Showing posts with label Thích Quảng Độ. Show all posts
Showing posts with label Thích Quảng Độ. Show all posts

Saturday, April 18, 2020

Thích Tuệ Sỹ: Cảm Niệm Ân Sư, Cẩn bạch nhân lễ Tưởng niệm Chung thất Trưởng lão Thích Quảng Độ


Khâm Thừa Quyết Định Của Đệ Ngũ Tăng Thống Ủy Thác
Quyền Điều Hành Viện Tăng Thống

Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ
Ngưỡng bạch chư Tôn Hòa Thượng
Khâm thừa Quyết Định của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tôi Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ, tự xét chướng thâm huệ thiển, nhưng Tổ giáo nghiêm, vô khả nại hà, nay phủ phục đê đầu phụng chỉ.
Song Le, hiện tại, tôi thân cung luy nhược, tứ đại bất hòa, chỉnh e trọng nhiệm khó thành, vậy nay kính thỉnh Hòa thượng Thích Nguyên Lý hiệp trợ, đồng nhiếp tâm bảo trì Tổ ấn, khâm thừa Ủy thác, y giáo phụng hành.
Ngưỡng nguyện chư Tôn Hòa Thượng chứng tri
Thị ngạn am, Pl. 2563
Tháng Ba, ngày 15
Tuệ Sỹ (ký tên)*
Sao y bản viết tay (thủ bút) của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Cảm Niệm Ân Sư,
Cẩn bạch nhân lễ Tưởng niệm Chung thất 
Trưởng lão Thích Quảng Độ


Nam mô Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Ngưỡng bạch cố Hòa Thượng Ân Sư!
Than ôi, nước chảy đôi dòng
Thuyền không bến đỗ
Nước chảy đôi dòng, dòng lệ, dòng đời, hay dòng sông đất khổ
Thuyền không bến đỗ, bến này, bến nọ, hay bến bãi phù hư.
Dòng nào rồi cũng trở về biển tánh Tỳ-lô
Bến nào rồi cũng bước lên bờ tâm Bát-nhã.
Nhưng giữa cuồn cuộn sóng trào của thị phi nhân ngã, của thế lực cường quyền, con thuyền độc mộc nhồi trên ngọn sóng, bậc hoa tiêu vẫn giữ vững tay trèo, kiên trung và vô úy. Đó là hình ảnh tuyệt trù của bậc cao tăng Phật giáo Việt Nam giữa ba đào thế thái: Trưởng lão Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN.
Nhớ Giác Linh xưa!
Ngày 27 tháng 11 năm 1928 – Mậu Thìn
Xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thác chất.
Vân thủy tam thiên cô đọng thành thể chân tâm siêu phương xuất thế
Pháp môn tám vạn lưu xuất nên trang hành giả ẩn mặt tuyệt trù
Đương lúc quê hương khói lửa mịt mù
Giữa chốn trần lao đa đoan triền phược.
Người lên đường hành cước
Mấy năm vân du xứ Ấn, tìm lại uyên nguyên Chánh Pháp. Rồi khi đất nước sạch bóng thực dân, đạo lý dân tộc tưởng có cơ duyên tái lập. Nhưng cùng lúc ấy, tham vọng bá quyền chia hai thế giới, đang đẩy dân Việt vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, được khoác cho danh hiệu tiền phong của những ý thức hệ không tưởng và một thiên đường hạ giới độc tôn.
Bấy giờ Ngài trở về Nam, góp sức cùng Chư Tôn phục hưng Chánh Pháp, khơi lại cội nguồn đạo lý tổ tiên. Hướng đi văn hóa giáo dục, dựng lại những gì đã sụp đổ, tài bồi thế hệ tương lai, xây dựng đất nước trong hòa bình an lạc, dân tộc Bắc Nam cùng chung một hướng.
Không bao lâu, Pháp nạn 1963 bùng nổ, Tăng đồ khắp nước lao tù. Ngài bị bắt giam, bị tra tấn tàn bạo. Sau khi qua cơn Pháp nạn. Ngài cùng với các hàng tri thức Phật giáo miền Nam, Tăng cũng như tục, trong môi trường giáo dục Đại học, hiệp lực xây dựng, phát huy truyền thống dân tộc trước nguy cơ xâm thực của chủ nghĩa vô thần và độc thần, đang làm tan rã tình tự dân tộc Bắc Nam.
Năm 1974 tại Đại hội kỳ 6, Ngài được đề cử đương vị Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN. Với tổ chức quy mô rộng lớn của Giáo hội, đấy là lúc Ngài có thể làm gạch nối, đưa những thành tựu văn hóa giáo dục từ Đại học vào thực tế xã hội, làm cơ sở xây dựng đất nước.
Thành tựu ấy chưa được bao lâu, đất nước thống nhất, hòa bình tái lập dưới chính sách cai trị khắc nghiệt của chế độ vô sản chuyên chính, cả nước lâm vào cảnh đói nghèo gần như tuyệt vọng, hàng vạn người bỏ nước ra đi, mặc cho số mạng trước ba đào sóng dữ. Đây là lúc chính sách nhất Tăng nhất Tự được ban hành; các cơ sở giáo dục và từ thiện của Phật giáo bị giải tán, tịch thu, chùa chiền được sung công làm cơ sở hợp tác xã. Phật giáo miền Nam được đặt trước viễn ảnh của miền Bắc, Phật giáo chỉ phảng phất trong những hủ tục, mê tín dị đoan.
Trong cương vị lãnh đạo với danh hiệu Tổng Thư Ký, Ngài vẫn giữ vững lập trường, không khuất phục cường quyền, không giải tán cơ cấu Giáo hội để trở thành một chùa nhỏ trong Quận Mười Sài Gòn.
Sau gần mười năm khống chế, bạo lực không thể khuất phục quảng đại Phật tử tín tâm bất thối, Chính quyền thay đổi sách lược. Một Giáo Hội mới được thành lập, thay thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với tư cách là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản để tập hợp quần chúng, làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ trong quần chúng.
Hòa Thượng vẫn kiên trì đường lối của Giáo hội, không xu phụ quyền thế, không làm thành viên cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Từ đó, Hòa Thượng trở thành trọng lực chống lại chính sách dùng Phật giáo như là công cụ bảo vệ chế độ.
Cũng từ đó cho đến năm 1998, Ngài trải qua các thời lưu đày biệt xứ, bị quản thúc tại gia, bị tù đày trong các lao ngục từ Nam cho đến Bắc.
Năm 1998, dưới áp lực của những vận động quy mô trong các phong trào nhân quyền, tự do tôn giáo trên thế giới, Chính quyền phải phóng thích Hòa Thượng. Tuy trở về đời sống sinh hoạt bình thường, nhưng Ngài vẫn bị Chính quyền cô lập, quản chế nghiêm ngặt bằng khẩu lệnh tại một ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn. Định lực vô úy, Ngài cùng với Hòa Thượng Huyền Quang kiên trì lập trường của Giáo hội, vận động phục hoạt Giáo hội, triệu tập Đại hội 8 bất thường tại Hoa Kỳ với sự tham gia của các vị Tôn túc vốn là thành viên của Giáo hội, đang lưu vong tại các quốc gia Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu. Từ Đại hội này, Hòa thượng Thích Huyền Quang được suy tôn đương vị Xử Lý Viện Tăng Thống, Hòa thượng Thích Đức Nhuận cố vấn Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Giáo Hội được khôi phục, tuy chỉ với cơ sở khung, nhưng trong thực tế đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh đấu tranh cho phẩm giá con người.
Cho đến tháng 10 năm 2003, sau Đại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, cơ cấu Giáo hội gồm cả hai Viện được hoàn bị, Hòa thượng Thích Huyền Quang chính thức được suy tôn đương vị Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Tiếng nói của Giáo hội đã gây ảnh hướng lớn trong và ngoài nước, trong các cộng đồng tự do nhân quyền trên thế giới.
Sau khi Hòa thượng Thích Huyền Quang Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch năm 2008, Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống suy tôn Ngài đăng lâm pháp tịch, ngôi vị Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN. Trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, Ngài đã đơn thân hướng đạo con thuyền Chánh pháp không bị lạc lối.
Thời gian trôi qua, con thuyền Chánh Pháp trong tình cảnh vận nước ngữa nghiêng, nhân tâm ly tán,
Bao độ cà tan cà nở nụMấy mùa lúa rụng lúa đơm bôngNăm tháng mỏi mòn đầu đã bạcCòn chút lòng son gởi núi sông.
Tháng 10 năm 2018, Ngài rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, nơi gắn bó bao năm trước và sau danh phận tù đày, trở về quê cũ Thái Bình. Hai tháng sau Ngài trở lại Sài Gòn, cư trú tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch. Dự tri thời chí, trước khi viên tịch, Ngài đã ban hành các Giáo chỉ ổn định sinh hoạt Giáo hội, cùng với di chúc và ủy thác sứ mệnh cho người kế thừa mà Ngài tin tưởng và chọn lựa.
Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng!
Mình hài xưa đã cháy
Còn lại bát tro tàn
Với uy nghiêm Đạo ThốngXin nguyện giữ Cương Duy.
Ô hô,
Phương trượng Thanh Minh còn lưu hình lão hạc
Thiền đường Từ Hiếu chưa ấm dáng cổ tùng
Thế sự đa đoan, đảo điên nhân ngã
Cõi đời phiền trược, đố kỵ tương tranh,
Người đã đến và đã đi, đi trong cõi tịch nhiên vô trụ, mà vẫn thường trụ trong lòng đất khổ.
Tro cốt của Người theo di nguyện sẽ hòa vào đại dương, cùng với sóng cả biển Đông theo con thuyền cứu khổ của Bồ tát Nam hải.
Bóng dáng uy nghiêm đã khuất, âm dung còn phảng phất không chỉ trong lòng những kẻ hữu duyên,
Mà trong cả Phật giáo Việt Nam, trong cả tự tình dân tộc
Giữa im lặng hồn nhiên, lòng người thổn thức,
Kính tiễn bậc Cao tăng du phương trong Vô trụ xứ
Xin dâng ba lạy này nguyên vẹn một tâm tang.
Kính nguyện Giác linh Người Cao đăng Phật quốc.
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG thượng QUẢNG hạ Độ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ NHÃ GIÁM.
Khể thủ lễ túc Giác Linh Hòa Thượng!
Môn hạ thị lập – Tỳ kheo Thích Tuệ S

Wednesday, March 11, 2020

Thoát Vòng Tục Lụy

Thoát Vòng Tục Lụy

Đại Sư Tinh Vân/Thích Quảng Độ Việt dịch

THOÁT VÒNG TỤC LỤY
Tác giả: Đại Sư Tinh Vân
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Quảng Độ
Xuất bản tại Sài Gòn năm 1962
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987
Lotus Media tái bản, 2020 tại Hoa Kỳ
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1-67800-845-1
Trích trọng chương hai

Ngọc Lâm ở Thiên Hoa Am chưa được mấy hôm thì bao nhiêu chuyện khó chịu kế tiếp xẩy ra. Số là trong Thiên Hoa Am có viên quản lý sự vụ, người thân tín của Vương tể tướng. Ngô Sư Gia đã bốn mươi lăm tuổi, người cao dong dỏng, nước da thiết bì; lúc Vương tể tướng còn là Lại Bộ Thượng Thư thì ông ta được tuyển vào làm thư ký riêng. Ông ta là người nhiều thủ đoạn, mưu kế, bản tính hay tranh đua, hiếu thắng, lời nói thì cay chua, khinh bạc, song vì mấy lần ông ta giúp mưu mà Vương tể tướng được nhà vua đặc biệt tin cậy, do đó, Vương tể tướng mới coi ông ta như một người tâm phúc. Vì việc nước bề bộn nên sau khi lễ thế phát của con chấm dứt, Vương tể tướng lại vội vàng về Kinh. Trước khi đi, Vương tể tướng giao hết công việc trong Thiên Hoa Am và tiểu thư cho Ngô Sư Gia trông nom. Ông cũng dặn mọi người trong chùa phải đặc biệt cung kính và săn sóc Ngọc Lâm. Việc đó khiến cho Ngô Sư Gia sinh lòng ghen ghét, ông ta cho rằng đối với một vị sư trẻ tuổi bất tất người trong tướng phủ phải tỏ ra ân cần. Hơn nữa ông lại người tâm phúc của Vương tể tướng trong phủ ai cũng phải kính sợ ông ta. Song Ngọc Lâm vốn dĩ là người không sợ quyền thế, không chịu quî lụy, thái độ nghiêm trang, lời nói chính chắn của thầy khiến Ngô Sư Gia tưởng là thầy kiêu mạn, do đó trong lòng vô cùng oán ghét.
Trong Thiên Hoa Am, từ Giác Chúng (pháp hiệu của Vương tiểu thư) đến các sư nữ mà Giác Chúng mời ở lại và tất cả tỳ nữ, không ai là không cung kính Ngọc Lâm, thấy thế Ngô Sư Gia lại càng ghen tức. Ông ta tự nghĩ: “Từ khi mình vào tướng phủ đến nay, nhờ được tể tướng tín nhiệm, ngoài tể tướng, phu nhân và tiểu thư ra, trong tướng phủ không ai dám coi thường mình, ai cũng phải theo răm rắp, thế mà bây giờ một ông sư trẻ tuổi dám ngang nhiên định xâm chiếm địa vị của mình”. Tay cầm cái tẩu hút thuốc, đầu đội chiếc mũ bằng da cáo, mình mặc áo trường bào, Ngô Sư Gia đi đi lại lại trong buồng ngủ; lúc thì bỏ chiếc mũ ra và đưa tay lên gãi đầu, lúc lại vứt cái tẩu xuống và xoa xoa hai bàn tay, ông ta đang tìm cách để làm mất thể diện của Ngọc Lâm giữa công chúng hòng giảm bớt thanh danh của thầy, khiến mọi người đừng tin cậy và tôn trọng thầy nữa. Nhưng Ngọc Lâm rất sáng suốt và lỗi lạc, thái độ của thầy nghiêm nghị như một bậc lão thành, mỗi ngày ngoài hai tiếng đồng hồ dạy Phật pháp và qui luật thiền gia cho mọi người ra, thầy không đoái hoài đến một việc gì khác, Ngô Sư Gia tuy bực tức song cuối cùng không nghĩ được cách gì làm nhục Ngọc Lâm. Một hôm, sau khi suy nghĩ khá lâu, ông ta đã tìm được một biện pháp, nghĩa là trong lúc Ngọc Lâm giảng Phật pháp cho mọi người, ông ta sẽ đưa ra một vài vấn đề để nạn vấn, làm cho Ngọc Lâm không thể trả lời, như thế thầy sẽ mất uy tín, và dù có vì tình mà Vương tiểu thư cố giữ thầy ở lại chăng nữa, chắc chắn thầy cũng không còn mặt mũi nào ở lại.
Buổi chiều hôm ấy, sau buổi giảng, Ngọc Lâm sắp đứng dậy, thì lúc đó Ngô Sư Gia bắt đầu hé một nụ cười hiểm độc rồi tiếp đó nói với Ngọc Lâm:
– Tôi có một vài điều thắc mắc, không biết có nên đưa ra xin thầy chỉ giáo?
– Chỉ giáo thì tôi không dám, song có điều gì xin cứ nói để chúng ta cùng thảo luận! Ngọc Lâm vừa nói vừa trở lại ngồi xuống ghế.
– Nếu thầy không trả lời được thì sao? Ngô Sư Gia cố ý nói tức.
– Nếu ông biết tôi không đáp được thì xin ông đừng hỏi tôi.
– Đâu có được thế, thầy là một người xuất gia Hoằng Dương Phật Pháp kia mà!
– Ông nói đúng, vậy có điều gì cần chỉ giáo xin ông cứ hỏi!
Lúc đó Ngọc Lâm đã hiểu Ngô Sư Gia cố ý kiếm chuyện.
– Giả sử thầy không trả lời được? Ngô Sư Gia lại khiêu khích.
– Thì lần sau ông đừng lên nghe tôi giảng!
– Không được, lần sau thầy không thể giảng ở đây được nữa!
– Ông nói đúng, nếu tôi không thể trả lời câu hỏi của ông, thì lần sau tôi không nên giảng ở đây nữa.
Ngọc Lâm lại ngồi xếp bằng như trước, nhắm mắt, nét mặt bình tĩnh không có vẻ gì là người bị nạn vấn cả.
– Phàm người đã đọc sách thánh hiền đều biết rằng quốc gia ta được xây dựng trên nền tảng trung, hiếu, thầy đi xuất gia thế này, tôi thiết tưởng không hợp với căn bản quốc gia của chúng ta! Vừa nói Ngô Sư Gia vừa tỏ ra dương dương tự đắc cho là câu nói của mình sẽ làm Ngọc Lâm phải thất điên, bát đảo.
– Thế có nghĩa là thế nào?
Tuy Ngọc Lâm đã đi guốc trong bụng Ngô Sư Gia, song thầy hỏi vậy cốt để cho ông ta nói lại cho sáng tỏ vấn đề.
– Tôi tin rằng thầy cũng thừa hiểu làm người cần phải có trung hiếu – ông ta nói – vì nếu một người bất trung, bất hiếu, thì người đó không còn tư cách làm người. Tôi xem thầy còn trẻ tuổi mà đã thế phát xuất gia, hằng ngày ăn không ngồi rồi, không chịu sinh sản, không đem sức mình để phụng sự quốc gia. Như thế đâu có thể gọi được là trung? Lại nữa, cha mẹ sinh con vốn mong nhờ cậy trong lúc tuổi già, bởi thế mới chăm lo nuôi nấng cho thành người, thế mà giờ thầy nỡ bỏ cả cha mẹ để đi tu, như vậy đâu có thể gọi được là hiếu! Xin thầy trả lời tôi! Câu hỏi của Ngô Sư Gia làm cho những người đến nghe Ngọc Lâm giảng ngồi ngay cán tàn. Họ đều nhìn Ngọc Lâm và trông chờ Ngọc Lâm trả lời, nhất là Giác Chúng và Thúy Hồng lại càng tỏ vẻ sốt sắng mong Ngọc Lâm đừng e dè, vì nể, cứ thẳng thắn đáp câu hỏi của Ngô Sư Gia. Ngọc Lâm không hề “bối rối”, thầy rất bình tĩnh, thầy biết Ngô Sư Gia có ác ý và xưa nay thầy vốn không muốn biện luận với những hạng người như vậy. Vì, với những kẻ thô bạo, khinh mạn, ngoan cố thì không có đạo lý nào có thể giảng giải cho họ được, dạo lý chỉ ở trong lòng những người có tâm hồn cao thượng mà thôi. Song Ngô Sư Gia đã cố ý hỏi vặn, tuy những vấn đề đó không đúng sự thật, song nếu giải thích và xuyên tạc thêm cũng có thể khiến cho nhiều người hiểu lầm. Bởi thế Ngọc Lâm từ từ mở mắt và, với giọng hết sức ôn hòa, nói:
– Ông nói rất đúng, một người có tư cách là đối với quốc gia phải hết lòng trung, đối với cha mẹ phải hiếu kính. Song xuất gia đầu Phật là đã hiến thân cho công cuộc cứu người, giúp đời, điều đó không thể cho là bất trung, bất hiếu. Ông nói người xuất gia hàng ngày chỉ ăn không ngồi rồi, không chịu sinh sản, đó là ông không hiểu nhiệm vụ của người xuất gia là Hoàng Pháp, Lợi Sinh. Công việc của người xuất gia là đem Phật pháp dạy cho người đời. Còn nói đến phụng sự quốc gia, không nhất định cứ phải làm ruộng và sinh sản mới là phụng sự. Chúng tôi dùng giáo pháp của đức Phật để cải thiện lòng người, an ninh xã hội, khiến cho nhân dân bớt phạm pháp, và cuộc sống có thêm giá trị, như thế cũng có thể nói là phụng sự quốc gia, phục vụ xã hội một cách trực tiếp vậy. Nếu phủ nhận điều đó thì tôi e rằng Ngô Sư Gia và cho đến cả Vương tể tướng cũng không khác gì những người xuất gia, cũng bị người ta cho là ăn không, ngồi rồi, không làm việc để phụng sự quốc gia. Còn bảo xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, thì điều đó tôi chưa từng nghe thấy trong Phật Giáo; xuất gia có nghĩa là ra khỏi cái nhà phiền não trong ba cõi. Nếu nói đến sự hiếu thuận cha mẹ, thì người xuất gia chân chính mới thật hiểu rõ ý nghĩa của chữ hiếu. Thông thường người đời tưởng hiếu thuận cha mẹ là chỉ cung phụng cha mẹ về phương diện vật chất, như dâng các thức ăn ngon ngọt, hay may sắm quần áo tốt đẹp, thế đã cho là hiếu kính rồi. Song xét kỹ thì hiếu kính đối với cha mẹ về phương diện vật chất chưa thể gọi được là hiếu thuận triệt để. Là vì cha mẹ tuy được tạm thời thỏa mãn (thực ra không bao giờ thỏa mãn) về phương diện vật chất, song những nỗi đau khổ của cha mẹ không thể do đó mà tiêu tan được. Không ai tránh khỏi cái khổ già, ốm và chết. Người xuất gia hiếu kính cha mẹ, một mặt mong cha mẹ không thiếu thốn về vật chất, mặt khác lại khuyên cha mẹ tin lý nhân quả, tội, phúc báo ứng, xa lánh các việc ác chăm làm các điều thiện, mong cha mẹ thoát khỏi cái khổ sinh, tử mà hưởng sự yên vui vĩnh viễn, đó mới là hiếu thuận triệt để. Những điều đó thật ra rất dễ hiểu, tôi tưởng Ngô Sư Gia là bậc quán thế, đầy mưu lược, lẽ ra phải hiểu hơn ai hết vấn đề rất phổ thông ấy mới phải chứ?Ngọc Lâm nói một cách thản nhiên và bình tĩnh, thầy vốn có tài biện thuyết, lại xuất gia đã lâu năm và rất thông hiểu Phật pháp. Lúc đó tất cả mọi người ngồi nghe đều tỏ vẻ thích thú và họ chăm chú nhìn Ngô Sư Gia bằng ánh mắt chán ghét. Ngô Sư Gia thấy ai cũng tỏ vẻ tín phục Ngọc Lâm, ngọn lửa ghen ghét trong lòng ông ta lại bốc lên ngùn ngụt. Nếu không có Giác Chúng (Vương tiểu thư) ngồi đấy thì ông để ngọn lửa đó phóng ra rồi, và trong trường hợp ấy khỏi nói đến đạo đức, nghĩa lý!
Ngô Sư Gia lại hỏi Ngọc Lâm bằng một giọng hậm hực:
– Những vấn đề đó hãy tạm gác lại, tôi không muốn biện bác với thầy trong lúc nầy, tôi chỉ xin hỏi thầy là hiện giờ cõi lòng thầy còn yêu tiểu thư nữa không? Nghe câu hỏi của Ngô Sư Gia, mọi người đều tỏ vẻ bất mãn, họ tự hỏi tại sao ông ta lại nêu lên vấn đề ấy trước mặt Ngọc Lâm.
– Ông muốn tôi trả lời ông câu hỏi ấy, nhưng nó có ích lợi gì cho ông không?
Ngọc Lâm ngồi ngay thẳng, hỏi lại Ngô Sư Gia:
– Tôi muốn thầy cho biết, ngay giờ phút này, lòng thầy còn yêu tiểu thư không?
Ngô Sư Gia lúc ấy tỏ thái độ rất quan liêu hách dịch, vì ông ta tự nghĩ nếu không lật đổ được ông sư thanh niên này, thì còn hống hách với người trong tướng phủ sao được.
– Giác Chúng hiện giờ thế phát xuất gia, còn quá khứ của chúng tôi ông hiểu quá rồi.
– Đúng thế, tôi hiểu lắm, trước kia tiểu thư rất yêu thầy, và tôi tin rằng hiện giờ lòng tiểu thư vẫn còn yêu thầy, song còn thầy? Thầy hãy nói! Câu hỏi của Ngô Sư Gia không làm cho Ngọc Lâm thay đổi nét mặt, nhưng Giác Chúng thì thấy bẽn lẽn và vội cúi đầu, đôi má nàng ửng hồng và nàng cảm thấy luống cuống. Ngọc Lâm chậm rãi, nói dằn từng tiếng:
– Ông nói thế nào cũng được, nói tôi yêu cũng được, mà bảo tôi không yêu cũng được.
– Tôi biết lòng thầy nhất định còn yêu tiểu thư, hôm nay tôi muốn đem phơi bày bộ mặt đạo đức giả của thầy ra. Tiểu thư yêu thầy, thầy cũng yêu tiểu thư, nhưng thầy lại không chịu kết nghĩa với tiểu thư, khiến tiểu thư phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, bỏ hết hạnh phúc ở đời, đem mình chôn vùi vào cuộc sống buồn tẻ thế này. Trên hình thức, thầy và tiểu thư tuy không yêu nhau, song trong tinh thần ái tình giữa hai người vẫn kết hợp; nếu cùng yêu thương nhau trong tinh thần, thì sao ngay từ lúc đầu thầy không bỏ luôn lớp áo nhà tu để chung sống với tiểu thư một cách đường hoàng cho rồi, lại còn giả bộ đạo đức đến nỗi làm hại cả cuộc đời tươi đẹp của tiểu thư! Ngô Sư Gia muốn thăm dò tư tưởng của Giác Chúng, cho nên lời nói của ông ta như thổ lộ nỗi bất bình trong can trường thay cho nàng, vì lợi ích của nàng mà nói, ông ta tưởng nói thế chắc mọi người cũng phát ghét Ngọc Lâm, và Giác Chúng cũng không thể oán trách ông ta. Ngọc Lâm bị Ngô Sư Gia dồn vào ngõ bí, thầy nghĩ không thể không bày tỏ rõ ý tưởng, bởi thế thầy ôn hòa nói:
– Ông nói đúng! Trong lòng tôi rất yêu tiểu thư, tôi không những chỉ yêu tiểu thư mà còn yêu cả ông nữa, và yêu tất cả nhân loại. Ý nghĩa của chữ yêu rất rộng, cha mẹ yêu con cái, chồng yêu vợ, vua yêu nhân dân, Phật và các Bồ Tát yêu chúng sinh, song nghĩa chữ yêu ấy có nhiều điểm khác nhau. Thông thường trai, gái yêu nhau là do lòng tư dục kích thích. Cũng như ông nói tôi yêu tiểu thư, nhưng tôi không chịu lòng tư dục thúc đẩy, tôi yêu tiểu thư là mong cho tiểu thư xa lìa được sự khổ, đến cảnh giới yên vui, cũng đúng như tôi yêu và mong cho những người khác tránh khổ, đến vui vậy! Ngọc Lâm dựa lưng vào tòa ngồi, trông thầy như chân thân của một vị Bồ Tát. Những lời nói phóng ra từ cửa miện Ngọc Lâm, ai nghe cũng cảm động, mọi người đều tỏ vẻ kính ngưỡng. Thấy thế, Ngô Sư Gia càng tức, ông ta bèn quát lên:
– Thầy có biết tôi là người thế nào không?
– Ai cũng biết ông, ông là bậc đại danh Ngô Sư Gia!
– Thầy đã biết là Ngô Sư Gia, vậy thầy có biết tất cả chủ trương trị nước của Vương tể tướng đều là kế hoạch của tôi?
– Dạ biết! Song điều đó không quan hệ gì đến tôi! Tuy giọng Ngọc Lâm ôn hòa song vẫn biểu lộ cá tính cứng cỏi của thầy.
– Không quan hệ gì đến thầy! Thầy định khinh thường tôi hả? Nước da thiết bì trên mặt Ngô Sư Gia tái đi, và một tia nhìn dữ tợn, hung hiểm phóng ra từ đôi mắt của ông ta.
Lúc này Giác Chúng thấy không còn nhịn được nữa, cặp má vẫn ửng hồng như một áng mây chiều, nàng khẻ cất tiếng:
– Ngô Sư Gia, cha tôi mới về Kinh chưa bao lâu, ông đừng sinh sự một cách vô lý. Thầy Ngọc Lâm bây giờ là thầy tôi, tôi mời thầy ở lại để dạy chúng tôi tu học Phật pháp, ông không được vô lễ đối với thầy; ông sinh sự hỏi thầy trước, thầy đã lấy thiện ý trả lời ông, sao ông không thỏa mãn mà lại còn cáu kỉnh như vậy?
Ngô Sư Gia tưởng nói thế sẽ được Giác Chúng biểu đồng tình, nào ngờ lại bị nàng quở trách, lửa giận trong lòng ông ta tuy bừng bừng, song trước mặt Thiên Kim Tiểu Thư của một vị tể tướng, ông ta đành nén giận, và khẻ buông một câu:
– Tiểu thư đã…
– Xin ông đừng nhắc đi nhắc lại tiểu thư hoài, ông không biết hiện giờ tên tôi là Giác Chúng!
– Giác… Giác Chúng đã nói thế thì tôi cũng chịu kém vậy!
Ngô Sư Gia biết tiểu thư không bằng lòng, nên đành đầu hàng và chẳng nói chẳng rằng, cầm chiếc tẩu rút lui trước. Ngọc Lâm cũng đứng dậy, ra khỏi Phật điện giữa những tiếng khen ngợi của mọi người.

Sunday, March 1, 2020

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA - THÔNG ĐIỆP VỀ SỰ RA ĐI CỦA ĐỨC TĂNG THỐNG THÍCH QUẢNG ĐỘ


ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

- THÔNG ĐIỆP VỀ SỰ RA ĐI CỦA ĐỨC TĂNG THỐNG THÍCH QUẢNG ĐỘ


Với sự ưu buồn mà tôi biết được sự ra đi gần đây của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN Thích Quảng Độ. Tôi xin cầu nguyện cho người huynh trưởng tinh thần của chúng tôi và lời phân ưu đến với môn đồ pháp quyến.


Mặc dù tôi đã không có cơ hội gặp mặt Đức Tăng Thống, tôi biết là Ngài đã hy hiến bản thân cho việc hoằng hoá độ sinh. Trong lúc chúng ta tưởng nhớ Ngài, chúng ta có thể hoan hỉ là Ngài đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Với sự cầu nguyện của tôi,

(Ký tên)
Đức Đạt Lai Lạt Ma


Nguồn: fb Văn Phòng II Viện Hoá Đạo

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA GỬI LỜI PHÂN ƯU VỀ SỰ TỪ TRẦN CỦA ĐỨC TĂNG THỐNG THÍCH QUẢNG ĐỘ

Ngày 28 tháng Hai 2020

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi lời phân ưu về sự từ trần của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

Tôi ưu sầu khi nghe tin gần đây Đức Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thích Quảng Độ, đã từ trần tại Việt Nam. Tôi xin cầu nguyện cho bậc huynh trưởng tinh thần của chúng ta và xin gửi lời phân ưu đến với nhiều môn đồ pháp chúng của ngài.

Mặc dù tôi chưa có cơ hội gặp mặt Đức Tăng Thống, tôi biết rằng ngài đã cống hiến cả đời mình cho việc hoằng hoá độ sinh. Trong lúc chúng ta tưởng nhớ ngài, chúng ta có thể hân hoan rằng ngài đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Với lời cầu nguyện của tôi,

Đạt Lai Lạt Ma 
(ký tên)

(Hoàng Ngọc Tuấn dịch)

Wednesday, February 26, 2020

Tôn Giáo và Chính Trị

 Tôn Giáo và Chính Trị

Sinha/Thích Quảng Độ trích dịch


trích Tư Tưởng số 2, phát hành ngày 25-04-1972,
Chủ nhiệm: Thích Minh Châu, Tổng thư ký: Tuệ Sỹ)

Người ta thường bảo Phật giáo không phải là tôn giáo mà chỉ là một hệ thống luân lí và triết học, bởi vì Phật giáo không thừa nhận một vị thần nhân cách hoặc một ngã thể bất diệt trong con người. Điều đó đúng nếu người ta định nghĩa tôn giáo như một sự liên hệ bất khả kháng giữa Thần và Người. Theo định nghĩa ấy thì hiển nhiên Phật giáo không là tôn giáo, vì nó đã không quan niệm sự tồn tại của một vị thần vạn năng và một linh hồn bất diệt.
Trong các bài Diễn giảng về Khoa học Tôn giáo (Lectures on the Science of Religion), Giáo sư Max Muller đã bàn về “những nền tảng rộng lớn trên đó tất cả các tôn giáo được xây dựng – tin ở thần quyền, xưng tội, cầu nguyện, tế lễ, và hi vọng sự sống vĩnh cửu trong tương lai”. Nhưng cách dùng phổ thông của danh từ tôn giáo đã quá mạnh đối với ông: không một yếu tố nào trong năm yếu tố trên đây được tìm thấy trong Phật giáo nguyên thủy, tuy nhiên ông cũng gọi Phật giáo là tôn giáo.
Nhưng tôn giáo là gì? Câu hỏi này đã thường được đặt ra và ý nghĩa của nó được quan niệm theo nhiều cách khác nhau, do đó câu trả lời cũng rất bất đồng: có quá nhiều ý kiến về tính chất cũng như ý nghĩa của danh từ và mâu thuẫn nhau đến nỗi người ta đã không thể đi đến một sự đồng ý rõ rệt nào. Sau đây là một số định nghĩa được góp nhặt lại:
  • Tự điển Oxford: “Hệ thống tín ngưỡng và sùng bái; sự thừa nhận của con người đối với sức mạnh siêu nhân chi phối con người và đặc biệt là của một vị nhân cách Thần mà con người phải tùng phục v.v…”
  • Butler: “Tôn giáo ám thị một trạng thái tương lai”.
  • Matthew Arnold: “Tôn giáo là luân lí tình cảm”.
  • Comte: “Sự sùng bái Nhân loại”.
  • Carlyle: “Sự kiện mà con người thật sự tin tưởng, sự kiện con người thật sự lưu tâm và biết chắc về những mối liên quan sinh tử của con người với vũ trụ huyền bí này và bổn phận và vận mệnh của con người trong vũ trụ”.
  • Ruskin: “Tôn giáo quốc gia của chúng ta là sự cử hành các nghi lễ Giáo hội và diễn giảng những sự thật hay sự giả dối có tính cách buồn ngủ để giữ cho quần chúng yên lặng làm việc trong khi chúng ta vui đùa thỏa thích”.
  • J.S. Mill: “Thực chất của tôn giáo là những tình cảm và khát vọng chân thành và mãnh liệt hướng tới một mục tiêu lí tưởng được coi như cao cả và thiện lương nhất và đích thực vượt lên tất cả mọi khát vọng ích kỷ”.
  • St. Thomas: “Lẽ thiện dâng Thượng đế và Vinh danh của Ngài”.
  • Voltaire: “Một sự phi lí để buộc quần chúng phục tùng”.
  • Sir E. Ray Laukester: “Tôn giáo là sự hiểu biết về vận mệnh của ta và những phương pháp thể hiện nó. Ta có thể nói tôn giáo là khoa học không hơn không kém”.
  • Giáo sư Whitehead: “Tôn giáo là cái mà cá nhân tin tưởng trong nỗi cô quạnh của mình. Nếu không bao giờ bạn thấy cô đơn thì không bao giờ bạn có tâm tôn giáo”.
  • Aldous Huxley: “Giữa nhiều thứ, tôn giáo là một hệ thống giáo dục nhờ đó con người tự rèn luyện để trước hết thay đổi những điều mình muốn trong cá tính của mình và trong xã hội, thứ đến nâng cao ý thức và thiết lập những quan hệ đầy đủ hơn giữa bản thân và vũ trụ mà mình là thành phần”.
Người ta có thể trích dẫn cả một cuốn sách về những định nghĩa tôn giáo, nhưng trích dẫn thêm nữa chỉ làm cho vấn đề càng phức tạp và lộn xộn mà thôi. Người ta tính ra có một nghìn năm trăm tám mươi triệu (1.580.000.000) người tin tưởng không tôn giáo này thì tôn giáo khác, ấy thế nhưng không biết có được năm phần trăm con số lớn lao ấy đồng ý với nhau tôn giáo đích thực là gì không.
Mặc dầu những ý kiến xung đột, tương phản, nhưng vấn đề này, có một người mà những kẻ dốt nát thiển cận gán cho cái nhãn hiệu là “vô thần”, “bất tín” đã phát biểu những ý kiến cao cả và quảng đại nhất: đó là Thomas Paine. Khi cái chết gần kề cổ bởi những kẻ bách hại đem đến, Thomas Paine đã nói một cách dũng cảm: “Thế giới là tổ quốc tôi, nhân loại là đồng bào tôi, và làm thiện là tôn giáo của tôi”.
Khi so sánh với cái triết lí nhân loại này của nhà cải cách lớn người Anh trên đây thì những lời nói có tính cách ngụy biện của các giáo sĩ trên tòa giảng biến thành rỗng tuếch, trẻ con và ngu xuẩn. “Làm thiện”: đó là toàn bộ trung tâm của tất cả tôn giáo, nhưng đáng buồn làm sao ta thấy nó thiếu vắng trong cái mà quảng đại quần chúng gọi là “tôn giáo”.
Không phải chỉ có một mình Thomas Paine định nghĩa “tôn giáo” theo cách ấy. Hai nghìn ba trăm năm trước ông, một nhà “vô thần” khác không những chỉ định nghĩa “tôn giáo” theo cùng một lối như ông khi Người nói:
Đừng làm các điều ác (chư ác mạc tác)
Làm tất cả việc thiện (chúng thiện phụng hành)
Khiến tâm ý trong sạch (tự tịnh kỳ ý),
mà người còn bảo nhân loại rằng phương pháp “sùng bái” cái tôn giáo của điều thiện ấy là:
diệt trừ hết tham lam (tham)
tiêu sạch mọi hận thù (sân)
phá tan hết ngu muội (si).
Bất luận ta nhìn tôn giáo ở khía cạnh nào đi nữa cũng không chối cãi được một sự thật là: tôn giáo luôn luôn lấy con người làm trung tâm. Bản chất của tôn giáo là giải phóng con người khỏi sự phụ thuộc vào thế lực vô hình. Con người càng tiến bộ về văn hóa bao nhiêu càng muốn thoát khỏi sự chi phối của năng lực vô hình mà tự lập bấy nhiêu. Từ căn bản, tôn giáo là một phương pháp, một cách thế hành động để thể hiện niềm ước mơ giải phóng con người thoát khỏi mọi khổ đau, dù là cái khổ nghèo đói, bệnh tật, già nua, ngu dốt hay là chết chóc. Mục tiêu của tôn giáo luôn luôn là giải thoát một cuộc sống phong phú hơn, mãn nguyện hơn, tự do và rộng lớn hơn. Tôn giáo không phải chỉ bao hàm trong niềm tin Thượng đế, linh hồn và sự bất tử được ghi chép trong một cuốn kinh hoặc cô đọng trong một tín điều. Thượng đế, linh hồn và sự bất tử là những ảo ảnh phủ mờ tôn giáo và nếu không phá tan những ảo ảnh ấy thì cái màu sắc rực rỡ đích thực của tôn giáo không thể lộ hiển ra được. Thiếu niềm tin ở sức mạnh của chính mình do không hiểu nơi chính mình đã biến con người thành một kẻ nô lệ khốn nạn cho những ảo ảnh đó.
Trên đây ta đã biết qua cái tinh túy và bản chất của tôn giáo rồi, bây giờ ta thử tiến lên một bậc nữa mà tìm hiểu xem làm thế nào có thể ứng dụng tôn giáo vào lĩnh vực thực tế.
William Blake nói: “Tôn giáo là chính trị, và chính trị là tình huynh đệ”. Như vậy, chung cục, bất cứ vấn đề chính trị nào cũng có thể trở thành vấn đề tôn giáo. Một quốc gia tràn đầy những ý tưởng tội ác thì sớm muộn gì cũng sẽ thực hiện những ý tưởng ấy và cuối cùng sẽ thành công nếu chúng không bị thay thế bởi những ý tưởng khác. Điều đã xảy ra tại nước Đức cách đây không lâu chứng minh cho quan điểm này. Cũng thế, một quốc gia tràn đầy những ý tưởng lương hảo thì cũng sẽ thực hiện những ý tưởng đó.
Một sự thật mà không ai có thể phủ nhận được là những sự kiện tội ác trong một quốc gia là bằng chứng của những ý tưởng tội ác trong một dân tộc, và trong một quốc gia mà những sự kiện xấu xa được lưu hành thì hiển nhiên những ý tưởng xấu xa cũng phổ biến. Bởi thế, ta cần phải nhận rằng những ý tưởng tội ác nằm trong những sự kiện tội ác, rằng những ý tưởng tội ác cần phải được thay thế bằng những ý tưởng lương hảo. Vì nếu ta dùng năng lực để tiêu diệt những sự kiện tội ác mà không tiêu diệt những ý tưởng xấu nằm trong những sự kiện ấy thì nhiều lắm ta cũng chỉ đạt được kết quả trên bề mặt chứ chưa phải đã trị tận gốc của chứng bệnh và đã chẳng làm gì cho việc phát triển nhân cách, mục đích chính yếu của tất cả hoạt động chính trị.
Một sự thật nữa là các chính phủ chỉ quan tâm đến những sự kiện chứ không quan tâm đến những ý tưởng; nhưng, như vừa nói ở trên, vì những ý tưởng nằm trong những sự kiện cho nên các chính phủ cần phải quan tâm đến những ý tưởng. Tôn giáo có để cổ vũ nhân loại, khuyến khích hành động, nâng cao nhân cách và tư tưởng cho đời sống được phong phú. Còn các chính phủ thì tạo những điều kiện thích hợp để đạt đến mục đích đó. Đã có lần Lord Halifax nói: “Chính quyền là công cụ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhân cách đến mức hoàn toàn nhất”. 
Trong thời đại này, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng mục đích của chính quyền là phải làm cho công dân của quốc gia trở nên hoàn thiện: và vì chính trị quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất để đạt đến mục đích ấy cho nên cũng có thể cho rằng sự hoàn thiện của công dân là mục đích của chính trị.
Mặc dầu có nhiều định nghĩa khác nhau về danh từ chính trị, nhưng ta có thể nói một cách bao quát rằng chính trị có liên quan đến việc chế định những luật tắc minh bạch để kiểm sát hành vi của con người, cá nhân cũng như tập thể, và để quyết định những điều kiện chung mà trong đó cá nhân hay tập thể sinh hoạt.
Vì chính trị liên quan đến sự điều khiển hay cai trị cho nên vấn đề trước hết phải được đặt ra, đó là: cái lí do và mục đích câu hỏi này, trong cuốn Strategy of Living (Chiến lược Sống), C.A. Richardson viết: “Chính trị tồn tại là vì nhân loại chứ không vì cái gì khác, đó là một sự thật, nhưng là một sự thật luôn luôn phải được nhấn mạnh. Cái lí do hiển trứ duy nhất cho việc đặt ra những nguyên tắc quy định hành vi là nếu không có những nguyên tắc ấy thì đời sống nhân loại sẽ rơi vào chỗ hỗn loạn và vì thế, sẽ tự diệt; còn cái mục đích dễ hiểu duy nhất trong việc chế định những luật lệ và trật tự đặc biệt là những luật lệ ấy sẽ mang lại cho nhân loại một hình thức sinh hoạt mong muốn”. 
Các hình thức sinh hoạt mong muốn đó là gì? Đó là một hình thức sẽ đưa con người đến sự hoàn thiện, và vì thế đến cái trạng thái hạnh phúc phổ biến. Sự hoàn thiện của các công dân là mục đích chung của cả tôn giáo và chính trị, và nó được hoàn thành do sự hợp tác chặt chẽ giữa tôn giáo, chính quyền và công dân. Bởi thế ta có thể nói rằng sự ứng dụng chính trị chỉ có ý nghĩa khi nào nó hướng đến việc thiết lập những luật lệ quy định sự sinh hoạt của cộng đồng cách nào để mang lại những điều kiện thuận lợi nhất cho việc hoàn thiện hóa công dân và đạt đến hạnh phúc của tất cả mọi người liên hệ.
Nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là: làm thế nào để điều hòa giữa tôn giáo và chính trị? Cả hai đều có chung một mục đích, đều là nhu cầu căn bản cho sự sống. Chính trị và tôn giáo đều là những yếu tố quan trọng của nền văn minh nhân loại, ta không thể tách rời hai yếu tố đó. Chính trị tự nó không phải là một điều xấu, nhưng khi nó bị những kẻ tàn bạo lạm dụng thì nó trở nên xấu. Nếu không có cảnh sát bảo vệ nhân dân chống lại trộm cướp, nếu không có quân đội bảo vệ quốc gia chống lại ngoại xâm thì chính sự sống của ta lâm nguy. Bởi thế ta phải biết ơn những người cầm quyền chính. Nhưng nếu họ phản bội nhân dân thì họ phải bị lên án và trừng trị. Nhìn lên sân khấu chính trị ngày nay, những người còn một chút lương tri, đeo mang một lý tưởng hay có một ý thức cao về công lí và bình đẳng không phải đau lòng. Chính trị đã trở nên đồng nghĩa với phát –xít, đế quốc, quân phiệt và giành dật quyền hành để thỏa mãn thú tính. Những sự kiện này không thể kéo dài. Nếu người ta chiến đấu trên bình diện thú vật thì người ta cũng sẽ chết như thú vật. Nếu người ta sùng bái thú vật trong con người thì người ta cũng sẽ hạ xuống hàng thú vật.
Chính ở đây mà tôn giáo cần thiết để dóng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh. Tôn giáo biểu hiện những khát vọng tâm linh của con người và nói: “Nếu anh muốn có hòa bình và hạnh phúc, hãy xây dựng đời sống của anh trên những nguyên lý tinh thần và luân lí cao cả”. Con người càng tham lam bao nhiêu thì hạnh phúc càng xa vời bấy nhiêu. Bằng những thủ đoạn man trá và những hành động bạo tàn người ta có thể thành công trong một lúc nào đó nhưng người ta phải nhớ rằng chính vì thế mà người ta thường xuyên hủy diệt mầm mống hạnh phúc của cá nhân cũng như của cả dân tộc.
Thật vậy, chính trị và tôn giáo chỉ là hai phương diện của cùng một sức mạnh kiến tạo công bằng cho quốc gia. Tôn giáo thực hiện điều đó bằng cách nỗ lực tiêu trừ tội ác qua sự chuyển hóa bản tính con người bằng sự giáo huấn, giảng dạy, còn chính trị thì thể hiện nó bằng cách thay đổi hoàn cảnh và dùng sức mạnh diệt trừ tất cả tội ác. Khi nào cả hai tiến trình này được hợp lại, chúng ta sẽ có một quốc gia lí tưởng được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc.
Nguyên bản của SINHA
THÍCH QUẢNG ĐỘ* trích dịch
Đương kiêm Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN