Sunday, September 4, 2022

Thích Nguyên Siêu: ĐẠO PHẬT VIỆT SỐNG TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT


LĐây là bài dẫn cho Đặc San Phật Việt 3, sắp xuất hành.

Xin gởi bài về Htr. Tâm Thường Định tại phexbach@gmail.com


ĐẠO PHẬT VIỆT

SỐNG TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT

 

         Mở đầu quyển sách lịch sử Phật Giáo Việt Nam Tập I của sứ giả Lê Mạnh Thát, chúng ta đọc: “Phật Giáo Thời Hùng Vương. Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc cây Bồ đề vào năm 533 tdl, tư trào tư tưởng Phật giáo hình thành và phát triển từ Ấn Độ lan dần ra các nước xung quanh và cả thế giới. Trong quá trình phát triển và lan dần này, Phật giáo đã đến nước ta, và tạo nên Phật giáo Việt Nam.” Tr 11. Chỉ một đoạn ngắn đôi dòng, lịch sử đã xác định thời gian Phật Giáo đã có mặt trên quê hương Tộc Việt, rồi dần dần thân cây Phật Giáo ăn sâu, mọc rễ trên mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ mà đơm bông, kết trái xum xuê để chảy dài ngót 2000 năm lịch sử. Chúng ta đọc tiếp: “Đây là một câu hỏi, không phải đợi đến thời chúng ta mới đặt ra, mà đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước… Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã nêu lên và được Thông Biện Quốc Sư trả lời như sau, dẫn lời của Đàm Thiên, trong Thiền Uyển Tập Anh tờ 20b7-21a7. “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật Pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy.” std. Trong thời gian này, lịch sử cũng đã cho thấy, các bậc danh Tăng đã chống gậy hoằng pháp có mặt trên quê hương- Giao Châu. Các bậc danh Tăng, Thiền Tổ như là: “Khâu Ni Danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiền Thượng Sĩ…” std. 

         Đọc đoạn lịch sử này, chứng tỏ vào thời ấy, nước Giao Châu, tên gọi thời xưa của Việt Nam đã có mặt đạo Phật, một phong thái hiển nhiên, vững vàng đầy đủ nhiều dữ kiện: chư Tăng hơn 500 vị. Tự Viện hơn 20 ngôi. Pháp tạng được dịch 15 quyển. Chặng đường lịch sử sơ khai của Phật Giáo Việt Nam đã khẳng định mốc thời gian, và con người hoằng pháp một cách minh nhiên, mà cho đến hôm nay- PL 2565. Dương lịch 2021 đã có các Tự Viện tôn thờ Khương Tăng Hội là Thiền Tổ của dòng Thiền Phật Giáo Việt Nam. Đây là hình ảnh của chư Tăng, còn Phật tử thì sao, chúng ta đọc: “có núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ. Thương nhân ghé thuyền vào lấy nước. Đồng Tử lên am dạo chơi. Trong am có một tiểu Tăng tên Phật Quang truyền Pháp cho Đồng Tử. Đồng Tử ở lại để nghe pháp, đưa vàng cho thương nhân đi mua hàng, đến lúc thương nhân trở về lại tới am đó chở Đồng Tử trở về nhà. Nhà sư bằng tặng cho Đồng Tử một cây gậy và một cái nón, vừa bảo: ‘các việc linh thông đều ở đó rồi. Đồng Tử trở về, đem đạo Phật nói hết với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, bèn bỏ cả quán chợ nghề buôn để cùng Đồng Tử du phương tìm thầy học đạo. Việc Chử Đồng Tử và Tiên Dung, những người Việt Nam đầu tiên mà ta biết tên tiếp thu đạo Phật là như thế.” Sđd. Tr 20.

Đến đây lịch sử đã cho chúng ta thấy, bốn chúng đệ tử Phật cùng tu, cùng học, dựng thành nền văn hóa Phật Việt trong lòng tộc Việt là như vậy. Giữa lòng tộc Việt có đủ chất liệu ấm êm, có đủ phương tiện tài bồi cần và đủ để đạo Phật Việt duy trì và phát triển. Còn Dân Tộc Việt được duyên may tiếp thu Đạo Phật Việt nên hết lòng xây dựng, làm cái nôi nuôi lớn dân mình, qua giáo Pháp: Từ Bi Cứu Khổ. Vô Thường Vô Ngã. Nhơn quả, nghiệp báo luân hồi. Phật Việt và Tộc Việt đã hoà quyện lại với nhau tạo thành một sức sống bất phân ly. Và có thể nói trong Phật Việt có Tộc Việt. Trong Tộc Việt có Phật Việt, hai năng lực cùng bồi đắp cho nhau để sống, để còn trên dòng lịch sử ấy. Điều này được chứng minh qua bài Việt ca trong Lục Độ Tập Kinh: “Qua bài Việt Ca như thế, ta có thể khẳng định là vào thời Hùng Vương đã xuất hiện một ngôn ngữ Việt Nam mà ta có thể tìm thấy trong Lục Độ Tập Kinh,… cung cấp cho chúng ta một số lượng đáng kể các tá âm cho việc nghiên cứu tiếng Việt cổ và phục chế lại diện mạo tiếng nói ấy cách đây hai ngàn năm.” Sđd tr 45. 

Có thể nói văn hoá ngôn ngữ là nền văn hóa chủ đạo, xương sống của dân tộc, mà ngôn ngữ này, bài Việt ca này được tồn trữ trong Lục Độ Tập Kinh của Thiền Tô Khương Tăng Hội. Chúng ta thường nghe: “Tiếng Việt còn là văn hoá Việt Nam còn.” Vậy thì chúng ta thử xem trong Lục Độ Tập Kinh đã gìn giữ, tồn trữ những thứ gì trong đó của Việt tộc: “Lục Độ Tập Kinh là văn bản đầu tiên và xưa nhất ngoài bài Việt ca, tập thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước v.v… làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam.” Sđd tr 45. Những tư tưởng lớn của Dân tộc là những tư tưởng gì? Tư tưởng tự do, dân chủ. Tư tưởng độc lập nước nhà. Chính vậy mà trên dòng lịch sử Tộc Việt vào lúc nào, thời gian nào, triều đại nào mà có gót giày xâm lăng của phương Bắc thì vào lúc đó, thời gian đó có sự tham dự, cố vấn của Chư Tăng đối với Triều đình, để cùng chung sức chung lòng mà giữ yên bờ cõi, hộ quốc, an dân. Điều này chúng ta thấy rất rõ, kể từ khi Đạo Phật được truyền vào Việt Nam, và đã trở thành Đạo giáo của Dân tộc. Vì là tài sản của Dân tộc, nên Dân tộc đã nhen nhóm, vun quén từ thủa đầu đời mà xây chùa dựng Tháp. Đúc chuông, tạc tượng, nuôi chúng Tăng ăn học tu tập, hình thành một nền văn hóa Luy Lâu từ thuở đó. Nền văn hóa Luy Lâu bấy giờ, là nền văn hóa đặc trưng, tiêu biểu sự có mặt của Phật Giáo Việt Nam. Nếu không nói là độc tôn thì cũng là một Đạo giáo đầu tiên, chỉ một. Do vậy, mà vận nước lòng dân đã ôm ấp, sống còn với Phật Việt ngót 2000 năm qua. Điều này sẽ trình bày qua “lịch sử Phật Giáo Việt Nam Tập II. Từ Lý Nam Đế đến Lý Thái Tông, của tác giả.”

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, những đoàn thương thuyền, xuôi theo những cơn gió mùa, từ Ấn Độ những con buôn đã mang theo các nhà truyền giáo và dừng chân đứng lại trên mảnh đất Giao Châu để trở thành Đạo giáo của Dân tộc này. Chính vì Đạo giáo của mình, nên Dân tộc Việt đã hít thở bằng dưỡng khí Từ Bi; sống bằng hương thơm của Giới, Định, Tuệ, mà Chư Tăng lúc bấy giờ đã giảng dạy cho Dân: Văn, Tư, Tu; Vô Thường, Khổ, Vô Ngã- tam Pháp Ấn để rồi đạo đức, lễ nghi, hay phong tục tập quán, người dân Việt hiến dâng cuộc sống mình trọn vẹn trên tinh thần tín ngưỡng Đạo giáo. Như hình ảnh “Uất Kim Hương, Hoa Cúng Phật” hay “Quan niệm về chữ Hiếu của Dân tộc Việt Nam.” Việt Tộc đã giữ gìn một cách kính trọng, và coi đó như là lẽ sống của tự thân, mà mỗi khi lên chùa lạy Phật vào những ngày Rằm, 30, mùng 1 là phải nấu xôi nếp quạ, hay một bình hoa Điệp vàng, một bó hoa mồng gà đỏ để dâng cúng Phật, đây là nền tín ngưỡng Dân gian đã luôn hiện hữu tận cùng tâm thức của Dân tộc Việt. Một tháng phải ăn chay định kỳ 2 ngày, 4 ngày hay 8 ngày. Có người còn phát nguyện ăn suốt tháng giêng, tháng bảy… ông bà, Tổ tiên thường hay dặn dò con cháu, ăn cơm phải sạch chén. Vo gạo phải đàng hoàng, không cho gạo chảy ra dưới đất mà có tội. Vì họ quan niệm rằng: hạt gạo là hạt ngọc của trời cho mà dễ duôi, sau này không có cơm ăn, nếu đời này mình phung phí, ấy là tinh thần nhân quả, mà Phật Việt đã hiện thân trong đời sống hàng ngày để chỉ bày, giảng dạy cho Dân tộc Việt có được một đời sống thánh thiện. 

Thánh thiện như là đạo làm con phải hiếu thảo với hai đấng sinh thành: 

         “Lên non mới biết non cao

         Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Hay: 

         “Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá, 

         Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đang đua. 

         Đi về lập miếu thờ vua

         Lập trang thờ Mẹ, lập chùa thờ cha.”

 

Một sức sống mãnh liệt, vượt thoát qua dòng máu hiếu thảo mà dân tộc Việt mãi khơi nguồn trong ý thức tín ngưỡng Phật Việt thân thương. Một sự thân thương bình đẳng hữu tình, vô tình đều trọn thành Phật Đạo: Chúng ta đọc: “Quan niệm chữ Nhân. Về quan niệm “trị dân, giúp nước,” thì từ thời Hùng Vương xa xưa, ta đã thấy xuất hiện một lý thuyết Nhân nghĩa hoàn toàn khác với Nhân nghĩa của người Trung Quốc, và được tìm thấy trong Lục Độ Tập Kinh. Tư tưởng nhân nghĩa này đề cập đến lòng thương, nhưng lòng thương này, không chỉ giới hạn trong việc thương người mà còn bao trùm hết cả sinh vật, cho chí đến cả cỏ cây.” Sđd, tr 55. 

Qua một trang sách khác, chúng ta đọc để thấy hai nền văn hóa Phật Việt và Tộc Việt luôn đề bạt tình thương và tôn quý tình thương. Chính vì vậy mà Phật Việt sống trên dòng sử Tộc Việt và Tộc Việt sống trên dòng sử Phật Việt muôn đời có nhau. Trong tình thương làm chất liệu cho sự sống: “Quán Bồ Tát chi thanh nhân, quyên phi kỳ hành nhu động chi loại, ái nhi bất sát.” Thấy sự nhân từ trong sạch của Bồ Tát, các loài bò bay máy cựa uốn trườn, đều thương không giết. “Chữ Nhân như thế được đề cao qua nhiều cụm từ khác nhau, thể hiện không những giáo lý tình thương của Phật giáo, mà còn truyền thống nhân đạo thời Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Cụ thể là từ “nhân ái” trong truyện 68, tờ 36c20; từ “nhân nghĩa,” trong truyện 48 tờ 27c13; từ “nhân từ” trong truyện 91 tờ 52a16; từ “nhân đạo” trong truyện 31, tờ 18c17-18, v.v.” sđd.tr56. Qua 4 cụm từ “nhân ái”, “nhân nghĩa”, “nhân từ”, “nhân đạo”, là nội hàm một phần nhỏ của cụm từ “Từ Bi” của Đạo Phật. Từ “Từ Bi” mà có “nhân ái”, có “nhân nghĩa”, có “nhân từ” có “nhân đạo.” Nếu không có ý nghĩa và giá trị được định hình cao trong đời sống của cụm từ “Từ Bi” thì tất cả sẻ là không có. Điều được minh định nơi đây là hai nền văn hóa luôn hổ tương cho nhau để sống còn. 

         Chúng ta giỡ lần sang quyển “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Tập II” càng hiện rõ những hình ảnh, những sinh hoạt thiền vị, thâm trầm, nức lòng tu chứng của bản nguyện độ sinh, hay dốc tâm hộ quốc, an dân được âu ca thái hòa. Chính tinh thần này mà: “khoảng năm 969, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Khuông Việt làm Tăng Thống.” Trong sự kiện này, chúng ta tư duy, chiêm nghiệm một cách thấu đáo, ấy là trong ý vị Tăng Thống có ý vị vua và trong ý vị vua có ý vị Tăng Thống. Tăng Thống- thống lãnh Đại Tăng. Minh Quân thống lãnh triều đình và dân tộc, hai ngôi vị này phải hiểu trong Phật Việt hàm tàng Tộc Việt, và trong lòng Tộc Việt nội hàm Phật Việt. Trong vua có Phật, Trong Phật có chúng sanh- Hay là tinh thần đặc thù bất phân ly của Phật Việt và Tộc Việt. Điều này sẽ được tiếp tục chứng minh ngang qua dòng lịch sử: “Khuông Việt và nhà Đinh. Qua hơn 200 năm bền bỉ và tích cực vận động cho việc thực hiện quyền làm chủ đất nước đến thế kỷ thứ 10, ngọn cờ độc lập đã tung bay trên mọi miền Tổ Quốc. 

Dân tộc ta người này ngã xuống người khác đứng lên kiên trì giữ cho ngọn cờ tung bay mãi mãi… Từ đó, nhiều khuôn mặt anh tài đã xuất hiện, làm rạng rỡ cho tổ quốc, góp phần mình cho những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng vang dội. Lịch sử dân tộc đang bước qua một trang mới mở đầu cho thời kỳ hùng cứ đế vương… Chính trong thời điểm ấy ra đời một khuôn mặt anh tài có đóng góp nhiều mặt cho lịch sử dân tộc và Phật giáo. Đó là Đại Sư Khuông Việt mà cuộc đời đã được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh tờ 8a6-9b4.” Sđd Tập II. Tr404. 

Hầu như trong chặng đường lịch sử này- “Thiên phúc năm thứ 7 (986).” Đại Sư Khuông Việt đã đem hạnh nguyện, tài đức của mình để hộ quốc, an dân. Nhưng đồng thời nhà vua, dân tộc một lòng sùng kính, quý trọng trong cương vị là “Quốc Sư.” Hình ảnh này cho chúng ta một cái nhìn tổng quát, triều đại Lê Đại Hành cũng như các triều đại về sau đã không rời khỏi lời kinh, tiếng kệ, miền tín ngưỡng một cách sâu xa nơi Phật Việt. Phật Việt đã nuôi lớn niềm tin yêu nơi ba ngôi báu ấy. Cho nên, nhà vua đã cung thỉnh ngài làm Thầy của vua để cùng chung lo việc nước, việc nhà được thái bình, no ấm. Trong triều đình thì có bóng dáng của Chư Tăng, các bậc Trưởng Thượng, đạo cao đức trọng để chống đỡ ngôi nhà Tộc Việt. Còn ở ngoài dân dã, xóm làng thì Phật tử cư sĩ đi chùa lễ Phật, tụng kinh không thiếu. Niềm tin yêu qua 2 phạm trù tu hành và thế tục gần như gắn bó với nhau là một. Đích thị, xây thành một sức mạnh bảo vệ giống nòi, giang sơn gấm vóc, cho tiến trình độc lập tự chủ, không lệ thuộc Bắc Phương thời đó. Đại Sư Khuông Việt, đúng như tên của Ngài - Gìn giữ Tộc Việt, nên Đại Sư đã hóa thân vào triều đình nhà Tiền Lê để giúp vua Lê Đại Hành, đem đức hạnh và tài ba của mình làm kinh thiên động địa triều đại nhà Tống thời bấy giờ mà không dám có ý xâm lăng Tộc Việt nữa. Đây chúng ta hãy đọc bài thi của Lý Giác: 

 

Hạnh ngộ minh thi tán thịnh du,

Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.

Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến;

Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.

          Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch;

Xa trì thanh chướng phiếm trường lưu,

Thiên ngoại viễn thiên ưng viễn chiếu,

Khê đàm ba tỉnh kiến thiềm thu.”

 

Trần Thanh Mai dịch: 

“Mừng gặp thái bình giúp trí mưu

Một thân hai lượt sứ Giao châu

Đông đô đôi biệt se lòng khách

Nam Việt nghìn trùng mỏi mắt nhau

Ngựa đạp khói mây băng đá hiểm

Xe bon rừng biếc vượt dòng sâu

Ngoài trời còn có trời nên chiếu

Sóng lặng khe đầm, rọi mảnh thâu.”

 

Chỉ một bài thơ 8 câu đã nói lên tâm trạng của Lý Giác Sứ Tàu lúc ấy là kính phục nước Nam- Tộc Việt. Kính phục Vua Nam là Lê Đại Hành. Nhưng Sứ Tàu có biết đâu ông lão chèo đò đưa mình về nước lại là một Đại Sư. Thiền Sư. Quốc Sư… của Dân tộc Việt. Cái hay đẹp, cái hiếm có là ở chỗ đó. Phật Việt đã phương tiện hóa thân vào đời để độ đời. Ngã pháp câu không, vượt lên phạm trù nhị biên mà luôn hiện thân của Pháp môn bất nhị. Cái gì đã sống trong lòng dân tộc Việt và đã viết nên lịch sử hào hùng của nước nhà. 

Cái tinh tế, cái tuyệt diệu của Phật Việt là biết hy sinh cái của mình và hiến dâng cho người khác- tinh thần tu tập xả kỷ vị tha - không thấy có vết tích, ngắn mé, dáng dấp, hình dung…bặt vô dị dạng, hình tướng sắc không. Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, vua Trần Nhân Tông và triều đình đã làm lễ ăn mừng chiến thắng, một cuộc chiến thắng lẫy lừng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của giặc Phương Bắc. Vua Trần Nhân Tông đã làm hai câu thơ như sau: 

 

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”

 

Dịch: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,

         Non sông nghìn thuở vững âu vàng.”

 

Chỉ vỏn vẹn hai câu thơ bảy chữ mà đã nói lên cả một tiến trình hào hùng đánh giặc, quật ngã quân thù để bảo vệ nền độc lập tự chủ cho nước nhà. Ý chí chống giặc có từ đâu? Nền văn hóa Phật Việt nhập thế, như lời nói của Thiền Sư Phù Vân- bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, nơi Khóa Hư Lục: “Quốc Sư vừa thấy Trẫm thì mừng rỡ, rồi ung dung bảo rằng: “Lão Tăng sống lâu ở núi rừng, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng nhẹ như mây nổi theo gió mà đến đây. Nay, Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự thanh đạm nơi núi rừng, vậy Bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?” 

Trẩm nghe sư nói, hai hàng nước mắt chảy ra đáp lại rằng: “Trẩm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ, sự nghiệp đế vương thuở trước, hưng phế bất thường. Cho nên, chỉ vào núi này muốn cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác.” “Sư nói, trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay, nếu Bệ hạ giác ngộ ngay tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài.” Ngang qua câu chuyện, chúng ta thấy, Phật Việt ở giữa dòng Tộc Việt, chứ đâu xa. Khi thời loạn thì cưỡi ngựa chiến, mặc áo giáp tuốt gươm thiêng để đuổi quân thù, nhưng khi nước nhà thanh bình, thịnh trị thì chong đèn đọc Kinh Luật mà tu tập. Đó chính là cái tu của đạo Phật giữa cảnh đời bận rộn, xuôi ngược. Dù xuôi ngược, nhưng lòng vẫn trong, tâm vẫn tĩnh, Phật chủng tựu thành. Ngang qua tinh thần tu tập, của các vị vua này, ta có được một cẩm nang sống giữa đời ác năm trược. Một cẩm nang chứa đủ cách xử sự việc đời và cách thức tu tập thực dụng giữa mình và xã hội. 

Đạo Phật Việt một ý hướng mẫn tiệp, một hành động thực dụng mang hương vị giáo Pháp trang trải vào xã hội người để dựng xây, để thi thiết cho đời một sức sống an hòa, lành mạnh hướng thượng, như ngang qua sức sống và tu trì của các vị vua Phật. 

Một Bồ Tát Thích Quảng Đức. Một Thượng Nhân Thích Trí Quang đã hóa thân lưu lại một trái tim Từ Bi, và khối óc Trí Tuệ nguyện hiến dâng cho đời: Lấy Từ Bi làm lẽ sống. Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp, là kim chỉ nam để hướng đến con đường giác ngộ giải thoát tối thượng. Đạo Phật Việt sống trong lòng Dân tộc Việt trong ý thức bất phân ly. 

 

San Diego, California

Ngày 21 tháng 12 năm 2021

Thích Nguyên Siêu

 

 




No comments:

Post a Comment