Friday, April 24, 2020

Ý NGHĨA VÀ CÁCH TỤNG NIỆM


Ý NGHĨA VÀ CÁCH TỤNG NIỆM

TỤNG là đọc tụng. NIỆM là suy nghĩ nhớ tưởng. TỤNG NIỆM là miệng đọc tụng tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhất[1], chú định vào lời Kinh tiếng Pháp.
Tụng niệm có nhiều ý nghĩa:
·      Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao. Tụng niệm lại là cách huân tập tâm thức rất tốt, rất dễ dàng.
·      Tụng niệm để ôn lại những lời Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hằng ngày và gieo giống Bồ Đề Giải Thoát vào tâm thức.
·      Tụng niệm để kiềm chế thân khẩu trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm, chính đáng, không cho nói năng, hành động, buông lung theo tập quán đê hèn tham dục.
·      Tụng niệm để cầu an, để ngăn lòng tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng lâu đời hầu tránh khỏi tai họa do tội lỗi nghiệp chướng gây nên.
·      Tụng niệm để cầu siêu, để chuyển tâm niệm của người khác, khiến họ xa lìa nghiệp nhân[2] xấu ác, rời khỏi cảnh giới tối tăm, siêu sinh về Lạc Quốc.
·      Tụng niệm để làm cho tiếng Pháp Âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người, cải tà quy chính.
·      Tụng niệm để kích thích, nhắc nhở mình và người trên đường làm lành, học đạo.
·      Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho chúng sanh thuận hòa vui vẻ.
·      Tụng niệm để tỏ lòng sám hối tội lỗi trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.
Vì ý nghĩa đó, người đã tin Phật nên phải phát tâm tụng niệm và tụng niệm đúng cách. Khi tụng niêm phải giữ gìn trang nghiêm, tránh mọi sự ồn ào phức tạp, tránh mọi điều làm kích động tâm ý đắm lợi mê danh, tham luyến trần tục. Chỉ tụng niệm trước bàn Tam Bảo, hoặc nơi thích hợp chính đáng, không tụng niệm trước chỗ thờ quỷ thần, cúng đồ mặn, đốt vàng mã theo tục lệ mê tín dị đoan, không thích hợp với Phật Pháp.

Trích từ Nghi Thức Tụng Niệm
Chứng minh: 
Hòa-thượng Thích TỊNH-KHIẾT
Hòa-thượng Thích GIÁC-NHIÊN
Hòa-thượng Thích KHÁNH-ANH
Hòa-thượng Thích THIỆN-HÒA


[1] Bản gốc: hợp nhứt
[2] Bản gốc: nghiệp nhơn

Nguyên Tuệ đánh máy lại

Tuesday, April 21, 2020

Vĩnh Hảo: Già Lam


Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam.
Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
Những năm trước 1975, Ôn Già Lam từng là Giám viện Phật học đường Báo Quốc, Huế, Giám viện Phật học viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang; Ôn còn là người sáng lập Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng. Sau năm 1975, Ôn Già Lam mở lớp đào tạo đặc biệt tại Tu viện Già Lam. Các vị giáo thọ trong suốt bốn năm (1980-1984) cho các khóa học tại Tu viện Già Lam, ngoài Ôn ra, gồm có chư vị được thỉnh giảng là HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Thiện Siêu; thường trực thì có HT. Thích Minh Châu, TT. Thích Minh Tuệ, TT. Thích Chơn Thiện, TT. Thích Tuệ Sỹ, TT. Thích Nguyên Giác, Gs. Nguyên Hồng, Gs. Lê Mạnh Thát, Gs. Tịnh Minh, v.v… Đối với giáo hội, Ôn Già Lam từng giữ chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp kiêm Tổng vụ Tài chánh. Sau đó, Ôn được thỉnh cử làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo khi HT. Thích Thiện Hoa viên tịch (1973), rồi Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống (1975). Tiểu sử với nhiều chức vụ quan trọng của Ôn Già Lam đã nhiều người viết; nhưng trong hoàn cảnh tế nhị mà Ôn là lãnh đạo then chốt của cả giáo hội cũ và giáo hội mới, những điều viết ra của phía này hay phía kia, đều chỉ nói được một phần nhỏ, không lột tả hết hành trạng và tâm nguyện cao vời của bậc long tượng hàng đầu này.
Vài nét đơn cử kể trên, có thể cô đọng cuộc đời Ôn Già Lam trong mấy chữ “hoằng pháp lợi sanh,” hoặc gọn hơn: “hoằng pháp.”
Nhiều thế hệ tăng sinh và phật-tử đã trực tiếp hoặc gián tiếp thọ ân của Ôn Già Lam qua hạnh nguyện hoằng pháp và giáo dục suốt đời của Ôn. Tôi là một trong số những vị ấy.
Tôi chỉ được tu học tại Già Lam một thời gian ngắn, từ tháng 10 năm 1980 đến cuối tháng 11 năm 1982. Gần một năm đầu, Ôn không biết tôi có tham dự lớp học nên cứ gọi tôi xuống sân lượm lá, quét sân hoặc phơi xác sương sáo (để nhà trù đun bếp trong thời buổi gạo củi khan hiếm). Đến khi biết tôi là tăng sinh chứ không phải chỉ là chú “điệu” của chùa, Ôn mới cho tôi được yên để học. Đó là kỷ niệm nhỏ mà bây giờ hồi tưởng, tôi lại có ước ao được Ôn gọi và sai bảo những chuyện lặt vặt như vậy; vì trong lúc đi lượm lá bên Ôn, tôi trực tiếp nghe được lời dặn dò, khuyên răn đối với việc tu học. Đậm nét hơn cả là cảm giác mình lúc nào cũng là đứa học trò nhỏ của Ôn (dù lúc ấy tôi đã trên hai mươi).
Một lần, tôi tiếp một nữ phật-tử, là giáo viên dạy kèm cho điệu Duy (cháu ruột gọi tôi bằng cậu, cũng tu học tại chùa Già Lam); tiếp đàng hoàng tại phòng khách, để nghe cô giáo trình bày về việc học của điệu Duy. Ôn đi ngang, thấy tôi tiếp nữ phật-tử, liền tằng hắng, rồi gọi tôi ra sân. Bỏ cô giáo lại phòng khách, tôi vội vàng đến bên Ôn, chắp tay chờ đợi dạy bảo. Ôn không nói gì, chỉ dùng gậy khẽ nhẹ trên cành cây cho các lá vàng rụng xuống, bảo tôi lượm. Tôi lom khom cúi lượm từng chiếc lá, khi ngước dậy thì thấy Ôn đã vào phòng khách, nói gì đó mà cô giáo lật đật đứng dậy, ra ngoài đạp xe đi mất. Sau đó, Ôn trở lại với tôi, nói với giọng vừa nghiêm khắc, vừa lân mẫn thương yêu: “Lo tu học đi! Có cái chi quan trọng mô mà nói!” Tôi chưa kịp thưa thốt gì thì Ôn tiếp: “Không có thời gian cho những chuyện tào lao như rứa mô!” Nỗi oan lúc đó trở nên bé nhỏ trước lời khuyên dạy chí tình nên tôi giữ im lặng, không biện minh giải thích.
Năm 1982, Ôn gọi riêng tôi lên thất, nói là đã gửi gắm gia đình một phật-tử thân tín lo cho tôi vượt biển. Tôi tỏ ý muốn ở lại thì Ôn gạt đi, nói rằng Ôn chỉ đưa vai ra gánh chịu một thời gian thôi, để hàng hậu bối chúng tôi kịp trang bị vốn liếng Phật học và tinh thần dấn thân dũng mãnh, bằng cách này hay cách khác, tiếp nối chung lo việc hoằng pháp trong tình huống mới của đất nước. Tuy cảm động, trong im lặng tỏ ý vâng mệnh Ôn, tôi đã rời Già Lam trước khi chuyến vượt biển ấy xảy ra. Từ đó, tôi không còn cơ hội thân cận, bái kiến Ôn nữa.
Ngày Ôn mất, tôi đang ẩn trong một căn chòi lá ở vùng kinh tế mới, không về Già Lam thọ tang. Có người trách móc tôi việc ấy. Tôi im lặng không giải thích. Chẳng qua, tôi đã phải ẩn lánh một tuần lễ trước khi Ôn viên tịch, và sự ẩn lánh này là vâng mệnh một vị hòa thượng đỡ đầu khác: Ôn Giác Minh[1]. Hai vị giáo thọ nòng cốt của lớp học Già Lam đã vào ngục thất. Ôn Giác Minh không muốn tôi về trong một đám tang mà tình hình rất căng thẳng, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Lý do chỉ vậy thôi. Từ chòi tranh kinh tế mới, tôi thắp hương vọng bái giác linh Ôn mà lệ tuôn tưởng chừng không dứt.
Vài tháng sau khi Ôn mất, có đạo hữu Quảng Nguyện, một đại thí chủ, tìm đến chùa ở kinh tế mới để ủng hộ tôi. Theo lời vị đạo hữu này, Ôn Già Lam có dặn dò nên hỗ trợ tôi làm phật-sự, hoằng pháp và cứu giúp đồng bào nghèo khó ở các vùng kinh tế mới. Ôn Giác Minh cũng khích lệ đạo hữu Quảng Nguyện ủng hộ tôi như thế. Nghe đạo hữu Quảng Nguyện kể lại, tôi không cầm được nước mắt. Từ khi tôi viện cớ bệnh hoạn, rời bỏ lớp học Già Lam, có lẽ Ôn cũng đã thăm hỏi và biết tôi đang làm gì trên các vùng kinh tế mới. Bao nhiêu công việc và trọng trách đè nặng trên vai, Ôn vẫn không quên chú điệu nhỏ năm nào.
Một năm sau ngày Ôn viên tịch, tôi cũng theo chân các vị giáo thọ của mình, vào tù.
Chuyện xưa kể lại, về cá nhân mình thì chẳng có gì đáng nói. Chỉ có ân đức và hạnh nguyện của Ôn mới là điều còn lưu lại mãi trong tâm tư để rồi tác động đến tất cả những gì có thể làm được khi bản thân không còn nơi chốn Già Lam (cả nghĩa đen là tu viện Quảng Hương Già Lam lẫn nghĩa bóng là làm tăng sĩ ở chùa).
Hai mươi năm sau ngày viên tịch của Ôn, một cuộc hội ngộ kỳ thú của các cựu tăng sinh Già Lam (khóa đào tạo đặc biệt: 1980-1984) đã diễn ra tại Tu viện Pháp Vương, California, Hoa Kỳ. Buổi họp mặt đầu tiên thật cảm động, vì suốt hai mươi năm trôi giạt khắp phương trời, những người đồng môn chưa hề có cuộc tương phùng nào đông đủ như thế. Từ đó, một tổ chức thân hữu ra đời, ban đầu lấy tên Trí Thủ Foundation, với ý nguyện thừa tiếp sứ mệnh hoằng pháp của Ôn Già Lam. Nhưng sau đó, vì đa số các thành viên đều đảm nhận trụ trì các tự viện, hành đạo ở nhiều tiểu bang và quốc gia khác nhau, không thể thường xuyên sinh hoạt chung trong một hội thiện được, đã đổi thành Hội Thân Hữu Già Lam (tức một association) cho nhẹ nhàng về pháp lý cũng như điều kiện sinh hoạt. Dù đổi thành một hội thân hữu, tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh theo bước chân của Ôn vẫn không thay đổi. Tâm nguyện ấy được ghi lại trên website Thân Hữu Già Lam như sau: “Già Lam là tịnh-địa nuôi dưỡng hạt giống của bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm là chất liệu để triển khai muôn ngàn con đường cứu độ. Già Lam cũng là địa danh của một tu viện khiêm nhường nhỏ bé, ẩn nơi cư dân mà trải nguyện lớn của kẻ xuất trần học đạo; xa nơi thị tứ để giữ gìn nền nếp thanh tịnh của chốn tùng lâm; đào tạo tăng-tài, vun cội từ bi, sóng trước sóng sau tiếp nối tổ-nghiệp trong đại thệ hoằng pháp lợi sinh.[2]
Hội Thân Hữu Già Lam cũng đã mở rộng cánh cửa, đón nhận nhiều cựu tăng sinh thuộc các trường lớp khác, trực tiếp hay gián tiếp thọ học với các vị giáo thọ từng giảng dạy tại Già Lam. “Nghĩ đến ân sâu giáo-dưỡng của Đức Phật và Thầy-Tổ bao đời, nếu không cùng nhau truyền thừa và bồi đắp, đạo vàng sẽ khó lưu truyền trong chốn nhiễu nhương. Lại nghĩ Pháp Phật nếu không thiện dụng thực hành và giảng dạy, sẽ không mở rộng được con đường của sứ-giả Như Lai. Vì vậy, khởi nguyên từ chân tình đạo bạn, cùng lớp cùng trường, cùng mái chùa và tu viện, cùng thọ pháp với những bậc ân sư đạo hạnh cao dày, cùng cầu học với những bậc thầy khả kính tài năng, những người học trò tăng-sĩ và cư sĩ khắp nơi, về ngồi bên nhau, chia xẻ nỗi nhọc trên đường hoằng pháp, trao đổi kinh nghiệm của việc hành đạo dấn thân.”
Tất cả những gì mà Hội Thân Hữu Già Lam ưu tư, thao thức, nói và hành động, đều bắt nguồn từ hạnh nguyện hoằng pháp của Thầy-Tổ, mà tiêu biểu là Ôn Già Lam.
Đáng tiếc là trong thời gian hai năm qua, một số người cố tình gán ghép, xuyên tạc việc làm của Hội Thân Hữu Già Lam, dấy lên cả một luồng sóng chụp mũ và ngộ nhận dành cho hội này cũng như tất cả những ai có liên hệ đến Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ảnh hưởng của luồng sóng này không biết to lớn thế nào, kéo dài bao lâu, nhưng cứ mỗi lần huynh đệ chúng tôi có dịp gặp gỡ hoặc hàn huyên qua điện thoại, ai cũng buồn cười cho miệng lưỡi thế gian, và không ai trong chúng tôi vì sự chụp mũ, vu khống ấy mà quay lưng với bản nguyện của mình.
Riêng cá nhân tôi, trước sau như một, mỗi khi nhắc đến chữ Già Lam là tức khắc nghĩ đến Ôn Già Lam, một vị bồ-tát hóa thân, đã trải cả cuộc đời của ngài cho sự nghiệp hoằng pháp, giáo dục, đào tạo tăng tài. Những gì Ôn đóng góp cho đạo, cho đời, chưa thấy những người chỉ trích, dè bĩu Ôn thực hiện được một phần nhỏ. Bản thân tôi cũng chưa làm được trò trống gì nên không dám tự hào khi được làm người học trò của Ôn hay được làm một thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam. Không tự hào, nhưng hân hạnh. Vâng, tôi rất hân hạnh là một thành phần của Tu viện Quảng Hương Già Lam nhỏ bé, chật hẹp; nhưng nơi đó, tất cả chúng tôi, tăng sĩ của nhiều thế hệ đi sau Ôn, luôn tâm niệm là phải suy nghĩ, nói năng và hành động như Chánh Pháp. Chúng tôi không dám nói là đã làm bao nhiêu điều lợi ích cho thế gian, nhưng có thể tự khẳng định, như một lần thầy Tuệ Sỹ đã nói, “Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi.”[3]
Trước mặt chúng tôi, con đường hoằng pháp vẫn là con đường vô tận, không phải chỉ thực hiện trong một đời kiếp. Nhiều chướng ngại, chông gai, thử thách hãy còn bao vây, cản lối. Nhưng như Ôn từng dạy, và hàng triệu người trong nửa thế kỷ qua đã từng tụng đọc: “Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ, con giốc lòng vì đạo hy sinh.”[4] Với đại nguyện như thế, Ôn Già Lam đã dạy chúng tôi phải cảm ơn những chông gai, chướng ngại trên đường hoằng pháp, vì đó chính là phần thưởng do những nghịch hạnh bồ-tát ban tặng. Chỉ ngần ấy thôi, cho thấy lúc nào Ôn Già Lam cũng ở bên chúng tôi, luôn nâng đỡ và dìu dắt mỗi khi chúng tôi nản lòng thối chí.
Nói cách khác, nhớ về Ôn là nhớ đến sứ mệnh hoằng pháp, cũng là nhớ về Già Lam.
Già Lam, bạn đã đến đó chưa? “Đến rồi về lại không gì lạ.”[5] Chỉ là tên gọi thân thuộc của một tu viện nhỏ, không phải là thắng cảnh gì đặc biệt, nhưng là biểu trưng một đời giáo dục hoằng pháp của vị cao tăng khả kính; cũng là ngôi già-lam của chính bạn, nếu bạn thực sự đặt chân trên một “tịnh địa nuôi dưỡng hạt giống của bồ-đề tâm.”
Từ bên này đại dương hướng về ngôi tu viện khiêm nhường năm xưa, thành kính đảnh lễ kim tháp Ôn, thành kính đảnh lễ đại chúng hiện tiền.
California ngày 17 tháng 01, năm 2009
Cựu tăng sinh Già Lam
Vĩnh Hảo (Tâm Quang)
 _____________________________________________________
[1] Hòa thượng Thích Đức Nhuận.
[2] Xem “Đường hướng sinh hoạt của Hội Thân Hữu Già Lam,” (nguồn: http://www.thanhuugialam.com/loivao.htm)
[3] Trích “Tâm Thư gửi Tăng sinh Huế,” http://www.lenduong.net/spip.php?article5641
[4] Bài sám “Quỳ Trước Điện” được đưa vào kinh nhật tụng, do HT. Thích Trí Thủ sáng tác. Bài bắt đầu với câu “Đệ tử hôm nay quỳ trước điện, chí tâm đảnh lễ đấng Từ tôn…” mà nhiều người thuộc lòng (xem Tâm Như – Trí Thủ Toàn Tập, mục Luận, phần Thơ và Câu đối – website http://www.phatviet.com )
[5] “Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự” (Tô Đông Pha)

Văn Học Phật Giáo, Con Đường Tri Thức Vượt Thoát

Văn Học Phật Giáo, Con Đường Tri Thức Vượt Thoát

Thích Nguyên Siêu

Nền văn học Phật giáo là phương tiện để con người lấy đó mà thâm nhập chủng tính Phật pháp rồi vượt thoát qua những gì bị trói buộc, giam hãm trong biển đời sinh tử trầm luân. Nền văn học Phật giáo đã giáo dục con người qua nhiều phạm trù trong đời sống, như nền văn học Thiền – dù yếu chỉ của Thiền bảo rằng: “Ngôn ngữ đạo đoạn. Tâm hành xứ diệt. Trực chỉ nhơn tâm. Kiến tánh thành Phật.” Con đường ngôn ngữ phải chấm dứt. Lằn vết của tâm đi được xóa bỏ. Chỉ thẳng vào lòng người. Thấy tánh mà thành Phật – là một nền văn học đồ sộ đã dẫn khởi con người thể nhập vào tự tánh giác ngộ của mình. Chư vị Thiền Sư đã sử dụng văn học Thiền như một công án để người tu Thiền gia tâm nghiên cứu mà đạt đạo.
I. Văn Học Thiền – Ðề Khởi Một Công Án
Hầu hết các Thiền Sư trao truyền tâm ấn hoặc thúc đẩy học trò của mình vào thế dồn nén tâm thức để bùng vỡ thế giới tâm linh đều sử dụng ngôn từ nghịch lý, hay hành động kỳ quái, nghịch thường. Nhờ ngôn ngữ nghịch thường, hành động nghịch thường mà người học trò hoát nhiên đạt ngộ. Như Thiền Sư Tử Dung dạy Tổ Liễu Quán bằng câu thoại đầu: “Vạn pháp quy nhứt, nhứt quy hà xứ.” Muôn pháp đều quy về một, vậy một quy về chỗ nào? Tổ Liễu Quán đã trải qua bao nhiêu năm tháng để nghiên cứu, ngày đêm tỉnh thức suy ngẫm. Sự tham cứu này giống như gà ấp trứng, mèo rình chuột, nhất tâm chú ý không xao lãng, không chểnh mảng, lơ là. Sự tập trung tâm ý vào một điểm – nhất tâm, chính là điều kiện đánh bật vọng thức để tỉnh thức dấy khởi, đẩy lùi vọng tâm để tĩnh tâm được tựu thành.
Câu thoại đầu hay một công án của nhà Thiền có thể làm cho người tu Thiền phải mất ăn, mất ngủ, lắm lúc quên cả chính mình. Như câu chuyện: Có một vị đạo sĩ tập trung tâm ý vào sự quán tưởng, tư duy về sự hình thành của vũ trụ vạn hữu, về sự hiện hữu của các thiên hà… mà quên mình đang đi trên đường, nên nhiều lần vị đạo sĩ đã bị sụp chân vào ổ gà. Từ sự sụp chân vào ổ gà trên đường ấy ông suy nghĩ tại sao dưới đôi chân không có con mắt để thấy đường đi. Từ sự suy tư này, vị đạo sĩ đã gia tâm, thành ý, nhất quyết tĩnh tâm quán chiếu nơi chân có đôi mắt, cho đến một hôm tâm thành, ý đạt vị đạo sĩ có được đôi mắt dưới chân, và kể từ đó vị đạo sĩ đi trên đường không còn bị sụp ổ gà nữa. Người thời ấy gọi vị đạo sĩ đó là “Túc Mục Tiên Nhơn” – ông tiên có mắt nơi chân.
Văn học Thiền là văn học nghịch thường không theo lẽ bình thường, người thường hay nói. Một nền văn học mang tính bất thường và vượt lên trên tất cả các nền văn học bình thường của người đời. Từ sự suy tư cho đến lời nói, từ cử chỉ sống hàng ngày cho đến các hành động việc làm cũng trái ngược. Có lẽ nền văn học Thiền dạy cho con người tập tư duy, quán chiếu mọi nếp sống con người thành nghịch thường, khác thường, để tâm thức con người không sống theo tập quán ngàn đời và xuôi theo dòng sinh tử, luân hồi, giờ phải đánh thức tâm linh để thấy được bản lai diện mục. Giá trị đánh thức của văn học Thiền là nghịch thường trên cái bình thường của thế nhân, nhằm in sâu vào tâm thức con người một dấu ấn để từ đó con người phá tung mọi thành trì cố hữu, mọi thói thường định kiến để vượt trên và vượt thoát. Như lời nói của Tổ Liễu Quán: “Thạch duẫn trừu điều trường nhứt trượng. Quy mao phất tử trọng tam cân.” – Búp măng trên đá dài một trượng. Phủ phất lông rùa nặng mấy cân. (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược – TT Mật Thể, tr. 203)
Theo thói thường và cái nhìn của con người xã hội thì làm sao có được mụt măng mọc trên đá dài một trượng và làm gì rùa có lông để lấy làm phất trần, nặng tới mấy cân. Ðây chính là chỗ u huyền của nền văn học Thiền đưa người đến sở ngộ.
Qua nhiều hình dạng đánh thức tâm tư hành giả bắt mình phải đối diện với chính mình để thấy được cội nguồn của bản giác, mà không phải lãng quên, vong thân của kiếp người sinh tử. Từ sự đánh thức, văn học Thiền đã dàn dựng qua bao sự nghịch lý, qua bao núi rừng trùng điệp, sông sâu, biển cả để cho hành giả khắc phục và vượt qua mà đạt đạo. Như hình ảnh một chiếc thuyền chèo lên non hoặc bốn vó ngựa chạy đua dưới biển là điều con người không thể tưởng tượng nổi, nhưng văn học Thiền thì không ít những hình ảnh này, để hâm nóng tâm trí hành giả trên con đường tìm cầu giác ngộ: “Cao cao sơn thượng hành thuyền. Thâm thâm hải để tẩu mã.” “Lung linh nước chảy qua đèo. Ngựa đua dưới biển thuyền chèo lên non” (sđd. tr. 203). Những hình ảnh này in sâu vào tâm thức của hành giả như một công án được đề khởi trong mọi thời gian cho đến khi chín muồi như trái cây thì rơi rụng. Bóng tối của tâm được quét sạch. Những ước lệ của thế nhân chỉ là mộng. “Nhứt thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh như lộ diệc như điển. Ứng tác như thị quán.” Tất cả các pháp hữu vi – pháp sanh diệt – giống như mộng huyễn, như sương mai, như ánh chớp chiều tà, như ráng nắng buổi hoàng hôn, tất cả đều không thật. Vậy thì ngựa có đua dưới biển hay trên đường đi, thuyền có chèo trên non hay trên mặt nước nó giống nhau đâu có khác gì. Ðích thực văn học Thiền đã xây dựng cho tâm thức hành giả bằng cái nhìn: “Chư pháp tùng duyên sinh. Diệt phục nhơn duyên diệt.” Các pháp do nhân duyên mà sinh, và cũng do từ nhân duyên mà diệt. Hành giả thấy được bản lai diện mục của mình như lời nói của Lục Tổ Huệ Năng:
“ Ðâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt
Ðâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động
Ðâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp.”
(Pháp Bảo Ðàn Kinh – Mai Hạnh Ðức. tr. 20)

Một khi tự tánh vốn dĩ thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt… thì các pháp hiện bày trước mắt tự tánh của nó cũng thanh tịnh, tự tánh của nó cũng chẳng sanh diệt, ở đệ nhất sát na. Nhưng sở dĩ các pháp có sanh có diệt, có thường có đoạn… là vì tâm sinh phân biệt – đệ nhị sát na nên các pháp trùng trùng dấy khởi thành thiên hình vạn trạng. Văn học Thiền đã mở một con đường tri thức vượt thoát.
“Lô Sơn yên tỏa chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Ðáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa chiết giang triều”
Mù tỏa Lô Sơn sóng chiết giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Ðến rồi cũng chẳng có gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng chiết giang

Tri thức vượt thoát là cái hiểu biết vượt lên trên cái hiểu biết thường tình của con người. Cái hiểu biết như nhiên, tịch lặng. Như nhiên như bản thể của vũ trụ vạn hữu và tịch lặng như các pháp từ xưa đến giờ không hề có sinh có diệt, như bài kệ:
“Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.”
Các pháp từ xưa nay
Tướng nó thường vắng lặng
Xuân về trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành

Như nhiên là vậy. Tịch lặng là vậy. Hay nói một cách khác, Thiền là vậy. Ðó là con đường tri thức vượt thoát được biểu hiện qua ngôn ngữ như lời nói của vị Thiền Sư: “Sãi tôi ba mươi năm trước chưa học đạo thì thấy núi là núi, thấy nước là nước, rồi sau nhờ nhân duyên các thiện trí thức hướng dẫn con đường học đạo thì thấy núi chẳng phải là núi, thấy nước chẳng phải là nước. Nhưng ba mươi năm sau tu tập, ăn rong rêu nơi ghềnh đá, uống nước lạnh nơi suối trong, tọa thiền dưới cội tùng già, tâm tư thong dong như mây như gió thì thấy núi là núi, thấy nước là nước.”
Văn học Thiền đã đưa hành giả thong dong đến con đường vượt thoát, như có vị Tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc qua?” Triệu Châu nói: “Cây tùng bách ngoài sân.” Ðề khởi một công án, một câu thoại đầu cho người tham cứu, để rồi vượt thoát qua phạm trù đối đãi, sai biệt.

II. Văn Học Bát Nhã – Tự Tánh Sự Vật Vốn Không
Bằng trí tuệ – Bát Nhã chư vị Bồ Tát quán chiếu mọi sự vật được hình thành đều do duyên sinh thì chúng không có tự tánh tồn tại bởi chính nó. Ðây là cái nhìn thẩm thấu thực chất của sự vật. Ðạo Phật đã giáo dục con người có chánh tư duy, chánh kiến, chánh định, chánh tuệ… để nhìn đúng sự thật của sự vật, mà không lầm tưởng sợi dây là con rắn. Tự tánh sợi dây đã là vốn không huống nữa thấy sợi dây thành con rắn lại càng sai quấy hơn nữa. Như bài kệ:
“Bạch nhật kiến thằng thằng thị ma
Dạ lý kiến thằng thằng thị xà
Ma thượng sanh thằng du trí loạn
Khởi kham thằng thượng cánh sanh xà”

Ban ngày thấy dây, dây là gai,
Ban đêm thấy dây, dây là rắn
Gai thấy thành dây là trí loạn
Huống nữa là thấy dây thành rắn
(thì cái trí loạn đến cỡ nào)

Như vậy đủ biết thực chất của sự vật vốn không, không thực thể, không tồn tại bởi chính nó. Từ đó, đạo Phật đã giáo dục con người bằng nhãn quan tinh tế, tỉnh giác, chánh niệm để quán chiếu thực thể của sự vật. Trong phạm trù này, Tổ của Trung Quán Luận – Màdyamaka-Sàstra, Ngài Long Thọ – Nàgàrjua – nói:
Chẳng sinh cũng chẳng diệt,
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác,
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Nói lên được pháp nhân duyên ấy
Khéo diệt trừ các thứ lý luận
Tôi cúi đầu kính lễ Phật, đã thuyết
Nhân duyên cao nhất trong các thuyết.
(Trung Luận – HT Thiện Siêu. tr. 9)

“Bồ Tát Long Thọ (Nàgàrjuna) làm luận để thuyết minh lý Trung Ðạo thật tướng bằng cách quán sát thật tướng trực tiếp các pháp, phân tích, so sánh, đối chiếu giữa các mặt của mỗi pháp để tìm ra thật tính của nó, cuối cùng chỉ thấy các pháp do nhân duyên mà hiện hữu, không pháp nào có thật tính…” (sđd)
Nhìn sự vật bên ngoài rồi quán chiếu tự thân mỗi người cũng đều không thật có. Vì tự thân con người không thật có nên tự thân con người nằm trên tiến trình của sự sinh, già, bệnh, chết. Chết là sự kết thúc của ba tướng trạng: sinh, già, bệnh. Như vậy tự thân của con người không có thật tính bởi chính nó. Ðiều này đã được nói rất rõ trong kinh Bát Nhã: “Khi Bồ Tát Quán Tự Tại (Avalokitérsavara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật sâu xa, soi thấy rằng, có năm Uẩn (Skandha); và thấy năm Uẩn đó không có tự tánh trong chúng.” (Thiền Luận 3. Tuệ Sỹ, 1989. tr. 327)
Vì tự thân con người không có thật tính bởi chính nó nên tự thân con người mãi luôn thay đổi, biến chuyển từ thuở chào đời cho đến ngày chết. Suốt một quá trình của cái gọi là cuộc sống đã cưu mang và hiện bày không biết bao nhiêu tướng trạng – (các tướng trạng ấy cũng không có thật tính). Như trong phần Bát Nhã và Như Huyễn, qua cuộc vấn đáp của Phật và Tu Bồ Ðề:
“Phật hỏi Tu Bồ Ðề: Này Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao, Huyễn (Màyà) khác với Sắc (Rùpam), Sắc khác với Huyễn? Lại nữa, ý ông nghĩ sao, Huyễn khác với Thọ (Vedanà), Tưởng (Samjnà), Hành (Samskàra) và Thức (Vijnàna)? và Thọ, Tưởng, Hành, Thức khác với Huyễn?
“Tu Bồ Ðề thưa: Bạch Ðức Thế Tôn, chúng không khác. Nếu Sắc khác Huyễn, Sắc không phải là Sắc, nếu Huyễn khác với Sắc, Huyễn không phải là Huyễn. Huyễn là Sắc và Sắc là Huyễn. Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy.” (Thiền luận 3. Tuệ Sỹ, 1989. tr. 398)
Văn học Bát Nhã đã khai triển nguồn tri thức diệu dụng để con người không đắm chìm trong thế giới hữu vi, bọt bèo trôi nổi. Chính nguồn tri thức diệu dụng này đã là phương tiện cho bao nhiêu người, hành giả thể đạt sở tu mà thành thánh giả. Văn học Bát Nhã cũng cho con người một cái nhìn tích cực vào sự vật muôn màu, muôn vẻ, thiên lưu, chuyển biến. Chính thể trạng thiên lưu, chuyển biến của vạn hữu mà trí tuệ – Bát Nhã đã chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, nhưng không câu chấp – nhơn ngã câu không – để vượt thoát. Bằng cái nhìn tích cực và xây dựng đó, văn học Bát Nhã giữ một vai trò quan trọng trên con đường giác ngộ giải thoát.
Ðể không bị dính mắc trong cái tôi, hay ngã chấp mà thường tình con người luôn sống với cái tôi, hay chấp ngã ấy, văn học Bát Nhã đã phá tung tất cả mọi ràng buộc cố hữu của con người, và mở ra cho con người một chân trời hạo nhiên, như thái. Nơi đây, mọi thứ mang tính sai biệt, đối đãi, không còn, mọi hình thái chủ quan, vọng chấp cũng mất, chỉ thuần một thế giới chân như, một khung trời tịch tĩnh. Văn tự Bát Nhã cũng bặt dứt, nhưng vì biểu hiện tự tánh của vạn hữu mà phải dùng phương tiện Bát Nhã để diễn đạt một thứ ngôn ngữ như là: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần. Phương tiện môn trung bất xã nhất pháp.” Như bài kệ của Vĩnh Gia Huyền Giác trong Chứng Ðạo Ca:
“Liễu liễu kiến vô nhất vật
Diệc vô nhân diệc vô Phật
Ðại thiên thế giới hải trung âu
Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất”
“Thấy tỏ rõ ! Chẳng có gì !
Không người ta cũng không Phật
Ðại thiên thế giới như cánh bèo trên đại dương
Hết thảy Thánh Hiền như điện chớp”
(sđd. tr. 435)
III. Văn Học Hoa Nghiêm – Một Thế Giới Quan Trùng Trùng Vô Tận
Một tức là tất cả. Tất cả tức là một. Đây là lời nói nội hàm toàn triệt sự sự vật vật, dung thông vô ngại, sự hình thành vũ trụ vạn hữu, sự hiện hữu vạn vật, thiên nhiên do các nhơn duyên, tương dung, tương nhiếp. Từ đó, chiêm nghiệm để thấy một vũ trụ quan của Phật giáo hình thái như những mắt lưới có sự liên đới chặt chẽ, thích hợp. Từ thế giới này liên quan đến thế giới khác. Từ cảnh Phật này liên quan đến cảnh Phật khác trùng trùng giao thoa vô tận.
Một quốc độ của Phật đến vô lượng quốc độ của chư Phật đều chan hòa trong bốn pháp giới:
– Lý vô ngại pháp giới
– Sự vô ngại pháp giới
– Lý Sự vô ngại pháp giới
– Sự Sự vô ngại pháp giới.
“Lý” tức là chân lý thật tánh, là thể tánh chân thật của tất cả các pháp. Tất cả các pháp trong vũ trụ đều đồng nhất một thể tánh chân thật ấy. Thể tánh ấy dung thông vô ngại, nên gọi là lý vô ngại pháp giới.”
“Tất cả pháp, “Sự” đều đồng một thể tánh chân thật tức là đồng lấy pháp tánh làm tự thể. Toàn thể “Sự” là pháp tánh mà pháp tánh đã viên dung vô ngại, thời toàn “Sự” cũng vô ngại, nên gọi là “Sự vô ngại pháp giới”
“Lý là thể tánh của “Sự” (tất cả pháp”. “Sự” là hiện tượng của “Lý tánh”. Vậy thời lý tánh là lý tánh của Sự, còn Sự lại là Sự tướng của lý tánh. Chính lý tánh là toàn sự mà tất cả Sự là toàn lý tánh, nên gọi là “Lý Sự vô ngại pháp giới”
“Tất cả Sự đã toàn đồng một thể tánh mà thể tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một Sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả Sự, và cũng đều tức là tất cả Sự, một sự nhiếp và tức tất cả Sự, tất cả Sự nhiếp và tức một Sự. Thế là Sự Sự vô ngại tự tại, nên gọi là “Sự Sự vô ngại pháp giới” (Kinh Hoa Nghiêm Tập I. HT. Trí Tịnh. tr. 8)
Văn Học Hoa Nghiêm đã tạo dựng một thế giới quan giữa người với người, giữa sự vật với sự vật thật gần gũi với nhau. Sự sống của mình tức là sự sống của người. Sự sống của đất cát, cây cỏ, sỏi đá… tức là sự sống của con người và ngược lại. Do vậy mà lòng Từ Bi của đạo Phật được trang trải khắp mọi thời, mọi chốn, mọi pháp giới chúng sinh. Môi trường sống của vạn sự, vạn vật, ánh nắng mặt trời nuôi sống con người thì cũng có nghĩa là nuôi sống tất cả các loài hữu tình, vô tình – đều trọn thành Phật đạo. Chung quanh cuộc sống của xã hội loài người, đã có không biết bao nhiêu cuộc sống của môi sinh, đất nước, núi rừng, biển cả, cây trái phụng sự cho xã hội con người một đời sống lành mạnh, thơ mộng nhiều ý nghĩa.
Thế giới của không khí đã cho không khí mọi loài hít thở để sống. Thế giới của ánh nắng mặt trời đã cho hơi ấm và ánh sáng để mọi người được sống mạnh khỏe, được nhìn thấy nhau mà tạo dựng đời sống hạnh phúc, bình an. Thế giới của cây xanh đã cho nhiều dưỡng tố. Thế giới của trái ngọt đã cho nhiều sự tươi tắn trong lòng. Thế giới của nước đã cho muôn loài nhuần thắm, thanh lương và tất cả thiên hà tinh tú đều có ảnh hưởng đến thế giới loài người, và cũng vậy, thế giới loài người cũng liên quan mật thiết đến thiên hà, tinh tú.
Thực tế trong cuộc sống này, chẳng ai có thể tạo dựng cho riêng mình một thế giới sống độc lập mà không có sự tương dung, tương tác. Đời sống của một cá nhân tức là đời sống của tất cả. Trong ý nghĩa này, Bồ Tát Duy Ma Cật đã thị hiện bịnh: “Bồ Tát bịnh vì chúng sinh bịnh. Chúng sinh hết bịnh thì Bồ Tát hết bịnh.” Lòng Từ Bi của đạo Phật, vũ trụ quan của đạo Phật là như thế.
Văn Học Hoa Nghiêm đã nối thế giới của tự thân vào thế giới của tha nhân, sum la vạn tượng. Từ đó con người có bổn phận trách nhiệm với nhau trong xã hội này, trên tinh thần xây dựng, bảo vệ và thăng hoa. Đạo Phật đã tích cực xây dựng một vũ trụ quan đẹp để có một nhân sinh quan đẹp giữa người và đại thể vũ trụ. Như tâm nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới: “Trong số cực vi khắp hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả cõi Phật. Mỗi cực vi đều có cõi Phật rộng lớn nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết, bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi cõi trong một niệm đều có tất cả chư Phật thành đẳng chánh giác số đông như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật…” (sđd, tr. 2252)
Văn học Hoa Nghiêm đã cho người học Phật một cái nhìn thấu triệt từ thế giới này sang thế giới khác, không ngăn ngại. Một thế giới tức là vô lượng thế giới, vô lượng thế giới tức là một thế giới. Nếu không có văn học Hoa Nghiêm hiển bày thế giới quan của Phật giáo thì người đời thường cho rằng, chỉ có một thế giới – quả địa cầu, duy nhất của loài người đang sống mà thôi, ngoài quả địa cầu này không có một thế giới nào khác hơn nữa. Nhưng cho đến hôm nay – Thế Kỷ 21, văn minh tiến bộ, khoa học kỹ thuật của loài người đã khám phá ra thế giới của mặt trăng, thế giới của hỏa tinh… như vậy, ngoài thế giới của trái đất này còn có nhiều thế giới khác nữa. Qua cái nhìn của đạo Phật – nền văn học Hoa Nghiêm đã xây dựng một vũ trụ quan tương dung, tương tác, trong vô tận thế giới. Ngoài thế giới của loài người còn có thế giới của chư Thiên, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh… thế giới hữu tình, thế giới vô tình… không nói hết. Trật tự xã hội con người có đủ mọi thứ, từ sự ăn lông ở lỗ, thô sơ mộc mạc, lam lũ chân tay cho đến sự văn minh, tân tiến để thăng hoa đời sống vật chất cho đến tinh thần, tâm linh huyền diệu. Song song với đời sống xã hội con người thì thế giới của loài vật cũng có nhiều vô số kể. Thế giới của các loài vật – cá, cua, tôm, ốc… sống dưới lòng đại dương, ao, hồ, sông rạch… thế giới của các loài đi bằng chân, bò bằng bụng… sống trên mặt đất, thế giới của các loài vi khuẩn, vi trùng nhỏ nhiệm… sống trong không gian, trong môi trường của các sinh thể… Tất cả những đời sống của thế giới hữu tình vô tình ấy đều có sự liên quan mật thiết đến con người. Ngoài thế giới của loài hữu tình còn nhiều thế giới mà thường gọi là vô tình, mà thật ra chẳng vô tình chút nào, như cỏ, cây, sỏi, đá… như mây, mưa, không khí, ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng và các tinh tú khác, đã cho sức sống đến thế giới loài người nhiều vô kể. Từ đây, văn học Hoa Nghiêm đã thực sự liễu giải để cho con người có kiến văn tu tập, có hàm lượng chứng đắc qua một vũ trụ quan của đạo Phật trùng trùng vô tận.
IV. Văn Học Pháp Hoa: Thọ Ký con Người Thành Phật
Phẩm Phương tiện thứ hai trong bộ Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “Xá Lợi Phất ! Sao nói rằng các Đức Phật Thế Tôn chỉ do một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời ? Các Đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.” (Kinh Pháp Hoa, Phẩm Thứ 2, HT. Trí Tịnh, tr. 74)
Đức Phật vì hạnh nguyện, vì thương tưởng, vì lòng Từ Bi cứu độ chúng sinh mà thị hiện nơi đời. Đây là một nhân duyên lớn. Sự cứu độ ấy qua 4 phạm trù:
– Mở bày Tri Kiến Phật – Khai.
– Chỉ thấy Tri Kiến Phật – Thị.
– Tỏ rõ Tri Kiến Phật – Ngộ.
– Chứng vào đạo Tri Kiến Phật – Nhập.
Như vậy, văn học Pháp Hoa đã cho thấy Đức Phật thị hiện nơi đời là vì con người, cho con người và của con người. Bằng mọi phương tiện thiện xảo, Đức Phật mở bày chỉ vẽ, dẫn dụ làm hiển lộ Tri Kiến Phật. Làm cho Tri Kiến Phật không còn bị che mờ bởi mây vô minh, phiền não, si mê phủ lấp. Đây là nhân tố thứ nhất mà trước tiên con người phải có, phải thể đạt một cách vẹn toàn. Bằng sự mở bày Tri Kiến Phật mà Đức Thế Tôn thuyết pháp 49 năm hóa độ. Khi thì Đức Thế Tôn giảng dạy:
Đây là Khổ các con phải biết
Đây là Tập các con phải đoạn
Đây là Diệt các con phải chứng
Đây là Đạo các con phải tu.
Hoặc:
Chớ làm các việc ác
Nguyện làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.
Bằng mọi phương tiện, Đức Thế Tôn mở bày Tri Kiến Phật, để đến nhân tố thứ hai là chỉ cho thấy cái Tri Kiến ấy. Mở bày Tri Kiến Phật để rồi chỉ cho chúng sinh thấy Tri Kiến Phật, đây là việc làm của Đức Phật. Còn hai yếu tố thứ ba và thứ tư là của chúng sinh, ấy là tỏ rõ Tri Kiến Phật – Ngộ và chứng vào đạo Tri Kiến Phật – Nhập. Có Ngộ và Nhập được hay không là do ở sự tu tập của chúng sinh. Nhưng sự tu tập này để cho chúng sinh được Ngộ và Nhập, Đức Phật vẫn tiếp tục hướng dẫn, giáo hóa để cho chúng sinh nương theo ấy mà hành trì rồi chứng đắc: Ngộ, Nhập. Như Đức Phật dạy con người: “Như tiêu chỉ nguyệt” – nương ngón tay để thấy mặt trăng. Cũng vậy, nương giáo pháp tu học để đến bến bờ giác ngộ – Giáo pháp như chiếc bè đưa người qua sông. Đức Phật luôn hướng tâm chúng sinh đến bờ giác ngộ, luôn dạy dỗ chúng sinh để tâm được tỉnh giác, thanh tịnh:
“Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ai nói hay làm với một tâm thiện, thì hạnh phúc sẽ theo sau như bóng theo hình”….
Hay:
“Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc”
Các hành là vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt an vui.
Là người Phật tử, tất cả đều nghe lời Phật dạy: “Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh.” – tất cả chúng sinh đều có tánh làm Phật. Hoặc: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành.” Từ đây nền văn học Pháp Hoa đã đi vào cụ thể, hiển bày sự thành Phật của từng mỗi cá nhân.
“Ông Ma Ha Ca Diếp, đệ tử của Ta, ở đời vị lai sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức các Đức Thế Tôn, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, rộng nói vô lượng đại pháp của các Đức Phật, ở nơi thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai… Nước tên là Quang Đức, kiếp tên là Đại Trang Nghiêm. Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi tiểu kiếp… Bồ Tát trong nước đó đông vô lượng nghìn ức, các chúng thanh văn cũng lại vô số…” (sđd, tr. 220)
Cũng vậy Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Đại Ca Chiên Diên, Tôn Giả A Nan, Tôn Giả La Hầu La… cho đến Tỳ Kheo Ni Gia Du Đà la: “Ở đời sau trong pháp hội của trăm nghìn muôn ức Phật, tu hạnh Bồ Tát, làm vị đại pháp sư, lần lần đầy đủ Phật đạo trong cõi thiện quốc sẽ được thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên, Vạn Quang Tướng Như Lai…” (sđd, tr. 375). Cho đến Long Nữ 8 tuổi thành Phật, hoặc nhờ Đề Bà Đạt Đa trong tiền kiếp mà Đức Thế Tôn thành Phật sớm hơn v.v… Tất cả những lời thọ ký, những con người thành Phật, trong Kinh Pháp Hoa nói rất rõ.
Như vậy, văn học Pháp Hoa là nếp sống đẹp, là dẫn khởi con đường tiến lên bậc Thánh. Là con đường thể nhập Nhất Thừa Đạo. Đây chính là một tinh thần khích lệ, tự tin để vượt thoát cho mỗi con người, chúng sinh trong cuộc sống này. Con người tự tin rằng chính mình có khả năng tu tập thành Phật. Chính mình có những đức tính, chất liệu nhân tố để thành Phật thì tất cả đều hăng hái, tinh cần, mà tiến bước trên con đường giác ngộ, giải thoát mà không ái ngại, chần chờ hay lo âu, nghi ngại. Đây chính là tinh thần tích cực của đạo Phật, xây dựng một đời sống thánh thiện. Một đời sống tâm linh cao cả. Một đời sống giác ngộ. Một đời sống Phật.
V. Văn Học Pháp Cú: Đánh Thức Bởi Chính Mình
Kinh Pháp Cú là những bài kệ nhỏ, tùy nhân duyên, hoàn cảnh mà Đức Phật thuyết giảng. Nội dung của Kinh là đánh thức con người tỉnh giác, để nhìn lại, quán chiếu tâm tư để thấy tâm trong sạch hay ô nhiễm, thân thanh cao hay thô lậu, miệng từ hòa hay vô độ, từ đó mà tu sửa trở thành người tốt trong nhân quần xã hội, trong cộng đồng người trên thế gian. Những bài kệ của Kinh dạy như là:
“Nó nhục mạ ta,
Hành hung, đánh bại,
Và tước đoạt ta.”
Lòng ai ôm giữ,
Niềm oán hận ấy,
Thì sự hận thù,
Không thể nguôi ngoai.”
“Nó nhục mạ ta,
Hành hung, đánh bại,
Và tước đoạt ta.”
Ai không ôm giữ,
Niềm oán hận ấy,
Thì sự hận thù,
Tự nhiên lắng xuống.”
(Pháp Cú 4 & 5. Pháp Cú Nam Tông. tr. 005. 2545. Trí Quang biên tập)
Thói thường, ai đánh mình một cái thì mình đánh trả một cái. Ai chửi mình một lời, mình chửi lại một lời… Nhưng nơi đây, văn học Pháp Cú đã dạy cho con người biết nhẫn nhục và không ôm lòng hận thù. Sự nhẫn nhục này nằm trong khuôn thước của Từ Bi, Trí Tuệ chứ không phải vì yếu đuối, sợ hãi.
Khuôn thước của Từ Bi dạy cho con người biết ban vui cứu khổ, biết nhường cái hậu, nhận cái bạc, biết thương người như thương thân mà xây dựng cuộc sống nhiều ý nghĩa và giá trị chân thật. Khuôn thước Trí Tuệ để quán chiếu sự thù hận là tiến trình nhân quả không tốt, là sợi dây oan nghiệt trói buộc lẫn nhau. Do vậy, hận thù cần phải mở chứ không nên buộc. Càng buộc, càng hận thù thì khó có thể tu tập và vượt thoát.
Tình thương là chất liệu cần có cho cuộc sống giữa người với người, giữa sự vật với sự vật, giữa chúng sinh với chúng sinh. Dù con người sống trong thời gian nào, quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng cần chất liệu tình thương để hít thở, để sống. Do vậy, văn học Pháp Cú đã hiện thân giữa đời ác nhiều hơn thiện, giữa cái chấp ngã nhiều hơn cái vô ngã, giữa cái vô minh nhiều hơn cái minh, giữa cái tham, sân, si nhiều hơn cái vô tham, vô sân, vô si để hóa độ, dìu dắt con người mà vượt thoát, như bài kệ sau đây:
“Tâm thì thác loạn,
Khó mà phòng vệ,
Nên người có trí
Thì lo thuần hóa
Tâm mình cho thẳng
Như thợ làm tên
Tên uốn cho ngay.”
(Pháp Cú 34 – Sđd, tr. 16)
Để tự đánh thức mình, văn học Pháp Cú còn khẳng định rằng:
“Chiến thắng triệu người
Tại bãi chiến trường
Cũng vẫn không bằng
Chiến thắng bản thân.
Chiến thắng bản thân
Mới là chiến công
Trội hơn tất cả.”
(Pháp Cú 104 – Sđd, tr. 052)
Tam Tạng Kinh, Luật, Luận của đạo Phật là một văn khố hàm dụng con đường tu tập giải thoát cho con người. Nếu ai biết dụng công và thừa tự thì chính văn khố ấy có đủ hương vị giải thoát.
Một cách khái lược, trình bày và trích dẫn một số đoạn Kinh để người đọc có cái nhìn thẩm thấu rằng văn học Phật giáo quả thật là con đường Tri thức vượt thoát. Văn học Phật giáo hoàn toàn không hệ lụy với màu sắc trần gian mà vượt cao và bay xa đến tận chân trời giải thoát.
Hơn 2500 năm qua, Đức Phật đã dạy rằng: “Những điều mà Đức Phật chứng ngộ thì nhiều như lá trong rừng, còn những điều Đức Phật giảng dạy lại cho con người ít như nắm lá trong bàn tay.” Những điều giảng dạy ít như thế, nhưng vô cùng quý báu, có giá trị siêu thoát thời gian, không gian. Chỉ cần nếm được một giọt nước giải thoát, cũng làm cho con người trở nên thánh thiện. Chỉ cần sanh tâm thanh tịnh thì cũng siêu xuất ba cõi.
Nền văn học Phật giáo: Tam vô lậu học – Giới, Định, Tuệ là phương tiện duy nhất để vượt thoát bến mê sinh tử, là bản đồ dẫn đường để chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, hay một cách bình thường của cuộc sống là chất liệu dinh dưỡng cho con người một phong thái tự tại, an lạc giữa cuộc đời này. Phong thái ấy là cốt lõi của sự tự tri, tự giác; là nhân sinh quan đẹp của một kiếp người.
Đồi Pháp Vương
Mùa Đông Kỷ Sửu – 2009
Thích Nguyên Siêu

Monday, April 20, 2020

Nghịch Duyên


Nghịch Duyên

Dilgo Khyentse Rinpoche /Đạo Sinh dịch


Dilgo Khyentse Rinpoche
Nếu có người sỉ nhục và làm cho quý vị mất mặt thì đó chỉ là quả của việc quý vị đã chỉ trích và hạ nhục người khác, nhất là các Bồ-tát, trong quá khứ. Thay vì nổi giận với những người như thế, quý vị nên cám ơn họ đã cho quý vị cơ hội thanh lọc những lỗi lầm trong quá khứ. Trong tất cả các trường hợp, hành động đúng Pháp thì rất quan trọng, nhất là vào những lúc như thế. Nếu không ứng dụng được Pháp thì quý vị thọ nhận để làm gì? Nghịch duyên là cơ hội tốt nhất quý vị có để đưa giáo pháp vào thực hành. 
Dilgo Khyentse Rinpoche
————
If someone defames and disgraces you, that is simply the result of having criticized and dishonored others in the past, especially bodhisattvas. Instead of feeling angry with such people, you should feel grateful to them for giving you the opportunity to purify your past misdeeds. In all circumstances, it is important to act in accordance with the teachings – but especially at such moments. What is the point of having received teachings if you do not apply them? Unfavorable circumstances are the best opportunity you will have to put the teachings into practice. 
Dilgo Khyentse Rinpoche
From “The Heart of Compassion: The Thirty-seven Verses on the Practice of a Bodhisattva”

Phật Giáo Việt Nam: Chính Trị, Lịch Sử và Chủ Nghĩa Hư Vô Quốc Tế

Phật Giáo Việt Nam: Chính Trị, Lịch Sử 

và Chủ Nghĩa Hư Vô Quốc Tế

Phạm Công Thiện


Thầy Phạm Công Thiện và Thầy Thích Tâm Tưởng, Trụ Trì chùa Viên Thông, 
Long Beach, California, USA

(Tham luận đọc vào ngày chủ nhật 23-12-1984
tại Thiền Viện Quốc Tế Los Angeles International Buddhist Meditation Center
vào dịp Ðại Hội Khoảng Ðại Kỳ IV của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
tổ chức tại Los Angeles, Calitomia-USA)
___________________

Bước Chân Thứ Tám Lên Đường Thực Hiện Việc Trở Về Sự Im Lặng


I. PHẬT GIÁO VIỆT NAM, CHÍNH TRỊ, LỊCH SỬ VÀ CHỦ NGHĨA HƯ VÔ QUỐC TẾ.
Với tất cả nỗi vui mừng và lòng xúc động ít khi xảy ra trong đời sống quá máy móc của xã hội Tây phương hiện nay, tôi xin kính chào toàn thể các tiểu bang Huê Kỳ hiện đang có mặt tại đây để cùng nhau thảo luận và nhất là quyết định những vấn đề trọng đại của Phật giáo và của Quê hương Việt Nam.
Thể tính có một đại hội là quyết định, chứ không phải chỉ là hội thảo lý luận liên miên chung quanh những đề tài tạo ra do óc tưởng tượng bệnh hoạn của những người đánh mất thể tính của Phật Giáo và thể tính của Quê hương. Hơn nữa, đại hội tôn giáo, nhất là Phật Giáo thì không thể nào giống như một đại hội chính trị, vì chính Phật Giáo quyết định thể tính của chính trị. Ðó là bài học thứ nhất của Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Việt Nam, mà tất cả chúng ta có sứ mạng tối cao rao truyền giữa sự sụp đổ toàn diện của nền văn minh hiện nay.
Khoa học chính trị và những thể chế chính trị đều xuất phát từ triết học Hy Lạp (nhất là từ Platon và Aristote). Và ngay cả từ lòng sâu thẳm của Tư Tưởng Hy Lạp, thể tính của chính trị, cái Ousia của Polis, là nhận cho ra nơi lưu trú (Topos) của sự cộng sinh tính thể (Synousia) của cái con vật được quyết định bởi Tiếng Nói, tức là con người con vật chính trị, tức là con vật được lưu trú chung nhau trong một thị tứ tính thể luận (Polis Ontologique), tức là phương sở (Topos) cho sự Xuất Hiện, Bùng Vỡ của Chân Lý (theo nghĩa Hy Lạp, Alétheia), cái gì đó giựt đứt xé rách ra ngoài sự che đậy uyên nguyên (Léthé) và trả con người trở lại thể tính con người, trả về quê hương trở về thể tính của quê hương.
Bài học thứ nhất mà Ðức Phật đã dạy cho chúng ta (nhất là chúng ta những Phật tử Việt Nam) là Phật Giáo quyết định Chính Trị (tôi nói: Phật Giáo, chứ không nói đến những tôn giáo khác, và Phật Giáo khác những tôn giáo khác ở điểm đầu tiên, tức là điểm này), toàn thể Lịch Sử Việt Nam đã chứng minh điều đó (và cái gì chứng minh cho Lịch Sử cũng chính là Phật Giáo, vì Phật Giáo không phải là một tôn giáo có tính cách lịch sử, nhưng trái lại những tôn giáo khác đều là tôn giáo có tính cách lịch sử).
Bài học thứ hai mà chúng ta, những Phật tử Việt Nam, là Phật Giáo quyết định lịch sử, tất cả mọi môn sử học, đều được quyết định bởi ý niệm căn bản về Thời Gian, và thể tính của thời gian là chính tính thể; thể tính của tính thể là cái LÀ (Tó òn), và thể tính của cái đang là là cái KHÔNG LÀ (tó mé òn); từ mấy ngàn năm, tất cả các tư trào Tây phương và Ðông phương cứ hội thảo hý luận liên miên lẫn quẩn loay hoay giữa cái Là và cái Không Là, từ Aristote cho đến Hegel và Karl Marx, từ Anaximandre cho đến ngày hôm nay, tất cả triết học, tất cả trào lưu tư tưởng chỉ quanh quẩn trong mê cung vô cùng tận của cái có, và cái không, của cái là và cái không là, và từ đó con người không còn biết ăn nói cho đàng hoàng, con người từ con vật biết nói biến thành con vật ba hoa mồm mép lãi nhãi, ham rủ rê nhau hội thảo hội họp đánh mất Tiếng Nói Chân Thực; chính trị không ra chính trị, tôn giáo không ra tôn giáo, miệng thì cứ nói Quê Hương và Dân Tộc hoặc Ðạo Pháp và Dân Tộc, nhưng không cái gì ra cái gì, tất cả đều trở thành ba hoa lãi nhãi người ta tỏ vẻ nghiêm trọng tha thiết thảo luận cái này hay cái kia, nhưng thực sự thì không ai thực sự để ý ai, không ai thực sự dám sống chết với cái mình nghĩ, cái mình nói và cái mình sống.
Tất cả nẽo đường đều mất lối, tất cả mọi giá trị đều bị đảo ngược, đó là Chủ Nghĩa Hư Vô mà Việt Nam hiện nay đang bị thống trị. Ðó là bài học thứ ba mà chúng ta, những người Phật tử Việt Nam, phải rao truyền ở xã hội Tây phương: Phật Giáo phá vỡ tất cả loại hình thức chủ nghĩa hư vô quốc tế.
Tôi xin lập lại ba bài học Ðức Phật đã dạy cho chúng ta mà chúng ta có thể mang đến cho xã hội Tây phương:
– Phật Giáo quyết định chính trị;
– Phật Giáo quyết định lịch sử;
– Phật Giáo quyết định thể tính của Chủ Nghĩa Hư Vô Quốc Tế.
II. “THỰC TẾ” là gì? Ý Nghĩa của “THỰC TẾ” Trong Phật Giáo.
Người ta có thể trách tôi trừu tượng triết lý viễn vông xa lìa thực tế. THỰC TẾ! THỰC TẾ, THỰC TẾ là gì? Chính vì hiểu sai mấy chữ Thực Tế mà nước Việt Nam đã bị lường gạt và ru ngủ và hiện nay đang đưa cả dân tộc xuống chỗ sụp đổ toàn diện. Tôi xin cung kính nhắc lại cho quý vị biết rằng Karl Marx vẫn là một triết gia (dù Marx tự cho là đã vượt qua mọi triết học truyền thống). Và có ai ngờ chính cái anh triết gia trừu tượng dù tự nhận là cụ thể, tên là Marx, đã đưa quê hương Việt Nam đến tình cảnh hiện nay. Tôi muốn trở về chữ THỰC TẾ trong Phật Giáo, THỰC TẾ, chữ Phạn gọi là Bhùtakoti, cái biên tế của sự thực; trong Bát Nhã Phật Giáo, một vị Bồ Tát không nên bao giờ lưu trú lại với Thực Tế, và Thực Tế của Phật Giáo là Thực Tế của mọi thực tế chính trị, lịch sử và mọi chủ nghĩa. Ðó là bài học thứ ba của Ðức Phật mà chúng ta có thể mang đến cho xã hội Tây phương.
Hướng đi của Phật Giáo Việt Nam là Ði Tới Giác Ngộ, đi tới sự Tỉnh Thức. Mà Giác Ngộ Tỉnh Thức có nghĩa là thể hiện thực hiện một Sự Quyết Ðịnh Vĩ Đại Nhất của kiếp người, một đại Thệ Nguyện cho tất cả chúng sinh; trong bất cứ mọi trường hợp nghịch cảnh lớn lao nhất vẫn như bất động, với lòng từ bi vô biên và với trí Bát Nhã vô hạn, tự giải thoát mình và giải thoát tất cả chúng sinh, vì mình là chúng sinh. Giác ngộ, vì lợi ích cho tất cả chúng sinh. Ðó là Phát Bồ Ðề Tâm.
Xã Hội Tây phương hiện đang rơi vào những cơn khủng hoảng ở đủ mọi bình diện, giữa các trào lưu tư tưởng triết lý, ý thức hệ của nhân loại. Hướng Ði của Phật Giáo Việt Nam là Quyết Ðịnh Ði tới Giác Ngộ, Quyết Ðịnh Ði tới Nhất Thiết Chủng Trí. Nhìn tới gương sáng của Phật Giáo Thiền Tông Nhật Bản và hiện nay của Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng, và nghĩ tới ảnh hưởng to lớn vĩ đại quyết định của Thiền Nhật và Mật Tây Tạng đối với tất cả trào lưu khoa học, triết học, nghệ thuật của xã hội Tây phương, Phật Giáo Việt Nam quyết định tiếp tục thể tính trung thực của mình (vừa Thiền vừa Mật vừa Tịnh, vừa Nguyên Thủy, vừa Ðại thừa và Kim Cang thừa) để soi sáng con đường trở về quê hương và để đem lại sự an bình, bình thản tâm linh cho Tây phương. Ðó là điều tôi cho rằng không thể nào một Ðại Hội Phật Ciáo không quyết định, thay vì cứ quanh quẩn chuyện vô minh, như ai là hội chủ, ai là chân tu, quy chế phải như thế nào, biểu quyết ra làm sao, tất cả mọi tranh luận chia năm xẻ bảy kết bè lập nhóm mà tôi cho rằng đáng khinh bỉ, và ngu xuẩn, tất cả những thứ ấy đáng cho đại hội liệng vào sọt rác chính trị và lịch sử.
Nam Mô A Di Ðà Phật Om Mani padmé Hum.
PHẠM CÔNG THIỆN