Sunday, February 28, 2021

GS Cao Huy Thuần: Bonjour Bác Thám!

 

GS Cao Huy Thuần (em của Cố Niên Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu) là người Pháp gốc Việt, hiện là giáo sư về ngành chính trị học tại đại học Picardie, Pháp. Ông sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội. Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam và được đánh giá là các tác phẩm văn chương chính trị.

Bác Lê Đình Thám có viết một bài rất ý nhị trong “Viên Âm” dưới nhan đề “Bonjour đức Phật”[1]. Đó là một trong những bài rất ngắn viết với giọng kể chuyện hóm hỉnh, đặt ngay từ đầu trong mỗi số báo. Mở “Viên Âm”, nghe được một tiếng cười như thế của Bác là vui rồi. Và quả là lạ lùng: Bác là bậc thầy trong “Viên Âm”, là tác giả của những bài viết bác học trong đó, là bậc đại cư sĩ luôn luôn một mực khăn đóng áo dài cung kính mỗi khi giảng dạy học tăng, vậy mà Bác lại cũng biết cười, mà còn dám cười với cả đức Phật, e bác Duy Ma Cật cũng phải né. Trong bài phát biểu này, tôi không dám nói những chuyện triết lý bác học cao xa của Bác, xin nhường cho các bậc tôn túc và học giả, chỉ xin được bonjour Bác Thám trong vài bài cực ngắn mà tôi sẽ đọc ở phần cuối. Bây giờ thì tôi xin góp vài ba nhận xét nhỏ về phong trào Chấn hưng Phật Học, trên ba điểm nổi bật: bối cảnh lịch sử; Phật học và Phật giáo; Phật học và khoa học.

I. Bối cảnh lịch sử

Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử lược, đã nói rất rõ đâu là những nguyên nhân từ bên ngoài và từ nội bộ đã làm phát khởi và thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo. Ở đây, tôi không lặp lại những gì đã nói và đã biết, chỉ xin bổ túc thêm vài điểm.

1. Nguyên nhân từ bên ngoài

Từ bên ngoài, Nguyễn Lang có nêu ra, nhưng để bác bỏ, một “nghi ngờ” đến từ một phần dư luận cho rằng phong trào chấn hưng Phật giáo nằm trong kế hoạch của chính phủ bảo bộ. Hai yếu tố, theo tác giả, có thể đưa đến nghi ngờ đó: một, là nhà nước bảo hộ đã ký giấy cho phép thành lập các Hội Phật học một cách tương đối dễ dàng và mau chóng; hai, là sự có mặt của một số người được nhận định như là “người của chính quyền” trong lòng một số hội Phật học. Để giải thích rằng nghi ngờ đó không phải là dư luận của trí thức, Nguyễn Lang viện dẫn Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, là những người ở ngoài phong trào, lại cũng không ở trong nhà Phật, nhưng cực lực tán dương chấn hưng đạo Phật.

Tôi xin thêm một chút lập luận nữa để phản bác cùng với Nguyễn Lang. Vấn đề sẽ rõ hơn khi ta đi sâu vào hai thực trạng trong chính sách thuộc địa áp dụng cho cả  ba Kỳ, nhất là ở Trung Kỳ, nơi Pháp còn giữ Vua và triều đình An Nam, tuy chẳng có chút thực quyền gì, nhưng cái vỏ quân chủ vàng son vẫn còn dựa trên một nền văn hóa truyền thống chưa mất hẳn. Thực trạng thứ nhất là sự lúng túng bất khả giải quyết của Pháp giữa hai chính sách đồng hóa hay hợp tác. Thực trạng thứ hai là áp lực của hai thế lực chính trị cực kỳ mạnh ở thuộc địa, thế lực của phe thực dân bản địa, và thế lực của phe Gia Tô, cả hai hợp tác với nhau để kéo chính quyền bảo hộ vào con đường đồng hóa mà ai cũng thuộc câu đầu của bài học lịch sử như thuộc bùa chú: “tổ tiên chúng ta là dân Gô Loa”.

Nói chung, chính sách áp chế, đồng hóa, thường là thắng thế, nhưng không thành công. Ông Tàu đồng hóa chúng ta cả ngàn năm mà không được, sức mấy mà ông Tây Gô Loa-hóa dân An Nam trong vòng vài chục năm! Cho nên khi thất bại thì Tây thử lách qua con đường hợp tác xem sao. Viễn vông! Ông Toàn Quyền nào thử chơi con bài đó thì lập tức hai thế lực kia gây áp lực tại thuộc địa và tại chính quốc để triệu ông về mẫu quốc.

Thế nhưng, cả thế giới xung quanh Đông Dương đã biến động rồi vào những năm trước 1930. Nào Trung Hoa thức tỉnh với Tôn Dật Tiên, nào Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, nào chiến thắng của nước Nhật da vàng trên nước Nga da trắng, nào ý thức độc lập âm ỉ như một ngòi súng sắp nổ ở Á châu, nào ảnh hưởng của tất cả những biến động đó trên tầng lớp sĩ phu ở Việt Nam, nào những rối loạn, nổi dậy, phản kháng bung ra khắp nơi trong nước, chống thuế, chống rượu, chống bất công, chống áp chế, nào Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thái Học, Yên Bái… bao nhiêu biến động buộc chính quyền bảo hộ đặt lại một lần nữa, dưới áp lực của Quốc Hội Pháp, câu hỏi xưa như hồi thất thủ kinh đô: phải chăng chính sách thống trị, đồng hóa là không thể áp dụng được ở cái xứ An Nam này? Là bất lực như lấy thúng úp voi?

Trước đó lâu rồi, từ 1889, Tổng Khâm sứ Chavassieux đã than thở trong một văn thư gởi Toàn Quyền ở Hà Nội: “Văn minh và tôn giáo của ta không tương cận với văn minh và tôn giáo của họ; tất cả đều ngăn cách chúng ta, và truyền thống của quá khứ cũng như nền giáo dục dân tộc đã dựng lên trước mặt chúng ta một bức tường nghìn đời không sao vượt qua được. Chúng ta đã chọn con đường đúng chăng? Ngày nay mọi người đều đồng thanh trả lời là không”. Nhưng Toàn Quyền nào dám đổi chính sách? Toàn Quyền Paul Beau (1902-1907) thử đổi, chưa được gì đã bị triệu hồi vĩnh viễn, tội nghiệp trường đại học Hà Nội mới mở vài khoa đã bị đóng cửa. Cứ thế mà lúng túng cho đến khi tình trạng biến động khiến Quốc Hội Pháp phải chất vấn chính phủ để buộc phải thay đổi chính sách ở thuộc địa An Nam.

Người được đề cử để thực hiện chính sách hợp tác là Albert Sarraut, nhậm chức Toàn Quyền với hai lần qua Đông Dương: 1911-1914 và 1917-1919. Làm thế nào để, một mặt, ngăn ngừa sức dội của cách mạng dân quốc ở Trung Hoa; một mặt, để đối phó với những biến động ở trong nước? Chỉ có một cách thôi, theo Albert Sarraut: nắm lấy phong trào duy tân, chỉ đạo nó, dồn nó vào một hướng: “Ngay bây giờ chúng ta có thể tiên liệu được cách mạng Trung Hoa sẽ tăng cường tại Đông Dương tư tưởng dân tộc cùng các hoài bão của dân chúng về tiến bộ. Điều quan trọng là quá trình này phải được chúng ta điều khiển, vì nếu nó diễn ra ngoài sự kiểm soát của chúng ta, nền đô hộ của chúng ta sẽ bị đe dọa… Nam Kỳ, đã rất tiến bộ, có vẻ đã đến một tình trạng quân bình tương đối ổn định… Trung và Bắc Kỳ chính là nơi chúng ta phải cố lèo lái trào lưu các tư tưởng mớỉ”. Thế nhưng, một lần nữa, chính sách của Sarraut trong nhiệm kỳ đầu (1911-1914) không phải là hợp tác! Vẫn là đồng hóa, tuy rằng bây giờ, thời đại mới, không phải đồng hóa bằng tôn giáo như trước, mà đồng hóa bằng giáo dục. Đổi đầu óc của người An Nam bằng ngôn ngữ và văn chương Pháp, tẩy ảnh hưởng Khổng Mạnh ra khỏi trường ốc, rước vào bằng những tư tưởng mới của nước Pháp cách mạng 1789: “Trung Quốc đã chiếm và giữ được một ảnh hưởng to lớn tại xứ này bằng cách phổ biến ngôn ngữ và văn chương của nó. Vậy cũng chính bằng ngôn ngữ và văn chương Pháp mà chúng ta sẽ thực hiện cuộc chinh phục tinh thần tại Đế Quốc An Nam”. Thế là chết! Sarraut tự đưa thân vào cửa tử. Không phải chỉ vì phái bộ Gia Tô chống ông kịch liệt, mà vì người trí thức An Nam sẽ dùng roi của ông để quất ông. Những tư tưởng cách mạng, dân chủ cao đẹp của Pháp, thay vì được ông lèo lái, đã lèo lái trí thức Việt Nam vào con đường chống lại nô lệ thuộc địa.

Do đó, một lần nữa, chính sách hợp tác lại được cải biên và tên tuổi Sarraut được gắn liền với khẩu hiệu “Pháp-Nam đề huề” mà ông thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai. Lần này, để chận đứng lại, kiểm soát, dồn vào một phía những tư tưởng mới, ông thấy không có biện pháp nào hữu hiệu hơn là trở về “truyền thống ngàn đời” của dân tộc An Nam. Những bài diễn văn nổi tiếng nhất của tay Toàn Quyền thông minh này nhắm vào một trọng điểm: tán dương văn hóa Khổng giáo và hô hào hợp tác giữa hai văn minh Đông Tây. Từ đó mà có tờ Nam Phong với Phạm Quỳnh là đầu não[2].

Tôi nhấn mạnh điểm này vì đây là chìa khóa để tôi trả lời nghi vấn mà Nguyễn Lang đã nêu ra từ đầu. Tôi nhấn mạnh: “truyền thống ngàn đời” mà Sarraut nói là Khổng giáo. Người phà hơi, thổi sinh khí vào cho nó sống lại để làm đầy tớ cho ông. Quốc văn giáo khoa thư mà tôi học lúc nhỏ là luân lý Khổng Mạnh. Không thấy bóng dáng chùa chiền gì trong đó. Nam Phong là con bài của Sarraut, lấy thúng cũ úp voi mới, đặt dưới sự sắp đặt của bàn tay phù thủy Marty, chánh văn phòng chính trị của phủ Toàn Quyền, còn các sơn môn rần rộ học Phật, bắt đầu từ Nam Kỳ rồi lan ra Huế, trước khi các Hội Phật học ra đời, là tự phát, chẳng ai dắt dẫn. Tất nhiên, thời đại cũng tạo ra chút duyên thuận lợi, nhưng nguyên nhân phải tìm ở nơi khác: nơi cái ý thức không thể để cho Phật giáo suy đồi dần dần rồi tự diệt. Tôi trích một câu của Hòa Thượng Trí Quang: “Chí nguyện chấn hưng nền tôn giáo của dân tộc hết sức mạnh mẽ trong thời kỳ mà chỉ có những tổ chức gì của ngoại quốc đem đến mới được thực dân ngoại quốc bảo hộ”[3].

Chính cái ý chí ấy là nguyên nhân nội bộ của phong trào chấn hưng.

2. Nguyên nhân từ bên trong

Đạo Phật đã suy đồi từ lâu. Chỉ cần đọc một sắc Dụ của vua Gia Long ban  hành sau khi lên ngôi hai năm cũng đủ thấy tình trạng bi thảm trước đó và sau đó: ngay cả vua cũng chẳng biết Phật là gì, đạo Phật và “đạo” đồng bóng chắc cũng hao hao anh em ruột thịt với nhau trong mắt vua. Hòa Thượng Trí Quang tóm tắt trong bốn chữ tình trạng đối nội và đối ngoại của Phật giáo lúc 16 vị sáng lập Hội An Nam Phật Học nộp đơn xin thành lập: “pháp nhược ma cường”. Nguyễn Lang cũng đã nói nhiều, tôi khỏi lặp lại, chỉ xin trích thêm vài câu trong Viên Âm: “Phật học cách mấy trăm năm trở lại đây như đã bị cái trào lưu Nho học làm mai một đâu rồi; đến nay cái trào lưu Nho học đã nhược bại, Phật giáo mới có cơ xuất hiện, thì ôi thôi Tăng đồ đã lâu ngày thất học và tín đồ cũng ngẩn ngơ không biết đâu là chánh pháp, vì thế mà có nhiều tạp chí tuy là lấy tên truyền bá đạo Phật, mà tựu trung chứa đầy cả lý thuyết xằng xiên. Đối với người có con mắt trạch pháp thì không hại, nhưng đối với sự tín ngưỡng của số đông thì chẳng khác gì một con trùng độc ở trong máu người ta làm cho sức người này thêm kém sút. Bệnh tình ấy nguy cấp như thế, ai có phương thuốc gì điều trị không?”[4].

Có! Phương thuốc ấy là học Phật cho đúng với đạo của Phật. Học đúng đạo của Phật, ấy là “trừ tà hiển chánh”. Ấy là bước đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo. A! nhưng Phật giáo hay là Phật học? Chấn hưng Phật giáo hay là chấn hưng Phật học?

II. Phật học và Phật giáo

Tại sao các Hội rần rộ tự động mọc lên ở Nam Kỳ rồi tự động lan ra Huế đều mang tên là Hội Phật Học? Chính phủ bảo hộ sợ cái chữ “Phật giáo” chăng? Hay là ở thuộc địa hồi đó chỉ có tôn giáo của Tây mới là đích thực tôn giáo thôi? Tôi hỏi câu này không phải là vớ vẩn. Tại vì tôi có chút suy nghĩ trên câu viết có chút vị đắng của Hòa thượng Trí Quang: “Từ năm 1932 đến năm 1945, Hội hoạt động dưới danh nghĩa mỉa mai là An Nam Phật Học Hội”[5]. Tôi lại càng không vớ vẩn khi tôi lại cũng có chút suy nghĩ trên cái chữ viết tắt mà chắc chắn là Bác Thám đã dịch và đã chua trong ngoặc đơn đàng sau “An Nam Phật Học Hội” trên “Viên Âm”: SEERBA. Nghĩa là: “Société d’Étude et d’Exercice de la Religion Bouddhique en Annam”. Bác quá giỏi tiếng Pháp, tại sao Bác không dịch cho đúng và cho gọn “Société d’étude et d’exercice du Bouddhisme” mà phải dùng thêm chữ “religion” làm gì cho nó luộm thuộm về  ngôn ngữ? Khó mà nghĩ rằng Bác đã không cố ý.

Huống hồ tôi lại còn có thêm chút suy nghĩ nữa: “Hội Phật học” thì chỉ cần dịch “Société d’étude bouddhique” là đủ, cần gì phải thêm “Ecercice”? “Étude” là học; “Exercice” là hành. Tôi đố ai dám nói Bác Thám không cố ý. Bác đã cố ý thêm chữ “hành” như thế vì ba lẽ: một là học mà không hành thì không phải đích thị là người học Phật; hai là học mà không hành thì không phải đích thị là “religion”; ba là… phải hiểu đàng sau tôn chỉ của Hội.

Tôn chỉ của Hội nằm ngay trong điều 2: “hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình“. Thế nào là “hoằng dương chánh pháp”? Không ai cắt nghĩa rõ hơn Hòa thượng Trí Quang: “Hoằng dương chánh pháp là làm cho chân tinh thần được phát huy, thâm nhập vào tư tưởng và sinh hoạt của quần chúng. Nhưng hoằng dương chánh pháp bằng cách nào? Tóm tắt thì hai phương diện chánh yếu sau đây luôn luôn được chú ý đến: phần tự giác thì nghiên cứu và áp dụng chánh pháp, phần giác tha thì tận lực truyền bá chánh pháp đó bằng những phương tiện cần thiết[6]. Thế mà không phải “religion” thì là gì?

Có người hỏi “Viên Âm”: Hội có lập giới đàn không? “Viên Âm” trả lời: Có chớ! Và miêu tả cặn kẽ giới đàn sẽ được tổ chức như thế nào[7]. Thế mà không phải là “religion”?

Nhưng Hội nói rõ trong điều 3, và nói đúng sự thật, để Tây đừng lo mà cấp giấy phép: Hội không làm chính trị. Tôn chỉ ấy đúng muôn đời, xưa cũng như nay. Cho nên đừng đem chính trị hay kinh tế cơm áo gạo tiền mà suy diễn rồi đánh giá Hội. Đúng như Hòa thượng Trí Quang cắt nghĩa: “Hội dùng mọi phương tiện thiện xảo để áp dụng “tinh thần Phật học” vào đời sống cá nhân, vào tổ chức gia đình, vào hoàn cảnh xã hội, cao vọng xã hội thành xã hội Phật hóa, gia đình thành gia đình Phật hóa, cá nhân thành người bi, trí, dũng, hầu tạo thành một xã hội mới mà trình độ tinh thần ngang với trình độ vật chất, tiến bộ đều đặn”[8].

Có độc giả “Viên Âm” hỏi Bác Thám: Danh nghĩa của Hội là Phật học, thế thì phải chăng Hội đặt cái biết trên cái làm? Bác trả lời ngắn gọn, nhưng súc tích, đầy đủ, trọn vẹn: “Khi nào cũng phải biết trước rồi mới làm, nếu không biết mà làm càn thì bao giờ cũng sai lầm cả. Chẳng những Phật học, mà dầu khoa học hay các môn học thuật khác cũng vậy, thế nào cũng phải biết rồi mới làm, nhưng đến khi làm rồi thì mới có thể thiệt biết”[9].

Ngay trên cả cái biết, học và hành không bao giờ tách nhau ra được. Còn trên bình diện tôn giáo, phát triển bề sâu và phát triển bề rộng, nếu không đi đôi với nhau thì chết thôi, mà lại là chết đuối trên cạn. Xưa cũng vậy, nay cũng vậy, tiếng Bác Thám còn đó.

Một độc giả khác hỏi Bác: Hội không làm chính trị, vậy thì làm sao giải thích “tứ ân” mà các chùa tụng niệm hằng ngày? Ơn cha mẹ, đúng. Ơn thầy trò, đúng. Ơn chúng sinh, đúng. Còn cái ơn thứ tư kia mà hồi nhỏ mẹ tôi dạy tôi là ơn đối với quốc vương? Đối với vua Bảo Đại? Hồi 1932, “Viên Âm” phải nhớ ơn ông Toàn Quyền? Bác Thám trả lời thế này, quá phục: đó là ơn đối với Nhà nước. Và nói thêm: “Nhà nước chủ yếu làm cho nhân dân an cư lạc nghiệp và bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, ơn ấy cần báo đáp bằng cách làm tròn nhiệm vụ người dân. Trong chế độ phong kiến, quốc vương tiêu biểu cho Nhà nước, nên trong các kinh dạy bảo vệ chủ quyền đất nước, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì mới thật có ơn. Đối với Nhà nước thật sự vì dân như thế, người đạo Phật cần phải thi hành triệt để mọi chủ trương chính sách của Nhà nước, phục vụ lợi ích của nhân dân, của Tổ Quốc thì mới báo đáp được công lao ấy”[10]. Nói gì hơn? Chính trị chẳng phải là vậy sao: Nhà nước xứng đáng, nhân dân xứng đáng. Sau này, Hòa thượng Trí Quang gọi “chính trị” ấy là “lẽ phải”, và nói Phật giáo là “lực lượng”, không phải lực lượng chính trị mà là “lực lượng của lẽ phải”[11]. Trên bình diện lý thuyết, “Viên Âm” cũng nói ý ấy: Phật giáo là đạo của Sự Thật[12], bởi lẽ đơn giản Phật giáo được đức Phật định nghĩa là “đạo Như Thật”.

Sự Thật ấy là của chung của nhân loại, Phật giáo đáp ứng một nhu cầu tôn giáo của nhân loại. Thế thì, lại một thắc mắc của độc giả “Viên Âm” về chuyện chính trị: thế thì Phật giáo có quốc gia xứ sở không? Câu trả lời của Bác Thám vẫn gọn nhẹ, súc tích, đầy đủ: “Đạo Phật, về mặt tùy duyên thiệt có quốc gia có xứ sở, thiệt có ích cho quốc gia và xứ sở, ai là người có lòng vì nước vì dân xin hãy nghiên cứu Phật học”[13].

Nghĩa là, Bác muốn nói, công cuộc chấn hưng Phật học không phải chỉ là để cho Phật giáo mà cho cả quốc gia xứ sở. Cái giai đoạn 1932 ấy là giai đoạn hãy còn giao thời với tất cả những nhá nhem của buổi giao thời: cái cũ đã tàn nhưng cái mới hãy còn xa lạ, tiến bộ khoa học đã mở nhưng nền tảng đạo đức đã lung lay. Hơn ai hết, Bác Thám là con người của khoa học, nhưng cũng hơn ai hết Bác thấy khoa học không thể thiếu vắng đạo đức Phật giáo. Cái tài của Bác đi đôi với cái tâm của Bác. Do đó mà đề tài khoa học và Phật học là đề tài lớn trong “Viên Âm”.

III. Phật học và khoa học

Giữa khoa học và Phật giáo có cái gì giống nhau? “Viên Âm” trả lời: cùng một mục đích là nhắm đến cái biết. Biết một cách chân thật, xác đáng. Trí thức con người được mở mang thì khoa học được mở mang mà đạo Phật cũng được mở mang. Giữa khoa học và Phật pháp còn có thêm một mục đích thứ hai giống nhau: khoa học cải tạo hoàn cảnh và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, Phật pháp cũng vậy. Nhưng, về điểm này, khoa học không phải bao giờ cũng đem lại hạnh phúc, trái lại có thể đem lại đau khổ, và vì vậy đạo Phật luôn luôn cần thiết cho nhân loại để tiến bộ và hạnh phúc thật sự.

Trên hai nhận định dễ thấy đó, “Viên Âm” cắt nghĩa vì sao mà có phong trào

Chấn hưng Phật học. Vì ba nguyên nhân, xin trích nguyên văn:

  1. Vì sự tiến hóa của trí thức người xứ ta về mặt luận lý;
  2. Vì khoa học tuy đánh đổ các sự mê tín nhưng tự mình vẫn không có năng lực để tạo thành hạnh phúc cho nhân loại;
  3. Vì phải có một đạo lý vững vàng để làm cho khoa học phục tình để đào tạo đức tánh của loài người.

Về nguyên nhân thứ nhất, lại xin trích nguyên văn. “Ngày xưa, người xứ ta theo Nho học, cái Nho học của Tống nho bắt phải nhất định theo lối biện luận của thầy Châu Tử, không được dời đổi chút nào, đến nỗi ai trái với Châu-chú trong khi thi cử đều phải mắc tội, cái tội lây đến bản sư nữa. Lối học như vậy là lối học chết sửng, nó khép trí thức con người vào trong khuôn hẹp hòi, cho nên luận lý học xứ ta trong mấy trăm năm về sau đây mỗi đời mỗi suy kém. Vậy nên trong thời kỳ Nho học thạnh hành, đạo lý cao xa của Phật giáo chỉ có thể duy trì trong sơn môn, chứ không thể truyền bá trong cái xã hội không biết luận lý ấy được. […] Phật pháp ý nghĩa rõ ràng, đúng đắn, có thiệt nghiệm, chắc chắn nơi tự tâm chớ không phải tin càng theo cha, không bắt quỵ luỵ tra hỏi một đấng thiêng liêng nào, nên rất hiệp với trí não không chịu ỷ lại, không chịu mê tín của khoa học”[14].

Xin cúi đầu bái phục Bác Thám, vì cái gì “Viên Âm” nói từ những năm 1932, bây giờ vẫn còn đúng y chang.

Về nguyên nhân thứ hai, khoa học đem lại lợi ích rất nhiều, nhưng coi chừng, khoa học là con dao hai lưỡi, kết quả hay hay dở là còn tùy theo lối dùng phải hay trái, nghĩa là còn tùy theo ở nơi chính con người. Tôi lại trích nguyên văn “Viên Âm”: “Như một con dao bén ở trong tay người đầu bếp thì có thể xắc đồ ăn mà nuôi sống cho kẻ khác, còn ở trong tay thằng ăn cướp thì để cắt cổ giết người, tùy theo chỗ dùng mà lợi hại có khác. Vậy chủ động dùng khoa học là gì? Là chơn tâm. Chơn tâm độc ác tham lam, thì khoa học là những máy móc để giết người, chơn tâm hiền lành ngay thẳng thì…”

Thì phải thế nào? Khuếch trương triết học ư? Khuếch trương thần giáo ư? Âu châu đã chứng kiến sự tương khắc giữa khoa học và thần giáo. May mắn cho ta là khoa học và Phật giáo không tương phản nhau. Do đó, “Viên Âm” kết luận chắc nịch: “Duy chỉ có Phật giáo là đạo lý vững vàng đủ làm cho khoa học phục tình để đào tạo đức tánh của loài người“. Đó là nguyên nhân thứ hai.

Nguyên nhân thứ ba, như vậy, là đức dục, một trong ba nhiệm vụ của giáo dục (trí dục, thể dục, đức dục) mà Bác Thám và “Viên Âm” đặc biệt chú trọng. Tuổi trẻ và nhi đồng là quan tâm hàng đầu của Bác. Đoàn thanh niên đức dục và Ban Đồng Ấu được mở mang một cách thành công, để lại hậu thân là Gia Đình Phật tử.

Vì đức dục quan trọng như vậy, tôi xin dài dòng thêm chút nữa để nói về buổi viếng thăm Hội của ông Phạm Quỳnh, lúc đó là Thượng thư Bộ Học của Nam triều. Bác Thám đọc một bài diễn văn nội dung rất cao vì ông Phạm Quỳnh là học giả xuất chúng thời đó. Tôi chỉ trích ra đây mấy lời cám ơn mở đầu của Bác:

“Hiện thời nay, chắc Cụ Lớn đã rõ, người nước ta xu hướng về con đường vật chất hầu mong làm đổ cả nền luân lý nước nhà, nếu chúng ta không đem Phật pháp mà vãn hồi chơn tâm thì không bao lâu nữa ắt sẽ bị cái hại luân lý suy đồi, lương tâm vùi dập”.

 

Nghe lại mấy câu ngày xưa mà tưởng như ngày nay. Khen chê Phạm Quỳnh, dư luận đã nói nhiều, và tôi cũng đã nói ở trên. Ở đây, riêng về buổi viếng thăm này, tôi chưa hề thấy một ông bộ trưởng giáo dục nào nói những câu như thế này trong đáp từ:

“Xét về mặt lịch sử thì dân tộc Việt Nam có đủ luân lý, đạo đức, học thuyết, tóm lại gọi là tinh thần một dân tộc, mà sở dĩ dân tộc này không lộn với dân tộc khác là bởi do tinh thần khác nhau đó vậy. Nói về tinh thần của một dân tộc, thì không phải một ngày một lúc mà có thể đào tạo cho thành, chính là phải trải qua mấy ngàn năm. Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây, tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học vậy. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”[15].

 

“Cụ Lớn” nói như vậy thì ai dám bảo là Cụ không lớn? Xin được đùa một câu như thế vì tôi sắp bắt qua tiếng cười của Bác Thám để kính chào Bác với tất cả kính yêu ngưỡng mộ trước một bậc đại cư sĩ hiếm hoi của thế kỷ.

IV. Bonjour Bác Thám!

Làm cho triết lý cao siêu của đạo Phật thành ra rõ ràng, dễ hiểu, trẻ trung, tươi mát, là mơ ước chung của bao nhiêu thế hệ Phật tử. Bác Thám dường như là người mở đầu. Bác là người đem cái ý nhị của bông đùa vào những mẫu chuyện rất ngắn mà thâm thúy đạo vị. “Bonjour đức Phật” của Bác là đại tếu, khó có ai tếu hơn. Chuyện bắt đầu như sau:

Một buổi sáng, anh chàng có tên là Ba Láp vào chùa, thấy bác Cửu Giới lạy Phật vừa ra. Ba Láp cười… xin trích nguyên văn đoạn mào đầu:
“- Chú rõ là mê tín, Phật tức tâm, tâm tức Phật, tôi có tâm, chú lạy tôi đây không hơn sao mà phải lạy Phật? Tôi chả lạy ai cả, mỗi buổi mai cứ đến trước bàn Phật nói: “Bonjour đức Phật” thôi.

Cửu Giới cười hả hả, lên ngồi trên ngựa chỉnh chệm và bảo:
– Anh lạy Cửu Giới đi.

Ba Láp trợn mắt:
– Xỏ lá, ai thèm lạy chú!

Thế tôi không có tâm sao? Ba Láp ngơ ngẩn:
– Chú có tâm nhưng mà… tôi không lạy.”

Bác dạy gì sau câu nói đó của Ba Láp trong mẫu chuyện cực ngắn ngang nhiên nằm trên trang đầu của một “Viên Âm” rất chi là đạo mạo? Bác giải thích cho Ba Láp vì sao ta lạy Phật, lạy Phật có lợi ích gì. Cười mà học… tiên học tếu hậu học văn[16].

Tếu thêm một chuyện nữa. Đời Tự Đức, có một ông tân khoa tiến sĩ xuất thân ở chốn quê mùa. Quý nhà nghèo mà học giỏi, vua thương ông tân khoa, đặc biệt mời ông vào cung xem một tuồng hát bội trong Duyệt Thị, lại cho ông được cầm trống chầu thưởng cho con hát. Xin chép nguyên văn:
“Vở tuồng hôm ấy là vở tuồng “Tống Nhạc Phi”. Người kép hát sắm vai Tần Cối rất đúng mực, nịnh từ giọng cười tiếng nói cho đến chưn tay bộ dạng, làm cho ông tấn sĩ mới tưởng thiệt, nổi giận đùng đùng, cầm roi chầu xông vào sân khấu đập tên kép hát lổ máu óc. Các quan lên can mà ông còn hết sức dằng xé, quyết đánh cho chết thằng nịnh là thằng Tần Cối. Một hồi lâu ông mới tỉnh lại, biết là tuồng hát thì hối hận vô cùng, cất mảo đi chân đến phục tội trước Ngai rồng”.

Bác dạy gì? Vấn đề rất cao xa, mà vô cùng dễ hiểu:
“Chúng ta vì vô minh nghiệp chướng mãi mãi trong sáu đường, hết thân này đến thân sau, nào khác chi một anh kép hát đóng tuồng trên sân khấu. Khi thì làm đàn bà, khi thì làm đàn ông, khi thì làm thiên thần, khi thì làm quỉ súc, đóng vai nào thì theo vai ấy, cũng vui, cũng khổ, cũng khóc, cũng cười, mà rốt cuộc có cái thân nào chắc là thân của mình đâu. Trong đường luân hồi, chúng ta đã đóng bao nhiêu vở tuồng…”[17].

Bài phát biểu đã dài, nhưng bệnh cười là bệnh hay lây, xin lạm dụng thêm một tiếng cười nữa của Bác:
“Đời xưa, một người con gái nhà giàu khờ dại lấy được một người chồng rất khôn ngoan. Một hôm, người vợ mua về một bình trà, gặp phải trà cũ, anh chồng uống không được, mới dặn người vợ rằng: Phàm mua trà Tàu phải mua mới, chứ trà cũ để lâu ngày thì không thể uống được. Vậy từ rày sắp sau phải cho nhớ đừng mua những thứ trà cũ nữa. Người vợ nghe lời chồng dặn lại hiểu lầm rằng hễ cái gì mới cũng tốt hơn cái cũ, nên hôm sau gặp người đến nhà bán lục bình thì người vợ đem cái lục bình xưa trong nhà ra đổi một cái lục bình mới, may nhờ người chồng hay được cản ngăn mới khỏi mất một vật quý báu vô giá”.

Bác dạy gì? Thì là tất cả những chuyện ta đã nói ở trên, chuyện của thời đại “Viên Âm”, của thời đại trước đó, của thời đại chúng ta, của văn hóa muôn đời: không phải cái gì cũ cũng dở, không phải cái gì mới cũng hay; vấn đề không phải là cũ hay mới, vấn đề là hay hay dở, lấy cái hay, bỏ cái dở.

Muốn cười với Bác thêm nữa, nhưng thôi, bài phát biểu đã dài, kính chào bái biệt, au revoir bác Thám.

Cao Huy Thuần

Tài liệu tham khảo

  1. Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Tác phẩm của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 5,
  2. Nguyễn Lang (19940, Việt Nam Phật giáo sửlược, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội.
  3. Cao Huy Thuần (2002), Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914, Nxb Tôn giáo; Nxb Hồng Đức, Phương Nam (tái bản, 2014).
  4. Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, trọn bộ 4 cuốn, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP. HCM. 5. Viên Âm, số 15, 21,29

[ trích Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và Những Đóng Góp Đối Với Hội An Nam Phật Học | PHẬT LỊCH 2562 | Ngày 10 & 11/4/2019 (06 & 07/3/Kỷ Hợi) | Tại Tổ đình Từ Đàm – Huế ]

_______________________________________

[1] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sƣu tập và giới thiệu), Tác phẩm của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 5, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr115.
[2] Xin đọc thêm để rõ hơn: Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914, Nxb Tôn giáo, 2002; nxb Hồng Đức / Phương Nam (tái bản) 2014, Chương Kết.
[3] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, trọn bộ 4 cuốn, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, tr 756.
[4] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 6, tr176
[5] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, Sđd, 755.
[6] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr 140.
[7] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr140.
[8] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, Sđd, tr140.
[9] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr 304-305.[10] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr58
[11] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, Sđd, tr133
[12] Viên Âm, số 15
[13] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sƣu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr83.
[14] Viên Âm, số 15
[15] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr207
[16] Viên Âm, số 21.
[17] Viên Âm, số 28.

Thích Nhất Hạnh: Đạo Phật của tuổi trẻ | Chương I: Xây dựng lại cấu trúc gia đình

 

Đạo Phật của tuổi trẻ là tổng hợp các bài giảng của Sư ông Thích Nhất Hạnh cho Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ trong các khóa tu năm 1997, 1998, và 1999 tại chùa Vạn Hạnh, Cali và tại đạo tràng Thanh Sơn, tiểu bang Vermont. Cuốn sách được tạm chia thành các chương riêng biệt để độc giả tiện theo dõi nên không theo thứ tự thời gian.

Gia đình Phật tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được. Gia đình Phật tử có mặt cũng là để bảo vệ cho con em của ta, để ta đừng bị mất mát, đừng đi vào con đường tan rã. Gia đình Phật tử nằm giữa hai bên và có thế đứng cũng như sứ mệnh của nó. Một bên là học đường, một bên là gia đình. Gia đình Phật tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Mỗi đoàn sinh của Gia đình Phật tử đều có hai gia đình: gia đình tâm linh là Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống. Hai gia đình này hỗ trợ cho nhau và sự tu tập của gia đình tâm linh sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho gia đình huyết thống của đoàn sinh.

Tất cả chúng ta đều biết rằng mục đích của Gia đình Phật tử là để nuôi dưỡng đạo đức của mỗi đoàn sinh từ Oanh vũ cho đến Huynh trưởng. Nuôi dưỡng đạo đức để cải thiện nếp sống gia đình, cải thiện nếp sống học đường và cải thiện nếp sống xã hội. Chúng ta phải có một đường lối giáo dục rõ ràng mới có thể làm được điều đó. Ai cũng biết điều đó, nhưng thực sự thì chúng ta đã và đang làm được gì, nhất là trong khi chúng ta rất lẻ loi, không có sự yểm trợ của học đường, không có sự yểm trợ của gia đình? Làm thế nào để có một thế liên kết giữa Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống cũng như giữa Gia đình Phật tử với học đường?

Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng trong lòng đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để mang dinh dưỡng về cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại sinh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi cái cây ngừng lớn là bắt đầu thoái hóa. Vì vậy ta phải làm mọi cách có thể để cho cái cây Gia đình Phật tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị thoái hóa.

Chương I: Xây dựng lại cấu trúc gia đình

Một niềm tin chung

Hôm qua, ngày 19 tháng 6 năm 1998, sau khi mãn khóa tu ở Omega Institute tại tiểu bang New York, trên con đường về Đạo Tràng Thanh Sơn, tôi có thấy một cái bảng quảng cáo ghi như thế này: “Có vấn đề hả? Tại sao không thử cầu nguyện đi?” Và cách đó không xa có một cái bảng khác viết là: “Những gia đình nào mà biết cầu nguyện chung thì không tan rã”. Chắc chắn là người ở trong nhà thờ nào đó đã dựng lên hai tấm bảng quảng cáo này. Đó là sự thực tập của những người Tin Lành và những người Cơ Đốc Giáo. Họ tin rằng nếu trong gia đình mà mọi người cùng quỳ xuống cầu nguyện chung thì gia đình đó có cơ hội không bị tan rã, không bị chia năm xẻ bảy. Bởi vậy, tấm bảng đó có ý nói rằng nếu trong gia đình quý vị có những sự lộn xộn, chia rẽ, khổ đau thì quý vị phải thực tập cầu nguyện với nhau mỗi ngày. Cầu nguyện Thượng Đế, cầu nguyện Mẹ Maria, cầu nguyện Chúa Kitô, và phương pháp cầu nguyện có thể gọi là phương pháp gần như duy nhất để thực tập trong giáo lý của Cơ Đốc giáo. Và khi tất cả mọi người trong gia đình cùng có chung một đối tượng, cùng cầu nguyện chung thì thế nào những khó khăn, những khổ đau của gia đình đó cũng sẽ giảm bớt. Gia đình đó có cơ hội được lành lặn và không bị tan rã. Tôi nghĩ rằng có ít nhất một phần sự thật trong các lời phát ngôn ấy. Tại vì khi chúng ta cùng có một niềm tin chung và biết cùng nhìn về một hướng thì gia đình chúng ta có nhiều cơ hội để tồn tại hơn mà không bị tan vỡ hay chia rẽ.

Chúng ta thuộc về truyền thống đạo Bụt, chúng ta cũng có những phương pháp thực tập như tụng kinh, hộ niệm, niệm Bụt. Chúng ta cũng tin tưởng rằng nếu chúng ta biết tập họp gia đình lại để cùng tụng kinh, cùng hộ niệm thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hàn gắn lại những đổ vỡ, thiết lập lại truyền thông giữa những người cùng sống trong một gia đình và giữ cho gia đình chúng ta không bị tan rã. Nhưng ngoài phương pháp tụng kinh, niệm Bụt và hộ niệm ra còn có rất nhiều phương pháp khác mà nếu học được, nắm vững được thì chúng ta sẽ thành công hơn trong sự duy trì liên hệ gia đình và giúp cho gia đình chúng ta được vững chãi và hạnh phúc. Đức Thế Tôn đã dạy rất nhiều pháp môn, chỉ cần đem một vài pháp môn đó ra để thực tập thì chúng ta đã có thể thiết lập được sự vững chãi, sự toàn vẹn của gia đình mình.

Trở về để khám phá

Cấu trúc của gia đình Việt Nam có khác với cấu trúc của gia đình Bắc Mỹ, nhưng khi chúng ta đã rời quê hương để sang đó sinh sống thì chúng ta bắt đầu bị ảnh hưởng lối sống của người Bắc Mỹ. Vì vậy chúng ta cũng bắt đầu có cùng những vấn đề như người Bắc Mỹ. Tôi nhớ hồi đồng bào mới bắt đầu di cư sang Tây phương, ở Châu Âu cũng như ở Châu Mỹ, con cái của chúng ta học rất giỏi ở các trường tiểu học. Chuyện các cháu đứng đầu lớp là chuyện thường. Nhưng sự kiện đó chỉ kéo dài được năm hoặc sáu năm thôi và sau đó việc học của các cháu bắt đầu đi xuống. Nhìn cho kỹ thì ta thấy rằng, ban đầu, cấu trúc của gia đình còn rất vững nên em bé an tâm và thành công trong sự học tập. Nhưng khi gia đình bắt đầu bị lung lay, bị ảnh hưởng bởi nếp sống Tây phương; khi người cha, người mẹ, người anh, người chị có những khổ đau mới, cộng với những khổ đau của người xa xứ, thì em bé mất chỗ nương tựa vững chãi từ gia đình, vì vậy em bé không còn học giỏi nữa. Điều này nếu quý vị học về xã hội học, nhân chủng học hoặc từng lưu tâm tới thì quý vị cũng trông thấy. Một vị dược sĩ hành nghề ở Canada cho tôi biết rằng ban đầu thanh niên Việt Nam không vướng vào vòng ma túy và không cần đến thuốc ngủ hay thuốc an thần. Những người mua thuốc ngủ và thuốc an thần toàn là người Tây phương. Nhưng chừng sáu bảy năm sau thì đồng bào ta bắt đầu tới mua thuốc ngủ và thuốc an thần. Điều đó cho thấy rằng chúng ta đã chịu ảnh hưởng bởi lối sống của xã hội Tây phương. Nếp sống tâm linh, nếp sống tinh thần cũng như nếp sống gia đình của chúng ta đã bị ảnh hưởng một cách nặng nề và chúng ta bắt đầu khổ đau, những khổ đau của người Tây phương, cộng thêm những khổ đau đã có sẵn. Trước đó cấu trúc gia đình của người Việt khá vững chãi nhưng sau đó đã từ từ bị lung lay và những chuyện như cha từ con, vợ bỏ chồng hay vợ chồng ly dị nhau bắt đầu xảy ra ở những gia đình người Việt. Ai mà không có những ước muốn giữ cho gia đình mình được nguyên vẹn và hạnh phúc? Thế mà mấy ai trong chúng ta làm được chuyện đó để giữ cho gia đình mình có được sự toàn vẹn, hòa thuận và thương yêu?

Nếu chúng ta không trở về để khám phá ra những nguyên tắc đạo lý, những phương pháp thực tập ở trong truyền thống tâm linh của chúng ta thì chúng ta không có cách gì để cứu vãn được tình trạng của bản thân và của gia đình. Người trẻ Việt Nam sống ở hải ngoại bây giờ cũng lâm vào tình trạng của người trẻ ngoại quốc và chúng ta không có yếu tố nào để bảo vệ chúng ta cả. Chúng ta nói rằng chúng ta theo đạo Bụt, chúng ta có nếp sống tâm linh của chúng ta. Nhưng điều đó chỉ có thể đúng một phần thôi, nhất là trên phương diện danh từ và lý thuyết. Trên phương diện hình thức, chúng ta là con của Bụt, là học trò, là đệ tử của thầy… Đúng như vậy. Chúng ta có chùa tổ ở Việt Nam và chúng ta cũng có ngôi chùa thứ hai ở trong thành phố của chúng ta thì trên phương diện hình thức rất đúng, nhưng chưa chắc điều này đã đúng trên phương diện tinh thần. Tại vì có thể chúng ta cũng còn cảm thấy bơ vơ, chúng ta cũng không có những phương tiện để bảo vệ bản thân và gia đình của chúng ta.

Nơi nuôi dưỡng và chữa trị

Gia Đình Phật Tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được. Gia Đình Phật Tử có mặt cũng là để bảo vệ cho con em của ta, để ta đừng bị mất mát, đừng đi vào con đường tan rã. Gia Đình Phật Tử nằm giữa hai bên và có thế đứng cũng như sứ mệnh của nó. Một bên là học đường, một bên là gia đình. Có thể là trong gia đình em bé không có hạnh phúc: Em bé không có được hạnh phúc với cha, với mẹ, với anh, với chị; khi tới trường thì em bé cũng không có hạnh phúc với thầy, với bạn. Bởi vì trong gia đình có thể có sự bạo động, có sự lộn xộn, có sự chia rẽ. Trong học đường cũng vậy, ở đó bây giờ cũng có những bạo động, những tệ nạn phản ảnh cái xã hội mà trong đó học đường có mặt. Chẳng những gia đình phản chiếu sự tệ hại của xã hội mà ở học đường cũng phản chiếu điều đó. Em bé không có hạnh phúc trong gia đình mà cũng không có hạnh phúc trong học đường thì em bé chỉ còn có một cơ hội chót là Gia Đình Phật Tử. Đó là nơi để nuôi dưỡng và chữa trị những vết thương của em. Đó là nơi trao truyền cho các em những phương pháp để các em có thể sống hạnh phúc trong gia đình, trong học đường của các em. Nhưng Gia Đình Phật Tử có làm được phận sự đó hay không hay là chúng ta cũng đã sa vào cái chủ nghĩa gọi là hình thức?

Chúng ta là Huynh Trưởng, là anh, là chị, chúng ta có bổn phận phải chăm sóc, phải tháo gỡ những khó khăn, khổ đau cho những đứa em của chúng ta. Những khó khăn, khổ đau đó có thể em đã tiếp nhận trong nếp sống gia đình của em, một gia đình thiếu sự vững chãi, thiếu sự thực tập, thiếu hòa thuận, và thiếu hạnh phúc. Những thương tích đó có thể em đã tiếp nhận trong nếp sống học đường, đã bị ảnh hưởng của những người bạn xấu đầy bạo động, đã sống bất cần không theo một nguyên tắc đạo đức và tâm linh nào cả. Một em bé bị tổn thương như vậy khi tới với các anh, các chị, liệu các anh, các chị có đủ sức, đủ tài năng, đủ đức độ để chữa trị cho em, để cho em bớt khổ khi trở về nhà, để em có thể đem một ít sự thực tập về nhà giúp cho gia đình mình? Và khi đi vào học đường em có thể đóng vai trò gương mẫu cho những học trò khác hay không? Sứ mệnh đó là một sứ mệnh rất lớn của Gia Đình Phật Tử.Chúng ta đã biết rằng Gia Đình Phật Tử không thể nào làm việc đơn độc được. Những tệ hại, những vết thương gây ra cho em bé từ gia đình cũng như từ học đường rất lớn. Một mình Gia Đình Phật Tử với một số rất ít Huynh Trưởng không có đủ thì giờ, không có đủ sự huấn luyện, không có đủ tư liệu thì có thể bảo bọc, chữa trị, nuôi dưỡng được các em bé bị thương hay không? Nếu Gia Đình Phật Tử chỉ đứng đơn độc một mình không có sự yểm trợ của gia đình huyết thống, cũng không có sự yểm trợ của thầy trụ trì địa phương (nhiều khi thầy không cho sinh hoạt trong chùa) thì chúng ta có thể làm gì được trong vai trò của mình? Chúng ta phải thực tế, chúng ta đừng có sống bằng những danh từ, chúng ta không thể hồ hởi, phấn khởi bằng những thành công hình thức. Chúng ta phải hiểu rõ thực chất và mục đích của tổ chức.Chỉnh đốn lại gia đình phật tử

Trong Gia Đình Phật Tử, Huynh Trưởng có thể giận nhau, có thể ghét nhau, có thể không nói chuyện được với nhau. Giữa các đoàn sinh cũng có thể có hiện tượng đó. Vậy nếu chính Gia Đình Phật Tử nằm trong tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử có thể can thiệp vào để giúp những gia đình của đoàn sinh được, có phải như vậy không? Cho nên chuyện đầu tiên cần làm là phải chỉnh đốn lại Gia Đình Phật Tử. Phải thực tập như thế nào để những khổ đau, bất hòa, chia rẽ, ganh tị, những bực bội trong Gia Đình Phật Tử đó tan biến đi. Khi Gia Đình Phật Tử thực tập được những điều đó rồi thì mới có khả năng can thiệp vào những gia đình của đoàn sinh và giúp cho họ thoát khổ. Đó là sứ mệnh của Gia Đình Phật Tử. Vì vậy cho nên về lại đơn vị Gia Đình Phật Tử của mình, ta phải dùng phương pháp quán chiếu của Bụt để nhận diện trong gia đình có những nỗi khổ, niềm đau nào không. Quán chiếu trong từng đoàn viên, từ Huynh Trưởng đến Oanh Vũ, xét xem có những niềm đau trong tâm của từng người không. Đó gọi là quán chiếu về sự thật thứ nhất. Phải công nhận, phải nhận diện những đau khổ có mặt trong Gia Đình Phật Tử. Phải thấy được những bản chất, những triệu chứng của đau khổ đó. Rồi phải biết phương pháp để chuyển hóa. Không phải ta chỉ học thuộc lòng bốn sự thật mà Đức Thế Tôn dạy là Khổ, Tập, Diệt, Đạo thôi. Như vậy không có lợi ích gì hết. Ta có thể nói được trôi chảy về Tứ Diệu Đế, nhưng mà ta không có khả năng áp dụng giáo lý đó trong đời sống đích thực của mình.

Gia Đình Phật Tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Giữa những phụ huynh với nhau cũng có khổ đau, có bất hòa, có giận hờn, rồi cũng có thể đi tới tan rã. Trong mỗi cá nhân của thành viên Gia Đình Phật Tử, trong mỗi Huynh Trưởng hay mỗi đoàn sinh cũng có tình trạng những hạt giống tốt không được tưới tẩm khi tới với nhau. Có thể các Huynh Trưởng chưa học được phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt trong các em và trong bản thân của mình. Đã vậy trong khi nói, khi làm, khi chơi, lại vô tình tưới những hạt giống xấu. Nếu những hạt giống xấu mạnh hơn hạt giống tốt thì khổ đau sẽ tràn lấp, sẽ chiếm thế thượng phong. Vì vậy cho nên người nào cũng đi tìm những trò giải trí, những thức ăn, thức uống để quên đi nỗi khổ niềm đau trong lòng của mình. Nếu Gia Đình Phật Tử lâm vào tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử đóng được vai trò của mình mà can thiệp vào tình trạng của đoàn sinh, giúp cho gia đình của đoàn sinh đó bớt khổ?

Gia đình phật tử là Gia đình tâm linh

Mỗi đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử đều có hai gia đình: gia đình tâm linh là Gia Đình Phật Tử và gia đình huyết thống là gia đình ruột thịt có cha mẹ, anh em. Hai gia đình này hỗ trợ cho nhau và sự tu tập của gia đình tâm linh sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho gia đình huyết thống của đoàn sinh. Cho nên trước hết ta phải công nhận là có những khổ đau. Ta phải ngồi với nhau và phải gọi được tên của những khổ đau đó. Gọi đúng tên của những khổ đau đó là có sự chia rẽ, sự ganh tỵ, sự thù hằn, sự thiếu truyền thông giữa Huynh Trưởng với nhau và giữa các đoàn sinh với nhau. Khi đã chấp nhận điều này rồi ta mới thấy có nhu yếu cấp bách để chuyển hóa tình trạng đó. Và lúc ấy quý vị đã bắt đầu hé thấy phương pháp rồi. Điều đầu tiên là đừng có tưới tẩm những hạt giống xấu trong nhau, đừng làm cho nhau thêm giận hờn, bực tức, hận thù, ganh tỵ, sợ hãi. Trong ta, người nào cũng có những hạt giống xấu đó hết. Xuất gia hay tại gia đều có những hạt giống xấu trong lòng. Sinh hoạt chung trong một gia đình ta phải cẩn thận đừng tưới những hạt giống tiêu cực nơi người kia. Huynh Trưởng với nhau đừng tưới cho nhau những hạt giống tiêu cực. Huynh Trưởng cũng đừng tưới những hạt giống tiêu cực của đoàn sinh.

Chỉnh đốn lại gia đình huyết thống

Trong gia đình huyết thống cũng vậy, cha và mẹ phải giữ gìn cho nhau. Đừng tưới những hạt giống tiêu cực của nhau, đừng làm cho nhau giận, bực mỗi ngày. Đó là nguyên tắc thứ nhất. Chúng ta tưới bằng gì? Chúng ta tưới bằng miệng của ta, bằng thân của ta, nghĩa là tưới bằng hành động và tưới bằng ngôn ngữ. Ta làm ăn thế nào mà những hạt giống xấu trong người ta thương lớn quá, thành những khối rất lớn. Ta phải chịu trách nhiệm. Ta đã nói những lời không có tình nghĩa, ta đã nói những lời châm chọc. Ta đã tưới tẩm những hạt giống xấu đó nên bây giờ ta lãnh đủ. Người đó khổ thì ta cũng khổ thôi. Quý vị đã thấy rõ rằng sự thực tập của ta là phải cam kết không được tưới những hạt giống xấu của người đó nữa. Nếu tưới thì người đó đau khổ mà ta cũng lãnh đủ. “Anh này, nếu mà anh thương em thì anh đừng có tưới những hạt giống giận của em mỗi ngày, anh đừng có tưới nhiều lần như vậy. Em mà nổi điên thì em khổ nhưng mà anh cũng lãnh đủ đó!” Sự thật là như vậy.

Thứ hai là ta phải tìm cách nhận diện và tưới tẩm những hạt giống tốt trong người đó vì không ai mà không có hạt giống tốt hết, hạt giống của thương yêu, của tha thứ, của hạnh phúc, của nụ cười. Nếu ta thật sự thương người đó thì mỗi ngày ta phải tưới những hạt giống đó nhiều lần. Tưới những hạt giống tích cực. Ở trong mỗi người đều có hai phần: phần hoa và phần rác. Đừng có tưới rác, chỉ tưới hoa thôi. Ta phải cẩn thận, phải giữ giới. Khi học hỏi về năm giới, ta thấy rõ ràng giới thứ tư là giới không tưới tẩm những rác rến trong người kia bằng ngôn ngữ của mình. Ta chỉ tưới tẩm hoa trong người kia để những đóa hoa trong người kia lớn lên, nở đẹp thì người đó có hạnh phúc mà ta cũng được thừa hưởng. Còn nếu tưới rác thì ta lãnh đủ, có thể lãnh liền ngay sau đó, nửa phút đồng hồ thôi. Điều này chúng ta phải tập mới làm được. Hiểu thì đã đành là dễ rồi nhưng mà phải tập mới được. Đừng tưới những điều tiêu cực, phải tưới những điều tích cực. Nếu quý vị làm được một ngày, hai ngày thì tình trạng sẽ thay đổi ngay.

Thiết lập thế liên minh giữa GĐPT và gia đình huyết thống

Tất cả chúng ta đều biết rằng mục đích của Gia Đình Phật Tử là để nuôi dưỡng đạo đức của mỗi đoàn sinh từ cấp Oanh Vũ trở lên. Nuôi dưỡng đạo đức để cải thiện nếp sống gia đình, cải thiện nếp sống học đường và cải thiện nếp sống xã hội. Chúng ta phải có đường lối giáo dục để có thể cải thiện, nâng cao đạo đức của đoàn sinh và chỉ có con đường đó mới có thể giúp được gia đình, giúp được học đường và giúp được xã hội. Ai cũng biết điều đó, nhưng thực sự thì chúng ta đã và đang làm được gì, nhất là trong khi chúng ta rất lẻ loi, không có sự yểm trợ của học đường, không có sự yểm trợ của gia đình? Làm thế nào để có một thế liên minh giữa GĐPT và gia đình huyết thống của các em cũng như giữa GĐPT với học đường của các em? Được như vậy thì chúng ta mới có cơ hội để chữa trị các vết thương của các em và đào tạo các em thành một thành phần ưu tú lành mạnh của xã hội và của đất nước.

Giáo dục theo đường lối Phật giáo

Thưa quý vị, ba ngày chúng ta ở với nhau không hẳn là một khóa tu mà cũng không hẳn là một cuộc họp. Chúng ta, ai cũng ao ước đem thêm sinh lực, đem thêm nguồn dinh dưỡng cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, để Gia Đình Phật Tử trở thành một tổ chức thanh thiếu niên giáo dục theo đường lối Phật giáo. Nó có thể là một tổ chức gương mẫu cho các bạn trẻ trên thế giới. Chúng ta biết rằng năm 1974, tổ chức của ‘Buddhist Fellowhip’, Hội liên hữu Phật tử thế giới, đã giao cho Việt Nam trách vụ tổ chức một hội nghị cho thanh thiếu niên Phật tử toàn thế giới. Lúc đó có một ban vận động và tổ chức đã được hình thành tại Sài Gòn. Chúng ta đang chuẩn bị đại hội quốc tế để đón chào tất cả những đại biểu của thanh niên, thiếu niên Phật tử của các nước trên thế giới tới Việt Nam thì biến động chính trị xảy ra. Chúng ta đã không thực hiện được công việc mà chúng ta ao ước là có một buổi họp bạn quốc tế của thanh niên và thiếu niên Phật tử. Bao nhiêu năm đã đi qua. Chúng ta mong ước rằng nếu chúng ta có thể làm mới được Gia Đình Phật Tử, nếu chúng ta tìm ra được những nguồn tư lương, những nguồn dinh dưỡng để làm cho Gia Đình Phật tử trở thành một tổ chức hùng mạnh, vững chãi đứng về phương diện hình thức cũng như đứng về phương diện nội dung thì chúng ta sẽ có khả năng tổ chức lại hội nghị đó trong vòng vài năm nữa.

Một nguồn sinh lực mới

Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng ở dưới đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để đưa về sự dinh dưỡng cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại linh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi nào nó ngừng sự lớn lên là bắt đầu có sự thoái hóa. Vì vậy ta phải làm đủ cách để cho cái cây Gia Đình Phật Tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị ngưng lại. Khi mà sự lớn lên bị ngưng lại thì nó bắt đầu già cỗi. Chúng ta biết rằng biến cố chính trị trong nước đã không cho phép chúng ta làm công việc đó một cách dễ dàng trong mấy chục năm qua. Ở trong nước và ở ngoài nước tất cả các bạn đều có chung một niềm thao thức về tổ chức. Phật giáo đã có mặt từ 2600 năm và trong thời gian đó Phật giáo đã có nhiều lần được đổi mới. Mà mỗi lần đổi mới như vậy thì đạo Bụt lại có sinh lực mới. Đó là quy luật chung của tất cả các tổ chức, các đoàn thể. Gia Đình Phật Tử chúng ta cũng vậy: lâu lâu, mười năm, mười lăm năm chúng ta cần phải có sự đổi mới. Vì vậy tất cả chúng ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người nào cũng mong ước có những cơ hội có thể tới được với nhau để cùng nhau quán chiếu về cách thức đổi mới, đem lại sinh lực mới cho đoàn thể chúng ta. Có thể nói rằng Gia Đình Phật Tử là một đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên Phật tử có uy tín trên thế giới. Nếu chúng ta có thể làm mới được, nếu chúng ta có thể đem lại cho đoàn thể của chúng ta những chất liệu dinh dưỡng mới thì ta có thể đóng được vai trò của mình và ta có thể giúp được những đoàn thể thanh thiếu niên Phật tử khác trên thế giới. Chúng ta biết rằng những người ở trong nước và những người ở ngoài nước có liên hệ với nhau rất mật thiết. Tất cả những gì chúng ta làm được ngoài này thì trong nước cũng được hưởng và tất cả những gì người ở trong nước làm được thì chúng ta cũng được hưởng. Cũng như vậy, khi mà chúng ta làm nên lỗi lầm, chúng ta có sự chia rẽ, sự chống báng nhau thì bên nhà, các Phật tử rất đau khổ. Mà nếu ngoài này chúng ta nắm tay nhau được, thương yêu nhau được, thực hiện được một vài công trình gì đó thì tiếng thơm bay về nhà và điều đó an ủi người bên nhà rất nhiều. Tất cả những công việc nào chúng ta làm ở ngoài này mà có tính cách xây dựng thì bên nhà đều được hưởng. Những quyển sách, những quyển kinh, những bài pháp thoại, tất cả những gì mà chúng ta thực hiện được ở ngoài này thì bên nhà đang được hưởng. Và tuy chúng ta không trực tiếp làm việc ở quê hương nhưng tất cả những sự tu tập, tất cả những công trình mà chúng ta thực hiện ở ngoài này đều có ảnh hưởng về bên nhà. Máu trở về tim.

Món quà cho quê hương

Ba ngày của chúng ta đây, ba ngày mà chúng ta tập họp, sống với nhau, ngồi bên nhau, thở với nhau, đi thiền hành với nhau, chúng ta hãy tập quán chiếu để tìm ra con đường làm mới cho tổ chức của chúng ta. Tôi muốn rằng đó là một món quà mà chúng ta sẽ gửi về quê hương cho các bạn ở Việt Nam. Vậy thì trong ba ngày này chúng ta phải có mặt cho nhau, có mặt đích thực với nhau. Chúng ta phải cùng nhau bước những bước chân thiền hành cho vững chãi. Chúng ta phải cùng nhau ngồi cho thật yên, thở cho thật có ý thức, rồi với năng lượng chánh niệm, chánh định đó mà chúng ta sẽ nhìn sâu vào tình trạng của chúng ta, tình trạng của Gia Đình Phật Tử trong nước cũng như ngoài nước. Và chúng ta sẽ phát kiến ra được những cái chúng ta gọi là ‘tuệ giác’. Những tuệ giác đó là hoa trái của khóa tu này mà chúng ta sẽ hiến tặng cho quê hương và cho đoàn thể của chúng ta. Chúng ta phải sống sâu sắc thì món quà đó mới có giá trị. Còn nếu chúng ta chỉ sống hình thức thôi thì món quà đó tuy có mặt nhưng không có chất liệu cao như chúng ta mong ước.

Nguồn: Làng Mai

Đạo Sinh: Câu Chuyện Thầy Trò

 

CON ĐƯỜNG TU TẬP

Giác ngộ, hay bodhi trong tiếng Phạn, được dùng để chỉ cho thành tựu cuối cùng của Bồ-tát Tất-đạt-đa khi đang ngồi dưới cội cây bồ-đề vào lúc sao mai mọc. Từ đó, sự thành tựu giác ngộ được xem như cứu cánh tối hậu của con đường tu tập trong Phật giáo.

Theo Phật giáo, giác ngộ không phải là cái được Thượng đế ban tặng cho đức Phật, vì không có thật một Thượng đế như thế. Cũng không phải là cái được thần linh mặc khải, vì không ai có thể làm cho người khác thanh tịnh hay nhiễm ô. Cũng không phải là Quả được tạo thành bởi nhân-duyên tu tập, vì tất cả những gì được tạo thành bởi nhân-duyên đều phải biến diệt khi nhân-duyên tan rã. Nếu giác ngộ cũng được tạo thành theo cách đó thì khi nhân-duyên tan rã, chư Phật sẽ trở lại trạng thái vô minh.

Vì thế, giác ngộ là “cái” không sinh, không diệt; là “cái có sẵn” trong mỗi chúng sinh. Nói cách khác, giác ngộ là cái có sẵn, không chỉ với Bồ-tát Tất-đạt-đa mà với tất cả chúng sinh. Vì trong quá trình tu tập, có khi Bồ-tát đã phải tái sinh dưới dạng con chó, con mèo, v.v.

Ở đây có thể nêu lên 1 câu hỏi: Như vậy, giác ngộ ở Phật & chúng sinh là đồng hay dị?

– Không khác nhau: Thánh điển ví giác ngộ như mặt trời; tất cả mặt trời đều có khả năng chiếu sáng như nhau.

– Không giống nhau: Giác ngộ ở chúng sinh là mặt trời đang bị mây mù phiền não & vô mình che lấp, vì thế ánh sáng không thể xuyên thủng để lan tỏa ra ngoài. Trong lúc giác ngộ ở Phật là sự tỏa sáng trọn vẹn của một mặt trời không gì có thể che lấp.

Từ mô tả trên có thể rút ra một hệ luận phổ quát về tu tập trong Phật giáo: Con đường tu tập là tiến trình loại bỏ, chặt đứt, buông xả, phá hủy mọi chướng ngại đang ngăn che sự tỏa sáng của mặt trời giác ngộ trong mỗi chúng sinh.

TỰ NGÃ & TU TẬP

Khi phát tâm tu tập thì chúng ta chưa thành tựu giác ngộ. Nói cách khác, phát tâm của chúng ta đang đặt nền tảng trên phiền não & vô minh.

Phiền não và vô minh là nội hàm của Tự ngã, tức cái TÔI của mỗi người chúng ta. Đặc điểm của tự ngã là sợ hãi & cầu mong. Tự ngã sợ khổ và cầu lạc, sợ nhục và cầu vinh, sợ chê và cầu khen, sợ mất và cầu được, sợ nguy và cầu an, sợ mê và cầu ngộ, sợ sinh tử và cầu niết-bàn, v.v.

Ở đây có thể nêu lên một câu hỏi: Nếu tất cả các đặc điểm trên đều là sản phẩm của tự ngã, tức của phiền não và vô minh, thì chúng ta tu tập, hay dụng công, để làm gì? Chúng ta tu tập để “làm sạch”, để “chặt đứt”, để “vứt bỏ” những sợ hãi và mong cầu như thế. Nói một cách dễ hiểu hơn, chúng ta tu tập là để học cách làm toán trừ, chứ không phải cộng thêm. Sự tỏa sáng của mặt trời giác ngộ trong mỗi chúng ta không yêu cầu chúng ta phải cộng thêm gì vào cho nó. Thậm chí nó còn van xin chúng ta hãy mau mau lột bỏ mọi thứ đang che mờ ánh sáng của nó.

Thế nhưng, một điều mỉa mai là tự ngã của mỗi người chúng ta không hẳn đã muốn làm thế; nhất là đối với những “đám mây”, với những “đám bụi mờ” đã được nó dán lên các mỹ từ “an lạc”, “thanh tịnh”, “giải thoát”, “giác ngộ”, “niết-bàn”, v.v.

Để có thể hiểu được bi hài kịch này, chúng ta hãy thử hình dung tình huống sau: Chúng ta đang sống trong một căn phòng tối tăm. Chúng ta đã sống ở đó lâu đến mức không còn nhớ lần đầu mình đặt chân đến vào lúc nào nữa; đồng thời cũng không còn khái niệm về ánh sáng là gì nữa. Cho đến một hôm có người chỉ cho chúng ta biết rằng căn phòng của chúng ta vốn dĩ không tối tăm như thế, bởi vì nó vẫn có một khung cửa kính để lấy ánh sáng. Nhưng vì lâu ngày bị bụi bám dày, ánh sáng không thể lọt qua được để chiếu sáng cho nên chúng ta mới phải sống trong cảnh tối tăm từ đời này sang đời khác như thế. Người đó còn gợi ý, nếu không muốn tiếp tục sống trong cảnh tối tăm thì sẽ chỉ cho chúng ta cách để làm sạch khung cửa kính, đồng thời sẵn sàng cung cấp miễn phí cho chúng ta đèn đuốc và các dụng cụ làm sạch.

Trong tình huống trên, chúng ta có thể thấy được 2 trường hợp sau:
(i) Chúng ta tin người đó, chấp nhận lời đề nghị cũng như các phương tiện người đó cung cấp, và bắt tay vào việc làm sạch.
(ii) Chúng ta không tin người đó, vì chúng ta thấy, mặc dù không có ánh sáng, nhưng tự ngã của chúng ta vẫn có thể tồn tại từ đời này sang đời khác—có khi còn tồn tại một cách “vinh quang” trong cái vui, cái được, cái vinh, cái khen, v.v., là đàng khác. Tuy nhiên, vì biết rõ các mỹ từ như “tu tập”, “an lạc”, “thanh tịnh”, “giải thoát”, “giác ngộ”, “niết-bàn”, được dùng để chỉ cho những gì rất cao thượng, rất cao quý được nhiều người tôn sùng, cho nên tự ngã sẽ không bỏ qua cơ hội sử dụng tất cả các mỹ từ đó để làm đẹp cho mình. Với ý đồ đó, tự ngã sẵn sàng nói “tin” và ” nhận” tất cả những gì được người kia cung cấp. Thế nhưng, tự ngã nhận, không phải để nỗ lực làm sạch khung cửa kính để lấy ánh sáng, mà thay vì thế, tự ngã sẽ dán lên đó một bức tranh, một tấm bích chương, môt bài thơ, v.v., bên trên có đủ hình ảnh của mặt trời giác ngộ, có đủ câu chữ về “thanh tịnh”, “giải thoát”, v.v., y hệt như trong các Thánh điển. Những việc làm này ngày càng giúp tự ngã cảm thấy hài lòng với cuộc sống trong bóng tối của mình, ngày càng tự hào hơn với lượng kiến thức mới được tích lũy, với sự kính trọng nhất định nào đó từ đám đông.

Ý THỨC MỚI TRONG TU TẬP:
TRI ÂN

Khi quyết định lấy lại ánh sáng từ khung cửa sổ đang bị bụi mù đeo bám—thay vì tiếp tục lừa dối mình bằng cách dán lên đó một bức tranh, vẽ một mặt trời sáng rực với dòng chữ “giác ngộ & giải thoát”—thì đó là lúc chúng ta có thể ngồi lại với nhau.

Và hành động trước tiên khi chúng ta ngồi lại với nhau là GẶP PHẬT—người đã chỉ ra một sự thật là căn phòng của chúng ta cũng có một khung cửa kính giống hệt như căn phòng của ngài. Không những thế, ngài còn sẵn sàng chỉ cách cho chúng ta làm sạch khung cửa đó để xua đi bóng tối đang bao phủ cuộc sống của chúng ta từ đời này sang đời khác. Và ngài xuất hiện ở đây là để trao cho chúng ta một ngọn đèn cũng như tất cả các vật dụng chúng ta cần để làm được điều đó.

Nói cách khác, nếu không có ngài thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ có thể thoát ra cuộc sống bi đát như hiện này. Hơn ai hết, Phật tử VN là những người đã và đang trực tiếp kinh nghiệm điều này: chỉ cần một vùng đất nào đó trên hành tinh vắng bóng ngài, trong 10 năm, 20 năm, hay 30 năm thì ở đó mọi thảm kịch của trần gian bắt đầu diễn ra: hận thù và chiến tranh; cha mẹ, vợ chồng, anh em sẵn sàng tàn sát lẫn nhau; con người trong xã hội đánh mất hoàn toàn niềm tin vào mọi giá trị cao quý của con người; nghi ngờ nhau, đề phòng nhau, sát phạt nhau, giành giựt nhau mọi thứ, kể cả vật chất lẫn tinh thần, đến độ, cho dù có khi chiến tranh đã kết thúc nhưng có người vẫn không sao tin được trên đời này lại có cái gọi là từ bi, là thương yêu đùm bọc nhau như người trong một nhà, là bố thí, là sẵn sàng chia sẻ với người khác bất kể điều kiện gì có được để làm cho cuộc sống của cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.

Sở dĩ những điều trên được đề cập ở đây là để giúp chúng ta đặt lại giá trị hình ảnh của đức Phật trên con đường tu tập của mỗi người chúng ta. Có thể có người trong chúng ta đã sớm gặp được ngài, trong tâm tưởng cũng như trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau ở ngoài đời. Thế nhưng, chúng ta đã “gặp” ngài như thế nào? Có phải chúng ta đã mượn hình tượng của ngài để trang sức cho căn phòng của mình, cho ngôi nhà của mình, cho khu vườn của mình, hoặc để chứng tỏ cho người khác biết rằng mình cũng là người biết tôn thờ một đấng Giác ngộ? Có phải những lúc đảnh lễ ngài là chúng ta mong cầu ngài gia bị cho cuộc sống của chúng ta được ngày đêm an lạc, thọ mạng của chúng ta được dài lâu? Cho dù chúng ta đã gặp đức Phật trong những hoàn cảnh khác biệt nhau đến thế nào đi nữa thì tất cả vẫn có một điểm chung: chúng ta chỉ cần đến ngài khi cần hoặc chúng ta chỉ tình cờ gặp ngài.

Tất cả những gì chúng ta làm ở trên đều chỉ có giá trị về mặt tín ngưỡng và tôn giáo. Trên con đường tu tập, chúng ta không phải thờ phụng, tôn thờ, kính sợ bất cứ một thần tượng nào cả. Bởi vì đó hoàn toàn là các cạm bẫy của tự ngã. Tự ngã luôn luôn sợ nhục và cầu vinh. Nếu chúng ta tôn thờ hình ảnh của đức Phật theo cách như thế, thì nguy cơ một ngày nào đó tự ngã sẽ bắt chước như Phật là điều không tránh khỏi. Và điều này trên thực tế không phải đã không xảy ra: không thiếu gì trường hợp cố gắng tập ngồi như Phật, tập đi như Phật, tập cười như Phật, tập nói năng như Phật, tập im lặng như Phật, v.v.

Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta ngồi lại với nhau ở đây là để học cách xử lý cái tâm đang bị mê mờ của chúng ta. Điều này cũng có nghĩa tất cả chúng ta đều đang sống trong phiền não & vô minh. Chúng ta không được phép để cho tự ngã đánh lừa mình. Với một cái tâm như thế thì mọi diễn xuất của tự ngã, cho dù có khéo léo đến đâu, cũng chỉ là những biểu hiện của vô minh. Vì thế nếu muốn tri ân, muốn kính ngưỡng, muốn thờ phượng đức Phật mà không bị sa vào các cạm bẫy của tự ngã, thì cách duy nhất chúng ta có thể làm là bất kể ngày hay đêm, hãy luôn luôn nung nấu, luôn luôn nỗ lực tìm cách giải cứu đức Phật đang bị tự ngã giam hãm trong chính thân tâm mình. Có làm được thế thì chúng ta mới mong có ngày báo đáp được ân đức của chư Phật khắp trong mười phương thế giới.

Có một sự thật có thể làm cho quý vị không hài lòng nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến: Tất cả chúng ta đang ngồi ở đây đều đang mang cái bản mặt của phiền não & vô minh. Thế thì có đẹp đẽ gì đâu mà chúng ta cứ mãi ngày đêm ngắm nghía thay vì chiêm ngưỡng hình tượng của ngài ngay trong chính thân tâm mình!

SỐNG CHẾT & TỒN TẠI

Theo quan niệm của nhà Phật, tồn tại của mỗi người chúng ta là một chuỗi sống-chết nối tiếp nhau. Sự tồn tại ở đời này là kết quả của các nhân duyên trong các đời trước, đồng thời cũng là nhân-duyên cho một kết quả nào đó ở các đời sau. Sự tiếp diễn các chu kỳ sống-chết qua 3 thời điểm “quá khứ – hiện tại – tương lai” như thế cho chúng ta hình ảnh của một bánh xe quay. Tuy nhiên, đây không phải là bánh xe quay tại chỗ, mà luôn luôn lăn về phía trước.

Luận Câu-xá phân chia một chu kỳ sống-chết như thế thành 4 giai đoạn nối tiếp nhau:
– Sinh Hữu là sự hiện hữu của chúng ta vào thời điểm chúng ta nhập vào bào thai của người mẹ.
– Bổn Hữu là sự hiện hữu của chúng ta sau khi nhập thai cho đến trước khi chết.
– Tử Hữu là sự hiện hữu của chúng ta vào lúc chết.
– Trung Hữu là sự hiện hữu của chúng ta trên đường di chuyển từ đời này cho đến nơi chúng ta nhập vào thai một người mẹ mới nếu chúng ta được sinh lại làm người.

Quan niệm trên có thể giúp chúng ta lột bỏ 2 lớp mây tà kiến đang bao phủ mặt trời giác ngộ của chúng ta:
ĐOẠN KIẾN: Nếu cho rằng tồn tại của con người chỉ kéo dài trong một đời này, chết là hết, tất cả đều trở thành hư vô, thì chúng ta bị rơi vào loại tà kiến chấp “đoạn”. Loại tà kiến này có khả năng hủy diệt mọi nỗ lực cải thiện bản thân. Bởi vì theo PG, nếu sinh ra vào thời không có Phật, sự chấm dứt khổ đau không thể chỉ trong một đời mà có thể thành tựu. Đồng thời, tà kiến này còn khuyến khích sự làm ác; bởi nếu làm ác mà được một loại luật pháp thế gian nào đó bảo vệ thì con người sẽ không ngần ngại để làm ác.

THƯỜNG KIẾN: Nếu cho rằng tồn tại của con người là một chuỗi sinh-diệt tương tục không bao giờ chấm dứt, thì chúng ta bị rơi vào loại tà kiến chấp “thường”. Loại tà kiến này cũng có khả năng hủy diệt mọi nỗ lực tu tập trong PG. Vì mục đích của tu tập là thoát khổ, là thoát ra khỏi vòng quay của luân hồi sinh tử. Nếu đó là một vòng quay không bao giờ kết thúc thì chúng ta cố gắng “làm lành, tránh dữ” để làm gì.

Khi nhận ra hai loại tà kiến trên thì chúng ta sẽ vượt qua được hai loại chướng ngại trên con đường tu tập:
MẶC CẢM TỰ TI: Trước khi đức Phật Thích-ca xuất hiện ở Ấn-độ thì tất cả chúng ta đều đã hiện hữu trong chuỗi sống-chết tương tục của riêng mình. Chỉ tính trong vòng 2500 năm trở lại, chúng ta không thể biết trong những lần sống-chết đó mình đã tồn tại như thế nào. Có thể chúng ta đã là con chó, con mèo, đã là một cận sự nam, cận sự nữ; cũng có thể đã là một hòa thượng, một đại trưởng lão, v.v. Tuy nhiên, chỉ riêng trong đời này thôi, chúng ta có thể biết rõ một điều là “chúng ta đang được làm người”, và không chỉ làm người mà “chúng ta còn được gặp Pháp”. Đây là điều có thật, và là nhân duyên lớn cho mỗi người Phật tử. Bởi Phật pháp không phải là vật sở hữu của riêng cá nhân, đoàn thể nào; và con đường tu tập cũng thế.

MẶC CẢM TỰ TÔN: Sự giải thoát của một a-la-hán được mô tả là “đã bỏ xuống gánh nặng”. Trong các Thánh điển, “gánh nặng” chỉ cho năm uẩn nhiễm ô của mỗi người chúng ta. Đồng thời sự giải thoát của một bồ-tát chính là sự thực chứng tiềm năng giác ngộ trong mỗi người chúng ta. Thế thì giải thoát là vấn đề nằm ở năm uẩn hay giác tánh của mỗi người chứ không nằm ở bất cứ điều kiện nào khác. Nói một cách dễ hiểu hơn, tất cả các giá trị quy ước của thế gian như khen-chê, vinh-nhục, khổ-sướng, được-mất, v.v., chẳng liên quan gì đến tiến trình tu tập cũng như cứu cánh giải thoát của chúng ta; mà chỉ có dòng tâm mới là yếu tố quyết định trong chuỗi dài sống-chết của mỗi người.

HOẶC – NGHIỆP – KHỔ

Có thể nói “hoặc-nghiệp-khổ” là một mô tả khái quát, nhưng trung thực nhất, nhận định của đức Phật về tồn tại của con người trên trái đất. “Vì mê mờ nên con người mới có các hành động bất thiện; và vì hành động bất thiện nên mới lâm vào cảnh khổ.”

Nếu đảo ngược định đề trên, chúng ta có thể nhận ra đề nghị của ngài trước thực trạng này: “Muốn thoát khỏi cảnh khổ thì phải chấm dứt hành động bất thiện; muốn chấm dứt hành động bất thiện thì không được mê lầm.” Và từ đó, chúng ta có thể xác định được ý nghĩa và mục đích ngài xuất hiện trong thế giới này: “Giúp cho một người bình thường biết được và hội nhập được sự không mê lầm của người đã giác ngộ”.

Ở đây chúng ta có thể nêu lên một câu hỏi: Nếu mục đích của ngài chỉ là thế thì ngài không giúp chúng ta giải quyết những khổ đau đang chịu đựng hay sao?

Hoàn toàn không. Ngài không thể làm thế và ngài cũng cho biết không ai có thể làm thế. Những khổ đau chúng ta đang gánh chịu là “sự đã rồi”. Một mũi tên khi đã được bắn ra thì không ai có thể làm cho nó “đừng được bắn ra”. Vì thế chỉ còn một cách duy nhất là làm thế nào để chúng ta đừng tiếp tục “bắn ra” nữa. Một khi nghiệp lực đã đẩy chúng ta tái sinh vào cõi người thì chúng ta không thể đổi hướng đến bất cứ cõi nào khác. Khổ cảnh mà chúng ta đang chịu là một loại quả báo (retributive effect), tức một quả được tạo ra, như một sự “đáp trả” đối với một hành động trước đó. Chúng ta ném quả bóng vào bức tường đối diện và quả bóng chắc chắn sẽ bật trở lại. Chữ Phạn “vipākaphala” được ngài Huyền Trang dịch sang Hán văn là “異熟果” (dị thục quả; ripened fruit)—một quả đã chín và biến đổi. “Đã chín” có nghĩa quả đã phát triển đến mức tối đa của nó, không ai có thể ngăn nó đừng “chín”; và “biến đổi” có nghĩa từ xanh đã đổi thành vàng, từ cứng đã đổi thành mềm, từ đắng chát đã thành ngọt bùi, từ nghiệp nhân thiện hoặc bất thiện đã trở thành nghiệp quả lạc hoặc khổ.

Đứng trước một thực trạng như thế, đức Phật khuyên chúng ta hãy thực hành pháp Nhẫn: (i) thừa nhận đó là sự thật chứ không trốn chạy; và (ii) can đảm chịu đựng khổ đau để bước đi trên con đường dẫn tới giác ngộ. Chỉ có giác ngộ mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi khổ cảnh*.

PHẬT LÀ AI?

PHẬT: Phật, hay buddha trong tiếng Phạn, là một danh từ chung, chỉ cho một “bậc giác ngộ”. Tiếng Anh chuyển ngữ thành “Enlightened One”. Sở dĩ các cộng đồng nói tiếng Anh dùng chữ “one” chứ không phải “person,” hay “human,” hay “human being” là để minh định “phật” không phải là một con người. Theo PG, con người là một trong sáu loại chúng sinh chỉ tồn tại trong Dục giới. Dục giới là thế giới có 2 tính chất nổi bật là thực dục (ham muốn ăn uống), và dâm dục (ham muốn tình dục). Một người đã giác ngộ, nếu xuất hiện trong Dục giới, thì vị đó chỉ có hình tướng bên ngoài trông tương tợ như con người ở Dục giới, chứ tất cả những gì còn lại đều không phải là “con người” theo nghĩa thường dùng trong thế giới loài người nữa.

GIÁC NGỘ: Một người chưa giác ngộ không thể biết được nội hàm của giác ngộ là gì. Nhưng căn cứ vào các thánh điển của Phật giáo thì giác ngộ không phải là loại sản phẩm được Thượng đế, hay Trời, hay Phạm thiên, v.v., ban phát cho một người nào đó. Vì thế, nếu lấy toàn bộ cấu trúc thân-tâm của một con người làm “đơn vị tồn tại” trong không gian và thời gian, thì giác ngộ không đến từ bên ngoài, mà là một loại tiềm năng dứt khoát phải có sẵn trong từng đơn vị tồn tại đó. Từ đó biết rằng nếu phủ nhận sự tồn tại của tiềm năng giác ngộ này trong mỗi sinh vật là một loại tà kiến đi ngược lại Phật pháp.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA PHẬT TRONG THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI: Theo Phật giáo, trái đất không phải là hành tinh duy nhất trong vũ trụ; và trái đất cũng không phải là nơi cư trú duy nhất của tất cả các sinh vật, trong đó có con người. Vì thế, một người chưa giác ngộ ở trên trái đất này không thể nào biết được có bao nhiêu bậc giác ngộ trong vũ trụ. Tuy nhiên, căn cứ vào từng “nhiệm kỳ làm Phật” của các bậc giác ngộ, được ghi chép lại trong các Thánh điển, mà người học biết được có 7 bậc giác ngộ đã từng đảm đương “chức vụ làm Phật” trong vũ trụ này.

Chúng ta tạm mượn thí dụ sau đây để có khái niệm về điều này: Trong hệ thống hành chính hiện đang lưu hành ở Hoa Kỳ, tất cả các thượng nghị sỹ đều đủ tư cách (qualifications) để làm tổng thống. Nhưng xuất phát từ các nhu cầu hành chánh, trong mỗi nhiệm kỳ, chỉ có một thượng nghị sỹ đảm đương chức vụ tổng thống. Vì thế khi nói “chỉ có 1 tổng thống trong 1 nhiệm kỳ nào đó”, điều này không có nghĩa tất cả các thượng nghĩ sỹ còn lại trong thời khoảng đó không có tư cách làm tổng thống; hoặc chỉ có chừng đó tiến sỹ Luật có tư cách làm thượng nghị sỹ, còn tất cả các công dân khác đều không có khả năng hay tiềm năng làm thượng nghĩ sỹ.

Tương tợ thế, nếu Bồ-tát Siddhartha không có tiềm năng giác ngộ thì ngài không thể nào trở thành bậc giác ngộ, trừ khi ngài được Thượng đế, hay Phạm thiên, ban phát cho ngài tiềm năng này. Vì thế, người học dễ dàng nhận ra rằng giác ngộ là một khả tính, không chỉ tồn tại trong mỗi con người mà còn trong cả những sinh vật khác. Bởi vì, cũng theo Phật pháp, cái gọi là “con người” chỉ là 1 trong những hình tướng mà một chúng sinh nào đó phải nhận lấy trong chuỗi dài sinh-tử không cùng tận của mỗi chúng sinh trong vũ trụ.

PHÁT TÂM THÀNH PHẬT

Tình trạng hỗn loạn của thế giới tự cổ chí kim, ngoài các tác nhân thuộc về tự nhiên, còn có yếu tố con người. Con người góp phần vào sự hỗn loạn này qua ba loại hoạt động được Phật giáo gọi tên là NGHIỆP (karma, action); trong đó, loại hoạt động thuộc về nội tâm có tên là Ý nghiệp, và 2 loại hoạt động ngoại biểu là Ngữ và Thân nghiệp. Ý nghiệp chỉ cho quá trình sinh khởi của một ý muốn, một ý chí trong tâm của một con người. Khi một ý chí có nội hàm không tương ưng với Phật Pháp–tức không phù hợp với quy luật tự nhiên, không phù hợp với trật tự vận hành tự nhiên của mọi tồn tại trên thế giới–thì ý chí đó là tác nhân đầu tiên của sự hỗn loạn. Khi một ý chí như thế được khai triển qua ngôn ngữ để trở thành cái con người gọi là học thuyết, chủ nghĩa, hệ tư tưởng, chủ trương, v.v., và được thực hiện qua các hành vi cụ thể, thì chúng trở thành các hoạt động mang tính phá hủy, chứ không phải xây dựng như thường được lầm tưởng. Ở đây có thể đặt ra câu hỏi “Nguyên nhân hình thành loại ý chí như thế là gì?” hoặc nói một cách dễ hiểu hơn “Tại sao con người lại để cho tình trạng hỗn loạn này xảy ra không dứt như thế?”

Những câu hỏi trên, không phải bây giờ mới được đặt ra, mà từ xa xưa con người đã không ngớt nêu lên và đã tự trả lời. Ở đây chúng ta tạm thời đưa ra hai khuynh hướng nổi bật nhất trong lịch sử văn hóa Trung Hoa:
Khuynh hướng tách rời khỏi tình trạng hỗn loạn nói trên bằng nỗ lực “chấm dứt những tạo tác đi ngược lại các quy luật tự nhiên”. Điển hình là Lão tử và học thuyết Vô Vi của ngài.

Khuynh hướng thể nhập vào chính tình trạng hỗn loạn đó và nỗ lực thay đổi bằng cách “thiết lập các định chế xã hội”. Điển hình là Khổng tử và đa dạng các chủ trương riêng cho từng lãnh vực trong đời sống nói chung của ngài.

Trong giới hạn của nhan đề cũng như khuôn khổ một buổi mạn đàm như thế này, chỉ xin đi sâu vào một khuynh hướng thứ ba, phát xuất từ nền văn minh Ấn-độ: Đó là đức Phật Thích-ca và giáo pháp của ngài.

Đức Phật không chủ trương tách rời khỏi sự hỗn loạn của thế giới, mà cũng không chủ trương khắc phục sự hỗn loạn đó bằng các định chế do con người tạo ra. Tại sao như thế? Vì ngài xuất hiện trong thế giới này chỉ với một mục đích duy nhất: “chỉ ra và giúp mọi người có được sự hiểu biết của bậc giác ngộ” (khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến). Hiểu biết của bậc giác ngộ là hiểu biết xuyên suốt mọi hiện tượng, không chỉ qua tên gọi và hình tướng, mà còn nhìn thấy tận cùng thể tánh tồn tại của chúng; không chỉ nhìn thấy tự thể các tồn tại mà còn nhìn thấy sự vận hành của mỗi một tồn tại trong tương quan không thể tách rời nhau của chúng. Với một cái nhìn như thế thì cái mà người đời gọi là “khu rừng” thật sự chẳng chỉ cho một khu rừng nào cả, mà đó chỉ là một lượng cây cối cùng tồn tại trong một không gian và thời gian nào đó. Và cũng thật sự chẳng có cái gì được gọi là “cây cối” cả, mà đó chỉ là sự tập hợp của một số cá thể có tên là rễ, thân, cành , hoa, lá, v.v., trong cùng một không gian và thời gian nào đó.

Đức Phật gọi nguyên lý tồn tại và vận hành như thế của mọi hiện tượng trên thế gian là Duyên Khởi (conditioned arising; interdependent origination), đồng thời nhấn mạnh rằng “dù ngài có xuất hiện hay không thì thế gian vẫn tồn tại và vận hành như thế.” Với khẳng định này, ngay cả Phật giáo và những gì thuộc về nó cũng không thoát khỏi nguyên lý này. Cái thường được gọi là “Tăng-già nguyên thủy” chỉ là một cái tên, một tập hợp các ký tự, một chuỗi âm tiết tồn tại trong kinh sách hoặc trong những ngôn từ có liên quan đến Phật giáo. Tồn tại có thật trong quá khứ chỉ là tự thân đức Phật và các học trò của ngài. Với một thực trạng như vậy thì chúng ta sẽ nghĩ về, sẽ nhìn thấy, sẽ nói về “Tăng-già” đó như thế nào cho khỏi bị rơi vào vọng ngữ hay tà kiến. Đó là một “cộng đồng giác ngộ”? Không có. Ít ra cũng còn lại một thành viên của cộng đồng đó chưa đạt được giác ngộ của một A-la-hán khi Phật còn tại thế. Nếu thế thì đó là một “cộng đồng chưa giác ngộ”? Không có. Đức Phật và các vị A-la-hán đã là các bậc giác ngộ. Thế thì đó là một “cộng đồng vừa giác ngộ vừa không giác ngộ”? Tà kiến. Làm gì có cái gọi là thực hữu mà có đến 2 thể tánh; v.v.

Với tín tâm bất hoại đối với đức Phật và Phật pháp, khi nhận thức được nguyên lý này, người Phật tử chân chính có thể biết mình phải làm gì. Một khu rừng xanh tốt chỉ có thể có khi được tạo thành bởi các cây xanh tốt. Một cây xanh tốt phải được tạo thành bởi rễ, bởi thân, bởi cành, v.v., tươi tốt. Thế giới con người hỗn loạn vì được tạo thành bởi những con người hỗn loạn. Con người hỗn loạn vì cấu trúc thân-tâm hỗn loạn. Chúng ta không thể có một bầu khí quyển trong lành nếu hàng ngày cứ tiếp tục thở vào đó những hơi thở sặc mùi “tham lam, ngu dốt”. Chúng ta không thể có một cộng đồng thân thiết nếu mỗi người nhìn nhau như kẻ thù, v.v. Vậy thì chỉ thiết lập các định chế mà không thay đổi cấu trúc thân-tâm của từng thành viên cấu thành định chế đó thì Quả của sự thiết lập đó là cái gì.

Một trong những yếu tố đầu tiên giúp hình thành đời sống thân-tâm của một Phật tử là “phát Bồ-đề tâm”. Yếu tố này sẽ chi phối trọn vẹn con đường tu tập của một Phật tử từ đầu tới cuối. Tại sao thế? Vì Phật tử phát tâm đạt được sự hiểu biết của một bậc giác ngộ, không chỉ để lợi lạc cho riêng mình, mà còn để có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Như vậy khởi điểm của một Phật tử trong cuộc hành trình dài nhằm thay đổi thế giới sẽ bắt đầu bằng “chấm dứt tất cả các hành nghiệp bất thiện, đồng thời thực hiện mọi hành nghiệp tích cực của thân tâm”. Nếu cái gọi là “chính trị” được thế gian định nghĩa là ý thức và hành động của mỗi con người trong nỗ lực mang lại sự an lạc, trật tự, thanh bình, v.v., cho cuộc sống cộng đồng thì rõ ràng mọi công phu tu tập của một người Phật tử chính là sự tổng hợp các ý thức và hành động chính trị không ngừng nghỉ. Ngược lại, nếu chỉ được hiểu là sự tranh giành quyền lực trong vô minh giữa các định chế xã hội khác nhau thì một Phật tử chân chính không bao giờ có thể làm. Bởi vì họ được dạy rằng đó là những hành nghiệp không giúp phát triển và thăng hoa những phẩm tính cao quý của xã hội loài người.

TẠI SAO TU HỌC PHẬT PHÁP?

Toàn bộ Phật Pháp dành cho con người được thiết lập trên 4 sự thật và chia làm 2 phạm trù: thực trạng khổ đau & lối thoát ra khỏi thực trạng này.

Từ 2 phạm trù trên có thể rút ra một số hệ luận:
– nếu không nhìn thấy tồn tại của con người là khổ đau thì không cần phải tu học làm gì;
– nếu nhìn thấy thực trạng khổ đau nhưng không chấp nhận các giải pháp được chư Phật đề ra thì cũng không cần phải tu học làm gì;
– khi khổ đau không còn hiện diện trên thế giới này thì không cần phải tu học nữa.

PHÁP LÀ CỖ XE

Tu học là lên đường, thực hiện một chuyến đi. Người học là lữ khách, và Pháp là phương tiện vận chuyển. Nếu đi đường thuỷ thì phương tiện là thuyền bè, đường bộ là cỗ xe. Thời Phật chưa có máy bay, tàu lửa, ô-tô, xe máy, xe đạp nên kinh điển không nói đến.

Một người ở một bản làng nào đó ở Lạng Sơn chẳng hạn, muốn đi vào Cà Mau, thì trước tiên phải đi bộ hoặc xe đạp hoặc xe máy ra thành phố, rồi đáp ô-tô về Hà Nội. Từ Hà Nội lại đi tàu lửa hoặc máy bay vào Saigon, rồi đi ô-tô về Cà Mau.

Khi tới Cà Mau, nếu được hỏi phương tiện nào tiện lợi, hiệu quả, và thích hợp nhất, thì chắc chắn người đó phải trả lời là tất cả các phương tiện. Bởi vì giả như trong bản có sẵn một chiếc xe tăng có thể sử dụng được đi nữa thì không ai bị tâm thần đến độ phải lái xe tăng ra bến xe hay chạy thẳng về Hà Nội; và cũng không khờ khạo đạp xe từ Hà Nội vào Cà Mau.

Đối với việc học Pháp cũng thế. Pháp không có cũ-mới, sang-hèn, hiển-mật, lạc hậu hay hiện đại. Đức Phật thị hiện thuyết pháp không chỉ vì con người, cũng không chỉ vì một hạng người nào đó, mà cho tất cả chúng sinh. Thế nhưng tâm tánh mỗi loài mỗi khác, vì thế mặc dù tất cả các Pháp đều có một điểm chung là giúp con người thoát ra khỏi khổ đau, nhưng khi thực hành thì mỗi người vận dụng một cách khác nhau. Để giúp người học dễ dàng chọn Pháp, chư Tổ đề ra 3 nguyên tắc:
– Khế Lý: Pháp được chọn phải là pháp giải thoát rốt ráo, tức có khả năng đưa người học đến chỗ chặt đứt được vô minh & phiền não.
– Khế Cơ: Pháp được chọn phải phù hợp với căn cơ (root ability) của người học; tức đừng quá “nặng” hoặc quá “nhẹ”. Nặng quá thì dễ “đứt gánh” giữa đường; nhẹ quá thì không đủ hành trang để đi được tới đích.
– Khế Thời: Pháp phải phù hợp cho từng thời điểm khác nhau. Nếu gặp thời Covid đang lộng hành thì nên chọn các Pháp học “online”, chứ đừng học tập trung.
Tu học không phải là việc có thể thành tựu chỉ trong một sớm một chiều, mà phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Mặc dù đức Phật đã khuyên mọi người hãy nương vào Pháp & Luật để đi, nhưng khi chưa giải thoát thì chúng ta không thể biết mình đang ở đâu trên con đường dài, vì thế phải cần có Thầy (Guru).

Thầy là người đã đi qua những chặng đường mà mình sẽ đi; đồng thời biết được mình đang ở chặng nào để có thể giới thiệu loại phương tiện thích hợp và hiệu quả nhất. Đây là 2 phẩm tính cực kỳ quan yếu của người Thầy trong PG vì liên quan đến sự thành-bại của người học.

Trong trường hợp vì chướng duyên—đã từng phạm lỗi phỉ báng Tăng Bảo ở một chặng đường nào đó trong quá khứ chẳng hạn—nên không gặp được một người Thầy như thế thì người học vẫn có thể “lên đường” nếu đã phát tâm. Tuy nhiên cần phải thực hiện 2 bước song hành:
– một mặt vẫn có thể tự chọn Pháp từ trong các Thánh điển, rồi vừa đi vừa tự điều chỉnh dần cho phù hợp với “cơ-thời” của chính mình;
– mặt khác, vừa đi vừa tâm nguyện làm thế nào sớm gặp được người Thầy dẫn dắt. Không chỉ có một mình đức Phật Thích-ca xuất hiện trong thế giới này cách đây hơn 2500 năm, mà đã có nhiều vị Phật thị hiện từ vô lượng kiếp. Trong khoảng thời gian đó không thiếu những người đã đi, đã đến đích, và đã phát nguyện hỗ trợ người mới phát tâm trong bất cứ không gian thời gian nào. Kinh điển mô tả phát nguyện của những vị đó giống như những chiếc “vòng khuyên”. Vì thế, vấn đề còn lại của người học là làm thế nào tâm nguyện của mình đủ mạnh để có thể trở thành những “chiếc móc”. Một khi đã có sẵn chiếc móc trong tay thì không ngại gì có ngày sẽ móc được vào những vòng khuyên như thế.

________________________________
(*) Có vị hỏi “Với những người đang thực hành pháp niệm danh hiệu Phật A-di-đà thì như thế nào?” — Niệm danh hiệu Phật A-di-đà là thiện nghiệp dẫn dắt tái sinh vào lạc cảnh tương ưng là quốc độ của Phật A-di-đà. Ở đó, người học sẽ tiếp tục tu học cho đến khi thực chứng A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, hay giác ngộ viên mãn. Theo PG, hành tinh chúng ta đang sống chỉ như một hạt cát trong ba ngàn đại thiên thế giới.

DVTGP: Tranh Chấp và Bao Dung | M.18 Bồ-tát không dự phần tranh chấp

 

Tranh Chấp và Bao Dung

M.18 Bồ-tát không dự phần tranh chấp

Đoạn này xem Bồ-tát như là người cảm động nhân tâm bằng tính bao dung dù khi những tranh chấp ác liệt bao vây.

Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm (Anantavyuha) hướng Phật bạch rằng, ‘Bạch Thế Tôn, vào thời vị lai, khi mà những tranh luận khởi lên, bấy giờ con người đầy bám chấp sẽ đấu tranh khốc liệt lẫn nhau, ba độc hưng phát và chánh pháp bị rối loạn. Lúc bấy giờ, chư Bồ-tát, dốc hết đại bi, hiện thân nhẫn nại ở giữa những thảm cảnh này, để lưu bố pháp này mà không tranh luận. Vì không tham gia tranh luận, nên họ nhiếp thụ đại từ bi và tích tập tất cả sức mạnh của thiện căn’.

Ananta-mukha-pariśodhana-nirdeśa, section 2 of the Mahā-ratnakūa SūtraTaishō vol.11, text 310, p.21a11–15, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Disputes and tolerance

M.18   Bodhisattvas do not get involved in disputes

This passage sees bodhisattvas as inspiring people with their patience when disputes rage around them.

The bodhisattva Anantavyūha addressed the Buddha, ‘Blessed One, in the future when disputes arise, people filled with attachment will act violently towards each other, the three poisons will flourish, and the true Dharma will be disrupted. At that time, bodhisattvas, out of great compassion, will show patient acceptance in the midst of these events, so as to spread the Dharma without getting involved in any disputes. Because they will not get involved in disputes, they will be able to embrace great loving kindness and great compassion, and accumulate wholesome roots.’

Ananta-mukha-pariśodhana-nirdeśa, section 2 of the Mahā-ratnakūa SūtraTaishō vol.11, text 310, p.21a11–15, trans. T.T.S. and D.S.

__________________________________

THỈNH SÁCH
PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Chủ Biên:
LÊ MẠNH THÁT | TUỆ SỸ