Wednesday, May 27, 2020

Nguyên Giác: Vô Tướng Tam Muội

Vô Tướng Tam Muội
Nguyên Giác

Bài viết này sẽ khảo sát về Vô Tướng Tam Muội, một pháp môn ít được chú ý hiện nay. Lời Đức Phật và chư tổ truyền dạy sẽ được trình bày một cách thực dụng nơi đây, hy vọng làm cửa vào cho nhiều độc giả. Bài viết phần lớn sẽ dựa vào kinh luận, vì bản thân người viết không có thẩm quyền nào. 
Đức Phật đã dạy đường vào giải thoát có nhiều cửa, không phải chỉ một. Học nhân thời nay, đặc biệt là tại Tây Phương, không chú ý nhiều về Vô Tướng Tam Muội, nhưng đây lại là một cửa vào giải thoát phổ biến trong Thiền Tông Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, và Đại Hàn. Có thể tóm tắt pháp môn này là, “Không hề có một pháp nào để làm.” Bởi vì phải thấy ngay rằng không hề có một chỗ nào trong tâm để bấu víu.

Kinh Trường A Hàm DA 12 nói về nhiều pháp dẫn tới Niết Bàn, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, trích:
Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân. Đó là một pháp dẫn đến Niết-bàn. (...)
“Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? Chỉ và quán.(...)
“Thế nào là ba pháp dẫn đến Niết-bàn? Ba tam-muội: không tam-muội, vô tướng tam-muội, vô nguyện tam-muội.(...)
“Thế nào là bốn pháp dẫn đến Niết-bàn? Bốn niệm xứ: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.(...)
“Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.(...)
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.(...)
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến Niết-bàn? Bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, hỷ giác chi, xả giác chi.(...)
“Thế nào là tám pháp dẫn đến Niết-bàn? Tám Hiền Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.(...)
“Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát.(...)
“Thế nào là mười pháp dẫn đến Niết-bàn? Mười trực đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí...” (1)
Pháp môn Vô Tướng Tam Muội như thế tương thông với Không Tam Muội và Vô Nguyện Tam Muội.

Bởi vì vào cửa bằng vô tướng, cho nên có khi quý ngài tự ngờ vực dù là đã đạt được pháp định vô tướng, thấy tâm không dao động (xa lìa các đợt sóng vọt lên, chìm xuống trong tâm), có khi giải thoát (thấy tâm lúc đó lìa tham sân si) rồi mới an trụ (sau mới thấy định), và có khi theo chiều ngược lại. Kinh Phật kể về một vị tỳ kheo đạt được vô tướng tam muội, mới đi tìm ngài Anan (một trí nhớ kho tàng kinh điển, một thư viện sống) để hỏi, nhưng tới gần ngài Anan tới 6 năm mới mở miệng hỏi. Kinh không giải thích vì sao vị này chờ 6 năm mới hỏi.
Kinh Tạp A Hàm SA 558, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết, trích:
Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia đạt được vô tướng tâm tam-muội, nghĩ rằng: “Ta hãy đến chỗ Tôn giả A-nan, hỏi Tôn giả, nếu Tỳ-kheo đạt được vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì? Nếu Tôn giả A-nan hỏi ta: ‘Tỳ-kheo, ông đã đạt vô tướng tâm tam-muội này phải không? Đáp, tôi chưa từng có’. Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn giả A-nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe.”
Tỳ-kheo này đi theo Tôn giả A-nan suốt sáu năm, mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự hỏi Tôn giả A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo hỏi vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A-nan hỏi Tỳ-kheo này:
“Tỳ-kheo, ông đã đạt tam-muội này chưa?”
Tỳ-kheo này im lặng. Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo này rằng:
“Nếu Tỳ-kheo đã đạt tâm vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức.”(2)

Trong một kinh khác, Đức Phật nói rằng trong các pháp định, đệ nhất là Không Tam Muội, từ đây dẫn tới Vô Nguyện Tam Muội, và rồi tới Vô Tướng Tam Muội. Đức Phật giải thích rằng Không Tam Muội là không thấy có mình, không thấy có người, không thấy có thọ mệnh (tức là thấy pháp vô sinh diệt), và do vậy không tạo ra gốc rễ của hành (tức gốc rễ sinh tử luân hồi; chúng ta có thể nhắc rằng các việc làm không cố ý sẽ không nhất thiết thọ quả báo, vì tác ý chính là nghiệp).
Kinh Tăng Nhất A Hàm EA 45.6 ghi lời Đức Phật dạy, qua bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, trích:
Lành thay, lành thay, như Xá-lợi-phất mới có thể an trú nơi Không tam-muội. Vì sao vậy? Trong các tam-muội, Không tam-muội là tối thượng đệ nhất. Tỳ kheo an trú Không tam-muội không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có bản mạt của các hành. Do không thấy có, nên không tạo gốc rễ của hành. Do không có hành nên không còn tái sinh đời sau. Do không còn tái sinh đời sau nên không còn thọ nhận quả báo khổ lạc. Xá-lợi-phất, nên biết, ngày xưa khi Ta chưa hành Đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: Các loài chúng sinh này do không nắm bắt được pháp gì mà phải trôi lăn trong sinh tử, không được giải thoát? Khi ấy, Ta lại nghĩ, vì không có Không tam-muội nên phải trôi nổi sinh tử, không được giải thoát. Có Không tam-muội này, nhưng chúng sinh chưa đạt được, khiến chúng sinh khởi tưởng niệm đắm trước. Do khởi tưởng thế gian nên thọ nhận phần sinh tử. Nếu đạt được Không tam-muội này, không có gì là sở nguyện, do đó đạt được Vô nguyện tam-muội. Do đạt được Vô nguyện tam-muội, không mong cầu chết nơi này sinh về nơi kia; hoàn toàn không có tưởng niệm. Bấy giờ hành giả ấy lại đạt được và an trú trong Vô tướng tam-muội.” (3)

Câu hỏi nên nêu ra là: có cách nào để nhận ra tánh không trong các pháp? Đức Phật dạy rằng, nhận ra Pháp Duyên Khởi chính là tương ưng với Không. Tức là, vì cái này có, nên cái kia có. Cũng như tiếng đàn nghe được, có chẻ cây đàn ra làm trăm mảnh cũng không tìm được, vì nhiều duyên (người đàn, tài năng, học đàn nhiều năm, gỗ rừng cưa về làm đàn, dây đàn, người nghe…). Không đủ duyên, pháp không hiện lên.
Kinh SA 293, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết:
Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận duyên khởi xuất thế của bậc Hiền thánh tương ưng với Không. Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi…” (4)
Như thế, khi nhận ra tánh không (từ luật duyên khởi), chúng ta sẽ không xem bất cứ những gì trước mắt và bên tai như là có thực nữa. Tất cả các pháp đều không thực tướng, không chỗ nào để khởi tâm bấu víu (tức là, tự nhiên sẽ thấy không còn tư lường nghĩ ngợi gì, sau khi nhận ra tánh không).

Kinh Tăng Nhất A Hàm EA 24.10, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng ghi lời Đức Phật dạy cách quán để vào Không: 
Có ba tam-muội này. Những gì là ba? Là Không tam-muội, Vô tướng tam-muội, Vô nguyện tam-muội.
“Thế nào là Không tam-muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư. Đó gọi là không tam-muội.
“Thế nào là vô tướng tam-muội? Vô tướng là đối với tất cả các pháp tất cả đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy. Đó gọi là vô tưởng tam-muội.
“Thế nào là vô nguyện tam-muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu. Đó gọi là vô nguyện tam-muội.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, ai không đạt được ba tam-muội này thì ở lâu nơi sinh tử, không thể tự giác ngộ.” (5)

Tương tự, ngài Mục Kiền Liên giải thích về pháp định vô tướng, qua Kinh Tương Ưng SN 40.9, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:
Vô tướng tâm định, Vô tướng tâm định” (animitto cete samādhi), như vậy được nói đến. Thế nào là Vô tướng tâm định?
Và này chư Hiền, tôi suy nghĩ như sau: “Ở đây, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú Vô tướng tâm định”. Ðây gọi là Vô tướng tâm định.
Rồi này chư Hiền, tôi không tác ý tất cả tướng, chứng và an trú Vô tướng tâm định. Này chư Hiền, do tôi trú với an trú này, (tôi đạt được) thức tùy thuận tướng (nimittànusarivinnànam).” (6)

Hễ đã nhận ra pháp duyên khởi, tức nhận ra tánh không trong cả nội xứ và ngoại xứ, tâm sẽ tự nhiên tịch lặng, nhìn thấy thân tâm mình y như xác chết đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi, đang nói, đang cười trong cõi huyễn hóa, và thấy được thực tướng chính là vô tướng. 
Kinh EA 40.8, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết:
Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hóa, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.” (7)
Thấy các hành rỗng lặng, thấy sanh diệt huyễn hóa, thấy duyên khởi không tánh, thấy các pháp đều không hư, thấy niệm tưởng tư lường tự nhiên vắng bặt (vì tâm đã không, và không còn gì để khởi tưởng lành dữ, đúng sai, ưa ghét…), tức là thấy tánh, còn gọi là thấy thực tướng vô tướng, còn gọi là thấy bản tâm, còn gọi là thấy pháp thân Phật.
  
Chúng ta có thể lấy một thí dụ như sau để nói về bản tâm. Giả sử như trong một hý viện tại Hà Nội hay Sài Gòn, một buổi trình diễn nhạc dân tộc truyền thống, với tham dự của 500 quan khách từ nhiều quốc tịch (Việt, Pháp, Mỹ, Hoa, Nhật, Hàn…). Tất cả mọi người cùng nhìn thấy trên sân khấu có vài chục nhạc sĩ sử dụng đàn tranh, đàn đá, đàn bầu, sáo, vân vân… trong các bộ trang phục cổ truyền dân tộc Việt. Tất cả quan khách cùng nhìn thấy sân khấu rực rỡ như thế, và thấy như thế là qua tâm mỗi người, nhưng cái được thấy (hình ảnh, màu sắc…) tùy theo từng quan khách sai biệt nhau do duyên (tùy vị trí ghế ngồi, mắt bình thường hay mắt cận, viễn…). Không phải cái thấy là của riêng quan khách A hay B, dù cái được thấy hiển lộ dị biệt. Bởi vì cái thấy là do tâm, nhưng không ai chủ động được cái thấy, không ai tự bảo hình ảnh phải được thấy trễ một chút hay sớm một chút, vì không ai chủ động từng khoảnh khắc cái thấy trừ phi nhắm mắt. Tức là có cái được thấy, nhưng không có chủ thể cái thấy. Hễ lúc đó khởi niệm tư lường là lạc mất, là níu vào cái thấy của quá khứ, mất cái thấy hiện tiền. Cái thấy không phải riêng hay chung, không phải là của mình, và tương tự cũng không phải là của người nào. Nhưng lìa thân ngũ uẩn ra, không có hiển lộ từ cái thấy.
Tương tự, với tai nghe. Tất cả quan khách cùng nghe người dẫn chương trình nói tiếng Việt, nhưng chỉ người biết tiếng Việt mới hiểu (tức là, có duyên sinh làm người Việt hoặc được học tiếng Việt). Tất cả mọi người cùng nghe say mê tiếng sáo, tiếng đàn vì không có lời, nhưng thẩm âm mỗi người khác nhau tùy kiến thức âm nhạc và sở thích. Người Nam có thể ưa nghe đờn ca tài tử hơn, người Bắc có thể ưa nghe các điệu quan họ hơn. Tất cả cùng nghe, nhưng không ai chủ động được cái nghe. Không ai tự bảo là có thể hoãn nghe hay tự dặn là nghe chậm hay nghe sớm hơn, vì không ai chủ động từng khoảnh khắc cái nghe trừ phi bước ra ngoài. Tức là có cái được nghe, nhưng không có chủ thể cái nghe. Hễ khởi niệm tư lường là lạc mất, là níu vào cái nghe của quá khứ, mất cái nghe hiện tiền. Cái nghe không phải riêng hay chung, không phải là của mình, và tương tự cũng không phải là của người nào. Nhưng lìa thân ngũ uẩn ra, không có hiển lộ từ cái nghe.
Tượng tự, với cảm thọ của thân. Lúc đó có thể cảm nhận hơi gió lạnh hoặc ấm từ máy điều hòa không khí. Không ai bắt được thân mình cảm thọ nhiều hay ít hơn, nếu không mang theo áo ấm, vân vân. Tức là có cái được cảm thọ, nhưng không có chủ thể cái cảm thọ. Hễ khởi niệm tư lường là lạc mất, là níu vào cái cảm thọ của quá khứ, mất cái cảm thọ hiện tiền. Cái cảm thọ không phải là của mình, và tương tự cũng không phải là của người nào. Nhưng lìa thân ngũ uẩn ra, không có hiển lộ từ cái cảm thọ.
Như thế, bản tâm, hay là cái tánh thấy nghe hay biết, tuy do duyên hiển lộ khác nhau, nhưng không hề có cái gì gọi là “tôi hay người” hay “của tôi hay của người” trong đó, không hề gọi được là nhiều hay ít, không chỉ được là ở trong hay ngoài (thân tâm), không trước không sau, không hề có phân biệt ưa ghét hay lành dữ… Ngay ở bản tâm đó là lìa tham sân si, là gương tâm chiếu sáng (để thấy nghe hay biết). Thấy được tánh này sẽ thấy mình và người và các pháp không cách biệt (Huyền Quang: Hồn nhiên người với hoa vô biệt). Đó là lý do cổ đức nói rằng tâm này lìa sinh diệt, vì niệm là sinh diệt nhưng gương tâm không hề mất tánh sáng thấy nghe hay biết, và niệm (có sinh, có diệt) không phải là bản tâm. Cổ đức còn nói rằng tâm này bao trùm trời đất. Nhận ra bản tâm sẽ thấy không có gì để tu hết, vì không còn thấy có mình hay người nữa.

Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thầy Duy Lực, giải thích về tâm này, trích:
Sao gọi là Ma Ha? Ma Ha là đại, tâm lượng quảng đại như hư không, chẳng có biên giới, cũng chẳng vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng chẳng trên dưới dài ngắn, cũng chẳng giận, chẳng vui, chẳng phải chẳng quấy, chẳng thiện chẳng ác, chẳng đầu chẳng đuôi. Các cõi Phật đều đồng như hư không, diệu tánh con người vốn không, chẳng có một pháp có thể đắc, tự tánh chơn không cũng như thế. Thiện tri thức, chớ nên nghe ta nói KHÔNG mà liền chấp KHÔNG. Trước nhất chớ chấp KHÔNG, nếu để tâm KHÔNG tĩnh tọa là lọt vào VÔ KÝ KHÔNG. Thiện tri thức, thế giới hư không bao hàm sắc tướng vạn vật, mặt trời mặt trăng, núi sông đất đai, cây cối, biển lớn, kẻ dữ người lành, pháp ác pháp thiện, thiên đàng địa ngục, tất cả đều ở trong hư không, TÁNH KHÔNG của con người cũng vậy. Thiện tri thức, tự tánh hay bao hàm muôn pháp là ĐẠI,muôn pháp đều ở trong tự tánh của con người. Nếu thấy điều dữ điều lành của người, tất cả đều chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng chấp chẳng nhiễm, tâm như hư không gọi là ĐẠI, nên nói là MA HA. Thiện tri thức, kẻ mê miệng nói, người trí tâm hành. Lại có kẻ mê để tâm không mà tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, tự xưng là đại, với bọn người này không thể nói gì được, vì họ bị rơi vào tà kiến. Thiện tri thức, tâm lượng quảng đại cùng khắp pháp giới, dùng thì liễu liễu rõ ràng, ứng dụng liền biết tất cả. Tất cả tức một, một tức tất cả, tới lui tự do, tâm thể vô ngại tức là BÁT NHÃ.” (8)

Thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động thuộc tỉnh Ninh Bình, thời vua Minh Mạng, trong sách Bát Nhã Trực Giải đã giải thích về tâm này như sau, qua bản dịch của Thầy Thích Nhật Quang, trích:
Nói Lớn thì không có cái gì hơn Tâm, nên nói Tâm bao trùm cả thái hư, lượng khắp các cội nước nhiều như số cát, dọc suốt ba đời, ngang giáp mười phương. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Phải biết hư không sanh trong tâm ông giống như một đốm mây điểm trên bầu trời xanh, hà huống thế giới ở trong hư không ư!". Do đó, biết thế giới bao hàm cõi nước, hư không bao hàm thế giới, tâm bao hàm hư không, nên Rộng lớn là nói về thể lượng của tâm. Rộng lớn khắp giáp hàm dung như thế, nhưng tâm thể tuy lớn, thánh phàm bình đẳng mà lại có trong đục, mê ngộ, thuận trái khác nhau. Tại Thánh thì từ lâu đã lóng đục thành trong, bỏ mê về ngộ, bỏ trái về thuận, cho nên thường thanh tịnh giác ngộ. Quán tất cả các pháp sắc không muôn tượng, biết là sắc huyễn như hoa đốm trong hư không, chỉ do tâm tạo ra, vốn chẳng phải thật có, nên chẳng sanh tâm phân biệt phan duyên. Hễ được Như như chẳng động thì Diệu tánh chân như trong lặng, sáng ngời, sự thấy biết tròn sáng khắp cùng các cõi nước nhiều như cát bụi. Pháp giới nầy thuần là Diệu tánh chân như, không có một tướng nào, một vật gì chẳng phải là chân như. Kinh Kim Cang nói: "Chẳng chấp nơi tướng thì như như chẳng động". Còn kẻ phàm phu thì chấp tướng trái giác theo trần, mê mờ căn tánh chạy theo thức tình. Thức tánh hư vọng bị các tướng làm cho tối tăm liền có năm lớp hỗn trược. Quán tất cả pháp sắc không muôn tượng, chẳng biết là chỉ do tâm hiện ra, từ nhân duyên sanh, duyên sanh không có tự tánh, vốn chẳng phải thật có. Mê tâm vọng chấp là thật, khởi niệm phân biệt thiện ác, tốt xấu, có không, hay dở, tranh chấp, nhân ngã, buông thả tham sân si. Vừa khởi tâm động niệm bèn là chân như chẳng giữ tự tánh, theo vào vô minh. Từ đây tối tăm vẩn đục, chỉ biết có niệm lực và gọi đó là tâm, nên vĩnh viễn trái nghịch tánh chân như vắng lặng chiếu soi, trong sạch rộng lớn. Tâm niệm lự thì ở đâu cũng thiên cuộc, thế nên nhỏ hẹp, tối tăm, vẩn đục, mà chẳng phải là tâm thể rộng lớn trong sạch nầy. Muốn thấy tâm thể rộng lớn trong sạch nầy, chỉ cần dứt tâm niệm lự phân biệt kia thì tâm sẽ vắng lặng mà thường chiếu, chiếu mà thường lặng.” (9)
  
Như thế, nhận ra tâm này, sẽ thấy được tánh không trong vạn pháp, sẽ hiểu được diệu lý “ngộ trước, tu sau” và khi thấy tất cả tâm không, tức là thấy được pháp môn không hề có cửa vào của Thiền Tông. Đó cũng là Vô Tướng Tam Muội. 
  
GHI CHÚ:




.



Tuesday, May 26, 2020

Thích Phước An: Một Vài Suy Nghĩ Về Hệ Thống Tổ Chức Của GHPGVN

Một Vài Suy Nghĩ Về Hệ Thống Tổ Chức Của GHPGVN

Thích Phước An

1. Hoàn cảnh đau buồn của Phật Giáo Việt Nam hiện nay:

Khi cuộc vận động đòi kinh bình đẳng tôn giáo được chính thức phát động tại Huế vào Phật Đản 1963, thì lúc đó tôi mới chỉ là chú điệu học lớp đệ lục. Đã hơn ba thập niên qua rồi, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí lo âu của những người cùng lứa tuổi như tôi vào một buổi chiều tại chùa Linh Sơn ở Đà Lạt, sau khi nghe đài BBC loan tin Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn. Thực ra, lo âu thì ít nhưng sung sướng và hãnh diện thì nhiều.

Rồi tiếp theo là Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 1-11-1963, rồi đầu năm 1964 một đại hội Phật giáo được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, hai hệ thống tư tưởng lớn nhất của Phật giáo, hai hệ thống tư tưởng lớn nhất của Phật giáo là Đại thừa và Tiểu thừa được chính thức thống nhất ra đời. Chưa bao giờ tinh thần Phật Giáo của thời đại Lý – Trần lại sống dậy trong tâm hồn của những người tăng sĩ trẻ tuổi một cách mãnh liệt như vậy.

Nhưng niềm vui cũng như hy vọng đó chẳng bao lâu đã nhường chỗ cho nỗi lo âu và mất mác. Năm 1966 cũng tại Huế, Phật giáo đã phát động phong trào đòi tự do dân chủ. Chính cuộc vận động này là nguyên nhân đầu tiên đã dẫn đến chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo.

Giao điểm đã chủ trương rất đúng khi viết: “Đã đến lúc phải nhìn lại chính mình trước tấm gương lạnh lùng và trung thực của sự thật. Đã đến lúc phải biết phân biệt để củng cố lại cái gì là bất biến và phát huy cái gì là tùy duyên. Bằng trí tuệ Bát Nhã và bằng tâm nguyện Bồ Tát”. Nếu chúng ta không can đảm nhìn vào sự thật như vậy thì đúng như lời nhận định của giáo sư Lý Nguyên Quán : “Như một căn bệnh không thể chữa lành khi người ta chỉ tìm cách che đậy, trốn tránh hay loanh quanh với những lý luận mơ hồ, không ăn nhập gì với hiện trạng”.

Vậy bây giờ đã hơn ba thập niên qua rồi, ta thử tìm hiểu lý do nào mà chỉ trong khoảng chưa đầy ba năm, tính từ 1963 mà Phật giáo lại phải phát động thêm lại hai cuộc đấu tranh nữa chống lại hai chính phủ. Năm 1965 với chính phủ Trần Văn Hương và năm 1966 với chính phủ quân sự Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ :

– Lý do mà ta có thể dễ thấy nhất là, sau gần một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách của thực dân Pháp và tiếp đến là chín năm dưới chính phủ Thiên Chúa giáo của Ngô Đình Diệm; nên các nhà lãnh đạo Phật giáo hầu như nghi ngờ hết tất cả các giới cầm quyền.

– Quá thất vọng khi thấy khí thế của cuộc cách mạng 1-11-1963 cứ tàn lại dần bởi những chính phủ kế tiếp.

– Còn một lý do nữa mà tôi cho là cũng rất quan trọng khiến Phật giáo cứ dấn thân mãi vào những cuộc đấu tranh là, sau thành công 1963, một số ít những nhà lãnh đạo Phật giáo hơi tự mãn. Từ sự tự mãn dẫn đến chủ quan. Vì vậy, đã đánh giá sai tình thực tế lúc đó là:

– Phật tử đã quá mệt mỏi sau các cuộc đấu tranh 1963 và 1965.

– Chiến tranh đã tràn vào các thành phố, nên đã rất có lợi cho các tướng lãnh cầm quyền. Họ sẽ viện lý do này để dập tắt cuộc đấu tranh, và trong thực tế họ đã làm như vậy.

– Các thể lực chính trị lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị lợi dụng cuộc đấu tranh của Phật giáo mà khai thác và lợi dụng, mà Phật giáo thì hầu như bất lực trong việc kiểm soát nội bộ của chính mình.

Theo tôi, đó là những lý do khiến cho cuộc vận động đòi tự do dân chủ của Phật giáo đã thất bại.

Nhưng dù sao thì đó cũng là thất bại trong ngắn hạn, nghĩa là Phật giáo không đem lại một chính phủ dân chủ tức thời cho đất nước như mục tiêu mà Phật giáo đã đề ra. Nhưng nếu nhân dân miền Nam, đặc biệt là giới trí thức trẻ ở các thành thị đã trưởng thành nhiều về mặt chính trị thì tất nhiên chính là nhờ những cuộc vận động liên tục của Phật giáo, dù Phật giáo đã phải trả một cái giá rất đắt. Tuy nhiên, tôi cho rằng những thế lực chính trị bên ngoài không phải là nguyên nhân chính đã gây ra phân hóa và chia rẽ Phật giáo Việt Nam từ năm 1963 đến nay, mà nguyên nhân chính là hệ thống tổ chức Giáo Hội.

Như chúng ta đều biết, hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), thiết lập cơ sở từ trung ương đến địa phương rập khuôn cách tổ chức của một nhà nước. Năm 1981, thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập. Mặc dù nội dung bản Hiến Chương khác xa nhau, nhưng cách sắp xếp các chức vụ để điều hành Phật sự thì lại hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác cách gọi mà thôi, ví dụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thì đổi là Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, còn Tổng Vụ Trưởng thư đổi là Trưởng Ban, các chức vụ ở Tỉnh và huyện cũng thế, Chánh Đại diện tỉnh thì nay gọi là Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh v.v…

Thực ra, các nhà sáng lập ra GHPGVNTN đã cưu mang hoài bão rất lớn cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam (được thể hiện qua lời mở đầu hiến chương, rất ngắn gọn nhưng lại súc tích vô cùng). Tuy nhiên hoài bão lớn nhưng lại quên đi vấn đề nhân sự để phục vụ trong cơ chế ấy. Tăng sĩ của Phật giáo Việt Nam tương đối khá đông, nhưng có được bao nhiêu tăng sĩ thõng tay vào chợ đời mà không bị quyến rũ. Thực tế là từ năm 1963 đến nay, một số tăng sĩ đã xem hệ thống tổ chức của Giáo Hội như là nơi tiến thân rất tốt cho bản thân họ (Dù những tăng sĩ này chỉ là thiểu số, nhưng con sâu thì luôn luôn làm rầu nồi canh). Một số ít họ vào đạo để làm việc đó, vì việc tiến thân trong đạo có vẻ dễ hơn, vì họ đã có sẵn cái hình thức của kẻ đã vứt bỏ hết mọi ham muốn thế tục, mặc dù tâm niệm cũng như hành động của một thiểu số đó là thế tục hơn cả thế tục nữa.

Trước 1975, các tăng sĩ chỉ giữ các chức vụ trong giáo hội, thế nhưng không khí trong chốn thiền môn đã bắt đầu ô nhiễm bởi lợi danh giống như người thế gian rồi. Vậy mà từ 1981 đến nay, ngoài các chức vụ trong giáo hội, các tăng sĩ có điều kiện lại còn dòm ngó đến các chức vụ ngoài thế gian nữa, như thành viên mặt trận, hội đồng nhân dân tỉnh, thành, v.v… nên không khí trong chốn thiền môn đã bị ô nhiễm hơn. Đó là chưa nói đến việc các văn phòng của giáo hội hiện nay, không thiếu gì những ông xã trưởng, lý trưởng ở thời phong kiến, hay chủ tịch phường, chủ tịch xã trong những năm dưới thời bao cấp. Những tăng sĩ này ngồi đó, không phải để hướng dẫn Phật tử tu học và từ bỏ bởi những ràng buộc của thế gian, mà họ ngồi đó để tự khẳng định quyền hành của mình qua những nguyên tắc hành chính của thế gian vậy. Đúng như lời nhận định của giáo sư Lý Nguyên Quân: “Thiếu nội lực và yếu kém phẩm chất mà lại mang thân vào đời để đảm nhận các mặt thế trị phức tạp của một tổ chức giáo hội như yêu cầu mong muốn thì thật khó tránh được cái “họa sát thân”. Cái họa đã rõ, ít ra là từ 1963 đến nay. Ngoại trừ một số vị giữ mình nghiêm mật, còn một số lớn đã không tránh được cái bả lợi danh của thế tục”.

Đây quả là thực trạng đáng buồn và nhất là đáng xấu hổ của Phật Giáo Việt Nam hiện nay.

2. Nguyên nhân căn bệnh và phương pháp chữa trị

Bài “Phật Giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ 21″ của Giáo sư Lý Nguyên Quân đăng ở “Phật Giáo trong thế kỷ mới” tập I do Giao Điểm xuất bản tại Hoa Kỳ 1996. Theo tôi, không những Giáo Sư đã nói lên được tấm lòng của chính mình mà dường như còn nói thay cho những người đã từng đem hết tấm lòng mình hiến dâng cho Phật Giáo Việt Nam, hay những kẻ đã từng “khóc cười” với Phật Giáo Việt Nam, nói theo cách nói của giáo sư.

Cũng chính trong bài ấy, tác giả không những đã tìm thấy được nguyên nhân căn bệnh, mà gần như còn đưa ra được phương pháp để chữa trị căn bệnh trầm kha của Phật Giáo Việt Nam. Nghĩa là đã phát họa đại cương cho hướng đi của Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ mới. Theo giáo sư Lý Nguyên Quân thì, Phật Giáo Việt Nam ít nhất là từ 1963 đến nay “cứ bị lôi cuốn hút vào cơn lốc của thời thế để không có được những quan tâm đúng mức nhu cầu sanh tử này của Phật giáo”.

Nhu cầu sanh tử này là gì? Giáo sư viết “Như xương sống của cơ thể, những trung tâm tu học và truyền thống tu tập là yếu tố quyết định tối hậu cho lịch sử hưng vong của Phật giáo xưa nay. Thử tượng tượng, Phật giáo Trung Hoa mà không có các bậc cổ đức đời đời nối tiếp thiết lập các đạo tràng dịch kinh, giảng kinh, nói pháp, thành lập các pháp môn tu tập Thiền, Tịnh và các tòng lâm hướng dẫn đồ chúng tu tập thì di sản Phật Giáo Trung Hoa có còn gì ? Như Phật Giáo Nhật Bản, không phải là Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản, thường được xem là cơ cấu đại diện cho Phật Giáo Nhật Bản. Nắm mạng mạch của Phật giáo ở đây, mà chính là hệ thống của tông phái với những sắc thái sinh hoạt và truyền thống tu tập khác nhau được giữ gìn đã tạo nên cái sức sống cho Phật giáo xứ này. Phật Giáo Tây Tạng đang phải chịu đựng một trong những thảm kịch đau thương nhất của lịch sử dân tộc mà tương lai chưa biết thế nào thì Phật Giáo Tây Tạng theo cùng tình cảnh lưu vong của một phần dân tộc họ, lại đang ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh và trí tuệ của con người Tây phương”.

Như vậy, qua kinh nghiệm của lịch sử Phật Giáo Nhật Bản, Trung Hoa và đặc biệt là vị trí của Phật Giáo Tây Tạng hiện nay thì, sở trường của Phật Giáo chính là những giá trị tâm linh siêu việt. Nhưng thế giới tâm linh siêu việt lại chỉ thành tựu trong các tu viện, thiền viện, hay nơi những cá nhân sống âm thầm xa trần tục, chứ không phải tại các trụ sở Giáo Hội quá nặng nề thế trị như hiện nay. Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta muốn Phật giáo phải trở lại trong bốn bức tường thành của Thiền môn, vì một lối tu tập như vậy chẳng còn thích hợp với thời đại nữa. Nhưng chắc chắn, Phật Giáo Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21 thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ củng cố cái xương sống của chính mình bằng cách trở lại các trung tâm nghiên cứu, thiền viện, tu viện, như đại tòng lâm để các tăng sĩ đủ phương tiện mà tăng trưởng trí tuệ và trau dồi đạo hạnh. Chúng ta tin chắc rằng, khi đời sống tâm linh và trí thức phát triển mạnh mẽ thì cái bả lợi danh của thế tục sẽ không còn dám bén mảng đến cổng tu viện nữa.

3. Vấn đề nguy hiểm mà tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam phải đối mặt trong thế kỷ 21

Không còn hồ nghi gì nữa, chắc chắn trong thế kỷ tới, đời sống đô thị sẽ phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Văn minh đô thị đi đến đâu thì đời sống nặng nề về hưởng thụ sẽ đi đến đó. Đọc lịch sử Phật Giáo Nhật Bản chúng ta còn nhớ, có một thiền sư sống cách xa chúng ta hơn một ngàn năm rồi, vậy mà Ngài đã nhìn thấy được sự nguy hiểm của đời sống đô thị với đạo nghiệp của các tăng sĩ, vì những thế hệ đi trước Ngài đã hưởng thụ quá nhiều, người đó chính là Truyền Giác Đại Sư (DENYO DAISHI, 767-823). Chính Đại Sư đã chọn ngọn núi Tỉ Duệ (Hisi) cao nhất ngất ở Kyoto đề làn trung tâm hoạt động của Thiên Thai Tông, và cũng để cho các tăng sĩ thuộc phái Thiên Thai Tông tránh xa đời sống đô thị ở kinh đô Kyoto.

Điều mà Truyền Giác Đại Sư đã nhìn thấy hơn một ngàn năm trước bây giờ chẳng những đang lập lại, mà còn lập lại một cách nguy hiểm hơn nữa cho các tăng sĩ đang sống ở đô thị.

Báo chí Phật giáo trong nước trong thời gian gần đây, đã can đảm phản ảnh rất nhiều về hiện tượng sa đọa của một số tăng sĩ đang sống tại các thành phố, nhất là những thành phố, nhất là những thành phố lớn như Sài Gòn chẳng hạn.

Và chúng ta, những tăng sĩ của Phật Giáo Việt Nam cũng phải can đảm mà thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta đều không còn thích sống ở những nơi mà gần như thiếu vắng tiện nghi của đời sống đô thị, mặc dù hầu hết tăng sĩ Việt Nam đều được sanh ra và lớn lên ở các miền thôn dã. Nói như vậy, không có nghĩa là tăng sĩ phải trở về sống lại các chùa ở thôn dã, càng không phải sống thơ mộng như một bài thơ xưa, một túp lều tranh khiêm tốn trên núi cao, mà một nửa dành cho những đám mây trắng, còn nửa kia thì dành cho những nhà ẩn sĩ. Điều quan trọng là tăng sĩ chúng ta phải tự đấu tranh với chính mình để vượt qua những thú vui vật dục tầm thường mà đời sống đô thị đã quyến rũ chúng ta, phải vượt qua được thử thách đầy hiểm nguy này, thì chúng ta mới khẳng định được rằng, chính những giá trị tâm linh siêu việt của Phật giáo mới đem lại sự an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, còn các thú vui vật chất thì chỉ đem lại bất an và tạm bợ mà thôi.

4. Nhưng không phải chỉ có Phật Giáo Việt Nam mới sai lầm

“Phật giáo dù đã vấp phải những lỗi lầm và ngu ngốc trong lịch sử của nó ở Nhật Bản, không có gì nghi ngờ rằng nó là một thế lực tâm linh rất mạnh đã từng bảo dưỡng dân Nhật, với tư cách một quốc gia cũng như trên phương tiện cá nhân, trong những công trình chung của văn minh. Không có Phật giáo, Nhật Bản tất nhiên không thể đạt tới trình độ văn hóa và khai phát hiện tại”. (D. T. Suzuki, Thiền Luận, quyển hạ, Tuệ Sỹ dịch, NXB An Tiêm 1973).

Đoạn trên D. T. Suzuki muốn nói đến Phật Giáo Nhật Bản sau thời đại Kiến Thương (Kamakura, 1168-1334). Nghĩa là sau thời đại Kiến Thương chùa chiền dưới sự bảo trợ của các ông Hoàng và các lãnh chúa vẫn tiếp tục được xây cất nhiều hơn lên, giai cấp tăng lữ cũng thịnh hành hơn nhưng cũng phức tạp hơn, họ được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc biệt. Nhưng Phật giáo thì lại đã mất hết sinh động, chỉ còn tồn tại như một tín ngưỡng, nặng nề về hình thức sùng bái, còn về mặt học thuật thì từ chương, suy lý và quá rườm rà.

Tuy nhiên, Phật giáo Nhật Bản, vẫn theo D. T. Suzuki cuối cùng đã tỉnh giấc ngủ say. khi chế độ phong kiến bị sụp đổ, Thiên Chúa giáo được truyền vào với những phương pháp tân kỳ và nắm vững các quan niệm tiên tiến, mặc dù Thiên Chúa giáo đã từng sống chung với Phật giáo một thời gian dài trước đó. Phật Giáo Nhật Bản không còn cách lựa chọn nào hơn, hoặc là bị diệt vong, hoặc là phải vùng dậy, bằng cách đào bới lại nguồn sinh động vẫn còn tiềm ẩn để phát triển và đã trở thành một Phật Giáo Nhật Bản huy hoàng như hiện nay.

Có lẽ, trường hợp Phật Giáo Nhật Bản có cái gì tương tự như trường hợp của Phật Giáo Việt Nam. Dường như lẽ thịnh suy thì ở nơi nào cũng thế, nếu có khác nhau thì chỉ khác ở chỗ là có sớm nhận ra sự sai lầm của mình để mà điều chỉnh hướng đi cho đúng cách không thôi.

Phật Giáo Việt Nam sau gần năm thế kỷ cực thịnh, thì bắt đầu suy yếu dần ở cuối đời nhà Trần. Đến đời Lê thì chùa chiền, tăng lữ vẫn còn đó, nhưng cũng đã mất hết sinh khí, và cũng chỉ tồn tại như một hình thức tín ngưỡng nặng nề cúng bái mà thôi. Phải đợi cho đến đầu thế kỷ 20, khi khoa học Tây phương vào và Thiên Chúa giáo, tôn giáo của kẻ xâm lược bắt đầu xâm lấn, thì Phật Giáo Việt Nam mới chịu thức tỉnh, mới khởi sự chấn hưng. Năm 1963 dường như Phật Giáo Việt Nam đã lấy lại được vị trí lịch sử của mình, nhưng chẳng bao lâu thì những oan nghiệp và ngang trái một lần nữa lại đến với Phật Giáo Việt Nam.

Nhưng chúng ta có đủ chứng cơ để tin rằng, đây là pháp nạn cuối cùng của Phật Giáo Việt Nam. Vì thế giới đã đổi thay, đất nước cũng đang thay đổi, lẽ nào Phật Giáo Việt Nam lại không như thế. Niềm hy vọng mà chúng ta có thể thấy được là, hiện nay Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều ý thức rằng, hơn ba thập niên qua Phật giáo đã lãng phí quá nhiều thời gian trong những cuộc tranh chấp với thế gian mà lại quên đi cái sở trường của chính mình. Một lần nữa, xin được nhắc lại lời của giáo sư Lý Nguyên Quân : “Như cái xương sống của cơ thể, những trung tâm tu học và truyền thống tu tập, đã là yếu tố quyết định tối hậu cho lịch sử hưng vong của Phật giáo xưa nay”. (1)

Phật Giáo Nhật Bản cũng là từng phạm phải những sai lầm, nhưng cuối cùng đã vượt qua được để có một Phật Giáo Nhật Bản như ngày nay.

Cầu mong Phật Giáo Việt Nam cũng sẽ như vậy, để tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước có điều kiện dựng xây lại Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ sắp đến, vẫn tiếp tục con đường mà Khuông Việt Thiền Sư, Vạn Hạnh Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông Thiền Sư, Trần Nhân Tông Thiền Sư và tất cả những Thiền Sư khác của Lý Trần đã làm và nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho toàn thể dân tộc vậy.


VĨNH HẢO: VỌNG TƯỞNG


VỌNG TƯỞNG
Vĩnh Hảo

Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn.

Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân.

Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, những cánh bướm đã nằm im trên lá cỏ. Những đợt gió tiếp theo không còn kéo theo lá. Chỉ có hơi lạnh phả trên da ông già mặc áo ngắn tay vì đinh ninh hôm nay trời nóng.

Vài con quạ tưởng rằng có thể làm tan tác một đàn chim.

Anh nài nhỏ bé vẫn luôn tin rằng có thể chế ngự con voi suốt đời.
Cáo mượn oai hùm, qua năm tháng, quên mất cái oai của mình chỉ là vay mượn dựa dẫm mà có; cứ đinh ninh như thật rằng muôn loài đều ngưỡng mộ và tuân phục phong độ của chính mình.

Những con người, chỉ với vẻ ngoài của làn da, mặc nhiên tự nhận mình như là hàng thượng đẳng của nhân loại, vênh vênh tự đắc ngay cả khi phải sống trong nghèo cùng vật chất, và rỗng tuếch tri thức; xua đuổi, tấn công, mạt sát kẻ khác bằng hành vi và ngôn ngữ thiếu học.

Những người sai lầm, bày vẽ con đường sai lầm, tiếp tục uốn nắn, bẻ cong lịch sử để giành phần chính nghĩa cho sai lầm phe phái của mình; và vẫn ngoan cố ngụy tạo những âm mưu, gán ghép sai lầm cho những ai đối nghịch.

Những người u mê, nhắm mắt giương cờ, trương biểu ngữ, bày tỏ sự sùng bái của mình với biểu tượng ngoa ngụy, xấu-ác; tưởng rằng biểu tượng này sẽ mãi đi vào tâm tưởng và sự nghiệp đời đời của muôn dân.

Và con người, với trí thông minh, sáng tạo, như là đặc quyền tối ưu trong muôn loài, vẫn luôn tự mãn kiến thức và kinh nghiệm của mình có thể chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ, chế ngự không gian (thật và ảo)…

Nhưng không, tất cả đều là vọng tưởng, là những giấc mơ hão huyền, dù rằng hệ quả thực tế của chúng có khi kéo dài mười năm, năm mươi năm, trăm năm, thậm chí một nghìn năm. Vọng tưởng vẫn cứ là vọng tưởng, không thể vượt qua được tính chất bất định, giả huyễn của cuộc đời.
Sóng vô thường sẽ cuốn phăng đi tất cả, bất kể địa vị, màu da, chủng tộc, bần cùng hay phú quý, trí thức hay không trí thức, phẩm hạnh hay vô đạo đức.
Cuộc sống của mỗi cá thể, hay tập thể, là nguyên nhân và cũng là kết quả của từ một võng lưới trùng trùng vọng tưởng, chẳng biết đâu là mắc xích khởi đầu hay kết thúc. Chỉ khi nào ngồi trong tịch lặng, bốn mươi chín ngày đêm thiền quán thâm sâu như một lần đạo sĩ Gotama bên sông Ni-liên[1], mới bẻ gãy được đầu mối của mê vọng, tham ái[2]; hay như một lần hốt nhiên bừng sáng trí tuệ khi trực nhận nguyên lý vô thường duyên sinh qua mất mát, đớn đau tận cùng từ sinh, già, bệnh, chết.

Không tỉnh thức được như thế thì con người hôm nay hay ngày mai, vẫn tiếp tục thả trôi cuộc sống của mình trong dòng mộng tưởng, vô minh.

Còn vô minh, ái ngã là còn vọng động, tàn phá, hủy diệt.

Sự vọng động của những ai đó trong quá khứ hãy còn lưu đậm dấu tích trong tâm tưởng người nay. Hãy chiêm nghiệm và học bài học từ những đổ nát ấy. Hãy ngưng lại mọi thứ manh động, tham lam và tật đố, oán hận và tranh chấp[3]. Hãy ngưng lại những toan tính, âm mưu, sục tìm bả danh lợi rơi rớt lại trong tàn tích hoang phế.

Niềm bình an chỉ có được khi mọi thứ vọng tưởng lắng xuống, lắng xuống.

Con quạ già lủi thủi đi về hướng bãi tha ma khi đàn chim vỗ cánh trên trời cao, bay về nơi yên tĩnh.

Chó dạo công viên chỉ gầm gừ một chút với người ngược hướng, rồi cũng theo chủ về nhà.

Đâu đó trên non cao, nước từ nguồn xa vẫn tiếp tục róc rách chảy ra sông, đổ về biển lớn.

Lão già thiếp đi trong giấc ngủ ngắn. Trở mình tỉnh giấc thì mặt trời đã lên cao.

California, ngày 25 tháng 5 năm 2020
Vĩnh Hảo

______________________________________
[1] Cội cây bồ-đề bên sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana) là nơi đức Phật thành đạo.
[2] Đạo sĩ (họ) Gotama là cách của những người đương thời gọi đức Phật. Khi chứng được thánh trí dưới cội bồ-đề sau 49 ngày đêm đi vào đại định, đức Phật đã thốt lên rằng: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch” (Kinh Pháp Cú, câu 153-154, HT. Thích Thiện Siêu dịch). Kẻ làm nhà ở đây được hiểu là vô minh, tham ái, khởi nguyên cho sự vận hành của sinh-tử luân-hồi.
[3] “Những ai bị chế ngự bởi phẫn nộ và oán hận, ngụy thiện và não hại, tham lam và tật đố, giảo hoạt và man trá, ác dục và tà kiến; những người ấy không tôn kính Phật, không tôn kính Pháp, không tôn kính Tăng, không nỗ lực hoàn thiện các học giới. Những người như vậy thường xuyên gây tranh chấp, tranh luận trong Tăng; gây bất ổn và khiến nhiều người không được an lạc.” (Pháp Diệt Tránh, Thích Nguyên Chứng biên tập, Như Như xuất bản năm 2008, trang 15)

____________________
Chú thích ảnh của Uyên Nguyên: Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện và nhà văn Vĩnh Hảo. Hai vị, một là chủ bút và một là phụ tá chủ bút Tạp Chí Chân Nguyên, từ giữa thập niên 1980-2000. Có thể nói đây là "cơ quan truyền thông, ngôn luận và luận thuyết" của Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại rất giá trị. Tờ báo góp phần rất lớn cho tiến trình phục hoạt GHPGVNTN. (Ảnh: www.vinhhao.info)

____________________