Sunday, June 7, 2015

Trần Khải | Việt Báo: Mừng Đại Lễ Vesak 2015

Như thế là hoàn mãn mùa Đại Lễ Vesak 2015. Từ Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, cho tới mùa Đại Lễ Phật Đản Quận Cam, nơi nơi trang nghiêm cử hành lễ, người người tín tâm, thiện pháp tín hành.


Phật Đản là ngày sinh của đức Phật. Còn gọi là Vesak để chỉ đại lễ mừng 3 sự kiện lớn: Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Ngày Phật Đản hay là lễ Vesak, Tam Hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo quốc gia, nhưng đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là một đạị lễ văn hóa toàn cầu,

Năm nay, Đại lễ Vesak LHQ 2015 thực hiện tại Thái Lan.

Theo các thông tin trên báo Giác Ngộ, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc chính thức khai mạc vào lúc 9g15 sáng hôm 28-5-2015 tại hội trường chính Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (Wang Noi, Thái Lan).

Về tham dự Đại lễ có hơn 5.000 đại biểu, trong đó có hơn 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 3.500 đại biểu nước chủ nhà Thái Lan.

Điểm đặc biệt năm nay là một số dự án đề ra trong bản Tuyên bố chung Bangkok 2015.

Trước tiên là dự án số hóa, còn gọi là digitize, toàn bộ kinh điển thuộc 3 tông phái -- Nam Tông, thuộc hệ Kinh viết bằng tiếng Pali; Bắc Tông, thuộc hệ Kinh viết bằng tiếng Sanskrit; Kim Cang Thừa, còn gọi là Phật Giáo Tây Tạng, viết bằng Tạng ngữ -- để sẽ có trang web thống nhât, bước đầu là Tam Tạng tiếng Pali và Tam Tạng tiếng Thái (hiểu là đã có sẵn, chỉ cần đưa lên).

Thứ nhì, sẽ có một băng tầng truyền hình Phật giáo chung toàn cầu: Có thể hiểu là sẽ đặt bản doanh ở Thái Lan, vì chỉ có vương quốc Thái Lan mới có đủ tài nguyên và nhân lực để tài trợ. Cũng có thể hiểu rằng như thế, ngôn ngữ ưu tiên của băng tần truyền hình là tiếng Anh – hay ít nhất, cũng là vài ngôn ngữ phổ biến.

Một bản tin trên báo Giác Ngộ viết:

“Tuyên bố Bangkok năm nay đã đưa ra một dự thảo quan trọng đó là dự án Thư mục hợp nhất Thánh điển Phật giáo (UCBT). Dự án là một tập hợp gồm toàn bộ các kinh điển của tất cả các truyền thống Phật giáo được số hóa để Phật tử trên khắp thế giới có thể truy cứu online mọi lúc mọi nơi. Giai đoạn đầu của dự án là phần Thánh điển Pali và Tam tạng kinh điển tiếng Thái.

Ngoài phần tuyên đọc Tuyên bố Bangkok 2015, Hòa thượng còn chia sẻ thêm, Ủy ban Ngày Vesak LHQ đang dự kiến sẽ thành lập một kênh truyền hình chung của Phật giáo trên toàn thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là tiếng nói chính thức của cộng đồng Phật giáo toàn cầu…”(ngưng trích)

Còn một điểm quan trọng nữa: sẽ có bộ Thánh Điển tiếng Anh in giấy, dày 400 trang, mang truyền thống 3 tông phái Phật Giáo:

Bản tin khác trên Giác Ngộ viết:

“…năm nay là năm dự kiến sẽ cho ra mắt bộ “Thánh điển Phật giáo phổ thông”. Đây là một dự án lớn và là hoài bão lớn lao của những nhà trí thức Phật giáo trên toàn thế giới - mong mỏi sẽ hoàn thành một bộ Thánh điển, trong đó tổng hợp những kinh điển quan trọng của tất cả các truyền thống Phật giáo bao gồm Nam truyền, Bắc truyền và Kim Cang thừa Phật giáo - những lời dạy của Đức Phật được lưu lại bằng nhiều thứ tiếng như Pali, Sanskrit, Hán, Tạng… tại nhiều nước khác nhau. Tất cả sẽ được trích lọc và dịch sang tiếng Anh để làm nên một cuốn Thánh điển Phật giáo phổ thông duy nhất khoảng trên 400 trang giấy khổ A4.

Bộ Thánh điển đang trong giai đoạn hoàn thiện và có thể sẽ ra mắt độc giả trong năm nay. Do đó, để đảm bảo mọi công đoạn trích lọc và chuyển ngữ được chính xác và đồng thuận, một cuộc họp kín được diễn ra với những học giả Phật giáo hàng đầu thế giới trong suốt ngày làm việc thứ hai của Hội thảo Vesak 2015.

Phía Việt Nam, HT.Thích Tuệ Sỹ, GS.Lê Mạnh Thát và TT.Thích Nhật Từ là ba vị đại diện cho Phật giáo Đại thừa cũng như Phật giáo Việt Nam tham gia hiệu đính tập sách vô cùng ý nghĩa này…”(ngưng trích)

Cũng nên nói rằng, theo tin riêng trong giới học Phật California, có 2 người Mỹ gốc Việt được mời diễn thuyết và hội thảo tại Vesak 2015 ở Bangkok.

Đó là Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh và Tiến Sĩ Bạch Xuân Khỏe.

TS Trần Tiễn Khanh tuy cư ngụ ở Nevada, Hoa Kỳ, nhưng long luôn luôn quan tâm về các chuyển biến ở quê nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn của ông.

Nhà bình luận Trần Bình Nam từng viết qua bài “Tiến Sĩ Trần Tiễn Khanh và Bão Lụt” trên mạng tranbinhnam.com, trích:

“…Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2001, Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh đã chuyển những gì tính toán được lên một trang Web tên là www.vnbaolut.com. - bất cứ đâu chỉ cần có máy vi tính PC có khả năng vào mạng lưới thông tin toàn cầu là có thể đọc được tin tức khí tượng chính xác nơi mình đang ở. Trang Web cung cấp dự báo theo cho từng tỉnh. Người ngư dân có thể có một hiểu biết chính xác hơn về tình trạng của sóng và gió nơi mình sắp giong thuyền ra khơi.

Được biết công ti AMI là một công ti tư nhân chuyên khảo sát về ô nhiễm môi trường do Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh thành lập và làm giám đốc từ năm 1980. Ông Khanh và các chuyên viên của ông đã dùng mô hình khí tượng MM5... Ông Trần Tiễn Khanh nói công việc dự báo thời tiết của công ti ông là một việc làm bất vụ lợi, nhằm giúp đồng bào trong nước có thêm dữ kiện giảm thiểu tổn thất do tai trời ách nước.”(ngưng trích)

Trong khi đó, diễn giả thứ nhì gốc Việt là Bạch Xuân Khoẻ có bằng Tiến sĩ Giáo dục với Luận án Tiến sĩ là một công trình Phật học Ứng dụng “Một Nghiên Cứu về Hiện Tượng các Tu Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đối với Vai Trò Lãnh Đạo Tinh Thần và những Đóng Góp của quý Ngài cho Xã Hội” -- luận án trình ở đại học Drexel University tại Sacramento, đang dạy trung học ở Sacramento, Calif., đồng thời là Huynh Trưởng cấp Tín GĐPTVN, đương nhiệm Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Tại Miền Liễu Quán, Hoa Kỳ trong hệ thống GĐPTVN Trên Thế Giới.

Trong khi diễn giả Bạch Xuân Khỏe diễn thuyết về đề tài chánh niệm như một giải pháp đối trị khủng hoảng giáo dục ở Vesak 2015, diễn giả Trần Tiễn Khanh diễn thuyết về dòng sông Mekong.

Xin hoan hỷ chúc mừng tất cả những thành tựu trong mùa Đại Lễ Vesak toàn cầu.

Source: https://vietbao.com/p123a238632/mung-dai-le-vesak-2015

No comments:

Post a Comment