Showing posts with label Thích Minh Châu. Show all posts
Showing posts with label Thích Minh Châu. Show all posts

Thursday, May 14, 2020

Thích Minh Châu: Đức Phật Với Vấn Đề Cải Tiến Xã Hội

ĐỨC PHẬT VỚI VẤN ĐỀ
CẢI TIẾN XÃ HỘI
HT. Thích Minh Châu

Diễn văn của T.T.Thích Minh Châu,Viện Trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh,
đọc trong dịp Phật Đản 2515 (9-5-71) tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
Một hiểu lầm đáng tiếc nữa đối với Phật giáo là đạo Phật chỉ chú trọng về tâm linh, những lý tưởng đạo đức siêu phàm, không để ý đến vật chất con người; và đức Phật với Giáo hội Tăng già hoàn toàn đặt những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội ra ngoài phạm vi hoạt động của mình. Và như vậy không thể có đề tài Đức Phật và vấn đề Cải tiến Xã hội. Thật không có sự hiểu lầm nào tai hại và nguy hiểm hơn. Đức Phật bao giờ cũng nhìn con người toàn diện nghĩa là gồm có danh (nàma hay tâm) và sắc (rùpa hay sắc thân) và hai phần tử này của con người hoàn toàn liên quan mật thiết với nhau. Chúng ta có thể nói, một đời sống tâm linh trong sạch, phản ứng tốt đẹp khiến thân thể trong sạch, không bệnh hoạn. Và một thân thể trong sạch tráng kiện đưa đến một đời sống tâm linh thuần khiết. Không thể có sức khỏe trong những tâm hồn bệnh hoạn, cũng như không thể có những tâm hồn thánh thiện trong những thân thể bạc nhược. Đức Phật sở dĩ luôn luôn giữ trên mặt Ngài một nụ cười siêu thoát (Hasituppàda citta) vì thân tâm của Ngài đều thật sự giải thoát. Cho nên, “đối với Đức Phật, không thể có hạnh phúc mà không sống một đời sống trong sạch, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tâm linh; nhưng Ngài biết rằng sống một đời sống như vậy không phải dễ dàng trong những điều kiện xã hội và vật chất không thuận tiện.” [1]
Đức Phật nhìn đời sống con người một cách toàn diện, không tách rời đời sống kinh tế, xã hội, chính trị ra khỏi đời sống tâm linh và nếu chúng ta biết đến quá nhiều những lời dạy của Đức Phật về giải thoát, giác ngộ, chúng ta biết rất ít những quan điểm của Ngài về kinh tế, xã hội, chính trị mà thật sự Đức Phật đã nhiều lần đề cập đến trong những lời thuyết giảng của Ngài.
Kinh Cakkavatti sìhanàda (Sư tử hống chuyển luân pháp vương kinh, Trường bộ kinh số 26) nêu rõ nguồn gốc của vô đạo và tội ác, như trộm cắp, bạo động, thù hận là do sự nghèo đói túng thiếu (dàliddiya) và Kinh Kùtadanta (Trường Bộ Kinh, tập II, tr.135) đã giới thiệu một phương pháp thuần túy kinh tế để giải quyết nạn cướp bóc: Này Đại vương, vương quốc này chịu tai ương, chịu ách nạn như vậy, nếu Tôn vương đánh thuế má mới, như vậy Tôn vương hành động sai lạc. Nếu Tôn vương có ý nghĩ “Ta hãy diệt trừ bọn giặc cỏ này hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cầm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất. Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không được diệt trừ một cách an toàn. Những bọn còn lại không bị hình phạt, sau lại tiếp tục hoành hành vương quốc này. Nhưng nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được diệt trừ một cách hoàn toàn. Những ai trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, tôn vương hãy cấp hạt giống và thực vật; những ai trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, tôn vương hãy cấp vốn đầu tư; những ai trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, tôn vương hãy cấp vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không hại quốc độ nhà vua. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng.” Đức Phật rất ý thức đến sự thoải mái kinh tế và xem sự yên tâm đầy đủ về tiền bạc là rất cần thiết cho hạnh phúc con người. Trong khi thuyết giảng cho cư sĩ Cấp Cô Độc (Anàthapindica) một vị đã thiết lập tịnh xá Kỳ Đà (Jetavana) và dâng cho Ngài, Đức Phật đã đề cập đến bốn loại hạnh phúc cho một cư sĩ: “Sở hữu lạc – Atthisukha, sự sung sướng khi có tài sản tiền bạc đầy đủ, thọ dụng lạc – bhogasukha, sự sung sướng khi thọ dụng tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho mình, cho gia đình, bà con bè bạn và trong những việc công đức, vô trái lạc – Ananasukha, sự sung sướng khi khỏi phải nợ nần vay mượn và vô tội lạc – anmajjasukha, sự sung sướng khi sống một đời sống trong sạch không tội lỗi. Ba sự sung sướng đầu thuộc về kinh tế, sự sung sướng thứ tư thuộc về tâm linh và chúng ta sẽ thấy rằng dầu đạo Phật chấp nhận sự cần thiết kinh tế cho hạnh phúc con người, Đức Phật xác nhận với cư sĩ Cấp Cô Độc rằng, hạnh phúc về kinh tế đáng một phần mười sáu của hạnh phúc tâm hồn, phát sinh từ một đời sống không lỗi lầm và hướng thiện (Anguttara Nikàya, Colombo 1929, tr.232, 233). Khi nói chuyện với Sigàla, Đức Phật đi sâu vào chi tiết để dành tiền bạc và tiêu dùng. Ngài khuyên Sigàla nên dùng 1/4 lợi tức vào sự tiêu pha hằng ngày, 1/2 lợi tức để đầu tư kinh doanh và 1/4 lợi tức đề dành khi có tai nạn nguy cấp (Digha II, Colombo 1929, tr.115). Đối với Giáo hội Tăng già, Đức Phật giải quyết vấn đề kinh tế một cách thần kỳ với phương pháp “khất thực” và chính nhờ vậy mà các Giáo hội Nam Tông đã tồn tại và phát triển hơn 2515 năm và thắt chặt sự hỗ trợ liên hệ giữa Tăng già và cư sĩ. “Có thực mới vực được đạo” là lẽ tất nhiên nhưng thực quá nhiều thì đạo cũng sụm luôn, nên Đức Phật luôn luôn khuyên các vị Tỳ kheo không được dự trữ tiền bạc và đồ ăn uống. Chúng ta thấy rõ các tu sĩ tư bản và các tôn giáo tư bản, họ càng thành công trong địa hạt vật chất kinh tế bao nhiêu, họ càng thất bại trong lãnh vực tâm linh tu hành bấy nhiêu. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh sự phát triển đạo đức và tâm linh. Con người gồm cả khả năng vật chất và tinh thần, thiếu sự thăng bằng giữa hai khả năng này, thì con người không thành con người và chỉ dấn thân vào đau khổ và trụy lạc.
Trên địa hạt xã hội hai sự thành công rõ rệt nhất trong thời Đức Phật còn tại thế là sự bãi bỏ chế độ giai cấp và sự thiết lập Giáo hội Ni chúng. Theo tôn giáo Ấn Độ, có bốn giai cấp hoàn toàn biệt lập: Trên tất cả là giai cấp Bà La Môn, gồm các ẩn sĩ tu hành, hành lễ các tế đàn, thứ đến giai cấp Sát đế lỵ, gồm các vua chúa quan liêu, trị nước an dân, thứ ba đến giai cấp Phệ xá, nông nghiệp kinh doanh, cuối cùng là giai cấp Sùdra (Thủ đà la), giai cấp nô lệ phục vụ cho ba giai cấp trên. Gia cấp Thủ đà la bị ngược đãi khinh bỉ đến nỗi một người Thủ đà la đến gần một giếng nước mà để bóng mình chiếu xuống nước, thời giếng ấy xem như đã trở thành nhơ nhớp, không dùng được cho ba giai cấp trên và người Thủ đà la vi phạm tội ấy có thể bị ném đá cho đến chết. Chúng ta nhớ đến sự tích Ngài Ananda khi xin nước uống với một thiếu nữ Thủ đà la, thiếu nữ ngần ngại không dám đưa nước mời uống vì giai cấp hạ tiện của mình; Ngài Ananda đã trả lời: “Tôi xin nước uống chớ không xin giai cấp.” Trong kinh Ambatthasutta (Trường Bộ Kinh, tập 1, trang 99) có bài kệ sau đây nói đến vấn đề giai cấp:
Khattiyo settho janetasmim ye gotta patisàrino vijjàcarana sampanno so settho devamanuseti
Đối với chúng sanh tin tưởng ở giai cấp, Sát đế lỵ chiếm vị trí tối thắng ở nhân gian. Những vị nào giới hạnh và trí tuệ đầy đủ, vị này chiếm địa vị tối thắng giữa người và chư thiên.” Chữ Tuệ ở đây được giải thích là một vị đã thành tựu vô thượng trí đức không có luận nghị đến sự thọ sanh, không có nghị luận đến giai cấp hay không có nghị luận đến ngã mạn với lời nói: “Người bằng ta hay người không thể bằng ta.” Chúng ta được biết đức Phật thâu nhận vào Giáo hội Tăng già bất cứ giai cấp nào, miễn rằng các vị này tuân theo Pháp và Luật của Ngài. “Đức Upàli, trước kia là thợ cạo, giữa đám đông các vị khác, được chọn làm đại đệ tử chuyên về giới luật. Đức Sunita, được các vua chúa và hàng quý tộc trong nước tôn kính như bậc A la hán, chỉ là người hốt rác. Triết gia Sàti là con một ngư ông. Cô gái giang hồ Ambapàli được chấp thuận vào Giáo hội và đắc quả A la hán. Rajjumàla, được Đức Phật cảm hóa lúc nàng sắp sửa quyên sinh, là một cô gái nông nô. Punnà, cũng thuộc giai cấp nông nô, được Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu nhập hạ trong lúc Ngài từ chối trưởng giả Cấp Cô Độc, chủ của nàng. Subhà là con gái của người thợ rèn. Càpà là con gái của một người đuổi nai cho thợ săn. Những trường hợp tương tự, còn nhiều trong kinh điển, chứng tỏ rằng cánh cửa của Phật giáo rộng mở cho tất cả mọi người, không có một sự phân biệt nào” (Đức Phật và Phật pháp, trang 279). Và chúng ta đều nhớ câu kệ sau đây trong kinh Vasalasuta (Suttanipata):
“Là cùng đinh, không phải do sanh trưởng,
Là Bà la môn, không phải do sanh trưởng.
Do hành động, người này là cùng đinh,
Do hành động, người kia là Bà la môn.”
Sự thành lập Giáo hội Tỳ kheo Ni cũng là một thành công xã hội rất lớn của Đức Phật, đối với nữ giới mà dân Ấn Độ Bà la môn giáo thường hay khinh rẻ và một nhà văn hào Ấn Độ, ông Hemacondra xem nữ giới như những ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục (Maracamàrgadvàaya dipikà). Nếu chúng ta đọc kỹ kinh Kùtadantà (Trường bộ kinh, tập II, trang 142) về các loại tế đàn, chúng ta sẽ nhận thấy Đức Phật mong đợi một xã hội, trong ấy người vật không tàn hại lẫn nhau, trong ấy mọi người sinh sống và làm việc trong niềm hoan hỷ tự do như đoạn văn sau diễn tả: “Này Bà la môn, trong tế đàn của các vị này cũng vậy, không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có loại sinh vật nào khác bị sát thương, không có cây cối bị chặt để làm cột trụ tế lễ, không có loại cỏ dabbha (cỏ cát tường) bị cắt để rải xung quanh đàn tế. Và những người gia bộc hay những người đưa tin, hay những người làm thuê không bị dọa nạt bởi hình phạt, không bị dọa nạt bởi sợ hãi và không làm việc trong than khóc với nước mắt tràn đầy mặt mày. Chúng muốn thì chúng làm, chúng làm những gì chúng muốn, chúng không làm những gì chúng không muốn.” Từ lãnh vực xã hội, bước qua địa hạt chính trị, dầu Đức Phật luôn luôn giữ vững lập trường và vị trí của một bậc tu hành, Đức Phật cũng nhiều lần có những quan niệm hòa bình chiến tranh rất rõ rệt. Đối với đạo Phật không có chiến tranh nào có thể được gọi là chân chánh, vì người chiến thắng và hùng mạnh là “chánh” và kẻ chiến bại yếu thế là “bất chánh.” Chiến tranh “của chúng tôi” là luôn luôn chánh đáng, còn chiến tranh “của các anh” là bất chánh. Thật khó mà chấp nhận những quan điểm như vậy. Đạo Phật điểm thị hai nguyên nhân chính của chiến tranh, đó là lòng tham dục của con người hay nguyên nhân của những chiến tranh kinh tế, thuộc địa. Thứ hai là tà kiến hay nguyên nhân của những chiến tranh chủ nghĩa, tôn giáo. Ngày nào loài người chế ngự được lòng dục con người và trừ được những chủ nghĩa triết thuyết lệch lạc, thời mới hy vọng chấm dứt chiến tranh. Chúng ta cũng được biết sự tích Đức Phật đã thân hành ra chiến trường, ngăn cản chiến tranh có thể xảy ra giữa dòng họ Sakya và dòng họ Kolasa vì tranh chấp nước sông Rohimi. Chúng ta cũng được nhắc lại những câu hỏi khéo léo của Đức Phật đã khiến cho vua Ajàtasattu nước Magadha từ bỏ ý định đi chinh phục nước Vàjja, như đã được đề cập trong kinh Đại Bát Niết Bàn [2]. Chính trong đoạn kinh này, chúng ta được biết lập trường chính trị xã hội của Đức Phật, để một nước được phú cường thịnh trị, không bị chinh phục. Một là dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo để bàn luận sự nước việc làng. Hai là dân chúng tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết. Ba là dân chúng không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân tộc như đã ban hành thời xưa. Thứ tư là dân chúng tôn trọng đảnh lễ các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này. Thứ năm là dân chúng không bắt cóc và cưỡng hiếp những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình. Thứ sáu là dân chúng tôn trọng, đảnh lễ các tự miếu của dân tộc ở tỉnh thành và ở ngoài tỉnh thành, không bỏ cách cúng lễ đã cúng lễ từ trước, đã là từ trước đúng với quy pháp và thứ bảy là dân chúng bảo hộ, cúng dường đúng pháp các vị tu hành chân chính. Một quốc gia được sự tham gia của quần chúng đông đảo, tích cực và đúng luật pháp truyền thống như vậy thời quốc gia ấy thế nào cũng được cường thịnh, không bị chinh phục. Còn đối với vị vua cai trị một nước, Đức Phật có đề cập đến 10 đức tính (Dasaràjadhamma) của một vị vua phải như thế nào để trị nước an dân và nếu chúng ta hiểu chữ vua như chữ chính phủ hiện tại, chúng ta thấy ngay Đức Phật đòi hỏi những vị lãnh đạo quốc gia 10 nhiệm vụ hay đức tính sau đây:
  • Thứ nhất là Dàna, bố thí, nghĩa là người cai trị dân phải bố thí tiền của cho dân, chớ không tham nhũng của dân.
  • Thứ hai là Sila, giới hạnh, nhà cầm quyền phải có đức độ mới cai trị dân.
  • Thứ ba là Pariccàga hay biến xả, sẵn sàng hy sinh tất cả cho hạnh phúc và an lạc của dân.
  • Thứ tư là Ajjava, nghĩa là trực hạnh, không có quanh co tà vạy, khi dối lừa người.
  • Thứ năm là tapa hay khổ hạnh, phải sống một cuộc đời không xa hoa, phiền toái.
  • Thứ sáu là maddava hay nhu hòa, nghĩa là phải có tánh tình ngôn ngữ hòa nhã.
  • Thứ bảy là akkodha, không sân hận thù hằn đối với một ai.
  • Thứ tám là Avihimsâ, bất hại, không mưu chước hại người, không bạo động sát sanh.
  • Thứ chín là khanti hay nhẫn nhục,
  • và thứ mười là Avirodhakhông đối lập, nghĩa là không đi ngược với ý chí toàn dân. 
Như vậy một quốc gia được các vị lãnh đạo có 10 đức tính cao quý kể trên, thời quốc gia phải là một nước hạnh phúc an lạc.
Chúng tôi đã đề cập đến một vài đặc điểm của Đức Phật về những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và chúng ta được hiểu rằng, dầu Đức Phật luôn luôn đứng trên cương vị của một vị tu sĩ, đặc biệt chú trọng về giải thoát tâm linh, Ngài cũng ý thức được sự chi phối của kinh tế, xã hội, chính trị đến đời sống con người. Vấn đề được đặt ra hôm nay là ở trong một xã hội mà vật dục, thù hận, thủ đoạn ngày càng được tăng trưởng mạnh mẽ, thời một tôn giáo chủ trương ly dục, tình thương và chân trực có thể có những giá trị, hiệu năng gì thực tiễn cho đời sống xã hội hiện tại không? Nếu vật dục đem lại hạnh phúc an lành cho con người, thời vấn đề này sẽ không được đặt ra. Nhưng chúng ta đã thấy ở Việt Nam cũng như ở khắp cả trên thế giới, vật dục càng gia tăng thời con người càng bị dao động, cuồng loạn, càng ngày càng mất giá trị con người. Ở nơi đây chủ trương ly dục của Đạo Phật không có nghĩa là phủ nhận sự hiện hữu của vật chất mà chỉ có nghĩa là sự sử dụng vật chất như một người chủ, chớ không phải như một người nô lệ. Khi chúng ta là người chủ thời dầu có sống trong giàu sang, chúng ta vẫn giữ được giá trị tốt đẹp con người, còn nếu chúng ta để vật chất làm nô lệ, thời càng nghèo, càng phản ứng trái ngược với nhân phẩm… Nói một cách khác, nếu sự phát triển kinh tế là cần thiết cho một quốc gia, thì sự phát triển này phải hướng đến phục vụ cho hạnh phúc toàn dân chớ không phải biến toàn dân thành những nô lệ cho vật chất chủ nghĩa. Đạo Phật giúp chúng ta đối mặt với vật chất trên cương vị một người chủ, không phải trên cương vị một người nô lệ.
Vấn đề thứ hai, trên phương diện chính trị, Đức Phật đặt vấn đề với chúng ta, một là chúng ta chấp nhận hận thù, sợ hãi và chiến tranh là những căn bệnh kinh niên không thể chữa khỏi, để chờ một tương lai rất gần đây, căn bệnh ấy sẽ làm băng hoại toàn bộ thân thể nhân loại chúng ta bằng một cuộc đại chiến thứ ba khủng khiếp và diệt chủng. Hai là chúng ta dừng chân lại trên vực thẳm của tiêu diệt, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy lẽ phải chinh phục cuồng tín, tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, tôn trọng giá trị con người làm kim chỉ nam, để mở đường cho một sinh hoạt chính trị dựa trên Chánh pháp (Dhamma) làm căn bản chỉ đạo, như Hoàng đế A Dục đã làm. Và Chánh pháp ở nơi đây có nghĩa là tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống, và tôn trọng giá trị con người. Ba nguyên tắc chủ đạo cho mọi sinh hoạt chính trị.
Trong ngày Phật đản năm nay, trong bối cảnh một nước, một xã hội Việt Nam, bị tàn phá và rối loạn vì chiến tranh, trước hình ảnh con người nhân loại bị phá sản bởi sự chi phối của vật dục và máy móc, chúng tôi nghĩ bức thông điệp xây dựng con người căn bản của Đạo Phật và những kỷ cương chính yếu về kinh tế, chính trị và xã hội của Đức Phật vừa đề cập trên, rất đáng chúng ta suy tư và tâm niệm.
Theo đúng đường hướng Phật dạy, chúng ta phải tự cải tiến chúng ta, phải cải thiện chúng ta thành những cá thể triệt để tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống, tôn trọng giá trị con người. Chúng ta phải tự mình ý thức một cách khiêm tốn nhưng vô cùng mạnh mẽ rằng, không một cá nhân nào khác có thể cứu độ cải thiện chúng ta, chỉ có chúng ta mới có thể cải thiện chúng ta, không một nước nào có thể cứu nước Việt Nam chúng ta, chỉ có người Việt Nam chúng ta mới cứu nước Việt Nam ra khỏi sa lầy chiến tranh và phá sản xã hội hiện tại. Khi mỗi cá nhân của chúng ta đã được cải thiện, đã tự cải tiến thời đương nhiên gia đình chúng ta, học đường chúng ta, xã hội chúng ta, quốc gia chúng ta cũng sẽ được cải tiến, cải thiện theo. Cá nhân tốt đẹp thời xã hội tốt đẹp, xã hội tốt đẹp thời cá nhân tốt đẹp. Thật sự không có một ranh giới chia rẽ giữa cá nhân và xã hội và đó chính là bức thông điệp giáo dục và xã hội của ngày Phật đản hôm nay.
Quý vị cho phép chúng tôi được nhắn nhủ vài lời với anh chị em sinh viên Vạn Hạnh.
Anh chị em nên ý thức rằng tương lai cá nhân của anh chị em, tương lai gia đình của anh chị em, tương lai của Viện Đại học Vạn Hạnh, tương lai của xã hội và quốc gia Việt Nam chúng ta nằm trong tay của anh chị em, tùy thuộc vào ý thức cải thiện, ý chí cải tiến kiến thức của anh chị em, khả năng của anh chị em, tác phong đạo đức của anh chị em. Tuổi trẻ không bao giờ sợ tương lai, vì tương lai nằm trong tay tuổi trẻ. Tôi xin trao tay cho anh chị em bức thông điệp của ngày Phật đản hôm nay.
 Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
(Trích Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Số 3, 1971)
________________________________________
[1] Con Đường Thoát Khổ. W Rahula. Thích Nữ Trí Hải dịch. Tu thư Đại học Vạn Hạnh. Saigon 1967, trang 120.
[2] Đại bát Niết Bàn Kinh, Thích Minh Châu dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Saigon 1967, tt. : 11-12-14.

Thích Minh Châu: Sứ Mệnh Của Viện Cao Đẳng Phật Học


* Diễn văn Khai mạc Lễ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức
của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục Ngày 28-11-1974.
Kính thưa Quí liệt vị,
Với sự thành lập Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang này Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất có được hai Viện Cao đẳng Phật học, hai cơ sở giáo dục Phật giáo thượng thặng nhất Việt nam, hai tổ chức giáo dục Tăng Ni sinh, nhằm đào tạo những vị quán thông Tam tạng Giáo điển và những cán bộ lãnh đạo ưu tú và nồng cốt cho Giáo hội trong hiện tại cũng như trong tưong lai. Sự thành hình và có mặt của Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang này nói lên được sự sáng suốt, lòng quyết lâm trì chí và sự hy sinh của các vị lãnh đạo đã luôn luôn nghĩ đến tương lai của Giáo hội và thế hệ trẻ Tăng Ni hiện tại. Và hôm nay, trong khung cảnh tưng bừng và trang nghiêm của lễ Khai mạc Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang, với sự hiện diện và chứng minh của Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, với sự quy tụ của Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni các Tỉnh Giáo hội, với sự vân tập tụ hội của chư vị Nhân sĩ, Quan khách và Phật tử địa phương, lễ Tấn phong và lễ Khai giảng hôm nay nói lên được sự hân hoan cao độ của Giáo hội và của Tăng Tín đồ, và sự tán thành và hỗ trợ của tất cả những nhân sĩ ưu thời mẫn thế, lo nghĩ đến tiền đồ của Giáo hội và đất nước.
Kính thưa Quí liệt vị,
Trong hoàn cảnh phi hòa phi chiến hiện tại của đất nước, trong những rối loạn xã hội thường xuyên và những khó khăn kinh tế triển miên, sự hiện diện của Viện Cao đẳng Phật học này là cả một thử thách rất lớn đối với những vị sáng lập và điều hành cơ sở giáo dục tối cao này.
Sự thử thách thứ nhất là sự thử thách về kinh tế tài chánh. Viện Cao đẳng Phật học này phải có đủ tài chánh để lo kiến thiết các cơ sởtrường ốc, thư viện, lớp học khang trang cho hơn 80 Tăng sinh trong năm đầu, ngoài ra còn lo về chi phí giảng huấn, di chuyển cho các giáo sư và phạn phí cho số Tăng sinh nội trú. Những đòi hỏi tài chánh này là cả một thử thách rất lớn cho những vị điều hành cơ sở này và cả cho Tỉnh Giáo hội Khánh hòa.
Ngày xưa, cách khoảng 5, 10 năm, một Viện Cao đẳng có thể bằng lòng với một số Kinh điển chữ Hán, một vài vị giáo thọ thâm nho là đủ điều kiện để mở một Phật học viện. Ngày nay, một sự thử thách mới chờ đợi một Viện Cao đẳng, là chương trình giảng huấn phải như thế nào để Tăng sinh phải thấu hiểu Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo các Học phái và Phật giáo Đại thừa, không những phải thấu hiểu những tổng quát đại cương về triết thuyết, lịch sử, phương pháp hành trì, mà còn phải đi sâu vào những chuyên ban Kinh học, Luật học, Luận học, Thiền học của từng học phái. Nói một cách khác, chương trình giảng huấn phải giúp cho Tăng sinh quán thông ba Tạng Giáo điển. Nhưng vì ba Tạng Giáo điển quá dồi dào và phong phú nên chương trình giảng dạy phải được soạn thảo, vừa đặt nặng về phần quán thông, vừa đi sâu vào phần chuyên khoa nghiên cứu. Dung hòa được hai đòi hỏi trên là cả một thử thách lớn lao cho ban Học vụ của Viện Cao đẳng Phật học.
Chính từ sự thử thách chương trình này đưa đến một sự thử thách khác liên hệ, đó là sự thử thách về ngôn ngữ danh từ. Nếu chương trình Phật học muốn cho được đầy đủ phải bao gồm cả Tạng Sanskrit, Tạng Pãli, Hán Tạng, Tạng Tây tạng, thời một Tăng sinh ở Viện Cao đẳng phải học những cổ ngữ như Sanskrit, Pãli, Tây tạng, Hán văn, cộng thêm các sinh ngữ liên hệ đến nghiên cứu Phật học như Nhật ngữ, Hoa ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ v.v… và cũng vì sự nghiên cứu Phật học đòi hỏi một số cổ ngữ, sinh ngữ phức tạp như vậy, phương pháp mới, một hình thức mới. Nếu xưa kia cách đây 10 năm, chúng ta có quyền để 10 năm để học Hán tự, và học cũng chỉ đọc được hiểu được mà thôi. Ngày nay, thời gian không cho phép chúng ta làm như vậy. Chúng ta chỉ có quyền để dành tối đa là 4 năm để học một cổ ngữ hay sinh ngữ, và học ở đây đòi hỏi phải học được, nghe được, hiểu được, nói được và viết được. Sự thử thách phải áp dụng một phương pháp dạy mới và học mới để tiết kiệm thời gian và kiện toàn vấn đề nghiên cứu, cũng là một thử thách nan giải, đòi hỏi rất nhiều thiện chí và phương tiện.
Chắc một số Quý vị có thể hỏi, làm gì phải học nhiều và phiền phức như vậy. Khổ hải thời vô biên thật, nhưng «Hồi đầu là thị ngạn» có học cho nhiều không bằng học được câu thơ này của một Thiền sư Việt nam:
«Kinh điển lưu truyền tám vạn tư.
Học hành không thiếu cũng không dư.
Năm nay tính lại chừng quên hết.
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ».
Câu nói trên trong khung cảnh một cốc thiền, một am tranh, dựa vào một đồi thông gần núi Ngự sông Hương có thể phác họa lên một bức tranh giải thoát tuyệt đẹp. Nhưng trong khung cảnh của một Cao đẳng Phật học, lấy học Phật làm căn bản, nhất là so sánh với trình độ nghiên cứu của các Trung tâm Phật học Quốc tế, và các Đại học Quốc tế, sự thử thách này không cho phép chúng ta tô bồi lên những màu sắc vừa đẹp vừa thơ, mà bắt buộc chúng ta phải áp dụng những kỹ thuật học sinh ngữ, cổ ngữ tối tân, có thể khô khan và phiền toái, nhưng rất có hiệu năng và thiết thực.
Từ nơi sự thử thách về phương pháp học và chương trình học, chúng ta bước qua một sự thử thách khác quan trọng hơn, một sự thử thách về chánh kiến mà chính đức Phật đã tự thân đối mặt và khắc phục trong thời kỳ Ngài còn tại thế. Như tập Trường Bộ Kinh (Digha-Nikàya) và Trung Bộ Kinh (Majjhima- Nikàya) đã ghi nhận, đức Phật đã đối mặt với 02 tà thuyết trong kinh Phạm Võng (Brahmajalasutta), với lục sư ngoại đạo như Pũrana Kassapa, Makkhali Gosala trong kinh Sa Môn Quả (Sãmannaphalasutta), với chủ trương bốn giai cấp của Bà la môn giáo trong kinh Ambatthasutta, với lòng tin tưởng nghi lễ tế đàn cũng của Bà La Môn giáo trong kinh Kutadantasutta. Ngoài ra chúng ta được biết lập trường của đức Phật đối với phương pháp khổ hạnh của Ni kiền tử Nãtaputta trong kinh Kassapasihanada v.v… Trong các kinh trên đức Phật đã phân tích và phân biệt giữa các tà giáo với giáo lý chính. Ngài phát huy, cùng nêu rõ giáo pháp tu hành của mình đối với các phương pháp tu hành ngoại đạo. Ngày nay, Viện Cao đẳng Phật học phải đối mặt với sự thách thức về chánh kiến và pháp môn với các chủ nghĩa duy vật, duy linh, hiện sinh, các triết thuyết tôn giáo, Đông, Tây, Kim, Cổ, và cũng vì sự đối mặt về chánh kiến này mà một Viện Cao đẳng Phật học không thể bỏ qua môn Tỷ giảo học và phương pháp phân tích, để nêu rõ đâu là chánh kiến, đâu là tà kiến, đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, như đã được đề cập trong kinh Kãlamasutta và kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh). Ngoài ra một Viện Cao đẳng Phật học cần phải khai thác những môn học rất đặc biệt trong Phật giáo như Luận Lý học của các tập Nhơn minh, Tâm lý học, Phân tâm học của các tập A tỳ đàm, các quan điểm về Chính trị học, Xã hội học, Nhân chủng học, Y học v.v… của đức Phật được tìm thấy rải rác trong những kinh điển. Đó là những môn học mà một Viện Cao đẳng cần phải khai thác, để chúng ta giới thiệu kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, vô cùng thiết thực của Phật pháp, sự đóng góp của Phật giáo vào gia tài văn hóa nhân loại, và cũng để chứng minh rằng:
«Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mịch Bồ Đề,
Diệc như cầu thố giác».
Hơn thế nữa, chúng ta cần phải ý thức được vị trí của Phật giáo Việt nam trong cộng đồng các nước Phật giáo ở Đông nam á và Á châu và vai trò mà Phật giáo Việt nam có thể đóng góp cho Phật giáo nhơn loại nói chung. Không ai có thể phủ nhận sắc thái đặc biệt của Phật giáo Việt nam và những đóng góp của Phật giáo đời Lý đời Trần vào đời sống văn hóa xã hội Việt nam. Nhưng chúng ta không thể chỉ biết có tán thán, đề cao mà không có những chứng minh văn hóa cụ thể. Do vậy một trong những trách nhiệm của Viện Cao đẳng Phật học là xây dựng một Tam tạng Giáo điển Việt nam và một tủ sách Phật giáo Việt nam, trong ấy chúng ta phải sưu tầm lại các dịch phẩm, các tác phẩm chữ Hán hay chữ Nôm của các Thiền sư Việt nam, phiên dịch, giới thiệu và phê bình. Chúng ta không có thể nói «lấp lửng con cá vàng» mà phải có những chứng minh cụ thể và thiết thực để mọi người đều thấy và đều biết. Một sắc thái đặc biệt nữa của Phật giáo Việt nam là sự dung hòa và thống nhất các Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo các Học phái. Chúng ta có thể nói nước Việt nam là quốc gia độc nhất, trong đó, cả Phật giáo Bắc tông và Nam tông được tôn trọng, hành trì và thống nhất trong ý chí và hành động. Do vậy Phật giáo Việt nam nói chung và Cao đẳng Phật học viện nói riêng có thể đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vai trò hướng tìm một chân đứng thống nhất cho tất cả học phái, một căn bản giáo lý và giáo pháp nguyên thủy đồng nhất cho tất cả xu hướng Nam tông và Bắc tông, và chỉ có vậy Sự thành lập Phật giáo Việt nam Thống nhất và Viện Cao đẳng Phật học mới thật sự có ý nghĩa tốt đẹp.
Kính thưa Quý vị,
Chúng tôi vừa đề cập đến một vài thử thách và một vài trách nhiệm để đặt rõ mục tiêu và vị trí của một Viện Cao đẳng Phật học trong cộng đồng Phật giáo Việt nam và Phật giáo Quốc tế; và nhờ vậy chúng ta sẽ tránh được những mục tiêu lệch lạc và những thế đứng sai lầm làm giảm thiểu hiệu năng đóng góp vào gia tài văn hóa Việt nam và nhân loại của Viện Cao đẳng Phật học. Trong lễ Tấn phong và Khai giảng trang trọng hôm nay, chúng tôi tha thiết trông mong rằng cơ sở giáo dục Cao đẳng Phật học này làm tròn sứ mệnh cao cả, và đứng vào vị thế chính đáng của mình, để góp phần xây dựng thế hệ Tăng Ni tương lai cho Giáo hội và cho xứ sở. Thay mặt cho Hội đồng Tổng vụ Giáo dục, chúng tôi xin chân thành tán thán tất cả Quý vị đã trực tiếp hay gián tiếp xây dựng cơ sở giáo dục thượng thặng này và giúp cho cơ sở được khai giảng trong khung cảnh tưng bừng và trang trọng hôm nay. Chúng tôi hy vọng rằng lễ Tấn phong và Khai giảng này sẽ mở đầu những trang sử mới cho truyền thống Phật học viện của Giáo hội chúng ta và đáp ứng được những nguyện vọng chân thành và tha thiết nhất của toàn thể Tăng Tín đồ Việt nam.
Xin trân trọng kính chào Quý vị.
T.T. THÍCH MINH CHÂU

Tuesday, May 12, 2020

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh: Tưởng Nhớ Một Người Thầy Trong Đạo, Tỳ Kheo Thích Minh Châu

Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Thạc-sĩ* Y-khoa Đại-học Pháp,
nguyên Giáo-sư Văn-minh Đại-cương và Văn-hoá Việt-Nam
tại Đại-học Vạn-Hạnh (Sài Gòn), nguyên Tổng-trưởng Văn-hoá Xã-hội
và Đặc-trách Giáo-dục trong Chính-phủ VNCH;
nguyên Viện Trưởng Viện Việt-Học (California), 3/2003-2/2008.
_____________________________

Tôi được biết tin Tì Kheo Thích Minh Châu đã viên tịch ở Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 2012, thọ 93 tuổi.
Tin báo đến không trực tiếp hay qua dây nói, mà từ hai người báo tin mà tôi coi như em trong lòng, đã không muốn làm rộn tôi những tháng năm mai danh ẩn tích cuối đời. Nhưng trong thực tế, cái nghiệp dạy học của tôi không dứt được. Tôi ngưng sự giảng dạy y khoa và bỏ nước, bỏ tất cả cái sự nghiệp nghiên cứu và truyền thụ y học vô tận khi được lệnh phải hạ thấp cái học và cái biết của các y sĩ tương lai xuống mức độ bệnh kiết-lị, bệnh sán lãi (mà người ta gọi là y tế nhân dân). Tôi rũ bỏ hết, chỉ đội một cái nón lá trên đầu mà xuống thuyền vì tôi nghĩ rằng nếu tôi đi tu thì phải tới được Chánh Đẳng Chánh Giác dầu có phải qua vạn kiếp khổ, nhưng bảo rằng ngừng thì không, không và không. Sự biết lỏng là đầu mối của rất nhiều khổ đau.
Lúc ấy, tôi chỉ mới tu được có mười năm.
Mười năm trước là cái duyên gặp gỡ của tôi với Thượng Tọa Minh Châu.
Trước đó nữa, tôi chỉ được nghe nói rằng Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ở chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn nơi mà anh tôi Trần Ngọc Lập, bút danh Trần Việt Sơn, có được mời tới giảng dạy, về pháp gì trong Đạo Phật tôi cũng không biết; rằng ở trường có hai vị Thượng Tọa đã đậu Tiến Sĩ Phật Học ở tu viện Nalanda Ấn Độlúc ấy đang là giáo sư. Một trong hai vị này và là người đầu tiên trong thời nay đã đi chiêm báitu học và thỉnh kinh từ Thiên-Trúc về Việt Nam, là Thượng Tọa Minh Châu.
Đạo Phật đã sinh ra ở Ấn Độchính thức là do Đức Cồ Đàm (Gotama) mà ta tôn thờ là Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) nhưng ngài chỉ xưng danh là Tathagatha Đức Như Lai, là “Đã Đến“. Ngài là Đã Đến, là Như Lai, trước hết là vì trước Ngài, đã có hằng ha sa số Phật, mỗi Phật đã chỉ xuất hiện trong một chớp mắt ở một hạt bụi của vũ trụ (như trái đất), ở đó sự sống đã làm thành những sinh vật gọi chung là “Con Người” đã đạt được những khả năng đi vào đường Đạo mà thoát khỏi cái khổ phải bám vào những cơ cấu của vật chất để tưởng rằng mình có một cái “Tôi“, một bản thể, một Être, một Sein, một Being, một không-tưởng vô thườngĐức Phật gọi “Cõi người ta” là cõi Ta-Bà (Samsara) nó chỉ chứa sự sống cho tới khi nào mặt trời hết nguyên liệu để cho nổ liên tục những trái bom nhiệt hạch (Therma-nuclear bombs). Ở những Thế-giới khác, những Lokadhatu mà Ni I.B.Horner dịch là hệ thiên hà (galactic system) chứ không phải là hệ định tinh như hệ mặt trời (solar system), có thể trong một kiếp (kappa), một a tăng kì kiếp (asankheyya) một đại kiếp (Mahakaffa), tính bằng triệu, tỉ hay nghìn tỉ năm mặt trời của cõi Ta-bà, may mắn lắm thì có một Đấng Toàn Giác xuất hiện thành Phật và dạy người đời để bước vào Chánh-Đạo. Kinh Buddavamsa (Phật-Phả) nói rằng trong khoảng bảy vô lượng kiếp này đã có Đức Difankara (Nhiên Đăng) là Đức Phật thứ bốn; ngài đã thụ kí cho một thầy tu kín tên đời là Sumedha (Thiên Huệ) đã rời lều cỏ bay đến xỏa tóc và nằm phục dưới chân Phật để cầu có thể đốt cháy được hết các chấp kiến không cho mình ngộ được Bồ đề Toàn-giác.
Qua đi một trăm ngàn kiếp và vô lượng kiếp với hai mươi ba đời Phật, Đức Sumedha đã thành một Bồ-Tát (Bodhisatta) có tên đời là Narada và đã từ cõi trời Đâu-Xuất Tusita xuống cõi trần đầu thai làm người với cái tên là Gotama, thành đạođạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Anuttara Samyaksambodhi, A-nậu-đa-la Tam-miệu (muội) Tam bồ đề). Nhưng Bồ Tát vẫn giữ nguyên cái thân phận con ngườibố thí tất cả cuộc đời còn lại của mình để dạy những ai muốn theo; hằng năm đi chân không từ Bắc Ấn xuống Nam Ấn rồi lại ngược lên trước mùa mưa gió, vào sâu trong các làng để khuyến giáo và khất thực trước khi ngồi thiền và giảng giáo lí cho các Tì Kheo và Tì Kheo Ni (nữ đệ tử) của Sangha (Tăng-già, Giáo Hội) mà ngài đã cho phép lập nên.
Đức Phật còn tự xưng là Như Lai; đã đến với các môn đồ vì một lí do nữa; là vì có những người đưa ra những nghi vấn về gốc nguồn, về thập thế, về sự tử sinh của Ngài, Phật là người hay là Pháp và có còn hay là mất khi thân hình đã tịch diệt? Như Lai đã đến thực và ngồi đó, nói đó, không phải hỏi đến cái đã qua và cái chưa tới trong cái Thời vô thủy vô chung không bao giờ hết Giáo Pháp. Thời của Phật Giáo là cái vô hình tướng do các sát-na (Ksama) nối tiếp nhau, có từ trước vụ Nổ Bùng lớn “Big Bang”, nên không gọi được là “thời gian” vì không có giới hạn như “không gian” (space) của vũ trụ hay “thế gian” (world) của người đời.
Tôi được gặp Thượng Tọa Thích Minh Châu lần đầu là trong một buổi lễ rất ngắn tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục, đường Lê Thánh Tôn vào năm 1967. Tôi ghi lại theo cái trí nhớ đã đứt khúc trong tuổi già của tôi. Thượng Toạ, mặt tròn như trăng rằm, mình mặc một tấm áo cà sa vải vàng, đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tôi đại diện cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa trong tư cách Tổng-Ủy-Viên Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục, cùng với Ông Ngô Trọng Anh, Ủy Viên Công Chánh của Chính Phủ. Chúng tôi kí cái hợp đồng cho Giáo Hội thuê cái cơ sở mới xây bởi Bộ Công Chánh trong một thời hạn là 99 năm có thể tiếp diễn, với cái giá tượng trưng là một đồng bạc. Cái Hợp đồng hôm ấy là bản khai sinh của viện và trường Đại Học Vạn Hạnh.
Thượng Tọa cho tôi biết là trường Vạn Hạnh đầu tiên sẽ chỉ có hai phân khoa, là Phật Học mà Khoa-Trưởng là do chính Thượng Tọa giữ trọng trách, và khoa kinh tế xã hội hay khoa học nhân văn, sẽ nhờ Giáo-sư Tôn Thất Thiện làm khoa trưởng. Những bước đầu sẽ rất là khó khăn, tôi đồng ý nhưng không dám có một lời đóng góp. Tuy đã có học về các Đại Học Âu-Châu từ thời Phục Hưng qua cách mệnh Pháp về những biến động của thời nay, lại đã trải qua công cuộc canh cải nền Giáo Dục Đại Học Y Khoa VN từ 1954 đến 1965. Khi chuyển từ ảnh hưởng Pháp trước Thế Chiến II sang Pháp luân của Hoa Kì sau Thế Chiến. Về tinh thần, triết lí, giáo pháp của Phật-giáo thì thực sự là khi ấy tôi mù tịt. Vả lại, lúc đó, tôi cũng còn đang điên đầu về sự xây dựng lại cái hạ tầng cơ sở của nền Giáo dục Quốc Gia và việc nâng cao sự học trong nước để có thể cộng tác và cạnh tranh (hai mặt song song) với Quốc tế. Công việc ở bệnh viện và ở trường Y Khoa Sài Gòn tôi cũng không thể rời bỏ được nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các Bác sĩ cộng tác viên lại có thêm GS. P. Petit, một thầy cũ của tôi, từ Paris sang dạy đỡ, nên tôi chỉ về bệnh viện những ngày chủ nhật khi Bộ Giáo Dục đóng cửa.
Nhưng ba tháng sau khi rút ra khỏi được Bộ Giáo Dục và Tổng Bộ Văn Hóa Xã Hội, thì một buổi sáng nọ có người cầm một bức thư của Thượng Tọa Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh đến, mời tôi lại viện, có việc muốn tham khảo. Ông muốn tôi làm một giáo sư của viện. Môn gì, ông bảo để tùy tôi chọn. Nhưng tôi chưa từng đọc một câu kinh, nghe một câu kệ và cũng không bao giờ tự mình vào trong cái chùa nào để lạy (lễ) Phật. Mà từ chối mãi không tiện, tôi đành phải nhận một giờ mỗi tuần với một đề tài mà tôi nghĩ rằng sẽ nói tự tâm vì không có sách, là “Khoa học với tôn giáo”, nhưng tôi sẽ chỉ nói về “Tôn giáo trước khoa học”. Nói cách khác, đây là vấn đề “Đạo Lí của khoa học”.
Chuyện dạy học của tôi ở Đại Học Vạn Hạnh là một Đại Học Phật Giáo còn có lắm chuyện éo le hay là oái ăm nữa. Tôi không sợ sự tùy tâm và không có sách, là vì từ tuổi nhỏ cho đến khi lớn, cha mẹ và các thầy không dạy mình cái gì thất đức; lúc đã thành người học y-khoa, lại thấy tận mắt sự tàn ác của những con người học lầm hay hiểu lầm những học thuyết và những khoa học văn minh, thì đã biết, tự biết. Mà “biết” là /bodh/ diễn thuật từ Sanskrit (Phạm Ngữ), căn của danh từ Buddha. Sự biết này không ở trong sách, không ở ngoài tâm. Khoa học của loài người đã lên cao lắm nhưng khoa học mà không có tâm là sự tàn phá của tinh thần.
Sau một năm dạy về khoa học và tôn giáo, tôi dạy về tôn giáo sơ khai và tôn giáo tiền sử, tức là một chương lớn của khoa học tôn giáo. Rồi tôi bị bệnh nặng, liệt giường gần hai tháng. Lúc hồi phục, phải dùng sách và viết bài, tôi dạy lịch sử Văn Minh (của loài người) rồi dạy Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam khi tôi học về Ngữ-lí Việt-Ngữ (Linguistique Vietnamienne). Chẳng có một mảy may là Đạo Phật. Vì khi ấy tôi đã bước vào Đường mà Đức Phật đã chỉ để tới Mặt Trăng. Và vượt Mặt Trăng.
Tì Kheo Thích Minh Châu là người đã đẩy tôi lên con đường mà từ đó tôi không ra khỏi.
Hai tháng trước ngày Phật Đảnthượng tọa Viện Trưởng tìm tôi và thỉnh tôi diễn giảng về cốt tủy của Đạo Phật tại Đại Giảng Đường của Viện. Tôi được giải thích rằng đây là lễ Vesak, không phải là ngày Phật Đản sinh, mà là gồm ba ngày một gần nhau là ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Bát-Niết-Bàn ngày quan trọng nhất của Đạo.
Càng quan trọng thì lại càng không đến cái thứ tôi. Bao nhiêu người giỏi trong viện cũng như ngoài viện, tại sao không thỉnh lại gọi đến một anh mù kinh. Tôi không biết gì cả, cái vỏ không có, biết gì đến cái lõi mà nói. Thượng tọa bảo tôi vào thư viện của trường, có khi Phật độ, thấy được chăng.
Nói đến thư viện thì tôi động lòng hiếu kì, muốn thấy tận mắt xem thư viện có được bao nhiêu quyển, so với tứ thưngũ kinh của khổng mạnh và Nho-gia thì được mấy phần, còn đọ với thư viện Vatican thì chẳng cần nói cũng biết rằng chỉ là lửa đom đóm bên cạnh mặt trời. Tôi tìm đường vào thư viện, cửa mở không khóa. Ở trong, là một cái phòng lớn, đèn thắp sáng ngày đêm ở góc có một cái bàn nhỏ, có một cô dáng người mảnh mai, mình bận áo ni cô xám, đang ngồi đọc hay dịch kinh. Tôi bước lại, tự giới thiệu, và cô nói “Dạ, thưa tôi biết. Giáo sư cần gì, tôi là Trí Hải, thủ thư của thư viện.”
Tôi học ở Pháp và đã đến những thư viện lớn nhất của nhiều nước, ở nhiều tỉnh và biết rằng thủ thư của một thư viện thường là một học giả am tường rất nhiều điều trong các sách của thư viện. Tôi hỏi cô Trí Hải ở đâu tôi có thể tìm được những lời dạy quan trọng nhất trong Giáo pháp của Đức Phật mà không bị người đời sau trích dẫn hay dịch thuật sai đi. Cô Trí Hải cho tôi biết rằng Thượng Tọa Viện Trưởng đang dịch Kinh-tạng Pali, đã xong hai quyển đầu là Trường bộ kinh (Majjihima-Nikaya), và thư viện còn có những bản dịch Anh-văn, Đức-văn, Pháp-văn và nhiều ngôn ngữ khác (Hoa, Nhật, Hàn, Nga…) tôi là giáo sư thì có thể mượn sách về nhà để nghiên cứu, cô nói là “tụng niệm”. Đột nhiên tôi nghĩ rằng trong một Giáo-lí thì không có một điểm nhỏ nào không hệ trọng, nhưng có một điểm nhỏ trọng đại nhất là điều cuối cùng mà Đức Phật nói ra với các môn đồ trước lúc Người rời cõi trần. Tôi hỏi cô Trí Hải có biết Kinh hay Sách nào nói về những ngày tận cùng của Đức Phật không, thì cô nói ngay “Kinh Đại Bát-Niết-Bàn viết rất rõ“, và cô lấy ra cho tôi cuối Trường Bộ Kinh đầu với bản dịch Anh-văn và bản dịch Pháp-văn, để tôi đem về và đối chiếu.
Tôi tìm thấy rằng Đức Phật đã bảo các học trò “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.” Và Ngài còn nói thêm “Trong năm trăm Tỷ-kheo này, Tỷ-kheo thấp nhứt cũng đã chứng minh được quả Dự lưu, không còn đọa lạcchắc chắn sẽ hướng đến Chánh giác (Sambodhi)”.
Thực là những lời khuyến khích và an ủi mạnh mẽ và tươi mát nhất của Đấng Đại Từ Đại Bi cho tất cả các môn đồ đang buồn rầu và lo lắng vì bậc Đạo-sư tối cao sắp vĩnh viễn lìa trần mà bản thân mỗi người thì còn đang ngụp lặn trong bể khổ không bờ. Tôi lúc đó, nhìn khắp nước Việt Nam, chỉ thấy những người quê mùa vô tội đang bị lột trần để quay trên lửa đỏ, nhìn ra ngoài thế giới cũng chỉ thấy những người lo lắng và bất lực trước sự đe dọa của một cuộc chiến tận thế. Còn chính mình thì mới chỉ được một giọt nước rớt xuống từ một cành dương liễu mảnh mai. Những câu nói trên mà tôi thấy trong kinh Đại Bát Niết Bàn của Trường Bộ Kinh, tôi mới chỉ hiểu một cách mập mờ và dịch ra tiếng ta đời nay, đại khái là “Tâm Trí của mỗi người, một khi đã được mở ra với Chánh Pháp, thì đã là một với Chánh Pháp, và là ngọn đèn chỉ con đường sáng, cứ vững lòng, tất cả mọi người đề sẽ tới nơi.”
Thượng Tọa Viện Trưởng ngồi nghe tôi nói không thốt một câu. Nhưng rồi năm sau đến ngày Phật Đản, tôi lại có một lời yêu cầu nữa. Tôi đăng đàn và nói về Bát Chánh Đạocon đường tu tám lằn song song mà tôi ví với cỗ xe tám ngựa, nhưng cả tám con ngựa ấy đề chỉ là ta: Nhìn thế nào, phóng thế nào, chạy thế nào, cân bằng thế nào, thở thế nào, thu thân thế nào, chú tâm thế nào, quyết chí thế nào, phải theo đúng lời dạy. Thượng Tọa tiễn chân tôi chỉ nói rằng ít ai dám giảng Bát Chánh Đạo. Tôi nói rằng rôi chỉ mới học mà thôi.
Nhưng năm sau, cái đầu đề còn khó hơn nữa. Thượng Tọa muốn tôi nói về triết lí Cổ Ấn trong thời Đức Phật.
Buổi đầu tôi nói chuyện ở Viện Đại Học Vạn Hạnh, có chừng ba bốn chục người đến nghe, tất cả đều lễ phép, không ai bỏ ngang về. Buổi thứ nhì, được năm sáu mươi, với vài vị sư áo vàng. Buổi thứ ba, nói về triết học Cố Ấn tôi rợn tóc gáy vì Đại Giảng Đường chật ních vào khoảng bảy trăm người, với một đề tài rất khô khan khắc khổ mà tôi làm thành một giáo trình cẩn trọng để cho chính tôi.
Thượng Tọa Viện Trưởng kiên nhẫn ngồi nghe với các thính giả và phê bình rằng bải giảng của tôi giống như một bài giảng của một vị thầy của Đại Học Nalanda, nơi Thượng Tọa học. Điều này không có gì lạ cả, là vì tuy các sách triết Ấn của GS. Dan Guita và của triết gia Rhadakrisnan chỉ nói rất sơ sài về tư tưởng Ấn thời Đức Phật, nhưng kinh Brahmajala, dịch là Phạm Võng, là cái lưới trời mà chính Đức Phật nói cho Tăng già, đã nói hết cả. Triết học trói buộc con người vào sự khổ đau vĩnh cữu.
Bài diễn giảng cuối cùng cho ngày Vesak của tôi tại Đại Học Vạn Hạnh là về “Tư Tưởng Xã Hội của Đức Phật“. Khi nhận đề tài này, tôi ngơ ngẩn vì chưa hề nghe thấy một người nào hay đọc được trong một cuốn sách nào của Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga về Đức Phật xã hội. Nhưng tôi được biết rằng sau khi đã bị tất các Đạo lớn từ chối, Tiến Sĩ Ambedkar đã được Phật-giáo, mới trở lại Ấn-độ, cho phép làm một buổi lễ lớn nhận một triệu người cùng đinh bị ruồng bỏ được quy y Phật, và chính ông cũng bỏ đạo cũ để thờ Đức Phật. Rằng Phó-thủ-tướng Anh và Chủ tịch Đảng Xã hội là Atla, sau khi đi dự Đại Hội của Đảng Xã Hội Miến (Myanmar, tức Burma), đã tuyên bố rằng có một đảng xã hội Á Châu đặt chủ thuyết trên lòng từ bi của Đức Phật và bỏ thuyết tranh đấu giai cấp, rằng chính sách kinh tế của Canada nói rằng chủ trương trung-đạo theo Giáo-pháp (Dharma) của Đức Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng để diễn giảng về tư tưởng Xã Hội của Đức Phật thì là một chuyện khác. Tôi lại về nhà và mỗi tối đọc cho hết năm bộ của Kinh-tạng để nhặt ra những lời dạy của Phật Tổ về những chế độ và tập quán trong xã hội Bà La Môn Giáo. Và tôi sáng mắt lên những ý tưởng tân tiến của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác hơn hai ngàn sáu trăm năm trước.
Bài giảng của tôi năm ấy đã được GS. Trần Văn Từ dịch ra Anh văn, rồi lại được Bà Celia Barclay, một nữ sĩ Anh dịch lại rồi lưu truyền trong Đạo Quaker là một Giáo phái Thiên Chúa Giáo rất uy tín ở Anh Quốc. Tôi cũng dùng bài này làm nền móng cho một cuốn sách nhỏ của tôi, tựa đề là “Đức Phật Giữa Chúng Ta.” Tôi nghĩ rằng thế giới hiện đại có thể được sáng hơn (enlightened) nếu được nghe lại những lời Phật dạy.
Trong những năm này, ngày đêm tôi học Phật và Đức Như Lai vẫn Như Lai với tôi ngoài những lúc tôi phải hành cái nghiệp trong y học và y khoa của tôi. Tôi không được học với Thầy Minh Châu một giờ một khắc nào, nhưng Thầy đã là người tiếp dẫn tôi đến chân Đức Phật, chỉ có năm bước đường và theo đúng lời dạy tối hậu của Người, “Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa.”
Nhưng những ước mong của tôi chỉ là vọng ảo. Hiệp định Paris là kế hoạch chót để làm vỡ Thế giới Đỏ và gây một chiến cuộc mới giữa răng và môi, đồng thời lại thoát thân ra khỏi một vũng lầy chưa bao giờ bị.
Tôi còn gặp lại vị Thầy cũ trong Đạo khi phải ở lại vì những xiềng xích của định mệnh. Năm 1977, Đại Học Vạn Hạnh đã bị giải thể, một buổi sáng chủ nhật tôi đang ngồi đọc truyện giải buồn thì Thầy Minh Châu được chở đến nhà tôi trên một chiếc Honda. Thầy kể rằng Thầy đã về ở Thiền Viện Vạn Hạnh tại Phú Nhuận, mỗi ngày thức giấc từ 5 giờ sáng, xuống vườn đi vòng quanh chừng một tiếng đồng hồ rồi trở về tắm gội, ngồi thiền, xong thì ngồi dịch Kinh cho đến tối. Việc dịch Kinh đã thuần thục lắm, chữ nghĩa đã thông thuộc, nhiều khi đọc một câu tiếng Phạn (Pali-ngữ) thì tay đã viết ngay câu tiếng Việt.
Thầy đã dịch xong thêm một quyển Tiểu-Bộ-Kinh (Samyutta Nikaya) và muốn tôi đến giới thiệu tập kinh mới với các Phật TửLúc ấyhằng ngày tôi phải đối đầu với những người của chế độ mới để bảo vệ sự học của các sinh viên y khoa và giữ gìn sự an ninh của các bệnh nhân của Bệnh Viện nên từ chối và nhắc Thầy rằng Viện Đại Học còn có những giáo sư lớn như Cụ Nguyễn Đăng Thục và GS Vũ Văn Mẫu, xin Thầy thỉnh các vị. Tuần sau, Thầy Minh Châu lại đến cùng với Thầy Hộ-Giác, cho tôi biết rằng Ủy ban Nhân-dân Thành-phố sẽ đến dự buổi ra mắt Bộ Kinh, và hai giáo sư Nguyễn và Vũ đều không đến, nên nhất định tôi phải có mặt.
Tôi đã đến và giảng về Trung Đạo, cái Đạo Giữa của Đức Phật, từ chối những Đường cực đoan. Sau bài giảng, tôi về thẳng nhà và hai tháng sau, bỏ lại hết mọi phiền trọc, cắt đứt mọi kiết sử, vượt biển tới Cù Lao (Pulau) Besar để chờ ngày đầu thai ở một cõi sống khác. Thầy Minh Châu vẫn gửi các Kinh sách của Thầy viết và Kinh-Tạng dịch từ Pali, bản luận án Tiến Sĩ vể Trung Bộ-Kinh, cuốn tóm lược A-Tì-Đạt Ma (Abhidhamma), cuốn Tiểu sử Huyền Trang, cuốn Đốt Đuốc Lên Mà Đi… sách nào tôi cũng đọc hết, nhập tâm và quên đi.
Tôi tiếp tục đi trên con Đường đã dài hơn hai ngàn sáu trăm năm của Phật Pháp. Không còn Thầy, tôi vào Trung-Luận với Long Thọ (Nagarjuna), vào Duy Thức với Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu), vào Thiền Hoa-Nhật và Mật Tông, không quên các vị ngoại đạo là Lão tửTrang Tử, Patanjali, Sankara như Thượng Tọa Minh Châu đã muốn tôi làm, và luôn luôn thắp sáng ngọn đuốc tâm mà Đức Phật đã nhóm lên cho mỗi môn đồ khi ngài nhập Đại Bát Niết Bàn.
TRẦN NGỌC NINH, 9/2012
(Trích Tập “Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012)
______________________________________________
Ghi chú (*): Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, học vị “Thạc sĩ” là một học vị chuyên môn trên Tiến sĩ, dành cho những Tiến sĩ muốn làm giáo sư đại học (tiếng Phápprofesseurs agrégés des universités).