Xin được trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả, bài viết rất thực từ con tim của đứa cháu gái dễ thương, Hồng Hà.
Nhật ký Sapa, Lao Cai
Ngày 08 tháng 06 năm 2015
Khi nghĩ về Sapa thì mơ mộng về một vùng đất sương mù, các dãy núi cao
và ruộng bật thang, những người phụ nữ H' Mông trong trang phục bắt mắt
và cuộc sống giản dị của họ. Vậy là sau bao năm lăn lộn, "cày bừa" mệt
mỏi, cuối cùng quyết định đến được " vùng đất hứa", để xem sapa có như
trong tưởng tượng.
Đặt vé tàu Oriental từ Hà nội lên Lao Cai, mất
8 tiếng ngủ mê mệt. Mặc dù là dân làm du lịch lâu năm, nhưng vẫn chưa
quen với style kinh doanh của ngoài Bắc. Cứ dáo dác tìm con tàu màu đỏ,
in chữ Oriental express như hình trong tấm vé, hóa ra nó chỉ là 1 toa
của tàu thống nhất !!!. Uh thì cũng được, giường nằm êm ái, ngủ ngon,
gặp thêm 2 người bạn đồng toa từ Colombia và Úc. Sau một hồi chát chít
với hai người mới thì nằm ngủ ngay vì thấm mệt.
5h sáng, nghe tiếng
gõ cửa, tưởng là đã đến nơi hóa ra chị nhân viên trên tàu mời cafe hoặc
trà. Trong trạng thái ngái ngủ " dạ, chị cho em ly cafe nhé". Sau khi
phuc vụ hết mọi nguoi trong toa, chị ấy thỏ thẻ: " cho xin 20 ngàn một
ly". Oop, cứ nghĩ là dịch vụ bao gồm trong "tàu hạng tốt" này chứ, những
người bạn mới cũng ngơ ngác, vậy nên mình mời luôn để "vớt vát" lại đôi
chút cảm xúc khó tả này.
Từ Tp. Lào Cai đến Sapa cũng tầm 30' bằng
xe đò ( sau khi mặc cả với nhà xe 150k/ khách, có thể rẻ hơn nữa), nếu
đi taxi thì khoảng 500k. Đường đi vòng vèo trên sườn núi, cảnh đẹp mê
hồn, một màu xanh phủ khắp mọi nơi, mây đáp trên các đỉnh núi, và
rồi...ruộng bậc thang hiện ra, như hình ảnh trong các tạp chí mình hay
thấy. Tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Đến thị trấn sapa, một thị trấn nhỏ,
ooh… có phần lộn xộn, đường xá nhiều đoạn đang xây hay xuống cấp, các
loại xe chen chút nhau trên một con đường nhỏ hẹp, tài xế chạy " điêu
luyện" đến hết hồn...có chút gì đó bát nháo trong cái thanh bình chung
của đất trời Tây Bắc. Phụ nữ và trẻ em H'mông có mặt ở khắp mọi nơi,
trên đường phố, trước nhà hàng, trước của khách sạn. Lúc đầu mình phân
vân không biết họ đang làm gì, chắc là bán hàng, họ chủ động bắt chuyện
với du khách, cười nói vui vẻ và tiếng Anh thì tốt đến ngạc nhiên. Một
khung cảnh mới mẻ hiện ra trước mắt, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa
lẫn lộn…
Đến Victoria, khách sạn theo phong cách cổ điển, mái
ngói, gỗ, không gian ấm cúng, nằm trên đỉnh đồi và có phần tách biệt với
trung tâm thị trấn. Dịch vụ rất tốt, nhân viên thân thiện và nhiệt
tình. Sau khi ổn định, vác chiếc xe máy tham quan thị trấn, nhà hàng,
khách sạn mọc khắp nơi, khách Tây, khách Ta khá nhộn nhịp. Chạy xe đến
Thác Bạc, lên cao gió càng lạnh và cảnh vật càng tuyệt đẹp. Từ trên cao,
con đường đèo ngoằn ngèo hiện ra trước mắt ngày một rõ hơn, mây bao phủ
khắp nơi. Tới thác, sự háo hức có phần tụt xuống, con thác nhỏ đổ từ
trên núi, nằm kẹp giữ hai cầu thang bê tông, và rác có mặt ờ khắp mọi
nơi. Người ta xây bậc thang để khách dễ leo lên cao, nhưng nhìn chung
lại chẳng ăn nhập gì cảnh vật nơi đây, bê tông và sắt thép vẫn luôn là "
những cái mụn" của nàng tự nhiên. Sau tầm 20 phút leo lên, leo xuống
các bậc thang, chúng tôi chạy tiếp đến đèo Trạm Tôn. Từ đỉnh đèo nhìn
xuống thung lũng, một màu xanh mướt! trên đỉnh có vài người bán khoai
nướng, trứng luột mời mọc nhưng mình chỉ mỉm cười và lắc đầu. Đang chìm
đắm trong vẻ đẹp của tự nhiên thì bị "đánh thức" bởi một câu chửi từ
người bán hàng " cái con khách người Việt Nam, tao mời mày ăn mà miệng
câm như hến thế kia, mày cười cái gì?" Ngộ ra rằng ông ta đang chửi
mình, sau đó là một tràng xyz... Cảm hứng cứ thế mà bay đi vèo vèo, thôi
rút về cho nhanh để tìm chốn bình yên với một ly cafe nóng vậy ...
Thật tình thì đến Sapa thì đừng mong sẽ có một tách cafe ngon, hay đồ
ăn hợp khẩu vị. Có rất nhiều nhà hàng Tây - Ta mọc khắp thị trấn, nhưng
chất lượng cũng chỉ tương đối. Trong số ít những nơi mình ăn được ở đây
là NH Dao Đỏ và Le petite Gecko.
Ngày hôm sau, mình trek 13km qua
3 làng đồng bào, nhóm 5 người do cty Tom travel tổ chức. Trời mưa nhẹ,
nên đường đi khá trơn trượt; mới sáng đã có nhóm phụ nữ H'mông đợi sẵn
trước khách sạn, và đi theo cùng đoàn; có cảm giác như mỗi người "kèm"
một khách...lúc đầu thấy không thoải mái vì biết họ muốn gì, nhưng về
sau thấy dễ chịu hơn vì sự thân thiện và cởi mở của họ; trên suốt chặng
đường họ giúp du khách tận tình qua những đoạn trợn trượt. Sau 4 tiếng
trekking qua 2 làng, cảm nhận một cuộc sống thanh bình, giản dị với con
trâu và ruộng bậc thang xây dựng qua hàng trăm năm trước.
Dừng
lại nhà hàng trong bảng để ăn trưa, và đây cũng là lúc chia tay với nhóm
phụ nữ H' Mông. Chị Nhị đi cùng mình, lấy từ trong gùi ra vài món đồ
thổ cẩm mời mọc; uh, thì sau một đoạn đường dài cũng phải mua cái gì đó
để cảm tạ sự giúp đỡ từ họ, cuối cùng mình mua một túi xách nhỏ, giá khá
đắt nhưng để giúp bữa cơm cho cả gia đình họ một ngày thì cũng đáng.
Có thể thấy du lịch dần thay đổi cuộc sống của người đồng bào ở đây như
thế nào. Phụ nữ và trẻ em H' Mông sáng sớm lên thị trấn bán thổ cẩm,
hoặc đi theo khách về bản; sau khi bán được món đồ, họ về phụ chồng, cha
làm ruộng…. Đàn ông sau khi chở vợ con lên thị trấn thì trở về nhà cày
xới, chờ vợ con về.
Trong nhà hàng, có một nhóm 3 cô cậu nhỏ đến
mời mọc mua vòng tay, thấm mệt mình chỉ biết lắc đầu. Có cô nhóc rất
kiên trì, chỉ một câu “ cô mua cho cháu đi” mà lăp lại đến cả trăm lần,
cuối cùng mình quay lại nghiêm mặt bảo” cô không thích, nên cô không mua
đâu. Mà việc của cháu là đi chơi, đi học, còn kiếm tiền là của người
lớn” …và rồi, cô bé trả lời “ nhưng mẹ cháu bảo cháu làm thế” và tiếp
tục lặp lại câu nói ấy, dí vòng tay vào người mình. Đến đây thì chỉ biết
thở dài và nhắm mắt lại. Cũng phải, cuộc sống người Việt mình nhìn
chung đã khổ rồi, huống chi người vùng cao. Trên suốt chặng đường, ấn
tượng mãi cảnh em bé còn đỏ hỏn, chắc chỉ 1-2 tháng tuổi, trên lưng mẹ
khóc théc vì khát sữa, vì cái lạnh. Người mẹ dù đang đi theo khách,
cuối cùng dừng lại và cho bé bú, một người phụ nữ khác cầm dù che mưa,
cảnh tượng diễn ra ngay triền núi, trời mưa rả rich, cả đoàn thấy vậy
dừng lại chờ hai mẹ con, nhưng người mẹ lại quyết định đi tiếp, vừa cho
con bú, vừa đi xuống dốc núi, trong đôi dép lào cũ sờn…
Ngày hôm
sau, trời mưa lớn hơn, sương mù dày hơn. Cũng chẳng muốn làm gì ngoài
việc ngủ trễ hơn một chút sau một hành trình dài. Định leo thêm ngọn
Fanxipan, nhưng thời gian không cho phép, 40km hiking đi về trong ngày
thì hơi bị quá sức. Thời tiết này thật chẳng phù hợp cho việc leo núi,
và người ta lại đang xây cáp treo tới đỉnh, đường đi có phần nhớt nhát.
Ngẫm lại, có nên hay không xây cáp treo tới “ Nóc nhà Đông Dương “? Với
mình, sau mấy năm làm trong nghề, thấy rằng đây là điều không cần thiết
và lãng phí. Nếu Sapa hướng đến đối tượng khách Tây, thì người Tây lại
rất thích hiking, camping, hoạt động thể thao ngoài trời, nên nếu chú
trọng phát triển tour hiking đến Fanxipan, tập trung cung ứng dịch vụ
tốt từ đưa đón, ăn nghỉ, HDV, thiết bị an toàn…. thì chắc chắn sẽ có
nhiều người đến Sapa hơn nữa. Nếu Sapa chú trọng đến khách Việt, khách
châu Á, thì có thể cần thiết có cáp treo, nhưng một khi không quản lý
tốt hơn hiện tại thì Fanxipan có thể là điểm rác tiếp theo cần phải xử
lý. Ngoài ra, việc xây dựng cáp treo sẽ góp phần làm giảm nhu cầu
hiking, trekking đến Fanxipan - một loại hình thể thao nên được phát
triển hơn nữa, đặc biệt cho giới trẻ Việt.
Sapa đẹp lung linh như
là món quà tạo hóa, và rồi Sapa đang mất dần vẻ đẹp của nó bởi việc xây
dựng lộn xộn các khách sạn, nhà hàng, bởi rác ở khắp mọi nơi, giao
thông thiếu quy hoạch; Sapa đang mất đi nét dân tộc bởi thực trạng chèo
kéo mua hàng từ người đồng bào, và thiếu tính hấp dẫn bởi ít ỏi về hoạt
động du lịch. Hy vọng rằng các anh chị lãnh đạo tại Sapa có cách nhìn
thẳng thắng về các vấn đề hiện tại và hành động để khắc phục, để Sapa
không dần lu mờ đi trên danh sách top 20 điểm đến của Việt Nam, mà ngược
lại ngày càng tiến xa hơn.
HH