Wednesday, February 12, 2020

Tu học Phật Pháp [1]

Đạo Sinh: Tu học Phật Pháp [1]

Chữ Phạn “siddhārtha” (siddhattha; don grub; 悉達多) có nghĩa là “Người thành tựu mục đích của mình” (He who achieves his goal). Bồ-tát Siddhārtha, sau khi từ cõi trời Đâu-suất hạ sinh vào thế giới này, đã thành tựu mục đích tối hậu trên con đường tu tập của mình là “Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” dưới cội cây bồ-đề. Đây cũng là thời điểm ngài nhập “Hữu dư y niết-bàn”, là loại niết-bàn trong đó mọi dấu vết của vô minh và phiền não đã được đoạn tận, nhưng vẫn còn lưu giữ sắc thân để giáo hóa chúng sinh. Từ đó, giác ngộ (bodhi) hay niết-bàn được xem như điểm đến cuối cùng của con đường tu học.
CỨU CÁNH TU HỌC: Niết-bàn là loại cảnh giới vô vi (unconditioned realm), tức không được lập thành bởi các điều kiện, hay nhân-duyên. Vì không có sự hội tụ của nhân-duyên nên niết-bàn không sinh; và vì không có sự tan rã của nhân-duyên nên niết-bàn không diệt. Nếu niết-bàn có diệt, thì khi nhân duyên tan rã, chư Phật sẽ phải trở lại luân hồi. Sự chuyển y từ cảnh giới sinh diệt của luân hồi sang cảnh giới bất sinh bất diệt của niết-bàn được đánh dấu bằng 3 cánh cửa mà bất kỳ người học nào muốn đạt được mục đích cuối cùng này đều phải đi qua:
(1) Không Môn: cánh cửa của tánh Không, mở ra một sự thật là niết-bàn trống vắng mọi thứ tương ưng với một ý thức về Ngã.
(2) Vô Tướng Môn: cánh cửa của sự trống rỗng bất kỳ dấu hiệu, hình thái nào; hiển bày một sự thật là niết-bàn chẳng có gì cho người học nương vào để nhận biết.
(3) Vô Nguyện Môn: cánh cửa của sự trống rỗng bất kỳ thệ nguyện nào, hàm nghĩa niết-bàn chỉ có thể được thể nhập khi người học không còn bất kỳ mong muốn hay đeo bám nào đối với niết-bàn.
Ý NGHĨA TU HỌC: Luận Câu-xá mô tả cấu trúc thân-tâm của Bồ-tát Siddhārtha sau khi giác ngộ và thể nhập niết-bàn như thế là “tịnh ngũ uẩn”, để phân biệt với “thủ ngũ uẩn” của người học. “Thủ” là tự thân phiền não, đồng thời cũng là nhân và quả của phiền não; vì thế “thủ ngũ uẩn” có nghĩa là “năm uẩn nhiễm ô, bất tịnh”. Trên bình diện chuyển y, tu học là tiến trình chuyển dịch từ “nhiễm ô” sang “thanh tịnh”. Đây chính là ý nghĩa của chữ Phạn “bhāvanā” được sử dụng trong nhóm từ “văn-tư-tu”. “Bhāvanā”—được dịch nghĩa trong Hán tạng là 修 (tu)—xuất phát từ động từ căn √bhū, có nghĩa là “trở thành” (to become). Như vậy, tu học trong Phật pháp là hành động trở thành: từ “nhiễm ô” trở thành “thanh tịnh”, từ “phiền não” trở thành “giải thoát”, từ “vô minh” trở thành “giác ngộ”, từ “phàm phu” trở thành “thánh giả”, v.v.
CHƯỚNG NGẠI TU HỌC: Trong quá trình trở thành này, để đạt được mục đích cuối cùng là giác ngộ, người học sẽ phải vượt qua hai chướng ngại chính là phiền não và sở tri. Phiền não chướng là các trạng thái tâm tiêu cực như tham, sân, si, phóng dật, hôn trầm, vô tàm, vô quý, v.v. Sở tri chướng là các kiến thức, nhận thức, quan niệm sai lầm về thực tại, như hữu thân kiến, biên kiến, thường kiến, đoạn kiến, v.v.; trong đó hai loại tà kiến dưới đây được xem như nguồn gốc phát sinh tất cả các chướng ngại nói trên, đồng thời là nguyên nhân của luân hồi sinh tử:
(1) Nhân ngã kiến (pudgalātmagraha, 人我執): là quan niệm cho rằng trong cấu trúc thân-tâm của mỗi người đều có một cái “ta” làm chủ tể, chịu trách nhiệm phát sinh và điều động tất cả các hoạt động của một con người. Theo quan niệm của Ấn giáo, cái “ta” này vốn thanh tịnh, thường hằng, bất biến, nhưng vì bị phiền não và vô minh trói buộc nên mới chịu đau khổ. Vì thế, tu học có nghĩa là nỗ lực làm thế nào cho cái “ta” này ngày càng được thanh tịnh, an lạc, giải thoát, v.v.
(2) Pháp ngã kiến (dharmātmagraha, 法 我執): là quan niệm cho rằng tất cả các hiện tượng con người có thể nhận biết đều có tự tánh riêng của nó, tức tự nó hiện hữu như chính nó, chứ không phải giả hợp, do nhân duyên tạo thành theo cái nhìn của Phật pháp.
Hai loại kiến chấp này nằm trong số các điều kiện hình thành vòng sinh tử luân hồi của người học. Từ sự tham luyến cái “ta” dẫn khởi sự tham đắm, đeo bám, chấp thủ “những gì thuộc về cái ta” (ngã sở). Vì đeo bám, chấp thủ như thế nên người học đã hiện hữu liên tục trong vòng quay của sống-chết từ đời này qua đời khác. ….