Tuesday, March 19, 2019

Nhà thơ Phật tử W. S. Merwin (1927-2019)



Nhà thơ Phật tử W. S. Merwin (1927-2019)
Nguyên Giác 

Nhà thơ W. S. Merwin vừa từ trần trong một giấc ngủ hôm 15/3/2019. Trong gần nửa thế kỷ, ông cũng nổi tiếng là một Phật tử, thực tập theo Thiền Tông Nhật Bản. Cuộc đời ông là một điển hình của giới trí thức Hoa Kỳ thập niên 1960-1970s, nhiều người nghiêng về Phật giáo khi nhìn thấy xã hội Hoa Kỳ tranh cãi về Chiến Tranh Việt Nam và khắp thế giới chiến tranh như dường bất tận.
Nhà phê bình thi ca Reginald Shepherd viết trên Poetry Foundation về các thi phẩm  thời kỳ đầu của Merwin, được viết trong thời Chiến Tranh Việt Nam: “Đó là những bài thơ không được viết cho một nghị trình [chính trị], nhưng đã thiết lập ra một nghị trình. Trân trọng giữ gìn và tái sáng tạo thế giới trong những chữ từ ái. Merwin luôn luôn quan tâm với quan hệ giữa đạo đức và mỹ học, cân nhắc cả hai phía đồng đều nhau. Thơ của ông là một đáp trả đối với một thế giới đã tan rã, không phải như những vùng địa lý nhưng là như các sự kiện thẩm mỹ.”
W. S. Merwin sinh ngày 30/9/1927, từ trần ngày 15/3/2019, đã viết khong hơn năm mươi sách về thơ và văn xuôi, cũng như nhiều dịch phẩm. Khi mới 5 tuổi, ông đã bắt đầu viết các lời ca trong nhà thờ cho thân phụ, một mục sư Tin Lành Presbyterian.
Trong phong trào phản chiến 1960s, thơ của Merwin viết như chuyện kể gián tiếp, không dấu ngắt câu, mang nhiều hình ảnh đau đớn, thường ẩn dụ phức tạp.
Như trong bài thơ “The Asians Dying” (Những người Châu Á Đang Chết) dài 4 đoạn, nơi đây chúng ta trích dịch hai đoạn giữa:

Mưa rơi vào những con mắt mở lớn của những người chết
Một lần nữa một lần nữa với âm thanh vô nghĩa
Khi mặt trăng tới chúng là những sắc màu của mọi thứ

  
Những đêm biến mất đi như các vết bầm nhưng không có gì được chữa lành
Những người chết biến đi như các vết bầm
Máu hòa vào đất ruộng đã nhiễm độc
Vẽ lên đường chân trời
Còn lại
Phía trên những mùa màng đá tảng
Chúng là những cái chuông giấy
Âm vang gọi tới bên kia sự sống   


Trong các thập niên 1980s và 1990s, thơ của ông mang đậm màu sắc Phật giáo và gần thiên nhiên. Năm 1976, ông dọn tới Hawaii để học Thiền với Robert Aitken Roshi. Cư trú ở một miền xa thành thị trên đảo Maui, tiểu bang Hawaii, ông viết nhiều về việc hồi phục rừng.
Merwin được nhiều giải thưởng văn học, hai lần được giải Pulitzer về thơ trong năm 1971 2009; được giải thi phẩm National Book Award for Poetry năm 2005, và nhiều giải thơ khác. Đặc biệt, năm 2010, Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ phong ông là Thi Hào Hoa Kỳ thứ 17 (the 17th United States Poet Laureate) một cương vị chính thức của chính phủ liên bang trong nỗ lực gây ý thức người dân về thơ, đọc thơ và sáng tác thơ.
Phim tài liệu Even Though the Whole World Is Burning (Mặc Dù Cả Thế Giới Đang Bốc Cháy) lưu hành năm 2014 chọn ông là chủ đề chính.
Merwin cũng xuất hiện trong phim tài liệu The Buddha (Đức Phật) của PBS, lưu hành năm 2010. Phim này dài gần 3 giờ đồng hồ, đang phổ biến ở YouTube.
Thơ mang tính Phật giáo của ông thường có chủ đề vô thường và thiên nhiên.
Như trong bài thơAnniversary on the Island (Chu niên trên đảo) ông trở thành người quan sát những hình ảnh trên đảo Maui, trích:
ngày lại ngày chúng tôi tỉnh thức với đảo
ánh sáng mọc lên xuyên qua nhưng giọt nước trên lá
và chúng tôi nhớ như những con chim nơi chúng tôi ở
đêm lại đêm chúng tôi chạm hải đảo đen tối
mà một lần chúng tôi từng ra đi để tới


Trong bài viết “The Garden & The Sword” (Ngôi Vườn & Thanh Kiếm), phóng viên Joel Whitney ghi lại trên tạp chí Tricycle, số mùa đông 2010, cuộc nói chuyện với nhà thơ W. S. Merwin.
Ông kể rằng Thiền sư Nhật Bản thế kỷ 13 và là một nhà thơ, tên là Muso Soseki, với nhiều bài ông đã dịch sang tiếng Anh, luôn luôn gợi cảm hứng cho ông. Merwin cũng kể rằng cảm xúc trong lần đầu tiên đọc Diamond Sutra (Kinh Kim Cương) đã lay động ông mạnh mẽ.
Merwin kể về người cha mục sư, kỷ niệm đi nhà thờ, học lớp giáo lý Ki tô những ngày Chủ nhật, lắng nghe ngôn ngữ những bài thánh ca.
Merwin kể duyên khởi dịch về Muso Soseki là sau khi tới Hawaii, dịch chung với một người Nhật tên là Soiku Shigematsu, ông quen qua Robert Aitken, vì Merwin không biết tiếng Nhật.  Muso là một Thiền sư dị thường, là bậc thầy môn Kiếm đạo, huấn luyện một người nổi tiếng là đệ nhất kiếm thủ ở Nhật thời đó.
Tuyển tập thơ của Muso bản tiếng Anh được Merwin đặt nhan đề là “Sun at Midnight” (Mặt Trời Lúc Nửa Đêm)
Chỗ này cũng cần ghi chú, bởi vì trong tiểu sử chính thức trên Wikipedia của Thiền sư Muso Soseki  (1275-1351) chỉ nói rằng ông nổi tiếng là nhà thơ, nhà thư pháp, người thiết kế vườn, và là người dạy Thiền Lâm Tế (Rinzai) – từng có hơn mười ngàn Thiền sinh theo học. Soseki được Hoàng  Đế Go-Daigo phong làm Quốc sư, danh hiệu Musō Kokushi. Có thể chuyện thầy dạy môn Kiếm đạo  cho đệ nhất kiếm thủ là do đời sau ghi lại, như là ngoại sử?
Bên cạnh tác phẩm của Muso Soseki, nhà thơ Merwin ưa thích đặc biệt Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên); Merwin từng viết Lời Giới Thiệu cho một tuyển tập bản Anh dịch các bài thơ của Dogen.
Ông cũng nói rằng yếu tố thần bí huyền học lôi cuốn ông, vì bản thân ông không tự gọi mình là Ky tô hữu và không còn dính gì với Đạo Ky tô, nhưng ông đã từng ưa thích các nhà huyền bí, như Eckhardt, Plotinus Spinoza, mà ông nói, “những tác giả này vẫn còn cực kỳ quan trọng đối với tôi.”
Nhưng trong lứa tuổi ba mươi, ông sửng sờ khi đọc tới Kinh Kim Cương.
Merwin nói với phóng viên Whitney:
Có cái gì đó vượt xa tất cả đó, nằm dưới tất cả đó, đều cùng chia sẻ, rằng tất cả đều tới từ đó. Tất cả là nhánh cành, mọc từ một rể đơn độc. Và đó là cái người ta phải chú ý tới. Và dĩ nhiên, những chữ thực sự trong Kinh Kim Cương nắm lấy tôi là, khi Như Lai nói, “Bồ Đề, Như Lai có pháp nào để dạy không?” Và Bồ Đề nói, “Bạch Thế Tôn, không. Như Lai không có pháp nào để dạy.” Đọc tới chỗ đó, tôi thấy hơi lạnh chạy dọc xương sống. Và Như Lai nói, “Bởi vì không có pháp nào để dạy, đó mới là pháp dạy.” Tôi đã nghĩ đúng như thế đó, bạn biết đấy...” (1)
Nơi này cần phải ghi chú, trong bài nêu trên, ghi tên vị đương cơ trong Kinh Kim Cương là “Bodhi” (Bồ Đề) – nhưng đúng ra, các bản dịch kinh này đều ghi là ngài “Subhuti” (Tu Bồ Đề).
Để kết bài này, nơi đây xin dịch bài thơ ngắn, nhan đề “Do Not Die” (Đừng Chết) của W.S. Merwin. Bài thơ có ngôn phong thần bí, hình như (dịch giả xin phép suy đoán) là có tư tưởng “tương tức” (interbeing) thường được Thầy Nhất Hạnh nói tới. Nghĩa là, “anh là tôi, và tôi là anh” và như thế, không có gì thực sự sinh và thực sự chết. 
Bài thơ “Do Not Die” rất ngắn, dịch như sau:
Trong mỗi thế giới họ có thể đẩy chúng ta
ra xa nhau hơn
Đừng chết
trong khi thế giới này hình thành tôi có thể
sống mãi mãi.

Rất mực trân trọng, xin gửi lời từ biệt nhà thơ Thiền sư W. S. Merwin.

GHI CHÚ:
(1)   The Garden & The Sword: “Tathagata [the Buddha] says, “Bodhi, does the Tathagata have a teaching to teach?” And Bodhi says, “No, Lord, Tathagata has no teaching to teach.” At that point I got chills right down my spine. https://tricycle.org/magazine/garden-sword/  


Tuesday, March 12, 2019

Walking along the Seine River - Dạo Bước Sông Seine

Paris - Photo: Internet

Dạo Bước Sông Seine


Đến nơi này, tìm chút bình an
Ôi tráng lệ, theo thời gian phai dấu
Sự ồn ào lên ngôi
nghĩa trang của những người đang sống.

Chết rồi, sống lại, tàn lụi những giấc mơ
già trẻ, trai gái, điền chủ--nô lệ, Đông Tây
từ rừng sâu đến biển cả.


Tôi không muốn gặp lại
những người chết như đã sống
hay những người sống đang chết


Hãy cho để cho tôi nhắm mắt
dù chỉ một lát, một khoảnh khắc
giọt nước mắt của tôi hay giọt nước mắt của dân tộc


Nơi này, quá khứ buồn thêm.
Dế mèn ngủ vùi hay giấc mơ của đất
tráng lệ dấu thời gian.



Walking along the Seine River

At this place, perhaps finding some peace
Oh, this historic place, like its magnificence, is fading over time
The noise and mass tourism ascending the throne
The cemetery of the living deaths

All the rising and falling:
The dead, resurrected, withered most dreams
young-old, boy-girl, landlord-slave, east-west
from the deep forest to the sea.

I don't want to see this again
the dead as if still walking alive
or the ones who live and are walking dead

Let me just close my eyes
just for a moment, a brief moment
My tears or the tears of the nation

This place, its past is so sad.
The cricket sleeps deeply or dreams of its land
Magnificence is fading.

Phe Bach

Friday, March 8, 2019

Viên Linh – Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ

Viên Linh – Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ

VANTUYEN_1Tuệ Sỹ Văn Tuyển 1: Tư Tưởng Phật Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
IMG_3346Đã từ lâu và vài ba lần mỗi khi nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, lúc phân chia các thời kỳ, niên biểu 1963 và những năm tiếp theo cho thấy sự chuyển hướng ngoạn mục cho tinh thần và sự sáng tạo bật lên lan tràn cho ít ra là một thế hệ thanh niên mà sự vận động của thời thế đã mang lại. Không có cuộc thay đổi quyền lực quyết liệt năm 1963 – ở đây tránh dùng chữ cách mạng – có thể dùng chữ đảo chánh – sẽ không có sự ngoạn mục vừa nói. Tinh thần Đông phương, sự hòa hài của nhân quần, Thiền tính và thiên nhiên xanh mát một sớm một chiều đã từ các mái chùa lan tỏa vào tuổi trẻ thành phố, các phường khóm, những con đường quê, tiếng chuông thu không, lời kinh niệm Phật, và trở thành thơ, thành nhạc, thành văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam trong ít nhất là 10 năm sau đó [nó chỉ biến đổi năm 1973 với Hội Nghị Quốc Tế về ngưng bắn và vãn hồi hòa bình ở Paris, một vận động chính trị ở ngoài tầm tay của Sài Gòn]. Mười năm trước đó, với dấu mốc 1963, sách vở báo chí nay còn ghi lại cho đời sau: các trí thức thất thế dưới “chính quyền nhân vị” và dưới một bầu trời rợp ác điểu mây đen đã thấy lại Phương đông, dập dìu nơi mái trường Vạn Hạnh lại thấy thày xưa, vẻ cũ thân thuộc: những Nguyễn Đăng Thục, Thích Minh Châu, Thạch Trung Giả, Ngô Trọng Anh, Tam Ích một phía, phía khác những người trẻ tuổi tràn đầy sức sáng tạo trên tở tạp chí Tư Tưởng với các nhà xuất bản An Tiêm Lá Bối Ca Dao Hoàng Hạc và Ban Tu Thư Vạn Hạnh và cả trăm cả ngàn cuốn sách viết và dịch với Tuệ Sỹ, Phùng Khách Trí Hải, Phùng Thăng, Phạm Công Thiện, Chơn Pháp, Phước An, Lê Tôn Nghiêm, Chơn Hạnh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Trúc Thiên, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư,… Hôm nay mục Thời Sự Nhân Văn sẽ nói về một trong nhưng người trẻ nhất trong những danh tính vừa kể: nhà thơ Tuệ Sỹ.
Trong tổ chức của đại học Vạn Hạnh, Tuệ Sỹ là khoa trưởng Phật học. Ông nổi tiếng với sự thấu suốt “Triết Học Về Tánh Không,” được coi là học giả xuất sắc về Long Thọ. Lúc ấy ông mới hơn hai mươi tuổi. Vào đời ngày 15 tháng 2, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, tên khai sinh là Phạm Văn Thương, vào chùa tu năm 7 tuổi, tức “đồng nhi xuất gia.” Năm 21 tốt nghiệp cao đẳng Phật Học, năm 1965 học xong phân khoa Phật học đại học Vạn Hạnh, đến năm 1970 được hội đồng viện đặc cách phong giáo sư thực thụ. Năm 1972 chủ biên Tạp chí Tư Tưởng. Tác phẩm đầu tay là “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”, 1973. Ông đọc Tô Đông Pha từ nguyên tác chữ Hán. Ngoài sự uyên bác về Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa, ông còn là một học giả về văn chương cổ Trung Hoa. Năm 1984 bị cộng Sản Việt Nam bắt giam do sự tranh đấu không ngừng đòi tự do tôn giáo, và ngày 30 tháng 9, 1988 bị tòa án của họ ở thành phố HCM tuyên án tử hình cùng thượng tọa Trí Siêu. Do áp lực của quốc tế, nhiều năm sau họ đổi bản án thành chung thân, cuối cùng trước dư luận chống đối không bớt giảm, họ đã phải để ông tự do sớm hơn hạn định. Hòa thượng Tuệ Sỹ từng là đệ nhất phó viện trưởng Viện Hóa Đạo Kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước khi trở về chùa vùng Bảo Lộc. Cố Hòa Thượng Mãn Giác Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh từng nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước, Phật Giáo Việt Nam phải đợi tới 350 năm mới có một Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ.”
VANTUYEN_2Tuệ Sỹ Văn Tuyển 2: Tiểu Luận Triết Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
Trong mấy tháng gần đây một bộ sách 900 trang khổ lớn nhan đề là “Tuệ Sỹ Văn Tuyển” được Hương Tích xuất bản tại Hoa Kỳ. Trước khi đi vào Văn Tuyển này, về Tư Tưởng Phật học, tiểu luận triết học và về văn học, trước hết là những đề mục của cuốn I: Tư Tưởng Phật Học:
Tổng Thuyết Vũ Trụ Luận: Vũ trụ luận thần thoại, Vũ trụ luận cổ đại, Ý nghĩa thần thoại.
Dẫn vào Duy Thức học: Thức là gì? Tâm-ý-thức, Thức biến, Thành duy thức, Thành duy thức luận. Giá trị của Bồ tát hạnh. Thức ăn để tồn tại: đoàn thực hay đoạn thực, xúc thực, ý tư thực, thức thực.
Vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch kinh tạng Phạn ngữ và Hán ngữ. Lý luận phiên dịch, Cấu tạo từ. Bát quan trai giới, tu giới, ý nghĩa bát quan trai, ý nghĩa thọ giới, nội dung tám giới, tăng trưởng thiện căn. Du già bồ tát giới. Và lễ Tháng Bảy cho những oan hồn phiêu bạt.
Xin trích một đoạn dẫn giải và quan điểm của Tuệ Sỹ vế vấn đề đã tốn nhiều giấy mực, đó là “vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch.”
“Theo định nghĩa chung ngày nay, phiên dịch là sự chuyển dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Tất nhiên trong Hán văn hai từ ‘dịch’ trong đây cơ bản không đồng nghĩa. Chúng ta nói là chuyển dịch, vì quen với từ Anh ‘translation,’ mà gốc La-Tinh của nó, translatio là từ phát sinh từ phân từ thụ động quá khứ – translatus, của động từ transfere mà chúng ta tạm cho là tương đương với từ chuyển dịch. Nội hàm của từ ngữ như vậy cũng cho ta thấy rõ mục đích của công việc này và cách thức thực hiện. Về cơ bản, và có lẽ kể từ nguyên thủy, dịch là chuyển một vật từ ngôn ngữ này sang này sang ngôn ngữ khác để người nghe đồng nhất nội hàm của hai từ khác nhau. Như khi một Phạn tăng muốn chuyển từ ãmra-vana sang Hán, vì lúc bấy giờ đức Phật đang ở tại chỗ đó. Theo chứng kiến hiện trường, hay do mô tả chính xác, họ chuyển được từ vana sang từ viên là cái vườn, mặc dù nhiều khi họ phân vân giữa viên và lâm. Nhưng hiện trường không có vật gì đương với từ ãmra, và cũng không thể mô tả để người Hán hiểu, đành phải phiên âm là yêm-ma-la viên. Hoặc giả khi họ phiên dịch những điều Phật quy định về thức ăn cho tỳ kheo. Họ đưa ra từ khãdanĩya. Sự kiện được đề cập này có thể mô tả xác thực, mà cũng có thể chứng kiến hiện trường. Nhưng Hán văn không hề có từ tương đương, vì người Hán không bao giờ nghĩ đến thực phẩm theo cách đó. Vậy lại phải phiên âm khư-đà-ni, hay khư-xà-ni, hay tương tự, tất nhiên phát âm lơ lớ với nguyên ngữ.
VANTUYEN_3_FBTuệ Sỹ Văn Tuyển 3: Văn Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
Đó là trường hợp phiên chuyển những từ cụ thể, sờ nắm được, mà vẫn vấp phải những điều bất khả. Trường hợp liên hệ đến ý tưởng, sự việc tất phải khó hơn. Nhưng cũng có thể dễ hơn. Vì người ta nói vẽ quỷ dễ hơn vẽ người.” (Tuệ Sỹ, Tư Tưởng Phật Học, tr. 183-184.)
Cuốn thứ hai là tiểu luận triết học. Cuốn thứ 3 là văn học. Người sưu tập lại các bài viết này, anh Hạnh Viên mà tôi đã có gặp, đã trích dẫn một số thơ tuyển của sư phụ anh, rồi viết một “Hậu Từ” ý vị. Tôi sẽ làm như thế, cũng trích dẫn một vài đoạn thơ của người bạn tôi, trên nửa thế kỷ qua, rồi dùng hậu từ của anh để tạm kết luận bài đọc sách này.
Thiên Lý Độc Hành
1
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mẳt sao ngàn nửa khuya
2
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao.
3
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao.
4
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đã phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
Tuệ Sỹ
13226880_1162286673781475_5360730743411659643_nThầy Hạnh Viên (ảnh: Facebook Kelly Võ)

“Hậu từ của người sưu tuyển:

Chuỗi thơ khép lại tập sách, lại mở ra một phương trời cô tịch. Hình ảnh trong thơ đọng thành những vì sao xa lấp lánh trong đêm dài.
Tập 3 này đến tay độc giả đã góp thành bộ ba tập Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tạm chia theo ba chủ đề: Phật học, Triết học và Văn học, là bước đầu sưu tập những bài viết rải rác của tác giả còn lại sau quãng đường 50 năm xuôi ngược. Ba tập sách mỏng hẳn không thể tập thành đầy đủ các bài viết của tác giả trong gần nửa thế kỷ, với bao biến động của xã hội cũng như bản thân người viết không ngừng lưu chuyển; chúng tôi hy vọng trong tương lai, các bạn hữu có thể tình cờ tìm thấy, giúp chúng tôi sưu tập lại các bài viết mà vì nhiều hoàn cảnh đã thất lạc hay còn nằm đâu đó trong các ngăn tủ bị bỏ quên. Ở đây trong các tập sách này, chúng tôi chỉ đơn giản sưu tập và sắp xếp lại theo thời gian, còn lại tất cả đều được giữ nguyên, dù qua đó độc giả có thể thoáng thấy dấu vết ngang tàng sôi nổi của tuổi trẻ một thời xung thiên chí hay sự trầm mặc bao dung của tuổi già lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, hay chuẩn mực nghiêm trang nơi giảng đường Phật học. Những vết tích trong từng dấu chân như vậy vẫn miệt mài để lại bên đường.
Nhớ chuyện xưa. Khi còn trẻ, trong một lần chán chường thất vọng, tác giả đã liều bỏ chùa đi hoang. Buổi tối nằm trong phòng trọ một bến xe tỉnh lẻ để chờ chuyến xe sáng hôm sau, ông tình cờ nghe được mẩu chuyện của hai cô gái phòng bên cạnh:
– Cả ngày chưa có thằng khách nào, xui thiệt! Kiểu này chắc tối nay húp cháo.
Im lặng một lúc, có tiếng trả lời:
– Hay mày làm bộ qua gõ cửa phòng kế bên thử. Tao thấy hồi chiều có thằng cha mới tới. Mặt mày coi cũng ngon lắm.
– Tao thấy rồi, thầy chùa đó bà. Ai lại…
– Thầy chùa thì cũng là đàn ông chớ mậy…
Ông nằm im không dám cử động, vờ như đã ngủ để cô nàng kia đừng có bạo gan tìm đến.
Ấy là thời chiến tranh, thời buổi nhiễu nhương, những số phận không may phải ngụp lặn trong một thực tế trần trụi và một lý tưởng xa xôi, mơ hồ.
Gần nửa thế kỷ sau, thời bình, với tuổi 70 ông còn phải giả ngủ lần nữa, tuy trên một cung bậc khác…” (Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tr. 267-8).
Viên Linh