Monday, February 10, 2020

Chúng Ta Phải Làm Việc Như Thế Nào - Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện)

Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện): Chúng Ta Phải Làm Việc Như Thế Nào


Trích Tư Tưởng số 1, ngày 01-05-1970.
Chủ đề: “Chúng Ta Có Thể Làm Gì Cho Quê Hương”
“Tôi cho tất cả những gì tôi phải cho”
(I give all I have to give)
HENRY MILLER, The Wisdom of the Heart
ĐỌC LẠI VIVEKANANDA
“Đặt trọn vẹn sự chú ý vào phương tiện cũng như vào cứu cánh” đối với Vivekananda, đó là bí quyết của sự thành công. Nỗi nhọc nhằn, sự lầm lỗi lớn lao của con người là bị lôi cuốn thu hút bởi cứu cánh, lý tưởng, mục đích cao đẹp huyễn hoặc và bỏ quên những chi tiết gọi là vụn vặt. Sự thất bại phần lớn là do mình xao lãng phương tiện. Phải có sự chú ý thích ứng đối với phương tiện, đó mới là điều cần thiết. Phương tiện chính xác thì cứu cánh sẽ hiện đến. Nhân tạo quả, quả không thể thành tựu đơn phương. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Mỗi khi phương tiện đã được xác định đàng hoàng thì lý tưởng nhất định sẽ được thể hiện. Chúng ta chỉ nên bận tâm đến nguyên nhân, vì kết quả nhất định sẽ do nguyên nhân qui định. “Phương tiện là nguyên nhân: chú ý đến phương tiện mới là bí quyết vĩ đại của đời sống” (The means are the cause: attention to the means, therefore, is the great secret of life). Kinh Gita dạy chúng ta rằng phải làm việc liên tục với trọn sức lực của mình, đặt hết mọi tâm trí trong công việc mình đang làm, dù bất cứ việc gì (We also read this in the Gita and learn that we have to work, constantly work with all our power; to put our whole mind in the work, whatever it be, that we are doing), nhưng điều quan trọng nhất là không nên bị dính kẹt vào việc làm, phải “vô trước”. Làm việc say sưa, hết lòng hết mình, không bị lôi kéo bởi bất cứ cái gì khác, ngoài việc làm của mình, nhưng đồng thời phải có khả năng lìa bỏ việc làm khi cần thiết mà không thấy ái ngại. Làm thì làm hết mình, đặt hết mọi tâm lực vào việc làm, nhưng nếu cần thì có thể bỏ việc làm mà không bị ràng buộc vào việc làm ấy. Nỗi đau khổ lớn lao nhất của con người là ở điểm này: mình đổ hết tất cả năng lực của mình vào việc làm gì đó và có thể việc làm ấy đi đến chỗ đổ vỡ, thế mà mình vẫn không thể bỏ phứt đi được. Dù việc ấy tác hại mình, tạo khổ đau cho mình, mà dứt nó đi thì mình vẫn không làm nổi. Vivekananda ví tình cảnh ấy như một con ong hút mật ngọt, nhưng khi bị dính vào lọ mật, lại không thể rút đi. Tất cả bí mật của đời sống là ở chỗ ấy. Đi tìm tình yêu, đi tìm chất ngon ngọt của tình yêu và lúc bị sa chân dính bẫy vào nỗi cay đắng của tình yêu thì lại không có khả năng rút chân đi, rồi lại phải chịu chết dần chết mòn trong sự bất lực. “Chúng ta bị vướng kẹt, dù chúng ta tìm đến để bắt lấy. Chúng ta tìm đến để thụ hưởng nhưng rồi lại bị thụ hưởng. Chúng ta tìm đến để thống trị nhưng rồi lại bị thống trị. Chúng ta tìm đến để làm việc nhưng rồi lại bị sai sử” (We are caught, though we came to catch. We came to enjoy; we are being enjoyed. We came to rule; we are being ruled. We came to work ; we are being worked). Đó là thảm kịch của suốt đời mình. Chúng ta cố gắng tác động đến tâm thức của kẻ khác, nhưng thực ra chúng ta lại bị tâm thức kẻ khác tác động. Năng biến thành sở, chủ nhân ông chính là nạn nhân của kẻ mà mình tự nhận là chủ. Giống như người đàn ông yêu người đàn bà, cai trị, làm chủ, thống trị đàn bà, tưởng rằng mình kéo mũi đàn bà, nhưng một cách tế nhị, chính người đàn ông anh hùng kia chỉ là nạn nhân vô ý thức của kẻ mà mình tưởng là nô lệ của mình. Chủ chỉ là nạn nhân của nô lệ. “Chúng ta muốn tận hưởng những hoan lạc của đời sống; nhưng chính những hoan lạc ấy lại ăn mòn tàn phá tâm não chúng ta. Chúng ta muốn ôm lấy rút tỉa mọi sự từ thiên nhiên, nhưng rồi thì chúng ta mới sực thấy rằng rút cục thiên nhiên lấy mất tất cả mọi sự trong ta — khánh tận chúng ta và quăng ném chúng ta ra ngoài lề” (We want to enjoy the pleasures of life; and they eat into our vitals. We want to get everything from nature, but we find in the long run that nature takes everything from us — depletes us, and casts us aside). Giống như dự thế của khoa học cơ khí ở thế kỷ hai mươi, con người hiện đại muốn khai thác thống trị thiên nhiên, nhưng sau cùng chính thiên nhiên lại quăng ném con người vào hố thẳm. Nhưng dù gì đi nữa thì mọi sự không hẳn là tuyệt vọng, nếu con người còn có khả năng thoát ra ngoài sự chấp trước: không bị vướng mắc dính kẹt. Tai nạn lớn nhất của con người là bị dính keo, mắc lưới: đeo dính vào một cái gì đó là bị mắc vào đó, trói buộc vào đó. Vivekananda nhắc lại đạo lý của kinh Gita: Làm việc thường trực liên tục bền bỉ; làm việc mà không bị trước nhiễm bởi công việc, không bị vướng kẹt (Work constantly; work, but be not attached; be not caught).
Phải luôn luôn sống với tâm thức đoạn tuyệt, làm mọi việc với tâm thức của kẻ biệt ly, của kẻ lên đường. Đoạn cuối bài sầu ca ở lâu đài Duino (sầu ca thứ tám), Rilke viết “dù làm gì đi nữa vẫn luôn giữ lại phong thái cùa kẻ sắp lên đường?… như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt.” Vivekananda “Hãy giữ khả năng đoạn tuyệt mỗi khi nào mình muốn thế”. Dù có yêu say đi nữa, dù xa lìa là đau khổ, nhưng vẫn có thể dứt khoát được mỗi khi mình muốn thế. Tất cả đạo lý của Vivekananda nằm trong một chữ duy nhất: STRENGTH (sức mạnh). Sức mạnh là cảm thức tuyệt vời của đời sống vĩnh cửu vạn đại; chỉ có nỗi khổ duy nhất là sự yếu đuối, yếu đuối là chết: những kẻ yếu đuối không có chân đứng ở đời sống này. Sự yếu đuối là tội lỗi lớn nhất của con người; mọi sự nô lệ, mọi sự thống khổ tinh thần và thể xác đều thoát thai từ sự yếu đuối, “có hàng trăm ngàn vi trùng vây bọc chúng ta, nhưng chúng không thể tác hại chúng ta, chỉ trừ khi nào chúng ta trở nên yếu đuối để cho cơ thể sẵn sàng nhận lấy chúng. Có thể có đến một triệu vi trùng của nỗi khổ đau đang trôi nổi chung quanh chúng ta. Nhưng không hề gì! Chúng không dám đến gần chúng ta đâu và chúng không có sức để chụp vồ ghì lấy chúng ta đâu, chỉ trừ ra khi nào tâm thức bị sa sút yếu đuối. Đây là sự thực vĩ đại của đời sống: sức mạnh là sống, yếu đuối là chết” (There are hundreds of thousands of microbes surrounding us, but they cannot harm us unless we become weak, until the body is ready and predisposed to receive them. There may be a million microbes of misery, floating about us. Never mind! They dare not approach us, they have no power to get a hold on us, until the mind is weakened. This is the great fact: strength is life, weakness is death). Ngay đến sự sa lầy, chìm đắm, trói buộc, thắt cột, trước nhiễm, chúng ta cũng không sợ những thứ ấy. Nếu cần đeo ghì một cái gì đó thì cứ đeo ghì trọn vẹn với tất cả tâm hồn thể xác, nhưng khi cần bỏ thì cứ bỏ một cách nhẹ nhàng, như không có gì xảy ra cả. Khi yêu thì cứ yêu cho bay nhà bay cửa, nhưng lúc cần tuyệt tình thì cứ bỏ đi và không cần ngó lại. Con người yêu đời nhất, say hưởng đời sống nhất, là con người có khả năng đeo dính chấp trước nặng nề, nhưng đồng thời cũng có khả năng tự giải vây cho mình bất cứ vào lúc nào. Thiên tài là hạng người có khả năng giải vây cho mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải say mê, say sưa, quăng ném trọn thể xác tâm hồn mình vào một cái gì đó, tự trói buộc mình với một cái gì đó, nhưng đồng thời cũng thừa sức để chặt đứt tức thì tất cả mọi ràng buộc. Tự nguyện sống suốt đời ngồi yên một chỗ cố định, nhưng sẵn sàng đứng dậy và bỏ đi mất bất cứ lúc nào. Kẻ khổ nhất cũng là kẻ sướng nhất, dễ nhạy nhất; trái lại, kẻ lạnh lùng, vô cảm, không khổ không vui thì không bao giờ tự giải thoát dễ dàng được, có những hạng người không bao giờ bị lôi cuốn vào cái gì cả, họ cỏ vẻ như luôn luôn trầm tĩnh điềm đạm, chai lì cứng đá; họ không hề biết yêu, họ không hề trải qua cơn khùng hoảng trầm trọng nào cả, họ không hề biết thế nào là “dây oan”, họ tưởng là họ thoát được mê cung mê lộ thường tình của người đời, nhưng thực ra họ chỉ là bức tường đá. “Song vách tường thì không bao giờ biết khổ, vách tường không bao giờ biết yêu, không bao giờ bị tổn thương; nhưng rồi thì bức tường cũng chỉ là bức tường, thế thôi” (But the wall never feels misery, the wall never loves, is never hurt; but it is the wall, after all). Vivekananda la hét lên: “Thà bị vướng kẹt còn hơn là làm một bức tường” (Surely it is better to be attached and caught, than to be a wall). Không làm vách tường, nhưng đối mặt trước vách tường, đó mới là ý nghĩa sâu kín của đời sống. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Paul Valéry, con người sáng tạo vĩ đại đã đặt bàn viết mình đối mặt với vách tường (Paul Valéry:J’ai le visage vers le MUR. Pas un rien de la surface du mur qui me soit inconnu). Yêu say đắm ôm ghì nồng cháy, bỏ mất, đánh mất mình trong một đối tượng duy nhất, làm cho mình tan hoang đi vì người khác, đó chính là sức mạnh của những thần linh — “nhưng chúng ta lại muốn cao hơn cả những thần linh. Con người toàn thiện có thể đặt trọn tâm hồn mình vào nhất điểm của tình yêu, tuy thế mà vẫn được thoát ly, vô trước, không bị dính kẹt” ( — but we want to be higher even than the gods. The perfect man can put his whole soul upon that one point of love, yet he is unattached). Làm thế nào? Đừng buôn bán, tất cả chúng ta đều là những kẻ bán buôn, bán buôn trong đời sống, – bán buôn trong đạo hạnh, bán buôn trong tôn giáo, bán buôn cả trong tình yêu, chao! Mua và bán, cho và lấy lại, lên và xuống, tăng giá và hạ giá, nhìn và được nhìn, yêu và được yêu. Chỉ có Van Gogh mới là người biết yêu, chỉ yêu thôi và không cần được yêu lại! “Chúng ta bị vướng kẹt. Thế nào? Không phải bị vướng kẹt bởi những gì chúng ta ban cho mà bởi những gì chúng ta mong đợi” (We get caught. How? Not by what we give, but by what we expect). Chúng ta mong đợi những gì? Mong đợi được trả lại, được nhận lại. Yêu không khổ, chỉ khổ là vì muốn được yêu lại, ôi, sự đời sao quá giản dị thế! Không cầu, không mong, không muốn thì không còn đau khổ. Thèm muốn khao khát là cha của mọi thống khổ. “Những khao khát thèm muốn đã bị ràng buộc bởi những lề luật của thành công và thất bại” (Desires are bound by the laws of success and failure). Bí mật cao lớn nhất của đời sống, “bí quyết vĩ đại của sự thành đạt chân chính, của niềm chân phúc là thế này: con người không đòi hỏi được trả lại, nhận lại, kẻ hoàn toàn vô vị kỷ, mới là kẻ thành đạt công thiện nhất” (The great secret of true success, of true happiness, then, is this: the man who asks for no return, the perfectly unselfish man, is the most successful). Không xin xỏ gì cả, không mong đợi gì cả, không bao giờ muốn con sông chảy ngược lại. Phải học bài học trọn vẹn của đời sống là CHO. (Learn that the whole of life is giving). Cho, cho hết, chỉ cho thôi, rồi thôi, (give, and there it ends). Cho và bỏ, cho và đi, cho và đi mất. “Dù rằng mọi sự cố gắng đều thất bại, dù chúng ta băng huyết chảy máu, bị xé rách, xé nát, dù gì đi nữa, chúng ta cũng phải giữ tâm hồn mình — chúng ta phải duy trì Thiên tính của mình giữa tất cả mọi gian nan khốn khổ: (Even if our every attempt is a failure, and we bleed and are torn asunder, yet, through all this, we have to preserve our heart — we must assert our Godhead in the midst of all these difficulties). Biết bao thanh niên đầy say sưa, đầy hăng hái, nhiệt tình, đôi mắt hừng hực lửa thiêng, rồi khi sa chân vào tường cả trăm lần thì lúc đứng tuổi lại trở thành những cụ hèn nhát, thủ cựu, lạnh lùng, cạnh khóe, láo đời, giả dối? Họ trở thành những kẻ lì lợm, những tâm hồn chai đá, họ không còn biết nói, trái tim họ đã chết. Vivekananda muốn họ làm bậy đi, “thà nổi giận lên và mắng chửi đi còn hơn là lạnh lùng chết lờ đi giữa đời sống”. Sự chết đã vồ chụp lấy họ, “vì những bàn tay lạnh đã tóm lấy tim họ và tim ấy không còn có thể tác động gì nữa, dù là phát lên một lời chửi rủa, nói ra một lời thô bạo” (There is death in the heart for cold hands have seized upon it, and it can no more act, even to utter a curse, even to use a harsh word). Chúng ta có hiểu Rimbaud? Tại sao Rimbaud phải du côn, phải tàn bạo, phải làm điếm nhục tất cả mọi sự? Tiếng mắng chửi của Rimbaud còn thiêng liêng hơn là mười lời dạy của Thượng Đế! Tất cả mọi sự đều chết, tất cả thế giới đang dẫy chết. Hãy đứng lên, hãy nổi cơn thịnh nộ, hãy tàn phá, hãy chửi rủa, hãy xông trận! Hãy bóp nát mặt trời, hãy đập tắt mặt trăng, hãy khạt nhổ vào những ngôi sao trên trời! Cuộc đời thực đã vắng mặt! Đây là lời thánh nói, ông thánh Rimbaud: “Maintenant, je M’ ENCRAPULE le plus possible”! Cái chửi được viết bằng ngọc, bằng kim cương, bằng bảo châu, đó là chữ thần của Rimbaud: “ENCRAPULEMENT”. Phải dịch chữ “encrapulement” ra làm sao? Phải sống như Rimbaud rồi mới dịch nổi chữ này. “Chúng ta có thể bị cắt ra từng mảnh vụn, bị xẻ ra từng miếng, thế mà trái tim chúng ta phải trở nên quí phái, càng lúc càng quí phái mãi mãi” (We may be cut to pieces, torn asunder, yet our hearts must grow nobler and nobler all the time). Ai nói câu này, Rimbaud hay Vivekananda? Cả hai cộng lại. Tại sao Rimbaud tự chửi: “Merde pour moi! Merde pour moi!…”? Vì tất cả mọi sự đều do chính mình tự tạo cho mình. Trời nắng bởi vì tôi tạo ra ánh sáng, trời mưa bởi vì đời tôi đang chảy! Đừng trách trời mưa, đừng trách trời nắng. Chó cắn tôi bởi vì tôi chuần bị sẵn sàng để cho nó cắn. Tất cả mọi sự xảy ra trong đời tôi đều có sự đồng lõa của tôi, tôi đã mở cửa sẵn để đón tình nhân vào nhà; tôi đã mở cổng sẵn để lùa vịt vào sân. Tai nạn xảy đến cho tôi vì tôi đã đồng lõa với tai nạn ấy. Con người có thể đi vào lửa mà lửa vẫn không thiêu đốt được nếu toàn thể con người ấy cũng là một ngọn lửa bừng cháy. Tất cả những hoàn cảnh xảy đến cho tôi vì tôi muốn thế, tạo ra thế. Chiến tranh Việt Nam tàn phá được đất nước này vì chính tôi đã mang sẵn sự tàn phá trong lòng mình. Vô úy ấn (abhaya mudrà) của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) được thể hiện từ trực thức rằng: “Không có gì có thể xảy đến cho chúng ta mà không thuộc về chính bản tính nội tại của chúng ta” như chính thi sĩ Rainer Maria Rilke đã nói? Như đạo sĩ Lama Anagarika Govinda đã nhắc lại trong quyền sách viết về Mật Tông Tây Tạng (Foundations of Tibetan Mysticism, trg. 272). Không sợ hãi gì cả, không lo lắng gì cả, tất cả đều xảy ra do sự đồng ý vô thức của mình. Thực sự mình có muốn thế thì mọi sự mới như thế. Mình bị ung thư vì mình muốn bị ung thư. Sự thực giản dị là thế; mình tan nát vì mình đã tan nát. Henry Miller đã dạy cho tôi một bài học: “Mình luôn luôn thấy mình trong hoàn cảnh mà mình đã tạo ra: chúng ta vẫn luôn luôn ở nơi chốn mà chúng ta muốn ở” (On se trouve toujours dans la situation que l’on a créée : nous sommes toujours à l’ endroit òn nous désirons être). Và Vivekananda: “Chúng ta phải biết rằng không có gì có thể xảy đến cho chúng ta được, chỉ trừ ra khi chúng ta tự dọn mình sẵn sàng đón nhận rồi” (We must learn that nothing can happen to us, unless we make ourselves susceptible to it). Không có cơn bệnh nào có thể hành hạ mình nếu cơ thể chưa sẵn sàng đón nhận. “Không bao giờ có được một điều tai hại nào mà không phải do chính mình dọn đường sẵn với hai tay của mình” (there never has been an evil for which I did not pave the way with my own hands). Mình luôn luôn lãnh những trận đòn đích đáng. Không thể trách cứ ai cả, không nên trách, không nên đổ lỗi, đổ tội cho ai cả. “Nếu thế giới này là một thế giới quỉ ma thì chính chúng ta cũng là quỉ ma, nếu không thế thì tại sao chúng ta phải ở đây?” (If this is a devil’s world, we must be devils also ; why else should we be here?). Vivekananda dạy một bài học thứ nhất: “nhất quyết đừng đổ lỗi cho bất cứ cái gì bên ngoài, đừng trách cứ ai bên ngoài cả, Hãy Là Đàn ông, Hãy Đứng Dậy và Nhận Lỗi Vào Đầu Mình” (Be a man, stand up, lay the blame on yourself). Mình có thể tự hào rằng mình hùng, mình mạnh, mình thần thánh ngang dọc, hiên ngang cứng rắn; mình có thể tự cho là cao cả, cao thượng, vượt lên tất cả mọi sự tầm thường trên đời này, thế mà bất cứ thằng ranh con nào đi giữa chợ cũng có thể ném đá vào mình để cho mình đau đớn, nổi giận, mất bình tĩnh, mất thăng bằng! Bất cứ con muỗi nào cũng có thể vo ve bên tai để cho mình trằn trọc suốt đêm ác mộng! “Nếu ngài vô vị kỷ thì ngài giống như Thượng Đế. Có thế gian nào có thể làm hại được ngài? Ngài có thể đi xuyên qua cửu trùng địa ngục mà vẫn không hề bị cháy xém, mà vẫn được nguyên vẹn” (If you are so unselfish, you are like God. What world can hurt you? You would go through the seventh hell unscathed, untouched). Chỉ có một điều đáng bận tâm là bận tâm về mình, đừng bận tâm đến kẻ khác. Tôi là Phật thì tất cả thế giới là Phật; tôi là thiên tài độc nhất thì tất cả mọi người cũng đều là thiên tài độc nhất. Các anh cười tôi chính là các anh tự cười các anh. Các anh nói tôi điên thì chính các anh tự nói rằng các anh điên. Đó là luật đồng khởi của vũ trụ. Đó là lề luật phản diện trong thiên nhiên “thiên hạ làm những hành vi giống như những hành vi mà họ gán cho những kẻ khác, như sự tự vệ chính là sự tự hủy, vân vân”. (Henry Miller, obscenity and the law of Reflection, “by a law of reflection in nature, everyone is the performer of acts similar to those he attributes to others; that self-preservation is self-destruction etc.”)
Ý nghĩa của sự làm việc là cứ làm việc, làm việc hết sức thì mọi sự sẽ làm thế cho mình, tất cả, tất cả. Khi mình thực sự sống thì mọi sự đều sống bừng dậy. Vấn đề chỉ có thể hành hạ mình vì mình hành hạ vấn đề. “chúng ta hãy làm cho phương tiện được hoàn thiện thì cứu cánh sẽ tự lo lấy nó” (Let us perfect the means; the end will take care of itself). Tôi không bận lâm chọn lựa tự giải thoát hay giải thoát người khác: vì khi giải thoát thì cái gì cũng giải thoát. “Vì thế giới có thể là tốt đẹp và trong sạch chỉ khi nào đời sống của chúng ta được tốt đẹp và trong sạch” (For the world can be good and pure, only if our lives are good and pure).
Hãy để nước chảy trong trẻo trong người tôi thì tất cả giếng nước ở khắp mặt đất sẽ phản hiện lại tất cả màu trời nguyên thủy.
Thích Nguyên Tánh