Wednesday, February 26, 2020

Tôn Giáo và Chính Trị

 Tôn Giáo và Chính Trị

Sinha/Thích Quảng Độ trích dịch


trích Tư Tưởng số 2, phát hành ngày 25-04-1972,
Chủ nhiệm: Thích Minh Châu, Tổng thư ký: Tuệ Sỹ)

Người ta thường bảo Phật giáo không phải là tôn giáo mà chỉ là một hệ thống luân lí và triết học, bởi vì Phật giáo không thừa nhận một vị thần nhân cách hoặc một ngã thể bất diệt trong con người. Điều đó đúng nếu người ta định nghĩa tôn giáo như một sự liên hệ bất khả kháng giữa Thần và Người. Theo định nghĩa ấy thì hiển nhiên Phật giáo không là tôn giáo, vì nó đã không quan niệm sự tồn tại của một vị thần vạn năng và một linh hồn bất diệt.
Trong các bài Diễn giảng về Khoa học Tôn giáo (Lectures on the Science of Religion), Giáo sư Max Muller đã bàn về “những nền tảng rộng lớn trên đó tất cả các tôn giáo được xây dựng – tin ở thần quyền, xưng tội, cầu nguyện, tế lễ, và hi vọng sự sống vĩnh cửu trong tương lai”. Nhưng cách dùng phổ thông của danh từ tôn giáo đã quá mạnh đối với ông: không một yếu tố nào trong năm yếu tố trên đây được tìm thấy trong Phật giáo nguyên thủy, tuy nhiên ông cũng gọi Phật giáo là tôn giáo.
Nhưng tôn giáo là gì? Câu hỏi này đã thường được đặt ra và ý nghĩa của nó được quan niệm theo nhiều cách khác nhau, do đó câu trả lời cũng rất bất đồng: có quá nhiều ý kiến về tính chất cũng như ý nghĩa của danh từ và mâu thuẫn nhau đến nỗi người ta đã không thể đi đến một sự đồng ý rõ rệt nào. Sau đây là một số định nghĩa được góp nhặt lại:
  • Tự điển Oxford: “Hệ thống tín ngưỡng và sùng bái; sự thừa nhận của con người đối với sức mạnh siêu nhân chi phối con người và đặc biệt là của một vị nhân cách Thần mà con người phải tùng phục v.v…”
  • Butler: “Tôn giáo ám thị một trạng thái tương lai”.
  • Matthew Arnold: “Tôn giáo là luân lí tình cảm”.
  • Comte: “Sự sùng bái Nhân loại”.
  • Carlyle: “Sự kiện mà con người thật sự tin tưởng, sự kiện con người thật sự lưu tâm và biết chắc về những mối liên quan sinh tử của con người với vũ trụ huyền bí này và bổn phận và vận mệnh của con người trong vũ trụ”.
  • Ruskin: “Tôn giáo quốc gia của chúng ta là sự cử hành các nghi lễ Giáo hội và diễn giảng những sự thật hay sự giả dối có tính cách buồn ngủ để giữ cho quần chúng yên lặng làm việc trong khi chúng ta vui đùa thỏa thích”.
  • J.S. Mill: “Thực chất của tôn giáo là những tình cảm và khát vọng chân thành và mãnh liệt hướng tới một mục tiêu lí tưởng được coi như cao cả và thiện lương nhất và đích thực vượt lên tất cả mọi khát vọng ích kỷ”.
  • St. Thomas: “Lẽ thiện dâng Thượng đế và Vinh danh của Ngài”.
  • Voltaire: “Một sự phi lí để buộc quần chúng phục tùng”.
  • Sir E. Ray Laukester: “Tôn giáo là sự hiểu biết về vận mệnh của ta và những phương pháp thể hiện nó. Ta có thể nói tôn giáo là khoa học không hơn không kém”.
  • Giáo sư Whitehead: “Tôn giáo là cái mà cá nhân tin tưởng trong nỗi cô quạnh của mình. Nếu không bao giờ bạn thấy cô đơn thì không bao giờ bạn có tâm tôn giáo”.
  • Aldous Huxley: “Giữa nhiều thứ, tôn giáo là một hệ thống giáo dục nhờ đó con người tự rèn luyện để trước hết thay đổi những điều mình muốn trong cá tính của mình và trong xã hội, thứ đến nâng cao ý thức và thiết lập những quan hệ đầy đủ hơn giữa bản thân và vũ trụ mà mình là thành phần”.
Người ta có thể trích dẫn cả một cuốn sách về những định nghĩa tôn giáo, nhưng trích dẫn thêm nữa chỉ làm cho vấn đề càng phức tạp và lộn xộn mà thôi. Người ta tính ra có một nghìn năm trăm tám mươi triệu (1.580.000.000) người tin tưởng không tôn giáo này thì tôn giáo khác, ấy thế nhưng không biết có được năm phần trăm con số lớn lao ấy đồng ý với nhau tôn giáo đích thực là gì không.
Mặc dầu những ý kiến xung đột, tương phản, nhưng vấn đề này, có một người mà những kẻ dốt nát thiển cận gán cho cái nhãn hiệu là “vô thần”, “bất tín” đã phát biểu những ý kiến cao cả và quảng đại nhất: đó là Thomas Paine. Khi cái chết gần kề cổ bởi những kẻ bách hại đem đến, Thomas Paine đã nói một cách dũng cảm: “Thế giới là tổ quốc tôi, nhân loại là đồng bào tôi, và làm thiện là tôn giáo của tôi”.
Khi so sánh với cái triết lí nhân loại này của nhà cải cách lớn người Anh trên đây thì những lời nói có tính cách ngụy biện của các giáo sĩ trên tòa giảng biến thành rỗng tuếch, trẻ con và ngu xuẩn. “Làm thiện”: đó là toàn bộ trung tâm của tất cả tôn giáo, nhưng đáng buồn làm sao ta thấy nó thiếu vắng trong cái mà quảng đại quần chúng gọi là “tôn giáo”.
Không phải chỉ có một mình Thomas Paine định nghĩa “tôn giáo” theo cách ấy. Hai nghìn ba trăm năm trước ông, một nhà “vô thần” khác không những chỉ định nghĩa “tôn giáo” theo cùng một lối như ông khi Người nói:
Đừng làm các điều ác (chư ác mạc tác)
Làm tất cả việc thiện (chúng thiện phụng hành)
Khiến tâm ý trong sạch (tự tịnh kỳ ý),
mà người còn bảo nhân loại rằng phương pháp “sùng bái” cái tôn giáo của điều thiện ấy là:
diệt trừ hết tham lam (tham)
tiêu sạch mọi hận thù (sân)
phá tan hết ngu muội (si).
Bất luận ta nhìn tôn giáo ở khía cạnh nào đi nữa cũng không chối cãi được một sự thật là: tôn giáo luôn luôn lấy con người làm trung tâm. Bản chất của tôn giáo là giải phóng con người khỏi sự phụ thuộc vào thế lực vô hình. Con người càng tiến bộ về văn hóa bao nhiêu càng muốn thoát khỏi sự chi phối của năng lực vô hình mà tự lập bấy nhiêu. Từ căn bản, tôn giáo là một phương pháp, một cách thế hành động để thể hiện niềm ước mơ giải phóng con người thoát khỏi mọi khổ đau, dù là cái khổ nghèo đói, bệnh tật, già nua, ngu dốt hay là chết chóc. Mục tiêu của tôn giáo luôn luôn là giải thoát một cuộc sống phong phú hơn, mãn nguyện hơn, tự do và rộng lớn hơn. Tôn giáo không phải chỉ bao hàm trong niềm tin Thượng đế, linh hồn và sự bất tử được ghi chép trong một cuốn kinh hoặc cô đọng trong một tín điều. Thượng đế, linh hồn và sự bất tử là những ảo ảnh phủ mờ tôn giáo và nếu không phá tan những ảo ảnh ấy thì cái màu sắc rực rỡ đích thực của tôn giáo không thể lộ hiển ra được. Thiếu niềm tin ở sức mạnh của chính mình do không hiểu nơi chính mình đã biến con người thành một kẻ nô lệ khốn nạn cho những ảo ảnh đó.
Trên đây ta đã biết qua cái tinh túy và bản chất của tôn giáo rồi, bây giờ ta thử tiến lên một bậc nữa mà tìm hiểu xem làm thế nào có thể ứng dụng tôn giáo vào lĩnh vực thực tế.
William Blake nói: “Tôn giáo là chính trị, và chính trị là tình huynh đệ”. Như vậy, chung cục, bất cứ vấn đề chính trị nào cũng có thể trở thành vấn đề tôn giáo. Một quốc gia tràn đầy những ý tưởng tội ác thì sớm muộn gì cũng sẽ thực hiện những ý tưởng ấy và cuối cùng sẽ thành công nếu chúng không bị thay thế bởi những ý tưởng khác. Điều đã xảy ra tại nước Đức cách đây không lâu chứng minh cho quan điểm này. Cũng thế, một quốc gia tràn đầy những ý tưởng lương hảo thì cũng sẽ thực hiện những ý tưởng đó.
Một sự thật mà không ai có thể phủ nhận được là những sự kiện tội ác trong một quốc gia là bằng chứng của những ý tưởng tội ác trong một dân tộc, và trong một quốc gia mà những sự kiện xấu xa được lưu hành thì hiển nhiên những ý tưởng xấu xa cũng phổ biến. Bởi thế, ta cần phải nhận rằng những ý tưởng tội ác nằm trong những sự kiện tội ác, rằng những ý tưởng tội ác cần phải được thay thế bằng những ý tưởng lương hảo. Vì nếu ta dùng năng lực để tiêu diệt những sự kiện tội ác mà không tiêu diệt những ý tưởng xấu nằm trong những sự kiện ấy thì nhiều lắm ta cũng chỉ đạt được kết quả trên bề mặt chứ chưa phải đã trị tận gốc của chứng bệnh và đã chẳng làm gì cho việc phát triển nhân cách, mục đích chính yếu của tất cả hoạt động chính trị.
Một sự thật nữa là các chính phủ chỉ quan tâm đến những sự kiện chứ không quan tâm đến những ý tưởng; nhưng, như vừa nói ở trên, vì những ý tưởng nằm trong những sự kiện cho nên các chính phủ cần phải quan tâm đến những ý tưởng. Tôn giáo có để cổ vũ nhân loại, khuyến khích hành động, nâng cao nhân cách và tư tưởng cho đời sống được phong phú. Còn các chính phủ thì tạo những điều kiện thích hợp để đạt đến mục đích đó. Đã có lần Lord Halifax nói: “Chính quyền là công cụ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhân cách đến mức hoàn toàn nhất”. 
Trong thời đại này, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng mục đích của chính quyền là phải làm cho công dân của quốc gia trở nên hoàn thiện: và vì chính trị quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất để đạt đến mục đích ấy cho nên cũng có thể cho rằng sự hoàn thiện của công dân là mục đích của chính trị.
Mặc dầu có nhiều định nghĩa khác nhau về danh từ chính trị, nhưng ta có thể nói một cách bao quát rằng chính trị có liên quan đến việc chế định những luật tắc minh bạch để kiểm sát hành vi của con người, cá nhân cũng như tập thể, và để quyết định những điều kiện chung mà trong đó cá nhân hay tập thể sinh hoạt.
Vì chính trị liên quan đến sự điều khiển hay cai trị cho nên vấn đề trước hết phải được đặt ra, đó là: cái lí do và mục đích câu hỏi này, trong cuốn Strategy of Living (Chiến lược Sống), C.A. Richardson viết: “Chính trị tồn tại là vì nhân loại chứ không vì cái gì khác, đó là một sự thật, nhưng là một sự thật luôn luôn phải được nhấn mạnh. Cái lí do hiển trứ duy nhất cho việc đặt ra những nguyên tắc quy định hành vi là nếu không có những nguyên tắc ấy thì đời sống nhân loại sẽ rơi vào chỗ hỗn loạn và vì thế, sẽ tự diệt; còn cái mục đích dễ hiểu duy nhất trong việc chế định những luật lệ và trật tự đặc biệt là những luật lệ ấy sẽ mang lại cho nhân loại một hình thức sinh hoạt mong muốn”. 
Các hình thức sinh hoạt mong muốn đó là gì? Đó là một hình thức sẽ đưa con người đến sự hoàn thiện, và vì thế đến cái trạng thái hạnh phúc phổ biến. Sự hoàn thiện của các công dân là mục đích chung của cả tôn giáo và chính trị, và nó được hoàn thành do sự hợp tác chặt chẽ giữa tôn giáo, chính quyền và công dân. Bởi thế ta có thể nói rằng sự ứng dụng chính trị chỉ có ý nghĩa khi nào nó hướng đến việc thiết lập những luật lệ quy định sự sinh hoạt của cộng đồng cách nào để mang lại những điều kiện thuận lợi nhất cho việc hoàn thiện hóa công dân và đạt đến hạnh phúc của tất cả mọi người liên hệ.
Nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là: làm thế nào để điều hòa giữa tôn giáo và chính trị? Cả hai đều có chung một mục đích, đều là nhu cầu căn bản cho sự sống. Chính trị và tôn giáo đều là những yếu tố quan trọng của nền văn minh nhân loại, ta không thể tách rời hai yếu tố đó. Chính trị tự nó không phải là một điều xấu, nhưng khi nó bị những kẻ tàn bạo lạm dụng thì nó trở nên xấu. Nếu không có cảnh sát bảo vệ nhân dân chống lại trộm cướp, nếu không có quân đội bảo vệ quốc gia chống lại ngoại xâm thì chính sự sống của ta lâm nguy. Bởi thế ta phải biết ơn những người cầm quyền chính. Nhưng nếu họ phản bội nhân dân thì họ phải bị lên án và trừng trị. Nhìn lên sân khấu chính trị ngày nay, những người còn một chút lương tri, đeo mang một lý tưởng hay có một ý thức cao về công lí và bình đẳng không phải đau lòng. Chính trị đã trở nên đồng nghĩa với phát –xít, đế quốc, quân phiệt và giành dật quyền hành để thỏa mãn thú tính. Những sự kiện này không thể kéo dài. Nếu người ta chiến đấu trên bình diện thú vật thì người ta cũng sẽ chết như thú vật. Nếu người ta sùng bái thú vật trong con người thì người ta cũng sẽ hạ xuống hàng thú vật.
Chính ở đây mà tôn giáo cần thiết để dóng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh. Tôn giáo biểu hiện những khát vọng tâm linh của con người và nói: “Nếu anh muốn có hòa bình và hạnh phúc, hãy xây dựng đời sống của anh trên những nguyên lý tinh thần và luân lí cao cả”. Con người càng tham lam bao nhiêu thì hạnh phúc càng xa vời bấy nhiêu. Bằng những thủ đoạn man trá và những hành động bạo tàn người ta có thể thành công trong một lúc nào đó nhưng người ta phải nhớ rằng chính vì thế mà người ta thường xuyên hủy diệt mầm mống hạnh phúc của cá nhân cũng như của cả dân tộc.
Thật vậy, chính trị và tôn giáo chỉ là hai phương diện của cùng một sức mạnh kiến tạo công bằng cho quốc gia. Tôn giáo thực hiện điều đó bằng cách nỗ lực tiêu trừ tội ác qua sự chuyển hóa bản tính con người bằng sự giáo huấn, giảng dạy, còn chính trị thì thể hiện nó bằng cách thay đổi hoàn cảnh và dùng sức mạnh diệt trừ tất cả tội ác. Khi nào cả hai tiến trình này được hợp lại, chúng ta sẽ có một quốc gia lí tưởng được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc.
Nguyên bản của SINHA
THÍCH QUẢNG ĐỘ* trích dịch
Đương kiêm Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN