Thursday, December 1, 2022

VẼ LẠI CUỘC ĐỜI ANH

VẼ LẠI CUỘC ĐỜI ANH

Anh đi cánh nhạn qua sông

Tình thương để lại trong lòng người thương


Nhận chân được sự vô thường, nhưng sự trở về bản thể thanh tịnh của anh Nguyễn Sanh Tỵ làm cho chúng em chùng lòng, xót dạ. Em xin viết sơ lại những gì em biết về anh hầu tưởng nhớ đến người anh thân thương.

Anh Nguyễn Sanh Tỵ sinh ra trong một gia đình Phật giáo ở làng Vĩnh Nhơn, Thừa Thiên Huế vào ngày 26 tháng 9 năm 1953 tại Huế, Việt Nam. Mất ngày 31 tháng 10, 2022 tại thủ phủ Sacramento, CA. Anh là con trai Út trong gia đình có 7 anh chị em. Anh Tỵ là một người đàn Ông mẫu mực đáng quý, hiền lành, dễ thương và vui tính. Anh được gia đình, bạn bè, quyến thuộc, Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Kim Quang, cũng như Đạo tràng ở đây trân quý và yêu mến anh. Anh là một người chồng lý tưởng, một người cha tuyệt vời, một người nặng tình thân, người anh em họ hàng tử tế và rộng lượng. Anh Tỵ, & chị Thu từng là hàng xóm với nhau ở Lương Y, gần thành Đại nội Huế từ năm 1973, rồi nhân duyên đưa đẩy anh chị lại gặp nhau ở Sacramento vào năm 1982. Anh Nguyễn Sanh Tỵ đã kết duyên cùng với chị Ngô Thị Thu vào mùa hè năm 1984, được hơn 38 năm, tại chùa Kim Quang dưới sự chứng minh của Cố Hoà Thượng Thích Mãn Giác và HT. Thích Tịnh Từ. Anh chị có hai cháu trai, Rô và Lu, đã được thành đạt. Anh chị vẫn sinh hoạt từ đó cho đến bây giờ.


MỘT NHÀ GIÁO

Sau thời chinh chiến, anh Tỵ là một giáo viên ở Quế Sơn, Quảng Nam từ năm 1976-1978, rồi anh chuyển đến Long Mỹ, Cần Thơ, Hậu Giang vào những năm 1978-1980. Anh dạy chuyên toán và thể dục, thể thao. Có thể nói anh là một nhà giáo nghèo mà liêm sĩ ở Việt Nam thời ấy. Sau biến cố 1975 anh tìm đường tự do bằng cách vượt biên.Anh đến Palawan, Phi Luật Tân vào năm 1981 và qua Mỹ năm 1982. 

Tôi nhớ có lần anh kể lại chuyện nhận được một món quà từ xa gửi đến Quế Sơn khi anh còn đi dạy học. Đó là một ít cá biển từ miền yêu thương gởi lên. Sống ở vùng khắc nghiệt sau chiến tranh Việt Nam, điều kiện kinh tế khó khăn. Cơm ngày hai bữa toàn rau với cà. Cá và thịt thì cực kỳ hiếm.Vì vậy, một ngày nọ, khi nhận được món quà cá thịt, lòng ai cũng vui như hội. Bữa ăn giàu chất đạm đó quý anh em giáo chức đã ăn hết tất cả, hết sạch sành sanh, trừ các bộ xương cá. Nhưng rồi sau đó, họ quyết định giữ lại bộ xương để nấu súp cho các bữa ăn sau. Ngày này qua ngày khác chỉ có mùi cá là chất đạm còn sót lại. Ăn uống cho đến khi bộ xương tan biến theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Khi anh Tỵ chia sẻ câu chuyện đó, anh đã bật cười và hoài niệm những kỷ niệm xa xăm. Tôi biết rằng anh đã quay ngược thời gian và sống lại thời đại đó, với những tiếng cười và nước mắt.


MỘT NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Theo làn sóng tị nạn, ở đâu có người Việt là ở đó có Chùa viện, và ở đâu có chùa đều mong ước có một tổ chức Gia đình Phật tử. Anh Tỵ cũng như thế, sinh hoạt với GĐPT Kim Quang vào những ngày tháng phôi thai. Như quý vị cũng đã biết, tại Hoa Kỳ, có thể nói GĐPT Kim Quang là một trong 5 đơn vị đầu tiên ở xứ sở Tự do này. Liên đoàn trưởng đầu tiên của đơn vị là anh Quảng Thành Đoàn Thanh Nam (1978-1983), và liên đoàn trưởng thứ 2 là anh Nguyên Phú - Nguyễn Sanh Tỵ (1983-1984). Trong sinh hoạt, anh cho hết tất cả những gì anh có từ tâm cang và trí tuệ của mình, âu đó cũng là khả năng lãnh đạo đích thực (authentic leadership) của anh. Sau khi làm liên đoàn trưởng anh vẫn tiếp tục sinh hoạt và cống hiến những gì anh có thể. Anh Tỵ là một handy-man, một người khéo tay, cái gì làm cũng được. Chuyện gì ở Gia đình Phật tử cần, thì anh không từ nan. Những năm sau này, anh dạy lớp nghệ thuật nhiếp ảnh cho các em đoàn sinh trong chương trình trao dồi năng khiếu / enrichment program.

Anh luôn vui chơi và chăm lo cho các em. Lúc về hưu, cũng đi sinh hoạt hằng tuần với đơn vị. Anh thấy các em bỏ balo không được tươm tất, anh âm thầm làm những nơi để các em treo lên. Thấy chỗ nấu ăn không sạch, thấp ẩm, anh làm lại, quét dọn và sửa đổi cho tươm tất. Anh lại đóng kệ để đựng thức ăn, trữ những dụng cụ trong gia đình, v.v… anh bảo đi GĐPT con tim anh trẻ lại và học hỏi từ các em thật nhiều. Vì thế, anh vẫn luôn đi sinh hoạt và gần gũi với các em.


ANH LÀ CON MỌT SÁCH VÀ ÂM THẦM YÊU NGHỆ THUẬT


Có thể quý vị có biết, nhưng anh Ty là một người ham đọc sách, nói đúng hơn và con mọt sách, anh đọc từ Đông sang Tây, từ Cổ tới kim. Em nhớ là anh cho em mượn cuối Hoàng Tử Bé, mà em chưa trả lại thì phải (Sorry anh)....

Anh đọc sách từ Võ Đình Mai đến Nguyễn Huy Thiệp, từ Phạm Công Thiện, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca đến Nguyễn Ngọc Ánh, Vương Hồng Sển, Trần Dạ Từ… có lần anh em kết nhau vì trò chuyện sách Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác, và Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, v.v.... Anh đọc sâu hiểu rộng, nhất là văn chương và lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, qua những lần nói chuyện, bình luận của anh rất chí lý. Anh cũng là con người có tính nghệ sĩ, tuy anh không có hát. Nhưng anh thích nghe nhạc, nhất là những nhạc nhẹ, thính phòng hay những dòng nhạc nào mà người thân của anh thích hát. Anh lại rất yêu nghệ thuật và là người làm nghệ thuật. Chúng tôi có cơ hội cùng anh đi săn ảnh ở những nơi ở California. Có lần đi săn thác lửa ở Yosemite, (fire falls), anh chụp ảnh đẹp về treo lên tường để thưởng thức. Anh bảo chụp mà không đưa lên thì cũng như không. Em thì như thế, nhưng sẽ nhớ lời anh nói mà em cũng sẽ treo hình lên tường.


MỘT NGƯỜI CHỒNG TUYỆT VỜI VÀ NGƯỜI CHA MẪU MỰC


  Anh Tỵ là một người chồng mẫu mực, một người cha hiền. Chúng em có cơ duyên làm việc với anh chị, nhất là chị Nguyên Nhơn Ngô Thị Thu. Anh chị như đôi uyên cương Lê Nguyên Phương. Chị là dạng người vượng phu ích tử. Chị làm gì anh đều ủng hộ chị cả, lúc nào cũng bên cạnh, đồng hành, lắng nghe và chia sẻ cùng chị. Nhất là chuyện của GĐPT, chuyện một ngàn lẻ một đêm. Với thiên chức của người Cha, anh tận tuỵ thương yêu hai em Rô và Lu. Nhớ có những buổi sáng sớm mùa Đông, anh ‘vách cày' ra đồng, vừa đi cắt cỏ vừa chở con đi học, đi chơi bóng rổ, chơi đàn, bơi lội và những sinh hoạt khác. Chúng tôi có cơ duyên chở các em Rô và Lu đi học cùng trường, sáng nào anh em cũng gặp nhau, anh đưa con đi đúng nơi hẹn để chúng tôi chở các em đến trường. Vẫn nụ cười đó, vẫn cái vẫy tay chào đó. Anh lúc nào cũng vui vẻ, hiền từ và có khuôn mặt rất phúc hậu. Ah, và vẫn chiếc sẽ truck nhỏ và cũ đó, nhưng anh vẫn vui vẻ và biết ơn nó cho đến khi về hưu.

Rồi có những lúc cần giúp người khác hoặc gia đình khó khăn về tài chánh hoặc để nuôi con ăn học, anh phải đi tiểu bang xa để làm việc. Việc gì anh cũng không từ nan, miễn đó là chánh nghiệp.  Dù ở tiểu bang lạnh xa xôi, anh vẫn vui vẻ vừa làm việc vừa thưởng thức cuộc đời và đi săn ảnh. 

Tuy anh làm vất vả, nhưng anh cũng tranh thủ chở các em đi chơi vacation và nhất là về Việt Nam thăm lại cội nguồn của mình. Đó là những kỷ niệm rất đẹp mà anh luôn trân quý. Ngoài là một người mẫu mực với gia đình, bà con thân thuộc ai cũng yêu mến anh vì tính tình của anh và giọng nói cười sảng khoái. Nụ cười quá thoải mái của anh đôi khi được chị Thu nhắc là cười / nói nhỏ lại, mà anh cười bằng giọng không được thì anh cười bằng mắt. Nếu chúng ta nhìn rõ thì thấy ở anh có tuyệt điểm đó.


Anh một con người lạc quan yêu đời. Anh cũng đã trừng trải nghiệm qua 3 cái cửa của cuộc đời. Sau khi trở lại từ cõi chết, anh lại càng yêu đời hơn, lạc quan, nhẹ nhàng trong từ hơi thở. Rồi cuối cùng, anh lại bước qua cánh cửa thứ 4, chúng em lại hoan man và hối tiếc là chưa có cơ hội ngồi thở, cười cùng anh trước khi anh nhắm mắt.

Nói tóm lại, anh ấy có một con người tử tế, đẹp từ trong ra ngoài, và thực sự anh đã làm cho những người chung quanh anh và trái đất càng đẹp hơn này. Anh đã và sẽ tiếp tục tác động đến nhiều người, trong đó có em. 

Anh thật sự được thanh thản và hài lòng với mọi thứ trong cuộc sống. Anh đã sống hết mình. Anh hãy thong dong nhẹ bước về phương Phật anh nhé. Thôi thì, em thở cho anh đây. Em mỉm cười cho anh đây, và em sẽ treo hình mình chụp cho anh đây. Em cũng sẽ đọc sách thêm cho anh đây.

Anh Nguyễn Sanh Tỵ vẫn còn đây trong tâm trí, trong sự yêu thương của tất cả chúng ta. Chỉ khác là anh đã đi chơi xa, rồi sẽ có ngày gặp lại.  Anh hãy nhẹ nhàng như bao chuyến đi mình chung cùng anh nhé. Mong anh diện kiến chư Phật xong, hội ngộ Ta Bà để chúng ta tiếp tục hành trình áo lam trong tinh thần tư bi, trí tuệ và dũng cảm hay chỉ đơn thuần là một người Phật tử Việt Nam. Thôi thì, để em hát đưa tiễn anh lần cuối.


          TIỄN MỘT NGƯỜI ANH


Giã từ cõi tạm anh đi

Tình thương ở lại lâm li vô thường

Anh đi lóng lánh hạt sương

Thu buồn hờ hững nhớ thương vô cùng

Tình Lam có thuỷ có chung

Có Bi Trí Dũng chung cùng hướng đi

Bao người giọt lệ vành mi

Nhớ anh trung hậu luôn vì đàn em!


Anh đi vạt nắng qua thềm

Hư không tĩnh mịch êm đềm hư vô.


Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Tâm Thường Định và Nguyệt Giác Nghiêm kính tiễn.


No comments:

Post a Comment