Phật Tử Đối Trị Dịch Bệnh
Nguyên Giác
Bài này được viết để trả lời một câu hỏi, rằng Phật Tử có cách nào để đối trị dịch bệnh?
Câu hỏi này đặc biệt được quan tâm trong tình hình hiện nay, trong khi chuyên gia WHO cảnh báo có thể sẽ tới cao điểm là 2/3 nhân loại nhiễm vi khuẩn COVID-19. Nghĩa là sẽ chết rất nhiều, không đếm nổi. Tính tới trưa Thứ Sáu 14/2/2020, từ khi nhận diện bệnh này từ tháng 12/2019 tại Wuhan, Trung Quốc, đã có hơn 64,473 trường hợp nhiễm virus COVID-19 (tên cũ: coronavirus), trong đó 10,627 người bệnh trầm trọng (tỷ lệ 16%), với 1,384 người chết và 7,170 người hồi phục. Theo WHO, tỷ lệ người chết trên số người chết và hồi phục [current ratio of dead / (dead+recovered)] là 16.2%. Đa số trường hợp là ở Trung Quốc. Riêng Việt Nam đang cô lập một xã 10.000 người để cách ly, thử nghiệm và chữa trị các trường hợp dương tính.
Dịch bệnh lớn nhất và bao trùm hết là sinh tử luân hồi, như thế câu trả lời là Tứ Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), trong đó con đường thoát khổ là Bát Chánh Đạo nằm trong Đạo Đế. Khi đã có cách đối trị dịch bệnh lớn nhất, tất nhiên là cũng có cách đối trị các dịch bệnh ở tầm khu vực nhỏ hơn.
Dịch bệnh là từ nghiệp sinh ra, do vậy nếu thuận theo pháp để tu, sẽ hy vọng từ từ giải được nghiệp. Trường hợp tu tập mà không thoát được nghiệp, để sẽ phải ra đi vì dịch bệnh, cũng sẽ được tâm xả ly thanh thản, thuận pháp.
Kinh Phật kể về nhiều trường hợp cần tự bảo vệ chính mình. Trong đó có thể liệt kê các trường hợp được bảo vệ là nhờ: Quy y, Thọ giới, Nghe Kinh (Học Pháp), Làm Việc Thiện, Tu Tâm Từ, Tu Niệm Xứ, Niệm Pháp Ấn Vô Thường. Ghi nhận rằng cả nhóm pháp tu vừa dẫn đều là tự dựa vào chính mình, biết sám hối và biết tu. Tuy nhiên cũng có trường hợp tha lực trong Kinh Phật, dựa vào oai lực nghiêm trì giới luật và hạnh nói thật của vị thánh tăng: khi một thai phụ gặp sản nạn được ngài Angulimala cứu cho mẹ tròn con vuông.
Trước tiên, QUY Y là tự bảo vệ chính mình. Kinh SN 2.10 kể về trường hợp một vị thiên, tên là Suriya, bị vua A Tu La bắt giam. Thiên tử Suriya mới tưởng niệm Đức Thế Tôn, nói lên bài kệ niệm lời Quy y (có lẽ, Thiên tử Suriya trước đó đã quy y Phật rồi, khi gặp nạn mới tụng lại kệ quy y, nhưng cũng có thể lần đầu tự tụng lời Quy y; chỗ này kinh không nói rõ). Đức Phật mới nói với vua A Tu La rằng hãy trả tự do cho Suriya, vì vị Thiên này bây giờ là Phật Tử rồi. Vua A Tu La mới trả tự do cho vị Thiên Suriya, và nói bài kệ rằng nếu vua không trả tự do cho Suriya thì đầu vua “sẽ bể thành bảy” phần khác nhau.
Như vậy, chúng ta không biết chắc rằng Quy y có ảnh hưởng gì tới dịch bệnh không, nhưng chắc chắn là có oai lực đối với giới phi nhân ở cõi chúng ta không thấy bằng mắt trần được. Tốt nhất là, hãy mời gọi nhau Quy y, đưa hết cả nhà Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Kinh SN 2.10 nói về oai lực Quy Y, bản dịch HT Thích Minh Châu có link ở Ghi chú số (1).
Trường hợp đặc biệt kể lại trong kinh điển: một tên trộm chỉ nghe Đức Phật giảng kinh, là đắc quả Dự Lưu. Đó là trong tích truyện về bài Kệ 63 trong Kinh Pháp Cú.
Bài Kệ 63 với bản dịch của HT Minh Châu như sau.
63. "Người ngu nghĩ mình ngu, Nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, Thật xứng gọi chí ngu."
Tích truyện kể rằng có 2 tên trộm đi cùng một nhóm cư sĩ Phật tử tới tu viện Jetavana, nơi Đức Phật đang giảng kinh. Một trong 2 tên trộm chú ý nghe kinh, và đắc quả Dự Lưu. Trong khi đó, tên trộm thứ nhì trộm tiền từ một trong các cư sĩ. Sau bài kinh, hai chàng trộm trở về nhà của kẻ trộmt hứ nhì, người mới trộm được tiền. Vợ của kẻ trộm thứ nhì mới nói giỡn với kẻ trộm thứ nhất: “Anh trí tuệ quá, không có gì để nấu trong nhà của anh đâu.” Nghe thế, kẻ trộm thứ nhất tự nghĩ, “Chị này ngu tới nỗi chị nghĩ rằng chi rất khôn ngoan.” Thế rồi cùng với một số thân nhân, kẻ thứ nhất tới gặp Đức Phật, kể lại. Đức Phật mới đọc bài Kệ 63 nêu trên. Thế rồi tất cả thân nhân của kẻ thứ nhất cùng chứng quả Dự Lưu.
Nghĩa là, nghiệp nặng như kẻ trộm, khi chăm chú Nghe Kinh, cũng có cơ may chứng quả thánh. Thời này, chúng ta có rất nhiều cơ hội nghe kinh giảng trên YouTube, đọc kinh qua các trang web, và bất kể nghiệp lực nặng nhẹ thế nào, hễ chúng ta nghe kinh nếu không dám nói là sẽ chứng quả thì cũng được phần nào giải nghiệp.
Giữ Giới và Làm Việc Thiện cũng là một cách để phòng ngừa các bất trắc của đời. Như tích truyện Kinh Pháp Cú về bài Kệ 30, ghi lời Đức Phật trong Kinh Sakkapanha Suttanta dạy về trường hợp Sakka, Vua của các cõi trời. Trong một kiếp trước của Sakka là một chàng trai tên Magha, cư dân làng Macala. Chàng Magha và 32 người phụ tá của chàng đã xây đường lộ và các nhà cửa cho người cần nghỉ ngoi. Chàng Magha giữ 7 lời nguyện trong suốt đời: (1) hiếu dưỡng ba mẹ của chàng; (2) tôn trọng người trưởng thượng, người già; (3) nói lời từ ái; (4) không nói xấu hay dè bỉu người khác; (5) rộng rãi bố thí; (6) chỉ nói sự thật; và (7) sẽ tự chế, tránh nổi giận.
Sau đó, Đức Phật nói bài Kệ 30, bản dịch của HT Minh Châu là:
30. "Đế Thích không phóng dật, Đạt ngôi vị Thiên chủ. Không phóng dật, được khen; Phóng dật, thường bị trách."
Nhờ giữ 7 lời nguyện như thế, Magha tái sinh làm Vua Trời Sakka. Khi chàng trai Mahali nghe Đức Phật kê chuyện Sakka xong, liền đắc quả Dự Lưu.
Như thế, chúng ta cũng thấy rằng, Giữ Giới và Làm Thiện Pháp sẽ mang tới quả tốt. Chúng ta không biết chắc dịch bệnh khi lây tới 2/3 nhân loại sẽ xóa sổ bao nhiêu triệu người, nhưng điều nên chuẩn bị bây giờ nên là hãy mời gọi cả nhà, cả xóm rủ nhau: Quy Y, Thọ Giới, Làm Thiện Pháp, và Nghe Kinh (học Pháp).
Trường hợp hy hữu là nhờ oai lực của Thánh Tăng. Đó là trường hợp ngài Angulimala. Nguyên là chàng trai thông minh ở thành Savatthi, ban đầu được Thầy ưa chuộng vì giỏi, nhưng các bạn học ghen tỵ, mới làm cho Thầy không vui với chàng. Nhằm loại bỏ Angulimala, vị Thầy ra lệnh chàng tìm 1.000 ngón tay người để hoàn tất học trình. Angulimala trở thành sát thủ, giết nhiều người để chặt ngón tay, làm nhiều ngôi làng bỏ chạy, di tản. Khi mẹ Angulimala can thiệp, bà cũng suýt bị Angulimala giết.
Lúc đó, Angulimala đã kiếm được 999 ngón tay của 999 nạn nhân, và mong muốn tìm người thứ 1.000. Khi đi tới rừng Kosala, Angulimala gặp lại mẹ, và được mẹ cho thức ăn. Suy nghĩ, Angulimala muốn giết bà làm nạn nhân thứ 1.000. Khi đó, Đức Phật bước tới, Angulimala mới rút kiếm rượt theo Đức Phật. Nhưng chạy nhanh thế nào, Angulimala cũng không chẹy theo kịp Đức Phật đang bước từ tốn. Thế rồi Angulimala gọi Đức Phật dừng lại. Đức Phật lúc đó mới nói rằng ngài đã ngừng từ lâu rồi, và Angulimala mới nên ngừng bây giờ. Angulimala hỏi thêm, và được Đức Phật thuyết pháp. Nghe pháp xong, Angulimala sám hối, xin xuất gia, và được nhận vào tu viện Jetavana.
Thời gian sau, Angulimala gặp một thai phụ đang đau đớn vì sản nạn, khó sanh. Nhà sư Angulimala xúc động sâu thẳm cho kiếp người, nên tới Đức Phật hỏi xem có cách gì làm cô kia đỡ đau. Đức Phật bảo Angulimala tới gặp thai phụ kia và nói:
“Chị ơi, từ khi tôi được sinh ra, tôi nhớ rằng tôi không từng cố ý làm hại một sinh vật nào. Với sự thật [tôi nói đây] xin nguyện rằng chị bình an, và xin nguyện em bé chào đời bình an.”
Angulimala nói rằng như thế không chính xác, và Đức Phật sửa câu văn lại:
“Chị ơi, từ khi tôi được sinh vào dòng Thánh, tôi nhớ rằng tôi không từng cố ý làm hại một sinh vật nào. Với sự thật [tôi nói đây] xin nguyện rằng chị bình an, và xin nguyện em bé chào đời bình an.”
Sinh vào dòng Thánh có nghĩa là xuất gia. Từ khi thành một nhà sư, Angulimala không cố ý làm hại sinh vật nào. Sau khi Anguliamla Tuyên Thuyết Sự Thật như thế, thai phụ sinh con an lành.
Như thế, oai lực nơi đây là vì ngài Angulimala giữ Giới Bất Hại và Giới Nói Thật. Như thế, giới có sức mạnh thần kỳ như thế. Dù vậy, chúng ta không chắc đã có cơ may gặp bậc Thánh tăng trong thời này. Nhưng hàng cư sĩ chúng ta biết chắc rằng, tự mình giữ giới – nếu không giữ trọn 5 giới, thì riêng giới bất hại và giới nói thực cũng sẽ có oai lực.
Trường hợp khác, Đức Phật dạy rằng tu pháp Niệm Xứ cũng sẽ được hộ trì. Kinh Tương Ưng Niệm Xứ SN 47.21 (Sadaka Sutta), trích bản dịch của HT Thích Minh Châu:
“Thế Tôn nói: Này các Tỷ-kheo, như đệ tử Medakathàlikà đã nói với thầy của ông ấy: “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Chúng ta sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.” (2)
Có nghĩa là, tu Niệm Xứ cũng là giữ tâm kham nhẫn, bất hại, từ và bi. Kinh này không nói rõ là tu Niệm Xứ nào. Có lẽ pháp thích nghi với đa số sẽ là Niệm Hơi Thở, tức là một phần Niệm Thân. Bạn cũng có thể kết hợp pháp Niệm Hơi Thở vào pháp Niệm Pháp Ấn Vô Thường như sau.
Hãy thở rất mực dịu dàng. Khi tỉnh thức niệm hơi thở, bạn cũng đang niệm tâm của bạn. Sau đó, bạn sẽ thấy tâm bạn trở thành một với hơi thở. Khi tỉnh thức niệm thân, bạn cũng đang niệm tâm bạn. Rồi bạn sẽ thấy thân và tâm là một. Nhìn vào tâm bạn, bạn thấy các niệm đến rồi đi, hệt như sóng lên rồi xuống. Hơi thở bạn sẽ dịu dàng, vi tế hơn, và gần như biến mất; rồi bạn sẽ thấy thân và tâm hợp nhất và bình lặng. Khi bạn thở, hãy nhớ rằng không có ai đang thở. Hãy tự xem hơi thở phập phồng trong một nhúm thịt, xương, da, máu, chân, cánh tay, bàn tay, đầu và tóc – túi da này đang dịu dàng thở vào và ra. Thở trong cách này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ngay trong hơi thở các đặc tướng vô ngã, vô thường, bất như ý và rỗng không vô tự tánh.
Kinh nói rằng khi bạn thấy toàn thân ngập tràn an định trong hạnh phúc, toàn thân làn da như xoa bột tắm, lúc đó bạn đang vào sơ thiền; thêm nữa, trong kinh SN 36.11, Đức Phật nói rằng khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt, tịnh chỉ. Khi bạn thấy tâm không còn niệm nào, và toàn thân tâm an định ngập tràn trong tịch lặng hạnh phúc, là bạn đang vào nhị thiền; cũng trong kinh SN 36.11, Đức Phật nói rằng khi chứng được Thiền thứ nhì, tầm (đặt tâm vào) và tứ (dán tâm vào) được đoạn diệt, tịnh chỉ. Làm cách nào các niệm biến mất? Đừng ngăn chận niệm; niệm sẽ tự biến mất khi bạn quan sát và thấy bản tánh rỗng không của nó. Nhiều kinh (như, Trung Bộ Kinh MN 52, và MN 64) nói rằng từ sơ thiền hay từ nhị thiền, bạn có thể quan sát và cảm nhận ngọn gió vô thường đang trôi chảy xuyên khắp thân tâm bạn liên tục. Trong trạng thái này, bạn sẽ buông bỏ mọi thứ; tất cả lậu hoặc phiền não sẽ từ từ nhạt đi và biến mất. Đó là từ niệm hơi thở chuyển sang Niệm Pháp Ấn, hay Niệm Thực Tướng.
Nên ghi nhận rằng trong Kinh AN 9.20 (Kinh Velàma), Đức Phật dạy rằng tối thắng, cao nhất, không gì vượt qua chính là niệm vô thường, thứ nhì là niệm từ bi. Ngay cả có ai dâng cúng bố thí tới Đức Phật và tất cả tăng chúng khắp thế giới cũng không so bằng. Do vậy, niệm Pháp Ấn Vô Thường là tối thắng. Kinh AN 9.20 bản dịch HT Thích Minh Châu, trích như sau:
“…có ai bố thí Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... và có ai bố thí chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương... và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và chúng Tăng... và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.” (3)
Trong các quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông, có một số Kinh trong nhóm Tiểu Bộ thường được tụng để làm Hộ Kinh (kinh bảo vệ cho người tụng). Trong nhóm kinh này, phổ biến nhất là Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) và Kinh Lòng Từ (Mettà Sutta). Nhóm kinh này, trong bản dịch của HT Minh Châu, có thể đọc ở link (4).
Trong nhóm kinh này, có lẽ không thích nghi với hàng cư sĩ là Kinh Châu Báu (Ratana Sutta), vì kinh này là thuyết linh, nói với các chúng sinh vô hình, hàng phi nhơn. Và cư sĩ thường không đủ phước đức để nói với các vị phi nhơn. Tương tự, Kinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta), chỉ thích nghi với tu sĩ, là để cúng cho ngạ quỹ.
Kinh Châu Báu có đoạn đầu là (viết theo văn xuôi): “1. Phàm ở tại đời này, Có sanh linh tụ hội, Hoặc trên cõi đất này, Hoặc chính giữa hư không, Mong rằng mọi sanh linh, Được đẹp ý vui lòng, Vậy, hãy nên cẩn thận, Lắng nghe lời dạy này.”
Kinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta) có đoạn đầu là: “1. Ở bên ngoài bức tường, Bọn họ đứng chờ đợi, Giao lộ, ngã ba đường, Trở về mái nhà xưa, Đợi chờ bên cạnh cổng.”
Phổ biến nhất trong các giới Phật tử Hoa Kỳ là Kinh Metta Sutta, thường dịch là Kinh Từ Bi. Duyên khởi của Kinh Từ Bi là khi Đức Phật ngụ ở thành Savatthi, một nhóm 500 nhà sư nhận đề tài tu thiền, vào một cánh rừng nhập khóa hạ. Các vị thầy cây trong rừng không vui, mới quậy phá để các sư đi nơi khác. Các sư phiền não, trình với Đức Phật, và được dạy trì tụng Kinh Từ Bi để gửi tâm từ tới các thần cây, và khu rừng trở nên an ổn. Sau ba tháng an cư này, 500 thầy tỳ kheo đắc quả. Kinh này từ đó về sau, được dùng làm Hộ Kinh.
Sau đây là bản văn Thầy Nhất Hạnh dịch Kinh Từ Bi (Metta Sutta):
“Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết xử dụng ngôn ngữ từ ái. Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi theo đám đông. Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt thoát khỏi tử sinh.” (5)
Tóm lại, trong thời dịch bệnh đang có cơ nguy sẽ lây tới 2/3 nhân loại, người Phật tử nên khẩn cấp khuyến tấn cả gia đình Quy y, Thọ giới, Nghe kinh, Làm việc thiện, Tu niệm xứ, Tu hạnh Từ Bi, Niệm Pháp ấn Vô Thường. Chúng ta không thể biết rằng nghiệp lực sẽ dẫn chúng ta, gia đình và dân tộc tới đâu, nhưng nên thấy rằng nếu dịch bệnh này làm kiệt sức toàn dân là có thể gặp cơ nguy mất nước, và cả cơ nguy Đạo Phật bị xóa sổ tại quê nhà.
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 2.10: https://suttacentral.net/sn2.10/vi/minh_chau
(2) Kinh SN 47.21: https://suttacentral.net/sn47.21/vi/minh_chau
(3) Kinh AN 9.20: https://suttacentral.net/an9.20/vi/minh_chau
(4) Kinh Tiểu Tụng: https://thuvienhoasen.org/p15a1271/kinh-tieu-tung-viet-anh
(5) Kinh Từ Bi: https://thuvienhoasen.org/a10456/kinh-tu-bi-metta-sutta
.