Showing posts with label Lê Nguyên Phương. Show all posts
Showing posts with label Lê Nguyên Phương. Show all posts

Friday, March 13, 2020

Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành - The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma


Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành
The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma 
Bác sỹ tâm thần Bessel van der Kolk
Dịch giả Lê Phan Như Quỳnh 
BS Lâm Hiếu Minh hiệu đính 
Công ty sách SaigonBooks xuất bản

Giới thiệu sách bên dưới - Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

Hai nghìn bản bán chỉ trong hai tuần không phải là một con số kỷ lục cho một cuốn tiểu thuyết đáp ứng thị hiếu và trào lưu của đám đông nhưng lại là một con số đáng kinh ngạc nhưng mừng rỡ cho một cuốn sách học thuật dày trên 500 trang về một đề tài đang dần được xã hội Việt Nam quan tâm: cuốn Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành [The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma] của bác sỹ tâm thần Bessel van der Kolk.
Đây là một cuốn sách gối đầu giường không chỉ cho chuyên gia tâm lý chuyên về chấn thương tâm lý mà còn cho cả những sinh viên tâm lý học, kết tinh của hơn ba thập niên nghiên cứu và trải ngiệm cùng những nạn nhân chấn thương của tác giả. Đây là tác phẩm kinh điển vừa là sách gối đầu giường cho những ai quan tâm đến vấn nạn sức khỏe tâm thần này. Việc một cuốn sách không dễ đọc mặc dù công ty sách SaigonBooks đã bỏ bớt một số đoạn khá nặng về học thuật nhưng được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy xã hội Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung và chứng chấn thương tâm lý nói riêng.
Trong tác phẩm này, BS Van der Kolk đã lần lượt trình bày hậu quả nghiêm trọng của chấn thương tâm lý trên thân thể và đặc biệt não bộ của chúng ta, những phần não bộ dành cho lạc thú, nối kết, kiểm soát, và tin tưởng. Vì là một bác sỹ tâm thần, tác phẩm của Van Der Kolk đã trích dẫn nhiều nghiên cứu của chính tác giả và đồng nghiệp về những thay đổi về chức năng và cấu trúc cũa não bộ dưới ánh sáng của khoa học thần kinh.
Mặc dù là một tác phẩm mang tính học thuật, cuốn Sang Chấn Tâm Lý còn thể hiện tinh thần nhân bản của tác giả. Tác giả chống lại việc dán nhãn như “ngang ngạnh chống đối” [oppositional defiance] với những cáo buộc như căm thù, bốc đồng, liều lính cho những trẻ là nạn nhân chấn thương trong quá khứ. Việc thiếu hiểu biết về những ảnh hưởng của chấn thương đối với tâm trạng của một số trẻ vị thành niên từng trải nghiệm chấn thương khiến giới tâm lý và giáo dục dễ dàng quy chụp hay đưa ra một chẩn đoán hời hợt “hành vi lệch chuẩn.” Một tâm hồn run rẩy bị giam cầm trong một thể xác đau đớn sẽ thường xuyên bị kích hoạt gây ra ảo tưởng rằng cả thế giới đang sẵn sàng bạo hành tấn công khiến nạn nhân sẽ dễ dàng có những hành vi chống đối, ẩu đả, v.v… với những người chung quanh đặc biệt là những người trẻ xem là có khả năng áp đặt quyền lực vào bạo hành chúng.
Nhận diện mối tương quan giữa quá khứ bị bạo hành trong gia đình với những biểu hiệu rối loạn căng thẳng, tác giả cổ võ cho việc đưa chẩn đoán Rối loạn Chấn thương Phát triển vào cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần [Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition] của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho việc chẩn đoán chính xác qua việc thăm dò tiền sử bị bạo hành của thân chủ lẫn kích thích các nghiên cứu về rối loạn này.
Trong những chương cuối của cuốn sách, Van Der Kolk đã đề ra định hướng và một số phương pháp chữa trị chứng rối loạn này. Tác giả cho rằng chúng ta không thể trực tiếp chữa chấn thương nhưng có thể giúp cho nạn nhân chú tâm chấp nhận một cách bình yên với những dư chấn của nó như hồi tưởng, ác mộng, ly cách, mất kiểm soát, v.v…khi chúng nổi lên. Để làm được điều này khả năng tự ý thức [self-awareness] và khả năng tự điều hòa cảm xúc [emotional regulation] nhằm phục hồi sự quân bình trong hệ viền [limbic system].
Vai trò của hệ thần kinh đối giao cảm [parasympathetic nervous system] cũng được nhắc đến như một phương tiện làm nạn nhân tìm được sự bình yên, thông qua những bài tập hô hấp, phản hồi thần kinh [neurofeedback], chánh niệm, và việc xây dựng một hệ thống người thân hỗ trợ tâm lý. Không chỉ giới hạn trong những phương pháp chính thống như phục dược hay tham vấn, tác giả còn hào phóng đề cập đến những tiếp cận khác như Yoga, EMDR, tự lãnh đạo bản thân, xây dựng cấu trúc, phản hồi thần kinh, nhịp điệu cộng đồng và kịch nghệ, mát-xa, v.v…
Điều thú vị nhất là tác giả tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của liệu pháp tâm lý phổ cập nhất là Nhận thức và Hành vi [Cognitive Behavioral Therapy] và Phân tâm học [Psychoanalysis]. Tác giả cho rằng việc tổng hợp những thông tin chấn thương là bất khả khi nhiều khu vực quan trọng của não hoàn toàn bị phân ly khi những thông tin chấn thương bị tái kích hoạt. Ngoài ra, theo tác giả, những khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý tâm thần về việc sử dụng liệu pháp CBT như là phương pháp duy nhất để điều trị chấn thương tâm lý không hẳn là hoàn toàn khả tín khi các chuyên gia đề ra khuyến cáo đều có sự liên hệ với hai trường phái điều trị tâm lý này và các nghiên cứu về các phương pháp khác như Yoga hay EMDR còn ít ỏi mặc dù các nạn nhân của chấn thương đã liệt kê chúng như là các liệu pháp có hiệu quả.
Vì là một cuốn sách học thuật nhưng viết cho công chúng, độc giả có thể tiếp cận với cuốn sách một cách dễ dàng với những câu chuyện kể về hành trình nghiên cứu chấn thương của tác giả cũng như các câu chuyện về quá khứ bị bạo hành của nạn nhân. Độc giả gặp khó khăn với các nội dung khoa học có thể dễ dàng lướt qua những đoạn này để chỉ tập trung vào các câu chuyện, những phân tích, và khuyến cáo của tác giả. Độc giả cũng có thể tìm thấy và đồng tình những đoạn văn mang tính triết lý lẫn luân lý trong tác phẩm:
“Có lẽ việc cảm thấy an toàn với người khác chính là điều quan trọng nhất cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Những mối liên hệ an toàn là nền tảng để ta có được một cuộc sống ý nghĩa và hài lòng. Rất nhiều nghiên cứu về phản ứng của con người trước thiên tai trên khắp thế giới đã cho thấy sự hỗ trợ xã hội là lớp bảo vệ mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chống lại những căng thẳng và sang chấn.” (trang 117 bản in)

Một số đoạn khác không ít thì nhiều có thể khiến cho độc giả nhớ lại những đau khổ của tuổi thơ mình:
“. . . phản ứng phổ biến nhất khi ta đang đau khổ chính là tìm đến những người ta thích và tin cậy để những người này giúp đỡ và cho ta dũng khí để tiếp tục tiến lên. Chúng ta cũng có thể bình tĩnh lại bằng cách tham gia vào hoạt động thể dục thể thao như chạy xe đạp hoặc tập thể dục. Chúng ta bắt đầu học những cách này để điều khiển cảm xúc của mình ngay từ giây phút đầu tiên ai đó cho chúng ta ăn khi đói, che chắn cho ta khi lạnh, hoặc đong đưa ta trong vòng tay khi chúng ta bị tổn thương hoặc sợ hãi.
Nhưng nếu không có ai dành cho bạn ánh mắt yêu thương, không ai nở nụ cười khi nhìn thấy bạn, không ai vội vã đến giúp bạn, thay vào đó họ chỉ nói: “Nín ngay, nếu không tao sẽ cho mày lý do thực sự để khóc bây giờ!”, thì sau đó bạn cần phải tìm ra những cách khác để chăm sóc bản thân. Bạn có xu hướng thử mọi cách để khiến mình thấy đỡ hơn phần nào, từ xài ma túy, uống rượu bia, ăn không ngừng, hay tự cắt người mình.”

Cũng là một điều đáng tiếc là Van Der Kolk đã không nhắc đến một tác giả đã có những trước tác cũng về chấn thương trước ông là Tâm lý gia nữ Alice Miller. Chính TS Alice Miller đã nối kết những bệnh lý chấn thương với quá khứ bị bạo hành thuở ấu thơ như bà đã viết vào năm 1985, “Đã 20 năm tôi quan sát người ta phủ nhận những chấn thương thuở ấu thời, thần tượng hóa cha mẹ, và kháng cự lại sự thật về tuổi thơ của họ.” Tên một cuốn sách của Alice Miller, “Thể Xác Chẳng Hề Dối Lừa” [The Body Never Lies, 2005] cũng có thể là niềm hứng cảm cho tên cuốn sách của Van Der Kolk, “Thể Xác Lưu Dấu Khổ Đau [The Body Keeps the Score, 2014]. Và chính TS Miller trong cuốn “Tù Nhân của Tuổi Thơ” [Prisons of Childhood, 1979] có thể cũng đã nhắc đến quan điểm nòng cốt của các liệu pháp vận dụng chánh niệm sau này như Chấp nhận và Cam kết [Acceptance and Commitment Therapy]: “Kinh nghiệm đã dạy chúng ta rằng chúng ta chỉ có một vũ khí lâu dài chống lại bệnh tâm thần: qua cảm xúc khám phá và chấp nhận sự thật trong cá nhân mình và lịch sử độc đáo của tuổi thơ chúng ta.”
Quả thật chúng ta phải cám ơn Công ty sách SaigonBooks, cũng như dịch giả Lê Phan Như Quỳnh và người hiệu đính BS Lâm Hiếu Minh đã dành công sức cho một cuốn sách không dễ dịch và kén người đọc như cuốn the Body Keeps The Score này. Hy vọng cuốn sách này sẽ mở đường cho nhiều cuốn sách và các liệu pháp điều trị chấn thương tâm lý trong những ngày sắp đến.
Chỉ có một xã hội được chữa lành chấn thương trong quá khứ mới có thể là một xã hội lành mạnh, nhẹ nhàng, và bình yên đi đến tương lai.

Lê Nguyên Phương