Showing posts with label Hoàng Long. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Long. Show all posts

Thursday, September 3, 2020

Hoàng Long: Truyện Ngắn Murakami Haruki – Nghiên Cứu và Phê Bình

Truyện Ngắn Murakami Haruki 

– Nghiên Cứu và Phê Bình

 Hoàng Long

Đọc Murakami bao giờ chúng ta cũng cảm thấy nỗi hoang vu buốt giá tuổi xuân thì. Có thể nói Murakami là nhà văn tinh tế nhất viết về nỗi cô đơn. Những câu chuyện nhỏ bé, tỉ tê luôn mang vết dấu của ngấn lệ thoáng qua hồn người. Con người có vẻ từng trải, hiên ngang đi trong gió bụi của đời thực ra lại rất mong manh, dễ chùng lòng vì những điều xưa cũ. Những vết thương tuổi hai mươi dường như không bao giờ lành hẳn, sự vụn vỡ của tình yêu và dư vị cay đắng sẽ theo ta đến suốt cuộc đời. Nhiều khi ta muốn tìm lại, đôi lúc muốn để nhạt phai nhưng không bao giờ quên đi mãi mãi. Dưới mái tóc bạc phơ, đâu ngờ còn điều thổn thức. Vì niềm đau luôn còn đó, trong ta vĩnh viễn u hoài… ~ HOÀNG LONG, trích TRUYỆN NGẮN MURAKAMI HARUKI, NGHIÊN CỨU VÀ PHÊ BÌNH


Tác giả và dịch giả Hoàng Long

LỜI THƯA NHÂN DỊP TÁI BẢN
(Có bổ sung hiệu đính)

Quyển chuyên luận này tuy luôn nằm trong danh mục tham khảo của các công trình nghiên cứu về Murakami Haruki nhưng rất tiếc đã tuyệt bản từ lâu. Theo lời yêu cầu của nhiều độc giả, đặc biệt là các bạn sinh viên, chúng tôi quyết định cho tái bản quyển sách này với một vài thay đổi nhỏ.

Lần tái bản này ngoài việc viết lại cơ bản phần tiểu luận, chúng tôi còn bổ sung thêm bốn truyện ngắn rất thú vị và đặc sắc của tác giả Murakami Haruki là “Vương quốc điêu tàn” (駄目になった王国), “Kẻ lãng du ba mươi hai tuổi” (32歳のデイトリッパー), “Đường bờ biển tháng năm” (5月の海岸線) và “Chim lặn” (かいつぶり). Những truyện này được chúng tôi dịch từ nguyên tác Nhật ngữ, trích trong tập “Một ngày tốt lành đi xem kangaroo” (カンガルー日和) do nhà xuất bản Kodansha ấn hành, tái bản lần thứ 76 năm 2014.

Sau rất nhiều phấn khích và nhận định quá đà, bây giờ bình tâm nhìn nhận lại ta vẫn thấy tầm vóc Murakami Haruki trong sự tinh tế khi viết về nỗi cô đơn và tình yêu tuổi trẻ chứ không phải ở chiều kích tư tưởng. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông luôn được yêu thích như là ngấn tích của một thời tuổi trẻ mê say cuồng vọng mà mỗi lần nhớ lại ta đều mỉm cười trong thoáng chút bùi ngùi vì “thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay…” (Trúc Phương).

Sài Gòn, ngày 28/8/2020

Hoàng Long

Monday, February 3, 2020

Aida Mitsuo và những vần thơ thức tỉnh mộng đời

Thư Pháp: Uyên Nguyên

Hoàng Long: Aida Mitsuo và những vần thơ thức tỉnh mộng đời



Nếu xem thơ ca như là một cái cây bám rễ sâu vào lòng đất thì những nhà thơ với nhiều cách tân sáng tạo là những cành lá không ngừng đâm chồi làm cho cây vươn cao mạnh mẽ qua hàng ngàn năm. Cây haiku và tanka mọc lên từ nền đất văn hóa bản địa Nhật Bản với suối nguồn Phật giáo, không ngừng được vun bồi bằng những yếu tố hiện đại với những làn gió Tây phương để phát triển thêm những cành xanh mới, lá mới và hoa mới trong khu vườn Đông phương trầm mặc. Một trong những dòng thơ tiêu biểu đó là Aida Mitsuo (相田みつを), thi nhân và thư pháp gia lỗi lạc thời hiện đại, người được xưng tụng là “nhà thơ của sinh mệnh” (いのちの詩人).
Aida Mitsuo sinh ngày 20 tháng 5 năm 1924 tại Tochigi, một tỉnh nằm gần như chính giữa đảo Honshu, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp Ashikaga, ông bắt đầu quan tâm đến thơ ca, thư pháp và đã thụ giáo với Yamashita Mustu và Iwasawa Keiseki. Aida Mitsuo đã phát triển một dòng thơ độc sáng của riêng mình với tinh thần Thiền Tông. Thơ và thư pháp của ông gần như là những câu Thiền cú, thiền ngữ giúp người đọc thức tỉnh cơn mê lầm giữa dòng đời vội vã. Tác phẩm đầu tiên của ông “Bởi vì chúng ta là con người” (Ningen damono にんげんだもの) xuất bản năm 1984 đến nay đã bán được hơn bốn triệu bản. Ngoài ra ông còn để lại những tác phẩm “Mang ơn” (Okagesanおかげさん) và “Sinh mệnh toàn mãn” (Inochi ippai命いっぱい). Ông mất năm 1991 tại tỉnh Tochigi vì xuất huyết não. Bảo tàng Aida Mitsuo đã được thành lập tại Tokyo để vinh danh ông cũng như để trưng bày các tác phẩm thư pháp và thơ ca. Aida Kazuto, con trai đầu của ông hiện là giám đốc của bảo tàng này.
Chân dung thi nhân, thư pháp gia Aida Mitsuo
Ta hãy bắt đầu hành trình thơ ca của Aida Mitsuo bằng bài thơ “Sinh mệnh”:
いのち
アノネ
にんげんはねえ
自分の意志で
この世に生まれて
きたわけじゃねんだな
だからね
自分の意志で
勝手に死んでは
いけねんだよ
Sinh mệnh
Này bạn hỡi
Con người sinh ra giữa trần gian
Không phải do ý chí của mình riêng mang
Vì thế
Không bao giờ ta có thể
Dùng ý chí cá nhânTùy tiện chấm dứt sinh mệnh của mình[1]
Muốn sống hạnh phúc điều đầu tiên ta phải biết trân quý sinh mệnh của mình. Ta phải hiểu rằng có rất nhiều cơ duyên ta mới có thể được hiện diện nơi trần gian này. Theo như Aida, ta được sinh ra vì có việc gì đó ta nhất định phải làm. Đó là nhiệm vụ cũng chính là ý nghĩa cuộc sống.
私がこの世に生まれてきたのは
私でなければできない仕事が
何かひとつこの世にあるからなのだ
Tôi được sinh ra trên trần gian
Là vì trên cuộc thế
Có việc gì đó mà chỉ riêng tôi mới có thể hoàn thành
Muốn vậy ta cần phải dũng cảm để trở thành chính mình, chứ không phải trở thành con người mà xã hội hay người khác mong muốn ta trở thành. Sống trái bản tính của mình là điều phi lý. Nó không bao giờ mang lại cho ta được hạnh phúc và thành công.
トマトにねえ
いくら肥料をやったってさ
メロンにはならねんだなあ
Cho dù bao nhiêu phân bón, khoai tây cũng không thể trở thành dưa gang.
Và:
自分が自分にならないでだれが自分になる
Nếu ta không trở thành chính mình
Thì ai sẽ trở thành chính mình đây?
Thủ bút bài thơ của Aida Mitsuo
Nơi chính bản thân mình đã đầy đủ tất cả, không cần phải tìm kiếm xa xăm hay vọng tưởng làm gì.
そのままでいいかな
Cứ như vậy là được rồi
Bài thơ đơn giản này thực ra cũng chính là điều bao nhiêu thi nhân nhắn nhủ. Như Tagore đã từng nói “em thế nào thì cứ thế mà đến, chớ có loay hoay sửa soạn áo quần”.
Trong quá trình vươn lên, trở thành con người như mình mong muốn, việc thất bại là một phần cuộc sống, một nấc thang cho sự trưởng thành. Theo Aida Mitsuo thì đó cũng chính là một phần của bản tính con người.
つまづいたっていいじゃないか。にんげんだもの
Vấp ngã thì đã sao? Chúng ta đều là con người cả.
Ngoài ra đôi khi ta phải chấp nhận hoàn cảnh, những điều không thể thay đổi vì vũ trụ nhân sinh luôn lớn hơn bản thân mình.
雨の日には雨の中を
風の日には風の中を
Vào những ngày mưa gió, ta đi về trong gió mưa
Câu này sao nghe xa xăm đồng vọng với Taneda Santoka:
山あれば山を観る雨の日は雨を聴く
Có núi thì ngắm núi ngày mưa thì nghe mưa.
Hoàn cảnh nào cũng có nét thi vị riêng của nó, tạo thành những cung bậc và cảm xúc cuộc đời. Tất cả đều là chất liệu làm nên chính ta.
あのときの
あの苦しみも
あのときの
あの悲しみも
みんな肥料になったんだなあ
自分が自分になるための
Tất cả những nỗi buồn đau khi ấy
Đều là chất liệu
Để trở thành tôi của ngày hôm nay
Vì thế chúng ta phải nhìn sâu vào chính bản thân mình thay vì ngước nhìn ra ngoại giới, để hiểu mình biết mình thì mới có thể trở thành chính mình được. Đừng bị lừa bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài. Điều quan trọng nhất luôn nằm ẩn giấu, khuất sâu. Như một câu Thiền ngữ nổi tiếng “dĩ tâm truyền tâm” (ishindenshin 以心伝心), chân lý không thể thấy được bằng mắt, không thể truyền đạt bằng lời mà phải cảm nhận bằng tâm trong cõi tịch lặng.
花を支える枝
枝を支える幹
幹を支える根
根は見えねんだあ
Cành nâng hoa, thân đỡ cành, rễ nâng cây, nhưng không ai nhìn thấy rễ. 
Hơn một lần Aida Mitsuo nhắc lại điều quan trọng căn cơ và cốt tủy rằng “mộng càng lớn rễ càng sâu” (Yume wa dekkaku ne wafukaku夢はでっかく根はふかく) để nhấn mạnh đến sự chú tâm vào những điều quan trọng sâu xa ẩn kín và tập trung tu dưỡng thân tâm.  Mượn hình ảnh của cây cao để nói về mộng lớn. Cây muốn vươn cao lên trời xanh bao nhiêu thì rễ phải cắm sâu vào lòng đất đen bấy nhiêu. Rễ càng sâu thì cành càng vững, hoa nở càng lâu càng bền. Muốn nở bừng đóa hoa sinh mệnh thì ta phải tập trung vào điểu cốt tủy là rễ cây chứ không phải tập trung vào chính những đóa hoa. Cái điều tưởng như đơn giản này vậy mà ít người nhận thấy để cứ suốt đời đuổi theo mộng ảo phù du, ngắm hoa của kẻ khác. Và có lẽ sứ mệnh của thi ca là làm thức tỉnh những điều hiển nhiên mà vẫn không ngừng bị chúng ta che giấu bằng huyễn ảnh của chính mình. 
Bức thư pháp “mộng càng lớn rễ càng sâu” của chính Aida Mitsuo 
Aida Mitsuo dạy cho chúng ta sự quan sát từ bậc thầy thiên nhiên để thức tỉnh:
名も無い草も実をつける
いのちいっぱいの花を咲かせて
Ngay cả loài cây không tên, cũng đều kết trái
Hãy nở bừng trọn vẹn đóa hoa sinh mệnh chính mình
Đừng quên  sống trọn vẹn giây phút hiện tại:
人生において
最も大切な時
おれはいつでも
いまです
Khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời luôn luôn là hiện tại.
Và cứ như thế, những cố gắng mỗi ngày sẽ làm nên cuộc đời ta và tạo cảm hứng cho người sau và ngày mai chưa biết.
毎日毎日の足跡が
おのずから人生の答えを出す
綺麗な足跡には
きれいな水がたまる
Vết chân đi mỗi ngày
Hiện ra câu trả lời về cuộc sống
Nơi dấu chân đẹp đẽ
Vũng nước đọng cũng đẹp đẽ thay
Những dòng thơ đơn giản nhưng sâu sắc, gợi mở vô cùng của Aida Mitsuo sẽ luôn làm ta phải giật mình, ngẫm nghĩ và thức tỉnh về điều quan trọng nhất của bản thân mình, về thành công và cuộc sống hạnh phúc. Cũng như các câu Thiền ngữ, thơ Aida Mitsuo là một kho báu, cho chúng ta dùng mãi không bao giờ vơi cạn. Và cửa vào kho báu đó chỉ đơn giản là “ima koko” (いまここ). Tất cả sự nhiệm màu đều nằm trong phút giây hiện tại, cái khoảnh khắc “bây giờ” và nơi chốn “ở đây”. Bởi khi biết sống trọn vẹn trong hiện tại thì đồng nghĩa ta đã “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” và đất trời sẽ là một mùa xuân vĩnh cửu.
Sài Gòn, xuân Canh Tý 2020
Hoàng Long
[1] Tất cả bản dịch trong bài viết này là của chúng tôi (HL)