Showing posts with label Thích Huyền Vi. Show all posts
Showing posts with label Thích Huyền Vi. Show all posts

Thursday, May 14, 2020

Thích Huyên Vi: Phật Giáo và Giáo Dục

Phật giáo và giáo dục là hai nguyên động lực lớn mạnh luôn luôn đóng một vai trò vô cùng quí giá cho sự tiến bộ và nền văn minh của nhân loại. Trong bài nầy, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài ý kiến làm thế nào sự học tập, nghiên cứu thiết thực của Phật giáo có thể giúp chúng ta giải quyết những chương trình đáng chú ý trong nền giáo dục tân tiến hiện đại.
Đã từ lâu, nền giáo dục giúp ích nhân loại trong nhiều địa hạt, đặc biệt nhất là những thành công về kỹ thuật, khoa học đã đưa con người đến sự kết hợp và đời sống tiến triển, kiểm soát được thiên nhiên, ngày nay người ta có thể lên cung trăng một cách dễ dàng, chớ không còn mơ mộng ảo huyền như trước nữa. Từ xưa lòng tin bị đặt theo truyền thống một cách quá đáng, nên sự tiến bộ về kiến thức cũng như khoa học kỹ thuật kỳ diệu không được lưu tâm, sự suy vi của các tôn giáo chánh thống ngày càng rõ ràng hơn. Ngoài ra chúng ta còn thấy có những sự phát hiện và thay đổi rộng lớn về chính trị cũng như về xã hội. Trong sự tương phản ấy, khoa học và kỹ thuật đã bị tổn thương; theo lòng tin cổ truyền, tôn giáo đã thắng thế một cách đáng chú ý, không còn nghi ngờ gì nữa. Ngày nay dân chúng rất sáng suốt và khôn ngoan, ít xu hướng và không dể bị lường gạt như trước. Đặc biệt là giới thanh thiếu niên, khi hỏi về tôn giáo thì thường đặt những câu hỏi thích đáng và yêu cầu được giải đáp bằng những chứng cứ cụ thể. Giới trẻ hiện nay rất thích nghiên cứu Phật giáo, vì những nguyên tắc căn bản của Phật giáo được đặt trên sự thực vĩnh viễn, Phật giáo không bao giờ xung đột với khoa học hay những phương pháp mới của các nhà giáo dục hay Tâm lý học.
Ngày nay chúng ta ai cũng nhận thấy rằng sự tiến bộ về tiện nghi vật chất của nền văn minh khoa học, đã đưa nhân loại đi trên con đường thoái bộ về đạo đức, khổ sở về tinh thần và sau cùng sẽ bị tiêu diệt oan uồng. Hiện nay có nhiều tình trạng bất an và xung đột gây lắm khổ đau cho nhân loại hơn thời kỳ đức Thế tôn giảng huấn thời pháp đầu tiên của Ngài cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Sự tiến bộ về kỹ thuật đã cung cấp cho nhân loại những lạc thú tạm bợ bên ngoài, không phải là sự an vui vĩnh viễn bên trong. Hạnh phúc chân thật, trường tồn phải đặt trên sự thỏa mãn về tinh thần. Đời sống là một sự tiến bộ nhứt thời, từ sự buồn phiền nầy đến sự khổ đau khác và ở khoảng giữa thì được gọi là những vui thú trần gian. Phật giáo không bao giờ chống lại sự tiến bộ về vật chất hay tinh thần, mà chỉ chủ trương con đường Trung đạo (Majjhima-patipadã) để tránh mọi cực đoan giữa các điều “thái quá” và “bất cập” của cuộc sống.
Sau đây chúng ta hãy xét lại vấn đề Phật giáo và giáo dục.
Theo thứ tự thuộc niên chế đại học, giáo dục dành quyền ưu tiên hơn Phật giáo. Từ xưa nhân loại đã phát minh nhiều kỹ thuật giáo dục cho thế hệ trẻ. Người xưa thường giáo dục con cháu về nghệ thuật sống. Trong thời gian qua, nhiều hệ thống giáo dục khác nhau đã được thi hành. Tại Ấn độ, sự giáo dục là một phương thức cứu vớt tâm hồn. Tại Trung hoa, nền giáo dục chú trọng về nhân văn và nhứt là những gì liên quan đến sự lợi ích trên thế giới như tính giao hữu giữa nhân loại, các tổ chức xã hội, ngoại giao. v.v… Trái lại ở Nhật bản thì phần lớn liên quan với chủ nghĩa quốc gia và truyền thống quân đội. Đồng thời các quốc gia Tây phương xuất hiện từ sự bảo thủ chủ nghĩa, đình đốn các sự nghiên cứu văn học và lịch sử thời Trung cổ (medisevalism). Khi đức Thích Ca Mâu Ni giảng huấn bài pháp đầu tiên cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhân loại đã bắt đầu chú ý đến bài học ấy vì tánh cách quan hệ về siêu thế giới (supra-mundanẹ). Cả hai Tây phương và Đông phương đều có sự tìm kiếm và khao khát về kiến thức liên quan đến đời sống hiện tại và tương lai. Đây là kết quả của sự giác tỉnh tinh thần. Những lý thuyết tương phản và sự suy nghĩ lầm lẫn do kiến thức mù quáng gây ra, là kết quả của nhiều sự rối loạn và mâu thuẫn. Trong thời gian đức Phật còn tại thế, Ngài phải dùng sức mạnh vô địch để chiến đấu những ý kiến bảo thủ và vô minh. Ngài đã hoàn thành sứ mệnh nầy bằng một phương pháp duy nhứt và siêu việt. Ngài đã phân tách cả hai đời sống và sự sống cho con người. Trong Phật giáo: Tôn giáo, triết học, đạo đức học, tâm lý học và xã hội học, tất cả đều hỗ trợ lẫn nhau, trở thành một hệ thống bao quát về tư tưởng, trong sự tương quan trực tiếp giữa nhu cầu và nguyện vọng tha thiết của nhân loại. Tóm lại, đây là một nền triết học ứng dụng đến mỗi trạng huống của nhân loại và đời sống xã hội. Một trong mục đích chính của Phật giáo là làm cho con người cố gắng thực hiện và tiến triển bằng khả năng cao nhứt của họ qua sự tiến bộ thức tỉnh bên trong. Mục đích nầy không bao giờ mâu thuẫn với đường hướng hay chủ đích của nền giáo dục tân tiến. Mục tiêu chính yếu của nền giáo dục nầy là sự tiến bộ hoàn hảo của nhưng khả năng tự nhiên, những năng lực sẵn có và những ảnh hưởng sâu xa của cả tính con người qua một trạng thái giàu kinh nghiệm khác nhau. Mặc dù các nhà giáo dục và các nhà tâm lý không nói làm thế nào chúng ta đạt được những khả năng và năng lực đó. Phật giáo cho biết rõ ràng kết quả của tất cả mọi việc đều do hành động tạo tác của chúng ta trong thời gian trước. Đức Phật thừa nhận luật tương quan tương duyên như là nguyên tắc chính yếu trong giáo lý của Ngài: “Khi sự vật nầy khởi, sự vật đó trở thành hiện hữu, khi sự vật nầy diệt, sự vật đó không còn hiện hữu”. (When this arises that comes into being, when this ceases that does not come into being). Giáo lý sâu sắc nầy được biết qua nhiêu danh từ khác nhau — Mối liên hệ thuộc về nguyên nhân (the causal nexus), căn nguyên tùy theo điều kiện (the conditional genesis), Luật duyên khởi (The law of dependant origination) v.v… cũng đồng ýniệm trên, Tôn giả Assaji đã nói: “Các sự vật do nhân duyên sanh, khi diệt cũng do nhân duyên diệt. Đức Thế tôn là bậc Đại Sa môn, thường thường giảng nói như thế “. (Ye dhamma hetuppabhavã, tesam hetum Tathãgata ãha, tesam ca yo nirodho, evain vãdi mahãsamano ti.Mg.trg.39.cf.Dh.A.I trg.59).
Bàn về nghĩa rộng, giáo dục cũng phân biệt hai phương diện là đời sống và sự sống. Sự tiến triển của giáo dục bắt đầu từ khi phôi thai đến lúc trưởng thành hay từ thời thơ ấu đến khi sắp viếng mộ phần. Nền giáo dục bao gồm một tổng số kinh nghiệm của nhân sinh trong quá khứ, lẫn hiện tại với một viễn ảnh tương lai. Giáo dục là sự liên quan cơ bản của cá nhân và xã hội. Cuối cùng con người trở thành tiến bộ nhờ sự giáo dục. Tư tưởng, ý kiến, hành động của mỗi người đều tùy thuộc sự giáo dục mà họ đã tiếp nhận. Khả năng thiên tánh của họ vững chắc, tốt đẹp, hay khô héo cằn cỗi cũng do sự huấn luyện và kinh nghiệm của họ đã trải qua. Đức Phật cũng đã nhấn mạnh về trạng huống đời sống quan trọng nầy.
Trong kinh Mahã Mangala, đức Phật thiết định những điều kiện cần thiết cho sự an vui hạnh phúc của nhân loại và đưa ra những điều liên quan đến cảnh chung quanh và các sự liên kết tốt đẹp. Cảnh trạng chung quanh đặt một phần quan trọng trong sự giáo dục, nhưng rất ít được những người có trách nhiệm chú ý dùng làm tiêu chuẩn để thực hành. Phật giáo cũng như nền giáo dục tân tiến rất chú trọng đến các giáo sư, họ giảng huấn đặc biệt bằng những phương pháp gương mẫu. Nếu họ giảng dạy tầm thường thì sẽ không lợi ích thiết thực và có thể đưa nền giáo dục đến chỗ suy vong.
Phật giáo cũng như giáo dục phân chia hai ranh giới cá nhân và xã hội. Mặc dù xã hội đã thay đổi và đang liên tục thay đổi, nhưng những điều mà đức Phật đã giảng giải liên hệ đến Cá nhân và xã hội thì hãy còn đang thực hành và ứng dụng tối đa. Những động lực chính yếu thì được đặt trên nền tảng tự độ và độ tha. Đức Phật đã giảng giáo pháp là luật đạo đức của vũ trụ. Nhân loại có thể hướng dẫn đời sống trở thành an lành và hữu dụng bằng cách làm cho trong sạch tâm hồn, tránh các điều ác và siêng năng thực hành các việc lành (To avoid all evil, to cultivate good, to cleanse one’s mind — this is Teaching of the Buddhas. Dhammapada 183).
hông những xã hội mà nền giáo dục cũng đã thay đổi và đang thay đổi thường xuyên. Với mỗi khám phá mới trong nền giáo dục, mục đích, chương trình, phương pháp và tổ chức giáo dục đang thường xuyên thay đổi từ quốc gia nầy đến quốc gia khác và từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù có những khám phá và thay đổi mới, nhưng các chương trình liên quan đến cá nhân và xã hội vẫn bị thiếu sót, vì nền giáo dục tân tiến thiên về mục đích và giá trị vật chất nhiều hơn.
Trước nhất nền giáo dục tân tiến liên hệ với kiến thức và tinh xảo. Mặc dù hai động lực này cần thiết cho cá nhân và xã hội, nhưng các yếu tố đơn độc nầy không thể làm cho chúng ta an vui hạnh phúc và sáng suốt minh mẫn được. Một người có thể chất chứa một sự giàu có về kiến thức và tinh xảo, nhưng nếu người ấy hành động một cách mù quáng vì không có sự tiến bộ về tâm linh và sức mạnh về tinh thần thì đời sống của người ấy sẽ vô cùng khốn khổ.
Phải học tập và thực hành Phật giáo như thế nào để giúp chúng ta giải quyết một số chương trình chưa giải quyết trong nền giáo dục? Sự thành công hay thất bại của bất cứ hệ thống giáo dục nào cũng đều tùy thuộc một phần lớn vào các giáo sư. Sự nghiên cứu tỉ mỉ về đức Phật và các Thượng túc đệ tử của Ngài có thể đem lại nhiều lợi ích cho các giáo sư. Đức Phật quả là bậc Thầy vĩ đại của thế giới, Ngài được tôn xưng là “Sat-thã-Deva-Manussanam” nghĩa là “Thiên Nhân Sư”. Ngài đã hiểu và thực hành những điều Ngài đã giảng. Ngài đích thực là bậc Tâm lý gia đại tài, đã thông suốt mọi tâm hồn nhân loại, có nhiều điều trong Phật giáo gồm trong Tâm lý học tân tiến hiện đại. Tâm lý Phật tử được biểu lộ trong nhiều sự dự liệu của những lý thuyết phân tích Tâm lý mới. Đức Phật đã hiểu rõ và đánh giá mỗi cá nhân khi họ đến nghe giảng, Ngài đã xác nhận căn tánh của biết bao người đến với Ngài. Phương thức giảng huấn của Ngài rất dễ hiểu. Ngài lập đi lập lại nhiều lần, bằng những lời giải thích thiết thực, để gây sự chú ý và ghi sâu vào tâm trí mọi người.
Phẩm cách kỳ diệu của đức Phật có uy lực nhiều hơn là phương pháp và lời nói của Ngài. Sự điểm tĩnh của Ngài đã khiến bao nhiêu người thương mến và kính trọng. Lòng từ bi và chí lợi tha của Ngài đã làm mọi người hoan hỷ. Các đặc tính phẩm giá của Ngài bao trùm về đạo hạnh nhiều hơn. Về giáo dục cũng thế, ngoài kiến thức và khả năng chuyên môn, phẩm cách của giáo sư cũng hết sức quan trọng. Ngày nay tìm cho được giáo sư có phẩm cách đã là khó, mà vị giáo sư đó lại thành công trong ngành giáo dục lại càng khó hơn. Chúng tôi mong những chương trình tu nghiệp giáo sư viện đại học sẽ lưu ý tối đa về động lực cốt yếu này. Phật giáo và giáo dục đều cần tuyển chọn những giáo sư có phẩm hạnh và tài năng.
Phương pháp học cũng phải được đặt một vai trò quan trọng trong nền giáo dục. Thời gian đức Phật còn tại thế cũng như trong nhiều thế kỷ đã qua, phương pháp giáo dục được ứng dụng về khẩu vấn một cách thuần túy. Truyền thống khẩu vấn nay có lắm điều hay mà cũng có nhiều điều dở. Ngày nay chúng ta được nhiều điều kiện may mắn hơn xưa, nhờ những dụng cụ mới phát minh, giúp cho sự giảng dạy rất dễ dàng, thuận tiện cho cả giáo sư và sinh viên, nhưng kết quả lại không được như ý.
Kỹ thuật của Phật giáo có phần hữu hiệu hơn. Chúng ta được biết kiến thức chỉ là bước đầu của sự học. Chúng ta nghe những sự thật sống động, rồi suy nghĩ những điều đã nghe đã thâu thập. Sau đó suy nghiệm và cuối cùng chúng ta thấy có sự tiến triển trực giác một cách chân thật.
Trong sự tiến triển về các phương tiện giáo dục, phương pháp giáo dục, chúng ta cần chú ý đến bản chất giáo dục. Một nền giáo dục thiếu bản chất sẽ làm cho kẻ hấp thụ dễ vong bản, tăng tự tôn. Bản chất của nền giáo dục là tinh thần đạo đức của nền giáo dục đó. Một quốc gia có trình độ giáo dục cao nhưng tinh thần đạo đức kém, quốc gia ấy chẳng sớm thì muộn cũng bị suy vong vì kết quả của sự giáo dục ấy chỉ đúc kết nên những bộ óc tính toán mà không biết rung động. Một nhà giáo thiếu nền tảng ấy cũng chỉ là một cái vỏ rỗng nhiều màu sắc, không đủ điều kiện để truyền thụ thiêng liêng giữa Giáo sư và Sinh viên. Sự giáo dục vì vậy chỉ làm cách xa tình thầy trò.
Những cái học nếu chỉ bồi bổ cho nhu cầu trí thức không thôi, và nếu trí thức ấy không có đạo đức hướng dẫn, kết quả chỉ là một nền giáo dục nguy hại. Phật giáo, vì vậy, có đầy đủ yếu tố để hướng dẫn giáo dục và tạo một sinh khí mới trong nền giáo dục tân tiến hiện tại.
THÍCH HUYỀN VI(Trích Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, số 48, 1975)