Huyền Không Sơn Thượng from: http://margbangtam.blogspot.com/ |
CÕI TRỐNG NHÀ THIỀN - MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Minh Đức Triều Tâm Ảnh* là một
tu sỹ Phật giáo, pháp hiệu là Giới Đức. Theo truyền thống Nguyên Thuỷ, tu sỹ Phật giáo Nam Tông thường gọi là Sư. Bên cạnh là một nhà thư pháp nổi tiếng của
Việt Nam, văn thơ và mỹ thuật của Người phải nói là “có một không hai”. Ở đây, chúng
tôi chỉ muốn cung kính giới thiệu đa phần là những bài thơ kết thúc bằng dấu chấm
thang của nhà Sư mà thôi. Cõi thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh đặc thù, tĩnh lặng,
mênh mông và thanh thoát. Không gian thơ của Sư là sự trải nghiệm, chứng ngộ, tỉnh
giác và huyễn không.
Tuy chưa đến Huyền Không
Sơn Thượng lần nào, nhưng chúng tôi cũng thấy được cõi thanh tịnh phiêu bồng đó
qua hình ảnh và thi ca của người. Chúng tôi cũng được cơ duyên gặp và hầu trà với
Sư và Hoà thượng Viên Minh tại Thiền Viện Diệu Nhân, Rescue, CA và tại chùa Kim
Quang, thủ phủ Sacramento. Con người Sư bình dị, ung dung tự tại, với nụ cười
hiền lành và đôi mắt tinh anh. Sư là bậc thạch trụ già lam của Phật giáo Nguyên
Thủy Việt Nam hiện thời, chỉ nghe bài Hạnh Tu của Sư thôi là chúng ta biết con
người của Ngài.
Hạnh tu
nói ít,
làm nhiều
Ở ăn biết
đủ,
sớm chiều
nhẹ thân
Công phu
giác niệm,
tinh cần
Hoa
hương cửa Phật,
thơm gần,
thoảng xa (Đá, rác và cỏ
thơm. Tập 3, trang 8).
Âu đây cũng chính là lời dạy
dỗ và nhắc nhở của Sư dành cho hàng đệ tử tại gia. Chúng ta hãy lắng nghe nhà
thơ Tâm Nhiên viết ở đây để biết thêm con người và cõi tịnh - Huyền Không Sơn
Thượng, “Minh Đức Triều Tâm Ảnh lên núi
cao, vào tận rừng sâu heo hút Hòn Vượn, chọn một khu đất hoang sơ rộng rãi có
triền đồi, hồ nước, lập nên phong cảnh Huyền Không Sơn Thượng. Bằng con mắt thẩm
mỹ, dưới bàn tay nghệ sĩ sắp đặt tài tình đã biến nơi hoang dã, thiên nhiên
thành cảnh trí thanh nhã đẹp lạ lùng. Giữa khung cảnh núi rừng tịch mịch, tĩnh
lặng, thấp thoáng vài mái thảo am, ẩn hiện mấy nhịp cầu ván gỗ qua hồ nước xanh
ngần, phất phơ trúc biếc, thảo hoa và có lẽ đó cũng là một tác phẩm nghệ thuật
tuyệt vời, ấn tượng nhất ở nơi sơn cùng thủy tận này. Hồn thơ, hồn nhạc hòa quyện
cùng hồn thiêng sông núi mỹ lệ, để thi sĩ tiêu dao ngày tháng từ thuở nọ cho đến
bây giờ. Thơ và hơi thở cùng chan chứa giữa lòng núi trầm sâu tĩnh lặng…”
mà chính nhà thơ Tâm Nhiên cũng thốt.
‘Bước chiều phiêu lãng ngàn mây trắng
Lặng cảm điều chi quá diệu thường.’
Sự
diệu thường ở cõi thơ của Sư là sự trải
nghiệm và chứng đắc; là sự ‘Hóa Ra'.
Hóa ra chỉ thở và cười
Là trăm niềm nỗi
Một đời xa bay
Hóa ra
Tỉnh thức phút giây
Là ta thấy rõ
Mặt mày chưa sinh!
Rồi Sư vẫn thong dong thẳng tay vào chợ.
Lỡ tay
Rớt xuống cuộc đời
Loay hoay số phận
Khóc cười đìu hiu
Bến sông
Còn chiếc đò chiều
Bạt ngàn sương nước
Liêu xiêu bóng người!
Kế đó thì Sư dùng tất cả
các pháp làm phương tiện để giáo hóa chúng sanh, giúp tam đồ thoát khỏi khổ đau
chồng chất. Sư ‘Mượn chữ’ làm phương tiện, như con đò đưa khách qua sông hay ngón
tay chỉ mặt trăng vậy.
Rong chơi miền bụi trắng
Tờ trăng vàng
Pha lẫn khói sương xanh
Tay muốn hái
Thơ xưa rơi biển lặng
Nghe nỗi buồn
Ngôn ngữ vỡ lanh canh!
Như bao nhiêu vị cao tăng
thạc đức khác, Sư luôn là những kẻ lữ hành đơn độc---đi ngược dòng để hoá độ
chúng sanh trong cõi u minh--mà tâm không hề nhiễm, vẫn thong dong tự tại quá giang làm trọn bổn phận của bậc ‘Tác
như lai xứ, hành như lai sự’ trong cõi tạm này.
Bóng ta
Đi lộn ngược đầu
Chân dài theo vết
Qua cầu cắt đôi
Nửa này
Cát bụi rã rời
Nửa kia
Đón chiếc mây trời
Quá giang! (Bóng Ngược)
Và Sư vẫn lạc quan, tích cực
trên con đường hoằng dương chánh pháp, để rồi, Sư thấy sự huyền diệu của Bất Nhị,
như bài thơ ‘Chiếc lá và giọt nước’:
Xanh xanh
Chiếc lá nhân sinh
Hôm qua giọt nước
hữu tình đến chơi
Vì thương
sa mạc lòng đời
hóa văn
tình lọc
chữ đời nguồn trong!
Nguồn trong vắc đó, cái tâm
trong sáng, cái tâm bồ đề bất thối chuyển đó là động lực để Sư tiếp tục thong
dong hành đạo trong cuộc đời. Rồi Sư cũng nhận ra, như Kiba--nhà thơ Nhật, rằng:
My old body:
A drop of dew grown
Heavy at the leaf tip.
Thân già
Rồi cũng vô thường
Phù du
Như một giọt sương
Đầu cành (Toại Khanh dịch).
Hay qua bài “Dặm không” mà Sư
đã lãnh ngộ và bảo rằng:
Mải mê
Giữa chốn chợ chiều
Vai đau, tóc lấm
Đã nhiều gian truân
Ta bèn
Rũ áo, phủi chân
Dặm không đủng đỉnh
Chiếc thân nhẹ hều!
Trong chuỗi dài năm tháng của
quán trọ trần gian, Sư chợt nhận ra rằng vạn pháp vốn là “Như"
Như mây
Lãng đãng sông dài
Và như hoa nắng
Trên vai ửng màu
Và như
Tóc trắng trên đầu
Hạo nhiên gót lữ
Qua cầu nhân sinh!
để rồi “Tình không”
Trần gian
Trăm việc tạm quên
Thơ đề góc núi
Đầy hiên nắng vàng
Gió trăng
Thế sự không bàn
Giấc thiền lặng lẽ
Nhẹ nhàng tình không!
Tự nhiên, chúng tôi lại nhớ
“Một chữ Như" của ngài Phước Hậu. Không biết chúng tôi có trùng hợp ý nghĩ
về bài Thi kệ cuối cùng của Tổ không?
Nguyên văn bài Thi kệ Ngài dạy:
"Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Đến nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ."
Mà
chữ Như này có lẽ là tinh thần, “Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự”, là một chữ
chiết trong danh hiệu Như Lai, vô cùng thâm thúy và mầu nhiệm. Mà danh hiệu Như
Lai của Phật có đến Mười hiệu. Đó là: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh
hành tục, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên
nhơn sư, Phật (Thế tôn).
Cõi
thơ của Sư đó như “Giấc thiền lặng lẽ / Nhẹ nhàng tình không!” như chính Sư đã
và đang trải qua vô lượng kiếp:
“Hôm qua mộng thấy tụng kinh
Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng
Bao nhiêu cát của sông Hằng.
Là bấy nhiêu kiếp đã từng tử sinh”
Vậy Sư cũng đã chứng ngộ rồi còn gì?
Qua sông bèn gọi con đò
Nôn nao lá rụng hai bờ sắc không
Qua sông giữa cuộc phiêu bồng
Mới hay trăm sự trăng lồng nước xuôi.
Riêng
cá nhân chúng tôi / chúng ta, cũng chỉ là ‘hạt bụi viễn khách ly hương còn dính
đâu đó ở cầu sương, điểm cỏ…’ như lời của Sư viết cho Thơ Toại Khanh. Vậy xin
được mạn phép ghi lại đây bài thơ Không Đề, khi chúng tôi có cơ duyên hầu chuyện
cùng Sư thay cho lời kết của bài viết CÕI TRỐNG NHÀ THIỀN - MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH.
KHÔNG ĐỀ - WITHOUT TITLE
Kỷ niệm buổi sáng hầu chuyện cùng thầy Minh Đức Triều Tâm
Ảnh
Nắng mai vàng hoe
một áng mây lành
thong dong
Huyền trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh
Thiền Viện Diệu Nhân
June 9th, 2013.
WITHOUT TITLE
A golden sunny ray
a fresh white cloud
freely sauntered
The leaves of bamboo
dancing with the gentle wind
their shadows reflect on the ground
No beginning and no ending.
Dieu Nhan Zen Monastery
Rescue, CA.
Kính bút
Tâm Thường Định
*Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức, là một
trong những người sáng lập[1] ra chùa Huyền Không (Huế) từ mái chùa lá ở đèo Hải Vân trước năm 1978. Ông là một nhà sư giỏi thơ văn, am
tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật và là một cao thủ cờ tướng từng đánh bại
một số kì thủ quốc gia. Đồng thời ông cũng là một trong những người nổi tiếng
về nghệ thuật thư
pháp tại Việt
Nam những năm cuối thế
kỷ 20 đầu thế
kỷ 21. (Nguồn: http://tinyurl.com/TrieuTamAnh)
No comments:
Post a Comment