Monday, May 28, 2018

DỐC CÁ NGÀY XƯA - và TRĂNG

Dốc Cá ngày xưa cũng trắng và rộng như bãi/đồi Hưng Lương như thế này - Cả hai, nay không còn nữa.

DỐC CÁ NGÀY XƯA

Con dốc  trắng ngày xưa

Bây chừ thương dĩ vãng
Có những đêm lãng mạn
Biển rì rào gọi tên.

Con dốc trắng ngày xưa

Dưới chân em rác đổ
Lãng mạn kia là mộ
Biển gầm gừ trách nhau.

Con dốc trắng ngày xưa

Như con sông trôi chảy
Con dốc trắng ngày mai
Biển cát có ngất ngây?

Nhơn Lý, 2005

Trích Tập thơ Hương Lòng, xuất bản năm 2007. Trang 107




VẦNG TRĂNG ĐÊM NAY
Thương tặng em P.
Đêm thanh vắng gã ly hương thầm lặng
Uống trăng rằm và uống nỗi cô đơn
Rượu đâu cạn nỗi trầm tư đâu hết
Đời long đong vận nước cũng long đong. 

TRĂNG UYÊN NGUYÊN
Đêm hè nằm võng đu đưa
Trăng khuya thanh tịnh chốn xưa vọng về
Trăng rằm lấp lánh biển quê
Gió hoà nhịp thở đề huề có-không!

BIỂN VÀ TRĂNG I

Biển hát hay than những tháng ngày
Hoà mình với sóng khúc tình say
Nhịp hò theo điệu thiên nhiên hóa
Hay dỗi hờn cho nỗi đọa đày.

Biển mang tâm sự những đêm trăng
Lấp lánh thuyền ai bóng chị Hằng
Vọng về biển hát lời êm ả
Ầm ĩ biển gầm khi vắng trăng.

Và biển giận nhiều dâng thần sóng
Gầm gừ khi Nguyệt đến mới xong
Biển hờn biển động trăng không đến
Mòn mõi ngày đêm vẫn đợi trông.

...Nguyệt trách biển kia quá vô tình
Vì khi nàng đến biển lặng thinh
Biển sao êm ả, trăng nào biết!
Không nói không năng Nguyệt dỗi mình.

Bạch X. Phẻ viết lúc còn tuổi học trò.
Trích từ tập thơ Mẹ, Cảm Xúc và Em, trang 38, xuất bản năm 2004.



Thơ Bạch X. Phẻ * 4 mùa trăng

Để tưởng nhớ 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử
(tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940).
Xin đăng lại những dòng thơ về trăng mà tác giả tạm gọi là: TRĂNG – Đông Thu Hạ Xuân – TRĂNG.

NHỚ TRĂNG VÀ BIỂN

Trăng Đông vằng vặc buồn tê tái
Gió lạnh thấu xương nhớ quê nhà
Nhớ biển trăng ngà sao nhớ lạ
Ai buồn biển động nổi phong ba

TRĂNG SÁNG MÙA THU

Trăng Thu thanh sáng dịu dàng
Đêm khuya tĩnh lặng cung đàn véo von
Quỳnh lan khóm trúc nỉ non
Phù sinh đất khách cho tròn trăm năm

NGỒI DƯỚI ÁNH TRĂNG

Đêm hè trăng mới mọc
Tiếng suối róc rách ca
Thanh thản lại trong ta
Ngồi đây vằng vặc sáng.

TRĂNG XUÂN

Trăng sáng ngoài kia
Trăng sáng trong lòng
Trăng nào viên miễn
Trăng này thong dong.
TRĂNG !
Bạch X. Phẻ

MỘNG ĐẸP DƯỚI TRĂNG

Vầng trăng sáng có màu đen trong đó
Có vui/buồn, tròn/khuyết, có hợp/tan
Có tỉnh/mê, ai say đắm, hững hờ
Từng hơi thở, đôi bàn chân thanh thản.


ĐÊM NGUYỆT THỰC
Trăng tháng tư sao ửng hồng như thế
Mắt lệ đã khô nước mắt sông dài
...Quê hương thương yêu nghìn năm muôn thuở
Đến/có và đi/không! vằng vặc một vầng trăng.


Rằm Tháng Tư dương lịch, 2014.
Bạch Xuân Phẻ

Friday, May 25, 2018

Vĩnh Hảo: Ký Ức Một Ngày Nhàn

KÝ ỨC MỘT NGÀY NHÀN

Vĩnh Hảo



Trời mù mù. Gió lành lạnh. Mây đen vần vũ nửa bầu trời phương đông. Đàn chim sẻ đã về lại trên cây sồi của nhà hàng xóm, ríu rít. Hương bạch đàn thỉnh thoảng quyện theo gió, mang về đây ký ức một thời tuổi trẻ trên vùng đất cằn cỗi quê hương…
Hương đồng nội ngan ngát mùi rơm rạ và mùi nắng khét lẹt giữa trưa hè đứng bóng. Ruộng nhà ai bông lúa trĩu hạt, đong đưa những cành vàng trước gió. Vài con cò trắng lêu nghêu bước qua thửa ruộng đã gặt mấy ngày trước, sục tìm cá tôm sót lại trong vũng sình lớp nhớp. Cây tràm khô, trơ trụi, vươn lên từ bờ ruộng, như một vị thần cô độc gàn bướng, thách thức phong vũ bốn mùa. Tiếng chim quốc kêu đâu đó trong những lùm bụi, nghe khắc khoải một nỗi gì thê lương, tê tái. Túp lều tranh, hai cửa sổ đan bằng nan tre mở ra hai hướng đông tây lộng gió. Người tuổi trẻ, sáng vác cuốc ra đồng; chiều khép cửa đọc sách; tối mài chí xung thiên dưới ánh đèn dầu lay lắt… Có khi trăng rạng một trời, cùng bằng hữu ôm đàn ca vang lời sông núi. Có khi giông bão ì ầm, một mình khóc tràn nỗi thương dân. Lên đường, hiên ngang bầu nhiệt huyết. Đôi bàn tay không, một ngòi bút thép. Ngang dọc đất trời chí nam nhi.
Rồi một sáng, xe cộ vào ra như mắc cửi. Loa phóng thanh rộn ràng, inh ỏi, gọi kêu. Những người cầm súng lăm le đi bắt những người tay không. Bá tánh xôn xao đi lễ đầu năm; hỏi thăm ai còn ai vắng. Chùa quê vẫn an hòa điểm tiếng chuông ngân. Rừng tràm xào xạc khua hương theo gió xuân. Và ruộng đồng chung quanh, vẫn ngát xanh màu mạ mới. Nơi thảo lư châm trà độc ẩm. Chờ đợi người trói người.
Rồi một năm, hai năm, ba năm, khi người tù trở về thôn xóm cũ, cây tràm đã bị đốn hạ, thảo am đã sụp đổ và đất ruộng bị chiếm dụng ngang nhiên bởi chủ mới. Dưới trăng, người trẻ tuổi một mình, trầm ngâm chuyện nước non. Trời kia rách nát, vẫn chưa người vá. Người xưa cảnh cũ hư hao. Đi qua một vùng biển dâu, mất trắng. Ngậm ngùi giấc tang bồng tan theo sương mai.
Rồi mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, những người năm cũ chia tay nhau, không lời. Có những mùa trăng đi qua vùng đất mới, ánh vàng không soi thấu hồn xưa. Có những đêm khuya tĩnh mịch, nhìn ra cửa sổ, thấy ánh đèn đường nhẫn nại dọi lối đi; và cây bạch đàn siêng năng khua cành theo gió. Đêm thinh lặng tưởng chừng làm bùng cả thính giác. Bỗng nhớ tiếng chim quốc thê thiết gọi hè về. Nao lòng ai một thuở. Tấc dạ quê hương ngỡ chỉ còn là hoài niệm, mơ hồ ẩn hiện trong những giấc mơ yên bình…
Sáng sớm một ngày vào hè, hương bạch đàn quyện theo gió. Người tuổi trẻ năm nao, nay là ông lão bạc phơ râu tóc, lúi húi đem thức ăn, nước uống cho bầy chim sẻ đang líu lo trên cây sồi của nhà người hàng xóm. Bình trà ban mai đã cạn. Tách cà phê nóng uống từ từ khi nắng lên cao. Một mình ngồi nhìn mây trắng bay. Ngày rằm sắp đến. Trời rạng một màu trăng, mà mắt mờ có thấy trăng đâu. Lui hui lau mắt kiếng trong đêm. Nhớ nước non xa vời.
California, ngày 24.5.2018
Vĩnh Hảo

Thursday, May 24, 2018

Trần Trung Ðạo: Viết từ Xa



Trần Trung Ðạo: Viết từ Xa


Ảnh: trưa hè ở ngoại ô Bangkok và viết ở phi trường Dubai
Khi còn hay qua làm việc ở Ấn, khi rảnh tôi thường xách máy hình đi quanh phố để ghi lại đời sống của người địa phương. Khi mỏi chân, tôi ghé mấy quán café góc đường tán gẫu với khách. Một lần, tôi đi vòng vòng như thế khá xa và đi lạc.
Trong trường hợp đó, tôi chỉ cần bước lên taxi hay gọi về văn phòng nhờ tài xế chạy đến đón là xong, nhưng tôi không làm.
Tôi ra một trò chơi với chính mình, thắng nếu cố gắng tìm cho ra đường về và thua nếu gọi taxi hay gọi về văn phòng. Tôi tìm mãi không ra khách sạn. Cuối cùng, đành đưa địa chỉ khách sạn cho một trong các bác lái xe ba bánh đang đậu một dãy dài. Bác đọc tên khách sạn và vui vẻ ra giá. Khi vừa tính bước lên xe, tôi nhìn lên hàng chữ trên bờ tường, thì ra đó là bờ tường khách sạn. Tôi chỉ tên khách sạn rồi chúng tôi nhìn nhau cười. Tôi đem chuyện này kể với một đồng nghiệp, anh chàng cũng cười và giải thích, bác tài sẽ đưa tôi đi một vòng ngắn và thả tôi xuống ở một cổng khác cũng vào khách sạn. Một trong vô số cách để sống còn trong một đất nước hơn tỉ dân và đầy hố cách ngăn về xã hội.
Tôi tìm ra đường về khách sạn ở Ấn Độ. Nhưng sáng hôm đó nếu thả tôi xuống Đà Nẵng và tự tìm đường về trong một trò chơi tương tự, tôi có thể đã thua. Tôi xa Đà Nẵng 38 năm và chưa về lại. Đà Nẵng trong tôi vẫn là một Đà Nẵng có những hàng cây sao, những chiếc ghế vuông, những tách trà nóng, những quán café Thạch Thảo, Thanh Hải, Ngọc Lan, những bãi biển Mỹ Khê, Thanh Bình, cây guitar cũ và hàng phượng đỏ trong sân trường.
Nhưng ngoại trừ những khi phải điền giấy tờ, tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Tôi không bao giờ là một nhà chính trị nhưng tôi biết mình là một người mang dòng máu Việt và quan tâm đến nước Việt.
Robert Pierre có lần phát biểu sau Cách Mạng Pháp 1789 “Yêu nước là tình yêu khắc nghiệt”, ông muốn nói tình yêu nước phải vượt lên trên mọi thứ tình yêu. Tôi thì khác, yêu nước, thật ra từ một lý do đơn giản, chỉ vi tôi yêu chính mình. Đời tôi gắn liền với sinh mệnh của đất nước trong một thời chiến tranh loạn lạc. Tôi cô đơn, dân tộc tôi cũng rất cô đơn. Tôi nghèo nàn dân tộc tôi cũng rất nghèo nàn. Tôi đứng lên khi bị đời xô ngã, dân tộc tôi cũng nhiều lần đứng lên sau mỗi lần bị xô ngã. Và vì thế, tôi vẫn luôn tìm cách đóng góp để thay đổi đất nước trong điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Trong thời gian viết, tôi nhận khá nhiều tin nhắn và thắc mắc về mọi vấn đề. Vừa rồi, có ý kiến của một cháu và cháu muốn tôi trả lời:
“..cháu nghĩ rằng chú nên nghĩ đến việc viết ra những nội dung nhẹ nhàng hơn, có tính sâu lắng và giúp người dân nhìn nhận ra những thực tế XH, nguyên nhân sâu xa của nó là, dễ hiểu thì giống như những bài của TS Alan Phan đã làm. Và cháu cùng những bạn trẻ khác cũng có nguyện vọng làm việc này, tuy nhiên có một thực tế rằng những đứa trẻ như tụi cháu hiện có giới hạn lớn về năng lực, do trường kỳ bị bào mòn tư duy trong lối giáo dục nhồi sọ của trường XHCN, và những người lớn tuổi mà có khả năng viết đủ tốt để đưa ra bản chất vấn đề như chú, có lẽ đa phần là chịu ảnh hưởng của GD thời trước, hiện nay đã sinh sống ở hải ngoại.”
Đó là câu hỏi và quan tâm chính đáng.
Nhưng lý do tôi không viết chuyện hàng ngày đang xảy ra và dùng các các mẫu chuyện đó tác động vào nhận thức của người dân như một số tác giả khác trong đó có TS Alan Phan vì hai lý do:
(1) Tôi xa nhà quá lâu để có thể sát với những sinh hoạt hằng ngày như các anh chị em cầm bút đang sống trong nước.
(2) Những tệ nạn đang xảy ra chỉ là hiện tượng của cùng một bản chất, đó là cơ chế CS. Hiện tượng thay đổi liên tục theo những biến động bên ngoài xã hội nhưng bản chất của cơ chế thì không.
Lấy tình trạng tham nhũng để chứng minh vì tham nhũng là một hiện tượng rõ nét nhất về quan hệ bản chất và hiện tượng.
Tháng 8, 1985, một nghiên cứu mật của CIA, thời đó được xếp vào hạng tối mật, về các chiến dịch chống tham nhũng tại Liên Sô cho biết các chính sách chống tham nhũng quyết liệt của Andropov và Chernenko nhưng chết nhanh như các tác giả của chúng thực tế chỉ nhằm để nâng cao uy thế của chế độ và giới hạn của những kẻ không cùng phe phái. Điều đó đã xảy ra dưới giai đoạn đầu củng cố và tập trung quyền lực của Tập Cận Bình, cũng như đang xảy ra tại Việt Nam.
Tham nhũng nếu làm sạch được thì CS Ba Lan đã không bị xoi mòn trong đầu thập niên 1980 và CS Liên Sô đã không bị lung lay tận gốc vào giữa thập niên 1980, cuối cùng dẫn tới sụp đổ trong thời Gorbachev. Tham nhũng không thể tận diệt dưới chế độ CS bởi vì tham nhũng có tính đảng và sự tồn tại của tệ trạng xã hội này gắn liền với sự tồn tại của đảng CS.
Các vấn nạn lớn khác trong xã hội CS, từ ích kỷ, hẹp hòi, lọc lừa dối trá cho tới thức ăn độc hại chúng ta đọc hàng ngày cũng vậy, đều có tính bản chất CS và tồn tại cùng bản chất CS.
Lấy tình trạng làm từ thiện tại Trung Cộng để chứng minh bản chất hẹp hòi, ích kỷ do chế độ CS gây ra.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Yanzhong Huang, đại học Seton Hall, trong một bài viết trên Forbes 30 tháng 5, 1914, dù khoác lác là nước giàu có thứ hai trên thế giới và sẽ đuổi kịp Mỹ trong thời gian ngắn, Trung Cộng là nước ích kỷ, hẹp hòi nhất thế giới từ đảng tới dân.
Toàn Trung Cộng chỉ có 2,961 cơ sở từ thiện, tức chỉ bằng 3 phần trăm so với Mỹ. Cơ chế CS tạo điều kiện và đẻ ra một tầng lớp giàu có nhưng thành phần đông đảo này theo thống kê năm 2012 chỉ tặng cho từ thiện 890 triệu Mỹ Kim. Một tỉ phú Trung Cộng đã từ chối đóng góp cho từ thiện 8,100 Mỹ kim một năm nhưng đã thua bạc số tiền tương tự chỉ trong một đêm.
Theo Giáo sư Oliver Rui, Director of CEIBS Center for Wealth Management, Trung Cộng có 355 tỉ phú nhưng bị cơ quan Chỉ Số Tinh Thần Thiện Nguyện Toàn Cầu (The CAF World Giving Index) năm 2015 xếp vào hạng 144 trong số 145 nước có tinh thần thiện nguyện.
Chung quy vẫn là cơ chế chính trị.
Phê bình các hiện tượng xã hội thối nát, ích kỷ, hẹp hòi là cần thiết nhưng nếu chỉ tập trung vào việc phê bình hiện tượng hay dừng lại ở việc phê bình hiện tượng sẽ rơi vào bẫy của chế độ.
Dân trí Việt Nam còn thấp nên hệ thống tuyên truyền CS, qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã dùng hiện tượng để giải thích và chi phối tình cảm yêu, thương, ghét, thù của người dân và họ đã thành công. Thực tế này cũng đã và đang xảy ra tại các nước đang phát triển, nơi đa số cử tri không nhìn xa khỏi căn nhà, bếp lửa và bữa cơm chiều. Nâng cao lý luận và nhận thức chính trị của người dân, nhất là trong thành phần đang dấn thân cho tương lai dân chủ của đất nước là một bức thiết.
Như câu hát “đường tuy xa nhưng tình bao la” trong bài Dây Thân Ái, tôi viết từ xa, sống từ xa nhưng tâm hồn tôi không xa lắm và biết đâu còn gần hơn một số người đang sống giữa quê hương.
Trần Trung Đạo

Wednesday, May 23, 2018

THƯ MỜI - Letter of Invitation



Sacramento, Ngày 17 tháng 5, 2018

THƯ MỜI

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT 
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni,
Kính thưa quý vị thiện hữu tri thức, quý cư sỹ, và quý đồng hương,
Kính thưa quý Huynh trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử và giới trẻ xa gần,

Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU sẽ được tổ chức tại Viet Bao Gallery, 14841 Moran St. Westminster, CA 92683, vào lúc 4:30--8:30 Chiều, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 6, 2018.
Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:
1.     Triển lãm tranh, sách.
2.     Chia sẻ kinh nghiệm đem Chánh Niệm / Phật Pháp vào Nhà Tù và Trường học ở tiểu bang California (Thầy Thích Thiện Tâm và Htr. Tâm Thường Định),
3.     Chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp trên mạng, song ngữ cho tuổi trẻ và thảo luận thử tìm một mẫu số chung (Quý Cư sỹ Tâm Diệu, Nguyên Giác, Tâm Huy, Tâm Quang, Tâm Thường Định và quý cư sỹ hiện tiền).
4.     Ra Mắt Sách của NXB Lotus Media, Inc., Hương Tích Phật Việt, Hoa Đàm, Viet Ananda Foundation, etc... trong đó có tác phẩm của Thầy Thích Như Điển, Thích Nguyên Tạng, cư sỹ Nguyên Giác, Trần Trung Đạo, Vĩnh Hảo, Bạch X. Phẻ, v.v…
Phần văn nghệ sẽ xen kẽ để hát cho nhau nghe.

Thành kính cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và trân trọng kính mời chư thiện tri thức, quý vị cư sỹ, và đồng hương; quý Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử cùng các bạn trẻ hoan hỷ dành ít thì giờ đến để CÓ MẶT CHO NHAU. 
            Sự hiện diện của quý Thầy Cô và quý vị là động lực lớn, là đạo tình đầm ấm, và là tấm lòng quý giá trên đời dành cho Ban Tổ Chức.

Trân trọng kính cung thỉnh và kính mời.

Thay mặt Ban Tổ Chức
Htr. Tâm Thường Định
(Bạch Xuân Phẻ)


Chương trình này có sự bảo trợ và giúp đỡ của:
1. BHD GĐPT Hoa Kỳ và BHD Miền Quảng Đức
2. Việt Báo
3. Thư Viện Hoa Sen / Viet Ananda Foundation
4. Asian World Media
5. Nguyệt San Chánh Pháp

6. Thao Bach Foundation

Sacramento May 17, 2018

Letter of Invitation

Dear honorable Venerables, fellow Buddhist laypersons, colleagues, beloved Vietnamese, wise friends, and members of the Vietnamese Buddhist Youth Associations,  
Ladies and Gentlemen,

In order to create an opportunity for all of us to share, learn, and discuss the work of sharing Buddhism through education, literature, and arts and the introduction of book publishers as well as new books, a one-day gathering titled, “Presence for Each Other, will be held at Viet Bao Gallery, 14841 Moran St. Westminster, CA 92683, from 4:30 p.m. - 8:30 p.m. on Saturday, June 2, 2018.
The gathering consists of the following activities:
Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:
  1. Arts and book exhibitions
  2. Sharing experiences about bring mindfulness meditation and Buddha Dharma into California state prisons and schools. (Ven. Thích Thiện Tâm 'aka Ven. De Hong') và Htr. Tâm Thường Định 'aka Phe Bach').
  3. Sharing experiences in propagating Dharma on the Internet. This session will be bilingual for the youths and discussing ways to find some common ground. (Buddhist friends Tâm Diệu, Nguyên Giác, Tâm Huy, Tâm Quang, Tâm Thường Định and those present).
  4. Books release by NXB Lotus Media, Inc., Hương Tích Phật Việt, Hoa Đàm, etc... including those by Nguyên Giác, Trần Trung Đạo, Vĩnh Hảo, Bạch X. Phẻ, v.v…

Entertainment-singing will be performed in between sessions

We humbly request your presence. We hope that all of you can join us in this meaningful gathering, including all members of the youth groups to spend some time in the “Presence for Each Other.”
Your presence is an honor and motivation for all of us in the warming spirit of the Dharma.

Respectfully yours,


On behalf of the organizing committee
Phe X. Bach

This program is sponsored and supported by the following organizations:
1. The Buddhist Youth Association from the US and Quảng Đức District.
2. Việt Báo Newspaper
3. Thư Viện Hoa Sen / Viet Ananda Foundation
4. Asian World Media
5. Nguyệt San Chánh Pháp (Monthly Buddhist Magazine)
6. Thao Bach Foundation