Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts
Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts

Monday, December 22, 2014

TIỄN MẸ - HẸN NGÀY HẠNH NGỘ

Mẹ Hoà Hưng - ảnh Trần Trung Đạo gởi
TIỄN MẸ - HẸN NGÀY HẠNH NGỘ

Kính tiễn Cụ bà Diệu Hồng - Phan Thị Diên
Xin chia buồn cùng gia đình anh Trần Trung Đạo

Mẹ là biểu tượng tình thương
Mẹ là suối nguồn hạnh phúc
Bao vất vả, hy sinh và dâng hiến
Bán bánh bèo nuôi bảy đứa con thơ
Ngày Mẹ mất lòng buồn từng hơi thở
Lệ châu tràn đã chảy ngược về tim
Mẹ ra đi thong dong, nhưng con lắm nỗi niềm
Sống cảnh tha hương con không thể về tiễn Mẹ
Ba mươi ba năm, đúng ba mươi ba năm lẻ
Chỉ nhớ thương, trằn trọc và nguyện cầu
Cho Mẹ, cho quê hương, cho Sơn hà xã tắc
Ngày tiễn con đi, con chưa hẹn ngày về
Nay tiễn Mẹ, con nguyền với sơn khê
Sẽ gặp Mẹ ở sông Thu Bồn, xứ Quảng
Bến sông Mẹ, có trăng vàng soi sáng
Hẹn một lần hạnh ngộ nhé Mẹ yêu!

Hoa Đàm kính bái

Tuesday, October 14, 2014

TRẦN TRUNG ĐẠO – BIỂU TƯỢNG HÀNH TRÌNH TỰ DO

Trần Trung Đạo tại hội trường ra mắt sách Chánh Luận tại Sacramento - Photo: BXK
With author Tran Trung Dao

TRẦN TRUNG ĐẠO – BIỂU TƯỢNG HÀNH TRÌNH TỰ DO

Nhân Duyên Gặp Nhau
Anh Trần Trung Đạo, tên thật là Trần Văn Nhơn sinh năm 1955, là một nhà văn, nhà thơ ưu ái, mà ai trong chúng ta cũng yêu thương và kính trọng. Anh Đạo quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Anh từng là cựu học sinh trường Trung Học Trần Quí Cáp ở Hội An; anh cũng là cựu sinh viên đại học Luật Khoa và Vạn Hạnh tại Sài Gòn. Sau biến cố 30 tháng 4, anh đã trải nghiệm hơn 6 năm sống với chế độ “Xã hội Chủ nghĩa”.  Cùng với biết bao nhiêu người con Việt khác, anh phải rời bỏ quê hương thân yêu để tìm kiếm tự do và nhân bản, anh vượt biển vào tháng Sáu năm 1981 và đến đảo Palawan, Phi Luật Tân. Sau năm tháng tỵ nạn ở Palawan, Philippines và định cư tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1981. Ở đó, anh theo học ngành khoa học điện toán tại Wentworth Institute of Technology và Boston University và đã tốt nghiệp kỹ sư điện toán và đang làm việc cho một hãng đầu tư tài chánh tại Boston.  Nhà thơ/nhà văn Trần Trung Đạo còn là một người rất có nhiều tâm huyết cho giới trẻ và anh đặt trọn niềm tin yêu của mình vào thế hệ trẻ, nhất là tuổi trẻ Việt Nam. 
Chúng tôi biết anh khi còn đang học ở trường đại học University of Nebraska – Lincoln từ năm 1994, khi đó hai tác phẩm đầu tay của anh: Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1992, đã đi vào lòng người.  Rồi nhân duyên đưa đẩy, chúng tôi biết anh trong tổ chức Gia Đình Phật Tử nơi mà cá nhân chúng tôi vẫn còn sinh hoạt. Anh cũng tâm sự trong cuốn Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác rằng: “Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hoà mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác” (trang 281). Có lẽ vì thế mà chúng tôi càng gần gũi nhau hơn.Rồi chúng tôi quen biết qua thơ văn, cũng viết về gia đình, phận người, đất nước, dân tộc và đạo pháp.Cuối cùng chúng tôi tìm đến nhau, thương yêu và kính trọng nhau trong tình pháp lữ và trong niềm vui văn học nghệ thuật. Chúng tôi là những người đi sau anh, cũng học đòi làm thơ văn để giữ gìn tiếng Mẹ đẻ, để giữ gìn truyền thống tốt đẹp, phát huy văn hoá, thuần phong mỹ tục Việt Nam, và hoằng dương chánh pháp.

Cái Tâm Và Tấm Lòng Của Người Con Yêu Nước
Người xưa có câu “Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, quen biết anh thì chúng ta càng phục cái tâm của anh hơn. Tôi đã đến thăm gia đình anh Trần Trung Đạo vào một ngày thu đẹp trời ở Boston, được anh chị dẫn đi thăm viếng Thiền Viện Bồ Đề, đi chơi, chụp hình và đi thăm những trường đại học nổi tiếng trong vùng như MIT - Massachusetts Institute of Technology, Harvard, v.v… nhìn thấy những thanh niên, sinh viên nam nữ đang tản bộ, tập thể dục, hoặc đang cặm cụi học bài dọc bên bờ sông Charles thơ mộng, anh nói với tôi rằng: “Đất nước Hoà Kỳ này, thành phần trẻ đang lo lắng học hành để xây dựng tương lai cho chính mình và cho tổ quốc, còn đất nước Việt Nam của chúng ta, ở cái tuổi này thì các em đang làm gì…? Nhìn cảnh tuổi trẻ Việt Nam muốn tìm mọi cách ra nước ngoài học tập hoặc lao động. Số còn lại thì café, thuốc lá, nhậu nhẹt, hút sách, cờ bạc…” Giọng anh nghe có chút buồn man mác và khi nói đến đây thì cả hai chúng tôi có chút gì đó nghèn nghẹn ở trong lòng. Anh có nói: Chiến tranh phá huỷ xóm làng, nhà cửa, thì chúng ta có thể xây dựng lại nhà cửa, xóm làng, nhưng một khi TÌNH NGƯỜI bị phá huỷ thì hậu quá rất tai hại, về lâu về dài. Nên chúng ta cần phải có sự Thương Yêu và Tha Thứ để xây dựng Tình người Việt Nam. Anh Đạo là một con người lạc quan, anh có một niềm tin vững chắc vào tuổi trẻ Việt Nam và tương lai của Dân tộc.  Anh có nhắc với tôi rằng: "Chúng ta viết văn hay làm thơ cũng phải giữ lòng mình trong sáng, nhân bản, hướng thiện." Thơ và cái tâm của anh là như vậy đó: Đầy cương lĩnh, nhân hậu, đầy tình người, tình đồng bào và tình nhân loại. Anh dấn thân, sống hài hoà, dễ chịu, khiêm cung, bao dung và hỷ xả.
            Trở lại thi nghiệp của anh. Văn, Thơ và Tiểu luận của anh sâu sắc và trung trực, nói lên nỗi xót xa thân phận làm người, tấm lòng yêu quê hương và dân tộc. Những tác phẩm của anh luôn viết về tình cảm, thân phận của người vượt biển, vượt biên, nỗi khao khát tự do của người con Việt tha hương được nhiều độc giả tiếp cận và biết đến.  Anh Đạo nổi tiếng từ thuở đó.  Về sau anh lại viết rất mạnh và khoẻ, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng, không những trong văn thơ mà còn tâm bút và chính luận.
Có thể nói, những chính luận của anh là tiếng nói yêu nước chính thức của người dân bình thường, không có đảng phái chính trị nào.  Đó là những khắc khoải, những ưu tư, những giải pháp và hy vọng.  Tầm nhìn đó rất trung thực, không thêm bớt, hiện hữu như là, có khác chăng với những người khác, thì ở anh, lối viết rất nghiêm túc, có nghiên cứu, có tinh thần xây dựng, đầy nhiệt huyết, đầy từ tâm và trong sáng.

Con Người Và Gia Đình Anh Trần Trung Đạo
Con người anh và văn thơ anh đi trên cả những đảng phái, đi trên cả những lằn danh tôn giáo, và đi trên cả những phím diện tương đối phù du. Hiện thân anh là nỗi khổ và niềm vui của người Việt Nam hải ngoại nói riêng và người Việt Nam quốc nội nói chung. Anh sinh ra trong một già đình nghèo nàn ở vùng quê khô cằn Xứ Quảng, lớn lên theo vận mệnh nổi trôi của Đất nước.  Anh đã trải nghiệm và biết được bản chất thực sự của Xã hội Chủ nghĩa, anh đã không muốn sống với chế độ vô thần, thối nát, tham nhũng, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, cũng như gần cả triệu người Việt khác, anh vượt biển tìm tự do, thuyền anh bập bềnh trên biển cả, đói và khát giữa đại dương mênh mông, tiếp xúc với hải tặc, tử thần, niềm tin và hy vọng, cũng như lòng khao khát được sống còn.
Thế rồi anh được sống, và vươn lên trong xã hội Tây phương này. Anh thành tài, thành danh và thành nhân. Có thể nói, gia đình anh cũng như nhiều gia đình Việt Nam tại hải ngoại khác đã hoà nhập và vươn lên trên xứ sở mới. Anh và chị Phụng có 3 đứa con, cháu nào cũng dễ thương và thành đạt. Em lớn nhất, Nguyên Thảo, đã ra trường Bác sỹ tại New York Medical College và được chọn thực tập ở  Đại học Yale-New Haven Hospital.  Em Trung Hiếu, con trai anh, sắp hoàn tất chương trình Tiến Sĩ Kỹ Thuật Không Gian tại Rensselaer Polytechnic Institute và em út Thục Vy đang học lớp 11.  Nói chung gia đình anh đã công thành danh toại, và là một gia đình Việt Nam gương mẫu tại hải ngoại. Thế nhưng anh không bao giờ quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình.  Anh lúc nào cũng tìm cách để xây dựng lại một quê hương Việt Nam nhân bản, công bằng, tự do, giầu tình người và dân chủ.

Tiếng Nói Lương Tri
Khi nói đến nhà thơ/nhà văn Trần Trung Đạo là nói đến những hạnh nguyện, thao thức, và ước mơ của nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ của Cha Ông chúng ta, và cả thế hệ chúng ta, hay nói cho cùng là cả một Dân tộc Việt Nam.  Nói đến anh là nói đến tấm lòng đối với Quê hương, Tổ quốc và Dân tộc.  Nói đến anh là nói đến sắc thái, bản lĩnh, tấm lòng của người con Việt yêu quê hương. Có lần anh đã nói “Quê hương Việt Nam sau 1975 là quê hương để nhớ để thương, chứ không phải để sống.” Chắc có lẽ anh nói rất rỏ và rất chính xác. Vì sao tôi nói như vậy, phải chăng đất nước Việt Nam của chúng ta đang thiếu sự tự do, bình đẳng và nhân quyền. Thiếu đi một biểu hiện chân chính, một tư tưởng Việt Nam, trái tim và thuần tuý phong tục Việt.  Mà nói đến đất nước Việt Nam là nói đến những quá khứ huy hoàng và tang thương, và cả một chiều dài lịch sử. Nhưng nói đến Việt Nam là nói đến một tương lai mà chúng ta có quyền hy vọng là văn minh, thanh bình, tự do và tất cả những gì chúng ta đang chờ đợi và mong muốn bao nhiêu thế kỷ qua.  
Anh Đạo hiểu rằng, triều đại nào, chế độ nào cũng mai một, chính sách nào cũng phải đổi thay để cùng hoà nhịp tiến của nhân loại. Thêm vào đó, anh nhận chân được sự xuống dốc trầm trọng về nhiều mặt từ giáo dục đến kinh tế, từ chính trị đến nhân quyền, từ đạo đức lãnh đạo đến tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong chế độ hiện nay. Có không ít thành phần trong xã hội đang chạy theo vật chất xa hoa bên ngoài, mà quên đi truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nhưng đó là những gì anh hay bất cứ ai trong chúng ta không có thể kiểm soát được, vì thế anh lúc nào cũng tích cực, hoà nhã, và đối xử với nhau bằng tất cả tấm lòng, nhất là quê hương Việt Nam. Vì đó là những gì anh có thể kiểm soát được chính mình. Những suy nghĩ, lời nói và hành động của anh luôn trong sáng, hướng thiện, và từ tâm khi nói về quê hương yêu dấu. Mà nói đến quê hương Việt Nam (xin được nhấn mạnh một lần nữa) là nói đến sự cầu tiến, khát vọng vươn lên, đổi thay để chúng ta có những gì chúng ta chưa có. Và có lẽ những gì chúng ta chưa có nên chúng ta cứ hằng ấp ủ, vẫn đang còn lo sợ, mong chờ, còn chạy theo những cái huyễn bên ngoài.  Chạy theo thời đại, chạy theo tranh chấp, chạy theo bản ngã và những cám dỗ của thế gian mà chúng ta quên đi bản thể Chân Như của chính mình. Bản thể chúng ta vốn là thanh tịnh và uyên nguyên.  Cũng như đất nước Việt Nam của chúng ta ngàn đời vẫn vậy, mãi mãi là xứ Việt, bất khuất, hiên ngang, rộng lượng, trong sạch, bao dung, yêu thương và tha thứ.

Quay Về Nguồn Cội
Anh Đạo nhận chân được đều đó, và anh về lại với chính mình. Anh biết là anh cần gì, nói gì, và làm gì cho anh, cho gia đình anh và cho dân tộc anh.  Anh cũng hiểu rằng nơi nào có tình thương là nơi đó có ánh sáng, có trí tuệ, có tình người. Và khi nói đến người Việt Nam là nói đến sự hy sinh, cần cù, cầu tiến và cải thiện cho hoàn cảnh và cho con người của thế hệ chính mình, mà cho thế hệ tương lai. Vì đó là biểu tượng chung của người Việt chúng ta.
Những điều gì chúng ta chưa nói được, nhà văn/nhà thơ Trần Trung Đạo đã nói hộ cho chúng ta. Tiếng nói của anh có thể nói là tiếng gọi lương tâm, đại diện cho biết bao nhiều người Việt Nam ở quốc nội và hải ngoại hay những người con tỵ nạn tha hương trên thế giới, không phân biệt màu da và tôn giáo, còn có tấm lòng biết hướng về, yêu thương tổ quốc và dân tộc mình. Nói tóm lại, nhà văn nhà thơ Trần Trung Đạo là biểu tượng của người đi tìm hành trình tự do. Mà theo anh, “Ý nghĩ thứ nhất (trong) hành trình tự do là giữ lại những gì chúng ta đã có và phát huy để ngày càng tốt đẹp hơn.” Vậy thì chúng ta hãy cố gắng giữ gìn và phát huy những gì chúng ta đang có, đó là bản thể Chân Như, là Bát Nhã, là đức tính Chúa trời, là Bản lai diện mục, là Phật tánh thường hằng sẵn có của chính mình.

Friday, June 13, 2014

TRẦN TRUNG ĐẠO - Tiếng Chuông Tỉnh Thức Nhẹ Ngân!

Designed by Uyen Nguyen

TRẦN TRUNG ĐẠO - 
Tiếng Chuông Tỉnh Thức Nhẹ Ngân!

Trần Trung Đạo là một trong 10 nhà thơ tiêu biểu ở Hải Ngoại.  Nếu như cụ Tạ Tỵ viết thêm một cuốn sách 10 Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, tôi chắc chắn rằng Trần Trung Đạo là một trong những người đó. Thơ văn của Trần Trung Đạo đậm nét Quê Hương và Dân Tộc. 
Thơ của anh mượt mà, tình cảm, khắc khoải và trong sáng.  Văn của anh như dòng thác tuôn chảy từ đỉnh cao của Tibet. Ở độ cao, nó mãnh liệt, tuôn trào, gào thét, và là những tiếng chuông đánh thức mọi người. Ở độ trung, văn anh như dòng nước ngọt chảy thảnh thơi ra đại dương xanh thẳm, nó có tình, có lý, có nhân và có hậu. Khi ra biển lớn nó là dòng tư tưởng siêu việt, thái độ trung dung, và phong cách quân tử của người con Việt.  Có thể nói văn thơ của anh là sự trăn trở, ưu tư và khắc khoải chung của nhiều người con Việt.
Văn thơ của Trần Trung Đạo là tiếng nói rất thật, thống thiết mang chất liệu xây dựng, thương yêu và hiểu biết.  Anh viết rất nhanh, nhẹ nhàng và nghiêm túc; sự nghiêm cứu kỷ càng đó làm cho những bài viết tiểu luận của anh càng giá trị. (Xin được mở ngoặc - Có lần thăm gia đình anh, lúc đó anh đang viết về Nelson Mandela, anh có đến 6 cuốn sách về cựu tổng thống Nam Phi này trên bàn làm viết.) Sáng này có cơ hội lướt qua 42 bài tiểu luận của anh trong tập Chính luận Trần Trung Đạo dài 600 trang. Đa số những bài tiểu luận này là những tâm bút, những bài viết của anh đã đăng trên trang nhà của anh và các báo chí nhiều nơi trong và ngoài nước.
Nay những tác phẩm để đời này được NXB Cổ Loa cho ra đời với sự trình bày đầy nghệ thuật của Uyên Nguyên. Tập sách này là món quà tinh thần của tất cả những người con Việt, xoáy sâu vào 3 chủ đề chính: Hiểm họa Trung Cộng, Hiện trạng Việt Nam và Bài học tẩy não.
Xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn đọc. Sách do Amazon phát hành, có thể order tại đây: http://www.amazon.com/Chinh-Luan-Tran-Trung-Dao/dp/1499771487/ref=pd_rhf_se_p_tnr_1

Sacramento, Sáng thứ Sáu, Friday, the 13th of 2014.
Bạch X. Phẻ


Friday, April 4, 2014

MỘT NHÀ THƠ VIỆT NAM TRÌNH LUẬN ÁN TIẾN SĨ VỀ HÀNH TRẠNG CỦA CÁC TU SĨ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI TẠI ĐẠI HỌC DREXEL

HOA ÐÀM - CHÚC MỪNG TÂM THƯỜNG ÐỊNH

BẠCH XUÂN PHẺ với phu nhân (trái) và các giáo sư trong ngày bảo vệ và chúc mừng luận án tiến sĩ, 4 tháng Tư, 2014. Ảnh: Daniel Gilbert Valencia
MỘT NHÀ THƠ VIỆT NAM TRÌNH LUẬN ÁN TIẾN SĨ VỀ HÀNH TRẠNG CỦA CÁC TU SĨ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI TẠI ĐẠI HỌC DREXEL
Hôm thứ Sáu 4 tháng 4, 2014 vừa qua, nhà thơ Bạch Xuân Phẻ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với chủ đề nghiên cứu rất đặc biệt: Mindful Leadership - A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and Contributions to Society” (Lãnh đạo bằng chánh niệm -- Một cuộc nghiên cứu có tính hiện tượng về các tăng sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ về vai trò lãnh đạo tâm linh và đóng góp cho xã hội).
Nhà thơ Bạch Xuân Phẻ sinh ngày 7 tháng Sáu, 1976 tại Vũng Nồm, Phước Lý, Quy Nhơn, Bình Định nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ từ 1991.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại thành phố Lincoln, Nebraska , Bạch Xuân Phẻ theo học nhiều trường đại học tại Mỹ và tốt nghiệp nhiều bằng cấp trong đó có Cử Nhân Khoa Học Sinh Học (Bachelor of Science in Biology with minor in Chemistry/Psychology) tại University of Nebraska, 1998; Cao Học Hóa Học (Master’s Degree Program in Chemistry) tại University of California, Davis, 2001;  Cao Học Giáo Dục về Lãnh Đạo và Nghiên Cứu Chính Sách (Master’s Degree in Education in Leadership and Policy Studies)  tại California State University, Sacramento 2005.
Ngoài ra, Bạch Xuân Phẻ đã hoàn thành rất nhiều nghiên cứu giá trị về khoa học, giáo dục, quản trị và lãnh đạo. Anh đã được thưởng nhiều học bổng giá trị như  Sacramento Leadership Fellowship của thành phố Sacramento, Ronald E. McNair Project Scholarship, Papadakis Public Service Fellowship, UC Davis fellowship. Nhà thơ cũng là tác giả của các thi phẩm Mẹ, Cảm Xúc và Em (2004), Hương Lòng - Perfume of the Heart (2007). Bạch Xuân Phẻ cũng là tác giả của nhiều tâm bút, tiểu luận hướng về tuổi trẻ bằng tiếng Việt và tiếng Anh đăng trên nhiều tạp chí.
Bạch Xuân Phẻ hiện là giáo viên giảng dạy môn hóa học tại trung học Mira Loma High School tại Sacramento từ 2002 và đồng thời là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Kim Quang Sacramento. Ngoài ra, Bạch Xuân Phẻ còn là thành viên tích cực của đề án từ thiện Buddhist Pathways Prison Project,  một tổ chức thiện nguyện nhằm chuyển tải tinh thần từ bi của Phật Giáo đến đời sống đầy bạo động của tù nhân tại các nhà tù California.
Mỗi năm, hàng trăm sinh viên gốc Việt tốt nghiệp tiến sĩ tại các trường đại học danh tiếng Mỹ nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên một luận án tập trung nghiên cứu về hành trạng của các tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam trên đường hoằng dương Phật Pháp đầy khó khăn và nhiều vấn nạn tại hải ngoại sau 1975. Dù sao, theo nhà thơ Bạch Xuân Phẻ “Sự có mặt và phát triển của Phật Giáo, trong đó có Phật Giáo Việt Nam, đã góp phần quan trọng cho sự hòa bình, hưng thịnh, nhân cách con người và trái đất mẹ”.
Hoa Đàm xin chúc mừng Huynh trưởng Tâm Thường Định và kính chúc anh sớm hoàn thành tâm nguyện mang tinh thần Phật Giáo vào đời sống “bằng Chánh niệm, lãnh đạo bằng thân giáo, bằng hành động, sự dấn thân”.
HOA ĐÀM
Source:
http://www.hoadamnews.com/2014/04/hoa-am-chuc-mung-tam-thuong-inh.html

Wednesday, December 11, 2013

Cho tôi hôn lên mặt đảo một lần - IT IS JOY’S BIRTHDAY!

Cho tôi hôn lên mặt đảo một lần

Hoa tình thương thường mọc lên từ nỗi khổ đau
Như sáng nay tôi ra đời giữa điêu tàn đổ nát
Bên kia đường
Chiều hôm qua
Nhiều bạn chỉ được sinh trước tôi vài giờ đã chết
Biển chiều nay bao xác mẹ đang trôi.

Những xác người trôi khi tôi chưa ngưng tiếng khóc chào đời
Màu nhiệm và đau thương
Lời nguyền và nước mắt
Chảy về đâu bao thây người lạnh ngắt
Trôi về đâu xa lắm hỡi dòng sông
Cho tôi hôn lên mặt đảo một lần
Để nhớ hôm nay là ngày sinh nhật.

Tên tôi là Joy nhưng niềm vui không thật
Vì cuộc đời từ nay sẽ nặng gánh oan khiên
Tôi khóc cho Tacloban, Ormoc, Panay và cho Philippines
Cho hàng triệu đồng bào tôi đang khóc
Mưa trong lòng người
Mưa trong lòng đất
Đảo chiều nay sao trống vắng vô cùng.

Sang năm và sau này vào ngày sinh nhật của tôi
Xin đừng đặt cho tôi chiếc bánh
Dù ở đâu, hãy thắp lên trong lòng một ngọn nến
Ngọn nến tình người sẽ sáng thiên thu.

Trần Trung Đạo


IT IS JOY’S BIRTHDAY!

Compassion is often born out of suffering
Like this morning, I was born in the midst of ruins of the super typhoon Yolanda.
Across the street
Yesterday afternoon
Many newborns were dead just a few hours before I greeted the world.
This afternoon, the sea is taking away many mothers’ corpses.

These corpses are still floating while I am crying
Miracle and sufferings
Curses and tears

Where are these cold corpses flow to?
Drifting on the river or open sea
Please give me a chance to kiss the island just once
To remember today is my birthday.

My parents named me Joy, but the joy I had none!
Because my life will forever burdened with sadness
I cried for Tacloban, Ormoc, Panay and for Philippines
And I am still crying for millions of my people 
As if the rain in my heart
As if the rain in the heart of my homeland
Why does the Island so incredibly empty this afternoon?

Next year or many years to come, on my birthday
Please do not make me a cake
Wherever you are, just lit up your inner candle -
The candle of hope in your heart.
The candles of compassion will forever bright until eternity.

Translated by Tam Thuong Dinh