quê cha đất tổ ở Khúc Thủy, Hà Đông.
- Năm 1954 theo cha mẹ vào Nam.
- Tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa- Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1966.
- Tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh – Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1968.
- 1973-1975: Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi và Kiến Hòa.
- 1984 vượt biển đến Mã Lai.
- Định cư vào San Jose, California từ năm 1985.
- 18 năm làm việc cho Học Khu Oak Grove School District, San Jose, California.
- Về hưu năm 2007 và tập trung vào các đề tài Phật Giáo và Chính Trị Thế Giới.
- Sự  nghiệp viết văn: Đã xuất bản 8 tác phẩm văn chương bao gồm: Thơ, Trường Thi, Hồi Ký, Truyện Ngắn, Truyện Dài, Kịch. Dịch toàn bộ tác phẩm Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck. Bản dịch được đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong năm 1996.
Nhà văn Đào Văn Bình tâm sự, rằng đây là cuốn sách về Phật Giáo duy nhất của đời ông, gồm những bài viết khoảng năm 1980 khi, theo lời ông, “tôi bỗng gặp được Ông Phật ở trong tù. Qua Mỹ tôi vẫn tiếp tục viết về Phật Giáo, mạnh nhất là thập niên 1990, mãi tới nay mới hoàn thành, tính ra cũng khoảng hơn 20 năm. Một số bài đã được đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Tôi viết dưới dạng hơi “phóng túng” pha chút “văn chương” đôi khi là Thơ nhưng tuyệt nhiên không dám xa rời Chánh Pháp.”

oOo

Bài đầu tiên trong tuyển tập là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” – trong đó, là lời mời gọi:
“...nếu không phục hồi lại khí phách và tâm linh dân tộc thì không thể nào đoàn kết để đối đầu với những cuộc xâm lăng của đủ thứ loại ngọai bang, công khai cũng như ngấm ngầm dưới mọi hình thức.” (trang 2)

Nhưng tâm linh dân tộc là gì?
“Đối với người Việt Nam, tâm linh của dân tộc rất linh thiêng nhưng không huyền bí. Nó không huyền bí vì nó không dựa vào Thần Linh. Đó là niềm tin vào giáo lý của Đức Phật bằng xương bằng thịt, rồi từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao nhất, rồi chan hòa trong cuộc sống qua một thời gian rất dài rồi trở thành truyền thống dân tộc.” (tr.3)

Trong đó, chùa là:
“Còn Ngôi Chùa là nơi thờ Phật và hiển nhiên là biểu tượng tâm linh của dân tộc.” (tr.4)

Tác giả nói chi tiết thêm, rằng chùa là nơi giải oan cho bất kỳ oan nghiệt nào, rộng mở cho bất kỳ dị biệt nào, cứu khổ độ sanh cho bất kỳ chúng sinh nào, giúp cô nhi và dân nghèo cho bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào... (tr. 5-6).
Bài cuối trong tuyển tập là bài "Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài" -- nơi đây, Đào Văn Bình viết như lời người anh dặn dò người em. Trước tiên, tác giả nói về lý của chữ Tâm trong nhà Phật:

“Cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm. Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không. Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai. Nó “bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.”  Nó chính là Phật tánh của chúng sinh. Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.
Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng nếu được chỉ bảo và tu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ.”(tr. 350, 351)

Tác giả nhắc tới các chữ "bất" trong Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là nhìn từ Bắc Tông.
Khi nhìn từ Nam Tông, sẽ thấy trong Tạng Pali, ở Kinh AN 1.49-52 - Pabhassara Sutta,  cũng nói rằng Tâm này tiên nghiệm (có sẵn trước khi sinh ra), bị bụi tham sân si nhiễm vào, nhưng cũng thực sự là không hề bị nhiễm gì hết, mà chỉ tạm nhiễm thôi, vì nếu có thực nhiễm ô thì làm sao mà giải thoát ("Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements.")
Đó là nói về lý, khi giải thích qua sự, Đào Văn Bình nói về Tâm là tấm lòng: ngay thẳng, cảm thông, tha thứ, bao dung, từ bi, biết an ủi, cởi mở, hy sinh, bố thí... Và ông viết:
“Nếu nội dung của chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẳm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài.” (tr. 352)

oOo

Gần như tất cả các bài viết của Đào Văn Bình vừa mang đặc tính uyên áo của giáo lý nhà Phật, vừa đưa ra những giải thích đời thường rất cụ thể.
Nhưng xuyên suốt tất cả các trang sách là chất thơ. Không mấy người viết văn xuôi mang nhiều chất thơ như thế. Và bạn có thể mở ra bất cứ trang nào của tuyển tập cũng thấy chất thơ.
Thí dụ, nơi đây sẽ trích phần đầu và phần cuối của bài “Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn” (tr. 269, 271). Trong trích đoạn, sẽ thấy tác giả dùng câu ngắn xen lẫn câu dài để tạo ra âm nhạc, thích nghi với chủ đề, dùng hỉnh ảnh cụ thể chung quanh thay cho những ý tưởng trừu tượng để ngay cả các em thiếu niên cũng hiểu được. Nhà văn Đào Văn Bình mời gọi:

“Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.
Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.
Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.
Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.
Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.
Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm của con người.
... ...
Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.
Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát.
Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.
Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.
Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.
Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.
Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn.
Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.
Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.
Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất.”

Có thể nói ngắn gọn, đây là một tập thơ bằng văn xuôi, viết để ngợi ca cuộc sống, nơi đó tác giả gắn liền với Phật giáo, đất nước và dân tộc. Tuyển tập này cần có trong mọi tù sách trường học và gia đình.
Độc giả ngoài Việt Nam tìm mua, xin vào trang https://www.amazon.com/ và gõ (không cần dấu tiếng Việt): “dao van binh” để mua.
Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards.
Độc giả trong Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:
và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn ở Việt Nam.






Friday, June 16, 2017

THONG DONG - FREE AT WILL


THONG DONG
     Kính tặng Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Hạnh Viên

Thị Ngạn Am ẩn hiện
Mây trắng bay ngang đồi
Tinh mơ sương còn đọng
Côn trùng thay tiếng kinh

Thầy mặc nhiên thiền định
Hương khói tỏa muôn phương
Trang nghiêm đây cõi tịnh 
Vạt nắng trong giọt sương


FREE AT WILL
           For the Most Venerable Thích Tuệ Sỹ and Venerable Hạnh Viên

Thị Ngạn hermitage looms in the distance
White clouds leisurely float across the hill
At dawn, the gentle breeze whispers and dew forms
The singing of insects replaces the chanting 

In the stillness, the master impeccably meditates
The perfume of incense spreads in all directions
Solemnly this is the Pure Land in this earthy realm
To see the sunshine in a drop of dew.


Cùng Thầy ung dung - Photos: Lương Huỳnh.

Wednesday, June 14, 2017

Thầy Nhuận Tâm Thăm Cali, Kể Về Chùa Lá Dạy Ngoại Ngữ - Nguyên Giác

Thầy Nhuận Tâm Thăm California, 
Kể Về Chùa Lá Dạy Ngoại Ngữ

Bằng cách đọc vài câu thơ của Bùi Giáng, Thầy Thích Nhuận Tâm khởi đầu buổi nói chuyện hôm Thứ Bảy 10/6/2017.
Bằng giọng Miền Trung của xứ Quảng, Thầy Thích Nhuận Tâm kể về cơ duyên thành lập ngôi chùa ở Gò Vấp, lúc đầu được cư dân gọi là Chùa Lá, vì chùa và chung quanh chỉ thấy cây lá và đất hoang, trong một khu vực nhiều dân giang hồ, đầy bạo lực.
Thầy từ Việt Nam tới  thăm Hoa Kỳ trong vài tuần, gặp một số thân hữu và Phật tử tại một vài tiểu bang và rồi về lại VN để tiến hành khóa hè dạy ngoại ngữ miễn phí ở  chùa của Thầy. Lý do sang Mỹ vì cần quyên tiền dựng 2 phỏng học, đã đổ bê tông nền, gắn khung sắt thì cạn tiền...
Buổi hội ngộ đêm Thứ Bảy tại tư gia anh chị Đức được ghi là “tâm tình,  chia sẻ và trao đổi gồm có: Bài học cuộc sống: Ý chí vươn lên của Việt;  Công việc dạy ngoại ngữ và duy trì văn hoá cho giới trẻ; Nghệ thuật đá cảnh và thư pháp  (viết tặng thư pháp); Văn nghệ bỏ túi.”
Người MC của chương trình là chị Bích Trâm, một nhà truyền thông nổi tiếng trên băng tần Sài Gòn TV.
Tham dự có nhiều nhà hoạt động Phật sự, hoạt động cộng đồng, như chị Anh Thư (Trí Nhân Media), nhạc sĩ Phổ Đại và ca sĩ Phổ Hiệp, nhà báo Vũ Đình Trọng (Chủ bút  báo Sài Gòn Nhỏ), cư sĩ Nguyên Giác, Trương Ngãi Vinh (chủ tịch một cộng đồng vùng Nam Cali), và nhiều anh chị khác...
Trong khi chờ Thầy Thích Nhuận Tâm tới, nhạc sĩ Lại Tôn Dũng hàn huyên với anh Phổ Đại, nguyên là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử xuất sắc trong đơn vị do anh Lại Tôn Dũng hướng dẫn từ hơn ba thập niên trước.
Thầy Thích Nhuận Tâm và công việc của thầy là người được nhiều báo trong nước tường thuật trong nhiều năm qua vì đã gánh vác nhiều công việc khó làm.
Thi sĩ, nhà thư pháp, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu về đá cảnh, đá phong thủy... lĩnh vực nào, Thầy Nhuận Tâm cũng nổi tiếng.
Thầy Nhuận Tâm tự nhận là học trò của trường phái Bùi Giáng, mê thơ, ưa làm thơ, và làm nhanh. Khoảng gần 10 năm trước, Thầy Nhuận Tâm thực hiện Ngày Thơ Việt Nam với cuộc triển lãm các tập thơ kim cổ, thư pháp thơ tại thiền viện Vạn Hạnh. Thầy lúc đó cũng in tập thơ “Thơ ơi, cùng chảy nhé.”
Thầy Nhuận Tâm kể, tiền lúc đó phải quyên góp, nhưng để triển lãm thơ suốt gần một tuần với nhiều sự kiện, tuy được nhiều doanh nghiệp hỗ trợ nhưng đâu có đủ.
May mắn, nhiều Phật tử góp tặng lá, tặng trẻ, tặng nguyên vật liệu để dựng thành một không gian thi ca...
Trưng bày này vượt hơn quy mô của Ngày thơ VN tại TPSG mỗi năm.
Phần lớn, Thầy Nhuận Tâm được hỗ trợ từ nhiều họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ... và cả doanh nghiệp khi chở hàng chục chậu cây cảnh tới sân Thiền viện Vạn Hạnh để làm triển lãm thơ.
Tuy nhiên, vị trí độc đaó của Thầy Nhuận Tâm là giáo dục.
Thầy kể, bản thân Thầy từng là sinh viên Miền Trung vào Sài Gòn du học, từng nằm bụi, nằm bờ, nhịn đói... nên khi có miếng đất trống ở Gò Vấp, được bạn cho vay tiền dựng chùa liền dựng thành ngôi chùa -- lúc đó là hoang vu, chung quanh là giang hồ, tội phạm -- để mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên cần học.
Thầy nói lý do dạy tiếng Anh miễn phí, vì muốn đất nước phát triển, giới trẻ cần học tiếng Anh. Từ vài chục sinh viên ghi danh đầu tiên, sau 3 tháng, sinh viên ghi danh nhiều hơn. Vậy là, trong năm đầu tiên, có 500 em sinh viên học khóa 3 tháng. Năm thúứ nhì có 2,000 em học. Và bây giờ, trong một năm có 30,000 em sinh viên hóa.
Các khóa học chia ra 3 tháng, xoay vần theo thời khóa biểu từ sáng cho đến tới. Thầy Nhuận Tâm nói, không thiếu giáo viên, vì thầy cô tình nguyện dạy rất nhiều.
Giáo viên ngoại quốc tình nguyện không lãnh lương, nhưng trong khóa 3 tháng, Chùa Lá phải nuôi 15 giáo viên ngoại kiều chi phí ăn 3 bữa và tiền nhà.
Còn giáo viên người Việt, Chùa Lá trả lương tượng trưng từ 1 triệu tới 1.5 triệu/người/tháng.
Thầy nói, học tiếng Anh ở Chùa Lá có phẩm chất cao, vì thầy cô ngoạị kiều tận lực thiện nguyện.
Bây giờ, Chùa Lá đang dạy 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Hoa, Nhật, Hàn... và có đủ giáo viên thiện nguyện.
Thầy Thích Nhuận Tâm nói, Thầy tuyệt nhiên không thuyết giảng  gì về Phật giáo, và Thầy cũng dặn dò các giáo viên là không nói gì về giáo lý nhà Phật. Lý do, dạy miễn phí để giúp các em thuần tuý là bất vụ lợi.
Tuy nhiên, Thầy Thích Nhuận Tâm nói rằng Thầy dạy sinh viên đaọ lý dân tộc: kính trên, nhường dưới, lễ phép với thầy cô, và Thầy tổ chức những buổi từ thiệïn  hàng tháng ở vùng sâu, vùng xa để sinh viên thấy cảnh nghèo đất nước mới siêng học, và mới ý thức về vai trò trí thức trẻ phải chuyển đổi đất nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Nguyên Giác, rằng trên nguyên tắc, Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá phải có giấy phép của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, và Thầy Thích Nhuận Tâm đã từng bị kiểm tra như thế nào.
Thầy Thích Nhuận Tâm nói, lúc đầu, Thầy nghĩ tới việc nuôi trẻ mồ côi, nhưng lại thấy là chưa ngôi chùa nào dạy Anh ngữ miễn phí trong khi sinh viên nghèo từ Miền Trung và Miền Tây lên Sài Gòn không theo kịp các học trình đại học, nên Thầy -- một người từng từ Miền Trung vào học ở Sài Gòn -- nghĩ ngay tới việc dạy Anh văn miễn phí. Và không ngờ, phát triển tăng vọt như thế. Thầy chỉ là một nhà thơ, một nhà thư pháp, một nhà sư... không hề nghĩ tới việc kinh doanh giáo dục.
Thầy nói, chung quanh Thầy từ trước tới giờ toàn là nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, và Thầy cũng làm nhiều sự kiện nghệ thuật trước khi mở lớp dạy Anh văn, nên được báo chí ủng hộ, và hình như nhà nước  không nghi ngờ gì, vì có lúc thầy nghĩ là công an cũng lặng lẽ vào ghi tên học, và “Chùa Lá còn mấy ký gạo, họ cũng biết, thì có gì mà kiểm tra.”
Thầy nói, thực sự Trung tâm Ngoại ngữ miến phí Chùa Lá không hề có giấy phép gì của Bộ Giáo Dục, và hễ nhà nước nói thôi, là Thầy sẽ lên góc núi, ra góc rừng để ngồi làm thơ, vì Thầy “học  theo trường phái Bùi GIáng mà...”
Học ngoạị ngữ miễn phí, nhưng không phải dở.
Thầy Thích Nhuận Tâm kể rằng có một em sinh viên phát nguyện là khi lãnh khoản lương đầu tiên là sẽ đem tới cúng cho Chùa Lá. Vậy rồi, em sinh viên đó, sau khi cầm khoản lương đầu, chạy xe liền về chùa, nửa chừng xe  hết xăng, đậu giữa đường... cô không dám lấy tiền đó ra mua xăng, mới điện thoại gọi bạn tới để mượn tiền đổ xăng, rồi tới chùa cúng khoản tiền lương đầu tiên.
Bạn muốn biết suy nghĩ của các học viên?
Sau đây, xin trích từ trang nhà của Edu2Review:
“Cảm nhận học viên Trung tâm Thiện Nhơn - Chùa Lá Gò Vấp
09/01/2017
Bạn muốn biết về Trung tâm Ngoại ngữ Thiện Nhơn - Chùa Lá, Gò Vấp cũng như việc dạy và học ở đây có chất lượng không? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn đấy!
Có rất nhiều trung tâm Anh văn tại Gò Vấp nhưng trung tâm được Edu2Review nhắc đến trong bài lại rất đặc biệt. Đó là trung tâm Ngoại ngữ miến phí Chùa Lá. Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá, quận Gò Vấp TPHCM ra đời do sư thầy Thích Nhuận Tâm chủ trì dạy 6 loại ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa, Hàn. Vậy những học viên ở đây cảm nhận như thế nào về trường?
Giảng viên của trung tâm là các giáo viên dạy ngoại ngữ của một số trường Đại học ở TPHCM và một số thầy cô giáo nước ngoài – là sinh viên, tình nguyện viên trẻ đến Việt Nam được trung tâm mời dạy. Giáo trình của trung tâm do các giáo viên tổng hợp từ nhiều giáo trình ngoại ngữ của những trường Đại học mà họ đang giảng dạy. Việc sáng lập trung tâm có thể giúp cho nhiều bạn trẻ không có đủ điều kiện kinh tế có thể tiếp thu, trau dồi vốn ngoại ngữ trong thời buổi đất nước hội nhập như ngày nay...
Cảm nhận của các học sinh tại trung tâm:
“Những lớp học của thầy Nhuận Tâm giúp sinh viên tiết kiệm chi phí ăn học, bản thân tôi cũng nhờ học ngoại ngữ ở đây mà có thêm kiến thức, kỹ năng để dễ xin việc và làm việc tốt hơn khi ra trường”, bạn Ngô Thời Danh chia sẻ.
"Ở đây tuy là một trung tâm dạy miễn phí nhưng các thầy cô rất tận tình trong việc giảng dạy, kỷ luật của trung tâm cũng rất nghiêm chỉnh nên việc tiếp thu của học viên có hiệu quả", bạn Ngọc Mai chia sẻ.
Nhìn chung, các bạn hầu hết đều đánh giá tích cực về trường, đặc biệt là sự nhiệt tình trong việc giảng dạy của giảng viên. Mặc dù chất lượng cơ sở vật chất vẫn chưa tốt, nhưng vì là miễn phí, tất cả kinh phí đều là do nhà chùa tự chủ nên cơ sở vật chất như vậy cũng được xem là tốt. Bên cạnh đó, trường cũng có tổ chức các buổi giao lưu, từ thiện để tạo điều kiện cho học viên trải nghiệm.
Trên đây là một số nhận xét và góp ý của học viên. Rất mong sẽ nhận được nhiều cảm nhận hơn nữa của các bạn trên trang Edu2Review nhé.”(hết trích)
Được hỏi, những khi kẹt tiền, Thầy làm thế nào, vì chi phí cho trung tâm dạy nhiều ngàn sinh viên là lớn vô cùng.
Thầy Thích Nhuận Tâm kể rằng, Chùa Lá được nhiều doanh nghiệp hứa giúp cúng dưòờng, vì Thầy làm công việc phụ là lên núi tìm đá lạ, gọi là đá phong thủy, về xem đá hợp với doanh nhân nào, tuổi nào, thầy sẽ khuyên đặt đá làm sao cho kinh doanh thuận lợi. Lúc đó, nhiều doanh nghiệp hứa cúng dường. Tuy nhiên, khi gặp khủng hoảnh tài chánh, nhiều doanh nghiệp khó khăn... đaàh chịu. Và thầy làm thư pháp để ai thỉnh thì cúng... May mắn, nhiều sinh viên ra trường lâu năm, cũng giúp chùa xưa. Khi nào kẹt tiền quá, Thầy thắp nhang, xin hộ pháp giúp... và hiệu quả.
Thầy Thích Nhuận Tâm cũng kể về những ngày đầu lập chùa... Chung quanh là giang hồ, dân nghiện, bạo lực...
Có một lần, 4 tay bặm trợn trong xóm bên tới hăm dọa Thầy, ra hạn đòi   Thầy đi chỗ khác. Đêm hôm đó, tự nhiên cả mấy khu xóm  xôn xao ồn ào lên, vì có một thiếu nữ lên cơn la hét như điên khùng, như ma ám...  Dân chúng trong xóm liền tới thỉnh Thầy sang trừ ma. Thầy không biết về trừ ma, nhưng cũng tới xem, vì tin vào Phật lực gia hộ. Thiếu nữ kia không ai kềm chế được, nhưng khi Thầy bước tới cổng nhà là tự nhiên nằm im, nhưng vẫn la hét, trong khi 4 thanh niêm bặm trợn kia đang ghìm tay chân thiếu nữ. Thầy mới nói, có phải 4 anh kia hồi sáng hăm dọa tui phải không? Bốn anh kia nói vâng, Thầy mới bảo là 4 anh phải sám hối, thì cô kia hiền lành trở lại.
Thời gian sau, có 3 ngừời trong chốn giang hồ tới xin Thầy xuất gia. Chốn giang hồ xem chùa như nơi có những người bạn cũ, không quậy phá.
Một lần, Thầy làm mái nhà, trèo thang cao, tự nhiên trượt dây, thang ngả ra phía sau, Thầy biết sắp ngả, liền phóng người ra sau lưng nhào lộn theo một thế võ. Dân trong xóm vỗ tay, hoan hô Thầy biểu diễn võ Thiếu Lâm...
Thầy cho biết, ước mơ của Thầy là làm sao có 63 trung tâm học ngoại ngữ miễn phí ở 63 tỉnh thành, và thầy sẵn lòng yểm trợ -- không nhất thiết phải là nhà sư đứng ra làm, mà là người thường cũng cần được giúp để xây dựng mô hình này.
Sáng Thứ Hai 12 tháng 6/2017, Thầy  Thích Nhuận Tâm gửi tin nhắn từ biệt, và đó là một bài thơ, như sau:

TRI ÂN
Sáng nay Ta đã đi rồi
Ta đi mang cả buồn vui theo cùng
Cúi hồn cảm tạ muôn trùng
Phút giây tương ngộ cảm rung rung hồn

Nghe ra tận đáy cội nguồn
Cung đàn tiết tấu ngân muôn điệu lòng
Cỏ hoa reo hát lời không
Ấm lòng lữ khách chiều mông mênh chiều

Cali đầy cõi thương yêu
Trong yên lặng nói bao điều thiết tha
Mình ta ngồi với sân ga
Rảnh rang viết tặng thay quà tri ân
Thích Nhuận Tâm.

Độc giả quan tâm có thể đọc thêm ở: chualagovap.org.vn

PHOTOS:
Thầy Thích Nhuận Tâm



Thầy Thích Nhuận Tâm và nhạc sĩ Lại Tôn Dũng