Saturday, April 14, 2018

Tinh Thần Đặc Biệt Của Tiếng Việt - Nguyễn Hy Vọng


Tinh Thần Đặc Biệt Của Tiếng Việt
"Write with your heart what you care about and what you think others would care too. It is with empathy, and not your writing skills, which will seduce or compel your readers. It's your belief that will show through." Kurt Vonnegut

"Show the seeds. Don't expect to harvest. It will come by itself. Write, write, write.......when the spirit moves you! Even when it doesn't, so what? It will, one time in your life." Vong Hy Nguyen

Có một chuyện lạ là cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông Nam Á Châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta. Thí dụ ta nói tha thiết thiết tha, đó là tiếng Thái. Vắng vẻ, đủng đỉnh, cũng là tiếng Thái! Vơ vẩn vẩn vơ là tiếng Lào. Chân tay, chân mây là tiếng Khmer. Một ngày, một hai ba bốn năm là tiếng Miên luôn!

Cụ Nguyễn Gia Thiều cách đây khoảng 200 năm đã viết: "Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán". Đành hanh là tiếng gốc Chàm đó, có nghĩa là ganh ghét, ganh tị. Cụ Nguyễn Trải cách đây khoảng 600 năm có nói: "Tuy rằng bốn bể cũng anh tam". Tam là tiếng Mã Lai, có nghĩa là thằng em trai. Trong câu "Hai chữ công danh tiếng vả vê", vả vê là tiếng Lào xưa, có nghĩa là trống vắng mà bây giờ người Việt không còn ai nói nữa. Người Việt nói cái dùi cui hay đùi cui thì người Indonesia và Malay cũng nói là đulkul!

Hai tiếng nôm na mà ai cũng cho nôm là nam, vậy thì na là gì? Thật ra, nôm và na đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đời, đã có từ lâu. Các từ điển Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng nôm na theo lối chữ abc của riêng họ và đều giải thích như vậy. Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, trước khi ông bà ta gặp người Tàu. Chữ Nôm chỉ là cách ghi lại tiếng Nôm mãi sau này.

Cả thảy 27 ngàn 400 tiếng Việt như vậy, ta cùng nói chung tiếng nói của không biết bao nhiêu là ngôn ngữ anh em chung quanh ta, đến nỗi không có một tiếng Việt nào mà lại không có chung đồng nguyên (gốc gác) với một vài ngôn ngữ khác ở miền Đông Nam Á này. Những tiếng Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong, Bahnar, Rhade, v.v. bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ mà chúng ta không ngờ đến đó thôi.

Nhưng tiếng Việt có một điểm rất lạ, dễ thì dễ mà khó cũng thật là khó, vì ta tưởng là ta viết được tiếng Việt là ta hiểu được tiếng Việt. Thật ra, ta không hiểu tiếng mẹ đẻ của chúng ta ra làm sao cả. Ta nói đau đớn mà không hiểu đớn là gì! Đớn là tiếng Mon, có nghĩa là đau cái đau của lòng mình. Ta nói rộn rịp mà không hiểu rịp là gì! Rịp là bận việc, gốc tiếng Lào Thái! Ta nói săn sóc, chăm sóc mà chẳng hiểu săn là gì và sóc là gì! Săn là theo dõi, sóc là sức khoẻ, gốc Sanskrit/Pali.

Có cả thảy chừng 10 ngàn tiếng Việt gốc gác như vậy! Thành thử dù cho ta có biết viết chữ Nôm hay chữ Tàu đi nữa, ta vẫn không thể nào bíết ý nghĩa của mỗi từ ngữ trong tiếng Việt của ta đâu! Điều này đòi hỏi phải có một trình độ và khả năng hiểu biết ý nghĩa nguồn gốc của mỗi chữ, mỗi âm, mỗi từ trong tiếng Việt mà con số lên đến gần 10 ngàn tiếng đơn như vậy.

Chỉ có một cách qua được cái khó khăn vượt bực đó. Đó là phải có một bộ từ điển nguồn gốc tiếng Việt, tham khảo khắp cả 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở Nam Á Châu từ tiếng Thái, Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Mường, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm ....Chúng đều có đóng góp âm thanh, giọng nói và ý nghĩa gốc gác hay làm nguồn cội ban đầu cho vô số từ ngữ trong tiếng Việt.

BS Nguyễn Hy Vọng

No comments:

Post a Comment