GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
******
HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM TRUNG ƯƠNG
THÔNG ĐIỆP
PHẬT ĐẢN 2567
Nam-mô Lâm-tì-ni viên, Vô ưu thọ hạ, thị hiện đản sanh,
BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
“Một Con Người, này các Tỳ-kheo, xuất hiện thế gian; xuất hiện thế gian vì nhiều tăng ích, nhiều an lạc cho thế gian; vì thương tưởng thế gian; vì mục đích cứu cánh, vì tăng ích và an lạc của trời và người. Một Con Người ấy là ai? Là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác.”
Một Con Người đã vượt qua tất cả mọi hạn chế của con người, trong hạn chế của tư duy và nhận thức, bị ràng buộc bởi những cảm nghiệm phù phiếm về bản thân và thế giới; bị thúc đẩy bởi khát vọng sinh tồn mù quáng, ám ảnh bởi sợ hãi trước những sức mạnh vô hình luôn luôn đe dọa sự sống và sự chết; trong bóng tối kinh sợ của vô minh và khát ái, không tìm thấy nơi nương tựa an toàn, nhiều người tìm đến nương tựa, cầu khẩn thần núi, thần rừng, thần vườn, thần cây, thần miếu.
Một Con Người đã xuất hiện trong thế giới sinh loại, trong thế giới nhân sinh; trong thời trục định hướng cho lịch sử văn minh nhân loại, định hướng cho tư duy triết học, khoa học, và tôn giáo, từ hai nguồn suối dị biệt Đông Tây, tưởng như không thể có một nền văn minh tổng hợp của nhân loại mà chỉ có thể hợp nhất bằng bạo lực, như con người đã từng quỳ lạy trước các hiện tượng thiên nhiên không thể hiểu, đã tha hóa năng lực tự giác ngộ và tự giải thoát của tự thân, tự tâm để sùng bái các uy lực thần thánh; cuối cùng phát hiện một cá nhân chỉ có khả năng tồn tại an toàn dưới sự lãnh đạo một cá nhân sáng suốt, biết rõ mọi vấn đề, có khả năng khống chế mọi người khác dưới sức mạnh của bạo lực; con người khôn ngoan, bằng năng lực của trí tuệ, biết khống chế mọi người bằng bạo lực, bạo hành, con người ấy được tôn sùng là đấng Nhân chủ. Xã hội con người cần một đấng Nhân chủ, công bằng và sáng suốt; cũng vậy, thiên giới hiển nhiên cũng được ngự trị bởi một Đấng Thiên Chủ, toàn trí và toàn năng, để quan phòng trật tự thiên nhiên và bảo đảm an toàn cho con người trong thế giới sinh vật.
Lịch sử văn minh nhân loại quả thực đã được định hình và định hướng tư duy kể từ đó, từ trên 25 thế kỷ về trước. Nhưng vận mệnh lịch sử của thế giới được tính chỉ trong 20 thế kỷ, và ngày tận thế của thế kỷ 20 đã trở thành ám ảnh đầy sợ hãi của hầu hết nhân loại trong các cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác nhau trên quy mô thế giới. Ám ảnh ấy vẫn tùy thời xuất hiện cho đến nay từ những biến động do thiên tai cho đến những đe dọa chiến tranh thế giới.
Để tránh khỏi những ám ảnh đe dọa này, các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã thảo luận các biện pháp an ninh, trật tự trong các cộng đồng quốc gia mỗi năm. Tuy vậy, mọi người đều biết rằng những biện pháp ấy chỉ tồn tại trong các bản văn nghị quyết, không có dấu hiệu khả thi trong từng quốc gia cá biệt.
Dù vậy, các nguyên thủ quốc gia, tuy dị biệt về thể chế chính trị, được phân biệt theo thế lực ảnh hưởng quốc tế, cảm thấy cần giữ đốm lửa hy vọng về một thế giới an toàn, hòa bình an lạc giữa các cộng đồng nhân loại. Như vậy cần phải suy tôn một con người hiện thực, đã tồn tại hiện thực trong lịch sử của nhân loại. Con người ấy, các vị nguyên thủ ấy đã chọn lựa đức Thích-ca Mâu-ni như là biểu tượng hiện thực, cụ thể cho khát vọng hòa bình thế giới. Không phải vì Ngài là một vị thần linh tối cao, hay hơn thế; nhưng Ngài là một Con Người như mọi con người khác trong thế giới sinh vật; một Con Người tự nhận cũng đã chịu mọi đau khổ khốn cùng như mọi sinh vật khác, trải qua vô tận thời gian; và con người ấy đã từng sống trong cung vàng điện ngọc của giai cấp thống trị, tưởng chừng như không biết gì đến những đau khổ của thần dân của mình, nói chi đến đau khổ của muôn loài. Con Người ấy, trong tuổi thiếu niên phủ đầy nhung lụa, chỉ một lần chứng kiến cảnh tượng đấu tranh sinh tồn quyết liệt, tàn bạo trên một cánh đồng, giữa các sinh vật chim, cá bé bỏng, cho đến con người và tạo vật, đã không ngớt trầm tư về ý nghĩa sống chết của mọi loài chúng sinh. Rồi một lúc khác, trong tuổi thanh niên cường tráng, chỉ một thoáng chứng kiến một con người già yếu, một con người tật bệnh, và một con người đã chết, giữa vô số thần dân đang chào mừng vị Nhân chủ tương lai của mình trong cảnh tượng huy hoàng; chỉ một thoáng ấy, với tâm đại bi vô lượng, đã xúc cảm trước vô biên khổ lụy nhân sinh. Từ đó quyết chí tầm cầu ý nghĩa đích thực của sinh-lão-bệnh-tử. Rồi trong một đêm tối, giữa giấc ngủ êm đềm của cung điện, vị Hoàng đế tương lai quyết chí từ bỏ tất cả, cưỡi con tuấn mã âm thầm vượt thành, để lại đằng sau biết bao hy vọng của thần dân, và của thân quyến quý tộc quyền uy.
Con Người ấy, sau khi tuyên bố đã giác ngộ, hiểu rõ ý nghĩa khổ lụy nhân sinh, đã khám phá con đường dẫn đến cứu cánh diệt khổ. Sự công bố giáo lý diệt khổ ấy dù được công nhận phổ biến hay không bởi các cộng đồng văn minh dị diệt, nhưng sự thực lịch sử được thấy rõ: ngôn ngữ và hành vi của Con Người tự tuyên bố đã Giác ngộ ấy, trải dài trên 25 thế kỷ trong một vòng tròn Á châu rộng lớn, chưa hề dẫn đến hận thù, khiêu khích đấu tranh, bạo hành cách mạng, xứng đáng là biểu tượng cho hy vọng hòa bình, bao dung và nhân ái trong một thế giới có nguy cơ hủy diệt bởi hận thù tranh chấp từ các cộng đồng dân tộc, bởi mâu thuẫn giáo điều không thể bao dung giữa các tôn giáo, nhất là từ những tham vọng bá chủ thế giới của các cường quốc tự nhận văn minh thịnh vượng hàng đầu trong thế giới.
Điều có ý nghĩa là các nguyên thủ quốc gia, trong đó chỉ một số nhỏ là quốc gia có truyền thống Phật giáo, tất cả đồng thanh nghị quyết chọn ngày Phật đản làm ngày lễ Liên hiệp quốc, như là ngày khát vọng hòa bình của nhân loại. Sau nghị quyết ấy, lễ kỷ niệm Phật đản được tổ chức tại văn phòng Tổng thư ký Liên hiệp quốc từ năm 2000, cho đến năm 2004 về sau do chính phủ Hoàng gia Thái lan đăng ký tổ chức, và năm 2008 do chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam đăng ký tổ chức.
Trong các đại lễ kỷ niệm ấy, giáo nghĩa về hòa bình của Đức Thích Tôn được tuyên dương trong các hội trường, và cũng chỉ tồn tại trong các bản văn được công bố từ các hội trường. Đó là chưa nói đến ẩn ý sau các bản văn tuyên dương, với ý hướng nâng cao vị thế của quốc gia hay chính thể của mình trong sứ mạng đấu tranh cho hòa bình thế giới, hoặc để thanh minh chính sách tự do tôn giáo của chính thể mình trước nghi kỵ của một số quốc gia cần có quan hệ thân hữu, trong môi trường đấu tranh quyền lực khốc liệt của thế giới.
Trong thời kỳ đang diễn ra những trận chiến đẫm máu giữa các quốc gia tranh quyền bá chủ, đại diện chính phủ của một quốc gia Phật giáo có thể đề nghị biện pháp hòa giải xung đột dẫn lời Đức Phật, về từ bi, như là giải pháp tốt đẹp nhất. Nhưng làm thế nào để cải hóa một nhân vật đầy quyền lực, đầy tham vọng khó thỏa mãn trở thành con người từ ái bao dung? Không một đề nghị thực hành cụ thể nào ngoài những tán dương dẫn Phật ngôn một cách sáo rỗng.
Phật tử chân chính tự hỏi, trong số vô lượng pháp môn mà Đức Phật đã tuyên thuyết để đối trị vô lượng phiền não ô nhiễm của chúng sanh, hiện không có pháp môn nào khả dĩ tu tập một cách chánh hành, như lý để phát huy tâm từ quảng đại, chứ không chỉ là thiện bẩm sinh, hiền lành như một con nai, và chỉ chừng ấy chứ không thể lớn hơn? Câu trả lời: có thể. Đức Phật được xưng tán như là Đại y Vương, như một y sĩ thiện xảo, chẩn đoán chính xác nguyên nhân căn bệnh và bốc thuốc đúng bệnh thích hợp với thể chất, với cơ địa tâm địa, nhưng bệnh nhân phải uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian chỉ định, hay tự dung nạp thuốc theo kiến thức y học tai hại của mình.
Người học Phật, tu Phật cũng thế. Trong thế giới nhiễu nhương, bởi những thông tin nhiễu loạn, từ những nguồn nhận thức điên đảo bởi khát vọng sinh tồn mù quáng, dẫn đến tà chánh khó phân, Phật với Ma khó biệt, thế thì cứu cánh giải thoát và giác ngộ được hướng đến chỉ mơ hồ như ảo ảnh, thậm chí là quái tượng, trong sa mạc.
Phật tử Việt nam có thể tự hào với lịch sử dân tộc và đạo pháp đồng hành trong suốt hai nghìn năm, niềm tự hào ấy chỉ để thỏa mãn, tự mãn, tự nhận ta là đệ tử kế thừa xứng đáng. Nhưng niềm tự hào ấy không đủ căn và lực để cải thiện tự tâm, để nâng cao phẩm chất đạo đức và trí tuệ, để vững bước trên Thánh đạo, không nhầm lẫn giá trị thế tục với Thánh đạo.
Kể từ mùa Pháp nạn Quý mão đau thương, máu của các Oanh vũ Phật tử bé bỏng đã đổ xuống vì tham vọng ngông cuồng của quyền lực thế tục và từ đêm hôm ấy, ngọn lửa BI HÙNG của Tăng-Ni Phật tử lần lượt bùng lên, tự đốt cháy thân mình để tự soi sáng mình bước đi trên Thánh đạo trong đời này và vô tận đời sau, để cúng dường cho sự tồn tại của Chánh Pháp rạng ngời trên Quê hương, soi tỏ bước đi của Dân tộc trong dòng tiến hóa vinh quang đầy bao dung và nhân ái.
Phật đản năm nay, sau ngày Pháp nạn Quý mão, trải qua 60 năm của một chu kỳ Hoa giáp, một vận hội thiên diễn trong truyền thống lịch pháp phương Đông, Đông Á, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất được thiết lập, ghi dấu một giai đoạn lịch sử truyền thừa, định hướng phát triển và tự đảm nhận sứ mệnh trong sự nghiệp chung của dân tộc, phát huy truyền thống bao dung nhân ái trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa, tiến bộ xã hội; dù khiêm tốn nhưng cũng đã thành tựu được số nhỏ trong khoảng 10 năm của một đất nước đang bị tàn phá bởi cuộc chiến huynh đệ tương tàn; và nói chung, Phật giáo Việt nam đã làm được gì sau trên 50 năm hòa bình mà hận thù phân hóa dân tộc chưa được hóa giải?
Dưới những áp bức của các thế lực vô minh đang đè nặng lên tầng lớp quần chúng khốn cùng trong cơn đại dịch, đốm lửa tình tự dân tộc đã âm thầm sưởi ấm đồng bào trong những ngày cùng khốn, chia sẻ nhau từng đấu gạo từng bó rau để vượt qua tai họa rập rình bên bờ vực sống chết, không nương tựa nơi nào khác ngoài sự nương tựa chính mình và anh em cùng khốn như mình.
Để cúng dường Phật đản Quý mão, sau 60 năm Pháp nạn Quý mão, người con Phật tự mình tu dưỡng, để từ đốm lửa tình tự dân tộc ấy thắp sáng lên thành ngọn đuốc sáng cho chính mình và cho mọi người chung quanh, kiên cố Bồ-đề tâm, thắng tiến Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, vững bước trên Thánh đạo tiến đến cứu cánh giải thoát và giác ngộ cho mình và cho nhiều người.
Kính lễ Đấng Tam giới Chí tôn, Tứ sanh Từ phụ,
Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Phật đản 2567,
Phật Ân tự, mồng tám tháng Tư năm Quý mão
Thừa ủy nhiệm
Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương,
Chánh Thư Ký
Viện Tăng Thống
(Bản PDF có ấn ký)
Thiện Thệ Tử Thích Tuệ Sỹ
Nguồn: Hội Đồng Hoằng Pháp
No comments:
Post a Comment