Wednesday, July 5, 2017

Nguyễn Hoàng Lãng Du và TIẾNG GỌI PHƯƠNG ĐÔNG

Nhà thơ NHLD, nhà thơ Nguyên Lương, 'ngâm sỹ' Nghĩa Trần và tác giả Lê Công Dzũng. 

Nguyễn Hoàng Lãng Du và TIẾNG GỌI PHƯƠNG ĐÔNG hay những vần thơ trăn trở về quê hương, thân phận và tình yêu


Từ những vần thơ rực lửa đấu tranh …

Tôi hân hạnh được anh Nguyễn Hoàng Lãng Du tặng DVD Tiếng Gọi Phương Đông trong một lần đi dự tiệc ở nhà một người bạn. DVD có 12 bài thơ của anh được các nghệ sĩ Sông Song, Ngô Đình Long và Lệ Thu diễn ngâm.  Sáng hôm sau tôi dành hết cả ngày Chúa Nhật để nghe đi nghe lại những bài thơ trong đó. Tôi như bị cuốn hút vào dòng thơ của anh từ những bài thơ bi hùng, đầy hào khí, rực lửa đấu tranh như Khúc Ca Cuồng Nộ, hay Trong Đêm Cuồng Nộ…, cho đến những bài thơ  trăn trở về thân phận của mình trong  Biển Đông Sóng Giục, Gọi Dậy Ngàn Năm…Và sau nữa là những bài thơ tình chất chứa những tình yêu sâu sắc và lắng động như Chiều Say, Kim Chỉ, Thuở Vỡ Lòng Yêu…Anh NHLD, người mà bạn bè thường đặt cho nhiều biệt hiệu như Lãng Tữ, Đại Lão hoặc ông Hoàng, là một con người rất dễ mến, tính tình hiền hòa và rất mực khiêm nhường, nói năng rất từ tốn, điềm đạm và đặc biệt luôn nở một nụ cười trên môi.
Con người anh thì hiền và dễ thương như thế nhưng khi làm thơ, đặc biệt là khi bọn giặc phương Bắc có ý đồ xâm chiếm biển Đông của tổ quốc, thì hồn thơ anh bốc lửa, và lời thơ đã thành những tiếng thét vang lên để thúc giục lòng người đứng lên để đương đầu với quân cướp nước bạo tàn trong “Khúc Ca Cuồng Nộ”:

Em cứ hát cho hồn anh bốc lửa.
Giận xé trời thành sấm chớp trên cao.
Em hát xong, xin hát thêm lần nữa.
Cho ruộng đồng, sỏi đá phải xôn xao.
(Khúc Ca Cuồng Nộ- NHLD)

Lời thơ anh như một tiếng kèn xông trận, làm cho tinh thần ta phấn chấn, sẵn sàng ta tiến lên không chùn bước trước quân thù, với một niềm tin son sắt sẽ làm cho lũ giặc tan hoang như đã bao nhiêu lần trong quá khứ:

Đường Tổ-Quốc hôm nay như nhuộm máu
Chân ta đi nộ-khí mãi không chùn,
Mang ý-chí đương đầu quân tàn-bạo.
Trăm lần rồi lũ giặc đã tan hoang
(Khúc Ca Cuồng Nộ - NHLD)

Bài thơ Khúc Ca Cuồng Nộ, được cô Sông Song, một giọng ngâm truyền cảm của vùng đất Quy Nhơn diễn ngâm. Sông Song đã để hết hồn mình vào bài thơ, như đã thổi thêm lửa, thêm tình, thêm cái nồng nàn, say đắm như truyền thêm vào ý thơ hùng tráng để ta nghe thấy lòng mình cũng  bừng bừng rực lửa, với một niềm tin và ý chí dâng lên ngút ngàn, sẵn sàng ra đi để diệt lũ giặc thù cứu nước.

Rồi “Biển Đông Sóng Giục” cũng do Sông Song trình diễn.  Ở đây tôi xin nói đến giọng ngâm Sông Song, Ngô Đình Long và Lệ Thu qua 12 bài thơ của Nguyễn Hoàng Lãng Du trước để những đoạn sau, có những bài thơ tôi không đề cập đến những giọng ngâm này nữa mà chỉ đi sâu vào thơ để cảm nhận những giòng thơ của NHLD. Trước hết giọng ngâm thơ của Sông Song. Cô có một giọng ngâm  thật truyền cảm, khi thì nhẹ nhàng, khi thì sâu lắng. Khi thì lên cao vút, sắc bén như hòa cùng những ý thơ của NHLD.  Giọng ngâm cô đã chuyển tải nội dung của những bài thơ này và làm cho thơ càng dễ thấm sâu vào lòng người thưởng ngoạn. Với những bài thơ tình yêu thì giọng cô chất chứa nồng nàn, trữ tình. Khi thơ buồn thì giọng cô trầm lắng, và khi những lời thơ rực lửa đấu tranh thì giọng ngâm của cô như có pha thêm chất thép, làm cho người nghe phấn chấn, như người chiến sĩ nghe những tiếng kèn xông trận. Trong 12 bài thơ thì cô đã trình bày một mình 6 bài và một bài chung với Ngô Đình Long. Ngô Đình Long có một một giọng ngâm trầm ấm, đỉnh đạc, phát âm từng câu thơ từng chữ rõ ràng, mạch lạc. Có khi anh đi xuống những cung bậc thật thấp, làm cho người nghe như chùng xuống cùng với ý thơ, khi thì ngân nga cao vút làm cho thơ bay bỗng, vươn lên tới những đỉnh trời cao ngất. Rồi Lệ Thu cũng đã thể hiện những nét cá biệt của cô với một chất giọng ngọt ngào, nhẹ nhàng trong suốt như dẫn ta đi qua bao con sông bao suối, bao núi, bao đèo. Nếu giọng ngâm của Sông Sông đưa người ta vào cõi trầm mặc của những niềm suy tưởng, thì giọng ngâm của Lệ Thu làm cho ta nương theo những cung bậc nhẹ nhàng và dịu êm của một bản tình ca. Phải thú thật rằng khi tôi ngồi trước màn hình và lắng nghe những giọng ngâm này, lòng tôi cứ như đi theo những vần thơ của anh, như uống hết từng lời thơ dịu êm, đằm thắm và nồng nàn, nghe từ bài đầu tiên cho đến bài cuối cùng với một tâm trạng như bị những giòng thơ và giọng ngâm cuốn hút.
Bài thơ Biển Đông Sóng Giục, ta thấy được bao nỗi ngậm ngùi, nỗi lòng của tác giả, “ lực bất tòng tâm ” khi nghĩ đến sức tàn phá của thời gian lên thân phận con người. Lời thơ như phảng phất những nét u hoài, đọc lên cứ nghe nghèn nghẹn và một nỗi xót xa dâng tràn:

Ta đến đây một đời chân gối mỏi
Đồi núi buồn hèn mọn đứng xôn xao

Và tác giả bỗng thấy đau lòng cho thân tráng sĩ, ngửa mặt lên trời để cười mà lòng đau như xé tim gan:

Ta tráng sĩ lòng đau giờ rực lửa
Ngửa mặt cười lời động xé tim gan

Và rồi:

Tiền thân ư? Hành trang đầy chứng tích
Kiếm cung mòn in rõ dấu trăm năm

Nhưng cái giây phút “yếu lòng” đó qua đi rất mau vì tiếng gọi Việt Nam lại dâng lên cao ngút ngàn trong lòng tác giả. Tiếng gọi của tổ quốc, tiếng gọi của hồn thiêng sông núi lại dâng lên trong  “Trong Đêm Cuồng Nộ”:

Việt Nam! Việt Nam
Ta lên tiếng gọi
Việt Nam! Việt Nam
Lửa đốt thiêu ta

Để rồi giấc mơ Kinh Kha hơn bao giờ hết lại trở về trong lòng anh:

Sao ta không là tráng-sĩ?
Sao ta không là Kinh-Kha?

Tiếng gọi vang đi và vang đi mãi. Sao anh lại nín lặng? Sao anh lại thờ ơ? Chỉ còn tiếng gọi vang lên trong cõi vắng :

Sao anh em nín-lặng?
Sao anh em thờ-ơ?
A ha nhớ thuở tung cờ
Quân đi có kẻ đợi-chờ trên non.

Để rồi anh lại quay về tự trách mình, ôi những lời trách móc thật chua xót:

Bây giờ sóng gió cô-đơn
Mình ta ngất-ngưởng gọi hồn Núi Sông.
Ta giận ta hề tài hèn, mộng lớn.
Ta buồn ta hề sức nhỏ, chí cao.
(Trong Đêm Cuồng Nộ-NHLD)
Những câu thơ làm cho tôi nhớ đến mấy câu thơ của Tú Xương:

Thiên hạ có khi đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta?

Có thật là thiên hạ đang ngủ cả không? Không, tôi không tin như thế! Có thật là anh đang trong sóng gió cô đơn? Không, tôi cũng không tin là anh đang cô đơn!

Rồi gã mù ôm cây đàn độc huyền réo rắt làm cho mùa Đông cũng phải thức giấc, những tiếng gọi non sông trong “Gọi Dây Ngàn Năm” cũng do Sông Song diễn ngâm. Giọng ngâm cô như đi theo từng cung bậc của tiếng đàn. Tiếng đàn độc huyền réo rắt như vang động lại ngàn năm của đất nước:

Rồi gã mù ôm mùa Đông thức dậy
Tiếng độc huyền vang động tới ngàn năm
(Gọi dậy Ngàn Năm- NHLD)

Khi thì tiếng đàn reo vui cùng Uy Viễn tướng công, khi thì hào hùng với khí thế của Hội Nghị Diên Hông:

Đàn reo vui tiếng cười Uy Viễn
Thuở tiêu dao ngất ngưỡng cưỡi lưng bò
Đàn hào hùng điện Diên Hông sấm động
Những cha già tóc trắng sát bên nhau
(Gọi Dậy Ngàn Năm- NHLD)

Và khi tiếng bom Sa Điện của liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã không thành công thì ta nghe tiếng đàn vang lên những lời xót xa tiếc nuối:

Đàn xót xa tiếng bom vang Sa Điện
Một ngày buồn bão tố ngập quê hương

Rồi cuối cùng gã mù, chỉ biết vui với cuộc đời cô quạnh, đem tất cả yêu thương và nỗi lòng của mình trút xuống dây đàn độc huyền với ước mong ước có một ngày mùa Xuân sẽ trở lại:

Ta mắt mù vui với đời cô quạnh
Mang yêu thương trút xuống một dây đàn
Mơ làm đuốc soi đường đêm giá lạnh
Trong rừng đào ôm sứ đợi Xuân sang
(Gọi Dậy Ngàn Năm – NHLD)

Giòng thơ anh tiếp nối trong “Lửa Đốt Đêm Say” nghe thoáng có một chút bất cần đời và nhách miệng cười khinh bạc:

Ta bỏ đi vai mòn manh áo rách,
Ðể lại đời phó-mặc lũ ngu-ngơ
(Lửa Đốt Đêm Say- NHLD)

Để cái lũ vượn và người ngu ngơ đó soi bóng mình bên giòng nước thấy sao thật giống nhau, vượn giống người hay người giống vượn đây?

Buổi chiều hoang đứng bên giòng uống nước,
Vượn và người soi bóng thấy như nhau
(Lửa Đốt Đêm Say – NHLD).

Rồi có một lần nào đó anh trở về bên bờ lau dại tìm lại thanh kiếm cũ của một thời để vá víu một chút đam mê với những giấc mộng chưa thành:

Ðào thanh kiếm bên ven bờ lau dại.
Ôn mộng đời vá-víu chút đam-mê.
( Lửa Đốt Đêm Say – NHLD)

Nhưng anh lại phân vân giữa “đi và ở”, tự nhận mình như kẻ bỏ cuộc trong cuộc chiến này. Và hồn anh bỗng dưng ấm lại như có ngọn lửa bừng lên khi một đêm tay mãi mê mài thanh kiếm lạnh dưới bóng trăng:

Ở hay đi hỡi tên khùng bỏ cuộc?
Trận chiến này ta đánh với ngươi thôi.

Gã dị-hình làm lũ người trốn chạy.
Chỉ còn em nước mắt đẫm vui mừng.
Ai xót-xa khi lòng ta lửa dậy,
Trong đêm mài kiếm lạnh bóng trăng tan.
(Lửa Đốt Đêm Say – NHLD)

Giọng ngâm của Ngô Đình Long và Lệ Thu đưa ta về với “Những Người Cha Trong Lòng Dân Tộc”,  một bài thơ  vinh danh những người Cha của dân tộc, từ người trong huyền thọai đã khai sinh ra đất nước Văn Lang là Lạc Long Quân, cho đến Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm. Rồi những người Cha trong Hội Nghị Diên Hồng đời nhà Trần với ngàn cánh tay dâng cao với “ lời thề quyết chiến”. Dòng thơ tiếp tục nhắc nhở cho chúng ta một người Cha khác là Hưng Đạo Đại Vương với lời thề bên sông Hát: “Nếu không thắng được giặc ta thề sẽ không trở lại dòng sông này!” Rồi người Cha Đặng Dung mài gươm dưới trăng: “Thù nước chưa xong đầu đã bạc, gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày”.  Người Cha Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn 10 năm để đánh tan giặc Minh. Dòng thơ anh dẫn dắt chúng ta đến những trang lịch sử oai hùng của những ngày cận đại với người Cha Quang Trung Đại Đế áo vải cờ đào đánh tan hai mươi vạn quân Thanh:

Con thấy Cha trên đầu voi anh-võ
Bốn phương vang pháo lệnh lúc công thành
(NNCTLDT-NHLD)

Tiếp nối những trang sử cận đại là người Cha Duy Tân, người Cha Nguyễn Thái Học đã để lại cho chúng ta niềm tự hào cao ngất “ không thành công thì cũng thành nhân ”:

Rồi Sông Núi vang lời ai dặn
“Công không thành nhưng cũng đã thành nhân”.
(NNCTLDT – NHLD)

Anh cũng đã không quên những người Cha khác, những người Cha trong đời thường ở giữa chúng ta là những người Cha nhà giáo, người Cha chài lưới, người Cha đồng ruộng, người Cha buôn bán. Anh đã dành những tình yêu thương và lòng kính phục cho người Cha  khuân vác làm việc gian khổ nặng nhọc:

Con thấy Cha  nơi bến tàu khuân vác
Những bao hàng to lớn nặng trên vai
(NNCTLDT – NHLD)

Chắc hẳn lòng chúng ta sẽ chùng xuống dâng lên những nỗi cảm xúc nghẹn ngào cho những người Cha đang rơi vào cảnh túng quẩn phải đi bán đi những giọt máu của mình:

Con thấy Cha trong hàng người bán máu
Thất nghiệp rồi nên đủ nỗi tang thương
(NNCTLDT – NHLD)

Cuối cùng anh đã nhìn thấy tất cả những người Cha của Anh-Linh nước Việt với một tình thương yêu đằm thắm và đầy lòng kính phục.

Con thấy Cha: Ôi, Anh-Linh nước Việt!
Cha là hồn, là máu huyết nơi con.
Cha là Biển Đông, tình yêu thắm-thiết.
Cha là Trường Sơn, oai-dũng vô ngần.
(NNCTLDT – NHLD)

Hai giọng ngâm của Lệ Thu và Trần Đình Long đã đưa ta đi theo bao cảm xúc khi thì với lòng kính phục, khi thì yêu thương, khi thì đầy trắc ẩn để cuối cùng là lòng tự hào về những người Cha trong lòng dân tộc của chúng ta.

Cho đến những dòng thơ tình diễm tuyệt…

Nguyễn Hoàng Lãng Du, tôi nghĩ trước đây không phải là một nhà thơ chuyên về những bài thơ tranh đấu. Nhưng vì bức xúc trước một giai đoạn đặc biệt của lịch sử, của đất nước nên những con người có tâm huyết đối với quê hương, đối với tiền đồ dân tộc, anh đã chuyển hướng ngòi bút của mình. Cũng như Ngô Tín, anh từ đầu cũng không phải là người sáng tác những bản hùng ca như trước đây tôi đã có bài viết về anh, nhưng vì trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước, nên Nguyễn Hoàng Lãng Du, Ngô Tín, Nguyên Lương và nhiều người khác nữa đã viết lên những bài thơ, bài nhạc đầy chất thép, như bão lửa dâng tràn để mong làm những lời thức tĩnh cho nhưng ai còn im lặng, còn thờ ơ đối với hiện tình đất nước.

Tôi xin trở lại với những vần thơ tình của Nguyễn Hoàng Lãng Du. Vâng, sáu bài thơ khác trong Tiếng Gọi Phương Đông là những bài thơ tình thật hay của tác giả. Cái hay của anh ở đây luôn luôn là những trăn trở, với những cảm xúc thật sâu lắng và hàm chứa những tư tưởng sâu xa, chứ không bao giờ là những lời than khóc ủy mị, sướt mướt.
Bài “Chiều Say”, như gợi nhớ về một thời của một người lính trận tóc còn xanh năm nào, với áo vá và những nỗi nhớ nhà:

Ta tên lính trận còn xanh tóc
Áo vá trên vai hết nhớ nhà
(Chiều Say- NHLD)

Tôi không nghĩ là người lính “hết nhớ nhà” đâu, mà anh ta đang nhớ nhà đó, nếu không muốn nói là nhớ thật nhiều! Rồi anh nhớ về một người con gái nào đó như trong truyện cổ tích lên non chờ chồng đến hóa đá. Ngày đó, những người lính trận có lẽ khi ra đi đã không bao giờ dám hẹn một ngày trở về, khi em thì đang ở tuổi trăng thề, khi thôn làng đang ngập tràn trong lửa cháy:

Em xót-thương ai trong cổ-tích,
Lên non hóa đá đứng trông chờ.
Còn em giữa tuổi trăng thề-ước,
Lửa cháy thôn làng, cau xác-xơ.
(Chiều Say – NHLD)

Cuối cùng là nỗi nhớ về em khi anh chiều nay, một buổi chiều ly hương, mềm môi bên chén rượu:

Chén rượu xưa kia cùng trái cóc,
Chiều nay xa xứ bỗng dưng thèm.
Chiều nay bên quán buồn ngây-ngất,
Trong chén say này, ta thấy em.
(Chiều Say – NHLD)

“Trong chén say này ta thấy em”. Một câu thơ thật hay, thật sâu lắng. Câu thơ làm tôi liên tưởng đến hai câu thơ trong “ Đôi Bờ” của Quang Dũng : “ Thoáng hiện em về trong đáy cốc. Nói cười như chuyện một đêm mơ ” (Đôi Bờ - Quang Dũng)

Có những vật tưởng như rất bình thường như cây kim, sợi chỉ và cũng có những công việc tưởng như rất bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng dưới mắt nhìn của nhà thơ NHLD thì những vật ấy, những công việc ấy bỗng trở nên thân quen và mang một ý nghĩa rất sâu sắc và thâm thúy. Trong bài “Kim Chỉ”, tác giả đã đưa người thợ may kia với những đường kim mũi chỉ vào trong những vần thơ thật đẹp và vô cùng lãng mạn:

Vá cho anh dăm mảng đời phiêu bạt
Đem dịu dàng che lấp nỗi chua cay
(Kim Chỉ- NHLD)

“Đem dịu dàng che lấp nỗi chua cay”, tôi nghĩ đây là một câu thơ thật hay, thật sâu lắng. Và công việc tưởng như bình thường đó đã mang một ý nghĩa vô cùng cao quí:

Từng sợi chỉ biến thành quà nuôi mẹ
Mưa buồn phiền mái dột dưới trời xa
Nối cho anh hai bên bờ biển cả
Nhiều đêm dài thăm thẳm giữa đời ta
(Kim Chỉ- NHLD)

Nhà thơ đã nhìn vẻ đẹp của người con gái đó, không cần phải điểm trang bằng lụa hồng vải trắng, mà chỉ là một chiếc áo bình thường, đơn giản nhưng  rất đẹp trong những vần thơ của anh:

Hỡi cô gái có một thời tóc ngắn
Anh yêu em hơn cả thuở hẹn hò
Áo cho người, may lụa hồng vải trắng
Áo cho mình, đơn giản đẹp trong thơ
(Kim Chỉ- NHLD)

Cho nên ai muốn đến với nhà thơ Lãng Du không cần phải đeo nhẫn kim cương và mặc lụa hồng vải trắng, đôi khi chỉ cần một chiếc áo bà ba rất đơn giản và đeo nhẫn cỏ cũng đã trở thành thật đẹp trong thơ anh!
Lệ Thu bằng một giọng ngâm nhẹ nhàng, truyền cảm đưa chúng ta trở về những vùng trời kỷ niệm của thuở học trò trong bài thơ “Thuở Vỡ Lòng Yêu”. Khi anh trở về ngôi trường cũ vào một buổi chiều vàng, hàng phượng hồng cũng đã theo em đi vào dĩ vãng, chỉ còn lũ ve sầu cất lên những giọng buồn khi bước chân anh trở lại:

Khi anh về chiều vàng trên phố nhỏ,
Hàng phượng hồng rực-rỡ đã theo em.
Trường khóa cổng nhưng tình không bỡ-ngỡ,
Ngõ ve sầu như động bước chân quen.
(Thuở Vỡ Lòng Yêu- NHLD)

Rồi thi nhân bỗng nhớ lại cái thuở dại khờ xa xưa ấy, cái thuở mà một bài thơ tình làm mãi suốt đêm vẫn không xong:

Bài thơ tình lần đầu nghe vụng-dại
Đêm hạ dài sao mãi vẫn chưa xong.
(Thuở Vỡ Lòng Yêu- NHLD)

Những kỷ niệm ray rứt của ngày xưa, cái “Thuở Vỡ Lòng Yêu” đó bỗng trở về trong tâm tưởng của tác giả thật đẹp và cũng thật dễ thương. Cái Thuở Vỡ Lòng Yêu đó có lẽ cũng thoáng qua đi như tình yêu vu vơ của ngày mới lớn, bây giờ nhung nhớ cũng đã tàn phai nên tôi đã không tìm thấy “sợi nhớ sợi thương” hay là những vấn vương, nuối tiếc trong bài thơ này, nó chỉ thoáng bay đi nhẹ nhàng như những đám mây trong chiều vàng mà anh trở lại:

Em còn anh chờ đợi cuối sân trường.
Em là mưa cho đời không nắng hạn.
Ngón tay mềm, trang giấy bỗng thân thương.
(Thuở Vỡ Lòng Yêu- NHLD)

Những giòng thơ tình của anh được tiếp nối với những vần thơ trong bài “Áo Trăng”. bài thơ không nhẹ nhàng phảng phất như “Thuở Vỡ Lòng Yêu” ở trên mà là những  ray rứt, những “nỗi buồn tê dại” qua sự diễn ngâm của Sông Song:

Giọt mưa xuống như lời kinh tiễn-biệt.
Đôi chân điên chưa mỏi nỗi thương đời.
Một người khóc bên giòng sông nước siết.
Một người buồn tê-dại lúc ra khơi.
(Áo Trăng- NHLD)

Ôi, những câu thơ thật hay, đầy sức diễn cảm! Không biết em có còn nghe hối tiếc khi anh không hiểu được tình em?

Em hối-tiếc tình anh không thể hiểu?
Thơ trong trăng chữ nghĩa bỗng dư-thừa.

Để rồi cuối cùng trong một buổi chiều lưu lạc bên quán gió, chỉ còn những nỗi nhớ thương đau buốt khi đông tàn:

Chiều lưu-lạc  mơ-màng bên quán gió.
Nhớ thương ai đau buốt lúc đông tàn.
(Áo Trăng- NHLD)

Giọng ngâm Sông Song lại trầm xuống ru hồn ta vào “Giữa Cõi Đi Về” khi tác giả trãi nghiệm trong sự chơi vơi của “vòng quay đảo lộn”, chập chờn trong cái biên giới mơ hồ “giữa cõi đi về”, giữa cái sống và cái chết:

Trăng vẫn chiếu cuộc chơi từ cổ-độ,
Chợt vòng quay đảo lộn cả phương trời.
Nơi bãi vắng đóa hoa vừa nở rộ,
Thuyền ơi thuyền nước chẩy cứ trôi xuôi.
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Khi con người nhận ra cái chân lý của cuộc đời là vô thường, mọi sự đều trở thành hư vô, giữa sự sống và sự chết chỉ cách biệt trong nháy mắt thì “ở” hay “về” lối nào cũng đẹp cả:

Tới hay lui, lối đi nào cũng đẹp.
Ở hay về, đường vọng những lời chim.
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Khi mơ màng ở “giữa cõi đi về” thì anh bỗng nghe tiếng hát mơ hồ như lời ca đưa tiễn ta về chốn ít ai tìm, cái chốn không tên:

Có tiếng hát mơ hồ trên bến hẹn
Tiển chân nhau tới chốn ít ai tìm?
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Có phải đó là lúc anh trở lại giữa cõi đi về và tạ ơn, không phải tạ ơn Phật, không phải tạ ơn Chúa mà là tạ ơn chăn gối là những vật vô tri êm ái đã gần gũi và làm cho tấm thân anh êm ái những lúc đau:

Hỡi chăn gối đã đưa ta trở lại
Tạ ơn nhiều êm-ái lúc thân đau
Hỡi viên thuốc trên đầu môi tê dại
Dư vị này ta giữ đến mai sau
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Tôi muốn kết thúc bài viết về thơ của anh NHLD trong DVD Tiếng Gọi Phương Đông bằng một bài thơ nhẹ nhàng thanh thản “Trên Giòng Sông Trắng” do Ngô Đình Long diễn ngâm. Bài thơ mà tôi nghĩ không có gì lãng mạn, trữ tình hơn khi một lần nào đó trong đời anh đã đi lên tận đầu nguồn của sự im vắng, để tìm cho lòng mình một cõi yên bình, viết những vần thơ trên lá và thả trôi theo dòng nước:

Đã có lần nơi đầu nguồn im vắng
Anh làm thơ trên lá thả theo giòng
(Trên Giòng Sông Trắng- NHLD)

Ở tận đầu nguốn im vắng đó, thơ anh đã trinh khiết như những giọt sương, vì thơ đang ở chốn uyên nguyên chưa nhuốm những nét bụi trần ai:

Chim chóc hót những ngày như mở hội
Thơ chúng mình trinh khiết tựa sương trong…
(Trên Giòng Sông Trắng- NHLD)

Rồi sau cuộc chiến, người lính ấy trở về, lên tận đầu nguồn thanh vắng ấy,  không còn làm thơ nữa mà chỉ lấy lá để thả đời trôi. Nắng vẫn vàng, dòng sông vẫn trắng, nhưng không còn ai là người để vớt hồn anh nữa:

Sau cuộc chiến tìm về nguồn thanh vắng
Thơ không làm, lấy lá thả đời trôi
Nơi cuối giòng vẫn nắng vàng sông trắng
Không còn người âu-yêm vớt hồn tôi
(Trên Giòng Sông Trắng- NHLD)

Lời thơ thật đẹp, thật nhẹ nhàng, ý thơ thanh thoát, chỉ nghe phảng phất một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng, không bi lụy. Có lẽ bây giờ trong con người ấy, trong người lính ấy hay trong nhà thơ NHLD ấy, đã tìm được cho mình một cõi vắng thanh thản và bình yên trong tâm hồn và trong cuộc đời…Những bài thơ buồn của một quá khứ nặng nề đã được anh thả trôi ra biển cả trong một buổi sáng mùa Xuân…

Lê Công Dzũng


















Saturday, July 1, 2017

DESCENDING THE MOUNTAIN


Biển vắng Kỳ Co - Nhơn Lý. Photo: BXK

DESCENDING THE MOUNTAIN

1.
Descending the mountain, the earthly world is dreamy yet real.
The noises and dust in this human realm
The money is still the flowing; blood of life
Who is still lost in the cycle of prosperity and poverty?
Ah, I am wandering...

2.
I see an eighty-year-old mother selling lottery tickets
And young girls still walk their corners
The rich get richer on the suffering of the poor
And young children throughout the cold night still strolling --
Sell different kinds of things to make ends meet.

3.
I see a hardworking dad still dragging the fish net
The overfishing phenomenon had shallow the fishermen tears
I see the herds of cattle, like its government officials, still plowing hard
While  young boys and girls appear lost on their farms

4.
I see the male adults becoming emotionless
'Let's bottom up' - keep drinking while others  plead  "buy for me"
"Go away!" sounds so harsh and hopeless for a society
The echoes of a dream resounding horror!

5.
I see the female adults experiencing joy by dancing and singing
And their addictions to social media like ‘Facebook’ are like wild storms
Their materialistic life who keep buying their cosmetics when they still have so much.
No wonder their country is changing and dying in vain.


6.
I see the pollutions of the land, water, and air
Yet people are still indifferent and careless,
I see the present world facing injustice and suffering,
While the government policies are torn, corrupted, and outdated.

7.
Oh, how much I remember the old fairy moon
My hands are small to cover all sorrows
Nor big enough to hold those bloody and sweaty
The bitterness is like the fate of this country.

8.
Oh, how much I remember; fond memories of my late mother
'My children just keep your mind clear and do the best that you can'
Suddenly I recognized that this silvery hair is just not enough

For the life of an immigrant, refugee, or exiled.

Please read the Vietnamese version here. Hãy đọc tiếng Việt ở đây. 

Friday, June 30, 2017

THE LAND OF SPIRIT ROCK MEDITATION CENTER


THE LAND OF SPIRIT ROCK MEDITATION CENTER
We invite you all from all walks of life
To our land of mindfulness, “This is my land, this is your land.”
Namaste. “I bow to the Buddha's nature within you.”
To sit with us.
Let's begin with an act of kindness.
The act of non-harm, take what is being offered,
integrity, communication and purification.
Please come, just sit
Please let me know your struggle, worries, loneliness, disappointment, suffering, despair...
Mine is no less.
Please share with me your joy, loving-kindness, aspiration, inspiration, appreciation, gratitude, excitement...
Mine is no more.
Just sit still, pay attention, and breathe.
Meanwhile the turkeys, the deers, the bobcats still roam this land.
Meanwhile the lizards still sunbathe.
Meanwhile the insects still call their desire.
Meanwhile the birds still sing.
Meanwhile the quails protect their young.
Meanwhile the yogis are practicing and non-practicing.
And the fog still comes and goes,
As does the sun and its moon.
Let's breathe and cultivate
Mindfulness, Gratitude,
Compassion (Karuna), Loving-Kindness (Metta), Sympathetic Joy (Mudita) and Equanimity (Upekkha).



Sunday, June 25, 2017

Thiền Tập Với Trẻ Em - Nguyên Giác

Học hạnh lắng nghe trong vòng tròn - Photo: SJUSD.

Thiền Tập Với Trẻ Em
Nguyên Giác

Nhiều người đã nhìn về thiền tập như là những gì rất gian nan, rất khó cho người trong đời thường. Thực tế, đúng là sẽ rất khó khăn, nếu chúng ta thử ngồi yên trong nửa giờ -- chỉ nói  ngồi yên thôi, chưa cần nói tới việc liên tục giữ được tâm tỉnh thức an tịnh (như pháp chỉ) hay liên tục giữ được tâm tỉnh thức quán sát (như pháp niệm thân, thọ, tâm, pháp).  
Bước đầu tất nhiên là gian nan. Nhất là khi học Thiền Tông theo truyền thống, dù là để nhập lý trước, hay nhập hạnh trước. Đường đi nào cũng đầy vách núi gian nan. Người thành niên còn thấy khó, huống gì là với trẻ em.
Thí dụ, khi học tới một bài thơ thường được dẫn của Bàng Uẩn Cư sĩ:
.
Đản tự vô tâm ư vạn vật
Hà phương vạn vật thường vi nhiễu
Thiết ngưu bất phạ sư tử hống
Cáp tự mộc nhân kiến hoa điểu
Mộc nhân bổn thể tự vô tình
Hoa điểu phùng nhân diệc bất kinh
Tâm cảnh như như kỳ cá thị
Hà lự bồ đề đạo bất thành.

Có thể dịch là:
Chỉ tự lòng mình không khởi tâm gì với vạn pháp
Thì nào có ngại vạn pháp quấy nhiễu mình
[Giữ tâm lặng lẽ như] trâu sắt nào có sợ gì sư tử rống
[Chỉ như] người gỗ nhìn thấy chim và hoa
Bản thể người gỗ vốn không khởi tình [ưa hay ghét gì]
Chim và hoa kia có gặp người cũng chẳng kinh động
Nhìn tâm và cảnh như như chỉ là như thế đó
Thì lo gì đạo Bồ đề chẳng thành.
Tâm cảnh như như? Có vẻ như Thiền Tông khó vô cùng tận. Nhưng khi đối chiếu với Tạng Pali, sẽ thấy đúng y hệt lời Đức Phật dạy về pháp như thị cho ngài Bahiya:
“Bahiya, hãy tu như thế này: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe…”  
Và đó cũng là bài thơ của ngài Bàng Uẩn, rằng hãy để các pháp hiện ra như thị, hiện ra như thế, gọi là [đản tự] vô tâm cũng được, hay vô niệm cũng được – nhưng hễ níu vào ngôn ngữ khái niệm thì không còn là cái trước mắt, cái bên tai…

..o..

Tới đây, câu hỏi là: Làm sao dạy cho trẻ em cách giữ tâm an bình và tỉnh thức với tất cả những gì hiển lộ trong và ngoài chúng ta? Vẫn có nhiều cách. Các nhà giáo quốc tế đã nhìn thấy lợi ích của thiền tập, và đang tìm những cách đơn giản để dạy trẻ em biết giữ tâm tỉnh thức.
Rất nhiều khái niệm trừu tượng về thiền tập – thí dụ, “bây giờ và ở đây” là hai khái niệm về thời gian và không gian. Trái với khái niệm trừu tượng sẽ là cảnh cụ thể, như hình ảnh và âm thanh. Cái bàn, cái ghế trước mắt, hay tiếng xe hơi chạy... là những gì chúng ta có thể chỉ ra cho các em thấy, nghe. Nhưng nói về khái niệm trừu tượng trong tâm, hẳn là các em từ lớp ba hay lớp bốn trở lên mới có thể hình dung, và cũng chỉ là mường tượng, vì phải chỉ vào kim đồng hồ, hay vị trí đang ngồi, đang đứng – nghĩa là, tạm giải thích.
Khó là, làm sao cho các em bậc tiểu học có thể ngồi lặng lẽ trong vài phút và cảm nhận được hạnh phúc, cảm thọ an lạc ngay trong các khoảnh khắc đó. Không thể nào bảo rằng các em nên tập thiền hôm nay để nhiều năm sau sẽ gặt hái thành quả, vì các em không mấy khi kiên nhẫn quá vài phút đồng hồ. Bởi vậy, thiền tập với trẻ em là những gì phải cực kỳ đơn giản, và phải thấy an vui gần như tức khắc.
Như ở Úc châu, thông tấn ABC Radio Canberra hôm 25/5/2017 có bản tin tựa đề “Mindfulness and movement program teaching students to relax and focus” (Chương trình tỉnh thức và vận động dạy học trò thư giãn và chú ý).
Trường tiểu học này có tên Gold Creek Primary School, ở phía bắc thành phố Canberra. Hơn 700 học sinh trong 25 lớp học tại trường này đang thử nghiệm một chương trình tập thiền tỉnh thúc trong lớp mỗi tuần.
Hai học trò lớp 6 tên là Uzair Iqbal và Jessica Harmer  nói với đài ABC rằng thiền tập giúp các em chú tâm hơn.
Uzair nói: “Tập xong, ai cũng dịu dàng và bình lặng, chúng em thấy thư giãn, và có ít tiếng ồn hơn và ít có chuyện gián đoạn trong lớp hơn. Em nghĩ là nếu em sắp vào kỳ thi và em tập kỹ thuật tỉnh thức trước khi thi, em sẽ thấy có một tâm sáng tỏ hơn để không phải lo âu nhiều quá và rồi vào kỳ thi. Tuyệt vời khi biết một cách để thư giãn trong khi bận rộn.”
Lớp thiền tỉnh thức hàng tuần này kéo dài 20 phút, dạy thở và cách chú tâm vào các cử động dịu dàng.
Đó là chuyện bên Úc châu. Hay ở Hoa Kỳ. Bản tin trên đài truyền hình WIVB kể rằng trường West Hertel Academy tại thị trấn North Buffalo ở tiểu bang New York có một phòng thiền tập, với một nhà giáo giữ chức vụ tư vấn thiền tập (meditation consultant) để hướng dẫn các em pháp Thiền tỉnh thức. Vị tư vấn đó làm việc ba ngày một tuần cho trường. Trường này có các lớp PK-8, tức là từ lớp tiền-mẫu-giáo tới lớp 8.
Bản tin AP ngày 20/5/2017 cũng kể về chương trình dạy Thiền tỉnh thức cho học trò tiểu học ở thành phố Dillon, tiểu bang Colorado. Đó là trường Summit Cove Elementary.
Bản tin kể về cách cô giáo Jen Leslie hướng dẫn 21 em trong lớp tập thiền. Cô nói: “Các em hãy chú tâm vào hơi thở, hơi vào và hơi ra nơi mũi. Nếu muốn, có thể nhắm mắt. Ghi nhận lồng ngực phồng lên và xẹp xuống với từng hơi thở vào và ra.”
Chương trình Thiền tỉnh thức nơi đây dạy các em từ lớp tiền-mẫu-giáo (pre-kindergarten) cho hết lớp 5.

..o..

Sau đây, chúng ta sẽ liệt kê một số phương pháp dạy Thiền tỉnh thức theo cách đơn giản, thích nghi cho trẻ em, dựa vào các hướng dẫn đang dạy ở Hoa Kỳ và Úc châu.
Tập lắng nghe. Cô giáo yêu cầu các em trong lớp ngồi thẳng lưng, hai bàn chân áp sát mặt đất, hai tay đặt trên bàn, nhắm mắt, và lắng nghe tiếng khánh (hay tiếng chuông) do cô giáo gõ một tiếng -- hãy nghe từ khởi đầu âm thanh vang lên, tới khi âm thanh này im bặt. Nếu dùng loại singing bowl của Nhật Bản, âm thanh có thể ngân dài tới 1 phút đồng hồ. Cô dặn, khi em nào nghe dứt tiếng chuông, nhớ đưa hai tay lên cao, đưa từ từ, đưa thật chậm, và khi tay cao tột cùng sẽ đưa tay từ từ hạ xuống, cũng giữ tâm vào cử động của hai cánh tay. Như thế, là xong 2 phút thiền tập.
Tập thở với thú cưng bằng nhựa hay bằng vải. Yêu cầu các em nằm dài xuống, lưng áp sát đất, để một con thú vải (thí dụ, chó, mèo, khủng long, sư tử… hay búp bê may bằng vải, hay bằng nhựa) đặt trên bụng. Không cần dạy đếm hơi thở, vì các em còn nhỏ có thể sẽ đếm nhầm, hoặc chưa học đếm. Dạy các em rằng hãy quan sát bằng cảm giác nơi ngực và bằng mắt nhìn lim dim: khi hít hơi thở vào nhẹ nhàng, chú ý thấy con thú vải trên người nâng lên theo lồng ngực của em; khi thở hơi ra nhẹ nhàng, chú ý thấy con thú vải hạ xuống theo lồng ngực. Cô giáo có thể cho tập như thế vài phút.
Tập niệm thân. Cho các em ngồi, thẳng lưng, thở dịu dàng vài hơi, rồi yêu cầu các em nhận biết từng cử chỉ và từng cảm giác: hãy xoa dịu dàng hai lòng bàn tay vào nhau, cho ấm hai lòng bàn  tay một chút, rồi yều cầu các em dịu dàng áp sát hai lòng bàn tay vào mặt bàn, cảm nhận hơi nóng trong lòng bàn tay giảm đi trong khi cảm nhận hơi mát từ mặt bàn. Sau đó, yêu cầu các em co các ngón tay vào lòng bàn tay, tạo ra cảm giác căng ở các bàn tay, và từ từ duỗi các ngón tay ra, cảm nhận từng cảm giác nơi các ngón tay, bàn tay… Thời lượng có thể chỉ 1 hay 2 phút.
Tập nghe nhịp tim. Yêu cầu các em tập thể dục 1 phút, hoặc nhảy xổm hoặc chạy một chỗ, rồi yêu cầu ngồi xuống, nhắm mắt lại, cảm nhận nhịp tim đập, hoặc cảm nhận mạch máu đập ở các nơi trong thân.
Tập niệm thân trước khi ngủ. Buổi trưa, khi các em ngủ trưa, nằm duỗi toàn thân, yêu cầu các em chú tâm vào cảm  thọ từ dưới bàn chân (có thể tự nhúc nhích ngón chân để dễ nhận ra cảm giác), rồi từ từ chú tâm lên đầu gối, lên mông, tới lưng đang áp sát sàn gạch bông, tới cổ (có thể cử động cổ nhẹ nhàng để dễ nhận ra), tới mắt, đỉnh đầu… rồi hư giãn toàn thân, giữ cảm thọ toàn thân…
Tập đi thiền hành. Nếu đi trong phòng, nên chân trần, yêu cầu các em cảm nhận bàn chân từng bước nhấc lên và đặt xuống, chạm vào mặt gạch bông và cảm nhận mát lạnh nơi lòng bàn chân. Nếu đi bộ ngoài vườn, cần mang giày hay dép, yêu cầu các em lắng nghe bất kỳ tiếng nào chung quanh, như tiếng xe, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy róc rách, vân vân.
Tập tỉnh thức khi ăn. Khi tập, tránh ăn các quả có hột, như cam hay quýt vì có thể sơ ý làm hột cam, hột quýt rơi vào cổ. Tránh ăn quá cay, quá ngọt, hay quá mặn, vì sẽ tán tâm. Nên lấy một mẩu bánh mì, yêu cầu các em từ từ xé nhỏ bánh mì, rồi đưa một mẩu bánh vào, nhai thật chậm, thật kỹ, cảm nhận vị ngọt trong bánh…
Tỉnh thức ngửi. Để giữa bàn một bánh làm bằng táo, quế, dâu, chuối... mới nấu chín. Yêu cầu các em ngồi quanh bàn, nhắm mắt, thở dịu dàng, ngửi dịu dàng 1 hay 2 phút, rồi nói xem có thấy mùi trái cây gì không nơi bánh mới nấu. Không nên nói rằng có em nào kém nơi đây, vì tất cả cùng đáng khen, vì trẻ em ngồi thiền lặng lẽ trước bánh đều là tuyệt vời.
Tỉnh thức rửa tay. Trước khi ăn, yêu cầu các em rửa tay, chú ý cảm nhận nước chảy trên hai bàn tay, hơi lạnh, hơi mát, lau tay...
Tỉnh thức với hơi thở. Bất kỳ đi đứng nằm ngồi, yêu cầu các em nên thở dịu dàng, thở lặng lẽ, lắng nghe hơi thở, cảm nhận hơi thở lan toàn thân….
Đó là một số cách đơn giản dạy Thiền tỉnh thức cho trẻ em, dựa vào các phương pháp tại một số trường tại Hoa Kỳ và Úc châu. Quý thầy cô có thể sẽ thấy nhiều cách đơn giản tương tự. Chỉ vài phút tập tỉnh thức trong các việc nhỏ đời thường, sau này sẽ trở thành những hành trang Phật giáo cực kỳ quý giá cho các em vào đối mặt cuộc đời.