Showing posts with label Tưởng Niệm. Show all posts
Showing posts with label Tưởng Niệm. Show all posts

Thursday, January 11, 2024

Người Ôm Đại Dương


Người Ôm Đại Dương

Kính tiễn Giác Linh Thầy

Hôm nay thân xác tro bụi của Thầy được hoà vào đại dương mênh mông. Ôi Thái Bình Dương sâu thẳm. Cổ mộ của những con người yêu quê hương dân tộc da diết; cõi của sự sống; sinh tử tử sinh–sự tiếp nối nhiệm mầu. Trời Nam se nắng, mây trắng bay, Thầy thong dong huyễn hóa. Trời Tây mưa gió, buồn hiu. Nhìn về bên kia Đại dương, nhớ thương Thầy, nhớ luôn lời nói giọng thơ của Người.
“Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.”
Ôm đại dương
Đến đi huyễn mộng
Tình thương bạt ngàn
Ôm đại dương
Mặt trời chói chang
Gió đùa cùng sóng
Lệ rơi đôi hàng
Ôm đại dương
Ngôi mộ cổ
Cõi tịnh
Bình yên
Ôm đại dương,
tình sâu nghĩa rộng
thênh thang tâm Thầy.
Ôm đại dương,
Từ thiên cổ
đến vô cùng
Trời mây hội tụ
Pháp Hoa muôn trùng.

Ngày Chung Thất của Thầy
Sacramento, CA. Jan.10.24
Tâm Thường Định khế thủ

Saturday, December 16, 2023

Giới Thiệu Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ

TƯỞNG NIỆM BẬC LONG TƯỢNG – TUỆ SỸ tại Chùa Duyên Giác, San Jose. Ảnh Chúc Tiến.


GIỚI THIỆU KỶ YẾU TRI ÂN HT. THÍCH TUỆ SỸ

- “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] 


  Thầy, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, không kể những chức vụ tối cao của Giáo hội như Chánh Thư Ký, kiêm Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), còn được gọi là Tuệ Sỹ, là một bậc “Long-tượng", là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư lỗi lạc, một nhà sư ẩn dật, một học giả đáng kính, một nhà “bất đồng chính kiến”, và là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo và Văn hóa Việt Nam cận đại và hiện đại. Cuộc đời Thầy đã dành hết thời gian vào công cuộc Hoằng Pháp lợi sanh, Thầy luôn dạy chúng tôi/chúng ta, hãy lấy Văn hóa, Xã hội và Giáo dục mà hành hoạt.  Lấy lời Phật dạy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” làm kim chỉ nam trong đời. Thầy ra đi để lại một gia tài tâm linh vô giá, một di sản văn hoá vô biên cho Phật Giáo Việt Nam. Trong tinh thần đó, chúng ta về đây là để tưởng nhớ công ơn sâu dày của Người và biết thêm về quá trình hình thành tuyển tập “Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ” (đưa sách lên).

  Vào ngày 15 tháng 9, 2023, khi nghe tin Thầy trở bệnh nặng và có thể mất bất cứ lúc nào, Hội Đồng Hoằng Pháp họp để chuẩn bị “hậu sự" và quyết định làm một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hãy nghe anh Thị Nghĩa đề cập ở đây: “Ôn chắc chắn không cần nghe hay đọc những lời ca ngợi, tri ân nhưng đệ tử chúng tôi thì lại rất cần. Tri ân Ôn là một cách căn dặn chính mình để tinh tấn tu học và để nhớ những lời dặn dò của Ôn cho dù Ôn không còn bên cạnh nữa.” Tuyển tập này, kêu gọi quý đệ tử bốn chúng và quý văn nghệ sỹ viết bài trong 10 ngày và hoàn tất trong vòng 1 tháng do Hội Đồng Hoằng Pháp chủ xướng và thành phần nhân sự bao gồm: Hòa thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Bổn Đạt Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp làm cố vấn. 

Chủ biên: Thượng tọa Thích Nguyên Tạng | Thượng tọa Thích Hạnh Viên

Ban Biên tập: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo | Nguyên Đạo Văn Công Tuấn | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Tâm Quang Vĩnh Hảo | Quảng Diệu Trần Bảo Toàn | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

Kỹ thuật và Thiết kế: Nguyên Túc Nguyễn Sung | Quảng Pháp Trần Minh Triết |

Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm

Bảo trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp

  Trong khoảng thời gian đó, Ban biên tập đã nhận hơn 100 bài và gần 800 trang, nhưng đã quyết định chỉ chọn 1 hoặc 2 bài cho mỗi tác giả và có những bài chưa đủ thuận duyên để đưa vào. Cuối cùng, cũng xong cuốn kỷ yếu dày 508 trang của 78 tác giả sáng tác về Thầy và may mắn nhất là chính Thầy đã đọc được tập sách và Thầy đã hoan hỷ mỉm cười. Có thể là động lực Thầy sống thêm vài tuần nữa.

  Kỷ yếu này được sắp xếp như sau theo lời nhà văn Vĩnh Hảo, người chấp bút cho lời ngỏ Kỷ Yếu Tri Ân chia sẻ [1]: “Văn hóa và Giáo dục Phật giáo được biểu hiện qua việc học hỏi, tụng đọc, truyền dạy và thực hành Kinh – Luật – Luận mà Thầy đã tận tụy suốt hơn 60 năm phiên dịch, chú giải, sáng tác, giảng dạy trong nhiều trường lớp Phật học tại Việt Nam và ngoài nước qua Paltalk, Zoom Meeting Online, v.v…

Văn hóa và Giáo dục Dân tộc cũng được Thầy phổ hiện qua những sáng tác thơ văn, tiểu phẩm, tiểu luận… về tình tự dân tộc, nhân sinh quan, xã hội dân sự; và trong một góc nhìn nào đó, ngay chính bản án tử hình và những năm trong tù ngục của Thầy cũng là hệ quả của sự biểu hiện nền Văn hóa, Giáo dục nhân bản và khai phóng của dân tộc trong một giai kỳ lịch sử đen tối trên quê hương.

  Trong chiều hướng đó, nội dung tập Kỷ Yếu này dựa theo hành trạng của Thầy Tuệ Sỹ, chia làm 3 phần chính:

Phần I – Phật học: Gồm những sáng tác văn, thơ, biên khảo, tiểu luận của chư vị thức giả, học giả, Tăng Ni, cư sĩ, văn nghệ sĩ nói về Thầy Tuệ Sỹ và ảnh hưởng của Thầy trong tư cách một nhà tư tưởng Phật học, một hành giả Tăng sĩ Phật giáo uyên thâm, trác việt;

Phần II – Văn học: Gồm các sáng tác văn chương, thi phú, mỹ thuật của giới văn học nghệ thuật minh họa về Thầy Tuệ Sỹ như một nhà văn, nhà thơ trứ danh, hàng đầu trong nền văn học Việt Nam; và

Phần III – Đạo Pháp và Dân Tộc: Gồm những sáng tác, nhận định, xã luận, tiểu luận của chư vị học giả, thức giả, đời cũng như đạo, Phật giáo hay tôn giáo bạn, về vai trò của Thầy Tuệ Sỹ trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng như những đóng góp của Thầy bằng hành động hay bằng tâm thức, nhằm xây dựng nền tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.”

 Đó là cấu trúc của Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhưng để tri ân Thầy một cách sâu sắc nhất, chúng tôi/chúng ta hãy xin mượn lời pháp huynh Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, một trong những người học trò được Thầy đặt nhiều kỳ vọng, trong bài “Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ” [2] như là nỗi niềm riêng, chung của tất cả chúng ta đang hiện hữu nơi này.

“...Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.

Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệ và từ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.

Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.

  Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại.

  Trước lúc ra đi, Thầy nhắc lại hoằng nguyện: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] Bậc đại sĩ hiện thân trong thế giới này để tiếp tục chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” “Bồ-tát bệnh vì chúng sinh còn bệnh. Khi chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát cũng hết.”[4]

  Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…”[5] Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.

Vậy là:

“Việc cần làm đã làm xong,”[6] Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,

Đỉnh Lăng-già [7] lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.

Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.

“Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”[8]

Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy."

Thôi thì:

Thầy đi nhẹ gót về quê Nội

Trở lại trần gian hoá độ Người

Chúng con đồng nguyện Bồ Tát Hạnh

Thuyền từ Bát Nhã đến bến Không. 


Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.


Xin cúi đầu

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ


P.s. Xin xem Thông báo: Về việc phát hành Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ ở đây.

https://thuvienphatviet.com/thong-bao-ve-viec-phat-hanh-ky-yeu-tri-an-ht-thich-tue-sy/


Chú thích:

[1] Vĩnh Hảo chấp bút: Lời ngỏ | Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/loi-ngo-ky-yeu-tri-an-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[2] Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/tam-huy-huynh-kim-quang-xung-tan-an-su-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[3] Trích lời nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Di Chúc Tang Lễ.
[4] Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch.
[5] Câu thơ đầu trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” của Thầy Tuệ Sỹ (1945-2023) đã được xuất bản vào năm 2021.
[6] Trích từ tứ định cú trong Kinh A-hàm: “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” (Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn đời sau nữa)
[7] Lăng-già (Lanka) là tên một ngọn núi nằm trên Đảo Tích Lan (Sri Lanka). Truyền thuyết kể rằng lúc Đức Phật còn tại thế đã đến đây để giảng Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra – Nhập Lăng-già Kinh). Đây là bộ kinh được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 để truyền đạo Thiền.
[8] Phạm Công Thiện, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im,” 2009.


Xin xem hình ảnh ở đây tại nhà Quảng Đức.


Tuesday, December 5, 2023

CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM BẮC CALIFORNIA: Thông báo Lễ Tưởng Niệm HT Thích Tuệ Sỹ

Poster by Htr. Quảng Pháp

CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM BẮC CALIFORNIA

T H Ô N G  -  B Á O

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật,

Kính bạch chư Tôn Đức,

Thưa quý Đạo hữu, Anh chị Huynh trưởng GĐPT


Thừa lệnh Tăng sai, và qua hội ý trong dịp Bố tát hàng tháng vừa rồi của chư Tăng, cũng như với sự đồng thuận của HT Nhật Huệ, Trú trì chùa Duyên Giác, chúng con/chúng tôi xin gởi đến Quý Vị thông báo, thay thư mời cho Lễ Tưởng Niệm HT Thích Tuệ Sỹ vào ngày Thứ Bảy, 16 tháng 12 năm 2023, lúc 10 giờ sáng tại chùa Duyên Giác, 97 Foss Avenue, San Jose, CA 95116.
Xin đính kèm bản dự thảo Chương trình buổi lễ, kính mong Qúy Vị hoan hỷ góp thêm ý kiến, qua điện thoại (510) 331-6899 hay E-mail: thichtuluc@yahoo.com.

Dự trù, chúng ta sẽ có buổi họp đúc kết qua Zoom vào tối thứ Ba, 12/12, lúc 7 giờ tối, giờ Cali, cho Phật sự nhiều ý nghĩa này.
Được biết, nhiều Chùa, Tự viện và các Đơn vị GĐPT ở miền Bắc Cali đã và sẽ tiếp tục có những buổi lễ cầu nguyện HT Thích Tuệ Sỹ vào ngày cuối tuần cho đến dịp lễ Chung thất. Xin ghi nhận thêm, Hội Ái hữu Vạn Hạnh sẽ có buổi sinh hoạt Tưởng Niệm ở nhà hàng Di Lặc, San Jose, vào ngày Thứ Sáu, 15-12-2023 tới đây. Thật là quý hóa vô cùng!

Nhằm bày tỏ phần nào lòng biết ơn qua hành trạng Giáo dưỡng, cũng như sự đóng góp lớn lao cho Phật giáo, nền Văn học Việt Nam của HT Thích Tuệ Sỹ hơn 50 năm qua, kính mong Quý Vị hoan hỷ tham dự buổi lễ Tưởng Niệm này.

Thành kính cầu chúc chư Tôn Đức và Quý Vị thân tâm thường lạc, các Phật sự hoàn thành tốt đẹp.
Hayward ngày 5 tháng 12 năm 2023
Trân trọng,
Thích Từ-Lực
Điều Hợp viên

Dự Thảo:

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TƯỞNG NIỆM HT THÍCH TUỆ-SỸ

Thứ Bảy, 16 tháng 12 năm 2023, 10AM – Chùa Duyên Giác, San Jose

9 giờ 30 sáng: Phật tử - Huynh trưởng GĐPT tề tựu

9 giờ 45 : Cung thỉnh chư Tôn Đức quang lâm chánh điện

10 giờ      : Lễ Cầu nguyện – Tiến Giác linh

10 giờ 20 : Tuyên bố lý do, ghi nhận sự hiện diện của Chư Tôn đức và Đại chúng

10 giờ 25  : Vài lời chào mừng của HT Nhật Huệ

10 giờ 30   : Những nét Đẹp trong cuộc đời của HT Thích Tuệ Sỹ (thay cho phần đọc tiểu sử)

Các tiết mục khác: Bài thơ thương mến, bản Nhạc ghi ơn

Cảm tưởng của Ái hữu Vạn Hạnh, những kỷ niệm ở sân trường

Tổ chức GĐPT, lời dặn dò cho Tuổi trẻ

Thân hữu Già Lam, nơi đây chốn Tổ

Dưới mái chùa Từ Đàm thân yêu

Giới thiệu Kỷ yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ

Thư Phân ưu của Ngài Đạt Lai Lạt ma

Đạo từ của chư Tôn Đức chứng minh

Nhìn về phía trước, công trình phiên dịch Đại Tạng tiếng Việt

Cảm tạ của Ban Tổ chức

11 giờ 45     Thọ trai – Cơm chay thân mật.

1 giờ            Hoàn mãn.

Nam mô Công Đức lâm Bồ tát Ma ha tát


GHI CHÚ:

- Phần Văn nghệ sẽ được tiếp tục sau khi ăn cơm im lặng 10 phút, ở địa điểm sinh hoạt.

- Nếu thời tiết và thời giờ cho phép, sẽ có phần giới thiệu các Tác phẩm, Dịch phẩm của HT Thích Tuệ Sỹ.

Wednesday, July 12, 2023

Tiễn Chị Bạch Liên



Tiễn Chị Bạch Liên

(1972-2023)

Munich mưa lạnh mùa hè
Ngậm ngùi đưa tiễn chị về Phương Tây
Bạch Thị Liên sống cõi này
Buồn vui một kiếp lung lay vô thường

Chị đi bao cõi xót thương
Sợi tơ vạt nắng hạt sương lìa cành
Qua đồi núi vẫn còn xanh
Bờ mê bến giác tinh anh cõi về

Bạch Liên, Nhơn Lý là quê
Đồng Hoa, Cực lạc là quê hương mình!

Bạch X. Phẻ
Munich 07/12/23

Thursday, December 1, 2022

VẼ LẠI CUỘC ĐỜI ANH

VẼ LẠI CUỘC ĐỜI ANH

Anh đi cánh nhạn qua sông

Tình thương để lại trong lòng người thương


Nhận chân được sự vô thường, nhưng sự trở về bản thể thanh tịnh của anh Nguyễn Sanh Tỵ làm cho chúng em chùng lòng, xót dạ. Em xin viết sơ lại những gì em biết về anh hầu tưởng nhớ đến người anh thân thương.

Anh Nguyễn Sanh Tỵ sinh ra trong một gia đình Phật giáo ở làng Vĩnh Nhơn, Thừa Thiên Huế vào ngày 26 tháng 9 năm 1953 tại Huế, Việt Nam. Mất ngày 31 tháng 10, 2022 tại thủ phủ Sacramento, CA. Anh là con trai Út trong gia đình có 7 anh chị em. Anh Tỵ là một người đàn Ông mẫu mực đáng quý, hiền lành, dễ thương và vui tính. Anh được gia đình, bạn bè, quyến thuộc, Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Kim Quang, cũng như Đạo tràng ở đây trân quý và yêu mến anh. Anh là một người chồng lý tưởng, một người cha tuyệt vời, một người nặng tình thân, người anh em họ hàng tử tế và rộng lượng. Anh Tỵ, & chị Thu từng là hàng xóm với nhau ở Lương Y, gần thành Đại nội Huế từ năm 1973, rồi nhân duyên đưa đẩy anh chị lại gặp nhau ở Sacramento vào năm 1982. Anh Nguyễn Sanh Tỵ đã kết duyên cùng với chị Ngô Thị Thu vào mùa hè năm 1984, được hơn 38 năm, tại chùa Kim Quang dưới sự chứng minh của Cố Hoà Thượng Thích Mãn Giác và HT. Thích Tịnh Từ. Anh chị có hai cháu trai, Rô và Lu, đã được thành đạt. Anh chị vẫn sinh hoạt từ đó cho đến bây giờ.


MỘT NHÀ GIÁO

Sau thời chinh chiến, anh Tỵ là một giáo viên ở Quế Sơn, Quảng Nam từ năm 1976-1978, rồi anh chuyển đến Long Mỹ, Cần Thơ, Hậu Giang vào những năm 1978-1980. Anh dạy chuyên toán và thể dục, thể thao. Có thể nói anh là một nhà giáo nghèo mà liêm sĩ ở Việt Nam thời ấy. Sau biến cố 1975 anh tìm đường tự do bằng cách vượt biên.Anh đến Palawan, Phi Luật Tân vào năm 1981 và qua Mỹ năm 1982. 

Tôi nhớ có lần anh kể lại chuyện nhận được một món quà từ xa gửi đến Quế Sơn khi anh còn đi dạy học. Đó là một ít cá biển từ miền yêu thương gởi lên. Sống ở vùng khắc nghiệt sau chiến tranh Việt Nam, điều kiện kinh tế khó khăn. Cơm ngày hai bữa toàn rau với cà. Cá và thịt thì cực kỳ hiếm.Vì vậy, một ngày nọ, khi nhận được món quà cá thịt, lòng ai cũng vui như hội. Bữa ăn giàu chất đạm đó quý anh em giáo chức đã ăn hết tất cả, hết sạch sành sanh, trừ các bộ xương cá. Nhưng rồi sau đó, họ quyết định giữ lại bộ xương để nấu súp cho các bữa ăn sau. Ngày này qua ngày khác chỉ có mùi cá là chất đạm còn sót lại. Ăn uống cho đến khi bộ xương tan biến theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Khi anh Tỵ chia sẻ câu chuyện đó, anh đã bật cười và hoài niệm những kỷ niệm xa xăm. Tôi biết rằng anh đã quay ngược thời gian và sống lại thời đại đó, với những tiếng cười và nước mắt.


MỘT NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Theo làn sóng tị nạn, ở đâu có người Việt là ở đó có Chùa viện, và ở đâu có chùa đều mong ước có một tổ chức Gia đình Phật tử. Anh Tỵ cũng như thế, sinh hoạt với GĐPT Kim Quang vào những ngày tháng phôi thai. Như quý vị cũng đã biết, tại Hoa Kỳ, có thể nói GĐPT Kim Quang là một trong 5 đơn vị đầu tiên ở xứ sở Tự do này. Liên đoàn trưởng đầu tiên của đơn vị là anh Quảng Thành Đoàn Thanh Nam (1978-1983), và liên đoàn trưởng thứ 2 là anh Nguyên Phú - Nguyễn Sanh Tỵ (1983-1984). Trong sinh hoạt, anh cho hết tất cả những gì anh có từ tâm cang và trí tuệ của mình, âu đó cũng là khả năng lãnh đạo đích thực (authentic leadership) của anh. Sau khi làm liên đoàn trưởng anh vẫn tiếp tục sinh hoạt và cống hiến những gì anh có thể. Anh Tỵ là một handy-man, một người khéo tay, cái gì làm cũng được. Chuyện gì ở Gia đình Phật tử cần, thì anh không từ nan. Những năm sau này, anh dạy lớp nghệ thuật nhiếp ảnh cho các em đoàn sinh trong chương trình trao dồi năng khiếu / enrichment program.

Anh luôn vui chơi và chăm lo cho các em. Lúc về hưu, cũng đi sinh hoạt hằng tuần với đơn vị. Anh thấy các em bỏ balo không được tươm tất, anh âm thầm làm những nơi để các em treo lên. Thấy chỗ nấu ăn không sạch, thấp ẩm, anh làm lại, quét dọn và sửa đổi cho tươm tất. Anh lại đóng kệ để đựng thức ăn, trữ những dụng cụ trong gia đình, v.v… anh bảo đi GĐPT con tim anh trẻ lại và học hỏi từ các em thật nhiều. Vì thế, anh vẫn luôn đi sinh hoạt và gần gũi với các em.


ANH LÀ CON MỌT SÁCH VÀ ÂM THẦM YÊU NGHỆ THUẬT


Có thể quý vị có biết, nhưng anh Ty là một người ham đọc sách, nói đúng hơn và con mọt sách, anh đọc từ Đông sang Tây, từ Cổ tới kim. Em nhớ là anh cho em mượn cuối Hoàng Tử Bé, mà em chưa trả lại thì phải (Sorry anh)....

Anh đọc sách từ Võ Đình Mai đến Nguyễn Huy Thiệp, từ Phạm Công Thiện, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca đến Nguyễn Ngọc Ánh, Vương Hồng Sển, Trần Dạ Từ… có lần anh em kết nhau vì trò chuyện sách Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác, và Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, v.v.... Anh đọc sâu hiểu rộng, nhất là văn chương và lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, qua những lần nói chuyện, bình luận của anh rất chí lý. Anh cũng là con người có tính nghệ sĩ, tuy anh không có hát. Nhưng anh thích nghe nhạc, nhất là những nhạc nhẹ, thính phòng hay những dòng nhạc nào mà người thân của anh thích hát. Anh lại rất yêu nghệ thuật và là người làm nghệ thuật. Chúng tôi có cơ hội cùng anh đi săn ảnh ở những nơi ở California. Có lần đi săn thác lửa ở Yosemite, (fire falls), anh chụp ảnh đẹp về treo lên tường để thưởng thức. Anh bảo chụp mà không đưa lên thì cũng như không. Em thì như thế, nhưng sẽ nhớ lời anh nói mà em cũng sẽ treo hình lên tường.


MỘT NGƯỜI CHỒNG TUYỆT VỜI VÀ NGƯỜI CHA MẪU MỰC


  Anh Tỵ là một người chồng mẫu mực, một người cha hiền. Chúng em có cơ duyên làm việc với anh chị, nhất là chị Nguyên Nhơn Ngô Thị Thu. Anh chị như đôi uyên cương Lê Nguyên Phương. Chị là dạng người vượng phu ích tử. Chị làm gì anh đều ủng hộ chị cả, lúc nào cũng bên cạnh, đồng hành, lắng nghe và chia sẻ cùng chị. Nhất là chuyện của GĐPT, chuyện một ngàn lẻ một đêm. Với thiên chức của người Cha, anh tận tuỵ thương yêu hai em Rô và Lu. Nhớ có những buổi sáng sớm mùa Đông, anh ‘vách cày' ra đồng, vừa đi cắt cỏ vừa chở con đi học, đi chơi bóng rổ, chơi đàn, bơi lội và những sinh hoạt khác. Chúng tôi có cơ duyên chở các em Rô và Lu đi học cùng trường, sáng nào anh em cũng gặp nhau, anh đưa con đi đúng nơi hẹn để chúng tôi chở các em đến trường. Vẫn nụ cười đó, vẫn cái vẫy tay chào đó. Anh lúc nào cũng vui vẻ, hiền từ và có khuôn mặt rất phúc hậu. Ah, và vẫn chiếc sẽ truck nhỏ và cũ đó, nhưng anh vẫn vui vẻ và biết ơn nó cho đến khi về hưu.

Rồi có những lúc cần giúp người khác hoặc gia đình khó khăn về tài chánh hoặc để nuôi con ăn học, anh phải đi tiểu bang xa để làm việc. Việc gì anh cũng không từ nan, miễn đó là chánh nghiệp.  Dù ở tiểu bang lạnh xa xôi, anh vẫn vui vẻ vừa làm việc vừa thưởng thức cuộc đời và đi săn ảnh. 

Tuy anh làm vất vả, nhưng anh cũng tranh thủ chở các em đi chơi vacation và nhất là về Việt Nam thăm lại cội nguồn của mình. Đó là những kỷ niệm rất đẹp mà anh luôn trân quý. Ngoài là một người mẫu mực với gia đình, bà con thân thuộc ai cũng yêu mến anh vì tính tình của anh và giọng nói cười sảng khoái. Nụ cười quá thoải mái của anh đôi khi được chị Thu nhắc là cười / nói nhỏ lại, mà anh cười bằng giọng không được thì anh cười bằng mắt. Nếu chúng ta nhìn rõ thì thấy ở anh có tuyệt điểm đó.


Anh một con người lạc quan yêu đời. Anh cũng đã trừng trải nghiệm qua 3 cái cửa của cuộc đời. Sau khi trở lại từ cõi chết, anh lại càng yêu đời hơn, lạc quan, nhẹ nhàng trong từ hơi thở. Rồi cuối cùng, anh lại bước qua cánh cửa thứ 4, chúng em lại hoan man và hối tiếc là chưa có cơ hội ngồi thở, cười cùng anh trước khi anh nhắm mắt.

Nói tóm lại, anh ấy có một con người tử tế, đẹp từ trong ra ngoài, và thực sự anh đã làm cho những người chung quanh anh và trái đất càng đẹp hơn này. Anh đã và sẽ tiếp tục tác động đến nhiều người, trong đó có em. 

Anh thật sự được thanh thản và hài lòng với mọi thứ trong cuộc sống. Anh đã sống hết mình. Anh hãy thong dong nhẹ bước về phương Phật anh nhé. Thôi thì, em thở cho anh đây. Em mỉm cười cho anh đây, và em sẽ treo hình mình chụp cho anh đây. Em cũng sẽ đọc sách thêm cho anh đây.

Anh Nguyễn Sanh Tỵ vẫn còn đây trong tâm trí, trong sự yêu thương của tất cả chúng ta. Chỉ khác là anh đã đi chơi xa, rồi sẽ có ngày gặp lại.  Anh hãy nhẹ nhàng như bao chuyến đi mình chung cùng anh nhé. Mong anh diện kiến chư Phật xong, hội ngộ Ta Bà để chúng ta tiếp tục hành trình áo lam trong tinh thần tư bi, trí tuệ và dũng cảm hay chỉ đơn thuần là một người Phật tử Việt Nam. Thôi thì, để em hát đưa tiễn anh lần cuối.


          TIỄN MỘT NGƯỜI ANH


Giã từ cõi tạm anh đi

Tình thương ở lại lâm li vô thường

Anh đi lóng lánh hạt sương

Thu buồn hờ hững nhớ thương vô cùng

Tình Lam có thuỷ có chung

Có Bi Trí Dũng chung cùng hướng đi

Bao người giọt lệ vành mi

Nhớ anh trung hậu luôn vì đàn em!


Anh đi vạt nắng qua thềm

Hư không tĩnh mịch êm đềm hư vô.


Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Tâm Thường Định và Nguyệt Giác Nghiêm kính tiễn.