Saturday, October 16, 2021

Uyên Nguyên giới thiệu: HOA ĐÀM #14: Trưởng Lão Tỷ Kheo Thích Trí Quang và Một Chặng Đường Phật Giáo Việt Nam


Tôi ngồi viết những dòng này, trên lầu bốn của bệnh viện Huntington Beach, nghe chung quanh sinh tử réo rắt – vô thường!

Mỗi khi nghĩ đến bất kỳ một Bậc Thầy của Phật Giáo Việt Nam, trong tâm tôi lại vọng lời dặn dò của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Đệ Tam Tăng Thống, GHPGVNTN) – trong bản Di Huấn đã nhắc nhở thất chúng đệ tử trước giờ Ngài viên tịch:
“Suốt cuộc đời của Thầy hơn tám mươi năm, sống tận tụy bên đồ chúng, không phải giờ ra đi chỉ để lại có bấy nhiêu lời. Nhưng vì đó là những điều cần yếu khi lâm sự, nên phải dặn dò, còn những ưu tư trong bản nguyện của Thầy đối với Đạo Pháp, Dân Tộc và Đồ Chúng thì không sao nói hết được. Là những người thường sống bên cạnh Thầy, các con phải tế nhị mà tự cảm nhận lấy…” – Linh Mụ ngày 19 tháng 2 năm 1988, Lão bệnh Tỳ Kheo Đôn Hậu.

Kỳ thật đây cũng là một phần tâm niệm của anh em kết tập nên những ấn bản Hoa Đàm suốt mấy mươi năm qua. Sau số 12 – tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Đỗng Minh; và 13 tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Kỳ này Hoa Đàm 14 đặc biệt kính tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thích Trí Quang. Nội dung sưu lục các bài viết liên quan đến Hòa Thượng, của nhiều tác giả khả tín, nghĩ là chừng mực đủ để khắc họa nên hành trạng một đời của Thầy mà tâm niệm như vừa bộc bạch, thương Đạo và tha thiết với Quê hương dân tộc, hiểu Thầy mình là một bổn phận của các thế hệ học trò, trong đó có anh chị em Huynh trưởng GĐPT Việt Nam – phải hiểu cho bằng những điều mà các bậc Thầy đã từng nói và cả những điều không nói ra.

Hiểu, để không hời hợt mà cũng không cần phô trương. Với người muốn nghe thì chia sẻ, với người không cần thì nên giữ im lặng vững chãi như núi.

Đặc biệt trong tuyển tập này, Hoa Đàm có thêm phần phụ lục mà khi nhắc đến tác giả của bài chính luận “Phật Giáo Việt Nam Muốn Gì Mà Thời Nào Cũng Đấu Tranh?”, nếu nhắc Ông như một Lý Thuyết Gia* thì có thể xa lạ với chúng ta, nên nhắc Ông là phu quân của Cô “nữ sinh Mai Tuyết An” thì rất quen thuộc và gần gũi. Tôi mượn lời Ông, bậc trưởng thượng nhận xét về người Thầy của mình để dẫn vào số báo này – nhân ngày Đại Tường của Hòa Thượng – Thượng Nhân Trí Quang, “một nhà thực học về duy thức đứng đầu của Việt Nam; việc tranh đấu của Giáo hội là việc rộng lớn lâu dài, mỗi người làm một việc, hết đợt này tới đợt khác, cho tới chừng nào dân chúng được tự do, dân tộc được thoát nạn đất nước có dân chủ hòa bình phát triển, con người thực sự làm chủ được mình, thăng hoa tâm linh, làm đẹp cuộc đời mà chẳng còn bị cấm đoán mới là lúc Phật giáo được mỉm cười…”.

Chốn bụi, 17 tháng Mười, 2021

UYÊN NGUYÊN
(Quảng Pháp Trần Minh Triết)

 

* Những người quen biết Lý Đại Nguyên từ hơn 60 năm qua đều nhận thấy một điều: Ông không quan tâm đến chính cá nhân mình. Không bao giờ nghe ông nói đến nhu cầu bình thường của một con người, gọi là “cơm, áo, gạo, tiền” cho đến lợi, danh, quyền thế! Lý Đại Nguyên hoàn toàn sống với lý tưởng. Một người quen biết Lý Đại Nguyên từ trước năm 1960, ông Việt Dương đã nhận xét: “Ông sống bình dị, an nhiên, khi ra đi cũng nhẹ nhàng, an nhiên.” Thời nay rất khó kiếm được một người như Lý Đại Nguyên. | Ngô Nhân Dụng

________________________________________

Bi chú: Nội dung tập san được đăng trọn ở đây, nhưng nếu quý anh chị Trưởng nào cần một bản in thì có thể liên lạc Cư sĩ-Huynh trưởng Tâm Thường Định.

ẤN BẢN PDF: HOA DAM 14 

No comments:

Post a Comment