Showing posts with label Murakami Haruki. Show all posts
Showing posts with label Murakami Haruki. Show all posts

Thursday, September 3, 2020

Hoàng Long: Truyện Ngắn Murakami Haruki – Nghiên Cứu và Phê Bình

Truyện Ngắn Murakami Haruki 

– Nghiên Cứu và Phê Bình

 Hoàng Long

Đọc Murakami bao giờ chúng ta cũng cảm thấy nỗi hoang vu buốt giá tuổi xuân thì. Có thể nói Murakami là nhà văn tinh tế nhất viết về nỗi cô đơn. Những câu chuyện nhỏ bé, tỉ tê luôn mang vết dấu của ngấn lệ thoáng qua hồn người. Con người có vẻ từng trải, hiên ngang đi trong gió bụi của đời thực ra lại rất mong manh, dễ chùng lòng vì những điều xưa cũ. Những vết thương tuổi hai mươi dường như không bao giờ lành hẳn, sự vụn vỡ của tình yêu và dư vị cay đắng sẽ theo ta đến suốt cuộc đời. Nhiều khi ta muốn tìm lại, đôi lúc muốn để nhạt phai nhưng không bao giờ quên đi mãi mãi. Dưới mái tóc bạc phơ, đâu ngờ còn điều thổn thức. Vì niềm đau luôn còn đó, trong ta vĩnh viễn u hoài… ~ HOÀNG LONG, trích TRUYỆN NGẮN MURAKAMI HARUKI, NGHIÊN CỨU VÀ PHÊ BÌNH


Tác giả và dịch giả Hoàng Long

LỜI THƯA NHÂN DỊP TÁI BẢN
(Có bổ sung hiệu đính)

Quyển chuyên luận này tuy luôn nằm trong danh mục tham khảo của các công trình nghiên cứu về Murakami Haruki nhưng rất tiếc đã tuyệt bản từ lâu. Theo lời yêu cầu của nhiều độc giả, đặc biệt là các bạn sinh viên, chúng tôi quyết định cho tái bản quyển sách này với một vài thay đổi nhỏ.

Lần tái bản này ngoài việc viết lại cơ bản phần tiểu luận, chúng tôi còn bổ sung thêm bốn truyện ngắn rất thú vị và đặc sắc của tác giả Murakami Haruki là “Vương quốc điêu tàn” (駄目になった王国), “Kẻ lãng du ba mươi hai tuổi” (32歳のデイトリッパー), “Đường bờ biển tháng năm” (5月の海岸線) và “Chim lặn” (かいつぶり). Những truyện này được chúng tôi dịch từ nguyên tác Nhật ngữ, trích trong tập “Một ngày tốt lành đi xem kangaroo” (カンガルー日和) do nhà xuất bản Kodansha ấn hành, tái bản lần thứ 76 năm 2014.

Sau rất nhiều phấn khích và nhận định quá đà, bây giờ bình tâm nhìn nhận lại ta vẫn thấy tầm vóc Murakami Haruki trong sự tinh tế khi viết về nỗi cô đơn và tình yêu tuổi trẻ chứ không phải ở chiều kích tư tưởng. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông luôn được yêu thích như là ngấn tích của một thời tuổi trẻ mê say cuồng vọng mà mỗi lần nhớ lại ta đều mỉm cười trong thoáng chút bùi ngùi vì “thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay…” (Trúc Phương).

Sài Gòn, ngày 28/8/2020

Hoàng Long