Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts
Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts

Friday, August 3, 2018

ÐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI - I’d Trade Eternity (To Hear Your Laughter)

Lời dẫn: Sáng nay, vừa xuống máy bay và ra khỏi chiếc xe điện để đến nhận hành lý, chợt chứng kiến một cảnh tượng thân thương đến chạnh lòng. Có một người Mẹ Á Châu đón con về, Bà Mẹ nở nụ cười thật tươi và đầy xúc động, chạy tới ôm choàng đứa con trai của mình vào lòng. Chàng trai có chút e thẹn và không có phản ứng gì. Mặc kệ, Bà vẫn ôm choàng, vui vẻ và cười tươi như gặp được 'hủ vàng'. Tự nhiên, tôi xúc động và mắt đã hoe cay; và chợt nghĩ về 2 câu thơ của anh Đạo. 
"Ví mà tôi đổi thời gian được 
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười." 
Thôi thì, đăng lại đây để chia sẻ vậy. Hãy thương Mẹ mình nhiều hơn khi người còn sống. 
Love your mother more when she's still alive. 

ÐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI 

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người 
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi 
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê 
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng 
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn 
Bên đời gió tạt với mưa tuôn 
Con đi góp lá nghìn phương lại 
Ðốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào 
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói 
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ 
Ðau thương con viết vào trong lá 
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người 
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi 
Ví mà tôi đổi thời gian được 
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Trần Trung Đạo

I’d Trade Eternity (To Hear Your Laughter)

I pick the phone up, stunned to hear
A voice, like falling foliage in my ear.
Ten years, oh Mother, ten long years
How you I’ve missed through silent tears.

One day I left to not return—
A wild horse, chased from its old glen.
Your hair, ten years, to silver has turned
White as my mind when remembering then.

Do you still sit to sorrows knit
By howling winds and pouring rains?
From earth’s four corners leaves I’ll pitch
Into the fire to burn the pains.

Your voice sounds like it’s choked with tears;
Is this for real or just a dream?
You can’t be reached across the years,
When will we ever meet again?

Please wait for me, Mother, don’t cry.
Inside my poetry grief I’ll hide,
Upon the leaves this hurt I’ll scribe,
And in daydreams your warmth I’ll find.

I pick the phone up, stunned to hear
A voice, like falling foliage in my ear.
If I could trade Forever after,
I’d trade Eternity to hear your laughter.

-transl. by ianbui
2018.08

EXCHANGE AN ETERNITY FOR MOTHER’S SMILE OF BLISS
-- Vương Thanh VuongThanh's English translation


Picking up the phone, suddenly I become shocked
Whose voice at the other end, like the autumn leaves falling
Ten years it was, O Mother, ten long years,
I haven’t seen you, 
and can only wish for you… 
silently in my heart.

That day, I departed without a promise to return
Like the ancient wild horses leaving their forest home 
For ten long years, Mother’s hair, each day, becomes whiter
White like the winter in my heart when I think of her

Mother’s still weaving her scarf of sorrow,
On the sideline of Life that’s full of hail and snow 
I want to gather the leaves in ten thousand places
And make a fire to take the frostiness away

Mother’s voice near the point of sobbing 
Is it her voice or a voice in a dream
Mother’s so far away, I cannot be next to her
When will we ever again see each other?

Don’t cry, Mother, please try to wait
The deep sorrows of life: I will hide them in Poetry,
The pains in the heart: I will write them on the autumn leaves
And for Compassion’s warmth: I will seek it in a dream

Picking up the phone, I suddenly become shocked
The voice at the other end is sadder than the falling rain
If only the power to trade time I can wish
An eternity will be exchanged for Mother’s Smile of Bliss.

Trần Trung Ðạo


MY LIFE
FOR MY MOM'S LAUGHTER

Version translated by Poet THANH THANH


PICKING up the handset I was stunned with surprise:
Whose voice as light as falling leaves in cold skies?
Isn't it ten years, ten years and over, dear mother,
Just in silence to miss and long for one another?

I left without any promises or pledges that day:
The old wild horse from its forest-land went astray.
Ten years for Mom's hair to turn mourning white,
And mourning-like my soul also in such a plight.

You've still been sitting there weaving your pain
By an existence of slapping wind and beating rain.
I've set off to set up from all directions a pyre
In order to disperse the mist for life lighting a fire.

Your voice was broken off, you choked up, I found;
Mom's endearing words or mere in-reverie sound?
You are too far, how could I reach out for you?
And when could we meeting again look forward to ?

Do not cry, my dear mother, and continue to await.
All my grief I will hide in the rhymes I create.
Of all my sorrow I will write reams and reams,
And find your warmth my warmth in my dreams.

As I picked up the handset how astounded was I
To hear my mom's voice sadder than the rainy sky!
Should I be able to give up Man's time in hereafter,
I would offer mine to recover my mom's laughter.

                               THANH-THANH


Mille Automnes En Échange d'Un Rire De Ma Mère

( Traduit en francais par Nguyễn Đắc Khoa)


Combien je suis stupéfait au moment òu je décroche le téléphone!
A`qui est cette voix aussi légère qu'une chute des feuilles jaunes.
Il y a dix ans , dix ans et plus, n'est - ce pas Maman ?
Que nous avons vécu seulement dans l'angoisse et l'éloignement en silence.

Ce jour, sans faire aucune promesse je suis parti.
Le vieux cheval sauvage s'est égaré dans des montagnes et des prairies.
Dans dix ans, se sont tournés en un blanc de deuil tous tes cheveux.
En y pensant, je porte dans mon coeur ce deuil malheureux.

Tu t' assois toujours là-bas avec un coeur attristant
A` côté d'une vie où il fait du vent violent, la pluie battante .
Je vais ramasser les feuilles éparpillées à tous les vents
Pour faire un feu qui peut disperser toute la brume de cette existence.

J'ai trouvé que ta voix est étouffée par l' émotion.
Est -ce bien ta propre voix ou tout simplement celle en songe ?
Comment pouvais -je t' atteindre depuis que tu as été très loin de moi.
Je ne sais pas jusqu'a` quand nous pouvons nous voir.

Oh ! Maman , ne pleure plus et fais un effort pour attendre avec patience
Dans les vers que je fais je cacherai toutes nos peines.
Sur les feuilles de papier j'écrirai toutes nos douleurs
Et dans mes songes je trouverai notre chaleur.

En décrochant le téléphone je suis extrêmement surpris.
La voix de ma Mère est plus triste que le crépitement de la pluie.
Si jamais j'avais le pouvoir de changer le temps
Contre le rire de ma Mère j'échangerais tous les mille ans.

Nguyên Khoa Nguyễn Đắc Khoa

Bản dịch tiếng Pháp của Bác Sĩ Nguyễn Minh Tân:
Enternité D'automne En Échange D'un Rire De Ma Mere




x

Saturday, June 2, 2018

TÌM SÔNG

Trần Trung Đạo: Tìm sông

(Lost River ở New Hampshire, ảnh Trần Trung Đạo)
Cách Boston ba giờ lái xe về phía Bắc có một địa điểm du lịch được gọi là Lost River. Thỉnh thoảng vào mùa lá vàng (foliage), trên đường đi xem lá rơi trên đỉnh White Mountain về, tôi và gia đình dừng lại ở Lost River. Chúng tôi có khi còn tham gia một trò chơi nhỏ gọi là tìm sông.
Lý do, khi đứng trên mặt đất bạn chỉ thấy núi rừng trùng điệp chứ chẳng thấy sông hay suối nào cả. Nhưng nếu áp tai vào mặt đất để lắng nghe, bạn sẽ nghe tiếng nước chảy róc rách. Và nếu bạn chịu khó đi tìm theo những chiếc thang được đặt sâu vào lòng đá hoa cương, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trong lòng núi, những con nước đang chảy. Nơi này là những tia nước nhỏ rỉ ra từ kẻ đá và nơi khác là một dòng nước mạnh hơn đang tuôn.
Chúng chảy một cách tội nghiệp, chảy một cách tức tưởi nhưng dường như không biết mệt mỏi là gì. Người ta bảo những con nước đó phát xuất từ một dòng sông lớn nhưng chảy lạc và mất dần trong rặng White Mountain. Dòng sông tưởng đã chết. Nhưng không, sau hàng trăm năm, những con nước nhỏ vẫn rỉ, vẫn chảy xuyên qua kẽ đá hoa cương. Và như thế, theo thời gian, kẽ đá bị đục lớn hơn. Những con nước nhỏ dần dần thông qua được, hội tụ vào sông lớn để chảy ra Đại Tây Dương.
Đọc bài viết ngắn của nhà văn Trần Hoài Thư về số phận hẩm hiu của các nhà văn, nhà thơ miền Nam sau 1975, tôi muốn viết vài dòng để chia sẻ với anh. Thật ra, những ưu tư, thắc mắc của anh dễ hiểu và cũng rất dễ trả lời. Văn học Việt Nam cho đến nay vẫn là văn học của kẻ thắng trận và lịch sử Việt Nam vẫn đang được viết bởi kẻ thắng trận. “Ai giải thích được lịch sử thì kẻ đó thắng” như một người nào đó đã nói, và trong cùng ý nghĩa, kẻ thắng có độc quyền giải thích lịch sử. Tôi cũng muốn nói với anh, văn học miền Nam, giống như dòng sông Lost River kia, tưởng đã chết, nhưng không, vẫn chảy trong chịu đựng âm thầm và bền bỉ.
Nhớ lại chuyện nước mình tháng 5 năm 1975. Khi đứng nhìn những tác phẩm văn học miền Nam, từ triết Tây của giáo sư Lê Tôn Nghiêm cho đến triết Đông của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, từ truyện dài của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn cho đến các tác phẩm vừa in xong của các nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo, từ thơ Vũ Hoàng Chương cho đến thơ Trần Tuấn Kiệt bị tập trung để đem đi đốt trong chiến dịch gọi là “Bài trừ văn hóa đồi trụy”, không ai nghĩ văn học miền Nam còn một cơ hội nào khác.
Nhưng rồi văn học miền Nam, đã theo chân những người cầm bút, ra biển. Nhờ đó mà chúng ta có Tháng ba gãy súng, Đại học máu, Thép đen, Ra biển gọi thầm, Lò cừ, Tôi phải sống và hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm có tên và không có tên khác. Tác giả của chúng là những nhà văn miền Nam trước 1975, là những nhà văn vừa lớn lên ở hải ngoại, là những bác HO già ghi lại tháng năm tù, là những cô gái ngồi nhớ lại chặng đường vượt biên đầy nước mắt của mình. Bên cạnh giá trị văn chương, những tác phẩm đó còn chứa đựng giá trị của máu xương. Người đọc, dù đồng ý hay không, dù đứng bên này hay bên kia ngọn núi ý thức hệ, vẫn không thể phủ nhận sự hiện diện của những tác giả và tác phẩm đó trong dòng văn học Việt Nam hải ngoại như những chứng tích của một khoảng lịch sử đầy khắc nghiệt của dân tộc chúng ta.
Tôi thường nghe nhiều người tự nhận là những kẻ thức thời lớn tiếng: “Hãy quên đi quá khứ và hướng về tương lai”. Ai không biết điều đó, nhưng có tương lai nào mà không bắt đầu từ quá khứ? Trong khoảnh khắc chúng ta đang sống bao giờ cũng có bóng dáng của hôm qua và mầm mống của ngày mai. Xin đừng nhân danh tuổi trẻ khi mình không còn trẻ nữa. Hãy để chính thế hệ trẻ Việt Nam được lên tiếng nói, được đọc và được sống như tuổi trẻ với tất cả đặc tính của thế hệ họ, nhiệt tình, nông nổi, bướng bỉnh và hướng thiện. Tại sao ngăn cấm các em biết về quá khứ của cha ông chúng? Sang hay hèn, vinh hay nhục, công hay tội của những người đi trước, các em đều nên biết và cần phải biết. Biết không phải để sống vùi trong quá khứ nhưng để vượt qua, không phải để rồi giẫm lên những hầm hố nhưng để khỏi đặt chân vào.
Một số người cho rằng việc giới thiệu các tác phẩm nói về chiến tranh, tù ngục là khơi dậy lòng thù hận trong tuổi trẻ một cách không cần thiết và không thích hợp cho hướng phát triển của đất nước trong thời đại mới. Những ý kiến đó, nếu không phát xuất từ ước muốn thỏa hiệp, có thể từ lòng tốt. Vâng, không một người Việt Nam có lòng với đất nước nào muốn đào sâu chuyện thù hận, ân oán, trái lại, ai cũng mong được sớm xóa đi những phân hóa, ngăn cách trong lòng dân tộc Việt Nam.
Nhưng thù hận không thể xóa bỏ bằng sự che đậy và chia rẽ không thể lấp kín bằng lãng quên mà phải bằng thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật. Câu ngạn ngữ quen thuộc “Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau nhưng cùng nhìn về một hướng” thoạt nghe có vẻ cải lương nhưng lại thích hợp với những người Việt có lòng trong hoàn cảnh này. Người Việt có lòng đều thương nhau, đều nhìn nhau nhưng chưa thật sự cùng nhìn về một hướng. Do đó, để “giải oan cho cuộc biển dâu này”, những người Việt quan tâm đến văn học và đất nước Việt Nam, trước hết, cũng nên tập nhìn về một hướng, hướng của sự thật.
Tôi được nghe kể lại chuyện một nhà nghiên cứu văn học trong nước thăm viếng thành phố Boston. Trong một buổi uống trà riêng tư với các nhà văn Việt Nam tỵ nạn ở đây, nhà nghiên cứu văn học này đã thú nhận, nếu không có dịp ra nước ngoài ông ta sẽ không bao giờ biết những gì đã xảy ra bên trong những trại tù mệnh danh là những “trại cải tạo”. Và ông cũng thố lộ một cách thành thật, nếu không đọc các tác phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài, ông sẽ không biết có một dòng văn học gọi là văn học Việt Nam hải ngoại. Dòng nào chính thống, dòng nào lai căng, dòng nào dân tộc, dòng nào phản dân tộc, là phán xét của người đọc và của lịch sử. Đó không phải chỉ là chuyện ba mươi năm trước hay ba mươi năm sau, mà có thể của trăm năm hay ba trăm năm tới.
Nhà biên khảo văn học kia là một giáo sư văn chương, có phương tiện, được phép đi đây đi đó mà còn ngạc nhiên như thế, 50 triệu thanh niên Việt Nam sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến và chưa bao giờ có dịp ra khỏi Việt Nam, sẽ hiểu thế nào về văn học miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại hiện nay? Sự hiểu biết một chiều nào cũng dẫn đến ý thức cực đoan, và ý thức cực đoan nào cũng là tai họa cần tránh cho đất nước mình.
Cái giá để được ra biển của Lost River là phải đục xuyên qua rặng White Mountain dày nhiều cây số và cái giá để được tiếp tục sáng tác của văn nghệ sĩ miền Nam là kiên nhẫn chịu đựng, giẫm lên những bãi mìn biên giới, băng qua núi rừng, vượt qua biển cả, sống sót từ các trại Cổng Trời, An Điềm, Suối Máu, Hàm Tân.
Ba mươi năm sau, như Lost River vẫn chảy, nhịp tim của văn học Việt Nam hải ngoại vẫn đập đều nếu chúng ta biết lắng tai nghe.
Trần Trung Đạo

Thursday, May 31, 2018

Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam

Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lãng Du và Nguyễn Thanh Huy


Trần Trung Đạo không phải là người xa lạ trong giới văn nghệ. Những sáng tác của anh đã đăng trên các báo, xuất bản và được nhiều người đón nhận. Thơ của anh có kích thước vì chuyên chở được cái tình yêu thương của Con Người. Nhiều giòng chữ trong hai tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức trở thành sợi nắng ban mai đánh thức lương tâm nhân loại trong đêm dài tăm tối. Trần Trung Đạo không chỉ viết cho chính mình. Anh viết nhiều cho Dân Tộc anh, cho những người thân mến và cho những kẻ khốn cùng. Trần quân sinh tại Quảng Nam, nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, với ngọn núi Ngũ Hành ngàn năm sừng sững, với sông Thu Bồn miên man nước chảy, với quế Tiên Phước ấp ủ hương rừng. Anh ngậm ngùi gởi về nơi mở mắt chào đời những bài Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng, Thu Bồn, Lụa Duy Xuyên. Thơ anh là giòng sông thương nhớ tìm về nguồn cội:
Trái tim tôi có một giòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sô^ng Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòng bong Đại Lộc.
(Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng)

Anh sẽ đưa em về qua Hưng Hóa
Ghé Phong Châu quỳ trước điện Vua Hùng
Dẫu lạc loài nơi cuối bể đầu non
Hồn con vẫn là hồn muôn năm cũ
(Về thăm lịch sử)

Trần Trung Đạo là kẻ lữ hành trong cuộc đời bất định. Những thành phố mà anh đã từng đặt chân tới đã trở đô thị sống mãi trong thơ anh. Những bạn bè anh gặp đã trở thành tri kỷ trong ký ức. Đời anh vươn cao từ những khốn khó nên anh nâng niu quá khứ của mình. Từ chốn tạm dung nhiều ánh sáng anh thốt lên những khao khát không cùng:
Thèm một tối cùng anh em bè bạn
Uống cho say rồi chết giữa Sài Gòn.
(Ra Biển Gọi Thầm)

Tấm lòng của Trần Trung Đạo trải rộng ra cho non sông. Tình yêu nồng nàn của anh bao phủ khắp các ngả đường đất nước. Anh hứa với người tình trong thơ: Anh sẽ đưa em về thăm Hà Nội, dù cả đời anh chưa được một lần qua …Anh sẽ đưa em đến bờ Thiên Mạc để nhớ một lần lửa dậy Thăng Long …Anh sẽ đưa em đến đường Cổ Ngư bóng mát vì những chuyện tình đẹp nhất khởi từ đây. Quê hương Việt Nam xa cách của anh là một thiên đường thần thánh.
Mỗi chiếc lá nghe như còn hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn
Ta sẽ về sống lại một lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc.
(Về thăm lịch sử)

Trần Trung Đạo là người chí tình. Ngòi bút của anh hóa thành trầm hương khi viết về tổ tiên. Tâm hồn anh hóa thành mật ngọt khi viết cho người Mẹ hiền nơi cố quận. Trái tim anh gần gủi như ca dao trong lòng người viễn xứ. Đọc thơ Trần Trung Đạo người ta cảm nhận được tính đạo của dân tộc Việt.
Trần Trung Đạo có lần làm bạn với cây đa bên chùa Viên Giác. Cái cây tưởng như vô tri đó không bỏ anh lúc anh khổ cực. Sau nầy văn chương anh mọc thành cây cổ thụ che bóng mát cho những kẻ khốn cùng. Thơ anh bỗng là tiếng rên của bà mẹ đang sắp hàng chờ bán máu ở nhà thương Chợ Rẫy, là tiếng khóc của em bé thiếu sửa trên vỉa hè Đà Nẵng, là tiếng thét hãi hùng của người con gái trong vịnh Thái Lan, là tiếng đòi tự do của người thanh niên tại trại tù Đông Nam Á.
Anh viết cho kẻ sống và kẻ chết. Sự thua thiệt của những người bất hạnh vẫn là nỗi đau khổ ám ảnh anh dù đó là của một bà mẹ điên không đủ tiền mua thuốc cho con, củ anh bộ đội tàn phế không dám về thăm gia đình, của người lính già vừa chết đêm qua không người vuốt mắt.
Trần Trung Đạo bâng khuâng dưới cõi trời Tây. Nơi đây người ta tha thiết với tự do và bác ái. Nhưng em Hoàng Thị Thu Cúc vẫn chết tại trại Sikiew, Thái Lan vì có kẻ cho rằng em không đáng hưởng quyền họ nâng niu, bảo vệ. Trần Trung Đạo nghẹn ngào đưa hương hồn người con gái trẻ trở về cố xứ.
Con chim mhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Đôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Đường về Nam phảng phất một linh hồn.
(Vĩnh biệt em Thu Cúc)

Nơi đất nước có nhiều điều mới lạ. Người ta có quỹ bảo vệ thiên nhiên, có tiền che chỡ súc vật. Họ hiểu được tiếng chim nhưng không nghe được tiếng người. Trần Trung Đạo lại khóc cho những kẻ bị lãng quên:
Me em đâu ? – Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu ?
– Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu ?
– Nghe chị thét trên mui
Ba của em đâu ?
Em lắc đầu không nói.
(Em bé Việt Nam và viên sỏi)

Chim có tổ, chồn cáo có hang nhưng người Việt không có một chỗ an thân. Trần Trung Đạo đã không ngần ngại hiến dâng cái sỡ hữu cuối cùng của cuộc đời anh qua lời ước nguyện:
Cho tôi chết làm người dân nước Việt
Linh hồn tôi phơ phất giữa trời Nam
Xác thân tôi trôi dạt bến sông Hàn
Làm phân bón cho quê nghèo khốn khỗ.

(Cho tôi xin)
Thơ của Trần Trung Đạo là nỗi thao thức của một người Việt Nam. Tác phẩm của anh là tờ hịch kêu gọi tình bác ái cho nhân loại nên sẽ sẽ tồn tại lâu dài với thời gian.

Thursday, May 24, 2018

Trần Trung Ðạo: Viết từ Xa



Trần Trung Ðạo: Viết từ Xa


Ảnh: trưa hè ở ngoại ô Bangkok và viết ở phi trường Dubai
Khi còn hay qua làm việc ở Ấn, khi rảnh tôi thường xách máy hình đi quanh phố để ghi lại đời sống của người địa phương. Khi mỏi chân, tôi ghé mấy quán café góc đường tán gẫu với khách. Một lần, tôi đi vòng vòng như thế khá xa và đi lạc.
Trong trường hợp đó, tôi chỉ cần bước lên taxi hay gọi về văn phòng nhờ tài xế chạy đến đón là xong, nhưng tôi không làm.
Tôi ra một trò chơi với chính mình, thắng nếu cố gắng tìm cho ra đường về và thua nếu gọi taxi hay gọi về văn phòng. Tôi tìm mãi không ra khách sạn. Cuối cùng, đành đưa địa chỉ khách sạn cho một trong các bác lái xe ba bánh đang đậu một dãy dài. Bác đọc tên khách sạn và vui vẻ ra giá. Khi vừa tính bước lên xe, tôi nhìn lên hàng chữ trên bờ tường, thì ra đó là bờ tường khách sạn. Tôi chỉ tên khách sạn rồi chúng tôi nhìn nhau cười. Tôi đem chuyện này kể với một đồng nghiệp, anh chàng cũng cười và giải thích, bác tài sẽ đưa tôi đi một vòng ngắn và thả tôi xuống ở một cổng khác cũng vào khách sạn. Một trong vô số cách để sống còn trong một đất nước hơn tỉ dân và đầy hố cách ngăn về xã hội.
Tôi tìm ra đường về khách sạn ở Ấn Độ. Nhưng sáng hôm đó nếu thả tôi xuống Đà Nẵng và tự tìm đường về trong một trò chơi tương tự, tôi có thể đã thua. Tôi xa Đà Nẵng 38 năm và chưa về lại. Đà Nẵng trong tôi vẫn là một Đà Nẵng có những hàng cây sao, những chiếc ghế vuông, những tách trà nóng, những quán café Thạch Thảo, Thanh Hải, Ngọc Lan, những bãi biển Mỹ Khê, Thanh Bình, cây guitar cũ và hàng phượng đỏ trong sân trường.
Nhưng ngoại trừ những khi phải điền giấy tờ, tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Tôi không bao giờ là một nhà chính trị nhưng tôi biết mình là một người mang dòng máu Việt và quan tâm đến nước Việt.
Robert Pierre có lần phát biểu sau Cách Mạng Pháp 1789 “Yêu nước là tình yêu khắc nghiệt”, ông muốn nói tình yêu nước phải vượt lên trên mọi thứ tình yêu. Tôi thì khác, yêu nước, thật ra từ một lý do đơn giản, chỉ vi tôi yêu chính mình. Đời tôi gắn liền với sinh mệnh của đất nước trong một thời chiến tranh loạn lạc. Tôi cô đơn, dân tộc tôi cũng rất cô đơn. Tôi nghèo nàn dân tộc tôi cũng rất nghèo nàn. Tôi đứng lên khi bị đời xô ngã, dân tộc tôi cũng nhiều lần đứng lên sau mỗi lần bị xô ngã. Và vì thế, tôi vẫn luôn tìm cách đóng góp để thay đổi đất nước trong điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Trong thời gian viết, tôi nhận khá nhiều tin nhắn và thắc mắc về mọi vấn đề. Vừa rồi, có ý kiến của một cháu và cháu muốn tôi trả lời:
“..cháu nghĩ rằng chú nên nghĩ đến việc viết ra những nội dung nhẹ nhàng hơn, có tính sâu lắng và giúp người dân nhìn nhận ra những thực tế XH, nguyên nhân sâu xa của nó là, dễ hiểu thì giống như những bài của TS Alan Phan đã làm. Và cháu cùng những bạn trẻ khác cũng có nguyện vọng làm việc này, tuy nhiên có một thực tế rằng những đứa trẻ như tụi cháu hiện có giới hạn lớn về năng lực, do trường kỳ bị bào mòn tư duy trong lối giáo dục nhồi sọ của trường XHCN, và những người lớn tuổi mà có khả năng viết đủ tốt để đưa ra bản chất vấn đề như chú, có lẽ đa phần là chịu ảnh hưởng của GD thời trước, hiện nay đã sinh sống ở hải ngoại.”
Đó là câu hỏi và quan tâm chính đáng.
Nhưng lý do tôi không viết chuyện hàng ngày đang xảy ra và dùng các các mẫu chuyện đó tác động vào nhận thức của người dân như một số tác giả khác trong đó có TS Alan Phan vì hai lý do:
(1) Tôi xa nhà quá lâu để có thể sát với những sinh hoạt hằng ngày như các anh chị em cầm bút đang sống trong nước.
(2) Những tệ nạn đang xảy ra chỉ là hiện tượng của cùng một bản chất, đó là cơ chế CS. Hiện tượng thay đổi liên tục theo những biến động bên ngoài xã hội nhưng bản chất của cơ chế thì không.
Lấy tình trạng tham nhũng để chứng minh vì tham nhũng là một hiện tượng rõ nét nhất về quan hệ bản chất và hiện tượng.
Tháng 8, 1985, một nghiên cứu mật của CIA, thời đó được xếp vào hạng tối mật, về các chiến dịch chống tham nhũng tại Liên Sô cho biết các chính sách chống tham nhũng quyết liệt của Andropov và Chernenko nhưng chết nhanh như các tác giả của chúng thực tế chỉ nhằm để nâng cao uy thế của chế độ và giới hạn của những kẻ không cùng phe phái. Điều đó đã xảy ra dưới giai đoạn đầu củng cố và tập trung quyền lực của Tập Cận Bình, cũng như đang xảy ra tại Việt Nam.
Tham nhũng nếu làm sạch được thì CS Ba Lan đã không bị xoi mòn trong đầu thập niên 1980 và CS Liên Sô đã không bị lung lay tận gốc vào giữa thập niên 1980, cuối cùng dẫn tới sụp đổ trong thời Gorbachev. Tham nhũng không thể tận diệt dưới chế độ CS bởi vì tham nhũng có tính đảng và sự tồn tại của tệ trạng xã hội này gắn liền với sự tồn tại của đảng CS.
Các vấn nạn lớn khác trong xã hội CS, từ ích kỷ, hẹp hòi, lọc lừa dối trá cho tới thức ăn độc hại chúng ta đọc hàng ngày cũng vậy, đều có tính bản chất CS và tồn tại cùng bản chất CS.
Lấy tình trạng làm từ thiện tại Trung Cộng để chứng minh bản chất hẹp hòi, ích kỷ do chế độ CS gây ra.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Yanzhong Huang, đại học Seton Hall, trong một bài viết trên Forbes 30 tháng 5, 1914, dù khoác lác là nước giàu có thứ hai trên thế giới và sẽ đuổi kịp Mỹ trong thời gian ngắn, Trung Cộng là nước ích kỷ, hẹp hòi nhất thế giới từ đảng tới dân.
Toàn Trung Cộng chỉ có 2,961 cơ sở từ thiện, tức chỉ bằng 3 phần trăm so với Mỹ. Cơ chế CS tạo điều kiện và đẻ ra một tầng lớp giàu có nhưng thành phần đông đảo này theo thống kê năm 2012 chỉ tặng cho từ thiện 890 triệu Mỹ Kim. Một tỉ phú Trung Cộng đã từ chối đóng góp cho từ thiện 8,100 Mỹ kim một năm nhưng đã thua bạc số tiền tương tự chỉ trong một đêm.
Theo Giáo sư Oliver Rui, Director of CEIBS Center for Wealth Management, Trung Cộng có 355 tỉ phú nhưng bị cơ quan Chỉ Số Tinh Thần Thiện Nguyện Toàn Cầu (The CAF World Giving Index) năm 2015 xếp vào hạng 144 trong số 145 nước có tinh thần thiện nguyện.
Chung quy vẫn là cơ chế chính trị.
Phê bình các hiện tượng xã hội thối nát, ích kỷ, hẹp hòi là cần thiết nhưng nếu chỉ tập trung vào việc phê bình hiện tượng hay dừng lại ở việc phê bình hiện tượng sẽ rơi vào bẫy của chế độ.
Dân trí Việt Nam còn thấp nên hệ thống tuyên truyền CS, qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã dùng hiện tượng để giải thích và chi phối tình cảm yêu, thương, ghét, thù của người dân và họ đã thành công. Thực tế này cũng đã và đang xảy ra tại các nước đang phát triển, nơi đa số cử tri không nhìn xa khỏi căn nhà, bếp lửa và bữa cơm chiều. Nâng cao lý luận và nhận thức chính trị của người dân, nhất là trong thành phần đang dấn thân cho tương lai dân chủ của đất nước là một bức thiết.
Như câu hát “đường tuy xa nhưng tình bao la” trong bài Dây Thân Ái, tôi viết từ xa, sống từ xa nhưng tâm hồn tôi không xa lắm và biết đâu còn gần hơn một số người đang sống giữa quê hương.
Trần Trung Đạo

Wednesday, April 25, 2018

VỀ THĂM LỊCH SỬ - Trần Trung Đạo

Sách mới nhất của nhà văn Trần Trung Đạo. Thiết kế - Uyên Nguyên

VỀ THĂM LỊCH SỬ  

Anh sẽ đưa em về thăm Hà Nội 
Cả đời anh chưa được một lần qua 
Mộng Hồ Gươm vằng vặc bóng trăng tà 
Sâu thăm thẳm như lòng anh nhớ nước 

Hỡi chiếc cọc Bạch Đằng Giang thuở trước 
Hãy chờ tôi đừng vội cuốn ra khơi 
Những rong rêu thành quách của muôn đời 
Xin cố đứng dù trời đang nổi gió 

Ta sẽ tới thăm khu Trường Giảng Võ 
Tìm chiếc nỏ thần lưu lạc của Thục Vương 
Đâu Mỵ Châu lông ngỗng trắng ven đường 
Đâu Trọng Thủy tìm người thương muôn dặm 

Ta sẽ ghé bến Bình Than một bận 
Nơi ngày xưa ai bóp nát quả cam vàng 
Trần Khánh Dư xuôi ngược chiếc thuyền than 
Trần Thủ Độ đầu chưa rơi xuống đất 

Em sẽ nhớ bao nhiêu người đã khuất 
Nhớ Chương Dương mơ Vạn Kiếp, Thiên Trường 
Có phải nơi nầy Trần Bình Trọng đầu rơi 
Thà làm quỉ hơn làm vương đất bắc 

Ta sẽ đợi bên bờ sông Thiên Mạc 
Nhìn xa xa lửa dậy đất Thăng Long 
Hưng Đạo Vương vung kiếm chỉ vào sông: 
"Dẫu thịt nát thây phơi ngoài nội cỏ" 

Em sẽ thấy gò Đống Đa còn đó 
Nấm mồ hoang của hàng vạn quân Thanh 
Vua Quang Trung oai dũng tiến vào thành 
Chiếc áo ngự còn vương mùi khói súng 

Ta sẽ đến Lam Sơn tìm dấu chứng 
Nơi ngày xưa Nguyễn Trãi viết Bình Ngô 
Rừng Chí Linh ai giả mặc long bào 
Để được chết thay vua và thay nước 

Anh sẽ đưa em đi dọc bờ sông Hát 
Nơi nào đây Trưng Trắc đã trầm thân 
Vẫn thấy lòng đau dù đã mấy nghìn năm 
Vẫn tha thiết như nhớ người chị cả 

Anh sẽ đưa em về qua Hưng Hóa 
Ghé Phong Châu quì trước điện Vua Hùng 
Dẫu lạc loài nơi cuối bể đầu non 
Hồn con vẫn là hồn muôn năm cũ 

Mỗi chiếc lá như còn nghe hơi thở 
Mỗi cành cây như có một linh hồn 
Ta sẽ về sống lại một lần thôi 
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc 

Ta sẽ viếng đường Cổ Ngư bóng mát 
Những chuyện tình đẹp nhất khởi từ đây 
Nắng dịu dàng soi mặt nước Hồ Tây 
Xin một chút hong khô màu mắt biếc 

Ôi Lịch sử, một vầng trăng diễm tuyệt 
Sáng trong anh nét đẹp của muôn đời.

Trần Trung Đạo


Monday, January 15, 2018

"AMERICAN DREAM", GIẤC MƠ CỦA NHỮNG DI DÂN - Trần Trung Đạo


"AMERICAN DREAM", GIẤC MƠ CỦA NHỮNG DI DÂN

Nhà bình luận nổi tiếng của chương trình News Hour, Roger Rosenblatt, tóm lượt về nguồn gốc nước Mỹ: “Quốc gia được thành lập từ những giấc mơ, và cũng qua đó, đã hun đúc nên giấc mơ của cả một quốc gia”. 

Vâng đúng thế. Ngoài trừ số nhỏ người bản xứ, đất nước Hoa Kỳ được xây dựng nên do bàn tay và khối óc của những người bên ngoài. Họ đến đây từ trăm ngã đường khác nhau và hàng trăm vùng đất khác nhau. 

Cậu bé có tên Mỹ là Irving Berlin sinh tại Nga vào năm 1888. Cậu theo cha mẹ đến định cư tại New York khi mới vừa lên 4 tuổi. Khi còn rất nhỏ, cậu Irving phải vừa làm nghề dọn chén bát trong một nhà hàng và vừa học sáng tác nhạc, một bộ môn mà cậu say mê. Sau khi nhạc phẩm đầu tay được xuất bản vào lúc 13 tuổi, tên tuổi của nhạc sĩ trẻ tài ba Irving Berlin đã trở thành đồng nghĩa với nền âm nhạc Hoa Kỳ thế kỷ 20. Irving Berlin (Irving Berlin (born Israel Beilin; May 11, 1888 – September 22, 1989) là tác giả của  bài nhạc God Bless America. 

Bà Madeleine Albright vốn là người Tiệp Khắc. Cha mẹ bà đã phải vượt qua nhiều biên giới để trốn tránh chế độ Cộng Sản khi tiếng xích xe tăng Liên Xô nghiền nát đường phố thủ đô Prague vào năm 1948. Cuối cùng bà cùng gia đình đã vượt thoát được và định cư tại Hoa Kỳ khi Madeleine Albright vừa 11 tuổi. Bà theo học Luật, đỗ tiến sĩ và cách đây không lâu, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. 

Bà Madeleine Albright, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ Hoa Kỳ. 
Edward Bannister, họa sĩ nổi tiếng về phong cảnh của Mỹ là một người da đen thuộc vùng West Indian, Phi Châu. Ông đến định cư tại Mỹ qua ngã Canada vào năm 1848. Tác phẩm Under The Oaks của ông là một trong những thành tựu nghệ thuật lớn của nền hội họa Hoa Kỳ thế kỷ 19. Tác phẩm này đoạt giải nhất trong cuộc thi đánh dấu 100 năm hội họa tại Philadelphia Centennial Exposition. 

Khi khám phá ra Edward Bannister là người da đen, ban giám khảo có ý định thu hồi giải thưởng. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh của những họa sĩ đồng nghiệp, nhất là của những họa sĩ da trắng đã từng cùng tranh giải với ông, Ban Giám Khảo đã hủy bỏ dự tính. 
Những người di dân điển hình thuộc nhiều lãnh vực, màu da và chủng tộc khác nhau. Họ không từng quen biết nhau, không cùng một thế hệ, không cùng huyết thống và chẳng hẹn hò đính ước gì nhau. 

Những người di dân đầu tiên thường không giàu có, học hành, trí thức, trái lại phần đông họ rất nghèo nàn, ít học, đến đây từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, dù từ đâu đến và trong hoàn cảnh nào, họ đã cùng góp bàn tay đưa nước Mỹ từ một vùng đất hoang vu thuộc địa của Anh thành một cường quốc tự do, dân chủ và thịnh vượng nhất thế giới ngày nay. 

Câu chuyện thành công của nước Mỹ, đúng như Roger Rosenblatt viết, đã bắt đầu từ một giấc mơ chung: "Giấc Mơ Mỹ" hay "American Dream" như thường nghe gọi bằng tiếng Anh. 

"American Dream" được định nghĩa trong tự điển Wordsmyth như là “một lý tưởng của người Mỹ, nhờ đó, con người nhận được sự giàu có về vật chất, bình đẳng, tự do, và các giá trị tương tự (the American ideal that any man or woman may obtain material wealth, equality, freedom, and the like)”. 

"American Dream" đã giúp nhân dân Mỹ chiến thắng đạo quân tinh nhuệ của Anh Hoàng George III trong cuộc chiến tranh giành độc lập (1775-1783), đã giúp nhân dân Mỹ vượt qua những bất đồng kinh tế chính trị sâu sắc trong thời kỳ chiến tranh nội chiến (1860-1865), đã giúp đưa nước Mỹ trở nên quốc gia có lợi nhất sau cả hai cuộc chiến tranh thế giới. 

"American Dream" là giấc mơ mà những người cha sáng lập của quốc gia Hoa Kỳ từng ôm ấp và theo đuổi: Tự Do, Dân Chủ và Cường Thịnh. 

Tổng Thống đầu tiên George Washington đã từng dặn dò: “Tôi mong được thấy Hoa Kỳ mãi mãi là đất nước của tự do và công lý”. Tượng đài kỷ niệm Tổng Thống George Washington được kiến trúc dựa theo tinh thần độc lập, tự chủ và vươn lên đó. 

"American Dream", qua nhiều thời đại, từ những người trên chiếc tàu Mayflower cho đến hôm nay, đã được làm phong phú thêm để trở thành một bản sắc văn hóa, một truyền thống đặc biệt của quốc gia này. 

"American Dream" là giấc mơ bình đẳng mà Mục Sư Martin Luther King Jr. đã đọc trên thềm đài kỷ niệm Lincoln ngày 28 tháng 8 năm 1963: “Tôi mơ một ngày, trên đồi Georgia, con cháu của những người nô lệ cũ, và con cháu của những chủ nô cũ, ngồi lại chung một bàn trong tình huynh đệ...Tôi mơ một ngày, bốn người con của tôi sẽ được sống trong một đất nước, nơi đó, chúng sẽ không bị phán xét do màu da mà chính bằng phẩm cách riêng của chúng.” 

Nhân ngày tưởng niệm Mục Sư Martin Luther King Jr., nhắc lại để biết "American Dream" là giấc mơ của những di dân. 
Trần Trung Đạo