Monday, March 9, 2020

Tuệ Sỹ: Hiện Thân Bệnh



Tuệ Sỹ: Hiện Thân Bệnh



(Trích Tuệ Sỹ, HUYỀN THOẠI DUY MA CẬT, Hương Tích Phật Việt xuất bản)
Hiện thực và quy ước
Hãy lên đường, này các tỳ-kheo, vì ích lợi cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì thương tưởng thế gian, vì lợi ích và an lạc của chư thiên và nhân loại.”[1] Đó là lời dạy của đức Thích Tôn cho các đệ tử đầu tiên, sau khi tất cả đều đắc quả A-la-hán. Sứ đoàn truyền giáo đầu tiên xuất phát từ đó, và lên đường với mục đích đó.
Và mục đích đó không phải được vươn đến một cách dễ dàng.
Chuyện kể rằng:[2]
Một thời, Thế tôn ngụ tại nước Kosala, trong ngôi nhà thờ lửa của một người bà-la-môn ở thôn ấp Kammāsadhamma. Vào buổi sáng, trong khi Thế Tôn vào Kammāsadhamma khất thực, một du sĩ tên là Māgandiya đến thăm người bà-la-môn thủ từ của ngôi nhà lửa. Nhìn thấy một chỗ nằm lót rơm, với dấu hiệu của một người nằm nghiêng theo dáng sư tử, du sĩ này nhận ra đó là chỗ nằm của Phật. Ông không hài lòng, nói: “Thật sự, chúng ta đã nhìn thấy một điều xấu xa, đó là thấy chỗ nằm của Sa-môn Gotama, một kẻ tàn hại sự sống.” Ông gọi Phật là một kẻ tàn hại sự sống,[3] người phá hoại sự trưởng thành, sự thịnh vượng, hay kẻ hủy diệt thế gian. Vì sao? Vì Phật chỉ rõ bản chất của dục vọng; thế nào là vị ngọt và sự nguy hiểm của dục vọng, và cũng chỉ con đường thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng.
Bởi vì, tự bản chất, hết thảy mọi sinh vật tồn tại do dưỡng chất,[4] mà ngôn ngữ thông thường gọi là thức ăn. Dưỡng chất bằng vật chất cần thiết cho sự duy trì và phát triển của thân thể vật chất. Vị ngọt và hiểm nguy của loại dưỡng chất này được thấy rõ. Nhưng chỉ duy nhất dưỡng chất này không thể kích thích sự tăng trưởng của sinh vật, mà cao nhất là con người.[5] Những tiếp xúc giữa nội thân và ngoại giới đưa đến trạng thái hài hòa, hoan lạc, cũng là loại dưỡng chất cần thiết. Những tư niệm, ý chí, của con người, cũng là một loại dưỡng chất cao cấp khác. Trên tất cả, nền tảng và là cội nguồn cho tất cả, thì những đam mê, thù hận, những ngu si cuồng dại, là những dưỡng chất thiết yếu cho tồn tại sinh vật. Trong bốn loại dưỡng chất, mỗi loại có riêng vị ngọt của nó, nhưng đồng thời nó cũng để lại những hậu quả tai hại. Người đời thường nói, như một kinh nghiệm thiết thực của đời sống, là vị ngọt càng ngọt ngào, khi có pha thêm vị cay, đắng. Ngọt bùi và cay đắng, là tính chất của dưỡng chất trần gian, là hương và vị của đời sống.
Và có một câu chuyện thí dụ như sau:
Một người nọ,[6] với thân thể ghẻ lở, luôn luôn phải cào, phải gãi, và phải ngồi suốt bên lò lửa để hơ nóng, cho bớt sự ngứa hành hạ. Với con ghẻ ấy, sự kiện như vậy là hưởng thụ lạc thú tuyệt vời. Càng gãi, càng cào rách thân thể, càng có được những cảm giác khoan khoái, nhưng cũng đồng thời ghẻ lở càng gia tăng. Ghẻ lở càng gia tăng, lại càng phải gia tăng sự gãi và như vậy lại gia tăng cảm giác khoái lạc. Rồi thì, gia đình, những người thân thích không ghẻ lở, thương hại và tìm phương cứu chữa. Người ta mời một y sỹ chuyên khoa da liễu, và lôi con ghẻ ra khỏi lò lửa, ngăn cản không để nó cào cấu cho rách nát thân thể thêm, sau đó, giải phẩu các mụt ghẻ, xức thuốc trị ghẻ, và cho uống những liều thuốc trị ghẻ. Tất cả sự việc và quá trình điều trị này làm cho con ghẻ đau đớn. Nó oán hận y sĩ, oán hận những người thân thích đã hành hạ nó. Nó khóc lóc, nguyền rủa. Nhưng, cố nhiên, một khi ghẻ lở không còn, nó sẽ kinh nghiệm được những cảm giác của một thân thể không ghẻ ngứa, và rồi nó sẽ phải cảm ơn những người đã áp bức nó điều trị.
Đức Phật được gọi là “kẻ phá hoại sự sống” là như vậy.
Điều sau đây xảy ra sau khi Phật thành đạo dưới gốc Bồ-đề và trước khi quyết định đi về Lộc uyển thuyết pháp. Phật nói: “Chúng sinh này thì ưa thích những cái được ấp ủ, thích thú với cái được ấp ủ, cho nên Sự thật này là khó hiểu. Đó là sự sinh khởi do quan hệ y duyên.”[7]
Cái được ấp ủ đó là gì? Đó là ālaya, những cái từng được đam mê. Chúng đi qua và lắng đọng thành lớp phù sa màu mỡ cho sự sống, cho khát vọng sống. Đó là lớp tuyết muôn đời phủ lên đỉnh Hima-ālaya. Hình ảnh cao vời vợi của tự ngã, và trường tồn của tự ngã. Với chúng sinh ấy, Pháp thâm sâu mà Phật đã chứng ngộ, một cách rất khó khăn, làm sao có thể công bố?
Thế nhưng, đức Phật đã công bố. Và công bố thành công. Bằng cách nào? Bằng phương tiện thiện xảo. Và những người thực hành pháp ấy cũng đã đạt được những quả báo vi diệu. Bằng cách nào? Bằng phương tiện thiện xảo.
Một câu chuyện khác được kể rằng:[8] Có một xứ nọ, mọi người đều mù. Không phải chỉ mất ánh sáng. Nhưng vì họ không có mắt. Những ai sinh ra với cặp mắt đầy đủ đều phải bị móc đi. Chỉ có quỷ sứ mới có con mắt, cái khối thịt lồi ra một cách quái dị ấy. Rồi một thời gian, một người thợ săn, mãi đuổi theo con thú đã bị thương, nên lạc lối, và lạc vào xứ người mù. Ở xứ người mù, gã chột làm vua. Tục ngữ như thế, và anh tin như thế. Mọi người ở đây đón tiếp anh rất ân cần. Anh cảm thấy thương hại họ. Tự nguyện ở lại đó. Người có mắt sáng giúp đỡ người mù tối. Anh tìm cách chỉ dạy họ màu sắc là gì và chúng đẹp đẽ như thế nào khi được phối hợp với nhau. Chuyện hư dối. Màu xanh là gì? Khác màu đỏ? Chẳng có sự thật nào ở đó cả. Khi người ta sờ bằng tay, với xúc giác rất bén nhạy, nhưng làm gì có sự khác nhau giữa xúc giác của vật được cho là có màu xanh với vật có màu đỏ. Thời gian sau, mọi người ở đây khám phá ra rằng anh vẫn còn cặp mắt nguyên vẹn. Người ta thương hại anh. Một con người tốt bụng như thế sao lại có khuôn mặt quái dị, và đôi khi ăn nói hồ đồ. Anh đã bị quỷ ám. Cần phải điều trị. Trước hết, phải móc bỏ con mắt đi. Vì đó là chỗ trú của quỷ. Biết được lòng tốt ấy, anh hoảng sợ và tìm cách bỏ trốn. Một thời gian lâu xa về sau, một y sỹ chuyên khoa mắt xuất hiện giữa họ. Bằng sự khéo léo thuyết phục, một số người tin y sỹ và được chữa sáng mắt. Một số khác không tin, vẫn hài lòng, và cảm thấy rất hạnh phúc, với cuộc đời trong bóng tối vĩnh hằng. Làm thế nào để tin theo lời y sỹ, tin rằng cặp mắt sáng thật sự là thế nào, và hạnh phúc của người có mắt sáng là thế nào? Không có kinh nghiệm thường nhật, kinh nghiệm sống nào chứng minh cho họ biết những điều y sỹ nói là chân lý. Nhưng thật sự, y sỹ đã làm cho một số người tin. Bằng cách nào? Bằng phương tiện thiện xảo.
Vậy, ý nghĩa của phương tiện là gì?
Gia Tường Đại sư, Duy ma kinh nghĩa sớ, quyển 2,[9] định nghĩa: “Nơi mà chúng sinh duyên đến là phương. Pháp mà bậc Chí nhân vận dụng là tiện.” Đó là định nghĩa theo hai từ đơn của Hán, không phải là nghĩa gốc của tiếng Phạn.
Trạm Nhiên, Duy ma kinh lược sớ, quyển 3,[10] nói: “Phương, là pháp phiến diện mà trí đi đến. Tiện là kỹ xảo mà sự quyền biến vận dụng khéo léo. Vận dụng các pháp, tùy cơ lợi vật, gọi là phương tiện.” Đó cũng là nghĩa của các từ đơn trong Hán văn, được định nghĩa riêng và tổng hợp. Đây cũng chưa phải là nghĩa gốc trong tiếng Phạn.
Trong Duy ma kinh nghĩa sớ[11] Gia Tường Cát Tạng cũng nói đến gốc tiếng Phạn của từ phương tiện: “Phạn âm gọi là âu-hòa câu-xá-la, ở đây gọi là phương tiện thắng trí. Phương tiện, chỉ cho khả năng vận dụng khéo léo. Thắng trí chỉ cho sự quyết đoán.”
Hán âu-hòa câu-xá-la là phiên âm tiếng Phạn upāya-kauśalya, trong đó upāya,[12] nguyên nghĩa chỉ sự tiếp cận. Và nói rộng ra, chỉ thủ đoạn tiến hành, phương pháp hay phương tiện thi thố.
Hán câu-xá-la, là phiên âm tiếng Phạn kauśalya, mà gốc là do hình dung từ kuśala: thiện, lành, tốt đẹp hay khéo léo. Hán dịch là “thắng trí,” là chỉ nghĩa trí tuệ nhạy bén. Một cách tổng quát, kauśalya, hay phương tiện thiện xảo, là trí năng nhạy bén để tiếp cận vấn đề, hay vận dụng thủ đoạn một cách linh hoạt để thành tựu mục đích.
Sự vận dụng như vậy, trước hết, là thiết lập một quy ước nào đó cho nhận thức. Người ta quy ước với nhau rằng, ngón tay được dùng để chỉ điểm, để hướng dẫn nhãn quang đến một điểm đích nào đó. Với quy ước được chấp nhận mặc nhiên và phổ quát như vậy, khi nhìn thấy một ngón tay của người này được đưa ra, thì con mắt của người kia không tập trung vào ngón tay ấy, mà lần theo phương mà ngón tay chỉ điểm, để nhận ra rằng, kia là một vầng trăng huyền diệu.
Thế nhưng, quy ước không phải đơn giản là thỏa thuận tùy tiện giữa hai hay nhiều người với nhau. Quy ước và hiện thực có mối quan hệ bản thể. Giả sử một người có mắt sáng muốn chỉ cho người mù bẩm sinh biết phân biệt màu trắng và màu đỏ khác nhau như thế nào, trước hết hai người phải có một quy ước nhận thức chung. Người mù hỏi: “Màu trắng là thế nào?” Người sáng đáp: “Trắng như tuyết ấy.” Có những đặc tính của tuyết mà cả hai đều có thể nhận thức như nhau. Thí dụ, bằng xúc giác, cả hai đều nhận thức như nhau rằng, tuyết thì lạnh, ướt và xốp. Vậy, khi nghe nói, màu trắng giống như tuyết, và rồi khi nhúng tay vào chậu nước với xà phòng nổi bọt, người mù nghĩ: “Thì ra, đây là màu trắng.” Nhận thức gần đúng ở đây có tính cách ngẫu nhiên, chứ không phải trực nhận bản thân sự vật. Nếu vì vậy mà người ấy cho rằng mình đã nắm bắt được sự thật về màu trắng, thì, vào một lúc khác, một người khác mang đến một thùng vôi nóng, và cho biết nó có màu trắng; người mù lúc ấy nghĩ rằng mình đang bị lừa dối, do thế có thể oán hận một người đã nói Sự thật. Màu trắng của bọt xà phòng, và màu trắng của vôi nóng, cả hai đều hiện thực, đều là Sự thật hiển nhiên đối với người mắt sáng. Nhưng màu trắng ở đó chỉ là một phẩm tính trong vô số phẩm tính của hiện thực vôi và bọt xà phòng. Có nhiều phẩm tính giống nhau và có nhiều phẩm tính khác nhau giữa hai sự vật. Khi cần chỉ ra một cái chưa biết từ cái đã biết, những phẩm tính tương tự giữa hai cái được nêu làm loại suy. Phẩm tính tương tự ấy trở thành quy ước nhận thức giữa hai đối thoại viên. Do đó, chân lý được nhận thức qua truyền thông là chân lý quy ước. Đó chỉ là một phần của hiện thực, chứ không phải là toàn thể. Nhưng, trong nguyên lý tương quan duyên khởi, mà tông phái Hoa nghiêm gọi là pháp giới trùng trùng duyên khởi, thì cái một được bao hàm trong toàn thể, và toàn thể được bao hàm trong cái một. Như tỳ-kheo Na-tiên đã chỉ cho vua Di-lan-đà hiểu rõ chân lý quy ước trong nhận thức chung của con người. Khi chỉ ra một cỗ xe, người ta có thể hỏi: “Cái gì là cỗ xe?” Cái này là gọng xe. Cái này là thùng xe. Vân vân. Từng cái riêng biệt, không cái nào là xe cả. Nhưng gạt bỏ chúng ra, cũng chẳng có cái xe nào tồn tại.[13]
Nói một cách vắn tắt, quan hệ giữa hiện thực tồn tại và quy ước nhận thức là quan hệ giữa thành phần và toàn thể; giữa cá biệt và phổ quát; giữa một và tất cả. Cũng như một người mù sờ voi. Nếu, vốn chưa từng nhận thức được một con voi toàn thể là cái gì, mà chỉ cho sờ một cái đuôi, rồi hỏi người ấy con voi được nhận thức như là cái gì. Người ấy ắt hẳn sẽ trả lời: “Con voi giống như cái phất trần.” Nhưng một anh nài đã quen thân với con voi của mình, nếu bịt mắt mà sờ vào bất cứ đâu nơi mình voi, đều có thể nhận thức không chỉ là voi tổng quát, mà là voi nào, và voi của ai.
Bồ-tát khi hành đạo, để tự lợi, nương theo phương tiện thiện xảo của Phật, dần dần nhận ra bản chất chân thực của nhân sinh và thế giới. Bằng chân lý mà mình nhận thức được, để lợi tha, Bồ-tát thiết lập phương tiện thiện xảo để tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sinh.
______________________________
[1] Mahāvagga I, Vin. i. 21: caratha bhikkhave cārikaṃ bahujanahitāya bahujana-sukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devama-nussānaṃ.
[2] Māgandiya-sutta, M.i. 501. Cf. Trung A-hàm 38, T 1, No 26(153).
[3] Pali: bhūnahuno; sớ giải (MA. īi.211): hatavaḍḍhino mariyā-dakārakassa, kẻ đặt ra giới hạn làm tổn hại sự phồn vinh. Bản Hán, dẫn trên: bại hoại địa 敗壞地. Pali tương đương: bhūma-han thay vì bhūna(-bhūta)han.
[4] Saṅgīti-suttanta, D.iii. 211: sabbe sattā āhāraṭṭhitikā. Cf. Hán, Tập dị môn túc luận, Đại 26, No 1536, tr. 367c: nhất thiết hữu tình giai y thực trụ 一切有情皆依食住.
[5] Có bốn loại thực phẩm, Tập dị môn túc luận 8 (Đại 26, No 1536, tr. 400b): 1. đoạn thực hoặc thô hoặc tế; 2. xúc thực; 3. ý tư thực; 4. thức thực. Cf. Saṅgīti-sutanta, D.iii. 228, cattāro āhārā: kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā; phasso dutiyo; mano-sañcetanā tatiyā; viññāṇaṃ catuṭṭhaṃ.
[6] Māgandiya-sutta, M.i.506.
[7] Ariyapariyesanā-sutta, M.i. 167, ālayārāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratāya ālaya-sammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatā paṭiccasamuppādo.
[8] Cf. Māgandiya. đã dẫn, M.i. 510.
[9] T 38 1781, tr. 931b16.
[10] T 38 N 1778, tr. 596c1.
[11] T38 N1781, tr. 931b18: 梵音稱漚和拘舍羅。此云方便勝智.
[12] Upāya, do động từ căn là √I, có nghĩa đi hay đến, và upa, tiền tố chỉ hướng đến gần, hay vị trí ở gần hay ở trên. Vậy, upāya, nghĩa đen, là phương cách hay phương pháp tiếp cận.
[13] Milandapañha, ro. 27.

Tuệ Sỹ: Phương Tiện Quyền Xảo*


Phương Tiện Quyền Xảo*

Tuệ Sỹ


(trích Chương II, DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT, Hán dch: Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập (KUMĀRAJĪVA). Tuệ Sỹ dịch và chú. Hương Tích xuất bản. In lần thứ nhất, nxb Phương Đông, 2008. Tái bản, nxb Phương Đông, 2011)
PHƯƠNG TIỆN QUYỀN XẢO[1]
Bấy giờ, trong thành Tỳ-da-ly có vị trưởng giả[2] tên Duy-ma-cật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật và trồng sâu gốc rễ thiện, chứng đắc vô sinh pháp nhẫn,[3] có tài biện thuyết vô ngại,[4] hiện du hí thần thông,[5] nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở úy;[6] khuất phục mọi thù nghịch và quấy nhiễu của Ma,[7] đã đi vào cửa Pháp sâu thẳm,[8] thiện xảo trong trí độ,[9] thông suốt các phương tiện, hoàn thành đại nguyện.[10] Ông biết rõ xu hướng của tâm của chúng[11] sinh, có thể phân biệt căn tính bén nhạy hay chậm lụt. Đã từ lâu tâm của ông đã thành thục trong Phật đạo,[12] đã quyết định nơi Đại thừa. Mọi hành động của ông đều dựa trên tư duy chân chính.[13] An trú trong oai nghi của Phật,[14] tâm trải rộng như đại dương.[15] Được chư Phật ca ngợi; Đế Thích, Phạm thiên, Thế chủ đều kính phục.
Vì để hóa độ nhiều người, bằng vào phương tiện thiện xảo, ông cư trú trong thành Tỳ-da-ly.
Bằng gia sản bất tận của mình, ông bao bọc người cùng khổ. Bằng giới thanh tịnh, ông bao bọc người hủy phạm cấm giới. Bằng sự nhu thuận của nhẫn[16], ông bao bọc người sân hận hung dữ. Bằng đại tinh tấn,[17] ông bao bọc người biếng nhác. Bằng nhất tâm, thiền định, tịch tĩnh,[18] ông bao bọc những kẻ có tâm ý tán loạn. Bằng tuệ quyết định,[19] ông bao bọc những hạng vô trí.[20]
Tuy là hàng bạch y[21] ông vẫn tuân hành mọi luật tắc thanh tịnh của Sa-môn.[22] Tuy là cư sỹ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh.[23] Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly.[24] Tuy mang ngọc vàng châu báu nhưng trang điểm thân mình bằng tướng hảo.[25] Dù thụ hưởng các thức ăn uống nhưng chỉ thưởng thức vị ngon của thiền.[26] Đến phường cờ bạc để đưa người vượt thoát. Tiếp nhận dị đạo mà không hủy chính tín. Thông hiểu kinh điển thế gian, nhưng thường hâm mộ Pháp Phật. Ai gặp ông cũng đều kính nể, tôn kính vào hàng bậc nhất.[27]
Ông giữ chấp trì luật pháp,[28] duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hòa trong tất cả sự nghiệp buôn bán, tuy cũng gặt hái những tài lợi thế tục, ông không lấy đó làm mừng.[29] Rong chơi trên các ngõ đường để giúp ích mọi người. Vào chốn công đường[30] để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các luận nghị để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu để khiến mọi người giữ vững ý chí.[31]
Trong hàng trưởng giả, ông được các trưởng giả tôn kính để diễn thuyết những pháp tối thắng.[32] Trong hàng cư sỹ, ông được cư sỹ tôn kính để dạy họ dứt trừ tham đắm thế tục. Trong hàng sát-lị, ông được các sát-lị tôn kính để dạy họ biết nhẫn nhục. Trong giới Bà-la-môn, ông được các Bà-la-môn tôn kính để dạy họ đoạn trừ ngã mạn. Trong các Đại thần, ông được các Đại thần tôn kính để dạy họ pháp luật công chính. Trong các Vương tử, ông được các Vương tử tôn kính để dạy họ đạo trung hiếu.[33] Trong chốn cấm cung, ông được các nội quan tôn kính để giáo hóa hết thảy cung nữ đức hạnh.
Vào trong hạng thứ dân, ông được thứ dân tôn kính để khích lệ họ vun trồng phước đức. Trong hàng Phạm thiên, ông được các Phạm thiên tôn kính, hiển hiện cho họ huệ tối thắng.[34] Trong hàng Đế Thích, ông được Đế Thích tôn kính, chỉ họ thấy rõ tính vô thường.[35] Trong hàng Hộ thế,[36] ông được các vị Hộ thế tôn kính, khiến họ bảo vệ hết thảy chúng sinh.
Trưởng giả Duy-ma-cật đã bằng vô lượng phương tiện[37] như vậy làm lợi ích cho chúng sinh.
Nay, bằng phương tiện, Ông hiện thân có bệnh. Vì ông bệnh mà Quốc vương, Đại thần, Trưởng giả, Cư sỹ, Bà-la-môn v.v… cho đến các Vương tử cùng các thuộc hạ, vô số hàng ngàn người, đã đến thăm viếng ông.
Duy-ma-cật nhân nơi tật bệnh của tự thân mà thuyết pháp[38] một cách rộng rãi cho những người đến thăm.
Ông nói:
“Các Nhân giả, thân này[39] là vô thường, không vững mạnh, yếu đuối, cũng chẳng bền lâu; là pháp chóng mục nát, không đáng tin cậy. Nó là sự khổ, là sự ưu não, là nơi tập hợp của các loại tật bệnh.
“Này các Nhân giả, thân này không phải là chỗ đáng nương tựa cho người minh trí. Thân này như đống bọt, không thể vốc nắm. Thân này như bong bóng nước, không tồn tại lâu. Thân này như quáng nắng[40] bốc từ khát vọng yêu đương. Thân này như cây chuối, ruột không lõi chắc. Thân này[41] như huyễn, hình thành bởi ý nghĩ đảo điên. Thân này như giấc mộng, do hư vọng mà thấy có. Thân này như bóng, theo duyên là nghiệp mà có.[42] Thân này như tiếng vang, tùy thuộc nhân duyên. Thân này như đám mây trôi, chợt biến chợt diệt. Thân này như ánh chớp lóe, thoáng chốc tiêu tan. Thân này không chủ tể, như đất.[43] Thân này không tự ngã, như lửa.[44] Thân này không thọ mạng,[45] như gió. Thân này không con người, như nước.[46] Thân này không thật, lấy bốn đại làm nhà.[47] Thân này rỗng không, không ngã cũng không ngã sở. Thân này vô tri, như cỏ, cây hay gạch ngói. Thân này không động, chỉ chuyển động vì sức gió. Thân này bất tịnh vì chứa đầy uế tạp. Thân này hư ngụy, tuy nhờ bởi tắm rửa, y phục, ẩm thực, rồi sẽ trở về tàn hoại diệt vong. Thân này nhiều tai họa, bị gây rối bởi một trăm lẻ một thứ tật bệnh.[48] Thân này như cái giếng trên gò,[49] vì sự già bức bách. Thân này vô định, nhất định sẽ chết. Thân này như rắn độc,[50] như kẻ thù,[51] như xóm hoang;[52] nó được tập thành bởi các uẩn, các giới, các xứ.
“Chư Nhân giả, thân này đáng chán như vậy, ta nên tầm cầu thân Phật. Vì sao? Vì Phật thân tức Pháp thân, sinh từ vô lượng công đức và trí tuệ; sinh từ giới, định, huệ, giải thoát và tri kiến giải thoát; sinh từ từ, bi, hỷ, xả; từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, cần hành tinh tấn, thiền định giải thoát, tam muội; sinh từ đa văn, trí tuệ, các ba-la-mật; sinh từ phương tiện; sinh từ sáu thông; sinh từ ba minh; sinh từ ba mươi bảy đạo phẩm; sinh từ chỉ quán; sinh từ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng; sinh từ sự đoạn trừ hết thảy pháp bất thiện, tập hết thảy pháp thiện; sinh từ sự chân thật; sinh từ sự không buông lung. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như vậy sinh ra thân Như Lai.
“Các Nhân giả, nếu muốn được thân Phật hầu chấm dứt hết thảy tật bệnh của chúng sinh, các ngài nên phát tâm cầu giác ngộ tối thượng”.
Trưởng giả Duy-ma-cật giảng Pháp cho những người đến thăm bệnh như vậy, khiến cho vô số nghìn khách viếng phát tâm vô thượng bồ-đề.*
___________________________________
[1] Ckh.: Thiện quyền phẩm 善權品. Lth.: Phương tiện phẩm 方便品. Htr.: Hiển bất tư nghị phương tiện thiện xảo顯不思議方便善巧品. VKN: Acintyopāyakauślyaparivarta.
[2] Htr.: Bồ-tát thuộc dòng họ Li-thiếp-tì tên là Vô Cấu Xưng 菩薩離呫毘種名無垢稱. VKN: Vimala-kīrti nāma licchaviḥ.
[3] Ckh.: đắc pháp nhẫn 得法忍. VKN: pratilabdhakṣāntiko, vị đã chứng đắc nhẫn.
[4] Htr.: đắc diệu biện tài 得妙辯才, sở đắc tài biện thuyết vi diệu; cf. Đại phẩm Bát-nhã, quyển 8, “Phẩm huyễn thinh”; Đại Bát-nhã kinh, quyển 499. VKN: labdhapratibhāna.
[5] Ckh.: thần thông bất hý 神通不戲. VKN: mahā-bhijñāvikṛḍtaḥ, bằng đại thần thông mà du hý.
[6] Đây chỉ 4 vô sở úy của Bồ-tát, bodhisattvānāṃ catvāri vaiśāradyāni.
[7] Lth.: hàng ma lao oán 降魔勞怨; Htr.: tồi ma oán lực 摧魔怨力. VKN: nihatamārapratyarhiko.
[8] VKN: gambīradharmanayasupraviṣṭaḥ, đã khéo léo đi vào nguyên lý của pháp sâu thẳm.
[9] Ckh.: xuất ư trí độ vô cực 出於智度無極. Lth.= Htr.: thiện ư trí độ 善於智度. VKN: prajñāpāramitā-nirjātaḥ, đã xuất sinh Bát-nhã ba-la-mật. Xem cht. 10 dưới.
[10] Ckh.: “Do thiện quyền phương tiện mà thâm nhập rộng rãi vào trong các đạo để thành tựu sở nguyện.” VKN: prajñā-pāramitānirjātaḥ/ upāyakauśalyagatiṃgataḥ prati-bhānasamanvā-gataḥ, “phát xuất từ Bát-nhã ba-la-mật, ông đã vận dụng thông suốt tính linh động của phương tiện, và thành tựu biện tài vô ngại.
[11] Hán: minh liễu chúng sinh tâm chi sở thú 明了眾生心之所趣. Ckh.: nhân căn danh đức sinh nhi cụ túc人根名德生而具足. Htr.: minh liễu hữu tình ý lạc cập hành明了有情意樂及行.VKN: sattvāśayacaritakuśalaḥ, thiện xảo về các chí hướng và hành vi của chúng sinh.
[12] Htr.: trí độ thành biện thuyết pháp thuần thục智度成辦說法淳熟. VKN: yathāpratyarhadharmadeśakaḥ, sự thuyết pháp của ông thích hợp theo từng đối tượng.
[13] Lth.= Htr. VKN: kṛtaniścayaḥ kṛtaśramaḥ, quả quyết, kiên trì nổ lực trong mọi hành vi.
[14] Ckh.: Phật Thánh thiện hành giai dĩ đắc lập 佛聖善行皆已得立 Lth. & Htr.: trụ Phật oai nghi 住佛威儀. VKN: buddheryāpathapratiṣṭhitaḥ, cử chỉ uy nghi đồng với chư Phật.
[15] Ckh.: giác ý như hải. Htr.: nhập tâm huệ hải. VKN: sāgaravarabuddhyanupraviṣṭaḥ, thâm nhập giác huệ bao la như đại dương.
[16] Lth.: nhẫn điều hạnh 忍調; Htr..: điều thuận nhẫn 調順忍. VKN: kṣamadamaprāpto.
[17] Ckh.: bạch y tinh tấn (avadāta-vīrya = udāta-vīrya?); VKN: uttapta-vīrya, dũng mãnh tinh tấn.
[18] Lth.: thiền tịch. Htr.: an trú tĩnh lự, chính niệm, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí. VKN: dhyānasmṛtisamādhisthito.
[19] Lth.: quyết định tuệ 決定慧; Htr.: chính quyết trạch 正決擇. VCS.: chính quyết trạch, chỉ tuệ vô lậu. VKN: prajñāniścayaprāpto, bằng quyết đoán của trí tuệ.
[20] Htr.: để nhiếp ích vọng kiến và ác tuệ. VKN: duḥprajñāna, ác huệ.
[21] Bạch y 白衣, “người bận áo trắng,” chỉ người thế tục. VKN: avādatavastradhārī.
[22] VKN: śramaṇeryāpathasaṃpanna, đầy đủ cử chỉ uy nghi của sa-môn.
[23] Phạm hạnh 梵行, Skt. brahmacārī, đời sống tuyệt dục. CDM.: Phạm hạnh, là hạnh thanh tịnh vô dục.
[24] Thường lạc viễn ly 常樂遠離, thường vui thú ẩn dật. Skt. vivekacārī.
[25] Lth. & Htr., đồng. VKN: sadā ca lakṣaṇaparicchinna, nhưng luôn luôn dứt bỏ ngoại hiện.
[26] Thiền duyệt vi vị 禪悅為味. Htr.: tĩnh lự đẳng chí vi vị 靜慮等至為味. VKN: vyānāhāraḥ, thức ăn là hơi thở của thiền, một trong năm loại sinh khí luân lưu trong cơ thể.
[27] Htr.: bậc Thượng thủ trong hàng thuyết giáo. VKN: sarvasaṃgaṇikāsu ca saṃdṛśyate sarvatra cāgrapūjitaḥ, ông xuất hiện trong tất cả chúng hội, trong tất cả mọi nơi đều được tôn kính bậc nhất.
[28] VKN: dharmavādī, người phát ngôn của công lý.
[29] Htr.: “Tuy không mong cầu tài bảo thế gian, vẫn tỏ ra sành sõi các lợi lộc thế tục.” VKN: sarva-vyavahārodyuktaśca na ca lābhabhogābhilāṣī, “tuy cùng tất cả hợp tác kinh doanh, nhưng không tham cầu thụ hưởng thế lợi.”
[30] Nguyên Hán: trị chính pháp. CDM, Triệu nói: “Chỉ quan chức thi hành pháp luật công chính.” Htr.: lý chư vương vụ 理諸王務, “giải quyết các công việc của triều đình.”
[31] Htr.: “để khiến mọi người an trụ chính niệm chính trí.” Htr.: “khiến họ phát khởi ý hướng thù thắng tu tương tợ phước.”
[32] Hán: thắng pháp 勝法. VKN: śreṣṭhadharma, nghĩa vụ của hàng trưởng thượng.
[33] Ckh.: “Để sửa đổi ngay thẳng tâm chí họ, bằng trung hiếu, khoan nhân, mà giáo hóa thói tục khinh bạc.” VKN: rājabhogaiśva-ryābhilāṣavinivarttanāya, khiến họ dứt bỏ tham cầu quyền lực vua chúa.
[34] Htr.: “chỉ cho thấy những sai biệt của tĩnh lự.” VKN: viśeṣajñānasandarśanāya, để khai thị trí tuệ thù thắng.
[35] VKN: aiśvaryānityatvasaṃdarśnāya, để chỉ cho thấy trạng thái vô thường của quyền lực chúa tể.
[36] Ckh.: Tứ thiên vương 四天王. VKN: Lokapāla.
[37] Htr.: “bằng cửa trí tuệ với vô lượng phương tiện thiện xảo bất khả tư nghị.”
[38] VKN: imam eva mahābhautikaṃ kāyaṃ ārabhya dharmaṃ deśayati sma, “ông thuyết pháp bắt đầu với thân thể được cấu thành bởi bốn đại chủng này.”
[39] Htr.: “Thân được cấu thành bởi bốn đại chủng này.”
[40] Viêm 炎. Luận Đại trí độ 6 (T25n1509, tr. 102b2): “Hơi nóng (viêm), đây là gió bụi bốc lên trong nắng, trông giống như ngựa nhảy giữa đồng trống, nên gọi là ngựa đồng (dã mã).” Từ dịch mượn của Trang Tử, Nam hoa kinh, Tiêu dao du: dã mã dã, trần ai dã. Sinh vật chi dĩ tức tương xuy dã, “Ngựa đồng, chính là bụi, do sinh vật lấy hơi thở thổi nhau.” Ckh.: như dã mã 如野馬. Htr.: như dương diệm 如陽焰. VKN: marīcyupama.
[41] VKN: yantrabhūto batāyaṃ kāyo sthisnāyuvinibandhaḥ, xương này như bó củi yếu ớt được ràng buộc bởi xương, gân. Thí dụ này khuyết trong các bản Hán.
[42] VKN: pūrvakarmapratibhāsatayā, do bởi ảnh tợ của nghiệp quá khứ.
[43] VKN: asvāmiko ‘yaṃ kāyaḥ nānāpratyayasaṃbhūtaḥ; nirvyā-pāro yaṅ kāyaḥ pṛthivisadṛśaḥ, “thân này không chủ tể, sinh ra từ nhiều duyên; thân này vô dụng, như đất.”
[44] Ckh.: “thân này là phi thân, như lửa.” Htr.: “… vô ngã, như nước.” VKN: anātmo ‘yaṃ kāyaḥ apsadṛśaḥ.
[45] VKN: nirjīvo.
[46] Htr.: “… không có hữu tình, như lửa.” Htr. còn thêm một dụ nữa không có trong Lth.: “Thân này không bổ-đặc-già-la (Skt. pudgala), đồng đẳng với hư không.” VKN: niṣpudgalo’yaṃ kāyaḥ vāyusadṛsaḥ; niḥsvabhāvo’yaṃ kāyaḥ ākāśasadṛśaḥ, “thân này không có con người, như gió; thân này không có tự thể, như hư không.”
[47] VKN: mahābhūtānām ālāyaḥ, là kho tích lũy (a-lại-da) bốn đại chủng.
[48] Htr.: “tập thành bởi 404 thứ bệnh.” VKN: caturuttaraiś caturbhī rogaśataiḥ, với hơn bốn trăm thứ bệnh.
[49] Hán: khâu tĩnh 丘井; CDM, Thập nói, “giếng trên gò, tức là giếng khô nơi gò nổng 丘墟 枯 井.” Htr.: “… dễ sập như đường hầm có nước 如水隧.” VKN: jīrṇodapānasadṛśo, như giếng khô.
[50] Rắn độc, thí dụ cho bốn đại, các giới (dhātu).
[51] Oán hại 怨害. VKN: vadhaka, kẻ sát nhân. Thí dụ cho uẩn (skandha).
[52] Không tụ 空聚, chỗ bọn cướp thường tụ tập. Thí dụ cho xứ (āyatana).
* Bản Hán, Htr., hết quyển 1.

Sunday, March 8, 2020

Chí Nhỏ, Chí Lớn

Chí Nhỏ, Chí Lớn

Vĩnh Hảo

Thử nhìn con người qua những giai tầng xã hội:
Chí lớn mà tài kém, cả đời chẳng làm nên đại sự gì.
Chí nhỏ tài cao, vào đời chỉ biết dọn đường mở lối cho tiểu nhân cầm cờ đứng lên.
Chí nhỏ không tài, nhờ ranh ma qua mặt kẻ dưới, lòn cúi dua nịnh người trên, có thể được thành công (trên thương trường hay chính trường), chễm chệ ngồi trên chóp đỉnh vinh quang.
Chí lớn tài cao mà không gặp thời vận, cũng trở thành kẻ bất đắc chí, lất lây một đời với nghèo khổ, bất hạnh; cố gắng bon chen để tìm một nấc thang nào đó trong xã hội thì bị đày đọa chèn ép bởi những kẻ bất tài, vô đức.
Nhưng chí lớn là chí như thế nào?
Kiếm tiền, làm giàu, bủn xỉn chắt mót từng xu để dành cho được số tiền lớn; mỗi ngày nhìn số tiền trong tài khoản ngân hàng tăng dần mà toại chí thành công?
Khổ nhọc học hành, quên ăn bỏ ngủ cho có được bằng cấp để hãnh diện, khoe khoang với người; không có thì tìm cách mua cho có… mới hài lòng, thỏa chí?
Lao tâm, khổ trí, dua nịnh kẻ có quyền, bợ đỡ đảng cầm quyền, dùng miệng lưỡi ru ngủ, dối gạt người để trèo lên đỉnh cao danh vọng quyền thế, hầu mặc sức nhũng lạm lợi ích cho cá nhân và gia đình bè phái, có phải chí lớn?
Chí lớn của kẻ sĩ ở đời, từ xưa đến nay, thực ra, không phải ở chỗ có được danh vọng, quyền thế, cũng không nhất thiết phải nắm được quyền bính để “trị quốc, bình thiên hạ” (1), vì không phải ai cũng có cơ hội này. Cốt lõi của trị quốc, an dân, cũng là chỗ mà chí lớn vươn tới, chính là mang lại lợi ích cho số đông, cho nhân quần xã hội. Có thể mượn hình ảnh của những nhà từ thiện vĩ đại như tỷ phú Bill Gates, Ni sư Chứng Nghiêm (2), v.v… làm biểu trưng cho chí nguyện lớn lao trên trần thế này. Tất nhiên nhờ có tài sản lớn mà họ có thể thực thi được nhiều điều ích lợi cho hàng triệu người trên trái đất; nhưng không phải ai có tiền cũng làm được điều họ làm. Điều to tát vĩ đại họ đem lại cho con người và cuộc đời được khởi đi từ Lòng Thương Rộng Lớn – Đại Bi Tâm. Họ không nắm quyền lực chính trị, không điều hành guồng máy quốc gia (theo nhiệm kỳ, hay độc tài vô thời hạn), nhưng ảnh hưởng của họ là rộng khắp, dài lâu, không có giới hạn thời gian.
Còn như nói chí lớn của kẻ trị quốc, theo quan điểm Phật giáo, không phải ở chỗ quốc gia đó lớn hay nhỏ, có tầm hạn cục khu vực hay tầm quốc tế, mà chính là ở chỗ vị “quân vương” đó có tâm chí và thuật trị quốc an dân như thế nào để xứng đáng được tôn xưng là “Chuyển Luân Thánh Vương.” (3) Vị quân vương ấy trước hết phải có từ tâm của bậc Thánh, hành xử của bậc Thánh, truyền rộng Chánh Pháp khắp nơi, mang lại lợi ích an vui cho toàn thế giới.
Và bây giờ, hãy nói về chí lớn của người tại gia và xuất gia đệ tử Phật.
Mục tiêu tối hậu của tất cả pháp hành là giải thoát, giác ngộ: giải thoát tự thân, giải thoát cho người; giác ngộ tự thân, giác ngộ cho người. Tâm nguyện hướng về mục tiêu ấy là chí lớn. Chí lớn ấy cũng khởi phát từ bi-nguyện cứu khổ chúng sinh. Vì khổ não của thế gian mà đem cả thân tâm, hướng về giải thoát, giác ngộ. Nói rõ hơn thì chí lớn của người tu Phật là thành Phật, tức là được giải thoát và giác ngộ hoàn toàn như Đức Phật để có thể cứu độ tất cả chúng sinh.
Không nuôi dưỡng và thực hiện chí nguyện cao xa này thì dù tại gia hay xuất gia, cũng chỉ là lạm xưng: không thể là kẻ “thừa tự Chánh pháp” (4).
Đừng nói chí lớn là tạo dựng chùa chiền nguy nga “hoành tráng” hay những kỷ lục quốc gia, châu lục, thế giới… (trong khi muôn dân đói rách lầm than).
Đừng nói chí lớn là nỗ lực leo hết những thang bậc giới phẩm trong giáo hội hay chức vụ trong thế quyền (mà không nhớ rằng tất cả danh vọng, quyền lợi của thế gian đối với bậc hiền trí vô tham đều phù phiếm như đôi dép bỏ).
Đừng nói chí lớn là gán ghép Đức Phật song hành với một lãnh tụ chính trị, hoặc hệ thống tổ chức Phật giáo đồng hành với một đảng phái thế tục bất nhân, bất cận nhân tình. (Song hành và đồng hành thế nào được giữa Phật và Ma, giữa Chánh và Tà, giữa Thiện và Ác… trong khi sinh linh rên siết thống khổ mà người con Phật thờ ơ, không khởi lên được chút từ tâm để dang tay cứu độ!)
Chí nguyện của người con Phật, đặc biệt là người xuất gia, thật phi thường, cao viễn; không có thước đo hay bằng khen thưởng nào của thế gian có thể chạm đến được. Chí nguyện thâm thiết ấy đã được cất lên từ khi mới bước vào thiền môn, cạo bỏ tóc xanh, tham dự hàng ngũ xuất trần:
“Hủy hình thủ khí tiếtCát ái từ sở thânXuất gia hoằng Phật đạoThệ độ nhất thiết nhân.” (5)
Dù đã trải qua 20 năm, 30 năm, cho đến nửa thế kỷ hay gần một thế kỷ tu tập, những vị trưởng tử Như Lai cũng cần khắc ghi và thắp sáng chí nguyện ban sơ này.
Vì lợi ích cho số đông mà hoằng truyền Chánh Pháp. Vì thương chúng sinh mê mờ khổ ách mà nguyện dấn thân độ khắp. Chí nguyện như vậy, trùm khắp nhân gian, có đâu mà lẩn quẩn trong lợi danh, quyền thế bé nhỏ tầm thường.
California, ngày 19 tháng 5, năm 2019
Kỷ niệm ngày sinh Đức Từ Phụ
Vĩnh Hảo
Nguồn: www.vinhhao.info 
__________________
(1)      “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (4 trong 8 mục để thực hiện cương lĩnh của Nho giáo – gồm có: Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ, do Khổng Tử đề ra trong sách Đại Học – một trong Tứ Thư).
(2)      Pháp sư Chứng Nghiêm, 1937, vị danh Ni của Phật giáo Đài Loan, đệ tử của Đại Sư Ấn Thuận. Pháp Sư Chứng Nghiêm thành lập Hội Công Đức Từ Tế vào năm 1966 với 30 thành viên là các phụ nữ nội trợ và số tiền dành dụm ít ỏi. Hiện nay thành viên của Hội Từ Tế đã lên đến 5 triệu người trên 30 quốc gia từ Đông sang Tây; hoạt động rộng khắp cho công ích xã hội với việc cứu trợ nghèo đói, thiên tai, đóng góp to lớn cho y tế, giáo dục quốc gia và quốc tế.
(3)      Theo kinh Phật, Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua “…trị vì quả đất này cho đến hải biên, dùng Chánh pháp trị nước, không dùng trượng, không dùng kiếm…” Ở một đoạn khác, khi vị thái tử nối ngôi Chuyển Luân Thánh Vương hỏi vua cha ‘Thế nào là Thánh Vương Chánh Pháp?’ thì được trả lời: “Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho quần thần, cho Bà la môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa môn, Bà la môn, cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm gì phi pháp trong quốc độ của con… Con hãy ngăn chận họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ làm điều thiện. Này con thân yêu, như vậy là Thánh vương Chánh pháp.” (Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, 26. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, HT. Thích Minh Châu dịch)
(4)      “Thừa tự Chánh pháp” là thừa kế sự nghiệp của Đức Thế Tôn bằng cách thực hành Chánh Pháp. Kinh Bất Đoạn trong Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya,có câu tán thán Thánh giả Sariputta (Xá-lợi-phất) như sau: “Người này là con chánh tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành, thừa tự Chánh pháp, không thừa tự vật chất.”
(5)      Hủy hình giữ khí tiết / Cát ái, xa người thân / Xuất gia hoằng Phật đạo / Thề độ hết chúng sinh.