Lời dẫn, Đạo Ca không phải là Chứng Đạo Ca, được wikipedia định
nghĩa như sau: Chứng Đạo Ca, (zh. 證道歌, ja. shōdōka) nghĩa là "bài
ca về sự trực nhận chân lý". Mang hai nghĩa sau:
1. Chỉ những bài ca tán tụng Chân như của các Thánh nhân khi thành
đạo, đặc biệt là những vị Đại thành tựu
2. Một kiệt tác của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, cũng được gọi là
Tối thượng thừa Phật tính ca (最上乘佛性歌, ja. saijōjō busshō-ka). Tác phẩm này chứa đựng những khái niệm
căn bản của Pháp bảo đàn kinh, của các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
Wikipedia còn nói thêm, “Chứng Đạo Ca là
một khối pha lê đúc kết lại tinh hoa của Phật giáo mà cốt tủy là Thiền tông.
Thiền không nhằm tạo ra một mẫu người để khuôn tín đồ vào đó - dầu mẫu người ấy
là La Hán hay Bồ Tát. Bằng diệu tu diệu chứng, Thiền thúc giục mỗi người tự tri
tự ngộ. Tri những gì hư dối, chẳng thực là mình, những sở tạo của khối óc: tư
tưởng, định kiến, triết học v.v… Ngộ con người thực của chính mình: bổn lai diện
mục. Bằng tri và ngộ, Thiền thành tựu con người toàn diện – con người của
nguyên lý đại đồng, của thể tánh bình đẳng, mà Huyền Giác gọi là “thiên chân Phật”. “Bổn
nguyên tự tánh thiên chân Phật”. Tự tánh là Phật.
Đó là trái tim của khối pha lê.
Còn Đạo Ca ở đây chỉ đơn thuần là từ ngữ khi hai vị tiên sinh họ
Phạm gặp nhau và làm một dự án thi nhạc nói về một phần nhỏ triết lý Phật Đà.
Hai tiên sinh đó là cố nhạc sỹ Phạm Duy và thi sỹ Phạm Thiên Thư.
Nhạc sỹ Phạm Duy tâm sự qua bài, Những Trang Hồi Âm - Đạo Ca, như
sau:“Cái may mắn cho tôi là gặp được nhà thơ Phạm Thiên Thư. Sau khi có được
vài bài thơ của anh để soạn thành vài bài tình ca rất trong sáng như Ngày Xưa
Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này... tôi đả động tới chuyện cùng nhau soạn nhạc đạo, vì
chúng ta đã đánh mất đạo giáo và đang tìm đường trở về Đạo Việt Nam.
Và Đạo Ca tuần tự ra đời... Quên chuyện thưc tại rất ê chề đi,
chúng tôi cùng nhau đi vào cõi siêu hình. Không còn là tả thực (realism) trong
âm nhạc nữa, đạo ca dùng cốt truyện, âm điệu, nhất là hợp âm, để diễn tả những
ý tưởng trừu tượng (abstract). Đạo ca đi ra ngoài hành trình âm nhạc đại chúng
của tôi, không còn có những yếu tố cận nhân tình như quê hương, dân tộc, xã hội,
chính trị...
Vậy có thể nói Đạo ca đi ngoài giữ hai thế cực đúng sai, có không,
còn mất v.v... Cái còn lại có chăng là âm hưởng của những gì chúng ta đang thưởng
thức bây giờ và ở đây. Chúng tôi muốn nói đến phần hai, Đạo Ca trong Đêm nhạc
thính phòng Tâm Xuân tại hội trường Việt Báo.
Mở đầu bằng giọng nói của Phạm Duy nói về Đạo Ca. Ông giới thiệu về
Đạo Ca. Bác sỹ Bích Liên, ca sỹ nghiệp dư, như cô thừa nhận, trình diễn rất xuất
xắc và rất hồn qua ba bài nhạc: Đạo Ca 1- Pháp Thân, Đạo Ca 3 - Chàng Dũng Sĩ
và Con Ngựa Vàng, Đạo Ca 4 - Quán Thế Âm.
Đạo ca số một thật tuyệt vời và đây là lần đầu tiên tôi nghe live,
thôi thì mượn lời nhạc sỹ Phạm Duy dùng lời của nhạc sỹ Hoàng Ngọc Tuấn, nói những
gì chúng tôi không thể nào diễn tả về bài Đạo Ca 1 - Pháp Thân.
“Bài đạo ca số 1 có cái tên là Pháp Thân (Essence Of Being). Nhà
nhạc học Hoàng Ngọc Tuấn ở Úc Châu đã có nhận định về bài này (với vài dòng bổ
sung của tôi cho bài viết rõ ràng hơn):
Ðạo ca là thơ của Phạm Thiên Thư, một thầy tu kiêm thi sĩ (hoặc
thi sĩ đội lốt thầy tu) do Phạm Duy phổ nhạc. Chữ "Ðạo" không có
nghĩa là tôn giáo, mà có nghĩa là con đường. Tuy nhiên Ðạo không phải chỉ có
nghĩa là con đường của Lão. Ý nghĩa chữ Ðạo đã rõ ràng trong toàn thể mười bài
Ðạo Ca và thâu tóm trong bài một : Mình với ta tuy hai mà một, thì tại sao lại
còn phân biệt Lão với Phật hay với gì khác?
Ðạo Ca cũng không phải là một bài học triết lý. Ðã rất nhiều tác
phẩm văn học nói về những ý tưởng trong Ðạo Ca một cách sâu sắc hơn. Cái đặc biệt
của Ðạo Ca là sự cộng tác mật thiết giữa hai tác giả, đưa đến một sự đồng nhất
chưa từng có giữa thơ và nhạc.
Về nhạc lý, điểm đặc sắc nhất của Ðạo Ca là trong vài bài, nhạc sĩ
đã xây dựng toàn bản nhạc căn cứ từ hòa âm (harmony) chứ không phải là từ sự
ngân nga câu thơ như lối làm nhạc của hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam, ngày xưa
cũng như bây giờ.
Xưa em làm kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ
Motif chính : Si si la do si,sol mi sol re mib
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở...
Imitation: Re si si re re, si re re si re si...
Ðạo Ca 1 có thêm phụ đề là Giữa thành vách sương mù, kể chuyện một
người đi tìm chân lý, để thoát ra khỏi đám sương mù tối ám. Chân lý có thể ở rất
gần ta nhưng ta không thấy. Bài ca khởi đầu ở G trưởng, nhưng ngay cuối câu đầu
đã xuất hiện nốt E giảm nghe là lạ - giọng C thứ chăng? Trở lại G trưởng, nhưng
rồi lại hiện ra một cung B giảm không thuộc giọng trưởng. Câu nhạc nghe khúc
khuỷu, lần mò, nhiều lần như muốn đổi mà lại trở về chỗ cũ, chân lý như sát gần
nhưng rồi lại xa vời:
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng Bảy, đôi hàng lệ ướt tương tư...
Rồi video với cuộc gặp gỡ giữa Phạm Thiên Thư và Phạm Duy được
trình bày. Hai ông đến với nhau như nắng hạ chờ mưa, như thuyền chờ bến, như khách chờ đò, và nhờ đó mà nhạc của Phạm
Duy có chiều đổi hướng về dòng nhạc tâm linh và thánh thiện hơn.
Có thể nói, giọng ca sỹ “nghiệp dư” như lời Bác sỹ Bích Liên nói về
mình, thật xuất thần. Cô hát với cả tấm lòng say mê âm nhạc họ Phạm. Giọng cô
có lúc cao vút, có lúc lắng đọng. Đôi mắt lim dim như thiền định trước khi cô
hát như là một phong thái nhà nghề. Tuyệt. Sau phần nhập hồn của bác sỹ, kiêm
ca sỹ Bích Liên, anh Phạm Hà đã “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” với nốt nhạc (C) nhẹ
nhàng và quyến rủ. Cô ca sỹ trẻ Thương Linh thì “Em Lễ Chùa Này”, thật xuất xắc,
giọng của cô cần được sự ủng hộ và khuyến tấn để cô ngày càng vươn xa. Nhóm Ca
Cát Trắng trong bài Ngày Xưa Hoàng Thị thật dịu dàng và duyên dáng.
Sau đó, bác sỹ Bích Liên cám ơn ban tổ chức, các nhà xuất bản /
producers, các nghệ sĩ tham dự, và khán thính giả. Sau cùng cô tặng hai quyển
sách với thủ bút của Phạm Thiên Thư cho Việt Báo. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên
cảm ơn sự can đảm của bác sỹ Bích Liên, đứng ra tổ chức một buổi nhạc đầy sắc
thái này. Về sau, chúng tôi có hỏi cô Bích Liên qua facebook, nhân duyên gì cô
tổ chức buổi Tâm Xuân cũng như cho biết thêm về ‘nghiệp dư' ca hát của mình. Đây là câu trả lời
chân tình của cô.
“Tôi yêu nhạc phạm duy từ tấm bé. Khi nghe Đạo Ca lần đầu trên
40 năm trước là đã có một ấn tượng rất sâu. Từ đó đã tâm nguyện một ngày nào sẽ
được hát và thu thanh. Trong hai năm thực hiện rất vất vả vì còn phải lo
công việc thường ngày nhưng rất vui vì tôi rất thích hoà âm của Hoàng công Luận
và cảm thấy Luận rất hiểu và đồng cảm với những cảm nhận của tôi về những bản
nhạc này. Lại được sự khuyến khích và hỗ trợ của rất nhiều thân nhân và bạn bè
nên CD mới ra đời được, lại xong đúng vào đúng ngày giỗ bác Phạm Duy nên ra mắt
luôn. Những bài Đạo Ca đặc biệt là vì sự kết hợp tuyệt vời của thơ Phạm Thiên
Thư và nhạc Phạm Duy. Chúng tôi nhân dịp này làm một chương trình nhạc Phạm Duy
phổ thơ ông. Tôi rất vui khi thấy ông đang hồi phục và đã tham dự thật vui tươi
của ông qua video.
Về ca hát thì tôi cũng không có ‘sự nghiệp’ gì đáng nói cả vì tôi
chỉ hát tài tử thôi. Chỉ có một album Bích Liên hát Nhạc Buồn thôi. Tôi cũng
hát và giúp huấn luyện một số các chị trong ban hợp xướng Ngàn Khơi ở Nam Cali.
Tôi hy vọng là thính giả sẽ vui vẻ đón tiếp công trình tâm huyết này của tôi.”
Có thể nói, đó cũng là một ước nguyện của Cô Bích Liên vậy. Cái ước
nguyện nho nhỏ đó chan hoà vào cái đại nguyện (bài hát kế tiếp), như có lần tôi
đã viết, “...và tiểu ngã đang chang hoà cùng đại ngã, ôi hư không em có nếm vô
thường?”
Và lời của bài hát có lẽ là câu trả lời cho tất cả chúng ta:
...Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ
Hoa yêu sương chẳng rời, hoa yêu sương tuyệt vời
Muôn loài như cát trắng, xin làm dòng nước trong
Ra trùng dương tím mát, cát sông vẫn nguyện lòng…
Xin làm hạt cây nhé, cho đời hiện hữu Xuân
Xin làm chim gõ mõ, gõ tan kiếp hồng trần.
Thương người như thương thân ! Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân ! Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân !
Đêm nhạc kết Thúc bằng bài Tâm Xuân, chủ đề của đêm đó, nhưng rất
tiếc là chúng tôi phải về sớm. Đâu đó lời nhạc của Tâm Xuân vẫn xuất hiện trong
đầu”
Mùa Xuân có không? Hay là cõi Tâm?
Mùa Xuân có không? Hay là cõi không?
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!
Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông…
Ah, thì Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông… với lòng mênh mông.
Bạch X. Phẻ
Sacramento, Tháng chạp năm Đinh Dậu.
Reference / Tham khảo:
1. Phạm Duy. Những
Trang Hồi Âm - Đạo Ca. Tải xuống ngày 22 tháng 1, 2017, từ trang nhà: http://phamduy.com/vi/van-nghien-cuu/nhung-trang-hoi-am/5850-dao-ca
2. Phạm Quang Tuấn. Bàn
về kỹ thuật viết nhạc trong vài ca khúc Phạm Duy. Tải xuống ngày 22 tháng
1, 2017, từ trang nhà: http://www.tuanpham.org/nhacphamduy.htm
3. Wikipedia. Chứng
Đạo Ca - Tải xuống ngày 20 tháng 1, 2017 từ trang nhà:
Những bài văn về mùa xuân luôn đẹp :))
ReplyDeletemáy massage chân
máy matxa chân
may matxa chan
bon mat xa
bồn mát xa chân