Tuesday, July 20, 2021

Nguyễn Khánh Tiến: XỨ VŨNG (Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định)

Toàn cảnh Xứ Vũng - Photo: Internet

XỨ VŨNG  

Nguyễn Khánh Tiến

 

Quê tôi là Vũng Bấc, Vũng Nồm. Hai làng nhỏ ven biển, cách nhau một bãi tha ma, phía tây có nhiều động cát tiếp nối nhau mênh mông như sa mạc, phía đông có núi cao chắn sóng tạo nên nhiều thắng cảnh biển đẹp, hùng vĩ mà Eo Gió là một điển hình…

Ngay tên làng cũng là “phong thổ”, vì mặt làng đất trũng nước lớn thường lấn sát vào bờ, khi ấy trông biển giống như một cái vũng bao la, nên bên này hứng ngọn gió bấc được gọi là Vũng Bấc, còn bên kia hứng ngọn gió nồm được gọi là Vũng Nồm… Ngày xưa đó là thôn Hưng Lương và thôn Xương Lý thuộc xã Phước Lý, quận Tuy Phước. Còn từ 75 đến nay thì trên bản đồ hành chính ghi là xã Nhơn Lý, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định...!

Sẵn đây tôi xin nói thêm: Ngày xưa, những thương lái ghe bầu, trong hải trình Bắc-Nam của mình, họ đã có một trường ca để dễ nhớ khi chỉ những địa danh dọc biển. Khi đến quê tôi, họ đã mô tả như sau:

                  “…Vũng Nồm, Vũng Bấc xa khơi

                    Trong vịnh, ngoài vời có CỎ cùng CÂN…”

Như vậy Hòn Cỏ, Hòn Cân là máu thịt của quê tôi, nó đã mang cái tên đó từ rất xa xưa lắm rồi, có khi đồng thời với các Chúa Nguyễn nam tiến nữa hổng chừng, chứ không phải mới có từ thời Pháp thuộc đâu. Nên không ai được quyền đổi tên Hòn Cân thành “hòn ông căn” như đã ghi trong hải đồ nhé, người dân của quê tôi sẽ không đồng tình với cái tên lạ hoắc đó đâu nghen..!

Thuở nhỏ, ngoài tiếng võng đong đưa à ơi ru em của mẹ, trong những đêm trăng tôi còn được nghe những câu hò mộc mạc : “Ngó lên hòn núi chóp vung/ Ngó xuống dưới Vũng tám cô chưa chồng…”, hay “Năm Minh người đã nên người/ Lời ăn tiếng nói miệng cười có duyên/ Bảy Dữ phận gái thuyền quyên/ Dăm ba chỗ nói chưa yên chỗ nào…”của một nghệ sĩ vô danh nào đó, mà cái hồn của họ dường như còn mãi trong tôi.

Núi chóp vung là núi Bà vọng phu ở Kẻ Thử, Cát Chánh. Người có tên Năm Minh là cô năm Trợ, cô chỉ có duy nhất một người con trai, khi tôi biết thì cô tuổi đã xế chiều rồi và rất thương con cháu. Cô có một cá tính đặc biệt là những ngày rằm hay đầu tháng, cô thường mặc áo dài lên chùa lấy nước về cúng Phật, và cô luôn đội bình nước ấy trên đầu, từ chùa về đến nhà một cách thành kính, mặc kệ người cười. Còn Bảy Dữ là cô bảy Từ Thế Lai, cô đã theo chồng là một Hoa kiều vào Sài Gòn lập nghiệp. Nghe nói chồng cô làm ăn rất phát đạt, đã thành chủ nhân của một công ty xuất nhập cảng lớn, nên cô đã bỏ xứ ra đi biền biệt, chỉ chút dư âm thời con gái là còn ở lại cùng quê hương trong những câu hò... Năm (1982), tôi có hai lần gặp cô tại Sài Gòn, lúc này cô đã già lắm rồi nhưng vẫn còn nét quí phái, nghe nói cô chuẩn bị đi xuất cảnh để đoàn tụ cùng con cháu, nên đường về quê của cô chỉ còn trong mộng mà thôi…

Những tháng hè, buổi trưa trời nắng chói chang, chúng tôi thường trốn cha mẹ rủ nhau đi tắm trộm. Sau khi lặn bắt cua ghẹ thỏa thích, lại đào giếng lấy nước ngọt xối, rồi mới về nhà luộc cua ghẹ ăn. Đó là chuyện chỉ bên Bấc (còn gọi là bên Giếng) mới có, vì khi nước cạn chỉ cần ra cách mé sóng chừng vài ba mét, moi cát sâu chừng vài ba tấc là sẽ có một giếng nước ngọt, uống và tắm thoải mái… Theo tôi nghĩ, thế nào nơi đây cũng được đoàn binh thuyền của chúa Nguyễn Ánh, đã có lúc phải dừng chân lấy nước ngọt rồi. Vì trong những cuộc chinh chiến Nam-Bắc hằng năm theo ngọn gió mùa, là cứ vào mùa gió nồm chúa Nguyễn Ánh cho chiến thuyền căng buồm ra Bắc đánh phá Tây Sơn, rồi đến mùa gió bấc ông lại xuôi chiến thuyền về Nam dưỡng quân. Đường dài và trường kỳ như thế, thì phải có điểm cung cấp nước ngọt dọc theo biển. Mà như thế thì quê tôi là nơi vô cùng thuận lợi, để tiếp nước cho đoàn binh thuyền của ông..! 

Khi chiều về thì chúng tôi lại chơi trò đánh củi, đánh trổng, thả diều. Rồi lại đi theo những ông già say sưa rất dễ thương ở trong làng : chòm trên Trị An có ông Tồn, chòm giữa Long Bình có ông Nhẫn và ông Thiệu, chòm dưới Sơn Hải có ông Mẫu (cha anh Nhìn). Đó là những ông già mỗi chiều sau khi uống rượu, các ông thường kéo theo một bầy trẻ nhỏ ra bãi, hát hò, ca lý mọi… hoặc nói những câu bông đùa thật vui nhộn. Mà lúc đó chúng tôi mê các ông, giống như mê mấy ông hề hát bội, đã về làng hát trong những dịp cúng tế lăng đình, vì các ông đã cho chúng tôi những nụ cười thật sảng khoái, hồn nhiên…

Rồi tối đến, chúng tôi lại tiếp tục chơi bịt mắt bắt dê, cưỡi ngựa ném khăn hay trò u quạ. Cứ thế tôi đã lớn lên bằng tình thương của nội bên Bấc và ngoại bên Nồm, nhưng cái bãi tha ma huyền bí ấy đã làm cho tình tôi cách trở…

Vì tuổi thơ tôi luôn bị ám ảnh bởi những câu chuyện kể ma mị hoang đường, mà về ngoại hay trở lại nội tôi đều phải đi giữa lòng tha ma hoang vắng, chung quanh mình chỉ toàn là bụi lùm và mồ mả âm u. Nếu về ngoại, thì khởi đầu tôi phải đi ngang qua một trường học bỏ hoang cạnh đình làng, gần đó là một gốc bàng cổ thụ, cành lá che phủ nhiều mảng tường rong rêu hoang phế của một ngôi miếu cổ, mà người ta đồn rằng đã có người nhìn thấy một bóng ma áo trắng, ngồi trên cây bàng xõa tóc dài phơ phất, than khóc nỉ non. Cái khung cảnh rùng rợn lạnh người ấy, cứ bắt tôi phải liên tưởng đâu đây có những oan hồn đang gục đầu bên nấm mộ, hay miên man lo sợ bầy ma gà Hời luẩn quẩn theo chân…

Cái cảm giác sợ hãi ấy, cứ đeo mãi theo tôi cho đến khi khôn lớn. Sau này, có một lần vào khoảng 03 giờ sáng, bận việc nhà gấp tôi phải một mình đi từ ngoại bên Nồm về nội bên Bấc, dưới ánh trăng bàng bạc tôi dặn lòng mình là không sợ. Nhưng khi qua khỏi ngõ ấp, tôi bắt đầu lo lắng và đi thêm chút nữa, đến gần khu gò mả tôi thấy hơi run, nên đã bắt ấn và luôn miệng niệm chú “Án ba ni…”. Có lẽ tự tin hơn nhờ câu chú, nên tôi vẫn mạnh dạn bước chân, mặc dù cái sợ vẫn còn đó. Cho đến khi vào giữa bãi tha ma, qua khỏi ngôi mộ nội ông A và gần đến khu mộ ông Quề. Thì tôi gần như bị ngợp thở vì tim đập loạn xạ, một luồng khí lạnh ngắt từ đầu chạy dọc xuống sống lưng, rồi chạy ra cả hai tay hai chân làm người tôi tê cóng, bước đi không còn vững nữa. Lúc này tôi có ý định quay lui nhưng đường đã khá xa, nên đành cắn răng cắm đầu hổn hển loạng choạng bước tới, tai tôi lúc đó ù vang nhiều âm thanh mơ hồ ghê rợn, mồ hôi đổ ra như tắm và khi về tới trường học rồi mà tôi vẫn chưa hoàn hồn… Đó cũng là lần sợ ma khủng khiếp nhất đời tôi..! 

Thuở còn học trường làng, cũng bãi tha ma này, tôi đã trốn học theo bạn bè lang thang tìm hái cò ke, dủ dẻ, lữ long hoặc “ra oai” rượt đuổi những chú bê con, hay chận bắt những con giông đang tìm đường lẩn trốn. Rồi cũng nơi đây trẻ hai làng đã hung hăng chơi trò giặc giã, cũng xung phong ném đá, tấn công giành từng ụ đất bụi gai. Cũng lỗ đầu, mẻ trán, trầy vai… để cha mẹ phải rầy la vì tội dám tạo cảnh “tương tàn” với bà con nội ngoại… Khi chúng tôi lớn hơn một chút, thì cũng chính giữa lầu nơi đây, là vận động trường bóng đá chân đất “đỉnh cao”, mà cầu thủ của cả hai bên, cứ mỗi trận đá là một phen “trống mái”..! 


Quê tôi có hai bãi biển cát trắng, nước xanh trong tuyệt đẹp. Mỗi bên một bãi, tha hồ mà phơi nắng, châm sóng hoặc thả diều. Ngoài ra bên kia núi còn có Eo Gió, là một thắng cảnh với non xanh nước biếc, đã làm cho biết bao du khách ngày xưa và cả hôm nay, phải ngỡ ngàng khi đứng ngắm cảnh trời nước mênh mông. Và ngoài khơi xa, trên Biển Đông còn có ba hòn Cân, Cỏ, Sẹo như ba chàng lính ngự lâm sừng sững, đứng bảo vệ và trang điểm cho thắng cảnh thiên nhiên này… 

Bãi biển bên Nồm ngắn, nước sâu nằm dưới chân Dốc Cá cao vời vợi. Ngày xưa, dốc cao ít nhất là 50m, muốn đi từ xóm Cũ lên xóm Mới hay lên Dốc Cá chơi, người ta phải leo lên theo một đường nghiêng như bậc thang tam cấp và phải nghỉ một, hai chặp mới lên được tới dốc. Nơi đây là chốn hẹn hò lý tưởng của đôi lứa, cũng là nơi gặp gỡ của những nhóm bạn bè thân. Vào những đêm trăng thanh gió mát, ngồi nghe tiếng sóng vỗ thì thào như những lời tự tình dưới chân mình, thì không còn thú vị nào hơn.

Hồi đó, trên đỉnh Dốc Cá này, từng có một ngôi nhà thờ Thiên Chúa, mái ngói đỏ au và đỉnh cao Thánh Giá nhọn hoắt, như muốn vươn lên chọc thủng cả trời xanh. Nhưng vào khoảng năm (1964-66), khi đó quê tôi là vùng tranh chấp và chính quyền Cách Mạng (CM) đang kiểm soát, (lúc ấy ở thôn quê gọi là CM chứ không gọi là VC hay CS). Nên ngôi nhà thờ ấy đã bị đập phá, tháo dỡ ra từng cái đòn tay rui mè rồi chất đống đốt, mặc cho một ít giáo dân ngơ ngác đứng nhìn…

Ngồi trên đỉnh Dốc Cá này, chúng ta sẽ thấy rõ nó nối liền với dãy núi có bãi tắm Kỳ Co, nơi mà khách du hôm nay thường về đây nghỉ dưỡng. Kề đó là Vũng Bầu có hang yến sào, mà mỗi năm đã mang lại lợi tức rất lớn cho tỉnh nhà. Còn xa hơn nữa là Hòn Khô và xa tít tắp là Cù Lao Xanh mờ ảo. Trên mặt biển, ban ngày thì lưới đăng, lưới cao vây bủa. Còn những đêm tối trời thì đèn câu, đèn mành sáng cả một vùng trời, như một thành phố nổi lung linh…

Bãi biển bên Bấc dài hơn, lài hơn nên nước cạn hơn. Nếu từ trên núi, đứng chỗ nổng An Tông nhìn xuống, thì trông nó như một tấm lụa bạch khổng lồ, trải dài từ Vũng Bấc lên đến Kẻ Thử. Nó là mặt tiền của những động cát trắng mênh mông giáp biển, mà phần hậu của những động cát chập chùng đó là giáp đầm Thị Nại. Trong giữa những động cát ấy là những cái trảng cằn cỗi, nhưng vẫn trang điểm được chút màu xanh cây lá, nên chúng tôi một thời đã lùng hái chiêm chiêm, dủ dẻ, cam đường… chẳng biết mỏi chân.

Vào thời ông Diệm bãi biển này là nơi buôn bán cá, mực rất nhộn nhịp. Nó cũng là con đường huyết mạch, nối liền với các xã thuộc Phù Cát, Tuy Phước. Và nếu vào Khe Đá vượt đầm Thị Nại, thì sẽ tới Qui Nhơn rất gần. Thời đó xe cộ và người lên, kẻ xuống dập dìu. Với những người đi bộ thường là gánh gạo hay ngô, khoai về biển. Còn người đi xe đạp thường là những nậu rổi, từ trên quê xuống biển mua cá, mực chở về đồng. Thỉnh thoảng cũng có vài chiếc xe “máy dầu”, của những người quảng cáo thuốc sơn đông mãi võ, với những màn xiếc và ảo thuật rất tài tình. Rồi lại có những xe nước mía hoặc xe bán cà-rem đến, đã làm cho chúng tôi vô cùng thích thú…

Tôi nhớ có một lần ông Thanh ở Xóm Chuối hay Bến Đò gì đó, dùng ngựa chở hai canh rượu ra làng tôi bán. Bữa đó cùng đi với ông còn có chú ngựa con lon ton theo mẹ, còn chúng tôi thì lon ton theo chú ngựa con. Khi ông Thanh vào quán thím Nhân giao hàng xong, ông cột chặt con ngựa mẹ vào cột và ông lên nhà chú Nhân. Thế là chúng tôi cùng nhau reo hò rượt đuổi chú ngựa con, làm chú sợ hãi chạy xuống tận dưới gành. Chú ngựa con vừa chạy vừa hí kêu mẹ, ngựa mẹ thấy vậy cũng lồng lộn và hí vang trời. Thế rồi ngựa mẹ dựt đứt được dây cột, vừa hí vừa phi nước đại xuống gành. Lúc ấy tôi thấy nó phi nhanh về hướng con nó, tôi đã chạy lại đứng chận đầu và dang hai tay ra cản đường. Không ngờ, đã bị nó phi thẳng vào người và bay qua luôn, còn tôi thì bị té ngã ngửa nằm dài trên bãi biển, nhưng may quá chẳng sao. Chứ chỉ cần nó chọt hoặc đạp trúng một móng chân vào bụng, thì chắc là xanh cỏ từ ngày ấy rồi, đúng là tuổi thơ chơi dại, giờ nghĩ lại vẫn còn hú hồn..!

Biển bên Bấc những đêm không trăng, thì đèn măng-xông của ghe câu ghe mành sáng chói chi chít, tạo thành một hàng dài ngút mắt như dải Ngân Hà từ trời cao rụng xuống… Sáng ra thì thuyền ghe tấp nập đánh bắt. Ngay góc Bãi Dứa với Bờ Lầu là nơi hành nghề của lưới đăng, chỗ hòn Cao là lưới thưa, trong hòn Câu là lưới chù. Ở đầu xóm thì lưới tai, lưới quát đang gạn kéo. Còn ngoài khơi xa là những chiếc mành chà, những đôi lưới cao đang nỗ lực chèo để bủa lưới khi thấy cá hồ (bởi thời điểm này máy nổ chưa phổ biến).

Vào khoảng xế trưa vì gió nồm săn, nên những chiếc ghe câu dễ ở quê, cũng như những ghe An Dũ (đi lựa trọ ở Vũng Bấc, chuyên nghề câu cá nhám), không thể đi thẳng vào bến được. Nên phải lần lượt dong buồm lên hướng gò muốn xanh, rồi mới trở lèo xuôi buồm về bến cuối làng, giữa những cánh chim nhạn đang bay lượn, đã tạo nên một khung cảnh thanh bình nên thơ tuyệt đẹp...!


XỨ VŨNG (Phần 4)
Cũng như bao nhiêu làng biển khác, quê tôi có đủ cả lăng và đình, để thờ ông Thành Hoàng và ông Nam Hải. Hai đình thờ hai ông Thành Hoàng cho hai làng, là biết ơn tiền nhân đã khai khẩn đất đai, đã thành truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nên làng quê VN nào cũng có. Mỗi năm cúng đình thường có hát bội, tôi còn nhớ (1972) là năm đình bên Nồm cúng rất lớn, cúng rất kỹ lưỡng. Vì năm đó, các sĩ tử quê tôi đậu tú tài rất đông…

Còn hai lăng thờ ông Nam Hải thì chỉ những làng biển mới có, ông Nam Hải vốn là cá voi, nhưng tùy theo loại cá voi, mà người ta phân biệt gọi là ông hay là cô (thường thì Ông hơi nhỏ còn Cô thì rất lớn). Người dân biển tin và tôn kính ông Nam Hải là thần linh, vì mỗi khi ông lỵ (chết rồi trôi vào bờ hoặc vào bờ rồi mới chết) ở đâu, thì sẽ đem lại may mắn, ấm no cho vùng biển ở đó. Ngoài ra người ta còn tin ông thường cứu mạng những ngư dân không may gặp bão tố, dẫu chìm ghe ngoài biển khơi thì ông vẫn đưa được nạn nhân vào bờ bình an. Nên khi ông lỵ người ta tổ chức đám táng cho ông rất tử tế, qui mô và chu đáo. Chẳng hạn như người gặp ông đầu tiên và ông chánh đầm (trưởng vùng biển đó), thì phải có bổn phận và vinh hạnh được để tang cho ông ba năm. Còn hàng năm cúng lăng ông Nam Hải, là thường vừa có hát bội, vừa có chèo bã trạo.

Chèo bã trạo là một loại hình dân ca miền biển, một đoàn chèo gồm có : một tổng lái, một tổng thương, hai ông lồng đèn, hai ông tàu hổ, cùng hàng chục tay chèo (con trạo), xếp thành hai hàng. Nội dung vở diễn là những người đi biển chẳng may gặp nạn, cầu xin ơn trên và được phù hộ. Tôi nhớ hồi đó, thường lần nào cũng vậy là ông Hải hay đóng vai tổng lái, còn ông Danh thì đóng vai tổng thương. Trong cách hát, ngoài lời hát của tổng lái và tổng thương ra, thì các tay chèo thường lập lại điệp khúc là “nghi nghí nga, hố hộ phang…” rất mộc mạc, dân dã mà cảm động.

Tôi nhớ khoảng năm (1966-67) gì đó, lúc này quê tôi chính quyền VNCH đã kiểm soát lại rồi. Có một Cô lỵ vào bờ vô cùng lớn, ban đầu Cô lỵ vô chỗ lưới chù, dân làng tưởng Cô bị lạc hướng, nên cố sức dìu Cô ra biển trở lại. Nhưng Cô cứ lòng vòng một hồi lâu, rồi cuối cùng Cô lỵ vào bãi, ngay chính ngõ lăng. Đó là một Cô dài khoảng 12m, bề ngang chừng 1,5m và cao cỡ 0,8m. Nghe người lớn nói, Cô lỵ lần đó là to nhất từ trước đến nay. Nên đám táng của Cô rất lớn và linh đình. Ngư dân các nơi đến viếng, chiêm bái và phúng điếu đông nườm nượp, kéo dài cả tuần lễ mà vẫn chưa ngớt. Tiếp đó là chèo bã trạo và rước hát bội (đoàn : ông Chinh, ông Cá, ông Trọng, bà Xiềng…) về hát, như một lễ hội dân gian tưng bừng, vui vẻ ngất ngây …

Quê tôi cũng có hai miếu Bà, riêng làng tôi có một miếu Bà rất linh, miếu nằm gần chùa Phước Hưng, cạnh miếu có một cây bàng quỳ cành lá sum suê. Lúc nhỏ chính mắt tôi thấy, trong một cái hốc trên cây bàng quỳ ấy có những con rắn, mà người ta đồn đó là cặp rắn thần nên ai cũng sợ. Người ta thường viếng lễ Bà để xin keo, mỗi khi muốn hỏi “trên trước” về một vấn đề “tế nhị” nào đó. Thỉnh thoảng lại có cầu Bà để hỏi những điều lớn lao huyền diệu hơn, hoặc để trị bệnh tà ma cho những người trong làng, hổng may mắc phải.
Cầu Bà, thường có ba người mặc áo dài đội khăn đóng, tay cầm cơ và miệng đọc kinh là những người cầu chính, đó thường là ông Trong, ông Ngữ, ông Học, ông Ngàn... Họ gồm hai người ngồi hai bên cây cơ đối diện nhau và một người ngồi giữa chính diện là cốt nhập, có phủ tấm vải điều lên đầu che luôn cả mặt. Ngoài ra xung quanh còn có nhiều người khác nữa, trong đó có ông Khâm chuyên hỏi và diễn dịch chữ nghĩa của Bà cho. Cây cơ làm bằng gỗ dài cỡ 1,2m gồm hai phần, phần ngọn cơ có hình cổ cò dài chừng 0,7m có lỗ cắm nhang mặt trên và cắm bút lông ở mặt dưới, để viết chữ Hán bút đàm với thần linh. Còn phần cán cơ giống như một cái nón úp lớn hình tròn chóp thấp, được đan bằng mây rất khéo, để ba người ngồi cầu đủ chỗ nắm giữ cơ. Khi Bà nhập cây cơ sẽ chuyển động mạnh, ngọn cơ sẽ vỗ đập xuống miếng ván bom bóp và viết chữ truyền thánh ý…
Từ đó chúng tôi cũng bắt chước cầu cơ, nhưng con cơ được làm bằng ván hòm hoặc làm bằng giấy cac-tôn cứng. Cách cầu cũng có đọc kinh, nhưng đơn giản hơn cầu Bà nhiều, nên chỉ cầu được phần đông là ma quỷ, buộc phải đốt đít cơ cho thăng. Thỉnh thoảng mới gặp được thần thánh, chúng tôi lại giành nhau hỏi linh tinh, nào là tình yêu nào là thi cử, vừa vui nhộn mà cũng vừa hồi hộp…
Ở quê tôi còn có thêm nhiều thầy khác nữa, mà thời đó những vị thầy này là cực kỳ quan trọng, họ đã làm nên sự yên ổn và an tâm cho xóm làng, họ là những người lấy sự giúp đỡ cho người khác làm niềm vui… Bên Bấc có ông già Vuông ở Trị An, là một thầy chuyên lễ trúng gió và trị ban bằng thuốc nam rất giỏi. Năm (1968) có lần tôi đã đến nhà ông, xin mài thuốc cặt-đá là một loại san hô, để đem lên chùa cho ông nội tôi uống, nhưng bệnh ông tôi đã quá ngặt nghèo. Sau ông Vuông mất, con của ông là ông Vấn lại tiếp tục theo nghề cha. Bà Dừa ở Long Bình là một cô mụ vườn rất mát tay, lúc nhỏ tôi có theo mẹ đến nhà bà đi tết bà mụ, tôi thấy trên trang thờ Bà Mụ của bà, chỉ có một cây kéo (của thợ rèn đã sét cũ) là đồ nghề đỡ đẻ, vậy mà bà đã cho không biết bao đứa bé trong làng chào đời, an toàn khỏe mạnh trong đó có tôi. Còn Ông già Gió là một thầy địa lý rất được dân làng tin tưởng, ông chuyên coi hướng chôn cất huyệt mộ cho người chết trong làng và coi giúp ngày tốt, giờ tốt cho ghe thuyền xuống nước. Rồi bà Bốn Trâu, chuyên trị nhặm mắt bằng xông lá trầu nguồn rất hay, mà lúc nhỏ tôi đã từng lên nhà bà nằm để chờ bà điều trị…
Nếu không kể thêm người này thì sẽ vô cùng thiếu sót, đó là “bác sĩ” Tùng, ông không học nghề y nhưng lại được dân quê tôi gọi triều mến là bác sĩ. Số là thế này, vào khoảng giữa thập niên 60 quê tôi mất an ninh, nên không có thầy thuốc tây y. Nhờ sáng trí ông đã tự học cách chích và tự nghiên cứu cách điều trị bệnh bằng tân dược. Rồi năm đó bỗng dưng bệnh dịch hạch lại nổ ra, ban đầu trong làng ngày nào cũng có vài ba người chết, dịch bệnh lây lan rất nhanh, xóm làng lo lắng sợ hãi. Ông đã chạy ngược chạy xuôi, hết chòm trên xuống chòm dưới, hết Xóm Cũ lên Xóm Mới để chích thuốc trụ sinh, kháng dịch cho những người bệnh. Chích đến nỗi hết nước cất, nghe nói là phải chặt lấy nước dừa xiêm thay “nước cất” pha thuốc để mà chích. Nhờ thế số người chết dừng hẳn và sau hàng tháng trời, thì bệnh dịch hạch đã được đẩy lùi. Nên từ đó về sau, những người dân lớn tuổi ở quê tôi, ưu ái gọi ông là bác sĩ..! Sau này ông không làm thuốc nữa, thì lại có anh Mười (Tơ), anh Trợ, chị Xuyến, Cảnh (Cựu)… là những người tiếp tục làm nghề y tá rất được tin tưởng. Riêng anh Mười (Tơ) về sau có làm thêm đông y nữa, và chị Xuyến là một cô mụ mát tay trong làng.
Ở bên Nồm có ông Ba Thùy ở Xóm Cũ, rất giỏi chữ hán, sau (75) đã dạy chữ hán cho các thầy tu trẻ, ở các chùa tại Qui Nhơn. Ông là một thầy chuyên coi bói và coi ngày giờ tốt xấu, để giúp xuống nước nghề hoặc khai trương rất được tin tưởng. Ông còn bấm độn chỉ hướng tìm của quý bị mất, hay tìm người bị ma dấu rất chính xác, trong đó có vụ tìm ông Phật Lồi, đã bị bọn trộm lấy cắp ra khỏi chùa và đem dấu.
Tôi còn nhớ khoảng năm (1976), làng tôi có cô gái tên Đ, ở Sơn Hải đang thời kỳ hậu sản, bỗng dưng khoảng gà gáy gia đình cô phát hiện cô mất tích. Người nhà tìm cô hoài hổng được mới qua nhờ ông Ba Thùy coi giúp, sau khi bấm độn ông bảo về tìm ở hướng tây (từ đầu xóm đến gò muốn xanh). Nhưng tìm hoài hổng có, nên người nhà cô ấy lại qua nhờ coi lần nữa, thì lúc này ông bảo là nó đã chuyển xuống hướng đông rồi. Thế là họ về tìm ở phía gành và ao Bà Quí cũng hổng có, cuối cùng họ trèo núi qua bên đông tìm, thì đã gặp được cô ở bên Lở, đang ngồi trên tảng đá mặt nhìn ra biển, hướng mặt trời sắp mọc.
Sau đó tôi nghe người làng nói là cô Đ khi tỉnh táo, đã kể lại như sau : “Khuya hôm ấy có một bà già vào nhà dẫn cô ra bãi, rồi dẫn lên trên đầu xóm và xô cô ra biển để nhận nước, nhưng cô đã chống đối quyết liệt. Xong bà ta lại dẫn cô xuống gành, lội ra chỗ ao Bà Quý để nhận nước cô lần nữa, mà cũng hổng được. Bực tức bà ta chỉ mặt cô và mắn “mày đừng ỷ mạng lớn, mà mày to gan…”, sau đó bà ta dẫn cô lên núi và đi qua bên đông bằng đường xuống Lở, rồi bắt cô ngồi trên tảng đá nhìn ra biển, chắc là trời gần sáng nên mới bỏ đi, thì lúc này người làng mới tìm gặp được cô”. Nghĩa là, đúng như những gì ông đã bấm độn và nói…
Bên Nồm còn có ông già Dìa, mà lúc nhỏ mỗi lần gặp ông là tôi sờ sợ. Bởi ngoại hình ông không giống như người dân ở quê tôi, trông ông rất kỳ dị : đầu trọc, mày rậm, da nâu, râu rìa bạc phết, mình trần lầm lũi dưới nắng... Nghe nói ngày xưa, ông là một thầy hời hay thầy pháp gì đó cao tay ấn. Nhưng về già hết thời, đã bị bùa hành…
Ở Xóm Cũ còn có một gia tộc lớn, ba đời làm nghề thuốc bắc, đó là gia tộc ông đại hào Khôi. Tướng ông đạo mạo, da dẻ hồng hào, râu tóc bạc trắng và thường mặc bộ đồ trắng, nên trông ông giống như một vị tiên ông bốc thuốc. Về sau có ông chánh bộ Nhung là con của ông, cũng là một thầy đông y rất giỏi, rồi ông chánh bộ Nhung đã truyền lại cho con trai là thầy Tám Cương hành nghề, cũng rất được dân quê tôi mến mộ.
Ngoài ra Xóm Cũ còn có ông Mười (Dũng), ông Mẹo, anh Từ và ở Xóm Mới có ông Giảng là những người làm nghề y tá khá giỏi. Nhưng về sau ông Mẹo lại có thêm nghề đông y nữa, còn anh Từ lại bỏ luôn nghề. (còn tiếp)

No comments:

Post a Comment