Showing posts with label Như Hùng. Show all posts
Showing posts with label Như Hùng. Show all posts

Tuesday, February 11, 2020

Thiền và Thi Ca Thi Kệ


Như Hùng: Thiền và Thi Ca Thi Kệ

Có người nói thi nhân là những thiên thần bị đọa xuống trần gian, nên phải làm thơ để mang yêu thương, ray rứt đến cho đời. Thi nhân là kẻ cố gắng khám phá ra những gì đang bị che dấu, khuất lấp trong thực tại, những gì yên ngủ bấy lâu được thi nhân khơi dậy, trang trải cho đời một khuôn mặt, một cách nhìn mới lạ. Thi sĩ đầy quyền năng sáng tạo, dệt nên thơ bằng đôi tay phù phép của mình, bằng cách vật lên, níu nó lại gần vừa tầm nhìn của đôi mắt, thổi vào đó một làn hơi, thêm vào đó một chút linh hồn, một sự sống, để nó vỗ cánh tung bay, mang đến cho đời những sắc hương, hay nhớ thương đến độ dư thừa.
Dòng sông không những là dòng sông với nước lững lờ trôi về muôn lối, với những chiều nhớ thương đưa tiễn mà còn là bến đò tiễn biệt cho kẻ ở người đi, cho vấn vương, sầu nhớ quyện lại đâu đây, cho nỗi buồn dai dẳng phủ kín không gian xa vắng. Đôi mắt của em không còn là đôi mắt “u uẩn chiều nhớ thương” mà còn là mặt nước hồ cho thuyền anh ghé bến.
“Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội trong vòng mắt em”
Nụ hôn đầu đời của tình yêu, không những nóng bỏng đê mê, để lại dấu ấn trong tâm hồn, mà còn là một thứ âm thanh vang vang vô tận trên bến bờ sinh tử.
“Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang”
Trần Dạ Từ
Không phải thi sĩ chỉ mang bấy nhiêu tâm sự đến cho ta, thỉnh thoảng còn mang những nỗi u hoài, giá buốt, khổ đau chồng chất lên nhau nữa.
“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”
Nguyễn Du
Có phải đây là bộ mặt đích thực của cuộc đời, mà trong những lần rong ruổi cùng tử sinh, nó đã gắn trọn vào tận cùng tâm thức, bám theo ta trên mọi lối đi về? Thỉnh thoảng đâu đó trong ta một nỗi xót xa, một chút nhớ về, khi bóng hoàng hôn đổ xuống, khi nhớ thương dâng cao chồng chất, ta cứ mãi làm kẻ lang thang lê bước, cắm đầu theo mưa buồn nắng nhớ, chạy theo được mất hơn thua. Rồi những lúc thả hồn cho gió mây gặm nhấm, cho kẻ ở người đi, cho sầu mộng đong đầy, trên mọi nẻo đi về của biệt ly thương nhớ, cho tử sinh tìm về cố quận.
Nhiều lúc ta cảm thấy cuộc đời trở nên vô vị chán chường đau khổ, âu lo theo đó lớn dần và dâng cao khiến ta choáng ngợp, hụt hẫng trong sự phủ vây tứ bề cô quạnh. Cái có với cái không, cái còn với cái mất, cái danh với cái lợi, cái sinh với cái tử, như một bản hòa tấu quyện vào trong tận cùng tâm thức, khiến ta cứ thế mà nổi trôi mà hụt hẫng. Thỉnh thoảng trong ta có một năng lực nào đó muốn đẩy tung nó ra thì nó lại càng bám vào, cứ thế liên tục ta bị đục khoét, đào mòn không lời giải thích hay tiếc thương dù ta thừa biết đây chỉ là sản phẩm của tâm ý và suy tưởng. Ta chỉ có thể hất tung nó ra, khi nào trông thấy trọn vẹn được bản thể không thật của nó như một sự thế vào. Nhưng biết khi nào và bằng cách nào ta khám phá ra được? Không lẽ ta cứ mãi lê lết, rảo bước trong sự bất lực và mờ ảo của nhân sinh, trong sự thờ ơ câm nín và nỗi quạnh đau, phũ phàng của vô thường thổn thức?
Ta thử đọc hai bài thơ “Sơn Phòng Mạn Hứng”, của thiền sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, để thấy sự phi thường ở những con người vượt thoát.
“Ai trói buộc chi tìm giải thoát?
Khác phàm đâu phải kiếm thần tiên
Vượn nhàn, ngựa mỏi, ta già lão
Như trước, am mây chốn tọa thiền”.
“Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim”.
Đỗ Văn Hỷ, dịch Thơ Văn Lý Trần tập 2
(Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão
Y cựu vân trang nhất tháp thiền).
(Thi phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn).
Bước đi của con người vốn là bước đi trong cô tịch, hoang liêu trên bến bờ sinh tử; lộ trình nào có bước chân con người đi qua đều in dấu trên từng tâm khảm. Thơ được kể như dòng nước tươi mát trên lộ trình đó, và hành trình nào cũng đong đầy những ngang trái, bẽ bàng, cô liêu hay hoa thơm cỏ lạ, đều tùy vào sự khởi đầu hay chung cuộc cho từng bước đi. Đi trong hoàng hôn tái tê, đi trong bình minh ấm áp, hay đi trên lối về của muôn hoa, không còn nằm ở chỗ đi mà đi là gì, làm gì và tại sao? Một bài thơ tuyệt diệu, một tâm thức bùng vỡ đạt đến đỉnh cao, chắc hẳn không đi qua chặng đường suy luận của ý thức sai biệt, của có không, mà từ sự tỉnh thức trong mọi vận hành hoạt dụng, vượt lên trên cõi thông tục, cõi ấy là tâm giác ngộ.
“Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên
Thần thông các tướng biến hiện tiền
Hữu vi vô vi từ đây có
Thế giới hà sa không thể lường
Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình
Muôn đời ngàn đời nào sánh được
Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời”.
Thiền Sư Cứu Chỉ
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch:
(Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
Thần thông biến hóa hiện chư tướng
Hữu vi vô vi tùng thử xuất
Hà sa thế giới bất khả lượng
Tuy nhiên biến mãn hư không giới
Nhất nhất quan lai một hình tượng
Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống
Giới giới xứ xứ thường lãng lãng).
Thiền sư, cũng từ những cánh cửa mầu nhiệm của thơ, nâng quan cảm của mình trở thành sự thể nhập, sự đồng cảm của tâm thức, sống và thở như chính nó, trong sự chiêm nghiệm mãnh liệt của tỉnh thức, để từ đó mở ra cái lẽ biến dịch vô thường của tạo hóa. Bằng lời cảnh tỉnh sáng soi thực ngộ, nhắn gởi đến con người đang sống trong thế giới mộng mị, thống khổ phủ vây. Bên cạnh sự biến đổi của vô thường khổ đau ấy, vẫn còn ý nghĩa đích thực của chân thường, của an lạc giác ngộ.
Không hất tung xô đẩy chuyển hóa cái này thì làm sao cái kia hiển lộ; không thong dong, tự tại, vượt lên buông bỏ, thoát ra, thì làm sao trông thấy bản thể như thật của muôn loài?
“Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên
Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền”.
Thiền Sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông
Huệ Chi dịch, Thơ Văn Lý Trần, tập 2 trang 510
(Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền).
Thơ, ý nghĩa của sự sống, vận dụng tất cả những hình tượng biến thành biểu tượng, đưa quan cảm tìm tới đích để liên tục gõ nhịp. Đây không thuộc phạm trù tỷ giảo giữa biểu tượng hoặc cảm xúc, bởi lẽ hai thế đó không bao giờ tách rời ra để tồn tại, nó quyện lại với nhau, như hoa với hương, như bóng với hình. Nó là cái đích mà thơ cần phải đạt đến, chứ không phải chặng đường tìm đến, vì khi tìm ta đã lạc lối hoang sơ, đi vào mê lộ, không khác gì khi ta quay lưng lại với đời sống để nhìn vào một lối duy nhất, trong khi cuộc đời vẫn tiếp tục vận hành ở những dạng thái và lối mòn khác nhau. Làm sao ta có thể đưa quan cảm thoát ra, để dệt thành lời thơ trong sự bay bổng tuyệt diệu của tâm thức? Có phải thơ là sự chắp nối của nghệ thuật hoang tưởng, và là sự biến dạng cùng quẫn nào đó của đời sống, hay những tư tưởng nổi loạn bí lối; và có phải đó là sự đè nén, trá hình về một thế giới hình dung tưởng? Có thể những điều này tạo nên sự có mặt của thơ, tuy nhiên trên tất cả thơ là vùng đất nằm thâm sâu trong tâm ý, khi nào đạt đến trạng thái tuyệt cùng thì nàng thơ mới chợt trổi dậy, làm cuộc lên đường đi đến bản thể vô cùng.
Thi ca vốn không có biên giới, không phạm trù ngôn ngữ, chỉ có quyền năng của thi nhân thoát ra bay bổng trên từng hiện hữu, biến tiểu ngã thành đại ngã, biến cái riêng của mình thành chung của vạn hữu, biến cảm xúc của mình thành chất liệu muôn thơ. Thơ thiền khởi đi trong sự thể nhập vô cùng nào đó của tâm cảnh, vượt ra ngoài thời không về nơi có không vô tận.
“Xoay mình một nén vượt ra lồng
Muôn sự đều không, nhập mắt không
Ba cõi thênh thang, lòng sáng rỡ
Trăng Tây vừa lặn, nhú vầng Đông”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Đào Phương Bình dịch
(Phiên thân nhất trịch xuất phần lung
Vạn sự đô lô nhập nhãn không
Tam giới mang mang tâm liễu liễu
Nguyệt hoa Tây một nhật thăng Đông)
Thiền sư vượt lên tất cả, truy tìm ra căn nguyên cấu tạo của muôn vật, đưa tâm thức thoát ra ngoài tử sinh, phiền não, hạnh phúc khổ đau. Thong dong tự tại đi vào cuộc đời vô thường, biến hiện như đi vào cõi thơ mênh mông sâu thẳm. Thiền giúp ta mở tung từng hiện thể, khiến ta tỉnh thức, thoát ly ra ngoài thực trạng, buông bỏ tất cả để không bận lòng, bước vào vườn hoa Thiền với muôn ngàn vẻ đẹp, linh hiện, hòa nhập cùng đất trời, trong sự tuyệt diệu của muôn hoa.
“Thân như tường vách đã lung lay
Đau đáu người đời luống xót thay
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay”.
Viên Chiếu Thiền Sư
Thiền Sư Thích Thích Thanh Từ dịch
(Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm suy di).
Năng lực của thiền còn giúp cho ta mở ra con mắt trí huệ, một khi có được con mắt này chiếu rọi, tất cả đều phải phơi bày, hiện nguyên hình bản thể như thật. Từ năng lực tàn phá của thời gian đến những hiển hiện phi thực ở trong tận cùng tâm ý. Từ những lôi kéo chạy theo mộng huyễn tử sinh, đến những thể nhập trong vô cùng, đều nhờ con mắt huệ này giúp ta bừng lên ánh sáng tuyệt luân, soi thẳng chọc thủng vào màng đen của vô minh, trong tức khắc của sát na nào đó và ta bùng lên giác ngộ. Công năng của thiền còn mang đến cho ta sự hạnh phúc an lạc, cho dù tác tạo ta vẫn thong dong trên mọi lối đi về của sinh tử, một cuộc sống không có khởi đầu hay kết thúc, bay bỗng ra ngoài suy tư luận bàn nhân thế, đâu đó chỉ có tự tại trong sự tái sinh và chuyển tiếp, trong sự linh hiện vượt thoát ra ngoài càn khôn.
“Đã có gì cũng có
Khi không gì cũng không
Khi có không nhào xuống
Mặt trời mọc đỏ hồng”.
Tông Diễn Thiền Sư .
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 174
(Ưng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô).
Thiền sư, khởi đi từ những âm hưởng mầu nhiệm nào đó của thi ca, thôi thúc gõ nhịp liên tục lên tâm thức nốt nhạc vô thường, sinh tử, khổ đau để đánh thức thực tại, thăng hoa tâm thức giác ngộ của mình. Sống và thở như chính nó, từ đó mở tung cái lẽ biến dịch vô thường của tạo hóa, con người, đau khổ, hạnh phúc, mê mờ, giác ngộ, thành sự thể nhập tự tại trong cõi mênh mang, có không, vô cùng.
“Pháp cũng như vô pháp
Không hữu cũng không không
Nếu đạt được lẽ ấy
Chúng sanh với Phật đồng
Trăng Lăng Già lặng chiếu
Thuyền vượt biển trống không
Không cũng không như có
Định tuệ chiếu vô cùng”.
Thiền Sư Huệ Sinh
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1, trang 126
(Pháp bản như vô pháp
Phi hữu diệc phi không
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sanh dữ Phật đồng
Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không không giác hữu
Tam muội nhiệm thông châu).

TÌM HIỂU THƠ THIỀN VIỆT NAM
Tác giả: Như Hùng
Cội Nguồn Tổ Việt và Lotus Media xuất bản, 2020.
Bìa: Quảng Pháp – Uyên Nguyên
Trình bày: Tâm Thường Định và Nhuận Pháp
Copyright © 2020 Như Hùng, Cội Nguồn và Lotus Media. All rights reserved.
Có những lúc ta phải thức khuya dậy sớm không ngủ nghỉ, bắt nhịp theo tâm thức của mình, thơ là điều khởi nên của những bắt nhịp đó. Từ âm thanh màu sắc, những nổi trôi biến dạng, đẹp xấu, thơ mộng, hay thương đau. Nó tựa như dòng nước len lỏi qua từng ngõ ngách, thấm sâu vào từng kẽ hở để trưởng dưỡng nuôi sống muôn loài. Tất cả quyện lại với nhau, đẩy xô, hài hòa với nhau và thơ chợt trỗi dậy cất nên lời ca trong sự thơ mộng cô liêu, hay những ngang trái đong đầy. Điều này hoàn toàn nằm sẵn trong tâm thức của thi nhân trước khi thơ được cất bước hình thành.
Bài thơ được kể như hay, mang nhiều ý nghĩa là bài thơ đứng trước hai đầu, hai nỗi của hạnh phúc hay thương đau, diễn tả trọn vẹn thực thể của hai vấn đề trên, không những chỉ có cảm giác, thức giác mà còn vận dụng đến tâm giác. Đẩy sự rung động không phải chỉ ở trong rung động, mà hóa thân bay bổng ra ngoài, để thi nhân còn cơ hội xúc tác ngắm nhìn nâng niu, trước khi lời thơ cất lên đi về nơi vô tận. Thi nhân là kẻ rung động trước sự rung động của con người, nhưng là kẻ đi sau của mỗi lời thơ gợi nhớ. Thơ không chỉ là những dòng chữ, những lời ca, những điệp khúc, những dệt nên, mà là một linh hồn ẩn chứa, gởi gắm, những yêu thương chan hòa cho con người và muôn vật.
Sự gặp gỡ giữa thiền sư và thi sĩ có chung điểm tương đồng, đó là khơi dậy sự ngủ say của muôn vật, bằng những rung động trăn trở của mình; và hình thành lời thơ là cơn vượt thoát, chấn động tâm não. Quá trình bắt nhịp tạo nên thơ, đều bước qua ngưỡng cửa màu sắc âm thanh, của thời không, của thiên nhiên, đối tượng, con người, của sinh tử và giác ngộ. Từ đó, đắm chìm trong tư duy, để bắt nhịp đi vào cõi thơ nơi vĩnh cửu, để hoa giác ngộ nở rộ trên lối đi về.
Ở đây thơ không những được hiểu như năng lực sáng tạo, mà còn như cảm quan bùng vỡ tuôn trào, đồng lúc với “gảy mỗ” – một thuật ngữ quan trọng trong thiền, một khi sự vật nở tung hiển lộ tròn đầy đồng nhất. Nó không còn nằm ở biên giới giữa cái này với cái kia, giữa đối tượng và con người mà trở thành hợp thể vô phân nguyên vị, không có chủ thể, khách thể, tâm cảnh, sắc không.
“Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng
Chúa xuân nay đã thành quen mặt
Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng”.
Thiền sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông
Ngô Tất Tố dịch
(Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng điện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng).
Ngoài những sai sử, tác động, dệt nên trên lối mòn của ý thức khi nhận định về thơ, khó có dịp ta tìm ra ý nghĩa chung cuộc đúng mức, bởi lẽ có mấy ai thật sự rung động bằng khối óc con tim, bằng sự vượt thoát trên từng hiện hữu, như thi nhân đã từng rung động và nếu có thì chắc gì hiểu trọn vẹn được ý thơ? Tuy vậy chỗ đứng của thi nhân vẫn tuỳ thuộc vào mức độ cảm xúc trong tâm hồn, sự thức tỉnh, giác ngộ trong tâm ý, đó cũng là thước đo khi thơ hiện hình. Ý có dồi dào thơ mới đến đích; tư duy có chín mùi, hồn thơ mới thật sự sống dậy.
Thơ là sự trãi bày dệt nên từ cảm xúc, ta không thể dùng ý thức năng động sai biệt để chuyên chở, như thế hồn thơ sẽ trở nên tức tưởi, đóng khung, nhốt kín theo chiều hướng sai sử, tạo dựng nào đó trong ta. Tuy vậy, ta chỉ là kẻ lần theo dấu vết cảm xúc của thi nhân để bắt nhịp thưởng ngoạn, khi nào chưa biến quan cảm của mình trở thành cảm quan của thi nhân, chưa thể nhập vào vô cùng, chưa vượt thoát ra ngoài biến động nổi trôi, ta vẫn là kẻ lang thang đứng ngoài cuộc chơi, đưa tiễn chính mình về nơi vô tận của có không.
“Muôn pháp về không, không thể nương
Chơn như lặng lẽ hiện tỏ tường
Thấu tột nguồn tâm không chỗ chỉ
Nước tâm bóng nguyệt bặt nghĩ lường”.
Tịnh Giới Thiền Sư
Thiền Sư Thích Thích Thanh Từ dịch
(Vạn pháp qui không vô khả y
Quy tịch chơn như mục tiền ky
Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ
Thủy tâm thủy nguyệt dẫn tâm nghi).
Thi ca ẩn tàng và có mặt trong tất cả mọi sinh thể, dù lặng yên như gỗ đá, hay phơi bày vẻ đẹp trước muôn hoa, nó ở đó chôn mình trong hố thẳm hoang sơ, hay lặng lẽ bồng bềnh theo mây trời lãng đãng. Tất cả được nhà thơ vực dậy, trao cho nó một sức sống, thế là nó bùng lên vỗ cánh tung bay mang hương sắc đến cho đời. Điều khó là làm sao cho nó thức dậy mà không gây thương tổn nào trong tâm thức, và nó trở mình như thế nào trong ý nghĩa cùng tuyệt?
Đây là chặng đường gần giống với thiền, nhằm đánh thức cái tâm giác ngộ tàng chứa trong mỗi chúng ta, nhưng không gây nên sự xung đột, chiến tranh, khủng hoảng tâm lý. Dĩ nhiên cung cách khơi dậy tùy thuộc vào những thôi thúc, những cưu mang, ẩn chứa, thăng hoa của thi sĩ mà thơ mang những âm hưởng khác nhau. Chặng đường của có có, không không, phiền não và niết bàn, khổ đau và hạnh phúc, tất cả rồi sẽ như “bóng nguyệt lòng sông”.
“Có thì có tự mảy may
Không thì vũ trụ này cũng không
Có không: bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào”.
Thiền Sư Từ Đạo Hạnh
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1, trang 127
(Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không).
Con người sinh ra lớn lên, không phải chỉ có đối diện với khổ đau, hạnh phúc, không phải chỉ có đấu tranh sinh tồn, không phải mải mê làm cuộc cách mạng đập phá. Trên tất cả sự có mặt của con người là làm tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng thiên nhiên đất trời, cỏ cây hoa lá đã hào phóng ban tặng. Thi ca ghi dấu chặng đường tâm ý, trên hành trình vạn nẻo dong ruổi của tử sinh, trong một giây phút bất chợt cảm tác cao độ nào đó, thi nhân đã bắt nhịp, trao gởi lời thơ đến cho đời.
Dĩ nhiên không phải sự bắt gặp nào cũng thơ mộng, và chặng đường nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ ngập lối đi, và càng không phải tâm tư nào cũng đong đầy yêu thương, hạnh phúc. Nhưng có vẻ đẹp nào không tàn phai theo năm tháng, hình hài nào không in đậm nét thương đau, tâm tư nào không chất đầy trĩu nặng?
Khi nào tâm thức chưa chuyển hóa, khi nào biên kiến tư tưởng chưa phá vỡ, khi nào khổ đau còn phủ ngập trên lối đi về thì tất cả đều trở nên vô nghĩa, như chính sự vô nghĩa nào đó mà đêm ngày ta đang đối diện thở than.
“Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên
Hơn bốn mươi năm những hão huyền
Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi
Bên kia trăng gió rộng vô biên”.
Thiền Sư Pháp Loa
Nguyễn Đức Vân dịch
(Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng ảo gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan).
Dù bên cạnh những khổ đau ngang trái chồng chất ấy, thỉnh thoảng trong ta vẫn cảm nhận ra được muôn ngàn vẻ đẹp đang ngự trị, phảng phất đâu đây. Nếu có cơ may trông thấy vẻ đẹp ấy một lần, và từ lần ấy ta quyết nắm bắt duy trì đừng để nó vụt mất, hoặc tạo cơ hội cho những biến động khác chen vào tước đoạt khiến ta phải hối tiếc. Đó cũng là cách ta tiếp cận phần nào sự tỉnh thức an lạc, nếu từ giây phút ấy kéo nó lại gần vỗ về, ôm ấp chiêm nghiệm, hòa cùng với đất trời cây cỏ, phổ nên bản nhạc trần gian. Như có lần thiền sư Không Lộ (?- 1119) cất lên tiếng ca trong tứ bề cô quạnh, làm lạnh cả đất trời, tái tê cõi nhân gian sâu thẳm.
“Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê lai láng chẳng hề vơi
Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”.
Thiền Sư Không Lộ
Kiều Thu Hoạch dịch
(Tuyển đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư).
Tiếng kêu vang dội khủng khiếp ấy khiến mọi cơ năng, mọi suy tư trong ta ngưng đọng giật mình bừng tỉnh, đâu đó chỉ có núi non trùng điệp chồng chất lên nhau. Đâu đó chỉ có mây trời thong dong lơ lửng trên từng đỉnh đồi sương khói; đâu đó chỉ có âm vang vô tận của sinh tử và niết bàn. Đỉnh cao mà thiền sư Không Lộ bước lên trên muôn vạn núi đồi ấy, có phải đó là đỉnh cao của ý thức, của tâm cảnh đang cưu mang, chất đầy những phiền não trong ta?
Có những lúc muôn ngàn âm thanh quái đản cất lên vẫn chưa làm cho kẻ đối diện run sợ, nhưng có lúc chỉ một tiếng kêu và tiếng ấy xoáy thẳng đánh vào trong tận cùng tâm điểm, khiến ta hoang mang bí lối trước những nổi trôi sinh tử trong cuộc đời, nó làm khô cạn dòng ý thức sinh diệt đang cháy bỏng ở trong ta. Một khi tiếng kêu này cất lên, đẩy lùi sự sai biệt của ý thức, của phiền não tham sân si, tống khứ, xoáy thẳng vào trong tận cùng tâm thức, phá vỡ mộng huyễn tử sinh. Chỉ còn lại âm vang điệp khúc dồn dập, đánh phá liên tục để giác ngộ có cơ may thức dậy.
Bước chân đi về đâu, lên thác xuống ghềnh khi khổ đau, phiền não vẫn còn đè nặng? Làm sao bước đi ấy không còn dọ dẫm, lo sợ bị tước đoạt, đánh mất, và làm sao cất lên là phóng đến đích? Vẫn còn là bí mật phong kín muôn lối, như sự câm nín nào đó ở trong ta.
Bài thơ của Thủy Nguyệt thiền sư dưới đây, như dòng nước thanh lương tưới mát tâm hồn khi đắng cay đang gặm nhấm.
“Núi sông dệt gấm vẽ tranh
Từ nơi suối ngọc chảy thành sữa thơm
Trên bờ oanh hót hoa vàng
Dưới sông cá lội từng đàn thẫn thơ
Ông chài ngủ dưới trăng mơ
Nong tằm phơi nắng hè trưa nực nồng”.
Thủy Nguyệt Thiền Sư
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 173
(Sơn chức cẩm thủy họa đồ
Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô
Ngan thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ
Ba trung bích thủy điệp quần hồ
Nguyệt bạch đường đường ngư phủ túy
Nhật hồng cảnh cảnh kiển ba phô).
Hình ảnh đẹp là hình ảnh ông chài ngủ dưới trăng mơ, ông quên đi tất cả mọi ưu phiền, quên luôn cả việc ông phải làm, ông ngủ một giấc dài không trăn trở, lấy âm vang sóng nước thành điệu nhạc du dương đưa hồn ông vào giấc ngủ bình yên không mộng mị; và trên kia vầng trăng soi sáng, như tấm chăn thời không sưởi ấm hình hài trong sự phủ vây của vô thường sóng nước.
Thiền sư là kẻ nắm bắt đo lường được vận tốc của tư tưởng, làm chủ được cảm xúc, để từ đó nâng lên bình diện cao mà thời gian không đụng đến được. Nhờ vén mở cái tâm thức giác ngộ, không nằm ở giai tầng phân biệt, đối đãi, nên tử sinh phiền não đành chào thua, thong dong tự tại, rong chơi trên mọi nẻo luân hồi.
“Xăm xăm cát bụi bước vào vòng
Vàng óng đầu mi, rướn rướn trông
Bụng ngựa rong chơi, này xóm Bắc
Thai lừa lạc bước, nọ nhà Đông
Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi
Cọp đá lôi về, giây sắt giong
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ, gió xuân nồng”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Huệ Chi dịch, Thơ Văn Lý Trần, tập 2 trang 248
(Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai
Hoàng sắc my đầu đỉnh đỉnh khai
Bắc lý ưu du đầu mã phúc
Đông gia tán đản nhập lư thai
Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu
Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi
Tự đắc nhất triêu phong giải đống
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài).
Thơ, không chỉ có nhịp đập của con tim, sự hoạt dụng của khối óc mà còn phủ vây nhiệm mầu của hơi thở, cảm thọ của sự sống. Cái khó của thi sĩ, làm sao đưa tri cảm kẻ thưởng ngoạn xúc tác được với sự vật, để bắt gặp cung nhịp, như thi nhân đã từng nhắn gởi. Khi nào nhận chân được giá trị tận cùng đích thực của sự sống, cũng là lúc buông bỏ hết mọi ưu phiền, quên đi tất cả sự lừa dối biến dạng của ý thức, trải lòng từ bi trên muôn vật, và truy tìm ra căn nguyên của khổ đau để tìm phương vượt thoát. Làm sao đạt được cái tâm bình thường không đắm nhiễm, không nằm ở nơi được mất hơn thua, cái tâm vô phiền, còn gọi là vô tâm?
“Khi mê thấy không sắc
Khi ngộ hết sắc không
Sắc không và mê ngộ
Xưa nay một lẽ đồng
Vọng hiện tam đồ hiện
Chân thông ngũ nhãn thông
Tâm niết bàn tĩnh lặng
Biển sinh tử ngàn trùng
Không sinh cũng không diệt
Không thỉ cũng không chung
Chỉ cần bỏ nhị kiện
Thực tại lộ hình dung”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1, trang 293
(Mê khứ sanh không sắc
Ngộ lai vô sắc không
Sắc không mê ngộ giả
Nhất ly cổ kim đồng
Vọng khởi tam đồ khởi
Chân thông ngũ nhãn thông
Niết bàn tâm tịch tịch
Sinh tử hải trùng trùng
Bất sanh hoàn bất diệt
Vô thỉ diệt vô chung
Đản năng vong nhị kiến
Pháp giới tận bao dung).
Thơ bước đi từ ý niệm, từ cảm xúc nhưng nếu cảm xúc đơn thuần không đưa tri giác ra ngoài vùng cấm thì thơ chỉ dừng ở một định ước nào đó, có thể nhờ ảo tưởng nâng cấp mãnh liệt, nên thơ vượt lên bình diện cao mà ta tạm gọi nghệ thuật về ảo tưởng. Điều quan trọng với thiền sư, thi sĩ, từ những gì mà ta cho là hoang tưởng không thật đó biến thành thật, từ mê mờ đưa đến tỉnh thức giác ngộ. Đây là bí quyết nhà thơ có được; những gì ta cho là hoang tưởng, có thể do mức độ tư duy của ta chưa đạt đến tận cùng, tri giác của ta chưa rời vùng cấm, ý thức của ta chưa ngưng tụ, và thường đóng khung trong lối mòn suy luận. Những gì tầm thường nhất cũng có thể cao siêu nhất và những gì cao siêu biết đâu lại tầm thường? Vấn đề ở chỗ, dù tầm thường hay cao siêu, là khi tâm thức của ta có thật sự giác ngộ được cái cao siêu hay tầm thường ấy? Quật tung khoảng cách này lên không phải một sớm một chiều và ai cũng có thể làm được. Chỉ có những thiền sư, những hành giả làm chủ được tâm ý mới đủ năng lực vô cùng đó.
“Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu giữ bóng hình”.
Hương Hải Thiền Sư
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 140
(Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thuỷ
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm).
Chiếc bóng chim bay qua sóng nước sẽ chìm khuất trong cõi mênh mông, vô cùng, chim chẳng cần lưu lại dấu, nước chẳng một lần thuỷ chung ôm giữ, tất cả chỉ là mối tương duyên tương hợp của đến đi không nắm bắt. Con người đi qua không biết bao nhiêu núi đồi thung lũng, không biết bao nhiêu cảnh đẹp muôn màu, tâm thức dong ruổi, từ nơi này đến nơi khác, trong từng sát na sinh diệt, nên mãi trôi nổi trong vòng luân hồi đau khổ. Thời gian vẫn là chứng nhân của từng hiển hiện ấy, dù con người khám phá ra vũ trụ, tìm tới đỉnh cao của thiên nhiên, nhưng vẫn bất lực trong việc chinh phục tư tưởng, làm chủ tâm ý và tham sân si, nên mãi cuốn hút vào vòng xoáy của sự biến động trôi lăn trong triền phược. Làm sao ta có thể nắm giữ, làm chủ được chính ta, và thoát ra ngoài vòng luẩn quẩn, để lối vào tâm thức thêm đẹp, và thơ mộng như ý nghĩa uyên nguyên, ban sơ, vô cùng nào đó?
“Ngày tháng xoay vần xuân lại thu
Xăm xăm tóc bạc đáp lên đầu
Giàu sang, nhìn lại một trường mộng
Năm tháng mang theo vạn hộc sầu
Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh
Sông yêu chìm nổi tợ phù âu
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi
Vô hạn duyên lành chỉ thế thôi”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Thiền Sư Thích Thích Thanh Từ dịch
(Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu
Khổ thú luân hồi như chuyển cốc
Ái hà xuất một đẳng phù âu
Phùng trường diệt bất mô lai tỷ
Vô hạn lương duyên chỉ ma hưu).
Những ngộ nhận, hay đóng khung thiền vào tháp ngà của tư duy, là mốt của thời thượng, là quái thai biến chứng nổi loạn của tư tưởng, là một cái gì đó mà ý thức không bắt kịp, và càng không thể dùng thiền như là một sự bày biện trang sức cho tư tưởng. Những ước đoán đó đều bị thiền khước từ đẩy bung vào hố thẳm tịch liêu. Chưa một ai và sẽ không một ai có đủ thẩm quyền để khoác lên thiền một định nghĩa. Bởi lẽ thiền vốn vô ngôn chỉ có diệu dụng, và sự khai mở trí tuệ, hành mà vô hành, một sự tĩnh lặng toàn triệt, bặt hết nổi trôi của ngôn từ, ý niệm. Thiền khơi mở cho ta ý nghĩa đích thực của tâm thức giác ngộ, chỉ cho ta sự thức tỉnh vẹn toàn, thôi thúc giúp ta gõ nhịp liên tục, để trông thấy bộ mặt như thật của sinh diệt. Từ đó mở ra khung trời tâm linh tươi sáng mà phiền não khổ đau đành chào thua bất lực.
“Hoa nở xuân mới đến
Lá rụng liền biết thu
Đầu cành sương đọng ngọc
Trên lá tuyết thành châu
Buổi sáng trời quang vẩy rồng hiện
Xế trưa mây tạnh có voi chầu
Vằn cọp ngoằn ngoèo một thứ
Phượng bầy thể tính như nhau
Pháp của Đạt Ma có gì lạ?
Lênh đênh mặt biển cánh hoa lau”.
Tông Diễn Thiền Sư
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 174-175
(Hoa khai xuân phương đáo
Diệp lạc tiện tri thu
Chi đầu sương oánh ngọc
Ngạc thượng tiết liên châu
Thanh thần vân tán sản long giáp
Bạch nhật hà quang lõa tượng khu
Báo văn tuy kiến nhất
Phụng chúng thể toàn câu
Đạt Ma tây lai truyền hà pháp?
Lô hoa thiệp hải thủy phù phù).
Con người sáng tạo ra thơ, nhưng đối tượng mới chính là thơ, là chất liệu khiến thi nhân bật dậy cảm xúc. Bởi lẽ sự hình thành bài thơ trước hết phải dùng đến cảm xúc, vay mượn đến ngữ ngôn, đến hình ảnh, thì thơ mới hiện hình. Nhưng với một thiền sư đúng nghĩa, một nhà thơ siêu nghệ thuật, khi nhìn muôn vật tức khắc họ trông thấy ngay cái bản thể linh hiện, tuyệt diệu nằm sẵn ở đó, mà không cần đi qua chặng đường sai sử của ý thức. Nhờ huân tập và nhận chân ra được ý nghĩa ban sơ của vô cùng, từ đó khơi mở, vén lên để nó được hiển lộ tròn đầy, đồng nhất, xuyên qua phương tiện của ngữ ngôn. Bởi lẽ cảm xúc và rung động vẫn bị giới hạn, ngôn ngữ bị vô thường chi phối, ý thức luôn sai sử tác động bởi vô minh, phiền não. Vì thế, ta dễ bị lẫn lộn và phần nhiều ghi lại những biến động hưng khởi của vòng tương duyên, tương hợp.
“Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt
Được vô sanh, sau nói vô sanh
Làm trai có chí xông trời thẳm
Chớ dẫm Như Lai vết đã qua”.
Thiền Sư Quảng Nghiêm
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch
Nếu thơ là sự phục hoạt vận hành nào đó của sự vật, thì thiền khơi dậy sự bất biến trong ý nghĩa thường hằng của sự vật. Một bên cố gắng khơi dậy sự ngủ yên của muôn vật, đưa tâm trạng và cảm xúc của mình để hình thành, và dừng lại ở đó. Còn bên kia cũng biến cảm xúc của mình, nhưng mở tung thực thể ẩn chứa sâu thẳm bên trong, lôi kéo, phơi bày ra ngoài để nhìn ngắm, quán chiếu và tìm phương vượt thoát. Vì lẽ đối tượng của thơ thiền là tâm cảnh, tử sinh, giác ngộ, một sự giác ngộ trọn vẹn về thể tánh tàng chứa ở con người và muôn vật.
“Học đạo mênh mang ai có hay
Gạch đem mài gạch nhọc nhằn thay
Cửa người anh hãy thôi nương dựa
Một ánh xuân về hoa đó đây”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2, trang 233
(Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa).
Thơ thiền không nằm ở lằn ranh định mức, không chịu sức ép của tư tưởng và càng không thể dùng tâm phân biệt để định hướng. Nó phá vỡ mọi cấu tạo của ý thức, đập tan những ngăn cách, giới hạn về tư tưởng; là sự bay bổng tâm thức ra ngoài, lật tung xoá nhoà chặng đường dấu vết. Bước đi tận cùng của thi ca là đạo ca, con đường đi đến bản thể như thật. Nhưng tất cả cuối cùng đều trở về uyên nguyên của khởi đầu và kết thúc, một sự lặng thinh bao trùm lên cõi có không vô tận.

Saturday, February 2, 2019

Thiền và Thi Ca trong thi kệ Mãn Giác Thiền Sư

Như Hùng: Thiền và Thi Ca trong thi kệ Mãn Giác Thiền Sư


THIỀN SƯ và TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
Tác giả: Như Hùng
Lotus Media tái bản, 2019
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Copyright © 2018 Lotus Media and Như Hùng. All rights reserved.

“Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai”.
Mãn Giác, một thiền sư mang đầy nghệ sỹ tính đã để lại trần gian đóa mai vụt nở trước sân mà ngàn năm vang vọng trong vô cùng vẫn không hề tan rã, ở đó hương sắc quyện vào hư không tô thắm khung trời nghệ sỹ, trong ấy còn lại những vần thơ mang mang bao phủ đất trời.
Cả cuộc sống được dựng nên từ lời thơ, thế giới núp mình trong đóa mai chớm nụ và tính chất nghệ sỹ đượm nhuần trong hương sắc phảng phất đi vào cõi tĩnh mịch trong vô cùng. Chỉ có lúc đêm khuya bặt hết tiếng côn trùng, mọi vật chìm lặng trong màn đen cô tịch mờ ảo, chỉ còn đóa mai hé nụ điểm tô cho đêm trường, những rung cảm bỗng chốc đi vào từng thớ thịt làm ấm lại sinh động cho tâm thức, cuối cùng những tinh hoa của đất trời từ từ tuôn chảy dệt nên những vần thơ tiếng nói trong thời không.
Bóng dáng và dấu vết của chặng đường đó bật tung ra khỏi ngưỡng cửa quyền năng, còn lại những biến hóa phù thủy quyện vào đôi tay tung ra những vần thi kệ, mà cho đến bây giờ cành mai của năm xưa bỗng hiện hình làm tươi mát cho đất trời cho cuộc sống hôm nay.

I. CON NGƯỜI VÀ THI CA, BIÊN GIỚI CỦA MỘNG VÀ THỰC

Sự hiện hữu của con người được kể như vô nghĩa nếu không nhờ thi ca làm đẹp cuộc đời. Con người vốn là dòng sinh mệnh trôi lăn giữa những phong ba bão tố, thỉnh thoảng dừng lại với những biến động trá hình cuả hạnh phúc, mà đúng ra là cửa ngõ của những nghịch cảnh khác. Hạnh phúc mà chúng ta đang trực diện nếu có, chỉ là bóng dáng giữa mộng và thực, ranh giới của nó tựa như đường tơ kẽ tóc, như nhát kiếm chém phăng vào dòng nước đang chảy, biên giới nầy mong manh như chính thân phận con người.
Thực cũng chỉ là mộng được dệt nên từ có của thời gian, những khởi động đi qua nhanh như tia chớp, tạo cho ta tưởng chừng đó là hiện thực, sự thấp thoáng mờ ảo đó, biến thế nhân trở thành đối tượng chỉ sống với cảm quan phong phú, được dệt nên và hình thành từ cuộc sống vốn tràn ngập phi thực. Ý tưởng nhận thức được hưng khởi theo chiều hướng sai sử tác động, không nằm nơi nguyên ủy của lý lẽ vượt thoát.
Con người sống với niềm kiêu hãnh, ôm giữ những gì có được trong đôi tay, yên mình theo nghĩa thực hữu, quan cảm nếu được xuất hiện trở thành định lý bất di bất dịch, vì thế chặng đường đập vỡ thành trì cứng nhắc của tưởng quan lắm lúc trở nên bất lực.
Biên giới được xem là ngăn cách không tạo cho con người cảm thông với sự biết và không biết, giữa say với tỉnh, giữa mộng với thực. Khi nào ranh giới này bị san bằng tiêu hủy thì mộng và thực ấy còn lại một khối duy nhất, vượt ra ngoài những biên kiến, say bới tỉnh như cơn lốc cuốn hút vào hư vô. Có ai tỉnh hoài mà không say? Có ai say hoài mà không tỉnh? Nhưng, nếu tỉnh theo nghĩa tỉnh của thực tại thì điều này cũng chỉ trá hình của say, bởi lẽ hiện thực được dựng nên từ cảm quan, tưởng chừng chứ không phải là một thực tại với những tra vấn khám phá, những đặt lại nếu có, thì thực tại này trở thành phi thực ngay. Nếu trở thành phi thực thì sự có mặt của con người há không phải đang say hay sao?
Biên giới thi ca nằm ngay khoảng đó, tạo cho con người cách thức nhìn sự vật theo những cảm xúc lạ thường, vượt ra khỏi cuộc đời bên cạnh lối nhìn thi vị. Với thi nhân, nếu trăng là trăng thì trăng không còn thơ mộng, huyền ảo nữa và Lý Bạch đâu có tự mình nhảy xuống sông vì chỉ muốn ôm giữ một vầng trăng. Vầng trăng mà họ Lý muốn có được trong đôi tay bé nhỏ của mình chính là vầng trăng của mộng và thực. Vì nếu, họ Lý biết là trăng chiếu rọi bóng ở dưới nước, thì đâu tự mình tìm lấy cái chết oan uổng. Còn nếu bảo rằng trăng là thực thì ông cũng thừa hiểu rằng cỏi thực ấy chỉ có ở trên nền trời trong xanh chứ đâu nằm ở dưới nước, nhưng họ Lý đã thoát ra ngoài tương quan, nên tìm đến vầng trăng mà không cần biết trăng ấy từ cõi nào. Chừng đó cũng đủ rồi, tra vấn nhiều thì trăng không còn thơ mộng nữa.
Nhưng không có nhĩa nhìn trăng và thấy đó là đơn thuần thì cuộc sống và thi nhân hóa ra vô vị sao? Ngôn ngữ thi ca trở thành một thứ quyền năng biến hóa không lường. Có như thế Hàn Mặc Tử mới bắt “trăng nằm sóng sõi trên cành liễu” hay Xuân Diệu mới bắt “gió hôn trên má“.
Không phải thi nhân có quyền năng, nhưng sự sáng tạo để dệt nên thi ca trở thành quyền biến và đưa tri giác của thi nhân thoát ra ngoài những sai biệt mà một con người bình thường không thể tìm được. Thi nhân là kẻ cố gắng khám phá những gì đang bị che dấu, khuất lấp trong thực tại. Sự cố gắng này không có nghĩa phải nặn óc để có những vần thơ, mà điều này là cách nhìn mới lạ vốn đã được un đúc sẵn trong thi nhân, có cơ hội nhìn ngắm đối tượng thì cảm xúc trào dâng, vui buồn đối với thi nhân cũng chỉ là sự pha trộn giữa mộng và thực, khám phá truy tìm những mới lạ không có nghĩa để từ đó chạy trốn cuộc đời mà phải sống thực và gần gủi với đời. Trong niềm hoan lạc hay trong khổ đau ngôn ngữ thi ca đều có mặt, diễn tả những trạng huống nầy thơ mộng ngay lúc khổ đau đến độ dư thừa:
“Một chiếc cùm lim chân có Đế”
Ba vòng xích sắt bước thì Vương”
(Cao Bá Quát)
Điều quan trọng là phải hoán chuyển những thực trạng đó trở thành ngôn ngữ mà đối tượng thưởng thức tìm thấy giá trị siêu việt. Thi nhân không cần phải áp dụng đến nghệ thuật, vì thi nhân vốn đã là một siêu nghệ thuật rồi, nếu sự chuyển hóa phải có nghệ thuật thì sự trào dâng để có thi ca trở nên đè nén trong nghệ thuật. Thơ được xuất hiện khi đi qua quá trình cảm nhận và rung cảm, nếu muốn xử dụng nghệ thuật thì phải xử dụng trước khi rung cảm. Một khi rung động xuất hiện, thi nhân không nỡ chèn ép dù đó là nghệ thuật để thi vị lời thơ. Nhưng nếu thơ được xuất hiện trong ngăn ngại thì hồn thơ trở nên tức tưởi và ngôn ngữ thi ca không còn dệt từ những cảm quan tuyệt diệu nữa. Nó trở thành công lệ của nghệ thuật.
THIỀN SƯ và TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
Tác giả: Như Hùng
Lotus Media tái bản, 2019
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Copyright © 2018 Lotus Media and Nhu Hung. All rights reserved.

II. THIỀN TRONG THI CA

Thiền là thực thể của những sinh động, biến hóa liên tục, gây chấn động tâm thức để từ đó đạt được giác ngộ. Thiền hướng đến trực ngộ, chứng nghiệm thực trạng trong những sinh khởi bình thường, không qua lăng kính phân biệt mà phải nhìn thẳng bằng định lực, không đắm chìm trong những lý luận huyền ảo, quán chiếu mọi tương quan hiện tượng bằng đôi mắt cảm thông không ngần mé, nhưng hẳn chắc không gì ngăn trở nổi.
Trong hầu hết những công án của Thiền đều ẩn mang cốt cách văn chương thi ca, như một câu nói lơ lửng, một bài thơ không hiểu nổi. Nhưng, chính cái lửng lơ ấy tạo cho kẻ đối diện hoang mang, ray rứt, bí lối trước những suy luận và cuối cùng bỗng nhiên lăn mình trường tới cửa ngõ rỗng không.
Thiền bao phủ len lõi bàng bạc trong thi ca khá nhiều, nhất là thi nhân một khi muốn hiểu cảm thông đối tượng, trước hết phải cảm thông chính mình, và để từ đó bắt nhịp, phơi bày trao gởi lời thơ. Thơ là một cách hiểu, lối sống với sự vật trong mọi hoàn cảnh gợi hứng cho thi nhân, tuy nhiên sự hiểu lắm lúc vẫn còn kẹt vào những so đo phán xét, theo bản năng lôi kéo những hiện vật trở thành sản phẩm đơn thuần lý trí. Chỉ có sự hiểu biết của siêu nhgiệm, vượt thoát ra ngoài biên giới mọi tương quan thường nghiệm, thì mới có thể đạt tới đích của Thiền là tạo năng lực thể nhập vào thi ca, không còn nhị nguyên mà là một. Bởi vì trí huệ hình thành là nhờ phá tan đi chủ thể, khách thể, những lý luận nếu không tiêu hủy sẽ thành ngăn ngại, như thế chặng đường tìm đến sự dung hòa hội nhập biến thành hố thẳm chôn chặt cuộc đời.
Thiền có công năng linh diệu trong việc hướng tri thức khi nhìn muôn vật trở nên siêu thực, nhìn với cách nhìn, lối nhình như thị, không thành kiến mà phải ly khai ra khỏi những đối lập, phải biến sở hữu của riêng mình thành chung của vạn hữu – Thi nhân nếu không khơi dậy con đường cảm xúc, rung động toàn triệt thì thi ca không đạt được tận cùng vi diệu và như vậy lời thơ không trải hương, ươm mật. Thi nhân cũng có thể dệt những rung cảm của mình trên lối về thăng hoa hiện hữu, nhưng cũng có thể biến ray rứt của mình nhuộm đen tối khổ đau thêm cho đời. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào bản năng đang ngự tiềm ở thi nhân.
Chúng ta thử tìm những sắc thái đặc thù trong một vào công án bằng thi ca của Thiền, như Viên Chiếu Thiền Sư có lần đáp:
“Gốc tùng trổi gió âm buồn
Mưa qua lối đó vấy bùn nẻo đi”.
Ngài diễn tả thực trạng nhưng, trong ấy có một cái gì nhắn gởi bất động như chính cái yên lặng trổi buồn của cây tùng. Và cũng lần khác ngài đáp khi được hỏi về “Chân”
“Hoa rừng vướng lệ nữ thần
Gió xao cành trúc tiếng đàn Bá Nha”
Có ai hiểu được tiếng đàn Bá Nga ngoài Tử Kỳ? Cái lơ lửng của Thiền như chính cái lơ lửng của thi ca vậy. Nếu nhìn nước với con mắt của khoa học, của lý trí thì nước được cấu tạo bởi H2O nhưng, với nhãn quan thi nhân lại thấy nước là bến đò tiễn biệt, những hẹn hò chờ đợi hoang vắng, cô quạnh trong buồn đau, lững lờ trôi như dòng nước v.v… cách nhìn đó xuyên qua thực thể, chặng đường nầy gần giống với Thiền trong việc tìm những bí ẩn đằng sau mọi tương quan. Nhưng, thi nhân hầu hết từ đó khởi lên những hoài cảm, xót xa, thương tiếc, dĩ nhiên vẫn hơn những đối tượng không tìm thấy được lý lẽ này, vì còn cơ may nhìn lại sư đau thương ấy. Ngược lại, với Thiều truy cứu về hiện tượng bằng những cung cách nầy nhưng, vượt lên trên ở điểm Thiền không phải là thực thể chết cứng lặng thinh, mà rất linh diệu, tươi sáng, nhìn sự vật trôi qua, biến hiện, bằng con mắt thờ ơ, lãnh đạm không hề lo sợ mảy may nào.
Ngoài những điều trông thấy như nước chẳng hạn, nếu sự đơn thuần nước là nước thì bình thường quá, nhưng mặt trái nuớc vẫn là cái gì có thể là điểm nhớ nhung, hy vọng, tùy theo trạng huống mà đối tượng đã gặp. Thiền lột trái bộ mặt ấy và đưa con người nhìn thẳng vào đó, đừng lo sợ vu vơ và đặt tra vấn ngay nếu, mặt trái là sự hẳn nhiên thì tại sao không từ đó để thấy rằng đàng sau những xô bồ, tan rã có một cái gì rất thực, rất thi vị, mà ngôn ngữ không diễn tả được. Đừng run rẩy phải đối diện với hùng lực sẵn có trong mỗi người, dung hòa được điều này thì cuộc sống không còn đau khổ triền miên nữa, mà phải bắt nhịp cảm thông như thi nhân đã thi vị cuộc đời bằng chất liệu lời thơ, phải vượt ra khỏi trói buộc, như những Thiền sư đã từng vượt, thì cuộc đời không còn phù vân mộng ảo nữa, có một cái gì đáng yêu nên thơ trong ấy.

III. SỰ DUNG HÒA GIỮA THIỀN VÀ THI CA TRONG CON NGƯỜI MÃN GIÁC

Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) đã tổng hợp dung hòa những sắc thái độc đáo của Thiền tác động và hưng khởi cho thi ca. Trong ấy ta tìm được những vần thơ theo hình thái thi kệ một cách bình dị, thường nhật, thanh thoát, nhưng đã chứa những nghĩa mầu thầm kín, vén mở chân trời huyền nhiệm mà thi ca ẩn mình trong đó.
Mãn Giác khơi dậy sự vật hiện hữu trước mắt với lối nhìn đặt nguyên vị trước và sau chính nó đã nằm, không hẳn phải tách rời ra khỏi tư thế. Điều quan trọng từ đó thăng hoa và đưa nó trở nên biểu tượng tối cần để ngắm nhìn. Mãn Giác đặt vấn đề hết sức dung dị, sự tồn tại, diệt vong của nó theo quan điểm con người và thi nhân, cũng như giữa thi nhân với Thiền Sư. Tra vấn của Mãn Giác được xuất hiện đồng lúc với thời điểm ngự trị của thời gian, nhưng điều này đã mở bày khi hình hài, hương sắc chính nó hiện diện ở trần thế.
Người nghệ sị thi nhân đến giữa cuộc đời không nhất thiết phải để lại những vần thơ bất hủ, sự có mặt của họ chính là vần thơ tô thắm cho những giá trị mà con người ít tìm thấy. Có làm thơ cũng chỉ dệt nên những rung động, và sự nói năng nầy là những tiếng vọng lên, sau đó vụt tắt qua mau, nhưng có ai dám bảo rằng kẻ ấy không gởi gấm cả một tấm lòng cho nhân thế? Hồn thơ khi đã được xuất hiện, nó bàng bạc ăn sâu và thâm nhiễm vào chính ngay đối tượng. Nếu, sự vật được đôi mắt thi nhân ghé qua dù không dệt nên thi ca thì nó vẫn in dấu và tỏa ra những sắc hương hơn những sự vật khác, sự vươn lên cuả nó đã tô thắm, làm đẹp cuộc đời bằng ngữ ngôn im lặng. Sắc vị ấy phảng phất bay chập chờn trong hư không, một lúc nào đó chúng ta thật sự nhìn ngắm giải lục trắng trên nền trời xanh, hay ánh trăng lung linh huyền ảo, màu sắc và yên lặng đó cho chúng ta những rung động mà chính nó đã được un đúc những cảm nhận của thi nhân từ trước.
“Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt
Thời nguyệt năng thường chiếu cổ nhân”
Người xưa không thể trông thấy được vầng trăng hôm nay, nhưng ánh trăng hôm nay trước đó vốn đã chiếu rọi người xưa. Để rồi bây giờ hương sắc người xưa vẫn còn đó, ẩn mình trong thăm thẳm mênh mang. Cổ nhân đã đi qua nhưng ánh trăng còn ở lại để điểm tô và làm đẹp cho con người. Sự ngự trị rung động của thi nhân có mãnh lực phi thường, hoán chuyển sự vật theo cách nhìn và tạo cho con người duyên theo đi vào lối khác tràn ngập màu sắc âm thanh kỳ ảo.
Mãn Giác thiền sư người đã để lại một bài thơ mà ngàn năm trôi qua giá trị vượt ra ngoài tử sinh. Âm vang của nó tựa như tiếng thì thầm được cất lên từ đỉnh cao chất ngất vang vọng xuống trần gian. Làm cho con người sực nhớ đến sự tàn phá hủy diệt của thời gian, nhưng trong đó âm hưởng vẫn tồn tại trong vô cùng, vượt thoát có không.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch:
Xuân trỗi, trăm hoa rụng
Xuân đến, trăm hoa cười
Trước mặt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
(Ngô Tất Tố)
Thời gian là mấu chốt cột chặt, được con người lập nên và cũng chính từ đó hủy hoại những hình ảnh không chút tiếc thương. Nhưng với Thiền sư kẻ thoát ra ngoài cõi sống chết thời gian không còn đụng đến, bốn mùa không duyên theo thì lấy gì mà lập. Khi tạo cho đời sự dung hòa, Thiền sư y cứ nơi đó hé mở cho thế nhân đàng sau những chồng chất tàn phá ấy còn lại một cái gì rất là thơ, rất là thực. Hoa tàn rơi rụng để rồi chìm lặng ẩn mình trong hư vô, tạo nên kiếp lang thang trước ngưỡng cửa chờ đợi tiếp nối. Nhưng, đó là sự chuyển mình để sinh thức tồn tại ở môi giới khác. Với nhãn quan của Thiền sư nó đã bị chiếu vào tận cùng nguyên thể mà chính nó đã đi qua, đây cũng là phương cách huân trưởng cho sự vươn lên một lối và cách tồn tại khác. Sự hiển lộ nầy vẫn trá hình len lõi chứ không hẳn kết thúc một đời. Hoa tan biến theo bản năng thông thường được dựng nên theo những nguyên lý thành, trụ, hoại, diệt. Nhưng đêm qua sân trước một cành mai nở rộ, mãi mãi tồn tại trong vô cùng, không ai có thể tàn hủy mà chính nó đã hiện hữu trong vượt thoát. Cành mai Mãn Giác thi sỹ trông thấy, không được dựng lên từ thời gian, nó đã xuất hiện tồn tại ngay trong mọi sinh diệt của cuộc đời. Bóng dáng của nó không nằm ở đâu trong hay ngoài nhưng, tất cả chính là sự có mặt phi thường của nó.

IV. TÍNH CHẤT NGHỆ SĨ TRONG CON NGƯỜI MÃN GIÁC

Mãn Giác được mệnh xưng là con người nghệ sỹ, nhưng vượt lên trên tất cả những gì được gọi là nghệ sỹ. Nghệ sỹ ở đây được hiểu theo nghĩa những rung động, những cảm hứng vụt khởi, để rồi còn chỉ lại lời thơ, một chút gì đẹp thấp thoáng ẩn hiện trong vô cùng. Và nghệ sỹ ở đây theo nghĩa lãng quên, làm tất cả nhưng không hề nhớ mình đã làm cái gì cũng như không có cái gì để làm cả, không một vật nào có thể trói buộc ngăn ngại được. Nếu có nhớ thì sự nhớ ấy chỉ là cách để quên và đôi khi sự nhớ nầy trở thành vô niệm trong đó. Vượt lên trên những phê phán ngộ nhận, đạp tung những gì được gọi là định thước. Những thứ ấy không cần thiết và không làm trở ngại nhất là con người nghệ sỹ giải thoát.
Mãn Giác đã đẩy lui thời gian ra khỏi ngưỡng cửa chờ mong, phóng mình tới đích phi thời gian. Đêm trước sân cười một nhánh mai đã chấn động cả đất trời, như tiếnng vang đinh tai nhức óc làm con người chơi vơi giữa khoảng tử sinh.
Con người đo lường cuộc sống và sự sống bằng thời gian, chờ đợi để được trả lời những nghi vấn, thực ra nó hình thành cũng do chúng ta muốn kiểm chứng đo lường, để rồi sau đó chính nó gây nên những tác động, làm con người trở nên lệ thuộc và đau khổ khi bị đào thải, tàn phá, như Xuân Diệu chẳng hạn, xuân vừa đến bỗng sợ xuân mất. Dù rằng Xuân Diệu đã thấy được sự vô thường trong đó.
“Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già
Mà Xuân hết thì đời tôi cũng mất!”
Trái với Mãn Giác bỏ đi thời gian, quên đi mọi vật, chỉ còn cành mai đang phơi sắc tồn tại mãi nơi tâm thức, không còn gì có thể chi phối được nữa. Bản thể khi đã thấu rõ, đâu còn băn khoăn lo lắng, thương đau, ngược lại có thái độ bình tĩnh, tự tại, an nhiên trước những đổi thay biến hiện. Con người nếu đạt được điều này có thể vẫy tay chào tạm biệt thời gian không một luyến tiếc như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với mấy vần thơ:
“Người đời ai cảm? Ta không biết
Ta cảm thương ai viết mấy lời
Thôi thì: Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chỉ để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai?
Tính chất nghệ sỹ ấy nếu được khơi mở đúng lúc thì cuộc đời là một cuộc thơ, thăng hoa trên lối về, làm nở những đóa hoa trong vô cùng mà hình ảnh của nó tô thắm khung trời mơ. Mãn Giác đã ý thức một cách thâm thiết trọn vẹn về con người, những tương quan hiện hữu nếu không được buông bỏ ra khỏi cuộc đời thì trở thành gánh nặng cho mình. Chỉ có tính chất nghệ sỹ mới dám đạp tung ra khỏi đôi vai và tâm tư chính mình. Nếu, áp dụng Thiền trong sự pha trộn thì nghệ sỹ này rong chơi dạo khắp nẻo luân hồi hỗn độn mà không bị hề hấn chùng bước. Đi vào cuộc đời tựa như đến khu vườn với trăm ngàn hương thơm cỏ lạ đang chờ đón. Nếu trong ấy có những đóa hoa nào tàn rơi rụng thì với nghệ sỹ tính không khởi lên mối thương đau, vì đó là cách biến dạng để đến môi sinh khác. Và nếu có thương đau thì sự thương đau ấy chỉ là rung động để từ đó dệt nên lời thơ, chắc hẳn sau đó bỗng như gió thoảng mây bay, còn lại chút gì nghệ sỹ truyền trao cho nhân thế. Đôi lúc thi nhân không cần đến sự thưởng thức của kẻ khác, bởi lẽ mấy ai rung động trọn vẹn như thi nhân đã từng rung động, và nếu có, chắc gì hiểu được ý thơ. Với nghệ sỹ thơ nếu được trào dâng thì điều ấy có nghĩa là thông lệ, không nhất thiết để người thưởng ngoạn mà không bắt đúng nhịp.
Một bài thơ được kể như hay nhất là bài thơ không bao giờ được viết nên lời.

V. TẠI SAO MÃN GIÁC ĐỂ LẠI CHO ĐỜI BÀI THƠ

Đối tượng của thi ca là sự vật sinh động trong im lặng nhiều nhất, chính sự vô ngôn nầy tạo cho thi nhân những tiếng nói trở thành tiếng nói dùm cho đối tượng, theo nghĩa diễn tả những rung động bắt nguồn từ đối tượng.
Sự rung động tuyệt diệu chỉ xuất hiện một lần độc nhất trong một cuộc đời, ngoài ra nếu có rung động thì sự rung động ấy được hiểu theo nghĩa rung động để trào dâng nguồn thơ chứ không phải điều đắc ý nhất của thi nhân. Cuộc đời thi sỹ chỉ để lại một bài thơ đắc ý của mình, được hình thành trong một lần tung mình tới đích cảm xúc trào dâng. Truy tìm bài thơ tuyệt tác của thi nhân độc giả phải có những giây phút tiếp nhận những khởi cảm mà thi nhân đã từng rung động, thì mới có thể nhận được những gì thi nhân đã trao gởi trong đó. Và kẻ thưởng ngoạn nếu không đạt tới chiều sâu vi diệu, chính là mức độ thưởng ngoạn của mình bị giới hạn trước những dệt nên của thi nhân. Quả tim con người duy nhất một lần rung động tuyệt hảo, lúc người ấy tiếp nhận một cách trọn vẹn sâu xa, ngoài ra nếu có chỉ là dư hưởng còn lại.
Mãn Giác Thiền Sư thoáng gặp lần vụt mình trên những chấn động một cách toàn triệt, đó là giao điểm thời gian giữa đông và xuân, ở đó tìm về quá khứ của đông sự vật và con người co mình trước những giá buốt, tâm hồn trơ trọi run rẩy như những thân cây phủ tuyết đứng bất động ngoài đường. Ý thức trở nên băng giá khô cứng do thời gian tạo nên. Nhưng với Mãn Giác mùa đông ấy là chất liệu đang được huân trưởng trong ngài. Sự lạnh lùng băng tuyết là thực thể đang dội mạnh vào tâm tư của mình, như dòng nước từ cao điểm đổ xuống tung tóe lên những bông hoa. Mùa đông ấp nụ để chờ cơn gió xuân thổi qua, nụ hoa bổng nhiên bùng lên trong khí trời ấm áp. Nếu không có giao điểm đông tàn thì sự xuất hiện của mùa Xuân không làm cho cuộc đời trở nên đẹp, sỡ dĩ mùa xuân của hy vọng của muôn hoa, vì nhờ những tàn phá của Đông trước đó làm cho con người có ước vọng tìm đến mùa Xuân, để vơi đi những bẽ bàng run rẩy trong cô liêu.
Nhưng mấy ai thực sự hưởng trọn một mùa Xuân đúng với ý nghĩa của nó nhất. Nếu Xuân đến để rồi ra đi mang theo những đóa mai tàn rơi rụng, thì thà nàng Xuân không đến hay hơn. Nhưng rồi Xuân đến và ra đi như chính thân phận tan hợp, con người còn lại những nuối tiếc hoang mang, thương đau, hoài vọng, những dư hưởng vẫn còn phảng phất đâu đây để nhớ dâng chồng chất, để nuối tiếc cho một đời.
Với Mãn Giác mùa xuân không còn nằm nơi khe cửa, không phải chờ đợi chúa Xuân ngự đến, mà bất chợt khi đóa mai vụt nở trước thềm cả sự cảm xúc tuyệt hảo phi thường xuất hiện trong chớp nhoáng, để rồi dệt nên bài thơ trao lại cho đời, một đóa mai không tàn phai theo năm tháng.
Duy nhất và chỉ một lần đắc ý mà trong cuộc đời Mãn Giác đã tìm được, nếu không phải là lần cùng cực rung động, hẳn đã không có những vần thơ bất hủ như thế. Sự giác ngộ được kể như gõ thẳng vào tâm điểm để đạt đến sự thể nhập tuyệt cùng. Sự rung động cũng là cách cần phải thể nghiệm trọn vẹn mới có thể tìm hiểu được những gì mà đàng sau đó đang ẩn chứa. Và biết đâu chính những nguyên lý đó đưa đến giác ngộ?
Thiền sư là những con người có được sự bén nhạy nhanh và năng cảm nhất, vì khám phá uyên nguyên sự vật trước hết, trên hết phải chuyển mình trở thành sự vật đang hiện hữu, không thể đứng ngoài sự vật mà tìm thấy những thầm kín trong ấy, muốn tìm ra gốc rễ phải sống và thở như chính nó đã sống. Nếu không có những điều nầy thì làm sao có thể thành tựu trong việc truy lùng uyên nguyên vật thể.
Thiền sư là những kẻ đang thở và sống trong tất cả mọi hiện tượng và sự vật, hoán chuyển để trở thành nguồn sống nuôi dưỡng cho những trổi dậy, vượt thoát ra ngoài tương quan hiện thực.
Đoá mai không tàn phai khi mai chính là chất liệu được ngự trị, và Mai đã được nở một lần thể nhập vào vô cùng, thì cuộc đời lúc nào không có đóa Mai, không có mùa Xuân? Ý của Xuân và hương sắc quyện vào hư vô chỉ tan loãng nhưng không hề nhạt phai trong trời đất. Phải có cái nhìn như thật vượt thoát thì mới có thể trông thấy được những gì mà kẻ khác không trông thấy. Cái nhìn đó phải là cái nhìn của thi sỹ của Thiền sư của nghệ sỹ thì sự vật mới lộ nguyên hình.
Nếu không là nghệ sỹ thì không là thiền sư
Nếu không là Thiền sư thì không là thi sỹ”
Nhưng tất cả cuối cùng rồi chỉ còn trên đường về của im lặng, những lời thơ không bao giờ được cất lên, nhưng ở đó một khung trời huyền nhiệm đang ngự tác. Mãn Giác để lại một bài thơ hay nhất, đắc ý nhất, và rung động tột cùng nhất. Và rồi sau đó tất cả đang mờ dần, kể cả những lần chấn động kế tiếp, nhưng không còn làm cho cảm tác dâng cao độ. Một khi nó đã ở từ đỉnh cao thì chặng đường sau không phải chỉ là cách gượng ép hay sao? Đúng ra không còn hứng thú nữa?
Lời thơ ấy cho đến bây giờ vẫn còn vang vọng và vang vọng cho đến khi nào bặt hết mọi ngôn từ, lúc ấy nó mới trở về từ nơi mà nó đã xuất hiện. Im lặng.