Showing posts with label Giới thiệu tác phẩm. Show all posts
Showing posts with label Giới thiệu tác phẩm. Show all posts

Wednesday, March 25, 2020

Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Của D. T. Suzuki

Nhân đọc: Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Của D. T. Suzuki
Thích Phước An


MEISTER Eckhart, sinh tại nước Đức, là nhà thần bí vĩ đại của Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. Sự xuất hiện của Eckhart đã làm đảo lộn những người đi trước ông, D. T. Suzuki trong Mysticism; Christian and Buddhist (xin xem Huyền Học: đạo Phật và Thiên Chúa, bản dịch của Như Hạnh, Kinh Thi 1974) đã nói rằng, lần đầu tiên khi đọc Eckhart, ông đã xúc động tràn trề, và D. T. Suzuki cho rằng, Eckhart đúng là “một tín đồ Thiên Chúa Giáo phi thường” và Thiên Chúa Giáo của Eckhart, D. T. Suzuki nghĩ là “thật độc đáo và có nhiều điểm khiến chúng ta do dự không muốn xếp ông thuộc vào loại mà ta thường phối hợp với chủ nghĩa hiện đại duy lý hóa hay chủ nghĩa truyền thống bảo thủ. Ông đứng trên những kinh nghiệm của riêng mình, một kinh nghiệm phát sinh từ một tư cách phong phú, thâm trầm, và đạo hạnh”. Và như vậy D. T. Suzuki, viết tiếp về Eckhart: “Ông cố hóa giải những kinh nghiệm ấy với cái loại Thiên Chúa Giáo lịch sử rập khuôn theo những truyền ký và huyền thoại. Ông cố đem cho chúng một ý nghĩa “bí truyền” hay “ nội tại” và như thế ông bước vào những địa vực mà đa số những tiền nhân lịch sử của ông không chạm đến”.
M. Eckhart nỗ lực giải thích Thánh Kinh trong một ánh sáng khác. Ví dụ vấn đề thời gian đối với Chúa không hề là thời gian theo quan niệm toán học:
“Ngày của linh hồn và ngày của Chúa khác nhau. Trong ngày tự nhiên của nó linh hồn biết tất cả vạn vật trên thời gian và không gian; chẳng có gì xa hay gần. Và chính vì thế mà tôi nói, ngày hôm ấy vạn hữu bình đẳng. Nói về thời gian như là được sáng tạo bởi Chúa ngày mai, hôm qua, hẳn là nói điều phi lý; Chúa tạo ra thế gian và vạn vật trong cái bây giờ hiện tại. Thời gian trôi một ngàn năm qua đối với bây giờ cũng hiện tại và gần gũi đối với Chúa như chính giây phút này. Cái linh hồn ở trong cái bây giờ hiện tại này, trong đó đấng Cha sinh ra đấng Con duy nhất và cũng trong sự sinh ấy linh hồn được hồi sinh trong Chúa, đó là sự sinh; cũng nhanh như linh hồn được tái sinh trong đấng Cha đang sinh đấng Con duy nhất của Ngài trong nó”.
Và như vậy M. Eckhart cho chúng ta thấy rằng, thời gian là vô thủy và vô chung:
“Chúa Đấng Cha và Đấng Con không liên hệ gì với thời gian. Sinh không ở thời gian, nhưng ở tận cùng và giới hạn của thời gian. Trong những vận hành quá khứ và vị lai của sự vật, trái tim ta lướt qua; nỗ lực để biết những sự vật vĩnh cửu thì thật là vô ích, phải để tâm trí vào những sự vật thiêng liêng”.
Cách giải thích Thánh Kinh như trên thì thật khó mà người Thiên Chúa Giáo chấp nhận, nhất là Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. D. T. Suzuki nhận xét đoạn văn của Eckhart: “Từ những đoạn văn này, chúng ta thấy rằng câu chuyện sáng tạo trong Thánh Kinh hoàn toàn mâu thuẫn; nó không có được ngay cả một biểu tượng trong Eckhart, và hơn nữa, Chúa của ông cũng chẳng hề giống đức Chúa mà hầu hết người Thiên Chúa Giáo quan niệm. Chúa không ở trong thời gian có thể liệt kê được theo toán học. Sáng tạo tính của Ngài không có tính cách lịch sử, không có tính cách ngẫu nhiên, và không tài nào đo lường được. Nó diễn biến liên tục, không khởi thủy, không chung cục. Đó không phải là một biến cố của hôm qua hay hôm nay hay ngày mai, nó phát sinh từ vô cùng, từ hư vô, hay từ không tuyệt đối.” Và chúng ta có thể đọc thêm câu nói này của Augustin: “Chúa đang làm hôm nay tất cả những gì sẽ được làm trong ngàn năm vị lai nếu như thế gian tồn tại được lâu dài như thế và Chúa vẫn đang làm hôm nay tất cả những gì Ngài đã làm trong nhiều ngàn năm dĩ vãng”.
Nhưng nếu chúng ta đọc đoạn trên của Eckhart trong tinh thần của Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Đại Thừa thì cách giải thích trên chẳng lạ gì đối với Phật Giáo. Trong kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika Sutra) phẩm “Vô Lượng Thọ” Đức Phật đã không hề bảo Ngài đã thành Đạo trong một thời gian nhất định nào.
“Này, Thiện Nam Tử, Ta thành Phật đến nay đã lâu đến vô số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên kiếp rồi. Giả tỉ như có người nghiền nát vô số trăm ngàn vạn ức thế giới ba ngàn này thành hạt bụi, giả tỉ người ấy đi qua Phương Đông đặt hạt bụi ấy ở một nước, và cứ thế đặt khắp Phương Đông tất cả hạt bụi trong khắp vô số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên nước. Này, Thiện Nam Tử, các ông nghĩ thế nào? Có ai suy nghĩ, tính toán, ước lượng được con số của toàn thể thế giới ấy không?
Bồ Tát Di Lặc cùng chúng hội Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn, không ai tính biết số thế giới vô lượng vô biên ấy được, sức người không đương nổi, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác đã chứng trí vô lậu cũng không thể nghĩ, đếm biết con số ấy được, cả đến chúng tôi, được quả bất thối vẫn không lường được vì lẽ, bạch Thế Tôn, những thế giới ấy vốn vô lượng vô biên vậy”.
Phật liền nói với chúng hội Bồ Tát rằng: “Các Thiện Nam Tử, này ta nói rõ cho các ông nghe: Những thế giới ấy mà người kia đặt một hạt bụi , tất cả những hạt bụi ấy, mỗi hạt bụi ví như một kiếp, Ta thành Phật từ ấy đến nay còn nhiều hơn số trăm ngàn vạn ức vô biên kiếp ấy. Từ ấy đến nay, Ta luôn luôn ở tại thế giới Ta Bà này nói Pháp giáo hóa chúng sanh”.
Tất cả tư tưởng của Eckhart là đưa con người đi về lại suối nguồn của Thiên Thể (Gottheit) muốn đi vào Thiên thể thì phải từ bỏ mọi sự kể của Chúa, bởi vì theo Eckhart, khi mà trong lòng còn rơi rớt lại một cái gì đó thì con người không thể đạt đến tận nơi suối nguồn của Thiên Thể. Nhưng Thiên Thể là gì? Trong một bài giảng Eckhart nói về Thiên Thể:
“Trong khi tôi tồn tại trên nền tảng , trên căn đễ, trong dòng sông và nguồn nước của Thiên Thể, không ai hỏi tôi đang đi đâu hay tôi đang làm gì: không có ai để hỏi tôi. Khi tôi đang trôi chảy tất cả các tạo vật nói về Chúa. Khi người ta hỏi tôi, Eckhart này, khi nào thì ông ra khỏi nhà? Thì hẳn là tôi đã ở trong nhà. Dù vậy đi nữa tất cả những tạo vật cũng nói về Chúa và tại sao họ không nói về Thiên Thể? Tất cả mọi vật ở trong Thiên Thể đều là một, và chã có gì để nói về điều ấy. Chúa làm việc, Thiên Thể không làm gì cả, chẳng có gì để làm. Trong Thiên Thể không có tác động. Nó không bao giờ trù tính một công việc gì cả. Chúa và Thiên Thể dị biệt với nhau như là hoạt động và bất động. Khi trở về với Chúa, ở nơi mà tôi vô hình tướng, sự phá thấu của tôi hẳn sẽ cao thượng hơn sự phát xuất của tôi. Một mình tôi đem tất cả tạo vật ra khỏi ý nghĩa của chúng vào tâm trí tôi và biến chúng thành trong tôi. Khi tôi trở lại nền tảng, vào những thâm xứ, vào suối nguồn của Thiên Thể, hẳn sẽ không ai hỏi tôi từ đâu đến và đi về đâu? Không ai tiếc nhớ tôi: Chúa tịch diệt.
D. T. Suzuki cho rằng, chân trời Thiên Thể của Eckhart hoàn toàn phù hợp với giáo lý Tánh Không (Sunyata) của Phật Giáo. Nhưng D. T. Suzuki cũng không quên lưu ý chúng ta biết rằng, chữ Sunyata là chữ đã gây ra ngộ nhận nhiều nhất tại Tây Phương, nếu không muốn nói là đã làm cho các nhà học giả Tây Phương sợ hãi. Và họ vẫn không ngớt bảo Phật Giáo là hư vô thuyết (nihilism). Sự hiểu lầm này, thật ra thì quá dễ hiểu, vì người Tây Phương họ đã sống trong một bối cảnh tâm linh khác biệt với chúng ta – bởi vậy, khi ta bắt buộc những tư tưởng gia này nhảy vào một hệ thống hay không khí xa lạ thì đương nhiên học phải mất thăng bằng hay kết án nó là tiêu cực hay phá hoại. Chúng ta phải hiểu Tánh Không như thế nào? Có một câu chuyện sau đây đã xảy ra giữa Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc và vua Lương Võ Đế. Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ vượt đại dương đến Trung Hoa. Lương Võ Đế mời Đạt Ma vào triều, thì câu chuyện đã xảy ra như thế này:
Lương Võ Đế vấn Đạt Ma Đại Sư. Như hà thị thánh đế đệ nhất nghĩa? Ma vân: quách nhiên vô thánh. Đế viết: Đối trẩm giả thùy?  Ma vân. Bất thức.
Đế hỏi: Thế nào là chân lý tối thượng?
Đạt Ma: Trống không, chẳng có gì là thánh trong đó cả,
Đế hỏi: Thế ai đang đứng trước mặt trẩm?
Đạt Ma: Không biết (bất thức).
Lương Võ Đế, ông vua mộ đạo đã từng lập chùa, độ tăng vô số này không hiểu nỗi đạo lý tối thượng của Bồ Đề Đạt Ma tức thì Đạt Ma liền quay về phương Bắc, ngồi nhìn vào vách đá chùa Thiếu Lâm (cửu niên diện bích) trong suốt chín năm trời.
D. T. Suzuki đã tưởng tượng một cách thú vị về cuộc diện kiến kỳ lạ này: 
“Hẳn sẽ là một biến cố sôi nổi nếu lại có Eckhart hiện diện ở buổi diện kiến này xảy ra trong cái vương quốc hoa lệ vào thế kỷ mười một trước ! Nhưng biết đâu Eckhart lại chẳng đang nhìn tôi viết những điều này ở thành Nữu Ước tân thời và cơ giới nhất?”
Trong cuộc hội kiến trên, hai tiếng “bất thức” của Bồ Đề Đạt Ma rất quan trọng. D. T. Suzuki cho là hai tiếng “bất thức” không thể hiểu theo những người theo thuyết bất khả tri (agnosticism) vì “bất thức” ở đây hoàn toàn thuộc vào một loại khác, “bất thức” thì phải hiểu theo Eckhart: “Trí thức chuyển hóa, chứ không phải sự dốt nát và thiếu hiểu biết. Chính nhờ biết mà chúng ta đạt đến cái không biết này. Bây giờ chúng ta biết rằng cái biết linh thánh, bây giờ cái dốt nát của ta mới được nâng cao và trang điểm với kiến thức siêu nhiên”.
Vì vậy, Sunyata (Emptiness) không có nghĩa là trống không. D. T. Suzuki cho rằng ngay cả những tiếng như: khiếm diện, tuyệt diệt hay trống không – thì đó không phải là ý niệm của Tánh Không. Tánh Không của Phật Giáo không ở trên bình diện tương đối siêu việt tất cả những hình thức liên hệ hỗ tương, của chủ thể và khách thể, sanh và tử, thượng đế và thế gian, có và không, xác nhận và phủ nhận. Trong Tánh Không không có thời gian, không có không gian, không có biến thành, nó là cái làm tất cả những cái này có thể có; Nó là một số không đầy những khả tính vô biên, nó là cái không với những nội dung bất tận.
Như vậy thấy được Tánh Không tức là thấy được khuôn mặt của mình trước khi mình sinh ra (bản lai diện mục) như Lục Tổ Huệ Năng, một nhà huyền học vĩ đại khác của Đông Phương đã nói vậy. Đâu đó, trong một bài giảng Eckhart, ông cũng nói tương tự: “Trước các tạo vật, trong cái bây giờ vĩnh cữu, tôi đã diễn trò trước Đức Cha trong nỗi tịch lặng thiên thu”, thấy được khuôn mặt mình trước khi mình sinh ra, tức là trở về thăm lại cố hương của mình trong trạng thái hồn nhiên nguyên thủy của nó. Ở đó, trái cây trí thức chưa bám rễ.
Có một điều đáng lưu ý ở đây là, căn bản triết lý của Phật giáo đặt trên nền tảng nào? Hiểu được điểm này tức là thấy được sự khác biệt của Phật giáo với mọi hệ thống tư tưởng khác. D. T. Suzuki đã nói lên sự khác biệt ấy – một cách triệt để, triết lý Phật giáo được xây dựng trên kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật – nếu không có giác ngộ tức là không có Phật giáo. Sử chép rằng, sau sáu năm lang thang khổ hạnh và trầm tư, Đức Phật, trong một đêm kia khi sao mai mọc, Ngài đã hốt nhiên đại ngộ. Lần đầu tiên ngài khám phá ra Gahakaraka (kẻ làm nhà), chính cái Gahakaraka này đã khiến con người đắm chìm trong đêm dài sinh tử, không làm chủ lấy mình. Khám phá ra cái Gahakaraka tức là chấm dứt mọi ràng buộc nô lê thúc phược của đời sống. Khi Đức Phật khám phá ra cái nguyên nhân này, Ngài thốt lên:
Tìm kẻ dựng căn nhà này
Ta lang thang vô ích
Qua bao kiếp luân hồi
Và những kiếp luân hồi mệt mỏi thay.
Nhưng giờ đây, kẻ làm nhà kia, ta đã thấy ngươi
Ngươi sẽ không dựng lên căn nhà này nữa
Tất cả những đòn ruôi của ngươi đã gãy
Kèo cột của người đã tan tành
Đã đạt đến tịch diệt của tất cả tham ái
(Pháp cú) 
Nhưng Đức Phật đã dùng khí giới gì để khám phá ra điều này? Khoản thứ nhất của Bát Chánh Đạo là Sammadassana – Chánh Kiến. Thấy tức là thể nghiệm thực tại; và kế đến là Sammasankappa, chánh trí, nhìn thấy sự vật trong trạng thái như tính (tathata) hay hiện tính của chúng. Toàn thể triết lý Phật giáo xuất phát từ chữ “kiến” cái mà Đức Phật đã từng trầm tư:
Các hành (sankhara) là vô thường
Nhờ trí (panna) quán xét vậy,
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
Các hành là thống khổ
Nhờ trí quán xét vậy
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
Các pháp là vô ngã
Nhờ trí quán xét vậy
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
(Pháp cú)
Chữ “kiến” này không thể nằm trong bình diện thông thường – điều này cần một tuệ giác siêu việt. Nói theo các nhà đại thừa Phật giáo thì đó chính là cái thấy của Trí Bát Nhã – chỉ có trực giác Bát Nhã mới thấy được tất cả các pháp (sarvadharma) thì  tự ngã của chúng mới phơi bày những tinh lực xây dựng tích cực và làm tiêu tan những mây mờ của maya (ảo hóa) tức là đập tan mọi cơ cấu ảo tưởng, và một thế giới khác sẽ được thiết lập trên nền tảng của Bát Nhã (trí tuệ) và karuna (từ bi). Vì vậy, nói theo D. T. Suzuki, giác ngộ có nghĩa là vượt qua thế giới của tâm lý học, là khai mở con mắt Bát Nhã, tức là nhảy thẳng vào thực tại cứu cánh, vượt qua bờ bên kia của dòng luân hồi (Samsara). Nơi đó, tất cả các pháp được nhìn thấy từ trạng thái như thị của chúng. Bởi thế, Phật giác ngộ có nghĩa là đã đạt đến những thâm xứ uyên áo nhất của thực tại.
Chữ “kiến” đóng một vai trò quan trọng trong tri thức luận của Phật giáo, vì “kiến” nằm trên nền tảng của “tri”, không có “kiến” thì không thể “tri” được. Tất cả tri thức được khởi đầu từ “kiến” – và chính “kiến” và “tri” đã đưa thái tử Tất Đạt Đa hoàn thành tuệ giác vô thượng dưới gốc cây Bồ Đề cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Một người đã đạt được trạng thái giác ngộ có nghĩa là đã đạt đến chiến thắng cuối cùng và không có một ai có thể thấy vết tích của người ấy được -  vì kẻ ấy đã đi và không để lại dấu vết, tiếng Phạn “không dấu vết” là apada.
Như vậy, giác ngộ tức là trở về lại mái nhà xưa sau bao kiếp lang thang trôi dạt. Trong một bài giảng Eckhart cũng đã nói về sự trở về này: “Trở về lòng mẹ, mà từ ấy tôi sinh ra, tôi không có Chúa mà chỉ có chính tôi: Tôi không ước muốn hay khát vọng gì cả, vì tôi là sự hiện hữu thuần túy, một kẻ biết về chính mình bởi chân lý linh thánh”. D. T. Suzuki đã nói rằng, Eckhart đã sống vào thời Trung Cổ, giữa những đầu óc hẹp hòi của người Thiên Chúa Giáo thời đó thì việc họ không chấp nhận Eckhart thì chẳng có gì lạ. Eckhart mất năm 1327. Hai năm sau (1329) Đức Giáo Hoàng Jean XXII đã khai trừ tư tưởng Eckhart.
Đọc Eckhart, ta bắt gặp một không khí hoàn toàn Đông Phương, nhất là Đông Phương của Phật giáo Đại Thừa. D. T. Suzuki đã trích lại cảm tưởng Coomaraswamy:  
“Eckhart tiêu biểu một đối chiếu gần gũi lạ lùng với những lối suy tưởng Ấn Độ. Đôi khi cả đoạn đọc giống như một bản dịch trực tiếp từ Sanskrit. Dĩ nhiên, không phải chúng ta nói rằng có những yếu tố Ấn Độ nào đó hiện diện thực sự trong văn phẩm Eckhart, mặc dù có một Đông Phương trong truyền thống Âu Châu, phát sinh từ những nguồn tân Plato hay Ả Rập. Nhưng những gì được chứng minh bằng loại suy tư không phải ảnh hưởng của một hệ thống tư tưởng đối với hệ thống khác, mà là sự nhất trí của truyền thông siêu hình học trên thế giới vào mọi thời”.
Chúng ta đồng ý với Coomaraswamy rằng Eckhart đã không ảnh hưởng Đông Phương gì cả, mà chính là “đồng thanh tương ứng” của những tâm hồn vĩ đại, những kẻ đã nhảy vào thực tại.

Thích Phước An

Thursday, February 13, 2020

“Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: Giới thiệu “Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


PHỔ HƯƠNG TÌNH THẦY
Tủ Sách Phổ Hòa xuất bản, 2020
ISBN: 978-1-67813-835-6
Trong tham luận nhân dịp hội thảo “GĐPT Giữa Giáo Hội” do Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức tổ chức cuối năm 2019, Huynh trưởng Huỳnh Ái Tông có nhắc đến một số cao tăng xuất thân là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) như Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Cố Thượng Tọa Thích Phổ Hòa, Thượng Tọa Thích Từ Lực v.v..
Nếu kể hết, danh sách chắc còn rất dài. Không chỉ bên chư tăng như cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu mà cả bên chư ni  như Ni Sư Thích Nữ Huệ Tâm tức chị trưởng Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi, sư cô Tịnh Ngọc tức trưởng Phạm Thị Hoài Chân và nhiều bậc tăng ni khác đã từng là huynh trưởng. Ngay cả Cố Đại Lão HT Thích Thiện Minh đã từng là cố vấn giáo hạnh sinh hoạt gần gũi với GĐPT từ khi ngài còn là một Đại Đức trẻ vào những năm 1950.
Dù đã xuất gia, chư tôn đức xuất thân từ GĐPT vẫn luôn gắn bó với GĐPT trong nhiều cách. Màu áo lam, chiếc mũ, cái còi, bài hát sinh hoạt v.v.. vẫn sống trong suy tư, thao thức của các ngài.
Nhưng trường hợp của Thượng Tọa Thích Từ Lực đặc biệt hơn cả.
Như Thầy kể lại: “Tôi gia nhập GĐPT lúc 14 tuổi với một Đơn Vị ở cách xa thành phố Huế 20 cây số. Không học hỏi được gì nhiều, chỉ biết khi đến Chùa là các Bác cho ăn xôi, chuối, và nhất là có Bạn để vui chơi. Vậy mà, những kỷ niệm thắm thiết, thân thương thời đó, vẫn còn trong lòng mình sau hơn 50 năm lặng lẽ trôi qua. Mới biết, chính nhờ tình Lam, sự đối xử với thương mến của quý Anh Chị Huynh Trưởng mà những chất liệu Yêu Thương, Tôn Trọng, Vui Vẻ đã nuôi dưỡng đời sống của mình, dù khi xa nhà, trưởng thành và sinh sống ở Hoa Kỳ.”
Thầy không chỉ suy tư thao thức với kỷ niệm trước ngày xuất gia mà còn mang một tâm nguyện được góp phần vào nỗ lực hiện đại hóa GĐPT trong thời đại tin học toàn cầu hóa ngày nay. Thầy sống với anh chị em. Thầy vui với anh chị em. Thầy buồn với anh chị em.
Hầu hết trong 28 bài viết của tuyển tập Phổ Hương Tình Thầy là những bài viết về tuổi trẻ Phật Giáo, GĐPT. Những bài viết hết sức chân thành, không sáo ngữ, không dạy bảo và ngay cả không khuyên răn ai. Đó chỉ là những lời tâm sự. Thầy viết như đang tâm sự với các đoàn sinh đang ngồi trước mặt và thầy viết như đang tâm sự với chính mình.
Thầy nhắc lại những Phật chất mà mỗi chúng ta được trao từ khi phát nguyện vào đoàn và thầy mong chúng ta cố gắng vượt qua mọi dị biệt bất đồng để  chuyển hóa các nội dung Phật chất sẵn có trong con người chúng ta mỗi ngày thêm tinh tấn ngang với tầm thời đại.
Thành thật mà nói. Chúng ta đứng sau quá xa với những gì đang diễn ra trên thế giới. Không ít sinh hoạt của GĐPT trong thiên niên kỷ thứ ba này mà vẫn không thoát ra khỏi những ước lệ, những khuôn khổ của gần một trăm năm trước. Vì thế chưa bao giờ hiện đại hóa GĐPT trở thành một nhu cầu bức thiết hơn hôm nay.
Chúng ta đối diện với nhiều thách thức. Vâng. Đó là một điều không thể phủ nhận. GĐPT đang đứng trước ít nhất hai thử thách, một bên trong nội bộ thiếu vắng tinh thần lục hòa và một bên ngoài vẫn còn đầy chướng ngại cản đường thăng tiến của chúng ta.
Hiện đại hóa là một tiến trình đưa các giá trị truyền thống của GĐPT hội nhập vào dòng sống của nhân loại một cách thích nghi. Hiện đại hóa GĐPT là phương pháp hữu hiệu nhất để cùng lúc vượt qua được cả hai thách thức.
Nhưng giá trị truyền thống của GĐPT là gì?
Thầy Từ Lực nhấn mạnh trong bài “Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong những Tấm Lòng Xây Dựng nhân dịp Trại Vạn Hạnh”, đó là “Bi Trí Dũng, vốn là nền tảng tinh thần vững chắc trong hành hoạt của chúng ta.”
Bi Trí Dũng là uyên nguyên, là đôi cánh để sống và bay lên cao chứ không phải là khẩu hiệu khô khan, rỗng tuếch để hô to và rơi vào quên lãng sau mỗi lần họp mặt.
Bi Trí Dũng cũng không phải là ba chất tố tồn tại độc lập, riêng rẽ mà là một hợp chất của tình thương, trí tuệ và vô úy của Đạo Phật. Chúng ta may mắn biết bao nhiêu so với nhiều triệu người khác không được trang bị tinh thần Bi Trí Dũng đó.
Thầy viết trong “Ai Là Tâm Minh của Thế Kỷ 21”: “Chúng ta sắp sữa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại.”
Thầy nhấn mạnh: “Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. “
“Uyển chuyển” trong ý nghĩa thầy muốn nói là “tinh thần dung hóa” của Đạo Phật. Tinh thần đó chứa đựng trong kinh điển của đức Bổn Sư. Chính nhờ tinh thần dung hóa đó mà Đạo Phật đã vượt qua khỏi vùng Bắc Ấn Độ nghèo nàn, bị bức hại và đầy phân biệt để trở thành biểu tượng của tình thương và hy vọng cho toàn nhân loại ngày nay. Hạt giống Bồ Đề mọc lên ở Siberia băng giá hay Kenya khô cằn đều giữ được những phật chất giống nhau nhờ tinh thần dung hóa của Đạo Phật.
Thầy Từ Lực nói về “dung hóa”: “lấy tinh thần ‘dung hóa tất cả để làm lợi ích tất cả’ nghĩa là chấp nhận dị biệt để phục vụ cho sự tồn tại chung. Dung hóa, như thế không phải là sự nhượng bộ trá hình hay mưu tính dàn xếp mà là con đường đúng đắn để cộng tác trong bình đẳng và thành thực. Ta không thể tồn tại trong an lành nếu không nhìn nhận sự có mặt của kẻ khác. Do vậy, chúng ta không tin sự thống nhất về mọi mặt là mục tiêu tối thượng của tổ chức trong khi, trên thực tế và về bản chất, những cái dị biệt chỉ khiến cho một thực thể thêm phong phú và đa dạng.”
Suốt dòng lịch sử Việt Nam, như Thầy Từ Lực chứng minh, chư liệt tổ đã dùng tinh thần dung hóa để hóa giải mọi bất đồng, dung hợp một cách hài hòa mọi nguồn văn hóa đến Việt Nam. Đạo Phật không tồn tại bằng sự hủy diệt hay thống trị các tôn giáo khác, các tín ngưỡng khác mà bằng dung hợp. Trong khu vườn văn hóa Việt, các tôn giáo đã tồn tại với nhau, nương tựa vào nhau để làm đẹp khu vườn văn hóa Việt đầy sắc màu rực rỡ.
Trong lúc nhiều thế lực nhân danh tôn giáo đi qua để lại những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu, Phật Giáo đi qua để lại những cây xanh và trái ngọt nhờ tinh thần dung hóa.
Nhưng trước hết, dung hóa phải được thực hiện không phải đối với tha nhân mà đối với chính mình và anh chị em mình.
Thầy Từ Lực viết: “Tôi thiết tha nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm nhường của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?”
Chúng ta ra đi mang theo lời phát nguyện khi được khoác chiếc áo đoàn và được gắn huy hiệu Hoa Sen Trắng trên ngực áo. Nhưng chúng ta không đuổi kịp với những đổi thay của thế giới và do đó không tìm ra một hướng đi thích hợp. Lý tưởng với khá đông anh chị không còn là con đường đích thực mà đã trở thành những ước mơ phai dần theo màu tóc, theo làn da, theo tiếng nói lạc dần trong giấc ngủ đêm khuya.
Không. Hãy cố gắng hết sức dù chút hơi tàn vì tương lai của GĐPT. Đừng để cành sen trắng héo úa đi. Đừng để các giá trị cao đẹp quý giá của GĐPT trở thành những cố tật. Dòng sông không chảy không còn là dòng sông nữa mà chỉ còn là những ao tù nước đọng. Chảy đi và cùng chảy với nhau như nhân duyên hiếm quý trong cuộc đời này.
Cám ơn Thượng Tọa Thích Từ Lực và xin trang trọng giới thiệu tác phẩm Phổ Hương Tình Thầy.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Thị trấn Kanab, Utah, chiều 11 tháng 2, 2020


Sunday, January 26, 2020

Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An

Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh: Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An



Có một câu chuyện kể về vị thiền sư vô danh ở Nhật ở thế kỷ thứ 16, văn bản xưa trong đền cổ ghi lại rằng dân chúng thời đó trong vùng Tokai, miền Trung Nhật Bản, ít người nào có thể hiểu được ngài. Mặc dù được kính trọng nhưng ông cũng bị nhiều người coi là một kẻ tu hành khùng điên.
Trong một lần đi ra sông lấy nước, người dân nhìn thấy ông đột nhiên dừng lại, cúi xuống và hốt từ thinh không lên cái gì đó, nhìn ngắm một cách tần ngần, rồi phất tay bỏ đi.
Vì tò mò, nhiều người cũng đã chạy đến và quan sát xem thiền sư đã tìm thấy điều gì nơi đó. Nhưng rồi mọi thứ chỉ là sỏi đá trơ trọi. Có người có đuổi theo thiền sư và hỏi rằng “ngài vừa nhặt gì đấy?”. Con người bị coi là điên khùng đó im lặng một lát rồi trả lời “thời gian”. Dân chúng ngơ ngác nhìn quanh, rồi lại hỏi “thời gian ở đâu, của ai?”. Vị thiền sư đáp nhanh rồi quay lưng bỏ đi “thời gian của ta và các ngươi, nhưng chỉ là những loại thời gian đáng vứt đi”.
Khi gấp lại những trang cuối của Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng của tác giả Thích Phước An, bất giác tôi nghĩ đến hình ảnh ông như một con người cô đơn và lặng lẽ giữa thế gian này, dành trọn cả một đời để luôn nhìn ngắm lại bức tranh thời gian, nhặt nhạnh lại những điều đẹp nhất, tô điểm và nhẹ nhàng khắc cẩn gửi vào bảo tàng của ký ức cho người Việt về sau.
Đã từng có người hỏi rằng vì sao một tu sĩ lại nói về thơ văn nhiều đến vậy. Nhưng với tác giả Thích Phước An, ông ôm cái đẹp vào lòng và cầu nguyện cho nó.
Lặng lẽ như vị thiền sư bị coi là điên khùng ở nước Nhật xa xôi, cũng có một vị tu sĩ ở Việt Nam rảo bước qua cõi nhân sinh, luôn cúi nhặt trên đường đi của mình những mảnh vụn của thời gian. Chắp nối nhẫn nại và đầy yêu thương để dựng thành một tấm gương xưa, đủ để mọi người soi lại chính mình, soi lại cõi sống của mình, soi để biết rõ những loanh quanh kiếm tìm hữu hạn của chúng ta và cái đẹp vô hạn của trần thế.
Với Thầy Phước An, Pleiku, 2019 (Ảnh: Vũ)
Quyển bút ký Hiu hắt Quê hương  Bến Cỏ Hồng nhắc nhiều đến Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh… Những tri kỷ của núi sông đã vận dụng mọi từ ngữ cao quý nhất của mình, để mô tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam, đời Việt Nam. Từ trang đầu đến cuối, quyển sách mở ra những con đường làng thơ mộng, những khó khăn hữu duyên đến rồi đi qua và trở thành thi vị, những kí ức đẹp nhất về mẹ, về thời gian sống giản đơn… mà đôi khi ngoái nhìn lại, có thể rơi nước mắt vì thương nhớ khôn cùng.
Nhưng không chỉ vậy, trong tấm gương xưa mà tác giả Thích Phước An dựng lại, có đủ các chân dung của rất thường dễ bị quên lãng bởi thời gian, và cả thời thế. Các trích dẫn được ông đưa ra, chứa ngồn ngộn những biến động của lịch sử, thúc giục tầm nguyên. Chẳng hạn như đọc lại hai câu thơ của Tuệ Sỹ mà ngẩn ngơ:
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Năm tháng bỗng vụt hiện về, can qua lại mịt mờ trong tâm trí, nhưng từ đó, hiển lộ đức năng uy vũ bất năng khuất của một người học Phật, một chí sĩ luôn ngạo nghễ trước mọi nguy nan.
Với nhà thơ trác tuyệt Nguyễn Đức Sơn, tác giả mô tả tài tình một nhà thơ say cuồng trí tuệ, thách thức mọi sự tăm tối của đồng loại, nhưng ẩn trong ngôn từ và hành xử là sự khắc khoải bất tận trước cái tôi yếu đuối giữa vũ trụ này. Khắc khoải đến hiu quạnh.
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gửi cát bụi về mai sau
Đọc mà nghe như giữa cuộc chiến khốc liệt, bỗng vang vọng tiếng cười kiêu bạc. Mọi mưu mô thâm hiểm cho đến những khát vọng vĩ đại của thời đại, đều vô nghĩa.
Người Việt đã từng hay đến vậy. Trí tuệ Việt đã từng vời vợi như vậy. Chúng ta từng có tất cả đó thôi. Đọc sách, mà bật lên tiếng lòng xao xuyến. Từng lời kể giản đơn trong Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng cứ thấm dần qua từng trang giấy. Sột soạt như đôi giày cỏ thầm lặng bước ở ven đường. Chậm rãi và an nhiên như một lữ khách đi qua địa cầu, tác giả ghi chép kỹ lưỡng những gì mình nhìn thấy, vì biết rõ chỉ còn lại một ít thời gian ở kiếp máu đỏ da vàng này như duyên nghiệp.
Những niên kỷ được trao lại, với sự da diết và tụng ca, là khoảng không giữa những nhịp tim mỗi người: còn không, chúng ta có còn những điều đẹp đẽ đó không, hay đã phai nhạt dần trong ký ức từng ngày? Đọc những dòng soi vào thời gian và trao lại từ bậc trí giả im lặng, thấy sấm động đâu đó trong trái tim mình.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi kho báu của người đi trước để lại bị quên lãng. Bên bến cỏ hồng, rất nhiều người đã bước ra đi, nhưng dường như ít người ngoảnh lại.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi chỉ là bến tiễn những đứa con ra đi, tiễn những điều đẹp nhất đi vào sương khói.
NGUYÊN KHÔNG - Nguyễn Tuấn Khanh

Wednesday, January 22, 2020

GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG

GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG

Thơ Phan Thanh Cương


“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi - đầu suối - những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.” (thơ PTC- Đèo Le 2)
Đọc 4 câu thơ trên của họ Phan viết khi trở về thăm quê cũ Quế Sơn Quảng Nam, nơi có ngọn đèo cao đi được đến đỉnh đèo là le lưỡi thở dốc, các bạn thấy bình thường không? Thật bình thường như lời đầu bài thơ này đã viết. Viết về ngọn đèo thì có núi, lá, suối, gió là bình thường, có người đứng nghỉ mệt bên đèo châm thuốc hút là bình thường, nhưng cái ý chính trong câu “Che tay bên này, gió thổi kia” là không bình thường. Và khi đọc hết những 33 bài thơ của Phan Thanh Cương trên Hương Xưa rồi ngẫm nghĩ, qủa thật thơ của chàng Cương không bình thường chút nào. Bài viết này là cảm nhận của riêng tôi về thơ của Phan Thanh Cương, viết về những điều bất thường đấy.
Lần đầu làm quen với thơ của Cương là một ngày giữa tháng 10 năm 2012, khi tôi mới biết đến trang mạng Hương Xưa, hôm đó có đăng bài thơ “Cõng Em”:
“Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bòng chút thôi
   Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em-em cõng-lưng trời-cõng mây”
Nhớ lại hôm ấy khi đọc bài thơ này tôi khoái chí tử. Biết là từ nay đã gặp một “chàng thơ” bất thường với lối ra thơ rất lạ, cũ mà rất mới, vừa tả chân hóm hỉnh cũng vừa lãng mạng ngút trời. Thơ mới đọc tưởng như đùa vui, nhưng đọc qua đọc lại, không còn cười vui được nữa mà thấy xót xa. Những động từ: cõng, dính, đèo bòng, cõng em, cõng mây, em cõng…rất thường ở ngoài nhưng trong thơ nó đã làm nên chuyện. Bài thơ đã kích động đến cá tính “ngang ngạnh, tưng tửng” của tôi. Thích cái nét ngộ nghĩnh, phá phách. Thích cái ngông nghênh, mộc mạc. Thích cái thong thả, ung dung. Thích cái liều lĩnh, bướng bỉnh. Và thích nhất là cái lối Cương mượn hình ảnh bên ngoài để nói lên sâu thẳm của lòng mình. Và rồi trong thơ, Cương đã vẽ những bức tranh đời mình không nhiều màu sắc, chỉ toàn màu đen, xám xịt, qua câu chữ:
“Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi (thơ PTC – Cõng Em)
Tết tháng Giêng 2014, hẹn trước với Cương bọn mình sẽ về thăm nhà, muốn gặp Cương. Tối 24 Tết đang ở chơi Dalat lạnh tê người, Cương gọi nói là đã uống hết 1 chai Henessy với Ngô Tín và chờ mình đến để mở chai thứ hai. Giọng nói người con trai xứ Quảng bao năm sống ở Saigon, thêm chút hơi men, lần đầu nghe làm cho trời Dalat lạnh trở nên ấm lại. Và rồi chúng tôi đã gặp Cương, cùng với ngựa hoang Nguyễn Đăng Trình, Kim Loan, Kim Đức và một số bạn hữu khác tại nhà hàng của gia đình Ngô Tín tối hôm sau. Người cũng như thơ, thoáng một chút ngang tàng, tưng tửng, phá cách nhưng rất ân cần, dễ gần, dễ mến. Mới bắt tay, bắt thật chặt, lần đầu mà như đã quen nhau từ rất lâu. Cương trong mắt vợ chồng tôi hôm ấy là một chàng đẹp trai, hóm hỉnh, thông minh, lanh lẹ, xin xỉn một cách tự nhiên, thật đáng yêu:
“Đêm cứ cạn ngày cứ sâu
Tắc kè phơi nắng gật đầu vì say”(thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và đêm hôm đó chúng tôi đã say, không phải vì nắng, mà vì tình thi hữu.
Các bạn vẫn chưa thấy cái gì là bất thường ở đây phải không? đọc tiếp nhé.
Có lần nghe chàng Cương tâm sự với tôi trên Hương XưaNăm em 25 tuổi, mất đi người vợ 21 tuổi, chỉ khác Đồi Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan là "người" để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi. Từ đó căn nhà còn lại đúng 3 thế hệ: mẹ, PTC và con trai. Cách đây 9 năm đứa con trai cũng đã theo mẹ, và cũng cách đây 7 năm mẹ PTC cũng đã theo cháu nội”
Tiễn 3 người thân nhất qua đời, thơ của Cương trở thành chỗ để người xưa quay về. Thấp thoáng trong mờ mịt của nhang đèn, hương khói đó là bóng hình của Mẹ, Vợ, và Con Trai. Và nhớ đến ngày tiễn người yêu cũ đi lấy chồng, người yêu mà chàng đã chỉ cõng được qua suối, nhưng không cõng theo được suốt cuộc đời chỉ vì:

“Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ”(thơ PTC-Cõng Em)
Gói những hình ảnh đau thương, buồn tủi đó trong hành trang cùng với quê nhà, chàng Cương xuôi Nam, sống trên đất Saigon xô bồ, làm lại cuộc đời, lâu lâu có dịp ra bờ sông Saigon, nhớ về giòng Thu Bồn, bên người vợ mới, Cương viết:
Ván thuyền ghép gỗ tình tôi
Mái chèo khua tự lòng người khua ra
   Để anh quét dọn phong ba
Giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền
   Ngồi ngay ngắn lại tình duyên
Giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao
….
   Chiếu chăn dành đắp qua hồn
Giũ cho sạch hết những phồn hoa xa
   Mai kia ta trở lại nhà…
Dắt theo ngọn sóng làm qùa quê xưa” (thơ PTC-Khoan Nhặt Trên Sông”
Tôi đặc biệt rất thích bài thơ này của Cương. Lời thơ nói lên độ trưởng thành chín mùi trong tình cảm Cương dành vun đắp tình vợ chồng nơi đất khách. Mất mác ta có thể tìm lại được, đau xót thời gian có thể làm nguôi đi, buồn thảm sẽ có ngày vui bù lại, biết thế nên trong trang sách mới đời mình, Cương trân trọng viết về những gì rất gần với mình. Tầm thường thôi nhưng rất đẹp. Thơ viết cho vợ đang sống khó hơn nhiều những bài thơ viết cho người yêu cũ. Nhưng Cương viết được, rất thật, rất gần, vì Cương trân qúi những gì mình đang có. Có người để cùng “giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền”. Và Cương đang cố “giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao”.
Từ giữa tháng Tư năm 2012 đến nay, Phan Thanh Cương đã cho chúng ta đọc tâm sự của chàng trên 30 bài thơ, không bài nào giống bài nào. Lúc đầu Cương viết nhiều bài thơ với chỉ 5 chữ, 4 câu. Sau đó có bài 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ rồi cuối cùng là lục bát. Những bài thơ 5,6,7, hay 8 chữ này Cương dành viết cho quê cũ, trường xưa. Cho người Mẹ, người Vợ qua đời, cho người tình cũ. Cương viết cho Tháng Tư chìa lìa, cho hoài niệm tuổi thơ, cho những mất mác của một thế hệ chưa lớn đã gìa.
Khi tả cái cảnh phân chia, chia đôi đất nước hay chia ly tình yêu, Cương tả bằng cảnh “rừng cây khô’, “hồ cạn đáy”. Rồi còn muốn cho rõ hơn, Cương viết:
“Tình đã chuyển dần sang lý
Giữa căn nhà- một vỹ tuyến chia đôi
   Trái đất quay nghiêng trốn ánh mặt trời
Đêm càng tối lằn ranh kia càng rõ”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Đố ai biết ngụ ý của Cương trong bài thơ này nói gì? Mới đọc thấy như nhà thơ nói đến cái cảnh hai người sống trong một căn nhà nhưng không hòa hợp. Nhưng đọc kỹ thì bắt gặp cái ý này:
   “Tôi không thể biến không thành có
Tay nhân gian không vẽ nổi thiên đường”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Cương muốn nói đến hình ảnh của Thiên Đường Mù (DTH) đấy, nhưng khéo léo trong ẩn dụ, Cương ép cong người mình xuống đất, trùm chăn lên tận đầu, như không thấy, không nghe , chờ thời gian qua nhanh:
   Thời gian qua,
Tiếng gọi thời gian như khách gọi phà,
Tôi vẫn giằng tâm bên tờ lịch rớt” (thơ PTC-Suối Reo – Tình Ngược)
Con buồn xa lạ giữa quê hương” (thơ NL), lòng của tôi năm 90 khi về thăm trường cũ, cũng như tấm lòng của Cương nhớ lại tháng Tư xưa:
Trường vẫn xưa và người rất mới
Có ai nhìn tôi như khách xa
Tôi lạc vào chính nơi thân thiết nhất
Mình ngồi, mình đứng những phôi pha” (thơ PTC-Về Trường Xưa)
Không như tôi, Cương xa trường, nhưng không xa đất nước, dù Saigon không phải là Quảng Nam, nhưng vẫn còn là đất Việt. Tháng Tư nhà thơ bỏ học, bỏ hết cái cũ, cố học cái mới, nhưng học làm sao được khi chỉ học trong mơ:
“Học cũng trong mơ mẹ ơi có biết
Ngước nhìn trời trách nhẹ một vì sao” (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Trách nhẹ “Một Vì Sao”, chỉ dám trách nhẹ thế thôi mà từ phương xa đọc đến đây tôi thấy đau điếng đến tê người. Không được tự do để nuốn nói gì thì nói, thơ của Cương không dám “cương” lên được. Không thiếu chữ để dùng, không thiếu từ để tả mà sao nghe như nghèn nghẹn trong lòng. Chịu đựng nhọc nhằn với nắng gío quê nhà, với hạn hán, với mất mùa, người thanh niên nhịn chịu suốt quãng đời thanh niên còi cọc rồi cũng phải lớn lên, không được bằng thân xác thì cũng bằng ý chí:
“Tuổi trẻ băng qua vụ mùa hạn hán,
Cây lúa ngập ngừng rồi cũng lớn theo tôi
….
Xác thân này mẹ nhịn áo cơm cho
Dọ dẫm thời gian trên bãi bờ khô cạn? (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Đủ lớn để có tình yêu và kỷ niệm, thế hệ của Cương chưa hưởng được bao nhiêu ngày nắng đẹp thì mưa bão tràn về. Cương phải xa trường gần biển, xa người yêu có mái tóc dài như hàng dương, đến vùng rừng núi cao dỡ đất trồng cây:
Ở rừng xa anh tin mình có được:
Cát trường xưa vàng nỗi nhớ trong nhau,
Con sông Hàn còn biết những xưa sau,
Chắc gì lặng im khi gã nông lâm tìm về nơi mới lớn” (thơ PTC-Tháng Tư)
Chắc từ vùng núi một thời làm gã nông lâm, nhà thơ leo lên, tuột xuống không biết bao nhiêu lần ngọn đèo cao dựng ngược, nên đã dành đến 6 bài thơ 8 chữ viết về Đèo Le, nơi cách biệt biển rừng, nơi xa tầm mắt anh em, nơi đã chia lìa tình yêu tuổi nhỏ. Anh ở trên núi, em ở gần biển, xa mặt nhưng quyết không xa lòng, nhà thơ vẫn ấp ủ hình bóng người yêu sống nơi phố thị, vẫn mong tựa vào nhau:
“Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau” (thơ PTC-Đèo Le 1)
Nhưng đời thay đổi không như Cương đã nghĩ:
“Em bên đông, anh ở bên tây
Bão bên em tạt qua bên này
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc,
Có chút gì vừa rơi qua tay…”(thơ PTC-Đèo Le 2)
Và họ đã mất nhau:
Đèo quanh co, lòng người cũng vậy
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo?
Bên kia, bên này- hai người đi vắng,
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo” (thơ PTC-Đèo Le 3)
Đọc hết 6 bài thơ Đèo Le của Cương, tôi nghĩ thời gian này là thời gian mà tình yêu Cương lên đến đỉnh điểm. Với cuồng nhiệt của tuổi thanh niên, thêm hừng hực lửa tình yêu trai gái, dẫu sống xa người yêu nhưng nhà thơ thấy rất gần với hạnh phúc. Nhưng rồi ước vọng một thời đã bỏ lại trên đèo, sau khi “Em có chồng trước, anh có vợ sau”. Ước vọng thời trai trẻ đó là mây, là mây bay giữa trời. Nhưng thực tế cuộc đời là bến đỗ bình yên:
“Hai bên đèo còn mưa, còn nắng,
Mây còn bay, núi vội an bài” (thơ PTC-Đèo Le 4)
Cương đem lời thơ tả tình, tả cảnh, tả nỗi lòng mình khi yêu cũng như khi xót. Thơ gạn lọc từng lời, trau chuốt từng câu, và chở nặng tương tư sầu mộng. Tình yêu nặng như thế mà Cương viết nhẹ hẫng như lông. Cương dấu lòng mình nơi cỏ hoa khi vui, và nơi giông bão khi buồn. Cương đau nhưng không nói, chỉ mượn gió thu, tiếng võng. Mượn hình ảnh hoàng hôn, hoa cúc. Khóc cùng với gió mưa và giòng sông cũ. Không dám trách người, cũng không dám trách cho số phận. Cứ cho đó là chuyện bình thường:
Đời vẫn là sông, sông cứ chảy
Nước hoàng hôn không trở lại đầu ngày” (thơ PTC-Sóng Thu)
Ừ! Thì cứ cho là bình thường đi vì tình yêu có đến rồi đi, có ngày nắng thì có đêm mưa, nhưng thế gian này có biết bao tình yêu cũ, có mấy ai làm mới lại được bao giờ, mà họ Phan làm được trong thơ. Với Cương thơ là những giòng tâm sự, tâm sự về đời mình, tâm sự về những điều thầm kín. Nhưng qúa khéo léo và tài ba qua cách dùng chữ, chuyện có bất thường mấy cũng thành bình thường với nhà thơ, và từ đó thơ của Cương dễ đi vào lòng người, và vào rồi thì ở luôn trong đó. Không cần dùng những từ hoa mỹ, khó tiêu, hay thừa thãi chỉ có âm mà không có nghĩa. Thơ của Cương không thiếu, cũng không thừa. Đọc đến hết là hết. Nhưng cái bất thường ở chỗ là từ cuối bài thơ ta bắt đầu nhẩm lại những chữ đầu đến cuối mới thấy hết cái hay. Có nhiều bài thơ của các tác gỉa khác chỉ hay một câu, và trong câu đó chỉ một chữ lạ là làm nên bài thơ nhớ đời. Thơ của Cương giàu hơn, không hiểu là vì tác gỉa chắc lọc hay là vì kho tàng ngôn ngữ thơ của Cương qúa phong phú nên tha hồ mà chọn. Chọn được chữ vừa hay ở cái ý nghĩa và hay cả vần điệu. Không o ép, rất vừa vặn, cả từ lẫn tình.
Từ đầu tháng 10 năm 2012, Cương bắt đầu gởi lên HX những bài thơ lục bác. Khác với những bài thơ 5,6,7, 8 chữ Cương đã dùng để tả những bực dọc, xót xa, và suy tư thì khi vào với lục bác, thơ của Cương bắt đầu đung đưa nhẹ nhàng. Trong khuôn khổ bằng trắc thật chỉnh chu, thơ của Cương dịu êm theo vần điệu như bài ca dao, như lời ru của mẹ. Lục bác của Cương rất mượt mà, bóng bẩy, nhưng không làm dáng. Bài thơ Ru Em đăng ngày 28 tháng 9 năm này có những câu thơ thật tình:
“Mượn hương hoa cỏ đâu đây
Mượn trăng làm gối mượn mây chỗ nằm
   Ru người cùng với xa xăm
Bãi dâu xanh lá con tằm nhả tơ” (thơ PTC-Ru Em)
Nói là ru em nhưng cả bài không nhắc đến em, chỉ nhắc đến người, và người em trong bài thơ là em của mọi người. Còn hình ảnh thì lấy trăng lưỡi liềm làm gối, mây bàng bạt làm giường . Gối đó, giường đây nhưng sự đợi chờ vẫn còn xa lắc. Thi sĩ họ Phan dùng khổ thơ lục bác để viết về những tình cảm nhẹ nhàng, xa xăm, mơ hồ. Lời thơ quần quyện, quấn quít vào nhau như đan xen giữa mộng và thực, giữa hư ảo và hiển hiện. Trong tâm linh sâu thẳm và vô thức, thơ của Cương nổi lên, gõ nhẹ lên bờ mặt của tri thức, rồi từ từ chìm vào tiềm thức. Không ngủ yên trong đó lâu, đọc đến một bài thơ khác thì sóng lòng xưa trổi dậy. Ba bài thơ: Mắt Em, Môi Em và Tóc Em, mỗi bài viết cách nhau mỗi tháng, nhưng không rời xa nhau như mắt trên môi, bên tóc:
-       “Cảm ơn đôi mắt nhìn anh
Nhìn anh giữa những màu xanh đất trời” (thơ PTC-Mắt Em)
-       “Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian” (thơ PTC-Tóc Em)
-       “Răng em trắng buổi tương phùng,
Ai đem hạt ngọc lát cùng giữa hoa” (thơ PTC- Môi Em)
Ba bài thơ, ba màu: màu mắt xanh, màu tóc nâu và màu răng trắng. Rất rõ qua cách tả chân nhưng tả qúa chi tiết, tinh tế đến mức thật đáng yêu. Bài đầu thì tả lúc mới quen nhau qua ánh mắt, ánh mắt có “hai nét cọ vẽ đôi lá lành”. Đến lúc gần nhau vuốt tóc để thấy “không âm mà vẫn tình tang với mình”. Gần hơn chút nữa thì việc gì đã xảy ra trong câu “nụ hôn anh chở phù sa đắp bối”? Diễn biến tình yêu qua ba giai đoạn thời gian, qua ba hình ảnh trên người con gái: cái mắc cở ở xa để nhìn, cái gần tình tứ để vuốt ve, và cái cận kề để cho để nhận. Thơ viết được như thế có còn gọi là bình thường không?
Còn nữa, khi tả cảnh vợ chồng, Cương không nhắc tới những lúc vui hạnh phúc, chỉ tả lúc giận buồn, lúc cơm lạnh canh nguội, lúc mà chàng thấy cần nàng nhiều nhất, vì lúc ấy mới thấy hạnh phúc những khi nàng bên chàng như thế nào:
-       “Gạo tôi lén trộn thơ tình
Em đi, thơ chín một mình tôi nhai” (thơ PTC-Cơm-Thơ)
-       “Tôi vừa viết một cơn mưa
Bốn phương ướt sũng lại chừa nồi canh” (thơ PTC-Quên)
Đọc mấy câu thơ này của mấy ông, tôi nghĩ chắc mấy bà khi giận bỏ nhà đi nhưng “mắt vẫn để lại nhà” vì sợ ở nhà “có thơ mùi khét an lành” hay có đi xa cũng vội quay về. Vừa đi vừa tủm tỉm cười thầm.
Thơ của Cương, khi viết về người nữ, lời thơ trở nên hoa bướm, lả lơi:
Dáng cong qua đoạn hiểm nghèo,
Anh con ong mật lần theo chốn này
   Dáng ngồi ngưng đọng khóm mây
Hình như bàn ghế còn bay hương người” (thơ PTC-Dáng Xuân)
Đọc mấy câu thơ trên của Cương tôi cũng tủm tỉm cười hoài, vì nét độc đáo, lẳng lơ nhưng thanh tao đến vô cùng. Không dám bạo dạn, sỗ sàng vì đây là thơ, nhưng tay chân cũng táy máy, tò mò khi nhìn cái gì cong cong, Cương đành mượn con ong mật đi hành quân thế cho bàn tay mình. Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng. Thơ là sản phẩm của xúc cảm, là tiếng vang vọng của tâm tư, là tâm sự, đúng là tâm sự không nói thành lời, mà chở nhờ trong con chữ. Ngôn ngữ thơ của Phan Thanh Cương đến từ một nơi có nhiều hình ảnh, âm thanh, tư tưởng. Thấy rất thực, nghe rất rõ, nhưng phải cẩn thận đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết những cái hay của nó. Tác gỉa không đánh đố người đọc, nhưng cũng không để lời thơ trần trụi phơi bày. Đọc thơ Cương chịu khó bóc bỏ cái vỏ bọc bên ngoài, để thấy phần hồn, cái tác gỉa dấu nhưng không diếm bên trong. Bài thơ “Tiễn Người Trong Mưa” đã nói lên những gì như tôi nghĩ:
“Mưa quên tiếng chạm rạc rào
Hạt mưa rơi đúng chỗ nào cần rơi
…..
   Dính da là áo em thưa
Dính anh, còn những thiếu thừa tương lai
…..
   Nón cùng anh đội tiễn đưa
Tình cùng anh đội khoảng trời mưa giông” (thơ PTC-Tiễn Người Trong Mưa)
Tới đây bạn đọc vẫn chưa thấy điều gì bất thường chứ gì. Thì ta đọc tiếp. Có hai bài thơ viết về Mẹ của Cương đăng trên HX : “Hoàng Hôn Mẹ” và “Trong Gió Xuân” mà tôi cho là hai bài thơ viết cho Mẹ hay nhất từ người con trai mà tôi đã đọc từ trước đến giờ. Như lời tác gỉa đã tâm sự trên đây, vợ Cương mất sớm để lại đứa con trai nhỏ. Bà Nội thay Mẹ nuôi cháu. Rồi cháu cũng đi và không lâu Bà cũng đi theo. Trong một thời gian ngắn, Cương mất hết người thân.Thơ khóc thay cho nước mắt, Cương dùng những tình cảm đẹp nhất để dành viết trong thơ cho những người đã bỏ anh đi. Cho Mẹ, Cương đã viết:
-       “Quanh năm áo mẹ vai sờn
Vết chai thành đá năm hơn tháng dài
…..
   Xưa tre lớn bỡi đọt măng
Nay con già bỡi nhọc nhằn mẹ ơi” (thơ PTC-Trong Gío Xuân)
-       “Cuộc đời có mấy vòng xoay
Xoay qua vòng cuối mới hay được mình
   Con đi ôm hết bình minh
Để lại mẹ với vô tình – hoàng hôn (thơ PTC-Hoàng Hôn Mẹ”
Cho người vợ trẻ qua đời, người chồng tên Cương viết:
Ngủ đi đừng đếm sao khuya
Bao nhiêu ngọn lớn đã chia em rồi
   Chuông chùa đổ một tràng thôi
Không trong lồng kín tôi nào muốn bay” (thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và cho đứa con trai mệnh yểu người cha trẻ đã khóc:
   “Càn khôn quay trật tòng tong
Măng đi để lại tre ong óng vàng
…..
   Kêu không bằng miệng: con ơi
Ba không muốn ép núi đồi phải nghe (thơ PTC-Viết Ngày Sinh Nhật Con)
Viết cho người thân yêu đã khuất, Cương không dùng những từ ngữ than khóc, sầu bi. Thay vào đó tác gỉa đã dùng: “Thơ là nhang khói bay quanh chốn này”, để chỉ ngậm ngùi: “Lỡ quên bấm một nốt tay. Là tôi thả cánh chim bay về trời”, và để cho cạn lời: “Rượu vơi còn đọng đáy chai nỗi lòng” . Không một câu than thở nhưng nghe như xé ruột bầm gan. Sợ người đọc buồn lây, tác gỉa dùng những câu chữ hơi tưng tửng: lai rai, tòng tong, ong óng, mở ngực ra khoe, khơi khơi, lững lờ…như để tự an ủi là mình không còn buồn nữa, nhưng ta đọc lên là liền lấy tay quệt nước mắt, rồi sau đó cười khan.
Ngoài những bài thơ rất thơ, Cương còn nhuộm màu hóm hỉnh rất có duyên lên vài bài thơ khác. Thơ tưởng chỉ dùng để trêu ngươi, đùa cợt, nhưng đó chỉ là trên thi ngữ thôi, đọc xong rồi biết:
“ Tôi say gió đẩy về nhà
Thấy mẹ thằng bé tưởng là cố nhân
   Sáng ra có một vết bầm
Người xưa đùa giỡn trên phần da tôi” (thơ PTC-Gọi Nhầm)
Đùa giỡn được không? Tôi thấy đau như dao chém chứ không nhẹ như một vết bầm. Viết về nỗi đau, cái mất mà không cho người đọc thấy đau, thấy mất, chỉ thấy tức cười, cười lăn cười bò, cười đến lộn ruột, khi đọc bài thơ Dấu Mông Chiều. Qua bài thơ này, ai cũng thấy cái tài cù lét, chọc cười của Cương thượng thừa đến mức nào. Táo tếu không chịu được:
“Hai vòng cuồn cuộn ngóng trông
Đôi nắp vung ngửa tôi đong trời chiều” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Nói thật nếu tác gỉa không dùng tựa đề như trên, đọc bài thơ này ai mà hiểu được ý nhà thơ muốn tả cái gì. Cuối cùng cũng chỉ muốn nói:
Người về đứng giữa đổi thay
Nghiêng vung tuông tuột chiều ngày xưa tôi” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Không nghiêm túc vì dùng chữ “tuông tuột” ở đây phải không? bình thường thôi. Vậy thì trước khi đọc thơ của họ Phan, ta phải chuẩn bị một cái đầu biết quan sát, một trái tim mở rộng, và phải bỏ hết những kinh nghiệm đọc thơ xưa cũ, để bắt đầu nghe những cái rất mới. Lúc đầu có thể chưa thích, nhưng sau đó đâm ghiền. Không biết tự bao giờ, và do đâu, những nhà thơ đến từ xứ Quảng có lối làm thơ têu tếu mà thâm. Chữ nghĩa đối với họ chỉ để làm vui tai qua cái âm khi đọc lên. Nhưng cái ý nghĩa thì sâu thăm thẳm. Họ không ngần ngại dùng những chữ thật tầm thường, nhưng khi cho vào câu thơ, nó mang một bộ áo mới. Từ Bùi Giáng đến Luân Hoán, từ Phan Khôi nay đến Phan Thanh Cương, cái tưng tửng chết người ấy, dai dẳng đeo theo ta, làm cho ta nhớ mãi. Hình ảnh con người ấy với giọng thơ bất cần ấy không lẫn vào đám đông thi nhân. Nếu muốn đọc thơ một cách nghiêm trang với khuôn mặt một ông thần trong miếu thì đừng đọc thơ những người này.
Khi xưa Trần Tế Xương vì bất mãn với đời mà làm thơ trào phúng, cay cú. Nay Cương cũng có bất mãn, nhưng sống được, chịu được, nhưng không thể nhịn được. Trên đây đã nói, thơ đến từ cảm xúc, nhà thơ là người giàu xúc cảm. Làm sao không viết ra khi thấy nhiều thứ chung quanh làm ta buồn, đau, và có khi hận. Ba bài thơ: Tiền Ca 1, Tiền Ca 2 và Chiếc Cân Ngày Đó tác gỉa đã dùng để nói lên cái xã hội sống vị vật chất hôm nay. Hãy nghe Cương tả:
-       Theo sông hát cạn ngày hè
Tiền không dùi trống mà nghe xập xình” (thơ PTC-Tiền Ca 1)
-       “Trăng trời ẩn nấp ba mươi
Tiền tôi khuất bóng về nơi phía rằm (thơ PTC-Tiền Ca 2)
-       “Đêm xa mơ thấy trầu cau
Cố quên người móc lên đầu chiếc cân (thơ PTC-Chiếc Cân Ngày Đó)
Cũng bình thường thôi vì những gì nhà thơ viết ra là điều nhiều người biết. Nhưng chắc chắn cái bất thường ở đây là không ai viết được một cách dí dỏm như vậy. Đem tình cảm nghiêm túc mình ra đùa cợt cũng là cách giúp cho tác gỉa tự an ủi với đời, với tình yêu như thế này:
   “Nhìn tôi em thấy những đâu
Tôi như mấy trắng chuyển màu sang đen
   …..
   Còn quen cho trái tình cờ
Hết quen đổi qủa bất ngờ nhân duyên  
…..
   Thả em về những câu thơ
“Tình cờ” xưa vơi “bất ngờ” làm vui
   Để mai em ngó lên trời
Mây tôi trắng lại thuở người nhuộm đen (thơ PTC-Gió Xa)
Viết một hơi hơn 10 trang giấy mà vẫn chưa nói hết những gì cần nói về cái bất thường trong thơ của Phan Thanh Cương. Viết thêm nữa sợ bạn đọc chán qúa vì dài. Bạn đọc cần biết thêm thơ của Cương có những đặc điểm nào nữa không bình thường thì vào đọc những bài thơ cũ Cương đã cho lên Hương Xưa từ trước đến giờ, nhất là đọc những lời phản hồi của bạn đọc, để xem tôi có nói ngoa không. Còn tôi, nhớ lại hôm tháng tư, ngồi ở trời Tây nhớ về trời Đông, đọc bài thơ
Thoáng Quê
nghé con gập ghềnh tìm mẹ    

chắc chi mình nó chạy tìm    

người về chạy qua vườn cũ

cỏ cây xa lạ đứng im

cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn          

chắc chi mình nó gọi bầy      

người về vào trong ẩn giọng

tiếng lòng đo được  bằng giây

rộn ràng con chim chột dột        

cỏ tranh móc ngọn tre quê          

cuối chiều vàng theo cái tổ

nhà xưa trắng buổi quay về?

Và tôi đã khóc khi viết phản hồi cho Cương trên Hương Xưa:
Gởi Cương,
Thơ của Cương anh phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì không bao giờ đọc hết một lần, vì sợ đọc xong chữ thì hết nhưng lòng cảm chỉ mới bắt đầu. Nếu có ai hỏi anh ngay bây giờ anh đang nghĩ gì, anh sẽ bảo anh đang bị bài thơ của Cương làm nóng rát ruột gan và ràn rụa nước mắt. Đúng đấy, một bài thơ viết không biết tự lúc nào nhưng cho đăng vào thời điểm này thật không còn ý nghĩ nào lớn hơn. Hình ảnh con chim cuốc của em trong thơ anh ngỡ như em đang viết về những người xa quê như anh, kêu hoài cái tiếng kêu não lòng ấy mà có tìm lại qua khứ được đâu! Lời con chim quốc (cuốc) đau lòng : "Anh một mình như chim cuốc lạc đôi" của anh, em đã mượn và đưa vào thơ: 


"cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn 
chắc chi mình nó gọi bầy 
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây"...

Năm xưa, anh có đứa em gái bị cho lên rừng:


"Em mót củi nhặt cây khô đun bếp
Nước suối gánh về nấu cháo thay cơm
Nhà phố thị bỏ lên rừng làm rẫy
Thân sậy giữa rừng, đau đớn, rét run"

Ở phương xa, người anh nghe tin chỉ biết nhìn trời mà khóc:

"Cảm ơn ai cho em bài học lớn
Con thú là người chỉ thiếu hai tay"

Người em gái năm ấy, bây giờ là cô giáo dạy Văn, mà đọc những giòng chữ này chắc nó cũng sẽ khóc như anh đang khóc đây. Nhưng bây giờ nước mắt của Anh không còn dành cho riêng nó, cho riêng ai, mà cho những gì rất khác.


Cũng bình thường thôi! phải không Cương.
Nguyên Lương
Horsham tháng 11, 2014

p.s. Bonus: 


CÕNG EM
Phan Thanh Cương

Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bồng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em – em cõng – lưng trời – cõng mây
Nụ cười em, gió ngang vai
Tiếng chân rẽ nước thành hai giọng cười
Cõng em chồng nắng lên đôi
Nhẹ như lau lách vẫy lời yêu thương

Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ
Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi
Ngực em còn ấm lưng tôi
Mưa khuya có lạnh nửa người không em?…